Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Sống với nửa sự thật

Nguyễn Hoàng Văn

Tin tức mới đây về “Phi công Việt Đỗ Hữu Vị” làm tôi nghĩ đến hiện trạng “nửa sự thật” trên đất nước chúng ta, cái hiện trạng mà chúng ta phải “sống chung với” ít ra cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi!

Và đó, “sống chung với”, đã là một diễn ngôn quen thuộc trên báo chí từ mấy thập niên nay với một danh sách thực dài, nào là “sống chung với tiêu cực”, “sống chung với ô nhiễm”, “sống chung với BOT” rồi “sống chung với thủy điện”, v.v. Danh sách thì dài nhưng những yếu tố liệt kê không hẳn là riêng lẻ mà còn có những mối quan hệ tương liên hay số mẫu số chung nào đó, thí dụ như “ô nhiễm”, “BOT” và “thủy điện”: sống chung với những thứ này còn có nghĩa là sống chung với “lợi ích nhóm” hay, khái quát hơn, là sống chung với chủ nghĩa tư bản thân hữu, crony capitalism, cho dù trên danh nghĩa thì vẫn cứ là cộng hòa xã hội. [1]

Việc “sống chung với” này có thể hiểu như là một sự thích nghi để tồn tại, một sự buông xuôi hay bó tay cam chịu bởi lực bất tòng tâm mà cũng có thể diễn đạt như một sự khuất phục, đầu hàng hay hạ thấp phẩm giá hay sự tự trọng để được yên thân nhưng, gì thì gì, lâu ngày như thế, thói quen ấy sẽ trở thành một căn tính, một “phản xạ tự nhiên”. Và trong cái phản xạ tự nhiên đó chúng ta không chỉ trở nên quen thuộc với những sự thật nửa vời mà, nhiều khi, còn tiếp tay sản xuất ra một nửa sự thật.

Hiện tôi vẫn chưa tìm được xuất xứ câu “Nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật” (Half of the bread is still the bread, but half of the truth is not the truth) nhưng, trong khi tra cứu, lại phát hiện một ý kiến thú vị cho là của nhà văn Mỹ Mark Twain: “Rắc rối của sự thật nửa vời là bạn không bao giờ biết mình đang nắm nửa nào!” (The problem with half truths is you never know which half you have a hold of.)

Đó cũng chính là “rắc rối” trong những bản tin với hàm ý tự hào về một “danh nhân đất Việt” trên báo chí qua việc ông họ Đỗ được nhà nước Pháp vinh danh, thí dụ bản tin “Phi công Việt Đỗ Hữu Vị được đặt tên quảng trường ở Pháp” trên báo Tuổi Trẻ: thực ra, đây chỉ là một nửa sự thật và vẫn còn có một nửa khác mà họ không nhắc tới. [2]

Nhân vật này, thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đó, thí dụ như thời trẻ ông Nguyễn Văn Thiệu từng theo học tại một trường kỹ thuật tọa lạc trên đường Đỗ Hữu Vị ở Sài Gòn hay, nhà văn Nguyễn Khải, cũng thời trẻ, tại Hà Nội, từng sống ở phố cùng tên. Nhưng mấy thông tin vô vị này không hề làm tôi chú ý mãi đến khi phát hiện rằng kẻ được Thực dân Pháp đặt tên đường ở hai đầu đất nước này còn được một sử gia Việt Nam mang ra so sánh với… Napoleon và Hitler.

Trong luận án tiến sĩ trình tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1975 nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã xem ông Đỗ này như là “trường hợp thu nhỏ” của “một Napoleon gốc đảo Corse đòi làm dân Pháp, một Hitler gốc Áo cố làm dân Đức: cố biểu diễn nhiều hành động hơn người chính quốc để với người thì mong được thu nhận, với mình thì xóa bỏ mặc cảm con nuôi trong một quốc gia mới”. [3]

Ông Đỗ này (1883-1916) chào đời như một công dân Pháp và khi sống hay khi lao vào chỗ chết đều cố hết sức để “biểu diễn” Pháp tính của mình sao cho nổi trội, hơn người. Mà thật, nói theo sử gia trên, về mặt văn hóa và chủng tộc thì người Corse không khác mấy so với người Pháp cũng như người Áo không khác mấy so với người Đức, ông họ Đỗ da vàng này lại quá khác xa nên mức độ biểu diễn phải cao hơn rất nhiều. Ông ta phải biểu diễn gấp đôi người Pháp, cái nỗ lực thể hiện qua kiểu lên gân với Albert Sarraut khi tình nguyện trở lại Pháp tham gia Đệ nhất thế chiến dù viên Toàn quyền Đông Dương này cố giữ lại: “Tôi vừa là người Pháp, vừa là người Nam; bổn phận của tôi lại nặng gấp đôi ngài”.

Đỗ Hữu Vị là con trai Đỗ Hữu Phương (1841-1914), tên Việt gian khét tiếng với bàn tay thấm đầy máu những nghĩa binh yêu nước, từ nghĩa binh Trương Định ở Gò Công đến nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá nên sinh thời đã bị Phan Văn Trị mắng mỏ, đến khi nấm mồ đã xanh và tàn bao nhiêu chục mùa cỏ cũng bị Vương Hồng Sển lôi ra mỉa mai, nhờm tởm, nói là bị nghiệp báo đáng đời khi cái nhà thờ của y lọt thỏm vào khu vực xanh nhớt đờm dãi của giới chứa thổ đổ hồ.

Phương là người gốc Hoa, ngụ tại Chợ Lớn. Năm 1859 Pháp tấn công Gia Định thì lánh mặt “tọa sơn quan hổ đấu” và đợi đến đầu năm 1861, khi Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương chỉ huy thất thủ, mới ra đầu quân với Francis Garnier, tên xâm lược mà 12 năm sau đó, trong chiến dịch xâm lăng Bắc Kỳ, bị quân Cờ Đen tiêu diệt trong trận mai phục tại Cầu Giấy. Được Garnier giao nhiệm vụ dọ thám những hoạt động chống đối ở vùng Chợ Lớn, Phương đã lạm dụng vai trò này để làm môi giới hối lộ giữa các thương gia người Hoa với các viên chức Pháp và giàu lên nhanh chóng. Thậm chí Phương còn hiến kế, hối thúc Pháp đánh chiếm nốt ba tỉnh miền Tây và, với công lao sâu dày này, Phương được ban quốc tịch Pháp vào năm 1881, được ban hàm “tổng đốc” và đặc quyền khai khẩn để trở thành người giàu thứ hai Nam bộ, chỉ sau bố vợ của Bảo Đại: “Nhất Sĩ nhì Phương”.

Chào đời khi bố đã có gần ba năm làm công dân Pháp, Đỗ Hữu Vị đã được dưỡng dục để… thôi làm người Việt, từ trẻ đã sang Pháp để học trung học, gia nhập trường võ bị Saint-Cyr rồi trở thành một sĩ quan trong đội quân lê dương, chiến đấu tại Bắc Phi và Trung Cận Đông. Đỗ Hữu Vị còn trở thành phi công chiến đấu nhưng, do một tai nạn phi hành, đã phải chuyển qua một đơn vị bộ binh rồi tử trận tại phòng tuyến sông Somme năm 1916 với cấp bậc đại úy. Gần 20 năm sau đó, để chuẩn bị cho Đệ nhị thế chiến, người Pháp lại lôi tên tuổi của Vị ra đánh bóng để dụ dỗ người Việt đổ máu cho chính quốc: nào là tem Đỗ Hữu Vị, nào là trường Đỗ Hữu Vị, nào là đường Đỗ Hữu Vị, ở Hà Nội và ở Sài Gòn.

Những dòng vắn tắt tham khảo từ từ điển phổ thông Wikipedia này không thể diễn tả hết cuộc đời Đỗ Hữu Vị nhưng ít ra cũng là một bản tóm tắt đầy đủ để, ít ra, khi đọc tin nước Pháp có thêm một quảng trưởng Đỗ Hữu Vị, người Việt không phải ngay lập tức… tự hào, một cách vô điều kiện như cung cách mà báo chí trong nước vừa mới thông tin. Cái lối tường thuật này, ngoài cái tâm lý “hớn hở khi được Tây khen” như là biểu hiện của một thứ não trạng nhược tiểu, còn là thói quen sống với một nửa sự thật.

Cái thói quen này, mới nhất, đã thể hiện qua miệng lưỡi một quan chức nhà nước khi “bác bỏ về thông tin một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn.” [4] Nhưng “cá nhân đứng đầu” đó là ai? Và “doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định” đó là doanh nghiệp nào? Ông ta, một tướng lĩnh của Bộ Công an trong vai trò phát ngôn viên, chỉ nói chung chung, chỉ giải thích mơ hồ, ẩn số chồng lên ẩn số, cứ như là trong một triều đại quân chủ nào đó, phải húy kỵ với cái tên Phạm Nhật Vượng và cái đế chế VinGroup với ngàn vạn vòi bạch tuộc của y; cũng giống như ông chủ tịch năm nào đã húy kỵ với tên thật, phải ỡm ờ là X. Lúc đó thì cả nước đều biết rõ “X” là Dũng nhưng bây giờ thì không phải ai cũng biết “cá nhân đứng đầu” đó là Vượng, và họ sẽ vò đầu bứt tai trước thứ sự thật nửa vời mà Mark Twain xem như là “lời dối trá hèn nhát nhất”: A half-truth is the most cowardly of lies.

Nếu đó chỉ là phát biểu cho qua chuyện trong một cuộc họp báo thì, ngay cả một công trình biên khảo công phu nhằm lột trần những sự thật bị cất giấu, cũng có cái gì đó thiếu trọn vẹn, dẫu là rất nhỏ, như cuốn Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử đã khiến công luận xôn xao từ khi ra mắt. [5]

Công trình được thực hiện với tình yêu trong sáng của một người con, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Cao Bảo Vân, với cha, tướng Cao Văn Khánh, và thực hiện bằng óc khoa học của một nhà hàn lâm đã được đào tạo bài bản tại Nga, tại Pháp. Để tái hiện cuộc đời của cha mình, và cũng là tái tạo lịch sử trong cái nhìn hậu nghiệm, tác giả đã đãi lọc từ hàng vạn trang viết hay có khi hơn thế để tìm ra dấu vết cũng như phỏng vấn rất nhiều nhân chứng. Cao Văn Khánh, qua những trang viết trên, là một tướng tài, trí dũng song toàn, với nhiều chiến công nhưng do không xuất thân từ thành phần “cơ bản”, lại có hai anh trai là nghị sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã vậy lại còn thân cận với Võ Nguyên Giáp nên bị liệt tên vào sổ đen trong cuộc giằng co mang tên “đấu tranh chống xét lại”, phải đeo lon đại tá suốt 27 năm trời, phải luôn luôn là cấp phó và chỉ được nhắc tên một cách cực kỳ kiệm lời trong sổ vàng công trạng. Tình yêu của con với cha, theo nhận xét của tôi, còn xúc tác từ sự bất bình, nếu không nói là công phẫn trước những bất công mà cha từng gánh chịu, trước “một nửa sự thật” mà hệ thống chính trị vẫn còn cất giữ về cha. Thế nhưng chính cái một công trình để giải quyết những trái ngang “một nửa sự thật” này cũng không thoát khỏi vết xe đổ ấy, vẫn tiếp tục sản xuất ra một nửa sự thật.

Đó đây, trong “hồi ức lịch sử” này, bên cạnh những con người có tên có tuổi, thỉnh thoảng chúng ta lại vò đầu trước những nhân vật không có giấy khai sinh. Đầu tiên là “ông M”, một “thủ trưởng chính trị” của “Ban biên soạn Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam”, kẻ cứ thấy tên cha cô là gạch, viện lý chỉ ghi nhận những tướng quân đã vào đảng từ đầu và còn phải thuộc về “thành phần cơ bản”. [6] Rồi đến một “ông H” khá là buồn cười vì tình trạng giấu đầu lòi đuôi.

Trong chương viết về “Trị Thiên 1972” tác giả kể lại cảnh cha mình xăm xăm gặp H, là Tư lệnh Mặt trận, để giận dữ phản đối về quyết định kỷ luật tư lệnh sư đoàn 308 Nguyễn Hữu An, chỉ vì nhà chỉ huy này không chịu thí quân dưới hỏa lực khủng khiếp của đối thủ. [7] Ông H là ai, tác giả không chịu nêu tên dẫu rằng, qua những trang trước đó, không cần tinh ý lắm, người đọc biết ngày rằng đó là ông tướng gốc bần cố nông Trần Quý Hai, xuất thân là du kích Ba Tơ và đến lúc đó đã là Thứ trưởng Quốc phòng, được cử vào làm tư lệnh khi mặt trận lâm cảnh bế tắc trước sức phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. “Ông H” cũng là người mà, sau trận rải thảm của B-52 trong chiến dịch Khe Sanh trước đó có mấy năm và, trong sách, chỉ cách đó vài chục trang, chỉ có thể nằm trên cáng cho lính khiêng và, không chỉ không đi nổi, ông Thứ trưởng Quốc phòng đang nắm vai trò “Tư lệnh Mặt trận Đường 9 Bắc Quảng Trị” này thậm chí không nắm vững một kiến thức quân sự tối thiểu để tự hành hạ mình và những người lính đang è cổ khiêng mình, không dám bật đèn dò đường giữa đêm tối vì sợ con mắt dọ thám của B-52, đến khi cha tác giả – trong vai trò phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng – xuất hiện với ánh đèn pin, giải thích rằng loại máy bay ném bom chiến lược này chỉ oanh tạc theo tọa độ, không hề lòng vòng bay quanh để rọi mắt dò xét từng cái bóng đèn. [8]

Một nhân vật thiếu giấy khai sinh khác là LK, bí thư của Văn Tiến Dũng. Trong hội nghị “tổng kết nghệ thuật chiến tranh”, nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn, người nghiện nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Mậu Thân 1968, gợi ý rằng chiến thắng năm 1975 phải có phần cho “nổi dậy” chứ không chỉ là quân sự thuần túy, có vẻ như để hạ thấp vai trò của của cánh quân sự mà đứng đầu là Võ Nguyên Giáp. Khi tướng Khánh từ chối việc kết luận hội nghị và đề nghị Văn Tiến Dũng hãy đảm nhiệm thay vì “không thể nói những lời trái lòng mình”, LK đã phát tán tin đồn việc sa thải tướng Khánh khiến ông nổi giận phản ứng đến độ Văn Tiến Dũng phải ra lệnh con người chỉ có tên tắt này đến tận nhà xin lỗi. [9]

Nhìn từ bên ngoài, bằng con mắt của Mark Twain, chúng ta có thể thắc mắc rằng đây là một vấn đề lịch sử chứ đâu phải một vụ kiện đang chờ xét xử với những ràng buộc pháp lý để phải né tránh, lòng vòng? Và đây cũng không phải là một cuộc đấu tranh “ai thắng ai” một mất một còn đang hồi gay cấn ở giai đoạn bất phân thắng bại với những hệ lụy chính trị khó lường để lập lờ như là ẩn số X? Kể lại một câu chuyện quá khứ, công khai hóa một vấn đề lịch sử thì tại sao phải e dè tên tuổi của những nhân vật đằng sau câu chuyện và vấn đề đó? Nhưng nếu nhìn từ bên trong thì, ắt hẳn, chúng ta sẽ tự hỏi là nếu đầu thai làm một nhà văn Việt Nam trong kỷ nguyên nửa sự thật này, liệu Mark Twain có biết sợ như Nguyễn Tuân, có cam tâm giết đến một nửa sự thật như Chế Lan Viên, chỉ để tồn tại? [10]

I think, therefore I am - Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại, chúng ta vẫn thường nhắc nhau câu này của René Descartes nhưng trong một môi trường như thế thì “tư duy” quan trọng nhất chỉ đơn thuần là chọn lựa, là thái độ, như Nguyễn Tuân, “Tôi biết sợ, nhờ thế tôi tồn tại”, hay như Chế Lan Viên “Tôi giết một nửa sự thật, nhờ thế tôi tồn tại” hay, “Tôi vờ vịt ăn bánh vẽ, nhờ thế tôi mới được anh bánh thật” mà, chung quy, cả hai trường hợp, nói cho cùng, cũng chỉ dựa trên cái mẫu số chung của sự dối trá: “Tôi dối trá, nhờ thế tôi tồn tại”. [11] Nếu đây là chọn lựa phò chính thống thì, đó đây, dù hiếm hoi, cũng có những chọn lựa phản chính thống như Nguyễn Hữu Đang hay như Hữu Loan để rồi phải trả giá bằng cả cuộc đời và cả gia đình mình. Còn cả những chọn lựa đi dây, cuốn theo chiều gió, luồn lách qua sáu tầng canh gác trên từng hàng chữ của mình, cũng để tồn tại, như Tô Hải. [12]

Trong một môi trường như thế, với những chọn lựa như thế nên, dù đã hòa bình, mỗi ngày trên đất nước vẫn tiếp tục là mỗi tang lễ cho chiến cuộc. The first casualty when war comes is truth, nói theo nhà chính trị Mỹ Hiram Warren Johnson thì nếu nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật thì sự thật trên đất nước chúng ta đã và đang bị thanh toán ngày ngày. Nặng, trên tầm vĩ mô, nó đã bị thảm sát hàng loạt như ở Tây Nguyên năm nào hay ở Đồng Tâm mới đây. Nhẹ, ở tầm vi mô, nó bị phanh thây bằng mã tấu hay bỏ rọ dìm sông, thí dụ các bản án tử hình đầy oan khuất nhưng lại in đậm dấu tay của những chức quyền cao cấp. Nhẹ hơn nữa, nhẹ nhất, thì sự thật lại bị vặt râu, cạo đầu hay trùm kín mặt mày để có thể luồn lách qua mấy tầng canh gác như có thể thấy trong công trình biên khảo kể trên.

Nếu chiến tranh bằng khói lửa tàn phá đất nước thì, dẫu có bị tàn phá, đất nước vẫn tiếp tục trỗi dậy nếu con người gìn giữ được niềm tin. Còn cái cuộc chiến với sự thật này thì lại hủy diệt niềm tin của con người nên, do đó, tàn phá luôn tương lai của dân tộc.

Chú thích:

[1] Tôi đã trình bày vấn đề này trong bài “’Sống chung’, như một lời nguyền”

http://www.talawas.org/?p=16034

[2] https://tuoitre.vn/phi-cong-viet-do-huu-vi-duoc-dat-ten-quang-truong-o-phap-20220703080342985.htm

[3]. Luận án này đã được xuất bản thành sách.

Xem: Tạ Chí Đại Trường (2011), Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945), NXB Nhã Nam & Tri Thức, trang 215.

[4] https://www.sggp.org.vn/bo-cong-an-bac-tin-don-lanh-dao-doanh-nghiep-lon-bi-ap-dung-bien-phap-ngan-chan-826456.html

[5] Cao Bảo Vân ( 2021),Tướng Cao Văn Khánh, - Hồi ức lịch sử, NXB Tri Thức.

[6] Cao Bảo Vân, sđd, trang 17.

[7] sđd, trang 645.

[8] sđd, trang 484-485.

[9] sđd, trang 748.

[10] Sinh thời Nguyễn Tuân thổ lộ với bạn bè rằng sở dĩ sống được tới bây giờ là nhờ “biết sợ”. Chế Lan Viên có bài thơ “Trừ đi”, chỉ phổ biến sau khi qua đời “Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ / Có phải tôi viết đâu? Một nửa /Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!..
https://thuvientho.com/tru-di-che-lan-vien-44119.html

[11] Bài thơ “Bánh vẽ”: “Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ / Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn / Cầm lên nhấm nháp / Chả là nếu anh từ chối Chúng sẽ bảo anh phá rối / Ðêm vui / Bảo anh không còn có khả năng nhai / Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc… / Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?”

[12] Sáu cổng gác: 1/ Tác giả tự kiểm duyệt, 2/Tổ trưởng chuyên môn, 3/Thủ trưởng đơn vị , 4/ Chuyên viên 2 cơ quan, 5/ Cục trưởng Cục xuất bản và Tuyên giáo trung ương, 6/ Công nhân nhà in, nhân viên sửa bản kẽm.

Tô Hải (2009), Hồi ký của một thằng hèn, NXB Tiếng Quê Hương, Virginia, trang 257.