Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

VIỆT NAM – Hai năm vụ công an tấn công xã Đồng Tâm

NHỮNG GÓC NHÌN ĐA CHIỀU về một BIẾN CỐ LỊCH SỬ

(Tròn hai năm ngày chôn cất ông Lê Đình Kình, 13/01/2020 – 13/01/2022)

Trọng Thành

***

Đúng ngày này cách nay hai năm, ngày 13/01/2020, một đám tang đặc biệt đã diễn ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội. Một số nhân chứng tại chỗ cho biết đến đưa tang là đông đảo người dân trong xã, cùng một số xã lân cận, nhưng có lẽ không có ai ở bên ngoài có cơ hội đến đưa thi thể người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Đám tang được kiểm soát nghiêm ngặt. Gần như không có hình ảnh nào về đám tang được chuyển ra ngoài, bởi mọi hành động quay phim, chụp ảnh đều bị an ninh theo dõi nghiêm ngặt.

Đám tang bị ngăn chặn triệt để, trong lúc gần như cả nước Việt Nam không xa lạ với người quá cố, ông Lê Đình Kình, sinh năm 1936, 58 năm tuổi Đảng (ông Kình gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1961). Những năm 2017 - 2018, tên ông cùng với làng Đồng Tâm nổi bật ngay trên truyền thông trong nước, đặc biệt sau vụ dân làng Đồng Tâm bắt giữ hơn 30 con tin, gồm cán bộ chính quyền và cảnh sát, để chống lại quyết định trưng thu đất của chính quyền địa phương. Vụ bắt giữ con tin hiếm có trong lịch sử chế độ Việt Nam cộng sản, buộc chủ tịch thủ đô Hà Nội phải thân chinh điều đình, cam kết nhiều điều khoản với dân làng, để đổi lại việc trả tự do cho các con tin.

Hơn hai năm sau vụ bắt con tin lịch sử, rạng sáng ngày 09/01/2020, khoảng 3.000 cảnh sát bao vây ngôi làng, nơi ở của ông Lê Đình Kình. Ông Kình bị bắn chết ngay trong nhà. Hàng chục dân làng bị bắt. Trong vụ can thiệp này, 3 cảnh sát được thông báo thiệt mạng. Lý do bị thiêu sống.

Cuối năm 2020, một toà án Việt Nam tuyên án tử hình với 2 người con ông Kình, án chung thân với một người cháu, với tội danh “giết người”, và tổng cộng hơn 100 năm tù với 26 bị cáo khác.

***

PHIÊN TOÀ XỬ NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM bị LÊN ÁN KHÔNG CÔNG BẰNG

Hai bản án tử hình bị Liên Hiệp Châu Âu lên án mạnh. Khối 27 nước châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam “tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết”. Theo EU, các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa “làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”. 11 tổ chức nhân quyền quốc tế và của người Việt đã gửi thư kêu gọi chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, cũng với cùng thông điệp, là chính quyền Việt Nam cần tổ chức phiên tòa công bằng, theo Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Đầu năm 2021, toà án phúc thẩm Việt Nam đã xử y án với phán quyết sơ thẩm.

Từ đó đến nay, nỗ lực đòi công lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ án ngày 09/01/2020 vẫn tiếp tục. Tháng 11/2021, Dự án 88 (The 88 Project) và Phòng thực hành Nhân quyền Toàn cầu (Global Human Rights Clinic) thuộc Trường Luật Đại học Chicago gửi báo cáo cho Phiên Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ (UPR) đối với Việt Nam. UPR là cơ chế đánh giá định kỳ tình trạng nhân quyền tại các quốc gia thành viên LHQ. Mục tiêu của Dự án 88 và Đại học Chicago là cảnh báo về tình trạng nhiều người thông tin về vụ án Đồng Tâm bị chính quyền Việt Nam đàn áp ở nhiều mức độ khác nhau, từ gây khó khăn trong việc truyền tin lên các mạng xã hội cho đến bỏ tù.

***

BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM là một BIẾN CỐ LỊCH SỬ PHỨC TẠP

Biến cố Đồng Tâm là một biến cố lịch sử với Việt Nam. Vụ bắt con tin đầu năm 2017, vụ cảnh sát tấn công ngôi làng vào tờ mờ sáng một ngày đầu năm 2020, bắn chết một cụ già hơn 80 tuổi tại nhà, chắc chắn sẽ ghi lại trong lịch sử Việt Nam như một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa chính quyền và xã hội.

Đây là một biến cố phức tạp diễn ra trong một bối cảnh phức tạp. Nhiều người coi đây là sự đối đầu giữa một chính quyền tàn bạo đã không từ một phương tiện gì để khẳng định sự thống trị tuyệt đối với xã hội. Một số người khác nhìn thấy ở đây những mâu thuẫn, đối kháng trong nội bộ “hệ thống chính trị” Việt Nam, giữa một bên là phe cánh thuộc thế lực cầm quyền chủ trương dùng bạo lực, cùng mưu mẹo để khẳng định sự thống trị, bên kia là những người dân tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng vẫn nhiều phần đặt niềm tin vào sự “anh minh” của các lãnh đạo tối cao, có thể đưa ra một quyết định có lợi cho người dân. Ông Lê Đình Kình, theo lời thuật của người thân, vẫn còn tin tưởng vào lãnh đạo tối cao của Đảng gần như đến phút cuối cùng.

***

AI ĐÚNG ? AI SAI ?

Để quý vị, quý bạn có thêm thông tin cho phép xác định đánh giá về phần mình, chúng tôi xin chuyển đến những góc nhìn rất khác nhau về biến cố Đồng Tâm. Chắc chắn là nhiều bài vở, thông tin này một số quý vị, quý bạn đã từng biết. Nhưng có lẽ hiếm ai có thời gian và tâm trạng, để đối chiếu toàn bộ các góc nhìn đa chiều về biến cố Đồng Tâm, để đúc rút cho mình một cái nhìn mang tính tổng quan.

Từ “Biến cố Đồng Tâm” mà chúng tôi sử dụng ở đây là để chỉ một thực tại bao trùm cả vụ án Đồng Tâm ngày 09/01/2020 và những gì diễn ra sau đó (nỗ lực đưa tin, phân tích về vụ án, số phận những người liên quan, cũng như các phiên toà xét xử người dân Đồng Tâm), và những gì diễn ra trước vụ tấn công ngày 09/01/2020 (trong đó có vụ bắt giữ con tin, phong trào ủng hộ Đồng Tâm, các hành động của chính quyền Hà Nội, thanh tra chính phủ, cuộc chiến trên truyền thông liên quan đến Đồng Tâm…).

***

SÁU GÓC NHÌN RẤT KHÁC NHAU về “BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM”

Có ít nhất 6 góc nhìn khác nhau chúng tôi muốn chuyển đạt lại nhân dịp này.

1/ Góc nhìn chính thống của chính quyền về vụ án. Góc nhìn này được báo chí chính thức chuyển tải. Nội dung chính là khẳng định cuộc tấn công là hợp pháp. Ông Lê Đình Kinh, người bị giết là người chống lại công an. Các bị cáo bị kết án tử hình là người giết chết ba cảnh sát…

2/ Về phía chính quyền, cũng cần chú ý đến một góc nhìn khác (quan điểm của một thiểu số). Cũng là chính thống, nhưng không hoàn toàn là quan điểm ủng hộ can thiệp bạo lực. Ngược lại, có cơ quan chính quyền tỏ ý tiếc là chưa làm hết nhiệm vụ, để xung đột bùng phát thành bạo lực.

3/ Góc nhìn coi chính quyền cộng sản Việt Nam là một thế lực hoàn toàn đối kháng với nhân dân. Mọi nhân nhượng, động tác hòa giải chỉ là thủ đoạn. Vụ tấn công làng Đồng Tâm phơi bày bộ mặt thật của chế độ. Để chuyển đạt góc nhìn này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Nhớ ông Lê Đình Kình (1936 – 2020)” trên Facebook của nhà nghiên cứu văn học, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, Đại học Victoria (Úc).

4/ Góc nhìn của những nạn nhân người Đồng Tâm, gồm những người đang bị giam giữ và thân nhân của họ. Những người phụ nữ trong gia đình ông Lê Đình Kình, đang tiếp tục phải sống trong cảnh vắng chồng, vắng cha. Đau khổ, phẫn uất, chán nản, tuyệt vọng, nhưng họ buộc phải sống vì con, vì cháu. Tiêu biểu cho góc nhìn này, chúng tôi xin giới thiệu bài “Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống” của tác gia May (trên Luật khoa Tạp chí), cùng một số bài viết khác.

5/ Một góc nhìn khác rất đáng chú ý, chủ yếu tập trung vào việc khôi phục lại diễn biến thực sự của vụ tấn công, để trả lại công lý. Ngược hẳn với quan điểm chính thống, góc nhìn này phơi bày ý đồ của những thế lực đứng đằng sau vụ tấn công, đưa ra giả thiết về nguyên nhân dẫn đến việc ba người cảnh sát chết cháy hoàn toàn khác với mô tả của chính quyền. Và mục tiêu tấn công nhà ông Lê Đình Kình trong đêm không liên quan gì đến cuộc tranh chấp đất đai Đồng Tâm, mà vì một ý đồ chính trị lớn hơn nhiều. Tiêu biểu cho góc nhìn này có bài “Giải mã vụ Đồng Tâm”, Giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học Việt Nam, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật CHLB Đức.

6/ Góc nhìn cuối cùng xin được giới thiệu là một góc nhìn khác hẳn những góc nhìn trước. Khác hẳn với góc nhìn chính thống, cũng như góc nhìn bênh vực các nạn nhân. Góc nhìn này cũng không nhằm khôi phục lại diễn biến vụ án Đồng Tâm, tức cuộc tấn công ngày 09/01/2020. Cái độc đáo của góc nhìn này là mong muốn phục dựng lại lịch sử trước cuộc tấn công Đồng Tâm, đặc biệt là những thất bại từ phía phong trào ủng hộ cuộc tranh đấu bảo vệ đất của người dân Đồng Tâm. Tiêu biểu cho góc nhìn này là bài “Ba bài học từ Đồng Tâm”, của tác giả Cái Lư Hương (Luật khoa Tạp chí).

***

THÊM CÁC THÔNG TIN KHÁC về vụ “ĐỒNG TÂM"

Về vụ Đồng Tâm, đáng chú ý là các nỗ lực cung cấp thông tin đầy đủ và đa chiều của Luật khoa Tạp chí, nơi đăng tải bài viết “Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm”, trong đó có giới thiệu “Báo cáo Đồng Tâm”, song ngữ Anh – Việt (dày gần 130 trang), do nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyen thực hiện, giúp độc giả tìm hiểu ngọn nguồn và các diễn biến của sự kiện vụ tranh chấp này.

Với những ai ít thời gian hơn, có thể dành 5 phút để tìm hiểu về vụ Đồng Tâm qua bài “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm”, gồm 9 câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất về vụ án, bao quát từ nguồn gốc tranh chấp, các quy định luật pháp có liên quan, và cơ sở cho các hành động tấn công cũng như các cáo buộc của chính quyền đối với người dân Đồng Tâm.

***

Ảnh của báo Tuổi Trẻ :

Đông đảo người dân Đồng Tâm đón mừng ông Lê Đình Kình trở về sau thời gian điều trị tại bệnh viện Việt Đức, sau khi bị công an bắt, làm gẫy xương chân. Ảnh chụp đầu năm 2017.

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và đám đông

Nguồn: FB Trọng Thành