Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Vạ vịt

Vũ Thư Hiên

Tôi quen va khi va làm phiên dịch cho cameraman Liên Xô Roman Karmen, trường đoàn quay phim “Việt Nam Trên Đường Thắng Lợi”. Tôi phụ quay cho Eshurin, cameraman thứ hai trong đoàn.

Làm việc với Karmen, va đâm mê điện ảnh, mới xin giám đốc Phạm Văn Khoa vào làm việc ở Xưởng phim. Phạm Văn Khoa (biệt hiệu Khoa Tếu) gật, phân va vào phòng biên tập.

Phòng này khi ấy chỉ có hai người – Cao Nhị và tôi. Gọi là phòng cho nó oách, chứ chúng tôi chẳng có kịch bản nào để mà biên tập.

Va được bổ nhiệm trưởng phòng.

Tôi ngạc nhiên. Va chưa hề viết lách, trong khi Cao Nhị đã là nhà báo, là dịch giả có tiếng, lại chỉ là cán bộ thường.

Sau mới biết: va có đảng, và còn hơn thế, va từng là huyện ủy viên. Nguyên tắc đảng lãnh đạo từ ngày ấy được áp dụng triệt để ở bất cứ đâu, chẳng qua thằng tôi quá ngu ngơ nên mới không biết.

Thấp bé, vui tính, va không lên mặt trưởng phòng, va chơi với chúng tôi theo cách bạn bè cùng trang lứa.

Bẵng đi một dạo nhiều năm, tôi đi học nghề ở Liên Xô về, làm việc ở Xưởng phim. Cãi nhau với thằng cha trưởng phòng tổ chức, tôi sang nghề báo.

Rồi lại bẵng đi một dạo nữa, sau 9 năm ở tù, tôi gặp lại va.

Va đến tôi với câu hỏi bất ngờ:

- Này, các cậu có một tổ chức chống đảng thật đấy à?

- Ai bảo cậu thế?

- Người ta bảo.

- Người ta là ai?

- Công an. Chứ còn ai vào đấy?

- Khi nào?

Va bĩu môi:

- Bị bắt tớ mới biết.

Ủa, va cũng đi tù sao? Lại cùng một vụ với tôi?

Tôi biết hầu hết những người bị bắt trong cái mà tân vương Lê Duẩn gọi là: “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”, gọi tắt là "Nhóm xét lại chống Đảng". Cái tên dài thòng này chắc do thư ký đặt hộ, chứ tân vương làm gì đủ chữ cho một cái tội mới toe như thế.

Chúng tôi không biết “xét lại” là cái chi chi, chúng tôi trước khi bị bắt ắt hẳn là “xét đi”. Trong chúng tôi không ai nhắc tới va. Chẳng ai biết va bị dính vào đấy.

Tôi nói tôi biết “hầu hết” các bạn cùng vụ vì ngoài những cán bộ ở trung ương, tức ở Hà Nội, còn có nhiều người khác ở các địa phương. Trong tù tôi còn gặp một anh sinh viên bị bắt về khi đang học ở Hungary. Anh ta bị tội “xét lại” vì yêu một cô gái nước ngoài.

Hoá ra va cũng bị bắt, lại là người cùng trong một vụ với tôi mà tôi không biết. Vào thời gian ấy mọi cái dính dáng tới Liên Xô, nước “xét lại” đầu bảng, cộng vào đấy cả mấy nước Đông Âu nữa, đều là “xét lại” tuốt tuột. Va tình cờ rơi vào danh sách cán bộ bị Lê Duẩn, và Lê Đức Thọ nghi ngờ. Hai vị lãnh tụ thừa cảnh giác cách mạng có tặng va vài năm cải tạo cũng không oan.

- Làm chó gì có tổ chức nào – tôi nói.

- Thế mà tớ bị tóm cùng với các cậu đấy. Khốn nạn là thế.

- Tận cùng của sự khốn nạn, chứ lại không à? – nhìn va nhếch nhác, tóc tai bù xù, tôi kéo va vào nhà – Cậu tắm rửa rồi ăn cơm.

Trong bữa ăn va kể chuyện tù của va. Tôi vờ lắng nghe. Cái sự tù chẳng lạ với tôi. Người ở tù chẳng vì cái gì đầy rẫy. “Kẻ không theo ta là kẻ chống ta”, Lê Duẩn đã dõng dạc tuyên một cái ngôn như thế.

Va ăn như người lâu không được ăn.

- Cứ từ từ – tôi bảo.

Va chống đũa, cười méo mó.

Ít lâu sau, có người nói với tôi:

- Sau cái vụ bị tù cùng vụ các cậu, nó còn bị tù lần nữa.

- Sao? Lại tù? Vì cái gì?

- Tội ăn cắp xe đạp.

- Nó đâu có cái tính ấy.

- Thật mà.

Tôi không tin. Không thể tin được.

Hỏi va về vụ ấy, va thản nhiên xác nhận:

- Họ nói đúng đấy.

Tôi trợn mắt:

- Cậu? Mà ăn cắp xe đạp?

- Thật.

- Sao lại đổ đốn ra thế?

- Tớ ức cái sự bỏ tù vô lối – va lầu bầu – Mới bày ra cái vụ đó.

- Điên à? Để làm gì chứ?

- Để được đem ra xử chứ còn để làm gì? – va nhún vai – Để được ra trước toà án nói toạc móng heo vụ chúng nó bỏ tù tớ chẳng vì lý do lý trấu gì sất.

- Rồi cậu được xử?

- Không. Thế mới ức.

Cái vạ vịt ấy lẵng nhẵng theo va suốt đời.

Va cay nhất không phải chuyện ở tù. Va ở tù có lý do, cho dù là lý do ất ơ. Có ở tù tôi mới biết: vô thiên lủng người nọ tù chẳng có lý do nào. Hoặc có lý do không ra lý do.

Va ra tù, về nhà giữa đêm. Vợ va sập cửa, không cho vào.

Tôi ngạc nhiên:

- Nhà của cậu được phân chứ có phải của vợ cậu đâu.

Va nhún vai:

- Thì thế!

- Tệ quá! – tôi thở dài.

Va mặt đần, không nói gì thêm.

- Rồi cậu đi đâu?

- Ra công viên. Chứ còn đi đâu?

- Lạnh bỏ mẹ.

- Co quắp được một lúc thì bị dựng dậy.

- Bảo vệ công viên?

- Không. Công an.

- Rồi sao?

- Lôi về đồn, chứ còn sao.

- Tra hỏi?

- Không. Tống ngay vào phòng tạm giam.

- Ngủ được chứ?

- Như chết. Ấm mà.

- Rồi sao?

- Sáng ra họ mới hỏi.

- Rồi sao nữa?

- Tớ còn cái công lệnh cũ đi Đồng Hới chọn cảnh cho phim. Họ xem, a lô cho xưởng phim. Người ta xác nhận tớ từng là đạo diễn.

Tôi có xem phim của y. Nó được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ibraghimov, đạo diễn hạng ba của Liên Xô. Phim làm theo công thức thời thượng, nhạt phèo.

- Ờ, rồi sao?

- Người ta tống tớ ra đường.

Tôi biết nơi ở cũ của va. Nó là một trong mấy phòng của ngôi nhà tịch thu của người đi Nam. Năm 1954 có ối nhà như thế.

Va còn đến tôi vài lần nữa.

Không thân, nhưng là chỗ bạn bè, tôi không thể không tiếp. Va đến, ăn rồi ngủ lại.

Thỉnh thoảng, lâu lâu, chúng tôi chợt nhớ tới va:

- Nó đâu rồi ấy nhỉ?

Không ai biết va ở đâu, làm gì.

Có người nói lần cuối anh ta gặp va ở Lạng Sơn.

Va biến mất từ đấy.

- Có thể hắn vượt biên sang Trung Quốc – người kể nói.

Tôi không tin:

- Nó sang đấy làm gì?

- Có trời biết. Hắn ta thạo tiếng Hoa. Hồi xưa hắn học tiếng Nga ở Bắc Kinh mà. Một cậu bạn học của hắn ta, cùng nghề phiên dịch, sau làm đến bộ trưởng đấy.

- Bạn người Tàu?

- Không, người ta.

- Rồi không ai nghe gì về cậu ấy nữa?

- Không.

- Lạ nhỉ?

- Có gì lạ – người kể nhún vai – Hai nước đang lủng củng. Rất có thể Tàu nghi hắn là gián điệp Việt. Việt thì lại nghi hắn vượt biên sang Tàu vì được Tàu đào tạo. Mà hắn sang Tàu làm gì? Nghi ngờ nào thì cũng dẫn hắn vào tù. Tù Việt, tù Tàu cũng là tù. Mà ở đâu thì hắn cũng là tù không án, gọi là tập trung cải tạo.

Va tên là Vạn, biệt danh Huy Vân.

Tôi không biết gì thêm về va.

Va chìm nghỉm, không sủi tăm. Như một hòn sỏi ném xuống ao.

Ai cũng có thể là va.

Một cái vạ vịt.

Nhưng cũng đủ làm tan nát một cuộc đời.