Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Bohemian

Lê Chiều Giang

clip_image002 Tượng của Stefano Maderno

Thôi, tôi sẽ chẳng nói gì nữa đâu về những điều rất cũ. Bao chữ nghĩa đã mỏi mòn diễn đạt mãi về mối tình đầu tiên, những đam mê, quyết liệt của nhân duyên thứ nhất.

Và cũng đã khai không thiếu chút gì về những ngọt ngào, tha thiết của cuộc hôn nhân thứ hai…

Nhưng cách nào, và làm sao để chúng ta có thể chắt lọc, cắt lìa ra hết một quá khứ? Mà trong nó là trùng trùng những đan, những chéo của suốt bao nhiêu năm dài.

******

Charles Bridge, chiếc cầu có nắng sớm của bình minh và cả sắc đỏ đậm đà khi chiều xuống, tùy theo bạn đứng đó lúc mấy giờ và hướng nào trên cùng một dòng sông.

Từ phố cổ Tiệp Khắc, dọc dài suốt đầu cho tới cuối chân cầu là rất nhiều bức tượng Baroque của Emanuel Max, mà tôi ngắm mãi tưởng như đã thuộc hết những nét uyển chuyển, mọi bố cục của từng bức một.

Không phải chỉ du khách, dân địa phương cũng náo nức líu lo, thưởng thức tiếng trumpet rộn ràng, guitar lóng lánh hay dìu dặt khúc vĩ cầm, mang mang theo dòng nước chảy xuôi dưới chân cầu.

Buổi chiều cuối cùng, tôi đứng bần thần giữa hàng trăm thiên hạ dập dìu qua lại, có gì như nhiều tiếc nuối, làm tôi chẳng còn muốn về lại California, ngày mai.

California, nơi căn nhà nhỏ, có tranh của Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nghiêu Đề, Đinh Cường, Lê Tài Điển, Lâm Triết… có những tượng sao chép lại của Angelo, Rodin, Bernini…

Phải chăng các tác phẩm mà sáng sáng tôi cùng ngồi cafe, và uống cạn những ly rượu đỏ tưng bừng mỗi tối, chúng đang xao xác chờ, réo gọi tôi trở lại?

Nhưng dù có nấn ná chần chờ cách mấy, thì cuối cùng ngày mai tôi cũng phải về nhà. Trở lại với những sáng, những chiều, và cả những đêm dài thao thức.

Tôi sắp bay về để gặp lại tất cả tranh, và tượng đang lạnh tanh buồn rầu trong căn nhà nhỏ. Nơi đó, chúng cũng thức khuya, dậy sớm. Nơi đó, chúng tôi đã cùng nhau cảm nhận ra biết bao vui, buồn, chao đảo… Và tôi thừa hiểu rằng chúng chẳng hề lạnh lẽo như những tranh, tượng vô tri.

********

Thẩn thơ đi dọc theo cầu Charles, vòng qua rồi vòng lại. Đi đến lần thứ ba thì tôi hiểu mình không còn có thể chối cãi gì được nữa. Buổi chiều cuối cùng nhìn dòng Vltava trong nắng tàn sắp tắt, tôi đang lắng tìm nghe trong gió, tiếng đàn chỉ mới vừa đêm qua, sao đã như rất xa xưa, và đã như rất cũ.

Hôm qua, theo chiếc cano xuôi trên dòng nước êm đềm của sông Vltava, ngước mắt ngắm Charles Bridge trong cái nắng gay gắt, cho dù mùa hè đã gần hết. Mắt tôi như phải mở lớn hơn, ghi nhận cho rõ một hình ảnh mà chỉ đạo diễn mới có thể nghĩ tới. Chiếc violin được giơ lên cao cùng với tóc tung bay, người nhạc sĩ chạy ùa trong nắng đã làm tôi nhớ tới phim Fiddler on the Roof. Hình ảnh này của Ông, chạy bay như gió với cây vĩ cầm trên cầu Charles, đẹp lung linh với chút vẻ giang hồ.

Rời khỏi cano, tôi bước nhanh theo tiếng violin thúc hối, ngạt ngào trong nắng. Khúc Elegie của Massenet.

Tiếng vĩ cầm thoát bay trên những từng mây trôi nổi. Tôi thấy tim mình như nghẹt thở mỗi khi được nghe những bản nhạc quen thuộc, mà tôi từng chìm đắm với Cafe và Art works, trong căn phòng nhỏ đầy những tượng và tranh...

Dựa lưng vào thành cầu nóng rát, tôi không nghe mà đăm đăm nhìn. Có phải Art đã tạo ra nét đẹp, không chân phương mà đầy chất phong trần, lang bạt của Ông? Như chẳng còn chút nào tự chế, rất hồn nhiên tôi hỏi nếu ông có thể nương theo tiếng hát tôi trong Ave Maria?

Ai có thể hát nhạc giáng sinh trong một ngày cuối hè nắng nóng? Nhưng không chút thắc mắc, tiếng violin vút cao và tôi hát, tiếng hát êm ái đầy thiết tha. Bản nhạc duy nhất tôi hát bằng tiếng Ý, học được từ ca đoàn của Italian Church tại Little Italy, thành phố tôi đang sống.

Ông ngạc nhiên, quấn quít với giọng Soprano không ngờ của tôi. Riêng tôi hiểu rằng, chúng ta sẽ hát hay và nồng nàn hơn, đàn sẽ dìu dặt, thanh thoát hơn khi con tim reo vui với những xúc cảm dạt dào, vô biên của chính nó.

**********

Với hai phần ăn nhỏ, ắp đầy những ly rượu trắng, chúng tôi ngồi uống với trăng. Trăng xanh bát ngát, rọi sâu xuống dòng nước êm ái của sông Vltava.

Chúng tôi nói về The Red Violin, cây đàn lưu lạc qua nhiều không gian, thời gian với những biến cố khiếp sợ, những tai ương, và nghiệt ngã... Nhưng vẫn có một tình yêu rực lửa, khi cây vĩ cầm chuyển đến tay một Violinist người Ý. Chàng nhạc sĩ bốc cháy với tiếng đàn khốc liệt, đảo điên. Đã đàn cùng lúc với những nồng nàn tuyệt vời, chìm đắm của yêu đương… Đoạn này của phim khi bàn tới, chúng tôi cùng thích nhất.

Đêm như sẽ chẳng bao giờ tàn, thanh thoát tôi hát Memory, bên tiếng đàn óng ánh và sôi nổi. Và khi biết tôi thích Chopin, lồng lộng giữa một đêm dài sắp hết, là bóng người Violinist mờ ảo, chới với trong khúc nhạc Nocturne.

Khi chan hòa cùng Chopin, tiếng đàn Ông réo rắt, xa vời, và có chút gì đó bàng

hoàng gần như nỗi chết… Đêm lặng thinh, nhưng đêm xôn xao cùng tôi với cây vĩ cầm ướt sương, và với cả ánh trăng đang dần phai nhạt.

Tôi đã không hỏi vì sao từ Florence Ông lưu lạc tới đây, đứng phong phanh giữa trời với tiếng đàn đắm đuối? Ông cũng chẳng thắc mắc xem tôi từ đâu mà đến tận chốn này…

Nhưng như hai nhân vật mơ mộng, sống bên ngoài trái đất. Chúng tôi mê muội bàn về chuyện sẽ cùng nhau đàn hát như Bohemian, lang thang trên những chân cầu, góc phố.

Violin, và tiếng hát tôi sẽ thoát xa khỏi những u minh, những tăm tối của nhân gian. Sẽ vọng cao lên mãi tới trời xanh cùng với gió, mơ hồ rồi mất tăm ở cuối chân trời …

Cuối cùng tôi đành phải hỏi thăm cô họa sĩ, dù cô đang bận rộn với những chân dung. Mới biết ra Ông chỉ tới đây ba ngày một tuần, còn lại là đàn ở những con phố khác.

Bây giờ tôi mới ân hận vì đã không hỏi han gì, và chính Ông, ngày mai cũng sẽ chẳng hiểu vì sao tôi đã không còn trở lại.

Và như thế, tôi sẽ chẳng còn có bao giờ nghe lại tiếng đàn trác tuyệt, nương cùng với tiếng hát tôi chìm đắm.

Chúng tôi đã cùng biến mất, đã như gió tản bay, rồi mất tăm trên dòng sông có chiếc cầu Charles cũ kỹ.

*********

Đêm đầu tiên trở lại căn nhà nhỏ, ánh trăng tận Đông Âu đã theo tôi về đây. Tắt hết đèn đóm, phòng tôi ngồi trắng xóa.

Trăng nằm nghiêng trên những phím đàn. Nghĩ tới Clair de lune nhưng đôi tay chợt lạnh giá, làm sao tôi vói tới ánh trăng vời vợi của Debussy?

Bắt chước Ông, tôi đổ rượu lên tay, rượu nồng một mùi hương quyến rũ. Từ nay tôi sẽ làm thế cho ấm bàn tay lạnh, mỗi khi ngồi với Piano. Ít nhất thì chúng tôi cũng có một thói quen chung, để hàng ngày theo cùng với hương nồng, tôi tưởng ra bóng dáng người Violinist ẩn khuất, thấp thoáng, và dập dìu cùng với những tranh và tượng.

Âm thanh se sắt của Violin rồi sẽ trầm bổng bên tôi, trong gian nhà bé nhỏ...

Bằng bàn tay còn thơm ướt, tôi vói cây vĩ cầm, loại đàn mà tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện học, chỉ có như một trang trí. Ôm sát trong đôi tay, lần đầu tiên tôi thấy yêu mến nó, dù mua đã rất lâu ở một chợ trời.

Không dữ dội như violin phải sơn bằng máu trong The Red Violin. Nhưng khi mua về, tôi đã để nguyên không muốn lau chùi. Bởi thấm đẫm trong từng sớ gỗ nhỏ phải là những mồ hôi, những mùi vị của đắng cay, khổ đau hay tuyệt vọng. Hoặc dạt dào trong cây đàn cũ, đã là âm vang của rất nhiều những hân hoan, dấu yêu và hạnh phúc…

Francois Girard cho những dòng máu tung toé, âm thầm, len lỏi chảy trong từng chút âm thanh, khi cuồng nộ, lúc thanh thoát véo von…

Tôi đang ghì xiết cây violin và để yên cho nước mắt rơi. Nước mắt tôi không thể là máu, vẫn đẫm ướt cây vĩ cầm yêu dấu.

Và hơi thở tôi, đang phả dài trên những sợi dây đàn.

Hơi thở, đã làm ấm thêm giấc mơ não nùng, nhưng đầy mụ mị và hoang tưởng của chúng tôi trong một đêm trăng sáng.

BOHEMIAN. Từ chân cầu, góc phố… Xa mãi và, sẽ biến mất cuối chân trời.

- Charles Bridge: nhịp cầu cổ trên dòng sông Vltava, Tiệp Khắc.

- Fiddler on the roof. Đạo diễn: Norman Jewison

- Memory: Trevor Nunn

- Nocturne#20 in C sharp minor: Chopin

- Clair de lune: Debussy

- The red violin. Director: Francois Girard