Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Văn hóa súng và sự sa đọa của một quốc gia

Nguyễn Hoàng Văn

Như thể một quy luật, những dân tộc từng vất vả với nạn ngoại xâm cũng đều bộc lộ ám ảnh bất an về chủ quyền của mình qua những truyền thuyết về một thứ vũ khí thần kỳ nào đó. Nếu chúng ta có nỏ thần trong tay An Dương Vương hay có gươm thần trong tay Lê Lợi thì người Anh có kiếm thần Excalibur trong tay Hoàng đế Arthur, người Nhật có gươm thần Kusanagi trong tay Hoàng thái tử Yamato Takeru, v.v. [1]

Trên khía cạnh này thì người Mỹ lại lẻ loi đứng ở một bên lề bởi, trên phương diện văn hóa đại chúng, nước Mỹ chẳng thể hiện một chút xíu ưu tư nào về phương tiện tự vệ của quốc gia. Điều này cũng chẳng có gì khó hiểu bởi đó là một đất nước trẻ, hùng mạnh và – không tính cuộc chiến giành độc lập kéo dài gần 9 năm, từ năm 1775 đến năm 1783, và trận tập kích Pearl Harbour năm 1941 – người Mỹ chưa hề đối phó một cuộc ngoại xâm nào ra trò. Có khó hiểu chăng là cái “huyền thoại” về quyền sở hữu vũ khí như một thứ quyền “thiêng liêng - bất khả xâm phạm”. Cơ hồ, hiếm có sự thiêng liêng nào thô bỉ đến như thế khi mục tiêu vì-nước bị hạ cấp thành quyền sở hữu vì-tôi để từ đây hình thành nên cái văn hóa súng cực kỳ quái dị.

Mới nhất, cái văn hóa này lại có dịp bộc lộ với vụ thảm sát ngày 24/5/2022 tại một trường tiểu học tại một trong những thánh địa của giới yêu súng là tiểu bang Texas, khi một thằng điên ôm súng xông vào xả đạn bừa bãi, giết chết 18 em nhỏ và hai giáo viên. Cái văn hóa quái gở này đã khiến những nhà hùng biện mồm mép phải ấp a ấp úng; khiến những chính trị gia chuyên nghiệp, sống bằng chính trị, hít thở bằng chính trị phải lấm lét tháo chạy khỏi chính trị.

Một trong những thí dụ nổi bật nhất, có lẽ, là Thượng nghị sĩ Ted Cruz, của chính tiểu bang Texas. Theo đảng Cộng Hòa, từng tranh ghế đại diện đảng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Cruz được diễn tả như một ứng cử viên có hạng với tài ăn nói và biện bác, thuộc làu Hiến pháp như thể là bàn tay của mình. Thế nhưng khi bị một ký giả chất vấn về biện pháp kiểm soát vũ khí sau vụ thảm sát trẻ con kia, Cruz đã, nói hơi ngoa, giãy lên đành đạch như là đỉa phải vôi, vòng vo rằng không nên dễ dãi đẩy vấn đề vào phạm vi chính trị rồi, sau đó, sau vài lời ngụy biện lấp liếm, lại vùng vằng bỏ đi, như một tên đào ngũ [2].

Nhưng không chỉ một mình Cruz mà là toàn bộ những chính khách đứng về phía súng. Tất cả, trước những thảm họa rành rành liên quan đến tình trạng tự do vô lối về vũ khí, cũng đều đành đạch giãy lên và lấm lét đào ngũ những khi đối mặt với những câu hỏi chất vấn. Mà đó cũng chính là “chiến lược” mà Lars Dalseide – phát ngôn viên của Hiệp hội súng trường quốc gia (National Rifle Association: NRA) – đã vô tình làm lộ trong một tai nạn nghề nghiệp của hai chính trị gia cực hữu Úc vào năm 2019.

Đó chính là bài bản để đối phó trước sự giận dữ của công luận và sự chất vấn của truyền thông mỗi khi xảy ra các vụ tàn sát trẻ em. Công luận đòi hỏi phải siết chặt việc kiểm soát súng thì hãy làm ra vẻ cao đạo, vượt lên trên sự giận dữ tầm thường này, cho rằng đó là một hành vi đáng xấu hổ bởi đã “giẫm lên mộ phần của các nạn nhân nhỏ tuổi để thúc đẩy nghị trình chính trị của mình”. Những kẻ phản đối đưa ra kế hoạch kiểm soát vũ khí này nọ thì cũng thế, cũng ra vẻ minh triết, vượt lên trên những con số cụ thể rất tầm thường, cho rằng “nếu một chính sách là tốt thì tự nó có thể đứng vững trên đôi chân của nó, không cần phải dựa hơi vào cái chết của những em bé ngây thơ”. [3]

Nghĩa là léo lưỡi để né tránh thực chất của vấn đề. Nhưng nếu quyền sở hữu súng thực sự thiêng liêng, thực sự được hiến định, nó đâu hề cần đến cái trò léo lưỡi và né tránh rẻ tiền như thế? Như vậy thì, thực ra, quyền ấy đã “thiêng liêng” như thế nào, và đã được Hiến pháp bảo vệ như thế nào?

Hiến pháp, ở đây là Tu chính án số hai – The Second Amendment – do James Madison soạn thảo và chính thức giới thiệu ngày 25/2/1789, được thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/12/1791, định rõ:A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed.” [4] Lời này, có thể tạm dịch, “Một nước tự do cần có một lực lượng dân quân quy củ để bảo vệ an ninh, do đó không được xâm phạm quyền mang súng của người dân.” Như thế thì “quyền mang súng” của người dân chỉ được bảo vệ khi gắn liền với “một lực lượng dân quân tổ chức quy củ”, được trưng tập để “bảo đảm cho một nước tự do”. Đó không phải là quyền của từng cá nhân đơn độc, chỉ để bảo đảm an ninh cá nhân hay chiều theo sở thích cá nhân.

Tu chính án ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, chỉ sáu năm sau khi kết thúc cuộc chiến giành độc lập, lúc chính quyền liên bang hãy còn non yếu, thiếu thốn. Nền tảng của “chính quyền” này hình thành là để điều phối nỗ lực giành độc lập của 13 thuộc địa trong cuộc chiến khởi sự ngày 19.4.1775 với lực lượng chủ lực mang tên “Continental Army”. Sau cuộc chiến kéo dài gần 9 năm, nước Anh chấp nhận thua cuộc, công nhận nền độc lập của các thuộc địa bằng Hiệp định Paris ngày 3.9.1783 và đến lúc này thì “Hợp chúng quốc Mỹ châu” – The United States of America – mới chính thức ra đời.

Kẻ thù chung đã rút đi rồi, còn lại với nhau thì đâm ra nghi kỵ nhau. Ám ảnh về quyền tự chủ của mình, thuộc địa nào, nay là tiểu bang, cũng lấy làm ngờ vực liên bang, lo xa về con đường độc tài hóa của nó khi nắm trong tay một quân đội hùng mạnh. Nhưng chính phủ liên bang thì lại non yếu, hoàn toàn không có nguồn tài chính để nuôi dưỡng một đội quân thường trực lớn mạnh. Dưới thì nghi kỵ, trên thì không đủ tiền nuôi nên, thế là, ngay sau khi chiến thắng, đội quân “Continental Army” bị giải tán hầu, chỉ giữ lại hai trung đoàn trong lực lượng Legion of the United States. Nhưng một nhà nước không thể không có quân đội, nhất là khi các mối nguy vẫn còn. Là một người theo chủ nghĩa liên bang, Madison đưa ra giải pháp cân bằng với hình thức trưng tập dân quân để bảo vệ quốc gia trong những tình thế khẩn cấp, vừa không tốn kém nhiều, vừa không làm các tiểu bang lo lắng bởi, ít ra, các đơn vị dân quân mang tính chất địa phương kia không dễ dàng trở thành công cụ trong tay liên bang để áp chế các tiểu bang. [5]

Ra đời với chủ ý bảo vệ quốc gia khi đối phó với quân ngoại xâm hay sự nổi loạn của những cộng đồng bất phục tùng như người da đỏ, đạo luật cho tổng thống quyền trưng tập đàn ông da trắng trong độ tuổi chiến đấu để tập hợp lại thành một đạo dân quân (militia); mà, để sẵn sàng chiến đấu, những dân quân tương lai phải sẵn sàng vũ khí trong nhà với những quy định chi li “súng trường, lưỡi lê, dây đai đeo đạn, hai viên đá lửa, một hộp đạn 24 viên và một ba lô, v.v..” mỗi khi bị trưng binh. [6]

Quy định chi ly này cho thấy lúc đó chính phủ Mỹ rất thiếu vũ khí, không ngân sách quân sự và phải – nói theo khẩu hiệu đang tràn ngập trên đất nước chúng ta – “xã hội hóa” nền quốc phòng, phải bắt tay “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chính phủ cho phép người dân sở hữu và cất giữ vũ khí trong nhà để, trong những trường hợp khẩn cấp của quốc gia, sử dụng vào việc bảo vệ quốc gia.

Như vậy thì quyền sở hữu súng với mục đích tự vệ hay chiều theo sở thích bạo lực của từng cá nhân không hề là mục tiêu mà các nhà lập quốc Mỹ nghĩ đến. Vấn đề là nó đã bị bọn lái súng và giới yêu bạo lực lạm dụng để bảo vệ trong khi những chính trị gia thì phải nương theo chiều gió để câu phiếu.

Nói đến văn hóa súng tại Mỹ, bao giờ người ta cũng nói đến NRA, tổ chức ra đời năm 1871 với mục đích “bảo vệ Tu chính án số hai”. Mang danh là “tổ chức bất vụ lợi”, lại từng bị kết án tham nhũng trong thành phần quản trị và chỉ có chưa tới 5.5 triệu hội viên, tại sao NRA có thể khống chế cả nước Mỹ với gần 335 triệu dân? Rõ ràng NRA chỉ là tảng băng nổi của cái “văn hóa súng” quái gở của nước Mỹ. Vấn đề là NRA đã khai thác cái “văn hóa” này, đã và đang sử dụng lá phiếu của một thành phần đáng kể trong công chúng Mỹ nhằm khống chế, để biến các chính trị gia trở thành con tin của mình trong mọi cuộc bầu cử, liên bang, tiểu bang hay cấp địa phương.

Kể ra NRA đã từng thua cuộc vào năm 1994, dưới thời ông Bill Clinton. Đó là năm mà Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm buôn bán và sở hữu 19 loại súng tấn công, các loại tiểu liên mạnh và tự động như AR-15, AK-47 và, thay vào đó người yêu súng Mỹ chỉ có thể sử dụng súng trường bán tự động hay súng lục với băng đạn không được chứa hơn 10 viên. Đây là một thành tích mà ông Clinton lấy làm tự hào nhưng luật này chỉ có hiệu lực trong 10 năm. Giả sử luật của ông Clinton được gia hạn thì các vụ thảm sát vẫn có thể xảy ra nhưng không kinh hoàng như đã thấy, như vụ thảm sát của James Eagan Holmes ngày 20/7/2012 khiến 12 người bị bắn chết và 70 người khác bị thương: thủ phạm đã mang theo 3000 viên đạn súng lục và 3000 viên đạn tiểu liên, sử dụng loại băng đạn chứa tới 100 viên, có thể bắn hết trong vòng chưa đầy 2 phút. Nếu luật chỉ cho bán đạn chỉ có 10 viên, làm sao anh ta có thể gây ra mức thương vong cao như thế?

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi thông qua luật trên các dân biểu của đảng Dân Chủ thi nhau thất cử và họ chợt hiểu ra rằng chính luật này đã khiến các cử tri, với sự kích động của NRA, ra tay trừng phạt. Năm 1999, sau vụ nổ súng tại trường Trung học Columbine, nguyên Phó tổng thống Al Gore đã dẫn đầu nỗ lực của Dân Chủ tại Thượng viện để thông qua quy định hạn chế bán súng, theo đó sẽ hạn chế việc buôn bán vũ khí tại các buổi triển lãm súng và tăng cường quyền hạn cho các cơ quan hữu trách để kiểm soát súng và việc mua bán vũ khí lậu. Hậu quả là ông Al Gore thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.

Trong cương lĩnh tranh cử năm 2008, ông Barrack Obama từng tuyên bố sẽ khôi phục luật cấm sở hữu súng tấn công như Clinton thế nhưng sau đó lại chùn bước trước sức mạnh của NRA để rồi rút cả bài diễn văn hứa hẹn ra khỏi trang web của mình. Rồi thì ông Obamba đắc cử và ngay khi vừa nhậm chức vào năm 2008, ông Obama đã cam kết sẽ phục hồi lại lệnh cấm năm 1994 nhưng đã thất bại trắng tay.

Trong cái văn hóa súng quái dị này, các chính trị gia đâm ra sợ và ngán NRA, phải làm đẹp lòng họ, phải để mặc cho tình trạng lợi dụng Hiến pháp Mỹ: người ta không sở hữu súng để bảo vệ quốc gia mà chỉ là để, khi hứng, mang ra bắn bừa, bắn bãi, kể cả việc bắn trong trường học.

Tu chính án số 2 ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử. “Đặc biệt” là sự khác thường so với cái bình thường. Tính quái dị lại là sự biến thái so với cái bình thường hay, thậm chí, cái tầm thường. Văn hóa súng quái dị của nước Mỹ chính là sự biến thái từ một nhu cầu bình thường của đất nước hơn hai thế kỷ trước, trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là sự biến thái đã khiến nước Mỹ ngày hôm nay – nắm trong tay một đội quân thường trực hùng mạnh vào hạng nhất, cơ động vào hạng nhất – trở thành con tin của một điều luật hình thành vào cái thời mà, trên lĩnh vực quốc phòng, phải lập cập “xã hội hóa” và lóng ngóng “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Trong cuộc phỏng vấn kể trên ông Cruz đã quày quả bỏ đi sau khi ngụy biện trước ống kính truyền hình rằng nước Mỹ là nước an toàn nhất thế giới, bởi nếu nước Mỹ không an toàn, tại sao dân cư trên khắp thế giới đều tìm cách đổ xô đến Mỹ? Đây, có thể nói, không đơn thuần là một sự ngụy biện là một sự biến thái hay, đúng hơn, sự sa đọa trong nhận thức về phẩm chất của quốc gia mình. [5]

Bất cứ sự so sánh nào cũng chỉ có nghĩa khi thực hiện giữa các đối tượng đồng đẳng trên lĩnh vực đang bàn. Nếu công dân các nước nghèo Á-Phi háo hức tìm cuộc sống mới tại Mỹ thì công dân các nước phát triển tại Úc, tại Anh, tại Đức, tại Hà Lan, v.v. không hề làm như thế. Trên thực tế vẫn có công dân của quốc gia phát triển ấy – vì sinh kế, vì tình cảm gia đình hay vì môi trường phát triển nghề nghiệp – di dân sang Mỹ nhưng cũng có không ít người Mỹ di dân theo chiều ngược lại, với những lý do tương tự. Người Đức không thể hãnh diện mang Đội tuyển quốc gia của mình ra so sánh với đội Việt Nam, đội Lào hay đội Cambodia. Nhưng những nhà lập pháp Mỹ như Cruz đã làm như thế, đã hãnh diện mang nước Mỹ ra so sánh với Afghanistan, với Syria, với Việt Nam, với Lào.

Sự sa đọa trong nhận thức về phẩm chất quốc gia kia lại đi đôi với sự sa đọa trong nhận thức về quyền sở hữu vũ khí. Mang sự an toàn của nước Mỹ ra so sánh với những nước nghèo Á - Phi là một sự sa đọa. Bắt nước Mỹ phải làm con tin cho một điều luật chỉ có giá trị trong những điều kiện đặc biệt của thời kỳ lập quốc cũng là một sự sa đọa. Nghĩa là sa đọa trong ý thức quốc gia.

Thường, sự sa đọa nào cũng bắt nguồn từ sự tự mãn. Cruz tự mãn về sức thu hút di dân của nước Mỹ mà không mảy may nghĩ rằng, trong số di dân đổ xô đến Mỹ không ít những kẻ đến Mỹ cốt để ăn ké và ăn cắp những thành tựu kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Như có thể thấy qua hàng loạt hồ sơ của FBI, tuyệt đại đa số bọn ăn ké và ăn cắp này đều là những công dân của Trung Quốc, là đối thủ mới mọc của nước Mỹ. Nhưng không chỉ là những di dân lắt nhắt mà còn là cả một chế độ độ tài và sự tự mãn nối tiếp của hàng loạt chính quyền tại Mỹ. Chính quyền Richard Nixon, theo sự vấn kế của Henry Kissinger, đã tự mãn để cả chế độ độc tài này ăn ké và ăn cắp. Rồi hàng loạt chính quyền Mỹ sau đó, kể cả chính quyền Clinton đã thành công trong việc kiểm soát súng phần nào, cũng tự mãn để đối thủ tương lai của mình ăn ké và ăn cắp để hậu quả nhãn tiền là, ngày nay, cả nước Mỹ căng óc tìm cách đối phó với cái chế độ từng ăn ké và ăn cắp của mình đến mấy chục năm trời.

Liệu, trong tương lai gần hay trong tương lai xa, nước Mỹ có đủ năng lực để kềm chân đối thủ này trong thế thượng phong hay không nếu cứ tiếp tục tự mãn, tiếp tục làm con tin cho cái điều luật đã lỗi thời đến hơn hai thế kỷ? Tiếp tục làm một con tin như thể có nghĩa là tiếp tục sa đọa trong nhận thức về quốc gia, trong nhận thức về cái quyền “thiêng liêng - bất khả xâm phạm” ở nghĩa vụ mà mỗi công dân phải gánh vác với sự an toàn của đất nước mình.

Nhưng xét ra thì cả đối thủ kia của nước Mỹ cũng đang sa đọa như thế hay, thậm chí, hơn thế. Khi nó lăng xăng xiển dương chủ nghĩa Đại Hán, khi nó hùng hổ mang súng đến Tây Tạng hay Tân Cương để tẩy xóa văn hóa, nó đã thực sự sa đọa trong tư thế của một quốc gia. Nó sa đọa y như là Adolf Hitler ngày nào với khẩu hiệu “tông tộc vĩ nghiệp” chỉ để đẩy nước Đức lâm cảnh tang thương, sau khi khiến cả Âu châu lâm vào cảnh tang thương.

Tham khảo:

[1] http://www.talawas.org/?p=17705

[2] Stone asked: “Is this the moment to reform gun laws?”

Cruz said: “You know, it’s easy to go to politics.”

“But it’s important,” Stone said. “It’s at the heart of the issue.”

“I get that that’s where the media likes to go,” Cruz said.

(Stone hỏi: “Đây có phải là thời điểm cho luật kiểm soát súng?

Cruz bảo: “Anh biết đó, rất dễ để sà vào chính trị.”

“Nhưng nó rất quan trọng”. Stone trả lời, “Đó là tâm điểm của vấn đề.”

“Tôi hiểu rắng đó là chỗ mà truyền thông muốn nhắm tới”

[…] .

https://www.theguardian.com/us-news/2022/may/26/ted-cruz-angrily-quits-interview-gun-control

[3]

Dalseide gà bài cho hai chính trị gia Úc Dickson và Ashby:

Dalseide: "'How dare you stand on the graves of those children to put forward your political agenda?' Just shame them to the whole idea."

Dickson: "I love that."

Dalseide: "It's like, 'If you, if your policy, isn't good enough to stand on itself, how dare you use their deaths to push that forward?!'"

Ashby: "That's very good, very strong."

Dalseide: “Làm sao mà quý vị dám đứng trên mộ phần của các em bé kia mà thúc đẩy nghị trình chính trị của mình? Đáng xấu hổ thay cho ý tưởng của quý vị!”"

Dickson: "Tôi thích cách trả lời nàyI"

Dalseide: "Nó giống như là ‘Nếu quý vị, nếu chính sách của quý vị thực sự tốt để tử đứng vững, làm sao quý vị có thể lạm dụng những cái chết của họ để thúc đẩy nó!”

Ashby: "Cách trả lời này rất hay, rất mạnh!”

https://www.abc.net.au/news/2019-03-26/secret-recordings-show-one-nation-staffers-seeking-nra-donations/10936052

[4]

https://www.thoughtco.com/us-constitution-2nd-amendment-text-105397

[5]

https://founders.archives.gov/documents/Madison/01-10-02-0261

[6]

“provide himself with a good musket or firelock, a sufficient bayonet and belt, two spare flints, and a knapsack..”

https://constitutionalmilitia.org/2nd-amendment-arms/

[7] Xem video clip trong chú thích số 2.