Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 28)

40

So với mấy cuộc chuyển trại trước, cuộc chuyển trại cuối năm 1973 đến với tôi hoàn toàn không bất ngờ.

Từ mấy hôm trước tôi trong trại đã có tiếng xì xào về một sự kiện không bình thường. Trên văn phòng Ban Giám thị người ta lễ mễ khuân ra khuân vào những chồng hồ sơ cao ngất. Việc rõ ràng bí mật, cho nên công an tự làm lấy. Mấy cái máy chữ gõ rào rào không nghỉ.

Những người tù là những người mơ mộng cực kỳ. Có khi chuyến này đại xá, họ thì thào, mặt tươi nở. Tại sao lại không thể có đại xá trong khi những chiến thắng giòn giã cứ theo nhau mà phơi phới mà tưng bừng trên mặt báo? Hội nghị bốn bên ở Paris (1973) đã buộc người Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, phải rút quân Mỹ về từ mấy tháng trước. Đã lâu, năm nào Nhà nước cũng có đặc xá, thì nay có đại xá cũng không phải là điều không thể xảy ra. Đã đến lúc rồi.

Nhưng chiều hôm trước cuộc chuyển trại tất cả tù nhân, số chẵn cũng như số lẻ, mới ngã ngửa người ra rằng, than ôi, chẳng có đại xá đại xiếc gì hết, mà chỉ có một cuộc đại tan đàn xẻ nghé đến với họ mà thôi. Tin tức lọt ra từ những cán bộ có quan hệ thân tình với mấy anh tù tự giác. Cả trại nháo lên. Người ta chạy ầm ầm từ nhà này qua nhà khác, chia cho nhau thứ nọ thứ kia kẻo đến lúc hấp tấp kẻ ở người đi lại không kịp.

Những người tù không bao giờ thích chuyển trại, cho dù cái trại họ đang ở là tồi tệ. Cái tồi tệ đã biết rồi bao giờ cũng dễ chịu đựng hơn cái tồi tệ chưa biết. Sau, những người đã kịp thân thiết với nhau trong cảnh tù đầy, đã hợp thành một gia đình để nương tựa vào nhau, an ủi nhau, nay lo lắng lắm trước cảnh mỗi người một nẻo. Họ ngồi ăn với nhau đấy, cười nói như thường đấy, nhưng nước mắt chảy vào trong. Ngày mai chưa biết rồi ai ở ai đi. Đêm hôm ấy hầu hết tù không ngủ. Nhìn qua song sắt thấy ánh lửa bập bùng ở các cửa sổ nhà giam gần bên thì biết tù đang sột sệt - nấu cháo sắn hoặc đun nước pha trà, bất kể kỷ luật trại. Từ một ngôi nhà nào đó bên số chẵn suốt đêm vẳng ra tiếng ghi-ta chơi mãi một câu trong bản Nhạc Rừng "tình tinh tinh, tinh tình tinh tinh, tinh... tình!".

Đêm đó cả trại thức trắng.

Đến sáng bạch mới thấy cán bộ xủng xoảng chìa khóa đi vào trại. Tù đã mừng. Thường người ta chuyển tù đi vào ban đêm. Khéo mà tin đồn kia là nhảm cũng nên. Nhưng cán bộ chỉ mở một số nhà giam tù số lẻ. Người ta gọi tên. Ồn ào. Nhốn nháo. Đi thật rồi. Nhưng tù số lẻ không đi hết. Những người ra đi hối hả sắp xếp đồ đoàn.

Tôi ném cái túi đồ lên xe tải, leo lên theo. Que sera sera, tôi nghĩ! Mà còn nghĩ cái gì? Tù mà, đâu chẳng thế, muốn ra sao thì ra. Tôn Thất Tần leo lên theo, ngồi bên tôi, mặt bất động. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong đời ông, hay đời tù thì cũng thế, ông đã lắc lư trên xe như thế này?

Tôi bắt đầu già. Khi anh không muốn có sự thay đổi nào nữa, khi anh chỉ muốn sống với những thói quen là anh bắt đầu già đấy.

Bao giờ mình mới ra khỏi đây? Bao giờ cũng được, nhưng cúi đầu thì không. Mình có sống được hai lần đâu. Thế giới rồi sẽ thay đổi chứ. Nó không thể không thay đổi khi trên mình nó còn những quốc gia ung nhọt kiểu thế này.

Trước ngày chuyển trại mấy hôm, Nhân tới gặp tôi. Nó chỉ bị cùm một tháng rồi được ra. Tòa xử vụ giết Hán còi được thiết lập trong trại. Nhân bị xử hai mươi năm.

- Hán Còi là cháu chú thật à? – một hôm nó đến, ngồi xuống bên tôi.

- Thì sao?

Nó buồn rầu:

- Cháu xin lỗi chú. Cháu không định thế.

Tôi nhìn bộ mặt non choẹt, mới lún phún những sợi ria như những lông tơ của tên giết người, tôi thở dài:

- Ờ, chú hiểu.

- Cháu đâu có định làm thế. Nhưng nó bắt nạt cháu quá! Cháu tức lên, cháu mới chém nó.

Thế đấy, một cơn tức giận, một mạng người.

Trước đấy vài tháng tôi được gặp gia đình. Chính sách đối xử với tôi bây giờ rộng rãi hơn, tôi được ở với vợ một ngày đêm. Cùng ở trong nhà khách của trại có một người đàn bà đi tiếp tế gày tong teo, âm thầm như một cái bóng. Vợ tôi làm cơm, mời bà ta ăn cùng.

Thì ra đấy là mẹ của Nhân. Bà kể lể: mọi sự khốn khó trong gia đình bà đều do ông chồng gây ra hết. Trong câu chuyện than van của bà, lạ thay, và cũng buồn thay, vẫn có một âm sắc tự hào về ông chồng. Mà bà tự hào cũng phải. Ai có một ông chồng toàn tâm toàn ý vì cách mạng như chồng bà mà không tự hào? Ông là đảng viên lâu năm, làm giám đốc kiêm bí thư đảng một xí nghiệp đồ điện. Họp suốt, chẳng mảy may quan tâm đến con cái. Còn thời giờ nào nữa để mà quan tâm? Bố mẹ không giáo dục con cái thì hè phố giáo dục. Nhân dần dà trở nên hư hỏng. Bị công an bắt mấy lần vì những chuyện hư hỏng lặt vặt, bà lên đồn nói khó với các đồng chí công an xin tha, nó được ra. Nhưng chứng nào tật ấy, nó không chừa.

Rồi đến một ngày ông bố không chịu nổi nữa, ông điệu nó lên đồn: "Nhờ Đảng và Chính phủ, nhờ các đồng chí giáo dục". Nó được nhận. Vắng con, bà khóc lóc, nhưng ông không chuyển lòng. “Mình không giáo dục được con thì phải nhờ Đảng và Chính phủ giáo dục, còn kêu ca nỗi gì?” Ông chịu đựng được tiếng khóc của bà một tháng. Khi không chịu được nữa, ông lại lên đồn: "Chắc một tháng qua cháu nó đã biết sợ, xin các đồng chí cho cháu về, kẻo mẹ cháu khóc quá". Các đồng chí công an lạnh lùng: "Ơ hay, về là thế nào? Đâu có thể như thế được! Đồng chí xin chính quyền giáo dục cháu, chúng tôi đã cho cháu đi trại rồi. Ở đấy nó sẽ được giáo dục cho kỳ ngoan". Ông vật nài: "Các đồng chí thông cảm cho nhà tôi, cấp cho tôi cái giấy, vợ chồng tôi tự lên trại đưa cháu về". "Đưa về là làm sao? Cháu đã được thành phố cho một lệnh tập trung cải tạo. Ít nhất thì hết ba năm nó mới về được".

Hết lệnh, thằng bé được một lệnh tiếp. Người ta bảo: nó cải tạo chưa tốt. Sau đấy nó trốn trại, rồi trở thành tên giết người.

Cùng đi chuyến này với tôi còn có những người bạn mới từ Vĩnh Quang vừa chuyển lên Tân Lập. Phần lớn, đó là những sĩ quan trong quân đội Pháp và quân đội Bảo Đại. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ (8. 1964) hầu hết những ai đã ở trong quân ngũ phía bên kia trong chiến tranh Việt-Pháp đều bị gom vào các trại tập trung. Người ta sợ Mỹ tấn công ra miền Bắc thì những người này sẽ theo Mỹ.

Cựu đại úy quân đội Pháp, rồi quân đội quốc gia Việt Nam, Kiều Duy Vĩnh là người đối với tôi thân tình hơn cả. Anh không nhìn tôi như người của cái chính quyền đưa anh đi tù[1]. Nhìn phong thái của anh thì thấy có vẻ như cái sự tù không gây ra cho anh nhiều phiền nhiễu. Anh thong dong như không phải đang ở trong tù. Nói cách khác, Vĩnh ít có vẻ tù nhất trong những người tù, "Jean Valjean gọi bằng cụ" nhận xét như thế. Kiều Duy Vĩnh thản nhiên đối với số phận, như thể anh chỉ đến thăm thú trại tù ít lâu rồi đi, chứ không có ý định ở lại.

Vĩnh tâm sự: "Các anh ở ngoài kháng chiến không hiểu tâm trạng tụi tôi, chứ trong lòng địch chúng tôi đâu có thích cầm súng cho Pháp. Trong đám chúng tôi hiện ở đây ít người theo Pháp thực lòng lắm. Người thì bị bắt lính, người thì thất nghiệp phải đăng lính để kiếm cơm, chứ chúng tôi đều hướng về kháng chiến đấy. Phàm người Việt Nam, ai không muốn độc lập, tự do? Kháng chiến thành công, chúng tôi mới ở lại, không đi Nam. Chúng tôi vui lắm chứ! Chúng tôi tin các anh không trả thù, các anh hứa thế mà. Qua cuộc bắt bớ này mới thấy - các anh là những con người quay quắt, tiền hậu bất nhất".

Kiều Duy Vĩnh kể trong trận càn Mandarin ở Thái Bình, năm 1952, lính của anh bắt được một cán bộ Việt Minh, anh đã giả lệnh trên đưa về khai thác rồi bỏ lên xe chở đi. Giữa đường, anh dừng xe, mở khóa cho anh cán bộ: "Tới lũy tre kia là vùng các anh rồi, chạy đi!" Anh ta chạy, vừa chạy vừa ngoái lại, sợ bị bắn sau lưng. Vĩnh nói thêm: "Nếu anh ta đừng quá sợ, nếu anh ta can đảm một chút, dừng lại thêm vài giây để khuyên tôi đi theo anh ta thì có dễ hôm đó tôi đã theo các anh rồi!"

- Đáng tiếc! - tôi nói.

Vĩnh nhún vai:

- Không biết có đáng tiếc hay không, nhưng trong chín năm chống Pháp các anh luôn luôn là hình mẫu lý tưởng của chúng tôi, chúng tôi nhìn các anh trong ánh hào quang rực rỡ của những nhà ái quốc.

Cựu trung úy Lê Trình, tức Trình Hàng Vải, kể cho tôi nghe một lần anh thấy tên lính trong đơn vị anh lấy báng súng đánh tù binh, anh đã nện cho nó một trận trước mặt đồng ngũ rồi bắt nó đi khuân những thùng casse-croute[2] về cho tù binh ăn. Một trong những tù binh gặp anh sau hòa bình đã mời anh đi ăn một bữa tái ngộ rất vui vẻ. "Tách từng người ra, các anh dễ thương lắm. Nhưng gộp lại, các anh có nhiều chất quái vật".

Kể cho tôi những chuyện đó chẳng phải các anh muốn kể công với tôi. Tôi có là cái gì để mà họ kể công. Tôi cũng tù như họ. Cũng chẳng phải họ nói tốt để tôi báo cáo với Ban Giám thị - họ thừa biết tôi không phải chỉ điểm. Đáng lẽ họ còn phải trút lên đầu tôi nỗi căm giận chất chứa trong lòng nữa kia. Gì thì gì, tôi đã là một cán bộ cộng sản. Tôi cho rằng họ kể những chuyện đó cho tôi nghe vì trong những ngày ấy lòng họ vẫn còn một chút gì ấm áp dành cho những người cộng sản thật tâm vì đồng bào, vì đất nước. Tôi hiểu thế nên không cãi, không trần tình. Tôi cười.

Chúng tôi trở thành bạn của nhau, những người đã từng ở hai bên chiến tuyến. Những viên đạn của chúng tôi đã bay vèo vèo sang nhau, nhưng may mắn, hay không may mắn, đã không trúng.

Cùng nhóm tù Vĩnh Quang còn có Văn Thợ Mộc, tôi không nhớ họ anh, cũng chẳng nhớ anh cấp bậc gì, cũng trung úy đại úy chi đó, không hơn. Anh cực kỳ hiền lành, tính lại hay giúp đỡ người, được cả trại mến, từ người tù cho tới viên quản giáo coi đội. Anh ngồi lắc lư trên xe, trong một góc khuất, chẳng buồn ngó nghiêng ra ngoài. Cuộc chuyển trại này làm anh khổ tâm lắm - anh phải xa thằng con nuôi. Đó là một thằng bé có gương mặt thông minh, và cũng hiền lắm, chẳng hiểu sao lại rơi vào đám số chẵn. Trong đám lưu manh, nó không ở trong hàng sĩ quan, cũng không phải lính vét, một thằng bé rất trì, nghĩa là lì lợm, cứng đầu, không chịu một ai. Bọn sĩ quan vẫn phải kiềng nó ra. Bạn tù cho tôi biết nó là con người tình năm xưa của anh. Anh chăm sóc nó bằng tấm lòng của người cha, nhường nhịn mọi thứ hiếm hoi trong tù cho nó. Bù lại, thằng bé cứng đầu mềm nhũn ra bên cạnh cha nuôi, như một con mèo con.

Phổ Gián Điệp lầm lì ngồi bên Văn Thợ Mộc. Anh sống trong tù như một ốc đảo, không dính dáng với ai, không chơi với ai. Có người nói anh trước hoạt động trong nội thành, sau mất liên lạc với cấp chỉ huy. Một hôm thợ sửa mái phát hiện trên trần có một máy phát tin, thế là anh bị bắt, bị buộc tội làm gián điệp. Những người hoạt động cùng với anh đã đi Nam, xác minh không được vì trước anh chỉ liên lạc với họ bằng mật danh, mật hiệu bây giờ không dùng nữa...

Khi qua thị xã Yên Bái, xe dừng, tôi được thiếu úy Nhẩm rủ xuống đi xem phố. Trong chuyến đi này những người tù số lẻ không bị khóa tay. Trên xe chỉ có hai công an đeo tiểu liên canh chừng với tinh thần cảnh giác không sắc bén. Những người tù bị bắt vì cẩn thận không bao giờ trốn. Họ đã đứng tuổi, hoặc đã già, không thích hợp với sự phiêu lưu.

Tôi đi lang thang dọc phố ngắm cảnh. Không giống như khi vừa từ xà lim ra, tôi không còn háo hức muốn nhìn ngó. Thị xã là một dãy nhà thấp tè, ám khói, nằm xiêu vẹo ven đường ô tô. Một cửa hàng ăn mậu dịch đông đúc bán cơm phiếu, phở không người lái. Một cửa hàng bách hóa lèo tèo. Còn lại là những ngôi nhà rách rưới, tạm bợ. Từ những mái tranh xập xệ mùi mốc thếch của cái nghèo phả ra đường. Lác đác mấy cái máy khâu im lìm chõ ra mặt phố, mấy ông thợ cạo ngẩn ngơ bên những cái ghế không khách. Những tấm biển gày còm: Ở Đây Lộn Cổ Lộn Gối, Vá Chữa Quần Áo Lấy Ngay, Cắt Tóc, Cắt Tóc... Cứ như thể người ở đây ra đời chỉ để cắt tóc, đem sơ mi đi lộn cổ, đem quần đi lộn gối, vá mông rồi chết.

- Nước mình nghèo quá, phải không anh? - Nhẩm đi bên tôi, nói. - Khác Liên Xô quá, phải không?

Tôi cười thay lời đáp.

Nhẩm rủ tôi vào quán. Tất nhiên, anh ta muốn chiêu đãi tôi. Nhưng tôi từ chối. Cái việc tôi được đặc cách xuống xe đi lông nhông cũng đủ làm các bạn tù ngứa mắt rồi.

Trại Phong Quang nằm trong một lòng chảo sát biên giới Việt-Trung, cách đường Hữu Nghị là con đường do nước cộng sản Cuba mới xây dựng giúp khoảng hơn chục cây số. Đó là theo những gì người ta kể, một hình dung địa lý mờ mịt được chắp vá bởi những câu nói không rõ ràng của những người đi tiếp tế và dân địa phương, chứ tù thường bị chuyển tới nơi ở mới vào ban đêm không bao giờ biết chính xác nơi mình đến là đâu.

Khi tôi vừa tới, những câu chuyện về khí hậu độc địa của vùng này làm tôi phát ớn. Trước hết là sự vắng bóng chim sẻ, được những người tù có học giải thích bằng bản năng trời cho của loài vật - chúng mẫn cảm với tai họa nên tránh xa những vùng nguy hiểm. Thật vậy, chim sẻ có mặt khắp nơi, nhưng ở Phong Quang tịnh không thấy chúng. Các giống chim khác cũng không. Chỉ đêm đến mới nghe văng vẳng tiếng từ quy khắc khoải gọi nhau. Nước Phong Quang có độc hay không, độc đến mức nào, không ai biết, nhưng tù ở các đội nông nghiệp nói rằng ở đây có những khu ruộng sình mà lội xuống bước lên đã thấy lông chân tuột hết không còn cái nào.

Trong các trại tôi đã qua, Phong Quang bị liệt vào loại trại khắc nghiệt. Không người tù nào muốn bị chuyển tới trại này. Những người tù lâu năm an ủi những người tù ít năm rằng dù sao Phong Quang cũng chưa phải trại dữ nhất. Dữ nhất, theo họ, vẫn là Cổng Trời mà tôi đã nói tới ở trên.

Xe tù vừa tới Phong Quang tôi đã thấy ngay trại này khác hẳn trại Tân Lập. Cán bộ công an ở đây sát khí đằng đằng, đi lại hùng hổ, luôn miệng quát tháo. Đập vào mắt tôi là cảnh mấy người tù bị “khóa cánh tiên”, lồng ngực căng ra hết mức, mặt đỏ bừng, lử lả ngoài cổng trại. Sau mới biết người bị “khóa cánh tiên” bao giờ cũng bị khóa ở đấy, nơi mọi người tù đều thấy rõ, một kiểu triển lãm ngoài trời. Thảo nào, khi chia tay với tôi, Nhẩm tần ngần: "Thôi, tôi về nhá, anh Hiên nhá! Anh ở đây cố gắng mà chịu đựng. Tôi đã bàn giao với cán bộ ở đây cẩn thận về trường hợp của anh rồi. Nhưng dù sao thì đây cũng không phải Tân Lập. Mong anh chóng được ra. Cơn bĩ cực nào rồi mà chẳng có lúc hết".

Cơn bĩ cực của tôi xem ra còn dài.

Trời bù cho tôi. Trại Phong Quang thú vị bởi những nhân vật đặc sắc. Tôi gặp ở đây một bộ sưu tập tù độc đáo. Không kể tín đồ các đạo và các bậc chức sắc của họ, các thứ đảng phái tôi chưa một lần nghe tên, tôi còn gặp một người Âu, mấy anh Lào, mấy anh Miên, cả những anh hùng lao động nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lại có cả hai anh “xét lại” chẳng dính dáng gì tới vụ chúng tôi. Tôi nhớ tới Paustovsky: "Nhà văn cứ thản nhiên mà sống. Chẳng có gì của cuộc đời đi qua mà không để lại dấu vết, không trở thành tài liệu văn học". Ông đúng. Những bức chân dung không cố ý giữ lại trong trí nhớ mà cứ còn mãi, như thể chúng được khắc sâu bằng dao, xù xì, góc cạnh, không thể tẩy xóa.

Nghe nói có tù “xét lại” ở đây tôi vội bổ đi làm quen.

Thì ra có thật. Một người là sinh viên du học ở Budapest bị sứ quán đuổi về nước[3] vì tội dám yêu một cô gái Hung. Anh ta trốn để ở lại với người yêu, nhưng bị công an nước bạn Hungari bắt, để trả cho sứ quán Việt Nam. Bị áp giải về nước, anh này ở Hỏa Lò một thời gian rồi bị đưa lên Phong Quang. Anh thứ hai là một thanh niên đã học ở Nga, về ngôn ngữ hay văn học gì đó tôi không nhớ. Hỏi làm sao anh bị bắt thì anh ấp úng, nói có lẽ do anh có qua lại với mấy người Nga dạy học ở Hà Nội. Cả hai đều bị gọi là “xét lại”, ít nhất thì cũng là cách gọi của công an. Không rõ trong hồ sơ tập trung cải tạo của hai anh người ta ghi tội danh gì, nhưng rõ ràng họ không thuộc vụ chúng tôi.

Thế là vẫn như trước, ở đây tôi chỉ có một mình.

Trong những người tù Phong Quang mà tôi quen đầu tiên, tôi đặc biệt nhớ một thanh niên Trung Quốc bởi ý chí kiên cường của anh ta. Theo anh ta tự giới thiệu thì ở Trung Quốc anh là sinh viên một trường đại học ở Vũ Hán. Mấy ông già biết phiên âm Hán Việt gọi anh ta là Lý Phương, phiên âm từ tên Trung Quốc Li Fang hay Li Feng, không biết phiên âm thế có đúng hay không. Những người Trung Quốc mới sang trong đợt chạy cách mạng văn hóa vô sản nói chung không có tên gọi theo âm Hán Việt. Tên Việt của họ là do cán bộ đặt theo kiểu hầm bà làng, miễn sao dễ gọi.

Không hiểu nghe ai nói tôi là nhà báo, Lý Phương tự tìm tới tôi:

- Tôi có việc muốn nhờ anh. - Lý Phương nói bằng tiếng Việt, rất rõ ràng, rất chuẩn, do đó không được Việt lắm.

- Có chuyện gì vậy?

- Tôi muốn anh giúp tôi trong việc tìm ra cách la-tinh hóa tiếng Trung Quốc.

Tôi ngần ngừ:

- Tôi không biết tiếng Trung Quốc, không biết những đặc điểm của cách phát âm Trung Quốc, làm sao giúp anh được?

- Anh giúp được. Tôi chỉ hỏi anh khi cần thôi. Tự tôi nghiên cứu là chính. Anh người Hà Nội, phát âm tiếng Việt chuẩn, lại có hiểu biết về ngôn ngữ, thế là tốt cho tôi lắm rồi. Anh biết không, tôi thấy tiếng Việt được la-tinh hóa rất hay. Cần phải bắt chước cách la-tinh hóa tiếng Việt để ký âm tiếng Trung Quốc, la-tinh hóa nó...

Không một lời nào nói tới cuộc sống tù tội, không một câu hỏi thăm về án hình, vốn là đề tài muôn thuở trong những cuộc làm quen ở chốn này.

Trung Quốc không bao giờ hết những con người vĩ đại.

Cho đến lúc rời Phong Quang tôi vẫn không biết chính xác lý do Lý Phương rơi vào nhà tù Việt Nam. Có người nói anh ta ở trong một tổ chức chống Mao. Trong cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản, Lý Phương bị bắt, vượt ngục chạy sang Việt Nam. Trong trường hợp một người ở nước mình nhân thân bị đe dọa vì lý do chính trị đến xin tá túc một nước khác, gọi là xin cư trú chính trị, thì nước nọ thường cho phép anh ta cư trú, lại còn giúp đỡ điều kiện sinh sống. Trừ Việt Nam. Những người Trung Quốc tị nạn đến Việt Nam, nếu may mắn không bị trả về Trung Quốc thì họ được Việt Nam cho tị nạn trong tù.

Lý Phương không bị trả về Trung Quốc là may. Nhưng có thật anh ta chống Mao không thì tôi không biết. Chỉ biết trong trại Phong Quang Lý Phương kết nghĩa anh em với một người tù, cũng rất đặc biệt, là Lý Cà Sa.

Về Lý Cà Sa tôi đã được nghe tiếng từ trại Tân Lập. Người tù rất đặc biệt này đã qua nhiều trại, do đó được anh em tù biết đến nhiều. Anh ta hình như là thổ phỉ thì phải. Tôi nói hình như vì chính tai tôi chưa nghe Lý Cà Sa nói về tội trạng mình lần nào, cũng không nghe cán bộ trại giam nói, hoặc nghe người ta đọc tội danh của anh trong khi kiểm kê tù hàng năm. Theo tôi quan sát thì Lý Cà Sa giống tù số lẻ hơn tù số chẵn. Đó là một người Trung Quốc hoàn toàn, nhưng không phải một người Trung Quốc hiện đại, mà từ thời hòa thượng Lỗ Trí Thâm, thời đề mục Lâm Xung[4], lạc vào đây. Cao, to, cân đối, gương mặt sáng sủa, với đường nét ngay thẳng, trông thoáng cũng thấy anh là người tính tình cởi mở, trung thực, Lý Cà Sa nổi tiếng là người có sức khoẻ kỳ lạ. Tám người tù lẻo khuẻo ì ạch kéo một cái xe bò lên dốc không nổi, Lý Cà Sa chạy lại giúp, anh xua mọi người ra, lôi nó đi băng băng bằng một tay. Hơn một chục tù tát từ sáng tới trưa không cạn một cái giếng, Lý Cà Sa cũng xua họ đi, một mình một gầu thau xong giếng trước khi trời tối. Vì sức khỏe, và vì cả nết chăm làm của anh, Ban giám thị các trại đều trọng nể anh. Họ cho anh một đặc ân không người tù nào có được là suất ăn hàng ngày gấp đôi tù thường. Có điều, với sức khoẻ của Lý Cà Sa, suất ăn như thế chẳng đi đến đâu.

Lý Cà Sa rất thương Lý Phương. Kiếm được cái gì anh cũng nhường cho Lý Phương. Lý Phương nhận sự nhường nhịn của đàn anh như lẽ đương nhiên, suốt ngày chỉ chăm chú vào việc cải tiến chữ Trung Quốc. Trông cách làm việc của Lý Phương thì có thể nghĩ rằng anh thanh niên này không phải bị tù, mà anh ta sang Việt Nam để có điều kiện nghiên cứu cho việc hoàn tất một công trình ngôn ngữ học rất quan trọng.

Không biết rồi công trình của nhà ái quốc Lý Phương có giúp ích gì cho ngôn ngữ Trung Hoa hay không, nhưng anh ta đã làm việc, như chúng ta thường nói, quên mình.

Về sau tôi có điều kiện giúp Lý Phương được nhiều hơn nữa nhờ ông Lê Hữu Qua, cục trưởng Cục quản lý trại giam. Sau đợt lên thanh tra trại của ông cục trưởng, trung úy Bưởi, cán bộ phụ trách giáo dục, người Hà Tĩnh, một thanh niên trẻ và đẹp trai, gọi tôi lên:

- Ban giám thị có ý để anh làm văn hóa trại, ý anh thế nào?

Tô nhìn Bưởi.

- Tôi muốn biết công việc gồm có những gì?

- Cũng chẳng có chi mô. Rất đơn giản. Đại khái là thông báo cho phạm biết những quyết định của Ban, kiểm tra vệ sinh, nếp sống văn hóa mới, thỉnh thoảng phát tin trong báo Đảng cho phạm nghe, trong trại có hiện tượng gì thì báo cáo cho Ban biết...

Tôi ngần ngừ, rồi quyết định:

- Tôi nhận công việc này, trừ hai việc.

- Việc chi?

- Tôi không báo cáo về những việc xảy ra trong trại, là một – tôi nói, dứt khoát - Tôi không làm công việc chỉ điểm.

Bưởi cau mặt.

- Nhưng nếu trong trại có một âm mưu giết nhau, chẳng lẽ anh cũng không báo cáo để chúng ta cùng nhau ngăn chặn?

- Những chuyện như thế thì tôi sẽ báo cáo.

- Còn việc thứ hai?

- Tôi sẽ không “khóa cánh tiên” các trại viên khi có cán bộ hạ lệnh.

Bưởi ngần ngừ:

- Anh cho đó là nhục hình?

- Hơn thế, nó còn hạ thấp nhân phẩm của cả người hạ lệnh khóa lẫn người thực hiện hình phạt ấy.

- Anh sẽ không phải làm việc đó - Bưởi nói - Công việc của anh trực thuộc Ban giáo dục trại. Có gì anh cứ trực tiếp gặp tôi để giải quyết.

Tôi hiểu rằng không phải do lòng tốt của Bưởi mà tôi được chọn làm “văn hoá trại”. Đó là do có chỉ thị từ trên, trong trường hợp của tôi là do quyết định của Cục trưởng Lê Hữu Qua.

Bưởi giữ đúng lời hứa. Tôi được tự do trong công việc của mình. Anh ta cho tôi một căn phòng ở sát hội trường để làm việc. Tôi được nhận báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ cũ của Ban Giám thị để dùng cho công việc. Những tờ báo hiếm hoi và không liên tục trở thành nguồn thông tin quý báu cho những người tù bị cắt đứt với cuộc sống bên ngoài, đặc biệt là tù số lẻ. Tôi làm những cái bảng treo chúng ở từng khu, khu này đọc xong thì chuyển qua khu khác.Chưa từng có anh “văn hoá trại” nào làm chuyện này. Anh em khoái trá vỗ vai tôi:

- Tốt lắm!

Thấy Bưởi dễ tính, tôi xin phép tổ chức một trường bổ túc văn hóa trong trại. Bưởi tán thành. Trong việc này anh còn tỏ ra sốt sắng là khác. Chúng tôi tìm những người tù có học, bố trí họ làm giáo viên, khuyến khích trại viên đi học. Lúc đầu, các cháu số chẵn không muốn học, nhưng sau khi đi “học thử” vài buổi, chúng rất chăm đến lớp. Mà không phải chỉ có tù đi học, một số cán bộ, chiến sĩ công an cũng đến nghe giảng, nhất là những buổi bình văn hoặc lịch sử. Họ ngồi ở cuối lớp để ra vẻ không học chung với tù, nhưng nhiều lần nghe giảng rồi họ còn đến “phòng văn hoá” hỏi các giáo viên mỗi khi có thắc mắc. Lý Phương cũng đến nghe giảng, mặc dầu anh ta không hiểu được bao nhiêu, trông mặt anh ta cứ nghệt ra thì biết.

Công việc của tôi và Bưởi hợp tác đã đem lại kết quả tốt. Kỳ thi tốt nghiệp cấp hai được tổ chức ngay trong trại, do các giám thị ở ngoài đưa vào coi, rất có kỷ luật, sĩ số đủ điểm tốt nghiệp thuộc loại cao nhất tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Trại Phong Quang được coi là lá cờ đầu về bổ túc văn hóa trong ngành quản lý trại giam.

Bưởi ngày một gần tôi hơn.

Tôi phải mà cả rõ ràng mọi điều kiện với cán bộ giáo dục trại vì tôi không muốn các bạn tù hiểu nhầm tôi làm tay sai cho công an. Ở trại Phong Quang có một anh cán bộ Bộ Ngoại giao, cũng bị bắt về tội liên lạc với người nước ngoài, trong đó có cả tội giao thiệp với sứ quán Liên Xô. Giao thiệp với người nước ngoài cũng là một dạng “xét lại”, cũng là một tội, theo cách hiểu của công an ngành trại giam, mặc dầu anh không được hân hạnh nằm trong sự quản lý của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Anh ở trại này trước tôi, được Ban giám thị trại cho làm “trật tự”. Nếu như họ cho tôi làm cái chân này, chắc tôi phải chối từ. Nhưng anh bạn đã nhận, vì anh em yêu cầu, theo anh kể. Trong đám số lẻ có người làm trật tự thì vẫn hơn trật tự toàn số chẵn. Nhưng làm “trật tự” có nghĩa là làm tay sai trực tiếp của đủ mọi loại cán bộ, kể từ Ban giám thị trở xuống. Họ bắt lấy roi quất anh em thì phải quất, bắt “khóa cánh tiên” anh em thì phải khóa. Anh cán bộ ngoại giao nọ đã sai lầm khi nhận làm “trật tự” để trở thành tay sai thực thụ cho những kẻ bất nhân, bị anh em số lẻ vừa khinh vừa ghét.

Nhờ có sự thỏa thuận trước giữa tôi và trung úy Bưởi, nên khi các quản giáo sai tôi “khóa cánh tiên” những người tù phạm kỷ luật, tôi từ chối thẳng. Họ bực tức, họ giận dữ, kiện lên cả Ban giám thị, nhưng không thấy Ban giám thị khiển trách tôi. Ban giám thị hiểu rằng tôi sẵn sàng trở lại đội thợ xẻ bất cứ lúc nào, chứ tôi kiên quyết không nghe lời các quản giáo làm chuyện bất nhân đó. Vả lại, tôi hiểu rằng nếu họ muốn không cho tôi làm “văn hoá trại” nữa, mà việc này chẳng qua chỉ nhằm giảm nhẹ lao động cho tôi, thì họ cũng phải báo cáo cục trưởng để xin ý kiến[5].

Gần trung úy Bưởi một thời gian, tôi kết luận: anh là người nhân hậu trong bản tính. Tôi chưa thấy anh hạ lệnh “khóa cánh tiên” một người tù nào, mặc dầu đó là một trò chơi thích thú của bất cứ anh quản giáo nào muốn tỏ ra mình có quyền uy. Bưởi băn khoăn rất nhiều trước khi buộc lòng phải cho một phạm nhân đi cùm. Tôi còn nhớ một hôm có anh chàng số chẵn tên Lộc, biệt hiệu Lộc Ca-lô-ba, đến giờ đi lao động cứ nằm ì, nhất định không chịu đi. Bưởi hỏi tại sao không chịu đi thì Lộc Ca-lô-ba chỉ khóc, rồi nói "việc của tôi ông không giải quyết được, chỉ có chú Hiên mới giải quyết được thôi". Bưởi cho “trật tự” đi gọi tôi. Thì ra anh chàng này, ở ngoài là một võ sĩ quyền Anh hạng ruồi, vào tù đói quá, không chịu nổi, thế là vay nợ lung tung. Lệ trong tù vay một trả hai, vay một cái bánh mì hôm nay, mai phải trả bằng hai suất cơm, không trả được thì hôm sau nợ nhân lên gấp đôi. Lộc Ca-lô-ba bụng to hơn con mắt, cứ đói là vay bừa, trả thì bữa đực bữa cái, nợ cứ thế tăng lên, cho tới hôm đó đã là một trăm bốn mươi suất. Lộc đói lả là do bị chủ nợ cúp cơm liên tục.

Trước mặt Bưởi, Lộc van xin tôi giúp đỡ. Tôi mắng Lộc mấy câu qua loa cho có lệ rồi đề nghị Bưởi cho phép anh ta được nghỉ lao động hôm đó.

- Anh mần răng giúp hắn? - Bưởi hỏi khi chúng tôi trở về “phòng văn hoá”.

- Tôi đang nghĩ. Nhưng phải giúp. Đó là một cái tệ trong tù. Cứ đà này, bị cúp cơm dài dài, hắn sẽ chết đói.

- Để tôi cho lũ chủ nợ đi cùm - Bưởi tức giận - Chúng nó làm loạn quá!

Tôi lắc đầu:

- Không được đâu. Đây là quy ước hai bên thỏa thuận. Không ai bắt buộc Lộc Ca-lô-ba phải vay nợ. Anh làm thế, người ta cho là bất công.

- Rứa thì chịu à?

- Không. Nhưng phải tìm cách khác.

Tôi gọi các chủ nợ đến:

- Hôm nọ chúng mày có thấy mẹ thằng Lộc Ca-lô-ba không?

- Có. Quả “tắc” của nó còm lắm.

- Chúng mày siết cả rồi, phải không?

- Nó nợ chúng em nhiều lắm.

- Tao có gặp bà ta. Mới biết nó là con một. Bà lão già rồi, chẳng còn biết trông cậy vào ai, trừ nó ra.

Các chủ nợ đoán được tôi định dẫn câu chuyện tới đâu.

Tôi nói tiếp:

- Mấy hôm nay thằng Lộc Ca-lô-ba xem ra yếu lắm rồi. Cứ bị cúp cơm thế này nó sẽ chết.

- Chúng em không bắt nó vay. Nợ thì phải trả.

Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Đành là thế. Nhưng nếu nó chết, mẹ nó sẽ không còn nơi nương tựa trong tuổi già, chúng mày hiểu thế chứ? Vậy thì thế này. Anh, chúng mày biết đấy, vẫn tập yoga. Mà người tập yoga ngày ăn một bữa là chuyện thường. Anh thương bà lão, chứ không thương thằng Lộc, anh đề nghị chúng mày cho anh trả thay cho nó, với điều kiện là số nợ đến đây là dừng, không tính thêm nữa.

- Không được - các chủ nợ nhao nhao phản đối - Chúng em mà lại đi cúp cơm anh sao được?!

Tôi nằn nì:

- Cứ bữa chiều chúng mày lên lấy. Anh chịu được mà.

Các chủ nợ kiên quyết:

- Không.

- Vậy thì cho anh xin chúng mày số nợ ấy. – tôi nói - Vì mẹ thằng Lộc. Nhưng thằng này thì phải trừng trị cho sáng mắt ra, để từ sau nó chừa, không dám thế nữa... Chúng mày cho anh chứ?

Các chủ nợ suy nghĩ một lát:

- Vâng, thế cũng được. Nhưng anh phải để chúng em cho nó một trận.

Tôi mừng.

- Thì anh vừa nói rồi, thằng ấy hư lắm, không tha được. Nhưng nó yếu quá rồi, chúng mày được phép đánh nó, nhưng anh sẽ giám sát, chỉ được đánh nó bằng bàn tay xòe, thằng nào nắm tay đừng trách...

Sáng hôm sau Lộc Ca-lô-ba bị một trận tơi bời. Những bàn tay xòe không làm cho võ sĩ hạng ruồi bị đo ván. Nhưng mặt y sưng lên như cái bị.

Bưởi quan sát cách giải quyết của tôi, cười tủm tỉm:

- Hay thật đấy! Tôi được một bài học: phải tôn trọng những quy ước, dù chúng là thế nào.

Bưởi cũng nương nhẹ đối với những người cộng sản Trung Quốc thuộc "vụ Quảng Ninh".

- Họ giữ tư cách đàng hoàng lắm - Bưởi nhận xét - Đáng phục.

- Căn cứ tuổi họ thì đây là những người đã tham gia giải phóng Trung Quốc - tôi nói - Vào thời gian đó chỉ những người có tư cách mới lãnh đạo được quần chúng.

Những người cộng sản này đến Việt Nam bằng con đường khá vòng vèo. Khoảng đầu thập niên 60, tôi không còn nhớ rõ năm nào, vùng Hoa Nam bị lâm vào một nạn đói cực kỳ khủng khiếp. Người chết đầy đường. Dân đói ùn ùn kéo đi Hồng Kông, nghe nói cả triệu người. Chính quyền Trung Hoa lục địa không tài nào ngăn nổi một cuộc di dân ồ ạt như thế. Nó không thể xảy ra nếu không được những người dày kinh nghiệm đấu tranh lãnh đạo. Chính những người cộng sản địa phương đã tổ chức cuộc chạy trốn ấy. Chính quyền Hồng Kông giam dân di tản lại rồi báo cho Bắc Kinh biết. Bắc Kinh tuyên bố: "Không hề có chuyện các công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bỏ chạy tới Hồng Kông". Đảo quốc Đài Loan giang tay đón những đứa con đói khát của tổ quốc, nhưng không phải chỉ vì tình thương, mà còn vì những mục đích chính trị - họ nghĩ tới những đội biệt kích rồi đây sẽ được phái về "giải phóng tổ quốc". Những người cộng sản được lọc ra, được huấn luyện, rồi được bỏ lên những con thuyền buồm, nhằm hướng Hoa lục. Không hiểu la bàn hỏng, thuyền trưởng tồi, hay vì những trục trặc nào khác, nhưng họ lại cập bến Quảng Ninh sau một cơn bão, tưởng mình đã ở trên đất đai của tổ tiên.

Tôi hỏi một cựu bí thư huyện ủy (huyện của Trung Quốc to bằng tỉnh của ta):

- Anh thất vọng về chủ nghĩa cộng sản, và chống lại nó?

- Đâu có. Tôi vẫn thích chủ nghĩa cộng sản. Tôi vẫn tin chỉ có nó mới mang lại cho chúng tôi công bằng và hạnh phúc.

- Thế mà anh đã ra đi khỏi nơi đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tại sao?

- Mao Trạch Đông không phải cộng sản. Tôi có trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo. Họ đói. Đã có những người chết. Chủ nghĩa cộng sản thì xa. Nồi cơm gần hơn.

Anh Nguyễn Chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù, bĩu môi:

- Các anh nói thối bỏ mẹ: "trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo". Dân chúng chẳng cần tới sự lãnh đạo của các anh. Vì các anh dân mới đói. Vì các anh dân Trung Quốc mới thân tàn ma dại.

Ông bí thư huyện, anh hùng lao động nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhìn Thiện, nín lặng.

Những người cộng sản Trung Quốc sống trong nhà tù Việt Nam như khách. Họ chỉ quan tâm tới tình hình Việt Nam trong chừng mực những gì liên quan tới họ. Ngoại giả, họ mặc. Là tù đấy, nhưng họ không quỵ lụy cán bộ trại, cũng không hòa nhập với cộng đồng tù Việt. Cán bộ có quát nạt họ cũng giả vờ điếc, không nghe thấy, không hiểu. Thỉnh thoảng hứng lên họ hát đồng ca những bài hát cách mạng của Trung Quốc, như bài "Xì lai!"[6] mà chúng tôi cũng biết. Hoặc "Quốc tế ca". Nhưng không bao giờ họ hát bài "Đông phương hồng[7]. mặt trời lên. Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông!".

- Nạn đói là kinh niên đối với một nước như Trung Quốc - tôi nói với Thiện - Không phải những người cộng sản là nguyên nhân duy nhất. Thời Tưởng, tôi biết, nạn đói còn xảy ra nhiều hơn. Hãy nhớ lại bọn Tàu phù sang ta năm 1945. Không phải chỉ đói, mà còn man rợ nữa...

Thiện trợn mắt nhìn tôi. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của cộng sản có thể là tốt. Cái cách tôi đánh đồng loạt chính quyền Thưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Đông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi như một ngoại lệ. Nguyễn Chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Phổ Gián điệp, Tôn Thất Tần... kẻ đứng người ngồi trong ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh nổi tiếng Những Người Tháng Chạp[8] trong cảnh lưu đầy ở Sibir thời Sa hoàng.

Những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ, một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhớ:

Không có chỗ trên con tàu Trái đất

Tôi là người hành khách bơ vơ.

Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ

Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt,

Cái toa đen dành cho súc vật.

hoặc:

Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương... [9]

Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng

Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương...

Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác. Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bặm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sửa chữa nó. Nói tóm lại, anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gãy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.

Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn Chí Thiện đã bị ”khóa cánh tiên” ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ học cách trí - lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.

Trình Hàng Vải thì thào với tôi:

- Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện.

Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ: chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.

Kiều Duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng đến cùng dành cho tôi:

- Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu.

Tôi hiểu Kiều Duy Vĩnh quý tôi. Trong cái sự trọng tôi của Nguyễn Chí Thiện có ảnh hưởng tình cảm của Kiều Duy Vĩnh dành cho tôi. Nhưng không có Kiều Duy Vĩnh thì Nguyễn Chí Thiện cũng vẫn tin tôi không làm ăng-ten. Những người tù trí thức khác cũng tin như vậy.

Nguyễn Chí Thiện có trọng tôi hay không là chuyện không quan trọng. Trong tù tôi học được cách sống tự tại, mặc kệ người ta nghĩ về mình thế nào. Tôi mãi mãi vẫn là tôi, không phụ thuộc vào sự đánh giá của bất kỳ ai.

Vả lại, tôi chẳng việc gì phải đấm ngực trước Nguyễn Chí Thiện hay người tù chống cộng nào khác chỉ vì tôi đã có lúc chân thành đi theo sự vẫy gọi của niềm tin mang tên chủ nghĩa cộng sản.

(Còn tiếp)


[1] Cần biết trong lập trường 8 điểm do phái đoàn VNDCCH đưa ra trong Hội nghị Genève 1954, có long trọng ghi nhận: các bên tham gia cuộc chiến Đông Dương sẽ không truy bức những người từng hợp tác với đối phương. Rõ ràng phía VNDCCH đã không tôn trọng lập trường đó.

[2] Khẩu phần sáng của binh lính trong quân đội viễn chinh Pháp, được cung cấp cho cả binh lính quốc gia thuộc chính quyền Bảo Đại.

[3] Chuyện chính quyền nghiêm cấm sinh viên Việt Nam yêu người nước ngoài là chuyện bình thường trong nhiều năm dài sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Người ta nói rằng chính ông Hồ Chí Minh ra lệnh này từ năm 1953, trong cuộc nói chuyện với những sinh viên Việt Nam được xuất ngoại, tuy Hiến pháp và luật pháp đều không có một điều nào về chuyện này. Người phá rào cấm của ông Hồ năm 1957 là một nữ sinh viên. Sau này chị mang quốc tịch Ba Lan, trở thành một chuyên gia xuất sắc trong ngành kiến trúc. Vào đầu thập niên 80, khi con gái Lê Duẩn bỏ chồng Việt lấy chồng người nước ngoài thì lệnh miệng này mới hoàn toàn mất hiệu lực.

[4] Nhân vật trong truyện Thuỷ Hử của Trung Quốc.

[5] Sau khi ra tù tôi mới biết ông Lê Giản đã nói với cục trưởng Cục Quản lý Trại giam Lê Hữu Qua tìm cách giúp tôi. Lê Hữu Qua là cán bộ dưới quyền ông Lê Giản khi ông còn là Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam. Ông Qua là một trong số ít cán bộ công an có học cũ còn được giữ lại làm việc khi thủ trưởng ra đi. Vừa nhậm chức Trần Quốc Hoàn đã gạt hết các cán bộ của Lê Giản ra ngoài.

[6] Vùng lên! (tiếng Trung Hoa). Bài hát cách mạng phổ biến ở Trung Quốc, mở đầu bằng câu: "Vùng lên, không cam tâm làm ngựa trâu ngu dân!"

[7] Bài hát ca ngợi Mao Trạch Đông, mở đầu bằng mấy câu: “Đông phương hồng, mặt trời lên. Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông. Với nhân dân người là cứu tinh…”

[8] Những Người Tháng Chạp với ý muốn cách tân nước Nga vào đầu thế kỷ XX đã bị Nga hoàng Nikolai II đầy đi Sibir. Sự hy sinh của họ đã dẫn tới cuộc nổi dậy năm 1905.

[9] Theo tứ thơ của Lý Bạch (chết năm 762): "Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương".