Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Về dân chủ

M. Gorky, (“Đời mới”, № 174, 7 (20) tháng Mười Một, 1917)

Lã Nguyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Các vị Bộ trưởng – những người theo chủ nghĩa xã hội – sau khi được Lenin và Trotsky phóng thích khỏi pháo đài Ptropavlovsky, liền ai về nhà nấy, bỏ mặc các đồng chí của mình là M.V. Bernatsky, A.I. Konovalov, M.I. Tereshchenko[1] và nhiều nhân vật khác trong chính quyền, những người chẳng có chút ý niệm gì về tự do cá nhân và các quyền của con người.

Lenin, Trotsky và những kẻ đi theo họ đã bị ngấm nọc độc hủ bại của quyền lực; thái độ vô sỉ của họ về tự do ngôn luận, tự do cá nhân và mọi quyền tự do khác, vốn là lý tưởng tranh đấu của nền dân chủ, đã chứng tỏ điều đó.

Những kẻ cuồng tín mù quáng và đám phiêu lưu táng tận lương tâm vội đâm đầu chạy bổ theo con đường có vẻ như “cách mạng xã hội”, kì thực đó là con đường dẫn đến tình trạng vô chính phủ, đưa tới sự hủy diệt giai cấp vô sản và cách mạng vô sản.

Trên con đường ấy, Lenin và các chiến hữu của ông sẵn sàng chấp nhận mọi tội ác, ví như vụ thảm sát ở Petrograd[2], vụ hủy diệt ở Moskva[3], việc xóa bỏ quyền tự do ngôn luận và hàng loạt vụ bắt bớ phi lí – đó là tất cả những điều đê tiện mà Plehve và Stolypin đã làm.

Tất nhiên, Stolypin và Plehve đã đi ngược lại nền dân chủ, chống lại tất cả những gì sống động và trung thực ở nước Nga, và hiện tại có một bộ phận công nhân đáng kể đang đi theo Lenin. Nhưng tôi tin rằng lí trí của giai cấp công nhân, ý thức của họ về những nhiệm vụ lịch sử của mình sẽ sớm giúp giai cấp vô sản mở to mắt để thấy rõ những lời hứa hão, không thể thực hiện được của Lenin, thấy tận cùng của sự điên rồ và chủ nghĩa vô chính phủ theo kiểu Nechaev-Bakunin của ông ta.

Giai cấp công nhân không thể không hiểu ra rằng Lenin chỉ theo đuổi một cuộc thử nghiệm trên da thịt của giai cấp công nhân và chỉ muốn dùng máu của giai cấp vô sản để đẩy tinh thần cách mạng của họ đến tột cùng nhằm xem điều gì sẽ diễn ra?

Tất nhiên, họ không tin vào khả năng chiến thắng của giai cấp vô sản ở nước Nga trong những điều kiện hiện có, nhưng, có thể, họ hi vọng vào một sự mầu nhiệm.

Giai cấp công nhân cần phải biết rằng sự mầu nhiệm hoàn toàn không có trong thực tại, chỉ có nạn đói đang chờ đợi, sự đổ vỡ hoàn toàn của ngành công nghiệp, phương tiện giao thông bị tàn phá, tình trạng vô chính phủ đẫm máu kéo dài, và sau đó sẽ là phản ứng ảm đạm và đẫm máu không kém.

Đó chính là chỗ mà vị lãnh tụ hiện nay muốn dẫn dắt giai cấp vô sản đi tới, và người ta cần hiểu rằng Lenin không phải là vị phù thủy toàn năng, mà là nhà ảo thuật máu lạnh, kẻ không tiếc danh dự và sinh mạng của giai cấp vô sản.

Anh em công nhân không được để đám phiêu lưu và bọn điên rồ trút lên đầu giai cấp vô sản những tội ác đê hèn, phi lí và đẫm máu, vì trả giá cho những tội ác ấy không phải là Lenin, mà chính là giai cấp vô sản.

Tôi xin hỏi:

Nền dân chủ Nga có nhớ vì sự chiến thắng của những tư tưởng như thế nào mà nó đã chiến đấu chống lại nền chuyên chế của chế độ quân chủ?

Nó có nghĩ rằng bây giờ nó đã đủ khả năng tiếp tục cuộc đấu tranh này không?

Nó có nhớ rằng khi hiến binh của Romanov ném các lãnh tụ tư tưởng của nó vào tù và đày họ đi lao động khổ sai, thì nó đã gọi đó là biện pháp đấu tranh đê tiện không?

Thái độ của Lenin đối với quyền tự do ngôn luận có gì khác so với thái độ của Stolypins, Plehve và lũ á nhân khác? Chẳng phải chính quyền của Lenin cũng bắt bớ và bỏ tù tất cả những người bất đồng chính kiến hệt như chính quyền của Romanov đã làm sao?

Vì sao Bernatsky, Konovalov và những thành viên khác của chính phủ liên hiệp[4] thì bị giam trong pháo đài, chẳng lẽ họ phạm tội nhiều hơn so với các đồng chí – xã hội chủ nghĩa đã được Lenin phóng thích?

Câu trả lời trung thực duy nhất cho những câu hỏi nói trên chắc chắn là yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các vị Bộ trưởng và những người khác đã bị bắt giữ một cách sai trái, đồng thời phải khôi phục toàn bộ quyền tự do ngôn luận.

Sau đó, bộ phận có lí trí của nền dân chủ sẽ phải đưa ra kết luận tiếp theo — họ phải quyết định xem liệu có thể đi chung đường với những kẻ mưu phản và bọn vô chính phủ kiểu Nechaev hay không?[5]

Nguồn: M. Gorky – Về dân chủ. Trong M. Gorky - Những ý nghĩ không hợp thời (G. Ermolaev biên tập, giới thiệu và chú thích), Editions de la Seine, Paris, 1971, tr. 101-103.


[1] M.V. Bernatsky (1876-1943) – Bộ trưởng Ngân hàng của Chính phủ lâm thời (1917), A.I. Konovalov (1875-1948) – Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của Chính phủ lâm thời (1917), M.I. Tereshchenko (1886-1956) – năm 1917 làm Bộ trưởng Ngân hàng, sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ lâm thời Nga. (Tất cả chú thích trong bài là của G. Ermolaev – LN).

[2] Ở đây nói về các trận chiến giữa quân Cô-dắc của tướng P. N. Krasnov và lực lượng Bolshevik tại khu vực Pulkovo và Tsarskoe Selo vào ngày 30 tháng 10 (Lịch cũ). Quân Cô-dắc đã được A.F. Kerensky, Bộ trưởng, Chủ tịch Chính phủ lâm thời bị phế truất, điều chuyển đến Petrograd.

[3] Sự tàn phá do các đơn vị Hồng quân, đặc biệt là pháo binh gây ra trong các trận chiến với võ sinh quân ở Moskva, được trình bày chi tiết trong một bút kí của Gorky. Báo chí Bolshevik phủ nhận các thông tin về thất bại của Moskva như là sự vu khống. Chẳng hạn Bukharin tuyên bố rằng tin tức trên tờ “Đời mới” và các tờ báo khác về sự tàn phá và những chuyện càn rỡ ở Moskva là nhằm “tạo điều kiện cho giai cấp tư sản phản cách mạng chiến thắng”. Xem “Diễn văn của Bukharin”, “Sự thật”, ngày 20 tháng 11 (7), 1917. Trước đó một chút, M. Markovsky đã nhất nhất buộc tội “Đời mới” gieo rắc sự hỗn loạn và tâm trạng lo lắng bằng cách công bố những thông tin trái ngược nhau. Xem “Gửi cho độc giả của “Đời mới””, “Sự thật”, ngày 15 tháng 11 (2), 1917.

[4] “Chính phủ liên hiệp” là tên ba nội các cuối cùng của Chính phủ lâm thời, gồm những người theo chủ nghĩa xã hội và phi xã hội chủ nghĩa. Nội các đầu tiên (tháng 3 – tháng 5 năm 1917) hầu như chỉ bao gồm những đảng viên Bảo thủ và Võ sinh quân.

[5] Câu trả lời cho bài báo này xuất hiện trên tờ “Sự thật” vào ngày 22 tháng 11 năm 1917 dưới hình thức một bức thư “Chúng tôi và họ (gửi M. Gorky)” được kí tên “Công nhân” Iv. Loginov. Nhà thơ vô sản hạng hai và cộng tác viên của “Sự thật” I. S. Loginov (1891-1942) muốn biết Gorky nói tới “bộ phận có lí trí nào của nền dân chủ”: nói tới Kuprin mà theo nhận xét của ông, nền dân chủ của thợ thuyền là đám dân ngu khu đen vô cùng khát máu và quân súc sinh hè phố phóng đãng, hay nói tới Balmont, người đã phát biểu bằng bài thơ “Gửi tướng L.G. Kornilov”, trong đó tác giả nói về tình trạng vô chính phủ, thiếu trung thực và bạo lực của chế độ mới? Thay vì phẫn nộ trước sự ghê tởm như vậy của giới cầm bút cùng cánh, Gorky lại phẫn nộ trước sự ghê tởm và tội ác tưởng tượng của Lenin và các đồng chí của Người, tức là “nền dân chủ chân chính của nhân dân”. Lời đáp trả chung dành cho thái độ chỉ trích của tờ “Đời mới” đối với những người Bolshevik đã được công bố trên tờ “Sự thật” ngày 28 tháng 11 năm 1917 dưới dạng một bài báo của V. Bystryainsky “Về giai cấp vô sản và những kẻ mị dân”. V. Bystryainski (thường là: V. Bystryansky) là bút danh của nhà chính luận bolshevik Vadim Alexandrovich Vatin (1886-1940).