Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Khi pháp luật bị vô hiệu hóa

Thái Hạo

Sáng 2.6, trong cuộc họp kỳ 3 Quốc hội khóa XV, Bà Mai Thị Phương Hoa, ĐBQH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, phát biểu: “Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”. Lập tức, nhiều người “đăng đàn” mắng mỏ bà vì họ cho rằng hoặc bà suy thoái, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc bà đang cố nịnh ai đó, hoặc bà dốt nát, v.v.. Tôi thì thấy bà nói đúng. Xin kể một ví dụ nhỏ, chuyện của chính tôi, mà tất cả đồng nghiệp tôi đều có thể xác nhận.

Năm 2018 tôi quay lại đi dạy theo lời mời của hiệu trưởng, sau 2 năm bỏ nghề. Điều kiện của tôi là tôi phải được tự chủ về chuyên môn, theo tinh thần đổi mới của chương trình 2018. Hiệu trưởng “ok”, và còn “ra lệnh” cho tất cả các hiệu phó cùng các đoàn thể trong trường “không được đụng đến tổ Văn”.

Tôi bắt tay vào soạn lại chương trình theo chủ đề, thay đổi phương pháp giảng dạy, bỏ dạy thêm (gọi là “luyện thi đại học”) môn Văn – chỉ học một buổi chính khóa. Tất cả các văn bản về chương trình, kế hoạch ấy đều được Ban giám hiệu ký duyệt và ủng hộ hết lòng. Trong trường, tôi được hiệu trưởng tung hô như một người tiên phong đổi mới, được đem ra làm hình mẫu cho sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Rồi năm học kết thúc, đùng một cái, người ta bắt tôi ngưng. Tôi không chịu. Một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy” được phát động. Rất nhiều quy kết được đưa ra. Tôi hỏi, tôi đã sai chỗ nào, xin nêu ra. Không ai chỉ ra được một lời, dù chỉ là ú ớ. Nhưng dừng là dưng, vì… lãnh đạo bảo dừng, vậy thôi.

Tất nhiên là tôi không dừng, vì sau lưng tôi là chương trình 2018, là nhiều công văn hướng dẫn đổi mới của Bộ Giáo dục và Đảo tạo. Tôi có công cụ hành chính, pháp lý trong tay. Nhưng một khi người có quyền lực đã cho rằng nó là sai, là xấu thì nó phải sai - xấu, không khác được. Và để đạt mục đích, người ta dùng đến cả những thế lực bên ngoài giáo dục để uy hiếp và quy chụp tôi về “lập trường tư tưởng”.

Tôi biết rằng, tất cả những thứ vu vơ ấy đều không có căn cứ, và sẽ chẳng mảy may đụng được tới an nguy của mình; nhưng ở lại đó làm gì nữa khi mình không thể tiếp tục thực hiện công việc giáo dục mà mình thấy là duy nhất đúng đắn? Và tôi đã chọn ra đi.

Kể câu chuyện trên để thấy, cái gì đúng, cái gì sai; ai quyết định chuyện đúng sai ấy; và ai có thể bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai? “Sáng đúng, trưa sai, chiều lại đúng, đến đêm tạm ngừng để xem xét”, đó là thực tế. Có ai còn nhớ trong đại dịch vừa rồi, có những công văn sáng ban ra, chiều thu hồi, vài ngày sau lại áp dụng không? Dân quay như cù, cán bộ cấp dưới cũng quay như cù. Người ta đâm ra sợ trách nhiệm, thôi thì cứ ngồi chờ chỉ đạo cho chắc ăn, nếu không sẽ “bay ghế” như chơi.

Luật thì có đó, nhưng quyết định không nằm ở luật mà ở “lãnh đạo”. Lãnh đạo bảo đúng thì là được đúng, bảo sai thì phải sai. “Bắt phong trần, phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Cơ chế quyền lực và quản lý quyền lực ở ta khiến cho luật pháp trở thành thứ yếu, còn quyền lực chuyên chế thì thống soái.

Kiện ai, kiện ở đâu? Lên Phòng giáo dục và Sở giáo dục ư? “No”! Họ sẽ bảo vệ anh sao? Đừng ngây thơ. Kiện ra tòa? Anh có quen biết không, có ô dù không, có “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” không, hay anh chỉ có mỗi chân lý?

Với cách tổ chức và vận hành bộ máy như hiện tại, dù anh có tài giỏi đến đâu thì cũng phải đi theo đường ray – đường ray của quyền lực cá nhân chằng chịt vây bủa. Thấy sai mà không né được, thấy xấu mà không thể tránh, thấy vô nghĩa mà vẫn phải làm, thậm chí thấy việc tốt mà không dám hành động. Cỗ máy đã vận hành thì anh hoặc quay theo, hoặc sẽ bị nó nghiền nát. Ngày xưa Chí Phèo kêu lên “Ai cho tao lương thiện”, đừng phê phán Chí! Lương thiện không phải chỉ là không làm điều xấu ác, mà khi anh buộc phải im lặng trước cái xấu ác thì đó đã chính là bất lương rồi.

Lời của bà Mai Thị Phương Hoa, dù không nói huỵch toẹt ra nhưng đã gián tiếp phơi bày một tình trạng nhức nhối về sự yếu thế của pháp luật trước quyền lực cá nhân, về sự mong manh và vô nghĩa của các giá trị, về sự rối loạn của các chuẩn mực. Bà đáng được biểu dương vì cái nhìn tỉnh táo và sự dũng cảm của mình.

Tôi chỉ thắc mắc rằng, Quốc hội – “cơ quan quyền lực cao nhất”, mà bà là một trong những đại diện, tại sao không thiết kế lại pháp luật để luật pháp được thượng tôn và vận hành hiệu quả, ngăn chặn và xóa bỏ nạn quan liêu chuyên chế, mà lại chỉ ở đó để than thở? Bà than thở với ai? Và phỏng có ích gì khi chỉ than thở?

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, căn bản nhất của việc người ta luôn sợ sai vì cái sự đúng - sai ấy thường bị quyết định bởi ý chí cá nhân của người lãnh đạo. Vấn đề hệ trọng là ông ta lại có đầy đủ điều kiện để có thể quyết định điều ấy. Trước tình cảnh đó, luật dù có hay đến mấy nhưng nếu không có một cơ chế/cấu trúc bộ máy đủ tính khoa học thì luật ấy sẽ luôn bị quyền lực cá nhân thao túng và chà đạp, dẫn đến bị vô hiệu hóa. Phải tháo cái nút thắt này thì mới mong giải quyết được gốc rễ vấn đề. Đó cũng chính là mở ra cánh cửa chính, quyết định sự phát triển của đất nước.

T.H