Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Đã 50 năm. Tôi không còn là “cô gái napalm”

Phan Thị Kim Phúc, The New York Times ngày 6/6/2022

Bà Phan Thị Kim Phúc là người sáng lập
quỹ tài trợ Kim Foundation International,
cứu trợ những trẻ em nạn nhân chiến tranh.

Bản dịch: Đỗ Tuyết Khanh

clip_image002

Tác giả tại nhà riêng, Ontario, Canada. Ảnh: May Truong, The New York Times

Tôi lớn lên ở Trảng Bàng, một làng nhỏ miền nam Việt Nam. Mẹ tôi bảo hồi còn nhỏ tôi rất tươi cười. Chúng tôi sống giản dị, ăn uống đầy đủ vì gia đình có ruộng và mẹ tôi làm chủ quán ăn nổi tiếng nhất trong thành phố. Tôi rất thích đi học và chơi với anh chị em họ và những đứa trẻ khác trong làng, nhảy dây, vui đùa đuổi bắt nhau.

Tất cả thay đổi ngày 8 tháng 6 năm 1972. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng cái ngày kinh khủng ấy. Tôi đang chơi với mấy anh chị em họ trong sân chùa. Bỗng một chiếc máy bay sà xuống và một tiếng động rền vang đinh tai. Rồi những tiếng nổ, khói và đau đớn cùng cực. Lúc đó tôi 9 tuổi.

Dù có chạy nhanh bao nhiêu thì napalm vẫn dính chặt vào người, gây ra những vết bỏng khủng khiếp và những cơn đau kéo dài cả đời. Tôi không nhớ mình vừa chạy vừa la “Nóng quá, nóng quá!” nhưng khoảnh khắc ấy được ghi lại trong những thước phim và ký ức mọi người chung quanh.

Bạn chắc đã thấy tấm hình tôi ngày ấy, cùng người khác trốn chạy khỏi trận bom – một đứa trẻ trần truồng dang hai tay và gào thét vì đau đớn. Tấm hình do Nick Út, một phóng viên miền Nam cộng tác với thông tấn xã Associated Press, chụp đã được lên trang nhất của báo chí khắp thế giới và đoạt giải Pulitzer. Từ đó, nó trở thành một trong những tấm hình nổi tiếng nhất của chiến tranh Việt Nam. Nick đã vĩnh viễn thay đổi đời tôi với tấm hình phi thường ấy. Nhưng anh cũng đã cứu mạng tôi. Sau khi chụp, anh để máy hình xuống, quấn tôi vào một tấm chăn và đưa ngay tôi đi chữa trị. Tôi suốt đời biết ơn anh.

Song tôi cũng nhớ có lúc tôi đã rất giận anh. Tôi lớn lên trong căm ghét tấm hình. Tôi tự bảo: “Mình là đứa con gái nhỏ. Trần truồng. Sao ông ta lại chụp hình? Sao ba mẹ không ngăn cản? Sao ông ta lại in tấm hình đó? Tại sao chỉ có mình là trần truồng trong khi mấy anh em trong hình vẫn còn quần áo?”. Tôi cảm thấy xấu xí và xấu hổ.

Lớn lên có lúc tôi muốn biến mất, không chỉ vì những vết thương – các vết bỏng để lại sẹo trên một phần ba cơ thể tôi và gây những cơn đau dữ dội, dai dẳng – mà còn vì xấu hổ và ngượng ngùng trước sự biến dạng của mình. Tôi cố che các vết sẹo dưới áo quần. Tôi có những cơn lo lắng và trầm cảm kinh hoàng. Trẻ con ở trường tránh xa tôi. Hàng xóm và phần nào cả cha mẹ tôi nhìn tôi thương xót. Lớn hơn nữa tôi lo sợ sẽ không bao giờ được ai yêu.

Trong khi đó tấm hình càng nổi tiếng hơn, làm tôi càng khó lèo lái hơn cuộc sống riêng tư và cảm xúc. Từ những năm 1980, tôi liên tục được báo chí phỏng vấn, gặp gỡ các hoàng thân, thủ tướng và những vị lãnh đạo khác, ai cũng mong tìm được ý nghĩa nào đó trong tấm hình ấy và những gì tôi đã trải qua. Đứa trẻ chạy trên con đường trở thành biểu tượng cho những kinh hoàng của chiến tranh. Con người thật là tôi đứng nhìn từ bóng tối, lo sợ mình sẽ bị trưng bày như một kẻ tàn phế.

clip_image004

Bà Phan Thị Kim Phúc hiện nay đi khắp nơi trên thế giới để
trợ giúp y tế và tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh.
Ảnh: May Truong, The New York Times

Một tấm hình, tự bản thân nó, chỉ nắm bắt một khoảnh khắc của thời gian. Song những người sống sót trong các tấm hình ấy, nhất là những đứa trẻ, phải tiếp tục sống bằng cách nào đó. Chúng tôi không là biểu tượng. Chúng tôi là con người. Phải có công việc làm, có người để thương yêu, có cộng đồng để hoà nhập, có nơi chốn để học hỏi và được nuôi dưỡng.

Chỉ khi đã trưởng thành, đã bỏ nước sang Canada tôi mới bắt đầu tìm được yên bình và hiểu sứ mệnh của tôi trên đời, nhờ đức tin, và sự hậu thuẫn của chồng tôi và bạn bè. Tôi tham gia thành lập một quỹ tài trợ và bắt đầu đi đến các nước bị chiến tranh tàn phá để trợ giúp y tế và tâm lý cho các trẻ em nạn nhân chiến tranh, với hi vọng giúp các cháu thấy được viễn tượng cho tương lai.

Tôi biết thế nào là thấy làng mình bị ném bom, nhà cửa mình tan hoang, người thân chết và xác thường dân vô tội nằm la liệt trên đường. Đấy là những cái khủng khiếp của chiến tranh, ghi lại trong vô vàn hình ảnh và phim ảnh. Buồn thay, đấy cũng là hình ảnh của chiến tranh ở mọi nơi, của những cuộc đời quý báu bị tổn thương và huỷ hoại ngày hôm nay ở Ukraine.

Theo một góc nhìn khác, đấy cũng là hình ảnh kinh hoàng của các vụ xả súng trong trường học. Có thể chúng ta không nhìn thấy tử thi, như trong chiến tranh ở nước ngoài, nhưng các vụ tấn công này không khác gì chiến tranh xảy ra trong nước. Chia sẻ hình ảnh cảnh tàn sát, nhất là các trẻ em, có thể quá sức chịu đựng của mọi người – nhưng chúng ta phải đối diện với nó. Ngoảnh mặt trốn chạy thực tế chiến tranh sẽ dễ dàng hơn, nếu chúng ta không nhìn vào hậu quả.

Tôi không thể nhân danh những gia đình ở Uvalde, Texas, song theo tôi, cho thế giới thấy được những hệ quả cụ thể của một vụ cuồng sát bằng súng có thể cho phép phơi bày cái thực tế thảm khốc. Chúng ta phải đối đầu trực diện sự tàn bạo này, bắt đầu bằng nhìn thẳng vào nó.

Tôi đã mang trên cơ thể những hậu quả của chiến tranh. Không ai lớn lên thoát thai từ những vết sẹo, về thể xác hay tinh thần. Tôi bây giờ biết ơn sức mạnh của tấm hình tôi lúc 9 tuổi cũng như biết ơn hành trình tôi đã trải qua như một con người. Cái kinh hoàng giáng xuống tôi – không còn rõ nét trong ký ức – đã biến thành phổ quát. Tôi tự hào đã trở thành với thời gian một biểu tượng của hoà bình. Cũng phải rất lâu bản thân tôi mới tiếp nhận được điều ấy. Có thể nói, sau 50 năm, tôi hài lòng Nick đã ghi lại khoảnh khắc ấy, cho dù tất cả những khó khăn tấm hình đó đã gây cho tôi.

Tấm hình ấy sẽ luôn nhắc nhở là con người có thể tàn ác không thể tưởng tượng được. Song tôi tin chắc là hoà bình, tình yêu, hi vọng và lòng vị tha bao giờ cũng sẽ mãnh liệt hơn bất cứ vũ khí nào.

Phan Thị Kim Phúc

Bà Phan Thị Kim Phúc sống ở Canada
và làm việc với quỹ Kim Foundation International
cứu trợ những trẻ em nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/da-50-nam-toi-khong-con-la-co-gai-napalm