Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Nguyễn Du – người Việt Nam đầu tiên đã tìm cách “thoát Trung”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Nói một cách đầy đủ là: Nguyễn Du – người Việt Nam đầu tiên đã tìm mọi cách giúp Dân tộc mình “thoát Trung” – một khái niệm hiện đại mang ý nghĩa Địa-Chính trị, Địa-Lịch sử trọn vẹn, có tính thời sự sâu sắc.

Chúng tôi đã nảy ra ý nghĩ này từ khi bắt đầu tìm hiểu cuộc đời Nguyễn Du nhằm xây dựng một bộ phim truyện Điện ảnh xứng đáng về chân dung Đại thi hào. Rồi khi một công ty đứng ra tổ chức thực hiện bộ phim tài liệu lớn: “Đại thi hào Nguyễn Du”, đem phổ biến rộng rãi, thì trong những nỗi thất vọng của đông đảo khán giả, có nỗi thất vọng của riêng chúng tôi: cái điều hệ trọng kia đã bị bỏ qua một cách thực đáng tiếc, và đáng giận…

IMG_1371[4]

Tác giả trước Thiên An Môn

Có lần đang ngẩng cổ ngắm nhìn những tường thành sừng sững, những lầu ngang dãy dọc hoành tráng, những nóc cung điện đồ sộ ở đất Trung Hoa, bất chợt những lời của một người thầy đáng kính dạy môn Hán văn cổ thời học đại học cứ hiện ra trong tâm trí chúng tôi như kiểu chữ triện khắc đậm nét: "Văn hóa Hán là văn hóa của sự cực đoan đến tận cùng... Đó là nền văn hóa phục vụ cho vua chúa, cho giới vương tôn công tử nên không thèm biết đến mức độ, lúc nào cũng như muốn đè bẹp, muốn trấn áp, hòng khiến người ta hoảng sợ quỳ mọp cúi đầu và tê liệt mọi ý thức về cá nhân mình lẫn mọi sự phản kháng..."

Thế nhưng, loại văn hóa cùng với những gì thuộc về công lý, lẽ phải, lòng nhân đạo dành cho đại đa số quần chúng lao khổ mà các bậc Thi thánh Thi tiên như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch... hằng vun đắp, tôn vinh thì đã, đang và sẽ bị tham vọng dữ dằn của chủ nghĩa bá quyền thiên hạ lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống – nó được đại diện bởi những kẻ "không để lộ nanh vuốt nọc độc nhưng ăn thịt người ngọt xớt như đường" (Bất lộ trảo nha dữ giác độc/ Giảo tước nhân nhục cam như di. Phản chiêu hồn) như Nguyễn Du từng lên án. Với những cảm nhận dữ dội và thức ngộ đau đớn như thế, Đại thi hào Việt Nam hơn hai trăm năm trước đã làm công việc “giải thiêng”, “giải ảo” Trung Hoa và bóc trần “căn tính sói” của các tầng lớp thống trị nối tiếp trên đất nước này; và tới hôm nay, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy, trực tiếp cảm nhận được những được điều đó, trên vạn dặm Trung Quốc thực đáng kính nể và cũng vô cùng đáng sợ!…

Các khái niệm “giải thiêng”, “giải ảo” Trung Hoa, “giải Hán hóa” mà chúng tôi sử dụng lấy từ hai bản tham luận trong Hội thảo quốc tế về Di sản Nguyễn Du tại Hà Nội: “Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến” (Nguyễn Phạm Hùng) và “Bắc hành tạp lục – sự thức ngộ của Nguyễn Du về Trung Hoa” (Trần Thị Băng Thanh); với mấy nhận định khá tiêu biểu: “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, những tác phẩm của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục đã cho chúng ta biết được một cách khá chi tiết và phong phú về một Trung Hoa khác, một Trung Hoa thời mạt kỳ phong kiến như ở Việt Nam, qua con mắt phán xét của nhà thơ, như một sự thể hiện nghệ thuật tư tưởng của ông đối với một mô hình xã hội vốn được coi là lý tưởng và duy nhất đương thời… Dường như, bằng nghệ thuật, Nguyễn Du muốn nói rằng, Trung Hoa không phải là mảnh đất “thiên đường” như nhiều người ảo tưởng, mà chỉ là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”, cũng đầy đau khổ và bất trắc”[1] – “Suốt chặng đường “Bắc hành”, những điều “tai nghe mắt thấy” đã tác động trực tiếp đến suy ngẫm của ông và giúp ông thức ngộ. Ông nhận ra một Trung Hoa thực chất không rạng rỡ văn minh nhân ái như sách vở vẫn ca ngợi mà là một Trung Hoa có quá trình lịch sử dày đặc với nhiều khoảng tối, u ám, dơ đục, oan khuất. Bấy giờ trong Nguyễn Du, hào quang Trung Hoa – trung tâm văn minh, nhân ái của đất trời – đã mờ. Trung Hoa là vực tối, một xã hội xảo trá, “ăn thịt người”, một xã hội phi nhân, không có nơi trú ngụ cho những con người chân chính và những điều tốt đẹp!”[2].

Nguyễn Du, người xuất thân “cửa Khổng sân Trình”, ham mê đọc sách, từng vùi đầu trong tản văn lịch sử, tản văn triết học chư tử, sáng tác văn chương của Khuất Nguyên, trong khi “mài bút” để trở thành một trong “An Nam ngũ tuyệt”, chắc chắn đồng thời cũng đã nhận ra cái căn nguyên hủy hoại gốc rễ đời sống cùng cái “phương thức” mong cải tạo con người từ mấy ngàn năm trước ở Trung Hoa – nơi người trung nghĩa như Tỷ Can bị vua Trụ mổ bụng xem tim (Sử ký), xã hội mà sử gia Tư Mã Thiên đã vạch ra: khi kẻ tiểu nhân biến thành kẻ dã man và biến văn hóa thành giả ngụy khiến xã hội và nhà nước suy đồi, bại vong, càng cần tìm đến cái trung (sự thành thực), tức là bản tính trong sáng, thuần khiết, cái Tâm của con người mà cốt lõi là chữ Nhân, là tình thương yêu đối với con người; như khái quát của Tăng Tử về Đạo của Khổng Tử: thành thực và từ tâm (trung và thứ)[3]. Với những trải nghiệm cay đắng từ gia đình thế tộc và xã hội loạn ly trong nước, Nguyễn Du đã thấm hiểu thực chất tấn bi kịch của nhà nho - người cầm bút vĩ đại thời Chiến quốc gây nên bởi tập đoàn thống trị hủ bại. “Thành thực và từ tâm” hóa ra là giải pháp ảo tưởng, khi mà đất nước ấy bị thống trị bởi những bậc “thế thiên hành đạo” u mê như vua Sở: “Hoài vương vì không biết phân biệt kẻ trung thần cho nên ở trong thì bị Trịnh Tụ làm mê hoặc, ở ngoài bị Trương Nghi lừa dối, rốt cục ruồng bỏ Khuất Nguyên mà tin đại phu Thượng Quan, lệnh doãn Tử Lan… Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy!” (Sử ký). Xã hội đó đã tạo ra “trạng thái không an toàn của cuộc đời, sự không ổn định trong số phận của những phần tử của nó xét với tư cách cá nhân” mà trong đó, “chịu chi phối của chính quyền độc tài tuyệt đối và chuyên chế, những quan chức cao cấp nhất cũng có thể biến mất đi từng ngày một, ngày hôm nay còn là thượng thư, nhưng ngày mai đã chết trong xó ngục” (Êchiên Balat)[4].

Ông Phạm Trọng Chánh (Paris) là nhà nghiên cứu đầu tiên nêu ra quan điểm về cuộc “Bắc hành” lần thứ nhất của Nguyễn Du rất đáng để tham khảo [5]. Từ quan điểm đó, với những khảo chứng riêng, chúng tôi đã suy luận rằng: bài thơ Phản chiêu hồn kêu gọi hồn Khuất Nguyên đừng trở về trần thế đầy rẫy “hổ báo ăn thịt người” Nguyễn Du đã làm lúc đi giang hồ năm 22 tuổi khi giang hồ khắp Trung Quốc… Lúc đó, tình hình Trung Quốc cũng chẳng yên. Do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Càn Long phát động, người dân Trung Quốc phải đóng góp vật lực nuôi lính viễn chinh, nên đời sống cơ cực, nghèo đói, không ai béo tốt. Thời thế trong giai đoạn này, từ Việt Nam sang đến Trung Quốc, Nguyễn Du thấy đâu đâu cũng là sông Mịch La, ai ai cũng là Thượng Quan…

Sách vở trước nay đều viết rằng: khi vua tôi Lê Chiêu Thống chạy theo Tôn Sĩ Nghị mong cầu viện Thanh triều, Nguyễn Du đã định đi theo song không kịp; và Nguyễn Du chỉ có một lần “Bắc hành” khi làm quan nhà Nguyễn nhận trọng trách Chánh sứ… Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thêm để đi tới khẳng định: trong thời kỳ “thập tải phong trần”, Nguyễn Du không chỉ “Bắc hành” khắp vùng Giang Bắc Giang Nam mà còn quyết tâm một mình đi tới tận Yên Kinh (Bắc Kinh nay) để tận mắt tận tai nhận thấy sự ê chề nhục nhã của đám mạt Lê trước “đại quốc” cùng tâm sự tuyệt vọng của họ: “Thế nước đã thế này làm sao khôi phục được. Nhưng đạo bầy tôi là phải giúp vua, thôi cũng đành làm hết sức được đến đâu thì đến” [6]. Sau khi rời Yên Kinh, trở về Trung Châu, nơi hò hẹn sẽ gặp gỡ với Cai Gia, Nguyễn Du đã tới thăm đền thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu, và ông đã có tới năm bài vịnh sử bất hủ – một bài về Nhạc Phi và bốn bài về vợ chồng Tần Cối [7]. Năm bài thơ này, Nguyễn Du làm ở tuổi ngoài đôi mươi, càng giúp ta nhận rõ cái nhìn sâu sắc và đầy rung cảm của nhà thơ về thói đời “bạc ác tinh ma”, bản chất tàn ác, tham lam, đạo đức giả của bọn quan lại - quý tộc đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhân dân; thể hiện thái độ ghê sợ cái bản tính độc ác tìm mọi cách hãm hại người trung lương mà cho tới lúc xuống mồ trái tim chết vẫn chứa đầy nọc độc (Nhất thể tử tâm hoài đại độc. Tần Cối tượng) của những kẻ “nửa người nửa quỷ” trong hàng ngũ thống trị của đất nước Trung Hoa từ cổ xưa cho tới lúc đó, gây ra bao cảnh dân lành chết lăn nơi ngòi rãnh, máu thịt nuôi béo lũ sói lang (Nhãn hạ ủy câu hác, Huyết nhục tự sài lang. Sở kiến hành)!

Mấy chục năm sau, trên mảnh đất xứ Lạng, trong khi chuẩn bị thực thi công việc của một sứ thần, Nguyễn Du đã hào hứng viết bài thơ Lạng thành đạo trung giúp hôm nay hiểu thêm được tinh thần “thoát Trung” của ông: ông sắp được làm người đặc biệt, không chỉ là Chánh sứ, mà còn là người “thám hiểm” vào lòng một xã hội kỳ bí, chứa đầy bất trắc, hiểm nguy, mong tự mình tìm thêm lời giải đáp cho số phận Dân tộc mình, Đất nước mình; đó cũng là công việc của ngòi bút, vì thế, Thân bằng cố hữu ở núi Hồng Lĩnh càng ngày càng xa cách/ Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt/ Khi tráp có ngọn bút thay đao (Hồng lĩnh thân bằng nhật tiệm dao/ Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn/ Khuông trung huề hữu bút như đao).

Với tinh thần “thoát Trung” tựa một “thức cảm” kỳ lạ, một khát vọng thầm kín và mạnh mẽ, Nguyễn Du đã vượt thoát nhiều lần tâm trạng của người “trệ khách” (khách ở lỳ), “cô lữ” (lữ hành cô độc), thắng được nỗi “úy nhân” (sợ người) trót mang theo từ thuở thiếu niên; tới khi đường đường là một vị quan sứ đã “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, ông bắt đầu thực hiện được mơ ước, cái sứ mệnh của riêng ông… Bao nỗi tủi thẹn, chán chường, mệt mỏi khi buộc phải sống ở một môi trường làm tha hóa con người (Không bệnh mà lưng lom khom. Vô bệnh cố khâu khâu), Tôi như viên ngọc phác không còn giữ được khuôn mặt thật. Thái phác bất toàn chân diện mục), đã chợt bay biến hết trước một thế giới mênh mông của Thiên nhiên - Lịch sử - Số phận người mà ông cần khám phá, lý giải. Những điều “tai nghe mắt thấy” và ghi chép ở Hoa Hạ của bậc “quan quang thượng quốc” đại bồi thần, chánh sứ sứ đoàn Việt Nam Nguyễn Du không thể giúp ích được nhiều cho công cuộc trị nước của triều đình – như các quan sứ trước đó; nhưng lại giúp cho chính ông với tư cách là nhà văn-nghệ sĩ, sử gia-nghệ sĩ bóc trần ra những sự thật bị bao phủ bởi hào quang của một Chính thể rập khuôn “Thiên triều” qua nhiều thế kỷ! Từ chỗ đinh ninh rằng: con đường đi sứ chắc phẳng bằng như Vương đạo (con đường, đường lối cai trị) ở Trung Quốc, chẳng cần phải thăm hỏi làm gì, cứ đi thẳng ắt đến được Kinh đô (Vương đạo đãng bình hưu vấn tấn, Minh Giang bắc thướng thị Trường An. Nam Quan đạo trung), Nguyễn Du đã dần thấm hiểu: Thì ra con đường Trung Hoa là thế này: quanh co khúc khuỷu giống như lòng người (Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình, Trung Hoa đạo trung phù như thị: Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm. Ninh Minh giang chu hành). Trong quan sát và tâm tưởng Nguyễn Du, cảnh vật con đường đi sứ xa thẳm diệu vợi, núi sông hiểm trở gập ghềnh, đầy những cảnh sắc dữ dằn như đều hóa thành tinh mà ông không ít lần than thở: Xa nước mấy tuần lòng tựa chết/ Dọc đường toàn gặp khách quê người/ Chân núi chứa bùn lầy sâu đến ngập cả ngựa, suối khe có yêu quái ẩn núp từ lâu đã thành tinh. Nỗi lòng khách đến đây thật đã buồn vô hạn, lại còn cả vạn dặm đường nữa mới đến non Yên (Kinh tuần khứ quốc tâm như tử/ Nhất lộ phùng nhân diện tẫn sinh/ Sơn lộc tích nê thâm một mã/ Khê tuyền phục quái lão thành tinh/ Khách tình chí thử dĩ vô hạn/ Hựu thị Yên sơn vạn lý hành. Mạc phủ tức sự).

Nguyễn Du đã thấy ở đó: Muôn hình vạn trạng không nói hết được, thuồng luồng, giao long ra vào thành vực thẳm. Sóng tung bọt ngày đêm tranh nhau gào rầm rầm, lũ đầu mùa hè nước trào sôi sục. Đi ba ngày liền mà lòng lo thấp thỏm, lòng thấp thỏm bởi có nhiều điều sợ: Nguy hiểm thay, chìm sâu không thấy đáy (Thiên hình vạn trạng nan tận ngôn. Giao ly xuất một thành trùng uyên, Dũng đào phún mạt nhật dạ tranh hôi huyên. Hạ lạo sơ trướng phí như tiên, Nhất hành tam nhật tâm huyền huyền. Tâm huyền huyền đa sở uý, Nguy hồ đãi tai mịch một vô để. Ninh Minh giang chu hành).

Rõ ràng là, con đường ở Trung Hoa, hay “Trung Hoa đạo” khúc khuỷu quanh co, sâu thẳm vô đáy, nguy hiểm như lòng người (nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi – lòng người nguy hiểm, tâm đạo sâu xa). Khác với nhiều sứ thần Việt Nam ngợi ca Trung Hoa như một vùng đất thiêng sản sinh nhiều nhân kiệt, Nguyễn Du không bàn đến “linh khí” hay “tú khí” của những vùng đất ông qua, mà chỉ nói về núi non sông nước hung dữ tựa sài lang hổ báo dọa người: Sông núi Quảng Tây nhiều hiểm trở, cứ đi mãi như lên đến chân trời. Vách núi như lở, hình đá quái dị giận dữ nhìn nhau, cả loài chim sông chim bãi nhờn người chẳng chịu bay (Tây Việt sơn xuyên đa hiểm hy, Hành hành tùng thử hướng thiên nhai/ Băng nhai quái thạch nộ tương hướng, Thuỷ điểu sa cầm hiệp bất phi. Chu hành tức sự) – Quân mưa khóc lóc, Phùng Di (hà bá, sóng nước) như nổi giận, trước núi Ngũ Chỉ (năm ngón tay) thác nước trút mạnh. Suốt ngày sóng trắng đuổi chạy như rồng rắn, hai bờ núi xanh đều như sói cọp (Vũ sư thế khấp Phùng Di nộ, Ngũ Chỉ sơn tiền thuỷ bạo chú/ Bạch ba chung nhật tẩu xà long, Thanh sơn lưỡng ngạn giai sài hổ. Bất tiến hành).

Thiên nhiên thì hung hiểm như lòng người, còn xã hội thì nhiễu nhương, loạn lạc, binh đao, máu chảy thành sông, xương người chất đống… Trong một ngày đi trên đường Tổ Sơn, tỉnh Chiết Giang, ông đã quan sát và ghi lại: Hôm trước, Lưỡng Hà chiến tranh liên miên/ Đường đi vòng dài nghìn dặm làm nhớ quê/ Tóc bạc phơ trên đường bụi đỏ/ Trời tối lên cao, không gì buồn thế (Khứ nhật Lưỡng Hà tằng tập chiến/ Hu đồ thiên lí chính tư quy/ Bà bà bạch phát hồng trần lộ/ Nhật mộ đăng cao bi mạc bi. Tổ Sơn đạo trung). Còn trong đêm ở Giang Tô, ông đã thao thức trước cảnh ngộ hỗn loạn, chết chóc nơi này: Đi đường phải tránh vùng giặc giã/ Giữa đêm đông giá lạnh, qua sông/ Phía nước Nam, trăng lớn/ Bắc Từ Châu, núi nhiều/ Ngoài thành đầy binh giáp/ Trong thành nghe đàn ca/ Ba trăm cây dương khô héo/ Trên các cây, tiếng quạ kêu (Hành lộ tị can qua/ Nghiêm hàn độ dạ hà/ Nguyệt lai nam quốc đại/ Sơn nhập bắc Từ đa/ Thành ngoại liệt binh giáp/ Thành trung văn huyền ca/ Khô dương tam bách thụ/ Thụ thụ hữu đề nha. Từ Châu dạ). Rất nhiều cảnh loạn lạc đã làm cản trở hành trình của đoàn đi sứ; và những khi đó, bao cảnh ngộ bi thương khốn khổ đến cùng cực của người dân nghèo nước bạn kịp in đậm trong tâm hồn ông: Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính/ Đường sá bế tắc, không người đi/ Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng/ Tới lui đều trong tình trạng khó khăn/ Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao/ Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông/ Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chặn đường/ Không biết đường trước mặt bao giờ yên/… / Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói/ Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh/ Tận mắt thấy người đói chết trên đường/ Hột táo trong bọc lăn bên mình/ Nhà bỏ không, có chữ “tra” (xét) trên vách/ Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói/ Dân mọn không kham nổi đã lạnh lại đói/ Chỉ sao lo được no ấm mà coi nhẹ tấm thân (Sổ bách lý địa biến qua giáp/ Đạo lộ ủng tắc vô nhân hành/ Trường tống trường thán, đoản tống mặc/ Tiến thoái duy cốc nan vi tình/ Tạc nhật Hoàng Hà thủy đại chí/ Ngũ nhật vô thực thê sa đinh/ Kim nhật Vệ Châu trở đạo tặc/ Bất tri tiền lộ hà thời thanh/…/ Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc/ Khang tì vi thực lê vi canh/ Nhãn kiến cơ biểu tử đương đạo/ Hoài trung táo tử thân biên khuynh/ Không ốc bích thượng hữu “tra” tự/ Sổ bách dư hộ giai cơ linh/ Tiểu dân bất nhẫn hàn thả cơ/ Cầu đồ bão úc thân vi khinh. Trở binh hành).

Tuy sứ đoàn “không làm nhục mệnh vua”, nhưng trong những cuộc gặp gỡ tiếp đãi ngoại giao, Chánh sứ Nguyễn Du lại chỉ dành mối quan tâm đặc biệt tới lớp người “dưới đáy”, những con người Trung Hoa nghèo đói tha hương, khốn cùng – như người hát rong ở phủ Thái Bình: Ở phủ Thái Bình có ông lão/ Hai mắt mù mặc áo vải thô/ Nắm tay trẻ dắt ngoại ô/ Ven sông hát dạo lần mò kiếm ăn/ Thuyền bên có kẻ ham nghe hát/ Dẫn ông già xuống sát cửa thuyền/ Lúc này thuyền tối không đèn/ Cơm thừa canh cặn đổ tràn tứ tung (Thái Bình cổ sư thô bố y/ Tiểu nhi khiên vãn hành giang mi/ Vân thị thành ngoại lão khất tử/ Mại ca khất tiền cung thần xuy/ Lân chu thời hữu hiếu âm giả/ Khiên thủ dẫn thướng thuyền song hạ/ Thử thời thuyền trung ám vô đăng/ Khí phạn bát thủy thù lang tạ. Thái Bình mại ca giả). Giữa “thiên đường” Trung Hoa, “những điều trông thấy” (sở kiến, mục kiến) của nhà thơ đã biến thành những giọt nước mắt nóng bỏng cho sự cùng khổ của người dân lành, biến thành nỗi uất hận như tiếng thét kìm nén trước sự độc ác, thờ ơ, vô cảm của người đời, trước sự bất công hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật: Có người đàn bà dắt ba đứa con/ Cùng nhau ngồi bên đường/ Đứa nhỏ trong bụng mẹ/ Đứa lớn cầm giỏ tre/ Trong giỏ đựng gì lắm thế?/ Rau lê, hoắc lẫn cám/ Qua trưa rồi chưa được ăn/ Áo quần sao rách rưới quá/ Thấy người không ngẩng nhìn/ Nước mắt chảy ròng ròng trên áo/…/ Máu thịt nuôi lang sói/ Mẹ chết không thương tiếc/ Vỗ về con càng thêm đứt ruột/ Trong lòng đau xót lạ thường/…/ Đêm qua ở trạm Tây Hà/ Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức/ Gân hươu cùng vây cá/ Đầy bàn thịt heo, thịt dê/ Quan lớn không thèm đụng đũa/ Đám theo hầu chỉ nếm qua/ Vứt bỏ không luyến tiếc/ Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon/ Không biết trên đường cái/ Có mẹ con đói khổ nhà này (Hữu phụ huề tam nhi/ Tương tương tọa đạo bàng/ Tiểu giả tại hoài trung/ Đại giả trì trúc khuông/ Khuông trung hà sở thịnh/ Lê hoắc tạp tì khang/ Nhật án bất đắc thực/ Y quần hà khuông nhương/ Kiến nhân bất ngưỡng thị/ Lệ lưu khâm lang lang/…/ Huyết nhục tự sài lang/ Mẫu tử bất túc tuất/ Phủ nhi tăng đoạn trường/ Kỳ thống tại tâm đầu/…/ Tạc tiêu Tây Hà dịch/ Cung cụ hà trương hoàng/ Lộc cân tạp ngư xí/ Mãn trác trần trư dương/ Trưởng quan bất hạ trợ/ Tiểu môn chỉ lược thường/ Bát khí vô cố tích/ Lân cẩu yếm cao lương/ Bất tri quan đạo thượng/ Hữu thử cùng nhi nương. Sở kiến hành).

Và cả tập Bắc hành tạp lục hầu hết là lời tâm sự, niềm đồng cảm sâu xa, nỗi “thương người tiếc tài” thống thiết của Nguyễn Du đối với những nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Hoa, những văn nhân tài tử cùng bi kịch đau đớn của họ – những bậc tài hoa, nhân nghĩa, trung hậu phải chịu cảnh đày đọa, vu khống, bạc mệnh bởi cái xã hội “ăn thịt người”… Nhận định sau đây của một nhà nghiên cứu có sức khái quát hơn cả: “Mô hình lý tưởng của xã hội Trung Hoa phong kiến hiện ra trong mắt Nguyễn Du dường như mất hết sức sống, mất hết hấp dẫn. Bởi Nguyễn Du nhìn nó từ góc nhìn của những người trong cuộc, lại là góc nhìn từ phía dưới nhìn lên, nên mọi thứ hiện ra thật rõ ràng. Nó không còn là ảo ảnh vàng son lộng lẫy hay rực rỡ chói lọi, mà chỉ là những hình ảnh đầy u ám, tối tăm không còn làm ông choáng ngợp, mà thậm chí còn khiến ông vừa ghê sợ, vừa lãnh đạm… Trung Hoa dường như chỉ là cái minh chứng cuối cùng cho sự giải ảo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ đã mất hết sức sống đối với ông [8].

Chính người Trung Quốc từ xưa tới nay cũng đã chật vật đau đớn tìm cách “thoát Trung”, thoát khỏi ách áp bức bất công của bọn cầm quyền thối nát độc ác. Trong thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949), để bảo vệ và phát triển tính cách Hán mạnh, chóp bu Trung Nam Hải đã chủ trương khơi dậy chủ nghĩa bá quyền Đại Hán có từ xưa, và cho tới nay, nó đã thật sự trở thành một con quái vật tư tưởng-chính trị có nguy cơ đầu độc cả một dân tộc! Chính nó đã tạo ra những "bữa tiệc ăn thịt người" mà văn hào Lỗ Tấn đã nói tới. Qua bao thời kỳ lịch sử, chính nhân dân Trung Quốc – kể cả các tộc người Bách Việt lẫn người Hán đã từng là nạn nhân chủ nghĩa bá quyền đại Hán!

Trong những nỗi thống khổ thời hiện đại của người dân Trung Quốc mà chúng tôi được biết qua báo chí, văn học, phim ảnh và tận mắt chứng kiến ít nhiều qua vài lần tham quan và khảo sát trường quay ở Trung Quốc, hiển hiện bóng dáng biết bao nạn nhân của những hôn quân bạo chúa, của những cuộc xâu xé chém giết man rợ vì quyền lợi nội bộ, của những cuộc chiến tranh xâm lược nhơ bẩn suốt hàng ngàn năm qua – những nạn nhân từng được Đại thi hào Nguyễn Du tả lại trong những vần thơ rớm máu: nàng Văn Cơ bị Hung Nô bắt giữ, nàng Tiểu Thanh yểu mệnh ở Tây Hồ, người hát rong tiều tụy ở Thái Bình, mấy mẹ con đói khát xin ăn dọc đường... Và trên mấy chặng đường của vạn lý Trung Hoa, chúng tôi đã gặp và lưu lại nhiều ấn tượng dễ chịu về những người thợ thủ công, người bán hàng rong ở Hàng Châu, Tô Châu, những anh thanh niên hóa trang thành Quan Công, Trương Phi ở Tam Quốc Thành, những diễn diễn viên xiếc thiếu niên tài hoa ở Bắc Kinh... Họ là những con người hiền lành, chân thật, hiếu khách, và bộc lộ cả khiếu hài hước khi đã có chút giao lưu thân mật. Nghe một người phụ nữ chèo đò trên kênh Hàng hát bài dân ca cổ xưa buồn và bi tráng, chúng tôi đã chợt lặng người đi... Những người dân bình thường đó là nguyên mẫu, là cội nguồn cảm hứng sâu xa nhất cho bao áng văn chương bất hủ – từ Kinh thi, Sở từ, Đường thi, Tống thi, tiểu thuyết Minh-Thanh đến những tác phẩm của Lỗ Tấn, Tào Ngu, Lão Xá, Cao Hành Kiện... Cũng giống như người dân lao động Việt Nam, người dân lao động Trung Quốc bao đời nay khao khát tự do, hòa bình, tình yêu thương, sự yên ổn để làm ăn. Mặc dù những người lao động bình thường không bao giờ dám bén mảng tới những con đường dành cho giới quý tộc tư sản ngày một áp đảo xã hội, như Vương Phủ Tỉnh với những cửa hàng cực kỳ xa hoa lộng lẫy, nhưng họ vẫn có những nơi chốn riêng phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc bình dị của mình. Có điều, vượt lên thói so bì ganh tỵ, nhiều người trong số bình dân ấy, vốn được trang bị tri thức, đã suy ngẫm về sự bất công trong xã hội, về nguồn gốc tội ác của những khối tài sản khổng lồ – chúng là một trong những động cơ chính của bộ máy "bành trướng Đại Hán" đang vận hành. Và họ đã cất lên tiếng nói của tâm hồn lương thiện, sự tỉnh ngộ về bản chất Đại Hán nguy hiểm đó, để không sợ hãi phê phán cái chính quyền vô Đạo đã chà đạp lên Danh dự của Dân tộc mình bằng cách hành động điên khùng, bất chấp đạo lý và lương tri thông thường, "giống như cướp biển", xúc phạm đến chủ quyền thiêng liêng của Đất nước anh em. Giữa lúc những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải "vừa ăn cướp vừa la làng", vu cáo trắng trợn Việt Nam, xuyên tạc việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì dạo ấy trên không ít báo chí, diễn đàn mạng như Sohu, Sina, weibo, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tân Hoa xã, v.v. của Trung Quốc, nhiều người dân bình thường và trí thức của đất nước này đã lên tiếng vạch rõ: "Đường lưỡi bò" là không thể chấp nhận, đã nghiêm khắc chỉ trích hành vi đối đầu ngạo mạn với các nước láng giềng ở Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đề nghị những người lãnh đạo Trung Quốc cần tôn trọng sự thật lịch sử cùng luật pháp quốc tế. Mặc dù người dân Trung Quốc đã/ đang bị chính quyền Trung Nam Hải tìm mọi cách bưng bít, lừa phỉnh và kích động nhằm mục đích tuyên truyền "Giấc mơ Trung Hoa", "Phục hưng Trung Hoa" thực hiện mộng bá chủ thiên hạ, nhưng sống dưới thể chế độc tài hà khắc kéo dài, kể từ thời Mao đến nay, đại bộ phận người dân căm phẫn vì những chính sách tạo ra sự bất công, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, tình trạng tha hóa tham nhũng ngày càng quy mô và bộc lộ trắng trợn của không ít kẻ trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp; và hành động điên cuồng của bọn chóp bu Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến nhiều người dân Trung Quốc ngỡ ngàng, bất bình.

Vâng, những người dân Trung Quốc đáng yêu, đáng kính đó mới thực sự là người Anh-Em của chúng ta! Và Anh linh Đại thi hào Nguyễn Du có thể chứng giám cho niềm tin chắc chắn rằng: Nhân dân Trung Quốc đã/ sẽ không bao giờ đồng lõa với những kẻ khát máu bá quyền Đại Hán – những kẻ mà ông đã tố cáo một cách mãnh liệt đầy rung cảm trong khi tìm cách “thoát Trung“ cho bản thân và cho cả Dân tộc mình từ hai trăm năm trước!

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Phạm Hùng. “Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến”, Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại. Viện hàn lâm KHXHVN & Viện văn học. Nxb KHXH, Hà Nội, tr.267, 276.

[2] Trần Thị Băng Thanh. “Bắc hành tạp lục – sự thức ngộ của Nguyễn Du về Trung Hoa”, Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại. Sđd, tr.262.

[3] Theo N. Konrat. Phương Đông và Phương Tây (Trịnh Bá Đĩnh dịch). Nxb Giáo dục, HN 1997, tr.31.

[4] Nguyễn Khắc Phi, Thơ văn cổ Trung Hoa mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999, tr.450.

[5] “Khi tướng Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Đăng Tiến tước Quản Vũ Hầu tức Cai Gia, tức Nguyễn Đại Lang, quyền trấn Thủ Thái Nguyên, thay anh Nguyễn Du, Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên, chiến đấu với chỉ huy Giáo bị thua trận, bị bắt giải về cho Vũ Văn Nhậm. Nhậm trọng khí khái, tha chết và cho tùy ý đi đâu thì đi. Nguyễn Đăng Tiến cùng Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du thoát chết lên đường đi Vân Nam. Đến nơi Nguyễn Du bị bệnh ba tháng xuân, sau khi khỏi bệnh Nguyễn Du muốn thoát vòng trần tục, thành nhà sư Chí Hiên. Cả ba tiếp tục lên đường và chia tay tại Liễu Châu. Nguyễn Du hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu. Nguyễn Đại Lang về quê hương cũ ở Quế Lâm. Nguyễn Sĩ Hữu về " làm chủ " Hồng Lĩnh. Nguyễn Du không về Nam Ninh gặp vua Lê Chiêu Thống mà lên thuyền theo sông Liễu Giang, Quảng Tây rồi đi ngược lên Động Đình Hồ đến Hán Khẩu theo thuyền sông Hán đến Trường An”. (http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/PhamTrongChanh_ND_03NhaSuChiHien.htm).

[6] Lê Quýnh. Bắc hành lược ký (Nguyễn Duy Chính dịch), Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, HN 2020, tr.93.

[7] Xem thêm: Mai An Nguyễn Anh Tuấn. “Những tượng mộ ô nhục” , http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhung-tuong-mo-nhuc-tho-chu-hn-nguyen-du-viet-bn-mo-nhac-phi/.

[8] Nguyễn Phạm Hùng. “Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến”… Sđd, tr.275.