Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Giá trị của tấm gương Phan Thanh Giản

Lê Học Lãnh Vân

Bài viết này không phải một bài về sử học nên không trình bày một tài liệu sử học mới mẻ hay thảo luận một tài liệu sử học được quan tâm. Bài viết dựa trên các sự kiện lịch sử được đa số công nhận để luận một số việc đời…

Các sự kiện đó là:

a) Phan Thanh Giản là cực phẩm đại thần, làm quan to trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

b) Khi Pháp tấn công Nam Kỳ Lục Tỉnh, Phan Thanh Giản là Khâm Sai Đại Thần, quyền chỉ dưới vua khi lo liệu các việc lớn của Nam Kỳ Lục Tỉnh.

c) Phan Thanh Giản đi sứ hoặc cầm đầu phái bộ điều đình không đạt mong muốn.

d) Phan Thanh Giản giao ba tỉnh miền Tây cho Pháp.

e) Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử.

f) Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản thanh bạch tới chết.

Bài này cũng không thảo luận về trách nhiệm mất Nam Kỳ Lục Tỉnh thuộc về ai. Đã có nhiều tiếng nói cất lên!

Bài viết chỉ lặng người đi khi biết có thông báo: “Cho tới nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan tới hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký”, và do đó “chưa đặt tên cho đường phố và công trình công cộng”.

Tạm quên đi “các vấn đề chưa được làm sáng tỏ”, trên những vấn đề đã được làm sáng tỏ, bài viết này nghĩ gì về ông Phan Thanh Giản?

Thứ nhất, ông Phan rất thanh liêm. Nhất phẩm đại thần suốt ba triều vua, gia tài của ông vẫn là căn nhà tranh nghèo nàn của một lão thơ sanh và gia sản ông để lại cho con cũng chỉ là căn nhà tranh đó. Cho dù ghét ông tới đâu, muốn dìm ông tới đâu, các nhà sử học xã hội chủ nghĩa cũng không nói được gì ông về phương diện thanh liêm này.

Nhất phẩm đại thần suốt ba triều vua tương đương uỷ viên bộ chính trị năm sáu khoá. Nếu tất cả các uỷ viên bộ chính trị hiện nay cũng xiển dương đức Thanh Liêm như Phan công thời đó, không chỉ giữ riêng mình được nghiêm cẩn đức độ mà còn giữ cho cả bộ máy không vi phạm giá trị đạo đức cao quý này, thì đất nước có quá nhiều củi to củi nhỏ như hiện nay không? Thì biệt phủ của các quan chức có dọc ngang sông núi không? Thì hàng chục tỉ đô la đất nước có đổ sông đổ biển không?

Tôi tin rằng ông Phan Thanh Giản sẽ xử rất nghiêm bất kỳ cấp dưới nào mà ông biết đã nhận hối lộ, nhũng nhiễu dân chúng. Một người như Phan công, trung thực với giá trị Thanh Liêm của bộ máy công, chắc chắn không vì bất kỳ lý do phe phái nào mà nhẹ tay với kẻ không thanh liêm. Đức lớn đó của của vị đại quan một trăm rưỡi năm trước có làm rung động lòng người thời nay không? Có đủ khiến người thời nay ngưỡng mộ học theo không?

Thứ hai, Phan công đã tuẫn tiết trong một tư thế cương quyết, chính trực được ông chuẩn bị chu đáo. “Vị kinh lược ba tỉnh, với một tinh thần thung dung cho tới phút cuối cùng, chết trong một căn nhà tranh nghèo nàn, trong đó ông đã sống suốt thời gian ông cầm quyền, muốn bằng lối sống ấy nêu cho mọi người cái gương vong kỷ, bần cùng và liêm khiết trong sự thi hành những chức vụ cao quí nhất” (1). Người Pháp đối đầu với ông thời ấy bày tỏ lòng kính trọng: “Chúng tôi không khỏi bị xúc động nhiều vì sầu cảm trước cái chết của vị lão thành phi thường ấy… Ông ta đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng” (2). Không có một giá trị đạo đức sống vững vàng một người không thể đĩnh đạc trước khi tuẫn tiết như thế! Người dân nhìn tác phong, khí chất của các đại quan hiện nay khi đứng trước trước toà xử tham nhũng sẽ nghĩ gì khi ngó lại người xưa?

Mỗi lần nghĩ tới Phan Thanh Giản, trong đầu tôi văng vẳng lời trước khi tuẫn tiết ông viết trong tờ sớ gởi vua Tự Đức: “Nghĩ tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả…” (3). Không dám sống cẩu thả, vâng, tôi ngước nhìn lên khí tiết cùng đức độ đó mong học hỏi theo suốt đời! Xã hội hôm nay có thấy nơi Phan công tấm gương đạo đức và khí tiết sáng ngời không?

Vua Tự Đức, khi cùng triều thần luận tội để mất đất của Phan Thanh Giản, vẫn kính trọng tư cách Phan công, “Còn phần tư cách của Phan Thanh Giản, là người học rộng nết tốt, đáng làm mô phạm cho đời: tấm lòng trung thành cần mẫn trong sạch, chăm chú làm hết phận sự, thì Trẫm đã biết từ lâu và rất chú trọng” (4).

Cụ Nguyễn Đình Chiểu, người cùng thời rất quyết liệt tư tưởng chống Pháp, dành cho Phan Thanh Giản sự thông cảm và kính trọng. Minh sanh chín chữ lòng son tạc, câu thứ bảy trong bài thơ điếu cụ Phan của cụ Đồ Chiểu, thực là tiếng lòng kính trọng của một tri kỷ dành cho một tri kỷ!

Dân chúng Miền Nam trực tiếp chứng kiến hành động, tác phong, cách sống của Phan Thanh Giản đã bày tỏ lòng thương mến, kính trọng ông trên toàn cõi. Làm người, thân lại nơi cực phẩm, trong thời nhiễu nhương mà được nhiều người thương mến kính trọng như thế, hỏi được mấy người?

Không đem thành bại luận anh hùng! Giá trị tư tưởng và đạo đức là các giá trị quý nhất trong xã hội con người. Thoạt trông tưởng các giá trị ấy tót vời xa thực tế, nhưng không, chúng là nhân tố kết nối con người hướng tới mục tiêu cao cả và đẹp đẽ. Thiếu chúng xã hội chỉ loay hoay trong sự việc vụn vặt tầm thường không thể vươn cao. Những toà nhà cao nhất, chiếc cầu dài nhất mà không được nâng đỡ bởi những giá trị cao đẹp thì các chữ Nhất kia cũng vô hồn không thể bền lâu!

Những giá trị Phan Thanh Giản đạo đức mang tới cho xã hội thật cao đẹp lâu dài biết bao, không thể so sánh với với sự liều lĩnh, gan dạ ném bom vào đám đông, càng không thể so sánh với một chức vụ cụ thể nào cho dù cao tới đâu đi nữa!

Các giá trị vằng vặc giữa trời, soi chung xã hội!

Ngày 14 tháng 6 năm 2022

====================================

TÀI LIỆU THAM KHẢO, ĐỌC THÊM

(1), (2), (4) Phan Thanh Giản với cái nhìn khách quan của lịch sử. Người Đô Thị, 08/03/2020

(3) Phan Thanh Giản, nỗi oan 150 năm. Tuổi Trẻ online, 29/9/2008