Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Tu tâm

Phạm Nguyên Trường

Vài nhận thức ban đầu

Thôi thì ta quay về

Chuyện trò cùng cái bóng máu me ta (Thơ Nguyễn Duy)

Trong tác phẩm Cái toàn thể và Trật tự ẩn (Tiết Hùng Thái dịch, NXB Tri thức, 2011), nhà vật lý học David Bohm đưa ra mô hình vũ trụ toàn ảnh với trật tự ẩn vô hình (cuộn lại) và trật tự hữu hình (trải ra). Quan trọng nhất cần nhớ là quan điểm thấu triệt này của khoa học tương hợp với quan điểm về thực tại mà các thánh nhân chứng ngộ, những người đã vượt ra ngoài ý thức để tới trạng thái nhận thức thuần tịnh, đã từng trải nghiệm trong suốt chiều dài của lịch sử. Mô hình này và cả cuốn sách vừa nói có thể là thách thức đối với nhiều người, nhưng có thể trình bày bằng một ví dụ đơn giản sau đây.

Xem người ta chơi bi-da bạn sẽ thấy viên bi A đập vào viên bi B, rồi B đập vào C theo trình tự sau: A → B → C, đây là hiện tượng có thể quan sát được trong thế giới 3 chiều, “trải ra” mà chúng ta đã quen thuộc. Nhưng còn một thế giới nữa, thế giới “cuộn lại” tức là thế giới trong tâm trí của cơ thủ. Cơ thủ, trong tâm trí của mình, đã nhìn thấy ABC đập vào nhau cùng một lúc. Tức là nhân và quả diễn ra đồng thời. Trước khi chọc cái gậy vào A, anh ta đã đoán được A sẽ chạm vào điểm nào của B, với tốc độ bao nhiêu… Cơ thủ càng cao tay, tính toán càng chính xác. Chơi cờ cũng tương tự như thế. Cao thủ có thể tính toán và buộc đối phương đi theo phương án của mình… Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ. Bạn cũng có thể tự tưởng tượng ra những ví dụ như thế. Những ví dụ này chứng tỏ rằng, cái vô hình, diễn ra trong tâm trí người ta quyết định những sự kiện diễn ra trong thế giới hình tướng ba chiều này.

Chuyển hóa tâm trí nhằm thay đổi những hiện tượng trong thế giới hình tướng ba chiều trong những ví dụ vừa nói có thể được gọi là “tu tâm”, mặc dù có người sẽ bảo là “học tập, rèn luyện”. Vậy, xin đưa một ví dụ khác.

Giả dụ bạn là chủ một cửa hàng tạp hóa. Bạn có thể thuê chuyên gia tiếp thị bài trí của hàng theo đúng sách vở và theo tính toán của những chương trình máy tính hiện đại nhất. Nhưng máy tính không có tình cảm, nó không hướng dẫn bạn cách nói chuyện và nở nụ cười với khách hàng. Bạn có thể bắt chước người khác và cười với khách; nhưng nếu trong lòng bạn còn đầy những tư tưởng oán hận, nghi ngờ, tật đố, than thân trách phận, tham lam, cầu danh, cầu lợi… thì nụ cười của bạn, xin lỗi, có thể nói: đừng cười còn dễ coi hơn. Bạn phải tu tâm, tức là bỏ hết những tư tưởng, những ý nghĩ tiêu cực thì nụ cười của bạn mới thực sự có sức hấp dẫn. Nếu bạn làm được như thế thì người ta sẽ bảo rằng bạn nhất quán với điểm hút năng lượng cao. Sam Walton, người sáng lập Walmart, cho chúng ta ví dụ về sức mạnh bên trong xuất phát từ việc nhất quán với mô thức điểm hút năng lượng cao. ABC mà ông hình dung trong đầu dẫn tới kết quả là chuỗi A → B → C trong thế giới này, đấy chính là đế chế Walmart phát triển rất nhanh. (Các nguyên tắc cơ bản được trình bày trong tác phẩm Sam Walton: The Inside Story of America's Richest Man (Penguin, 1990) của Vance Trimble).

Bây giờ xin giả sử trường hợp khác: bạn là người nóng tính, rất hay nổi quạu và một ngày xấu trời nào đó, bạn nổi nóng, mạt sát một người phụ thuộc vào bạn (vợ, con, nhân viên…); người này sau đó trút cơn giận dữ vô lý vào một người khác… Dây chuyền được khởi động và tăng tốc. Đoạn cuối có thể kết thúc bằng một vụ tai nạn giao thông hay ẩu đả nghiêm trọng mà bạn có thể không bao giờ biết hay nghi ngờ rằng đã xảy ra những hiện tượng như thế. Không tu tâm có thể dẫn tới hậu quả khủng khiếp như thế đấy.

Những bạn đang sốt sắng cải tạo xã hội, hay nói to tát một chút là làm cách mạng, có thể phản ứng: Các ông nói tu tâm, tụng kinh gõ mõ, trong khi ngoài kia biết bao bất công đau khổ, các ông quay lưng lại với nỗi đau của con người hay sao?

Tu tâm & Cách mạng – Những nhà cách mạng có tâm trong quá khứ

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi! (Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Cái tựa đề tu tâm & cách mạng hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên và thốt lên: “Tu tâm, tụng kinh gõ mõ là quay lưng lại với đời, là không quan tâm tới thế sự nữa, làm gì có chuyện cách mạng?”

Ở tầng thấp thì đúng là như thế. Nhưng, ở những tầng cao hơn thì không còn như thế nữa. Đức Phật và Chúa Jesus Christ chính là hai nhà cách mạng vĩ đại nhất trong suốt lịch sử nhân loại. Các Ngài đã đi ngược lại những quy định về đạo đức và các hành xử đương thời và rao giảng đạo đức làm nền tảng cho những nền văn minh lớn nhất trong suốt hơn hai ngàn năm qua. Nhưng các Ngài chưa bao giờ sử dụng bạo lực, thậm chí chưa bao giờ nặng lời với ai. Chúa Jesus khi bị bắt còn bảo đệ tử tra gươm vào vỏ và nói: “Hãy tha thứ cho họ, vì họ không hiểu việc mình làm”. Đức Phật khi bị lăng mạ còn bảo: “Lời nói của ông là quà ông tặng tôi. Tôi không nhận, nó vẫn là của ông”. Thời nay, số người tin theo và tu theo những lời dạy của các Ngài lại ngày càng đông thêm. Vì sao? Vì tâm của các Ngài rất chính, lời của các Ngài rất từ bi cho nên sau hơn hai ngàn năm những lời dạy của của các Ngài vẫn có nội lực cực kỳ cao, đủ sức thuyết phục được nhiều người đến mức như thế. Có nhà cách mạng nào vĩ đại hơn Chúa và Phật?

Ở thời hiện đại, chúng ta có thể thấy nhà cách mạng vĩ đại, ẩn sĩ Mahatma Gandhi, một người nặng chưa tới 45kg và được gọi là “người da màu”, đơn thương độc mã, đã chiến thắng Đế quốc Anh, lực lượng mạnh nhất thế giới lúc đó – cai trị hai phần ba diện tích trái đất. Gandhi không chỉ buộc Đế quốc Anh phải quỳ gối, mà ông còn giật tung bức màn che phủ vở kịch có tên là Chủ nghĩa thực dân kéo dài suốt nhiều thế kỷ, và ông đã làm được bằng cách đơn giản là bảo vệ một nguyên tắc: phẩm giá cốt tủy của con người và quyền tự do, chủ quyền và quyền tự quyết của con người. Gandhi thể hiện – và được cả thế giới chứng kiến – sức mạnh bên trong của lòng vị tha khi đối đầu với quyền lợi ích kỷ. Gandhi đánh bại Đế quốc Anh mà không cần phải vung tay giận dữ. Người thứ hai là Nelson Mandela ở Nam Phi, ban đầu theo chủ nghĩa cộng sản rồi chuyển sang lý tưởng bất bạo động. Không dám lạm bàn việc những người kế tục Gandhi và Mandela có tiếp tục theo đuổi và đưa sự nghiệp của các Ngài tới thành công mỹ mãn hay không, nhưng Ấn Độ đã giành được độc lập, còn Nam Phi thì thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với cái giá phải trả thấp nhất là sự kiện không ai có thể chối cãi được.

Trong khi đó, những người cộng sản, lấy đấu tranh làm lẽ sống, lấy việc tước đoạt nhóm người này để ban phát cho nhóm người khác, lấy mục đích biện minh cho phương tiện, lợi dụng sự ngây thơ về chính trị của người Nga, vốn đã quen với chế độ chuyên chế của các Nga hoàng, không tạo điều kiện cho họ tiếp thu những kiến thức về quyền công dân để hiểu rằng, nhân danh chủ nghĩa cộng sản, một chế độ độc tài toàn trị thực sự đang được thiết lập trên đất nước mình. Do đó, chúng ta đã trở thành những người chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ mà gần như không cần nỗ lực nào – sau khi đã đổ ra cả núi xương, biển máu và nửa thế kỷ đối đầu về quân sự làm người ta lo ngại và cuối cùng là vô ích.

Như vậy, tu tâm không trái với cách mạng, mà những người có tâm lại chính là các nhà cách mạng sâu sắc nhất, vĩ đại nhất; sự nghiệp của họ cũng bền vững nhất, lâu dài nhất.

Meister Eckhart, nhà thần học Kitô giáo thế kỷ XIV từng nói:

“Việc làm bên ngoài không bao giờ nhỏ, nếu công cuộc bên trong là vĩ đại

Việc làm bên ngoài không bao giờ là vĩ đại, nếu công cuộc bên trong là nhỏ bé”

Câu tiếng Anh trên hình Tolstoy: "Ai ai cũng nghĩ đến thay đổi thế giới nhưng không ai nghĩ đến thay đổi chính mình"

Tu tâm & Cách mạng – Những nhà cách mạng có tâm trong thời đại ngày nay

Đến đây xin dừng lại một chút để nói về Bản đồ ý thức của con người.

David Hawkins, sau hàng triệu lần hiệu chỉnh với những người thuộc các giai tầng khác nhau, các dân tộc khác nhau và trong những điều kiện khác nhau đã lập ra được bản đồ ý thức của con người, với 18 tầng (tác phẩm Power vs. Force). Tầng thấp nhất, với điểm bằng 0, là chết; sau đó là Nhục nhã (20), Tội lỗi (30), Thờ ơ (50), Đau khổ (75), Sợ hãi (100), Khát khao (125), Giận dữ (150), Kiêu hãnh (175), Can đảm (200), Trung dung (250), Sẵn sàng (310), Chấp nhận (350), Lý trí (400), Tình yêu (500), Niềm vui (540), An bình (600), Chứng ngộ (700-1.000). Con số trong ngoặc đơn là sức mạnh tương đối của các tầng, nhưng là logarit cơ số 10, cho nên mỗi tầng cách nhau rất xa (bạn nào quan tâm kỹ hơn có thể đọc ở đây: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2021/11/cac-tang-y-thuc-cua-con-nguoi.html).

Can đảm (200) là tầng chia tách giữa các tầng ý thức tích cực và tiêu cực. Người ở tầng 200 nhận của thế giới bao nhiêu thì cũng trả lại cho thế giới bấy nhiêu. Những người ở các tầng thấp hơn có thể nhận của thế giới nhiều hơn khả năng hoàn trả của họ, những người ở các tầng quá thấp có thể trở thành gánh nặng của nhân loại.

Đến đây ta có thể thấy rằng những người ở các tầng thấp hơn Can đảm (200) mà tham gia các hoạt động xã hội hay cách mạng thì có khả năng gây ra nhiều tác hại. Ví dụ, người ở tầng Khát khao (125) là những người luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, họ muốn sở hữu mọi thứ. Những người này mà tham gia hoạt động hay làm cách mạng thì dễ tham ô, ắn cắp công quỹ… Những người ở tầng Giận dữ (150) có thể gây mất đoàn kết, còn những người ở tầng Kiêu hãnh (175) có thể quá háo danh và cũng gây mất đoàn kết…

Như vậy là, với tấm Bản đồ ý thức này, chúng ta có thể chọn cho mình lãnh tụ của phong trào mà mình muốn tham gia, không cần phải qua thử thách, không cần phải làm như Lưu Bị, “tam cố thảo lư” hay phải bị thất vọng sau một thời gian tham gia nữa. Người viết cho rằng không nên theo các lãnh tụ có điểm dưới 500 (tầng Tình yêu). Xin mở ngoặc để nói thêm rằng Mahatma Gandhi có điểm hiệu chỉnh 760, còn Winston Churchill không bao giờ sử vũ lực, hay lừa dối người Anh nhằm buộc họ phải cầm súng chống lại phát xít Đức khi số phận của nước Anh gần như ngàn cân treo sợi tóc, có điểm hiệu chỉnh 510. Đồng thời, các lãnh tụ phong trào cũng có thể dễ dàng tìm được các cộng sự đáng tin cậy; ví dụ, người viết cho rằng những người thuộc Ban chấp hành trung ương của tổ chức phải có điểm từ 310 trở lên (tầng Sẵn sàng). Bản đồ này cũng cho chúng ta thấy rằng tu tâm là công việc hoàn toàn khả thi và có thể tự đoán xem mình đang ở tầng nào để tiếp tục tu tâm, ngõ hầu không trở thành tác nhân phá hoại phong trào mà mình tham gia. Xin lưu ý: Tu tâm không phải tu dưỡng đạo đức mà những người Cộng sản thường nói tới. Tu dưỡng đạo đức của Cộng sản ngụ ý tuân thủ điều lệ, làm theo nghị quyết, cấp dưới phục tùng cấp trên… Còn tu tâm ngụ ý xả bỏ tất cả các ý nghĩ, tư tưởng (thường gọi là tâm) bất tịnh để trở thành người vô tư vô ngã, vô ngã vị tha…

Tu tâm & Số mệnh

Mỗi người đều có số phận của mình. Không thể chứng minh được nhận định này, nhưng những người có tuổi đều có thể “nghiệm” được: một số người làm việc gì cũng hanh thông, trong khi một số người khác làm việc gì cũng khó khăn, thậm chí hoàn toàn thất bại. Chúng ta gọi đó là số mệnh. Người ta thường nói: “Gieo hành động, gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tích cách gặt số phận”. Bản đồ ý thức chính là biểu hiện tính cách của người ta. Để bạn đọc dễ theo dõi, xin cùng xem lại Bản đồ này một lần nữa.

Nhìn vào bản đồ chúng ta có thể thấy, ví dụ, người tầng Nhục nhã cận là kề đến mức nguy hiểm với cái chết, người ta có thể vì nhục nhã mà cố ý tự tử, hoặc tự tử một cách tinh vi hơn: không làm gì nhằm duy trì đời sống, gọi là “tự tử thụ động”. Phổ biến nhất là chết trong những vụ tai nạn mà đáng lẽ ra là có thể tránh được. Cảm giác tội lỗi vô thức gây ra bệnh tâm thần, dễ gặp tai nạn và có thể tự tử. Nhiều người phải vật lộn suốt đời với cảm giác này, trong khi một số người khác cố gắng đến mức tuyệt vọng nhằm chạy trốn nó bằng cách phủ nhận một cách vô đạo đức toàn bộ cảm giác Tội lỗi. Những người ở các tầng thấp kém này suốt đời phải sống trong cảnh đói nghèo và đau khổ.

Người Khát khao dẫn tới tích trữ và lòng tham. Nhưng Khát khao là vô độ, vì nó là trường năng lượng ngày càng gia tăng, do đó thỏa mãn khát khao này thì sẽ xuất hiện khát khao chưa được thỏa mãn khác. Các triệu triệu phú vẫn bị ám ảnh với việc kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn. Người nghèo ở tầng này có thể làm những việc gian dối, buôn gian bán lận, còn quan chức thì có thể tham ô hối lộ. Gian dối, tham ô hối lộ là những hành động phạm pháp, có thể phải chịu tù đày.

Người thuộc tầng Giận dữ và Kiêu hãnh cũng khó có thể hợp tác với những người khác, vì vậy mà họ khó có thể thu được thành công to lớn. Trong gia đình mà có người lúc nào cũng giận dữ thì khó có thể hòa thuận, khó mà an cư lạc nghiệp. Ra đường mà luôn mang theo tâm trạng giận dữ, vừa va quẹt xe đã nổi khùng, đã muốn xưng hùng xưng bá, có thể dễ dàng dẫn tới đánh nhau, thậm chí giết người. Những người này không biết rằng: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng”, họ cứ mang theo tâm trạng giận dữ và tự chiêu mời rắc rối cho mình và cho những người xung quanh.

Như vậy là, những người ở những tầng ý thức thấp này muốn thoát khỏi số phận hẩm hiu thì phải tu tâm, phải vươn lên những tầng ý thức cao hơn thì mới mong gặt hái được thành công. Càng lên cao thì càng thành công hơn. Người ở tầng Đau khổ hay Thờ ơ mà vươn lên được tầng Khát khao thì điều kiện vật chất và tinh thần sẽ được cải thiện rất nhiều, còn người ở tầng Khát khao mà vươn lên được tầng Can đảm hay Trung dung thì chẳng những điều kiện vật chất được cải thiện mà tinh thần cũng thanh thản hơn, sống vui hơn và ít bệnh tật hơn. Như thế là, tu tâm là tự cải biến số mệnh của mình. Người thực sự tu tâm thì số tử vi, tướng số, tướng mặt, tướng tay đều không còn đúng nữa.

Tóm lại, Power vs. Force cho chúng ta một tấm bản đồ dẫn đường; nó nói cho chúng ta biết rằng mỗi người đều có thể tu cái tâm của mình để vươn lên những tầng ý thức cao hơn, cũng có nghĩa là số phận của mình sẽ hanh thông hơn.

Tu tâm & Sức khỏe

(Các trích đoạn trong tác phẩm Power vs. Force)

Trải qua nhiều thời đại, người ra đã đúc rút được nhận định chung là một số bệnh liên quan đến một số cảm xúc và thái độ nhất định. Ví dụ, giận quá hại gan, vui quá hại tim, buồn quá hại phổi, lo lắng quá hại dạ dày, sợ quá hại thận. Ngày nay, nhiều rối loạn thể chất rõ ràng là có liên hệ với những cảm xúc căng thẳng.

Như chúng ta đã biết, nếu bạn có một suy nghĩ tiêu cực ở trong đầu thì một cơ bắp cụ thể nào đó sẽ yếu đi; nếu sau đó, bạn thay ý nghĩ này bằng một ý nghĩ tích cực thì chính cơ bắp đó sẽ mạnh lên ngay lập tức. Kết nối giữa tâm trí và cơ thể là trực tiếp, cho nên, phản ứng của cơ thể dịch chuyển và thay đổi theo từng sát na, nhằm phản ứng lại với những suy nghĩ nối tiếp nhau và những cảm xúc liên quan tới những suy nghĩ này.

Trong tự nhiên có quy luật gọi là Quy luật phụ thuộc nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu, nói rằng một thay đổi vô cùng nhỏ trong mô thức dữ liệu đầu vào có thể dẫn đến thay đổi rất lớn trong kết quả ở đầu ra. Đấy là do thay đổi nhỏ lặp đi lặp lại theo thời gian làm cho mô thức thay đổi theo lối tăng dần, hoặc, đôi khi, thậm chí nhảy sang một hàm điều hòa mới, nếu đầu vào tăng theo hàm lôgarit. Kết quả là biến đổi nhỏ bé đó được khuếch đại lên cho đến khi, cuối cùng, nó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

Khi tâm trí bị thế giới quan tiêu cực khống chế, thì trong các dòng năng lượng dẫn đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể sẽ liên tiếp xuất hiện những thay đổi cực kì nhỏ. Tất cả các chức năng phức tạp của trường sinh lý học tổng thể vi tế này đều bị ảnh hưởng. Cuối cùng, những thay đổi vô cùng nhỏ sau một quá trình tích lũy sẽ hiện ra thành kết quả nhìn thấy được trong các dụng cụ đo lường, ví dụ như kính hiển vi điện tử, chụp cộng hưởng từ, tia X, hoặc phân tích sinh hóa. Chính tác động dai dẳng và lặp đi lặp lại của các kích thích, thông qua quy luật phụ thuộc nhạy cảm vào điều kiện ban đầu, đã dẫn tới quá trình bệnh tật có thể quan sát được. Các kích thích khởi động quá trình này có thể nhỏ đến mức không thể phát hiện được.

Trong quá trình tự chữa lành, khả năng yêu thương và nhận thức về tầm quan trọng của yêu thương ở người bệnh thường gia tăng rõ rệt – đây vừa là yếu tố vừa là phương thức chữa bệnh. Nhiều cuốn sách trong danh sách bán chạy nhất nói với chúng ta rằng yêu thương là sống lành mạnh. Nhưng, vì kiêu hãnh mà tâm trí thường chống lại, không muốn thay đổi. Tình yêu đồng loại chỉ có thể nảy sinh khi chúng ta ngừng chỉ trích, sợ hãi và căm thù người khác. Khả năng bình phục phụ thuộc vào thái độ sẵn sàng khám phá những cách nhìn mới về bản thân và cuộc sống của người bệnh, bệnh nào thì cũng thế.

Trong vũ trụ có thể quan sát được này, mọi người đều biết quy luật là lực sinh ra phản lực – cùng cường độ nhưng theo chiều ngược lại. Do đó, mọi cuộc tấn công, dù về tinh thần hay vật chất, đều dẫn đến phản công. Ác tâm làm cho chúng ta đau ốm; chúng ta luôn luôn là nạn nhân của lòng thù hận của chính mình. Thậm chí những ý nghĩ oán hận thầm kín cũng tạo ra những cuộc tấn công về mặt sinh lý lên chính cơ thể của người có ý nghĩ đó.

Bệnh là bằng chứng cho thấy có điều gì đó không ổn trong hoạt động của tâm trí, và đây chính là nơi chứa đựng nội lực để tạo ra thay đổi. Điều trị bệnh mà chỉ coi nó như quá trình vật lý, diễn ra trong thế giới ảo A → B → C, thì không điều chỉnh được nguồn gốc của rối loạn chức năng, và chỉ làm bệnh thuyên giảm tạm thời chứ không phải là chữa trị dứt điểm. Chỉ cần thay đổi thái độ là đã có thể chữa được căn bệnh làm cho người ta đau khổ suốt đời; mặc dù thay đổi này dường như có thể xảy ra trong tích tắc, nhưng có thể người bệnh đã chuẩn bị trong nhiều năm.

Tu tâm quan trọng như thế đấy!

Khai trí & Khai tâm

Có một thời chúng ta tin (có thể hiện nay vẫn còn tin) rằng hầu hết các vấn nạn của xã hội là do dân trí thấp, nhưng có lẽ đã đến lúc cần phải xét lại niềm tin này.

Bằng chứng là chỉ cần một va chạm nhỏ là người ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, thậm chí giết nhau; vào nhà hàng thì “chặt chém” hết mức, không ăn thì bị dọa đánh, dọa giết, xin thêm tí rau thì bị chửi mắng thậm tệ… Mẹ ghẻ, bố dượng hành hạ con riêng của chồng hay vợ một cách tàn nhẫn, lạnh lùng, chỉ nghe nói tới đã thấy kinh hãi; không biết họ có còn là con người, thậm chí có còn là con vật có cảm xúc và biết đau đớn hay không. Rồi con giết cha, cháu giết bà, vợ giết chồng, bạn bè giết nhau… Nếu có đủ thì giờ theo dõi báo chí, có thể ngày nào cũng có một vụ giết người nào đó… Mà đây lại là những hiện tượng diễn ra ngay trong các thành phố lớn. Không thể nói là dân trí thấp.

Các quan chức do tham ô hối lộ mà bị bắt trong thời gian gần đây cũng không phải là những người “thấp trí”. Tất cả các quan chức cao cấp, từ Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính bị bắt vì tham nhũng đều là những người được đào tạo, có học vấn khá cao và trong giai đoạn đầu đời, khi mới bắt đầu tham gia chính quyền có lẽ họ cũng là những người có “tâm”; nhưng rồi không “tu” mà bị “tụt hạng”.

Vụ Việt Á càng chứng tỏ rằng “trí” không song hành với “tâm”; thậm chí “trí” nhiều mà “tâm” ít thì còn có thể gây ra tác hại khủng khiếp hơn. Bây giờ, đã xác minh Phan Quốc Việt kiếm được 4.000 tỷ đồng và hào phóng chi huê hồng lại quả đến 30 tỷ đồng cho chỉ một đối tác thương mại: một mình BS-TS Phạm Duy Tuyến, Bí thư đảng kiêm Giám đốc CDC Hải Dương nuốt gọn hơn 1 triệu đôla, bằng lương hai đời TT Mỹ Donald Trump và Joe Biden cộng lại; hơn cả tiền bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ nhân viên y tế nơi tâm dịch bị quỵt. Theo một số nguồn tin thì kit rởm của VIỆT Á là mua hàng rởm của Tàu, 5-7 ngàn/cái, nhưng bán với khung giá của Bộ Y tế là 470.000đ/ cái... lãi gấp 70 ÷ 90 lần. Hậu quả của kit Việt Á là thúc nhau ngoáy mũi liên tục, tập trung F1, F2, F3 vào một chỗ để ủ bệnh và tiêu thụ kit giả, chống bệnh phản khoa học... kẻ làm giàu bất lương mùa dịch được tôn vinh anh hùng, hàng vạn người chết oan. Thế mà Phan Quốc Việt được sự ủng hộ nhiệt liệt của Bộ Khoa học & Công nghệ lẫn Bộ Y tế, Học viện Quân y, đài báo, Tuyên giáo ....

Tất cả những quan chức dính líu vào những vụ việc vừa nêu không phải “trí” thấp, mà ý thức của họ chỉ loanh quanh đâu đó trong tầng Khát khao hay Giận dữ. Có quyền lực, thậm chí là quyền lực vô hạn độ mà ý thức vẫn nằm ở tầng Khát khao thì khi đi ra đường họ nhìn thấy tất cả những thứ họ muốn. Họ nhìn thấy chiếc xe họ muốn; người đẹp họ muốn; địa vị, chức vụ và tòa nhà họ muốn. Họ thất vọng vì những khao khát, thèm muốn bất tận và hàng triệu đô la đều không mang lại hạnh phúc. Thực tế là 50 triệu đôla hay 100 triệu đôla cũng không có ích gì, vì khao khát và muốn có thêm quyền lực là vô độ, không thể nào thỏa mãn được. Còn những người ở tầng Giận dữ thì họ chính là một hỏa diệm sơn, sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào và sẵn sàng thiêu cháy bất cứ thứ gì.

Như vậy, đã đến lúc những người có tâm với dân tộc, với đất nước, bên cạnh việc “khai trí” còn cần chú ý đến việc “khai tâm”. Người viết cho rằng hiện nay cần đẩy mạnh “khai tâm” hơn “khai trí” vì đứa trẻ đi học là “khai trí” rồi, còn “khai tâm” hay tu tâm thì ít thấy nói tới.

Tu tâm - Tu gì?

Xin nhắc lại lần nữa, tu tâm không phải là tu dưỡng đạo đức mà những người cộng sản hay nói. Tu dưỡng đạo đức của cộng sản là tuân theo điều lệ, nói và làm theo nghị quyết, không làm những việc mà đảng đã cấm, cấp dưới phục tùng cấp trên… Nói chung, đạo đức cộng sản thường trái với đạo đức phổ quát của nhân loại.

Tu tâm khác hẳn. Nếu nhìn vào Bản đồ ý thức ta sẽ thấy, tu tâm chính là buông bỏ những ý nghĩ (còn gọi là tâm hay niệm) tiêu cực, nằm dưới tầng 200. Đấy là những cảm giác, ý nghĩ, như nhục nhã, tội lỗi, thờ ơ, đau khổ, than thân trách phận, sợ hãi, tham lam, sân hận, căm thù, kiêu ngạo, khoe khoang, ghen tị, tật đố, đổ thừa, lên án người khác, tuyệt vọng, giả dối; tức là phải tu bỏ những ý nghĩ/tâm/niệm làm cho người ta yếu đi… Còn lên cao nữa thì tu bỏ tất cả nhân tâm để trở thành người có lòng cảm thông sâu sắc với mọi sự, mọi việc, có tình yêu vô điều kiện, và sẽ trở thành người đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng.

Tu tâm không chỉ là lời răn của tôn giáo, mà có cơ sở “khoa học” phù hợp với tư duy của những người “não trái”, được đào tạo theo lối khoa học. Mỗi một sự kiện/tình cảm/suy nghĩ làm cho người quan sát yếu đi đều ức chế hệ thống miễn dịch của người đó. Mỗi sự kiện làm người ta yếu đi đều phản ánh thương tổn gây ra cho hệ thần kinh trung ương, cũng như hệ thống thần kinh thực vật của người đó. Hệ thống kinh lạc bị phá vỡ thì chắc chắn tuyến ức cũng bị ức chế; mỗi chấn thương đều gây hại cho hệ thống thần kinh nội tiết và hệ thống dẫn truyền thần kinh mỏng manh của não bộ. Mỗi hình ảnh/ngôn từ tiêu cực đều đưa người ta tiến gần hơn tới bệnh tật và trầm cảm.

Đồng thời, tu tâm còn làm cho người ta vươn lên khỏi trường năng lượng đang khống chế họ. Mà ra khỏi trường năng lượng thấp hơn để tiến vào trường năng lượng cao hơn thì chính là cải biến số phận.

Tóm lại chỉ có tu tâm thì mới cải biến được sức khỏe và số phận. Còn dâng sao giải hạn, cúng dường tam bảo, lạy Phật đến u đầu sứt trán, đốt nhang đến chết ngạt vì khói đều không thể nào cải biến được số phận. Tìm Phật kiểu đó là mò trăng đáy ao, chẳng có tác dụng gì.

Bản đồ ý thức còn cung cấp cho chúng ta nền tảng “khoa học” của sự thông cảm, lòng khoan dung và từ tâm với người khác và với chính mình. Ví dụ, khi một người nào đó nổi quạu với bạn, nếu không có Bản đồ ý thức này, bạn sẽ tức giận và phản ứng một cách gay gắt với người đó. Nhưng nhìn vào Bản đồ này, bạn sẽ thông cảm. Người đó đang bị tầng ý thức Giận dữ khống chế rất chặt, họ không thể làm khác được. Các quan chức vụ Việt Á hay các quan chức ở Bộ Ngoại giao hút máu đồng bào trong đại dịch vừa qua thì cũng thế. Họ bị tầng ý thức Khao khát khống chế và vì vậy mà họ đã hành động hoàn toàn trái ngược với lương tâm của con người. Họ phải trả giá trước luật pháp do con người làm ra, nhưng tầng ý thức của họ chỉ cao đến thế. Họ không thể làm khác được.

Hiểu được như thế, chúng ta đồng thời cũng có lòng từ bi với chính mình. Ta không thể làm khác, cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Ta không cần ân hận vì việc đã làm, mà chỉ cần ghi nhận để không lặp lại.

Nếu chỉ để làm một người tốt thì chỉ cần quan sát chính mình để mỗi khi thấy ý nghĩ/tâm bất thiện nổi lên liền buông bỏ nó là được. Nhưng đây là việc làm cực kỳ nghiêm túc, nghiêm túc hơn tất cả những việc bạn đã từng làm, vì phải theo dõi tâm của mình trong từng sát na. Rất khó. Người viết cho rằng muốn thật sự tu tâm thì phải theo một tôn giáo hay pháp môn tu tập nào đó, với tín sư, tín pháp vô bờ bến thì mới có kết quả. Chương 22, Cuộc đấu tranh tâm linh, tác phẩm Power vs. Force có những hướng dẫn quan trọng đối với người tầm đạo.

Tu tâm & Tương lai của dân tộc

Như đã nói trong các phần trước, mỗi cá nhân đều bị tầng ý thức giữ thế thượng phong của người đó khống chế; người đó không thể suy nghĩ, phát ngôn và hành động khác được. Ta gọi đó là nghiệp lực hay số phận của người đó. Như vậy, nếu trong một tập thể, ví dụ như dòng họ, làng xã hay cả nước mà có đa số người cùng bị một tầng ý thức giữ thế thượng phong nào đó khống chế và họ cùng có suy nghĩ, lời nói và hành động về đại thể là giống nhau, mặc dù tiểu tiết có thể khác nhau chút ít – có thể gọi là văn hóa – thì ta cũng có thể coi đấy là cộng nghiệp hay số phận của dòng họ, làng xã hay quốc gia đó.

Cá nhân muốn thay đổi nghiệp hay số phận thì phải tu tâm. Cộng đồng, dòng họ, làng xã hay quốc gia thì cũng thế. Có thể nói đa số người Việt hiện nay mới đang ở tầng Khao khát với cảm xúc chủ đạo là Thèm muốn. Ở tầng này, những cái người ta “có” là quan trọng; địa vị của người ta phụ thuộc vào của cải có thể nhìn thấy được. Khi đi ra đường, họ nhìn thấy tất cả những thứ họ muốn. Khi nói chuyện về những người thành đạt người ta cũng chỉ nói về những ngôi nhà, những ngôi biệt thự mà họ có, chứ ít người bàn tới những thứ cao cấp như công trình mà người kia đã làm, cuốn sách mà người kia đã viết… Ngoài ra, đa số người Việt còn thường xuyên rơi vào tầng Giận dữ và bị trường năng lượng ở đây khống chế. Khi giận dữ người ta tưởng mình chính là cơn giận mà không biết rằng họ “có” sự giận dữ, do đó giận dữ thường phồng to mãi và ngày càng gia tăng; dẫn đến những hành động cực kỳ tai hại, với những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta cũng thường có thái độ Kiêu hãnh, rất muốn độc quyền chân lý, thường muốn áp đảo đối phương bằng lời nói quyết liệt và dứt khoát. Nhưng trong vũ trụ này, có định luật là lực bao giờ cũng sinh ra phản lực, với cùng cường độ và theo hướng ngược lại. Vì vậy mà chúng ta rất khó thảo luận một cách hòa bình với nhau.

Người viết cho rằng, khi đa số dân chúng còn nằm dưới tầng ý thức dưới 200 thì ngay cả có mời Bill Clinton, G. Washington hay B. Franklin hay bất kỳ người nào khác thành lập chính phủ thì chẳng bao lâu sau chính phủ này cũng sẽ thoái hóa thành tình trạng tham nhũng tràn lan.

Xin nhắc lại một lần nữa, tu tâm không phải là quay lưng lại với xã hội. Trong cái thế giới mà mọi sự mọi vật đều liên kết với nhau này, ngay cả nếu bạn ngồi không một cái hang trên dãy Himalaya thì bạn vẫn có thể ảnh hưởng tới thế giới. Ảnh hưởng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào tầng ý thức của bạn. David Hawkins viết: Kiểm tra cơ thể động học cho thấy, một người ở tầng 700 đủ sức đối trọng với 70 triệu người ở tầng dưới 200, một người ở tầng 600 đủ sức đối trọng với 10 triệu người ở tầng dưới 200… Các nhà huyền môn cũng thường nói, sở dĩ trái đất này đứng vững như hiện nay là vì luôn luôn có các vị Phật và những người đã chứng ngộ đang mai danh ẩn tích ở đâu đó phát phóng năng lượng tích cực để trung hòa với năng lượng tiêu cực do những người ở tầng ý thức dưới 200 tạo ra. David Hawkins còn viết, kiểm tra cơ thể động học chỉ ra rằng, chỉ cần 2,6% dân số thế giới có tình trạng phân cực cơ động học bất thường (thử mạnh với trường điểm hút tiêu cực và thử yếu với trường điểm hút tích cực) là đã gây ra tới 72% các vấn đề xã hội. Chúng ta không có điều kiện xác định những con số này; nhưng hẳn mọi người đều đã chứng kiến cảnh hàng chục người xếp hàng rất trật tự, nhưng chỉ một người chen ngang là thành lộn xộn ngay lập tức.

Như vậy là, muốn dân chủ hóa, muốn đưa xã hội Việt Nam lên một tầng cao mới thì tu tâm – mỗi người và mọi người – phải là vấn đề cần giải quyết trước tiên. Chúng ta đều biết những cuộc cách mạng được dẫn dắt bởi những con người đầy tham, sân, si đã dẫn dân tộc này tới đâu và chắc chắn là không muốn đi vào vết xe đổ một lần nữa.

Trí khôn & Trí huệ

Ông bà ta thường nói: “cơm sôi nhỏ lửa”, ý là khi phát sinh mâu thuẫn, cãi cọ thì hãy lùi một bước, để giữ hòa khí trong gia đình hay giữa bạn bè với nhau. Đây là trí khôn của người thường, vì người ta có thể “lùi một bước” nhưng trong lòng vẫn oán hận, coi thường, thậm chí khinh bỉ người vừa làm họ tức giận. Giải quyết ở tầng Trí khôn là chưa giải quyết được gì: người ta chỉ trì hoãn, cho đến khi hai người đã đủ bình tĩnh để cùng ngồi lại với nhau; hoặc sẽ ép nhập những bất bình này xuống tầng hạ ý thức hay vô thức và đến lúc nào đó chúng sẽ nổi lên trên tầng ý thức. Lúc đó thì quan hệ gia đình hay bạn bè đã đổ vỡ rồi. Những tình cảm này sẽ khiến người ta bị bệnh, cuộc đời sẽ gặp nhiều khó khăn vì không thoát khỏi được số phận mà Thiên nhiên đã an bài.

Trong khi đó, Bản đồ ý thức nói với chúng ta rằng mọi người, trong đó có mình, đã và đang nói và làm những điều mà năng lượng của tầng ý thức của chính chúng ta buộc chúng ta phải nói và làm như thế. Cho nên ta tự “lùi một bước” với thái độ thông cảm, chấp nhận và từ bi, chứ không khởi một chút oán hận, trách móc hay khinh khi nào. Trước những biểu hiện khác của tha nhân, ví dụ, tham lam, giận dữ, oán hận, đổ thừa, ghen tị, đố kị… ta cũng có thái độ thông cảm và chấp nhận hệt như thế. Chúng ta đâu có căm thù hay oán ghét con rắn hay con cá sấu đe dọa cắn, thậm chí giết chết chúng ta. Đúng không? Vì đấy là bản chất của chúng. Tầng ý thức của con người chính là một phần bản chất của họ. Họ không thể làm khác được. Chính ta cũng không làm khác được những việc ta đã làm. Từ đó, xuất hiện tâm từ bi đối với mình và với tha nhân. Đây là trí huệ. Giải quyết ở tầng trí huệ mới là giải quyết triệt để.

Có bản đồ ý thức trong tay, người chỉ muốn làm người tốt ở thế gian có thể thanh thản buông bỏ mọi tị hiềm; và, bằng cách đó, sẽ ít bệnh tật hơn, thanh thản hơn và số phận cũng hanh thông hơn. Còn người tu luyện theo một tôn giáo hay pháp môn nào đó thì đã đi được một đoạn đường rất xa, biết bao nhiêu ý nghĩ/tâm tiêu cực đã được buông bỏ trong một thời gian cực kỳ ngắn. Vì thế mà David Hawkins nói rằng đọc cuốn sách này một cách kỹ lưỡng có thể làm cho bạn thăng tiến được 35 điểm, trong khi cuộc đời của một người bình thường chỉ làm cho họ thăng tiến được 5 điểm mà thôi.

Tổng kết

Với Bản đồ ý thức trong tay, bây giờ chúng ta có thể nói: nghiệp báo hay số phận là có thật, tu nhân tích đức, tu tâm cũng là có thật. Tu tâm không còn là lời răn của tôn giáo hay mê tín dị đoan nữa, mà có cơ sở “khoa học”. Tu tâm có thể giúp chúng ta thoát khỏi nghiệp bệnh và số phận mà chúng ta đã được an bài. Khoan dung, chấp nhận và từ bi với tha nhân và với chính mình cũng không còn chỉ là lời răn của các bậc chân tu, đức cao vọng trọng nữa, mà hoàn toàn có cơ sở: chúng ta không thể làm khác những gì tầng ý thức mà lúc đó chúng ta thuộc về buộc ta phải làm. Căm thù, oán hận, phê phán và ghét bỏ nên là những tình cảm và thái độ của quá khứ.

Với Bản đồ ý thức trong tay, chúng ta biết rằng tất cả mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm tiêu cực đều không những tiếp tục níu kéo chúng ta ở tầng ý thức hiện tại, thậm chí còn lôi chúng ta xuống tầng ý thức thấp hơn; chúng làm cho chúng ta sẽ dễ bị bệnh tật hơn, đường đời sẽ có nhiều khó khăn hơn. Còn tất cả mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm tích cực đều đưa chúng ta lên tầng ý thức cao hơn. Chúng ta sẽ ít bị bệnh tật hơn, đường đời sẽ hanh thông hơn. Người khác cũng không thể nói hay làm khác những lời họ đã nói hay việc họ đã làm. Tầng ý thức của họ buộc họ phải hành xử như thế. Lên án, tức giận hay trách cứ họ thì có khác gì lên án hòn đá lăn từ trên núi xuống làm cho chúng ta bị thương. Đây là phản ứng tiêu cực, có hại cho chính ta. Khoan dung, chấp nhận hay tránh xa họ là phản ứng tích cực, lợi lạc vô cùng. Làm người tốt, thậm chí thật tốt thì chỉ cần như thế là đủ.

Nhưng tu tâm để trở thành bậc Chứng ngộ mà người tầm đạo hướng tới là công việc cực kỳ gian nan. Gian nan vì phải từng giây từng phút, đúng hơn là, từng sát na, theo dõi tâm mình để buông bỏ/tu khứ những ý nghĩ/tâm tiêu cực, mà lại không biết bao giờ mới tới đích và không được truy cầu, vì truy cầu là thuộc về tầng Khát khao và như thế là mắc kẹt vào tầng ý thức dưới 200. Gian nan, nhưng nghe nói rằng ở cuối con đường là Chứng ngộ, là hòa tan tự thể vào Đại Ngã của vũ trụ. Quả thật là rất đáng theo.

Chúc mọi người mọi nhà đều chọn được tôn giáo hay pháp môn tu phù hợp và tinh tấn thực tu.

P/S: Tác phẩm Power vs. Force – Trường năng lượng và những yếu tố ẩn quyết định hành vi của con người, Thaihabooks - nxb Thế giới, 2022, Phạm Nguyên Trường dịch, có thể được coi là kim cổ kỳ thư; cuốn sách quan trọng nhất mà tôi đã dịch, tất cả mọi người, dù làm ngành nghề gì, dù có địa vị xã hội như thế nào cũng đều nên đọc, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi sẽ còn quay lại với cuốn sách này.