Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (30)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

 

43. HOÀI THANH

Tình yêu quê hương đất nước trong tập thơ Việt Bắc


Cả tập thơ Việt Bắc xây dựng trên một tình yêu lớn: tình yêu nước. Giá trị tập thơ, tác dụng tập thơ là ở đó. Yêu nước với anh Tố Hữu là yêu nhân dân, trước hết là yêu nhân dân lao động, yêu lãnh tụ của nhân dân lao động và của toàn dân. Yêu nước cũng là yêu quê hương đất nước, yêu tất cả những cảnh vật nó gắn liền với đời sống của nhân dân.
Trong tập Việt Bắc cũng như trong ca dao, trong Truyện Kiều và trong nhiều áng thơ xưa, cảnh gắn chặt với người. Trong câu ca dao:
Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa
Cây đa và bến đò là những nhân vật cần thiết trong câu chuyện trăm năm lỗi hẹn. Anh Tố Hữu cũng vậy. Anh không nói cảnh để mà nói cảnh. Anh gợi cảnh là để gắn nó với người. Từ cái "bóng tre trùm mát rượi" trên câu chuyện thân thiết giữa hai người đến cái hình ảnh
Xa xôi đầu xóm tre xanh
Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già
Cảnh với người như hình với bóng. Có người ấy, câu chuyện ấy, tiếng ru ấy thì phải có cảnh ấy.
Nhưng chỉ có tre không đủ. Nhà thơ đã lồng hình ảnh anh bộ đội “mồm nở tươi, mặt vàng thắm” vào cái khung cảnh
Cánh đồng quê tháng mười
Thơm nức mùa gặt hái
tạo cho bài thơ một cái không gian rất quen thuộc, rất đầm ấm trong tâm trí mọi người Việt Nam.
Anh Tố Hữu luôn luôn gợi lên cái cảnh những đồng lúa. Hình ảnh “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh..." mà chúng ta đều nhớ cũng hiện lên trong cảnh ấy:
Ðường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng
Liền đó em bị một viên đạn của quân thù giết chết. Trong phút chốc, tưởng chừng như chúng nó đã thắng. Nhưng mà không:
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng
Hình ảnh em bé hy sinh giản dị mà anh dũng tuyệt vời trên cánh đồng ngát mùi hương lúa cũng là hình ảnh chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái sống thắng cái chết ngay giữa lúc chính nghĩa và sự sống đang bị quân thù chà đạp. Cho nên liền sau đó hình ảnh "chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh..." lại hiện lên trong bài thơ và sẽ ghi mãi trong lòng người, không một viên đạn nào giết nổi. Cũng như không một sức mạnh bạo tàn nào ngăn được những cánh đồng lúa của ta mỗi mùa lại một lần thơm mùi sữa và mãi mãi vẫn còn xanh.
Cảnh gắn bó với người. Người đi xa, cảnh nhắn lời chờ đợi. Mấy câu sau đây là của nhà thơ Liên Xô Xi-mô-nốp nhưng cũng là thơ Tố Hữu vì anh đã chuyển nó thành những câu thơ rất Tố Hữu và cũng rất Việt Nam:
Chúng tôi đợi các anh về!
Rừng xanh vọng tiếng đồng quê nhắn lời
Rừng xưa quê cũ xa rồi
Ðêm đêm còn vọng giọng lời thiết tha
Người về, cảnh vui mừng rộn rã. Về cũng không nhất thiết là về nhà mình. Vì trên đất nước cụ Hồ, chỗ nào lại không phải là "cái nhà của mình" như đồng bào Thượng ở Liên khu Năm vẫn thường nói. Anh bộ đội "lên Tây Bắc" có thể không phải là người Tây Bắc nhưng anh cất bước là:
Mỗi bước, vàng theo đồng lúa chín
Lửa vui từng mái nứa tươi xanh
Lấy cảnh mà tả người như thế này thì thật là đẹp. Anh bộ đội được dựng lên như một nhân vật thần thoại, mỗi bước đi là trăm hoa đua nở dưới chân. Mà hình ảnh ấy tuyệt nhiên không có gì là huyền hoặc. Nó hoàn toàn đúng với sự thực vĩ đại trong thời đại chúng ta:
Anh về cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về sáo lại ái ân
Ðêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca.
Nhưng nông thôn trong tập thơ Việt Bắc không phải chỉ có những cảnh đầm ấm tươi sáng. Anh Tố Hữu còn gợi lên những cảnh cơ cực trước đây thơ văn ta ít biết đến. Cho nên người của anh thật đúng là người nông dân và cảnh cũng đúng là cảnh nông thôn chưa phát động. Anh chưa nói lên được cho sâu sắc nguồn gốc của những cảnh đời cơ cực. Anh chưa nhìn được rõ mặt mũi thằng địa chủ như anh vẫn nhìn rất rõ mặt mũi thằng đế quốc. Nhưng từ cái cảnh ngô khoai bề bộn, con bế con bồng của chị dân công phá đường, cái cảnh "Phên nan gió lọt lạnh lùng" của bà mẹ Việt Bắc, cái ổ chuối khô của bà bủ trằn trọc nhớ con đến cảnh bà bầm vừa cấy vừa run giữa mưa phùn, gió núi, ướt dầm manh áo tứ thân, tất cả những cảnh cơ cực ấy đã nói lên cái thực tế nông thôn trước đây và tấm lòng yêu mến lo lắng của anh đối với người nông dân lao động.
Trở lên là cảnh sắc nông thôn. Sau đây là một ít cảnh sắc rừng núi. Vẫn một sự khăng khít ấy giữa người và cảnh. Ðồng bào Việt Bắc nhớ Bác:
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người
Anh Xuân Diệu đã có phân tích bức tranh nhỏ này. Tôi cũng đồng ý với anh. Người đi qua rồi mà rừng núi vẫn chưa hết ngạc nhiên sung sướng, vẫn tha thiết trông theo. Bức tranh hiện lên như trong một câu chuyện thần tiên mà vẫn rất thực, vì nó nói lên được một sự thực rất lớn là lòng nhân dân ta thiết tha hướng về Lãnh tụ.
Chúng ta đã rất xa cái thời đại mà con mắt người miền xuôi nhìn lên rừng chỉ thấy ghê rợn, chỉ thấy những ma thiêng nước độc, những "bà chúa đại ngàn" tai ác. Những khi máy bay giặc đi lùng từng bóng người để giết, chúng ta đã quý mến biết bao nhiêu những khu rừng kín đáo. Anh Tố Hữu đã nói lên được sự thống nhất ấy giữa người và cảnh:
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng
Bởi vì giặc mà chiếm được thì không những đau khổ cho người, mà
Ðau cả lòng sông, đau cỏ cây
Anh không nghĩ như tác giả hai câu lục bát lạc hướng căm thù mà anh Hoàng Yến trước đây đã đề cao một cách không đúng:
Con đường số bảy của tao
Nó đi theo giặc tao đào nó đây.
Thật là giận cá chém thớt. Ai lại nỡ nói như vậy, nghĩ như vậy nhất là đối với những con đường, công trình mồ hôi nước mắt của chúng ta, huyết mạch trong cơ thể của dân tộc ta.
Trong thơ anh Tố Hữu cũng như trong ca dao xưa, sự khăng khít giữa người và cảnh có khi đến cái mức cùng hòa làm một. Khi ca dao xưa thỏ thẻ:
Bầu ơi! thương lấy bí cùng
thì không chỉ là câu chuyện ví người với cây bầu cây bí. Khi anh Tố Hữu trông thấy:
Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng, ruộng đồng nước non
thì cũng không phải là ví Bác như Trời xanh, Biển rộng... Mà Trời xanh, Biển rộng... cả quê hương đất nước của chúng ta cùng với Bác là một. Cho nên sau đó mới có câu:
Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau
Những câu thơ nói cảnh trong tập Việt Bắc không nhiều. Cảnh gợi lên cũng chỉ gợi bằng một vài nét. Nhưng chỉ vài nét mà rất đậm đà, rất phong phú và chan chứa tình người. Nó không phải là những cảnh êm êm, đẹp đẹp, mà thường là những cảnh có in dấu bàn tay người, do sức lao động, sức chiến đấu của người sáng tạo ra hoặc cải tạo lại. Nếu ta tưởng nó chỉ êm êm đẹp đẹp, là vì ta chỉ nhìn thấy hình thái bề ngoài mà không đo được cả cái chiều sâu tình cảm của nó. Nhìn bề ngoài thì cánh đồng Ðiện Biên sau chiến thắng
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lạ vàng
chỉ là một cảnh êm đẹp. Nhưng trong bài thơ anh Tố Hữu, cũng như trong sự thực, cảnh êm đẹp này gắn liền với bao nhiêu cảnh khác như cảnh
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...
Phải vượt qua bao nhiêu gian khổ, hoa mơ mới lại trắng, vườn cam mới lại vàng. Thường những cảnh trong tập thơ Việt Bắc đều thế. Tiêu biểu nhất về phương diện này có lẽ là cái cảnh:
Ðêm lịch sử, Ðiện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng
Nói đến cái đẹp vô cùng của Tổ quốc, những cảnh Tố Hữu nghĩ đến nhiều nhất cũng là những cảnh do sức người xây dựng:
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Ngay trên bến nước Bình Ca, cái phần đẹp nhất cũng là những chuyến phà rào rạt tình người kháng chiến.
Từ lâu trong một bài thơ hồi còn nhỏ, anh đã viết:
Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới
Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng
Vườn sây hoa là bởi có tay trồng
Câu thơ chưa được ổn lắm, nhưng nó chứng tỏ quan điểm nhân dân, quan điểm lao động của anh Tố Hữu đã thành hệ thống từ xưa. Nếu ta so sánh với bức tranh trẩy chùa Hương sau đây của Vũ Phạm Hàm thì càng thêm rõ. Trong bức tranh này, người cơ hồ chỉ là một ít đường nét ghi thêm vào cho cảnh vật thêm xinh:
Mặt trời gác bóng cây xê xế
Tản vân in đáy nước rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh
Cây mai thụ rập rềnh năm bảy lá
Chú tiểu tử ruổi rong bến đá
Lũ ngư ông quảy cá qua cầu
Cỏ cây xanh ngắt một mầu
Trong thơ anh Tố Hữu cái quan hệ giữa người và cảnh ngược hẳn lại. Bài “Việt Bắc” là bài tương đối có nhiều cảnh sắc thiên nhiên nhưng trong cảnh sắc thiên nhiên luôn luôn vẫn chen vào những cảnh người lao động. Tôi nhớ lại mấy câu trong một bài ca cách mạng có người nói là của Tăng Bạt Hổ nhưng thực ra chưa biết chắc là của ai, bài Á-tế-á, [1] rất phổ biến vào đầu thế kỷ này:
Này thử đứng trên đầu đỉnh núi
Cõi Ðông Nam ngảnh lại mà trông
Sông xứ Bắc, bể phương Ðông
Nếu không dân cũng là không có gì
Nghĩ như vậy có đúng không? Ðó lại là một vấn đề khác. Nhưng có lẽ anh Tố Hữu cũng nghĩ vậy. Trong bài “Việt Bắc” của anh, bên cạnh cái cảnh thiên nhiên rực rỡ:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
là cái khí thế hiên ngang của người lao động:
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Cái cảnh đầm ấm:
Mùa xuân mơ nở trắng rừng
gắn liền với cái hình ảnh đậm đà:
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Thiên nhiên hoặc có kém phần tươi thắm thì tình người lại càng thêm tươi thắm trong cái tiều tụy của thiên nhiên nhưng vẫn cùng với thiên nhiên là một:
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son.
Cảnh gắn với người, cùng với người là một cơ thể không thể phân chia. Chúng ta không chỉ là chúng ta, chúng ta còn là nhà cửa, ruộng đồng, sông núi, trời biển của chúng ta. Cái chân lý ấy, tập thơ Việt Bắc nêu lên rất rõ. Ðất nước chúng ta là một phần của chúng ta. Cái ý thức chủ nhân luôn luôn thấm nhuần câu thơ Tố Hữu. Cái tự hào về dân tộc bao gồm cả cái tự hào về đất nước:
Ngửng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng tám mùa thu xanh thắm
Mây nhở nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm
Mây của ta, trời thắm của ta.
Những câu như thế, đọc lên con người chúng ta tưởng như nở nang thêm. Ta cảm thấy đứng trên đất nước tươi đẹp của chúng ta cũng như đứng trước hình ảnh tươi cười của Lãnh tụ:
Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ
Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi
Sau cách mạng tháng Tám, anh Tố Hữu đã nói lên cái vui của đất nước vừa thoát ách giặc:
Trời đất mênh mông, xanh xanh cỏ nội
Chim kêu chim trên gió, hoa tìm hoa
Ngẩng đầu ca tám hướng Tiến quân ca
Hồi bấy giờ, bàn tay chúng ta vừa nắm lại chủ quyền, chúng ta chưa có cái thế của ngày nay. Câu thơ anh Tố Hữu cũng chưa cắm được sâu vào đất nước. Từ đó đến nay trải qua tám chín năm chiến đấu, chủ quyền chúng ta nắm chắc hơn, câu thơ anh Tố Hữu nói về đất nước cũng chắc hơn. Nhất là những câu sau này trong bài “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”:
Chúng bay chui xuống đất!
Chúng bay chạy đằng trời!
Trời không của chúng bay
Ðạn ta rào lưới sắt
Ðất không của chúng bay
Ðai thép ta thắt chặt!
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Một khi chủ quyền chưa nắm được thì người anh ít vui, cảnh của anh cũng ít vui. Anh Tố Hữu không như những nhà thơ đi ngao du nhàn tản ngày xưa trong cảnh nhà tan nước mất. Trong thời nô lệ, bị giặc đày lên Công Tum, anh nhìn ra hai bên đường:
Ðồng xanh rợn ý quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều
Hồi bấy giờ mùa xuân đến, anh thấy:
Lá xanh không mát dạ khô vàng
Hoa thơm không át mùi xương máu
Nắng chỉ lây buồn trên áo tang
Giờ đây, nghĩ đến Huế hồi xưa, anh vẫn còn thấy:
Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi
Có người nói thơ anh Tố Hữu buồn. Tôi cũng nghĩ cảnh và người trong thơ anh có đôi khi buồn hơi nhiều. Nhất là tôi nghĩ nhiều về điểm này: bàn tay giặc đành là tàn ác; nhưng dầu ác đến đâu nó vẫn không đủ sức mà dập tắt hết những cái vui của người, làm mờ ám hết những vẻ đẹp của cảnh. Và những cái vui cái đẹp ấy chính cũng là biểu thị một khía của cái lực lượng quật lại quân thù. Trong phim Bạch mao nữ, [2] cánh đồng cao lương vẫn đẹp, Hỉ Nhi và Ðại Xuân vẫn có những phút vui ngay giữa lúc ách thống trị của địa chủ còn hết sức nặng nề. Biểu hiện sự sống bị áp bức mà chỉ toàn một mầu đen thì lại là đánh giá quá cao lực lượng địch. Nhưng nói thế không phải là nói thơ anh Tố Hữu toàn một mầu đen. Từ hồi 1938, anh đã có những câu:
Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Dưới muôn trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng.
Tôi chỉ muốn nói trong một đôi bài thơ anh cái phần buồn hơi quá mức làm cho bài thơ trĩu xuống. Hay đúng hơn nó có một thứ buồn hiu quạnh, bơ vơ rất khó chuyển thẳng sang căm thù, hành động.
Nhưng thơ anh căn bản không phải là bi quan, tiêu cực; căn bản là thơ chiến đấu. Tôi lại tự hỏi: trong hoàn cảnh nước ta, nếu thơ chiến đấu chỉ toàn một giọng phấn khởi thì đã hợp với lòng người chưa? Ðã phù hợp với thực tế khách quan chưa? Hôm chúng ta rút khỏi Bồng Sơn để giao lại cho đối phương tạm quản, nhiều em thiếu nhi ôm lấy các anh bộ đội khóc làm ướt cả vạt áo của các anh. Khi tôi kể lại chuyện này thì có người nói là không nên kể. Nhưng trong khóa họp Quốc hội vừa rồi, khi nói đến đồng bào miền Nam, Bác nghẹn ngào, tiếng nói của Bác đứt quãng làm cho hàng chục vạn đồng bào miền Nam nghe tiếng Bác qua đài phát thanh không cầm được nước mắt.
Về phương diện này bài “Ta đi tới” là một bài rất đúng mức. Sung sướng phấn khởi rất nhiều nhưng không phải chỉ có sung sướng phấn khởi. Anh Hoàng Cầm nói: "Ðường rộng, cảnh đẹp, đi những bước ung dung đến thống nhất. Bài ‘Ta đi tới’ có một không khí nhẹ nhàng, thoải mái, đường mở rộng thênh thang từ Bắc đến Nam... Nó rất hợp với những tâm hồn xa thực tế đấu tranh, coi hòa bình như cơn gió mát, không còn giặc, không còn máy bay, được đi giữa ban ngày, hưởng thắng lợi hòa bình, rồi đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành". Tôi không hiểu vì sao anh Hoàng Cầm lại có thể nghĩ như vậy.
Không khí bài thơ quả thật là thoải mái (thoải mái chứ không phải nhẹ nhàng) nhưng chỉ thoải mái từ 17 vĩ tuyến trở ra. Qua 17 vĩ tuyến, ý thơ, cảnh thơ, giọng thơ đổi khác. Tại sao nói đến Việt Bắc, anh Tố Hữu không nói là nơi chôn rau cắt rốn mà nói đến Ðồng Tháp Mười anh lại nói:
Ai về thăm bưng biền Ðồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta?
Nếu chỉ xét về hình thế là một giải đất dài thì khu Năm có khác gì khu Bốn mà sao nói đến khu Năm anh lại nói:
Ai đi Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà
Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Ðắc Lắc
Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung
Và Huế nữa:
Ai về với quê hương ta tha thiết
Câu thơ xót biết bao!
Rồi những câu này:
Ai vô đó với đồng bào, đồng chí
Nói với Nửa Việt Nam yêu quý
và còn nhiều câu nữa.
Tả rất ít nhưng qua lời thơ là cả hình ảnh đau xót của miền Nam đang bước vào một cuộc đấu tranh gian khổ mới và những lời nhắn thiết tha của miền Bắc.
Những câu thơ như vậy, làm sao lại có thể nói là "đi những bước ung dung đến thống nhất" và "đi đến thực hiện thống nhất một cách thực ngon lành"?
Trái lại, lời thơ ở đây cũng như ở nhiều chỗ khác trong tập Việt Bắc có một cái gì ray rứt, xót xa.
Thơ của anh Tố Hữu như một cây súng, luôn luôn anh muốn nó nhằm cho thật trúng, bắn cho thật trúng. Có thể về mặt này mặt khác, anh thiếu sự chú ý bồi dưỡng để cho sức công phá của nó được mạnh hơn. Nhất là nó không nói được nhiều đến những cảnh sống bình thường trong đó vẫn tiềm tàng sức đấu tranh vô tận của nhân dân ta. Em bé của anh chỉ là em bé liên lạc, bà mẹ chỉ là bà mẹ chiến sĩ, anh nông dân cơ hồ cũng chỉ là anh nông dân mặc áo lính. Ðó là khuyết điểm của anh. Nhưng tuyệt đối không thể nào gán cho thơ anh cái cốt cách ưu du nhàn tản. Thơ anh cũng như con người anh luôn luôn vươn tới một cái gì, không một lúc nào nó ngừng lại để triền miên trong hưởng thụ. Những khi nói lên cái đẹp của cảnh, cái phấn khởi của người thì cũng không phải là để nghỉ ngơi, thỏa mãn mà chỉ là lấy thêm sức để tiến lên trong một cuộc đấu tranh không ngừng, không nghỉ, không mỏi nhằm thực hiện cái điều anh đã tự hứa với mình, đã nhắn cùng bè bạn gần hai mươi năm trước đây là:
Xây thế giới cao quá trời xa thẳm
Nói một cách khác tức là cái lý tưởng của người cộng sản mà trước mắt cụ thể là giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.
Cái tinh thần suốt đời hy sinh phấn đấu ấy cho chủ nghĩa cộng sản, tấm lòng thiết tha yêu nước ấy là bó đuốc đã soi sáng cả bước đường của anh, đã soi sáng cả thơ anh. Quê hương đất nước trong thơ anh cũng đượm một mầu ánh sáng ấy. Cảnh sắc quê hương ở đây hoặc đầm ấm, rực rỡ tươi, hoặc cũng có khi u ám, xót xa, nhưng luôn luôn đáng yêu, đáng quý vô cùng vì nó gắn liền với những hình ảnh thân yêu nhất của chúng ta: hình ảnh Lãnh tụ ta, bộ đội ta, nhân dân ta. Bóng tre trên đèo, ánh sao đầu súng, cánh đồng lúa thơm, gió ngàn lồng lộng cho đến cả hàng lau hiu hắt, đáy nước bóng thông, tất cả cảnh sắc quê hương với ta như "thịt với xương, tim óc dính liền" không một sức gì rứt ra được.
Ta có thể tiếc ánh sáng ấy trong thơ anh không tỏa ra được sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, nhưng có một điều nhất định không thể nghi ngờ: ánh sáng ấy là ánh sáng duy nhất đúng để soi vào mọi cảnh cũng như mọi việc, mọi người. Xuyên qua những câu thơ của anh nó sẽ giúp mắt ta nhìn thêm rõ, chân ta bước thêm hăng và nếu ta đã từng lạc hướng, nó sẽ giúp ta xây dựng lại cho bản thân ta một trời đất mới, một cuộc đời mới.
Nguồn: Văn nghệ, số 74 (10.6.1955)
[1]Á-tế-á là cách đọc Hán Việt đối với từ Asia viết bằng chữ Hán. “Á-tế-á” chỉ có nghĩa là châu Á.
[3]Bạch mao nữ: phim truyện Trung Quốc, được chiếu rộng rãi ở Hà Nội và các địa phương miền Bắc từ đầu năm 1955; báo chí miền Bắc đương thời đưa nhiều tin và bài về phim này. (NST).