Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Stephen Hawking đối diện vũ trụ

Hồ Anh Thái

Nhà khoa học ngồi ngoẹo đầu trên chiếc xe lăn, giảng bài và diễn thuyết thông qua một chiếc máy vi tính có thể chuyển đổi những phím bấm thành tiếng nói. Đó là hình ảnh một con người phi thường của thời đại chúng ta.

Không chỉ nghiên cứu và giảng dạy, Stephen Hawking còn là tác giả của những cuốn sách vừa phổ cập hóa kiến thức về vũ trụ, vừa làm rõ ràng hơn những luận thuyết dường như xa vời của ông: Lược sử thời gian (1988), Lỗ đen và vũ trụ nhỏ bé (1993), Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ (2000)… và cuốn sách dành cho thiếu nhi mà ông viết chung với con gái: Chìa khóa vũ trụ của George (2007)…

Đọc sách: Stephen Hawking đối diện vũ trụ -0

Stephen Hawking sinh năm 1942, từ bé đã là một đứa trẻ còm nhom ốm yếu. Năm hai mươi mốt tuổi, chàng trai bắt đầu mắc bệnh Lou Gehrig, bệnh xơ cứng cột bên teo cơ. Do một nơ ron tế bào thần kinh gây suy yếu và phá hủy cơ bắp, các cơ bắp dần dần bị yếu và teo đi. “Hawking bị tê bì bàn tay đến mức không thể buộc được dây giày và đôi chân yếu dần đến mức không thể đứng được”. Bác sĩ chẩn đoán chàng trai chỉ sống được thêm hai năm nữa. Nhưng thực tế là ông đã chiến đấu không ngừng với căn bệnh và sống đến năm 2018, thọ bảy mươi sáu tuổi. “Thành tích lớn nhất cuộc đời tôi chính là được sống” (trang 175). Không chỉ là kéo dài cuộc sống, mà suốt hơn ba mươi năm sau khi ngã bệnh là thời gian ông làm việc sung sức nhất: Cùng với nhà khoa học Roger Penrose chứng minh được lý thuyết về lỗ đen và điểm kỳ dị năm 1967, tự mình hoàn thiện lý thuyết lỗ đen bốc hơi năm 1975, rồi gần ba mươi năm sau tự nhận sai và sửa lại, để hoàn chỉnh lý thuyết này. Một chàng trai tật nguyền ngồi trên xe lăn đã can đảm tấn công vào lý thuyết của những bậc thầy đáng kính, ban đầu Hawking còn bị coi là bệnh hoạn và điên rồ. Nhưng dần dần ông đã thuyết phục được người thầy và các đàn anh của mình.

Tuổi thơ của Stephen Hawking nổi bật ở tính tò mò và mê sách. Tháo tung đồng hồ của bạn và đồ chơi của các em để lắp ráp lại được như cũ. Vừa đi đường vừa đọc sách đến mức đâm sầm vào người khác hoặc vấp ngã. Người tò mò có tính vui vẻ và khỏe mạnh về tinh thần. Người mê sách tiếp nhận được kinh nghiệm gián tiếp và nâng cao khả năng học hỏi.

Góp phần không nhỏ vào thành công của Stephen Hawking là người vợ. Họ yêu nhau từ trong trường đại học, và ngay cả khi bác sĩ nói chàng trai chỉ sống được hai năm nữa, Jane Wilde vẫn chấp nhận lấy người chồng trẻ tàn tật. Ba chục năm sau đó, bà kiên trì động viên ông trong mọi việc, chăm sóc ông trên xe lăn, sinh cho ông ba đứa con, vừa làm vợ làm mẹ vừa làm hộ lý cho ông. Người chồng đạt đến đỉnh cao khoa học, trở thành hội viên Hội Hoàng gia London và được bổ nhiệm chức giáo sư toán học Lucas của Đại học Cambridge… nhờ sự hỗ trợ vô điều kiện của Jane Wilde. Nhưng sau ba mươi năm, người vợ cũng quá mệt mỏi với một người chồng bệnh tật và họ phải chia tay. Đây là một bằng chứng rằng mọi sự hy sinh dù to lớn đến mấy thực ra đều hữu hạn. Nhất là những nỗ lực như chăm sóc người tật nguyền.

Trí tuệ của Stephen Hawking đã phát lộ và tỏa sáng đến thế, cũng còn có công của rất nhiều người cộng tác, như người bạn Roger Penrose, hoặc một chuyên gia máy tính người Mỹ. Khi Hawking bị viêm phổi cấp, phải mổ và cắt bỏ khí quản, tức là ông không còn nói được nữa, chuyên gia máy tính người Mỹ đó quyết định giúp đỡ. Ông ta phát minh ra chiếc máy vi tính khá nặng, gắn vào xe lăn của Hawking, chỉ cần dùng ngón tay ấn để chọn chữ thì những chữ đó sẽ hiển thị lên màn hình và phát ra tiếng nhờ thiết bị tích hợp âm thanh… Phát minh này ngày nay không còn lạ, nhưng ở những năm 1980 thì đó là một bước ngoặt và hỗ trợ rất nhiều cho nhà vật lý siêu phàm.

Bản dịch khá sáng sủa, nhưng cũng xin góp ý với người dịch và biên tập viên về việc để lẫn một số phương ngữ theo kiểu: Tớ mới có quà của bố gửi từ Mỹ về nè (trang 39), đẹp quá ha (trang 40), thôi khỏi cần (trang 44), cháu tiến bộ nhanh ha (trang 61), chu choa, nó hoạt động thật nè (trang 58), giải cùng bọn tớ nha (trang 83)… Phương ngữ, dù của vùng miền nào, vẫn thường khiến người đọc có thể bị vấp. Người sử dụng chữ hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt phổ thông để bảo đảm độ nguyên lành cho ngôn ngữ và thông suốt đến nhiều đối tượng người đọc.

 

------

* Chuyện kể về danh nhân thế giới: Stephen Hawking, truyện tranh Hàn Quốc, Cao Thị Hải Bắc dịch, NXB Kim Đồng 2022