Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

Sự phản động của đại gia: Mạnh Tử đã gặp Marx

Nguyễn Hoàng Văn

Thường, những thành phần đặc quyền của xã hội có khuynh hướng trở thành những công dân phản động và khái niệm “phản động” này, tôi xin nói ngay, có thể hiểu theo hai tầng ngữ nghĩa.

Nguyên thủy, phản động chỉ là “phản ứng”, hiểu như một sự khai triển từ định luật thứ ba của Newton về “phản động lực” phát sinh trước một “động lực” nào đó, là phản ứng mà Hoài Thanh từng nhấn mạnh ở thứ “văn chương mạnh mẽ” nhằm “giúp người ta phản động lại với hoàn cảnh cùng bẩm thụ tự nhiên”. [1]

Nhưng khi “phản động lực” đó nhắm đến mục tiêu cản trở hay phá hoại tiến trình đi tới của xã hội và đất nước thì vấn đề sẽ khác. Quá trình phát triển nào cũng nảy sinh nhu cầu cải cách và khi vận dụng cả những thủ đoạn dơ bẩn và man rợ để cản trở sự đi tới của đất nước nhằm bảo vệ đặc quyền thì, từ “phản động lực’ như một reaction, hành vi này đã thực sự là reactionary, cái nghĩa “phản động” mà chúng ta đã quá quen thuộc vì thường xuyên bị bọn nắm súng và nắm luật lạm dụng, tùy tiện và duy ý chí.

Mà cũng chẳng có gì khó hiểu trong sự “phản động” của giới này. Họ giàu có, họ thụ hưởng đặc quyền là nhờ vào thiết chế nên đố kỵ với những thay đổi lớn nhỏ của thiết chế. Tại Anh, trong thời kỳ tiền Đệ nhị thế chiến, những thành phần máu mặt nhất của Hoàng gia cứ khăng khăng đòi phải đầu hàng nước Đức Quốc Xã, sợ rằng chiến tranh với nước Đức đang rất lên và rất hung hăng sẽ làm đổ vỡ tất cả và họ sẽ mất hết đặc quyền. [2] Bây giờ, trong tình thế hiện tại, có thể xem như là “tiền Đệ tam thế chiến” trước một Trung Quốc cũng đang rất lên và rất hung hăng, y như là Đức Quốc Xã ngày ấy, những tài phiệt hàng đầu của nước Úc lại đành đạch phản ứng trước chính sách không nhượng bộ Trung Quốc của chính phủ liên bang: với họ, lợi nhuận thu vào túi riêng quan trọng hơn cả chủ quyền và phẩm cách của đất nước.

Đó là điều dễ hiểu và thuận logic nhưng suốt một thời gian dài giới lãnh đạo Tây phương, trong đó nổi bật nhất là ông Bill Clinton, đã không hiểu được. Họ từng đánh cược với chính sách “gắn bó với Trung Quốc” rằng giới trẻ trong giai tầng tinh hoa của nước này, một khi tiếp xúc với những tư tưởng khai phóng của Tây phương, sẽ bắt tay khai phóng xã hội Trung Quốc. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Như Thẩm Đống, một người trong cuộc đã chỉ ra, dẫu có thụ hưởng nến giáo dục khai phóng tại các đại học hàng đầu của Tây phương đến đâu đi nữa, những thái tử và công tử đảng cũng không thoát khỏi não trạng của giống ký sinh trùng sống bám vào chế độ, tăm tắp bảo vệ cái thiết chế hằng bảo chứng những đặc quyền cha truyền con nối của chúng. [3]

Những thành phần đặc quyền tại Việt Nam cũng vậy. Nếu đặc điểm chung của các chế độ toàn trị và độc tài là sự mập mờ - không rõ ràng thì những thành phần đặc quyền này chính là giống ký sinh trùng sống bám vào sự bất minh. Không phải là ngẫu nhiên mà những con cá mập tài chính hàng đầu của Việt Nam đều không tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ nào có lợi cho nhân quần mà chỉ… mập lên bằng đất bởi đây chính là ma trận rối rắm nhất của những luật lệ bất minh và những chính sách nhập nhằng. Bất minh ngay từ khái niệm căn bản, gọi là “sở hữu toàn dân”. Bất minh trong ý niệm “sở hữu nhà nước” và “sở hữu tập thể”. Và nhập nhằng trong “mục đích sử dụng” đất, để canh tác, để xây nhà, hay để, một cách… thiêng liêng, là “phục vụ quốc phòng”.

Và đó là môi trường để giới gọi là “đại gia” Việt Nam trở thành… tài phiệt. Họ gom đất dựa trên sự mập mờ của luật pháp rồi thổi giá đất dự trên sự nhập nhằng của chính sách. Họ dùng tiền vốn thu gom được bằng cách này để đầu tư vào những công nghiệp thiết yếu và sử dụng cả bộ máy an ninh của quốc gia để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình theo lối mafia – từ sản phẩm giao thông đến sản phẩm giáo dục. Họ dựa vào sự bất cập của luật và bộ máy quản lý để hốt tiền qua việc tạo sóng thị trường, sóng đất hay sóng cổ phiếu, lừa lọc giới đầu tư qua việc bán chui cổ phiếu, v.v. [4]

Trong Luận Ngữ, thiên Thái Bá, Mạnh Tử viết “Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã”: Đất nước có đạo lý mà bản thân mình để cho nghèo là điều xấu hổ, đất nước vô đạo mà mình giàu có thì lại là điều sỉ nhục. Trong Tư Bản Luận, Karl Marx đã viết về thời kỳ “tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản” (primitive accumulation) mà, nếu sống và học tập ở Việt Nam, dù chỉ ở bậc trung học thôi, học trò nào cũng ít nhất đã một lần bị nhét vào lỗ tai nhận định nổi tiếng về cái thực trạng “đầy máu và bùn dơ” của nó.

Với cách tích lũy của cải như đã nêu trên thì giới tài phiệt này chính là điểm gặp gỡ của Mạnh Tử và Marx. Và, cho dù dày công dát vàng để tô điểm cho những của cải vô đạo ấy bao nhiêu đi nữa – vàng thật nghĩa đen hay vàng nghĩa bóng với những hoạt động “từ thiện” hay những núi tiền “vinh danh” khoa học và nghệ thuật này kia – họ chỉ có thể làm lóe mắt một số người trong một số thời khắc nào đó nhưng, như cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã nói, không thể làm lóe mắt tất cả mọi người, vào tất cả mọi lúc. [5]

Luôn luôn, cái còn lại vẫn là sự tanh tưởi của bùn dơ.

Và của máu.

Chú thích:

[1] Hoài Thanh, “Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn”, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 39, 23/2/1935.

Dẫn theo Tranh luận Văn Nghệ Thế Kỷ 20, Nguyễn Ngọc Thiện & Cao Kim Lan biên tập, NXB Lao Động 2002, trang 537.

[2] https://www.sbs.com.au/guide/article/2017/08/28/brief-history-british-royals-and-their-alleged-nazi-connections

[3] Red Roulette, An Insider's Story of Wealth, Power, Corruption and Vengeance in Today's China eBook by Desmond Shum | 9781398509917 | Booktopia

Thẩm Đống (Desmond Shum), sinh ở Thượng Hải, lớn lên ở Hồng Công, học đại học tại Mỹ và trở về Trung Quốc làm việc, lấy vợ là Đoàn Vĩ Hồng (Whitney Duan), là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, nhờ vào quan hệ thân tín với vợ của Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) thủ tướng dưới thời Hồ Cẩm Đào.

Tác giả là người đỡ đầu cho Lệnh Cốc (Ling Gu) con trai Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), người đồng hương Sơn Đông với vợ mình. Hoạch nguyên là Chánh văn phòng Trung ương đảng (2007 đến 2012), là cánh tay mặt của Hồ Cẩm Đào trong vai trò Chánh văn phòng Trung ương đảng (2007 đến 2012), chức vụ có khả năng trở thành thủ tướng.

Tuy nhiên ngày 13.5.2016 Hoạch bị bắt và bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ, ăn cắp bí mật quốc gia và hối mại quyền thế, sau đó bị xử kín rồi lãnh án tù chung thân.

Sự việc có gốc gác từ năm 2012 khi Lệnh Cốc gây tai nạn giao thông, để lộ cuộc sống xa hoa và trác táng. Cốc lái chiếc Ferrari màu đen gây tai nạn giao thông, chết ngay tại chỗ, trên xe có hai cô gái trần truồng bị thương nặng.

Đây là thời điểm đặc biệt căng thẳng vì đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng 18 trong đó cựu lãnh tụ Giang Trạch Dân lẫn đương kim lãnh tụ Hồ Cẩm Đào đều muốn “cơ cấu” đàn em con cháu mình vào các vị trí trọng yếu trong lúc Tập Cận Bình xoa tay chờ làm lãnh tụ.

Tin lúc đó cho hay Hoạch lập tức điều động mật vụ của Cục Cảnh vệ Trung ương phong tỏa hiện trường, đuổi hết công an đi, đưa hai cô gái vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng Hoạch còn phải nương nhờ Chu Vĩnh Khang, lúc đó là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách hệ thống công an, an ninh và tư pháp. Khang giúp Hoạch che giấu vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến đường thăng tiến của Hoạch. Đáp lại Hoạch bảo đảm rằng các cuộc điều tra xoay quanh Bạc Hy Lai không liên lụy đến Khang.

Để bịt miệng thân nhân hai cô gái, Khang ra lệnh tay chân mình đang nắm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) ủng hộ họ hàng chục triệu nhân dân tệ.

Hoạch ra lệnh cấm thông tin tai nạn, khóa chặt cụm từ như “Tai nạn Ferrari” trên Internet, đổi tên con trong giấy khai tử, họ Lệnh được đổi sang họ “Giả” (Jia). Lúc này lại loan ra tin đồn rằng chàng công tử giàu có gây tai nạn là con rơi của Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), lúc đó là nhân vật số bốn trong Bộ Chính trị, thuộc vây cánh Giang Trạch Dân.

Việc này là Lâm tức giận, đòi làm cho ra lẽ. Còn Giang Trạch Dân thì nhận thấy ngay rằng đây là cơ hội để “trị” tên phản chủ Hồ Cẩm Đào: Dân đã chọn Đào là người kế nhiệm nhưng Đào đã tách xa họ Giang nên Dân rất giận.

Tuy nhiên phải mất mấy tháng trời phe Giang mới đánh bật được Hoạch ra khỏi Văn phòng Trung ương đảng. Vì thoạt đầu Đào muốn bảo vệ Hoạch đến cùng. Hai tuần sau tai nạn nói trên, Hoạch vẫn đường đường tháp tùng Hồ Cẩm Đào trong chuyến viếng thăm Nam Hàn, Campuchia và Ấn Độ.

Nhưng lúc đó đảng vẫn còn choáng váng với vụ tai tiếng Bạc Hy Lai, hoàn toàn không muốn nghe tiếp câu chuyện về con cái lãnh đạo “ăn chơi sa đoạ và phá phách” gây tác động tới dư luận. Đào đã kẻ sử dụng chiêu này để hạ Bạc Hy Lai thì nay đã bị gậy ông đập lưng và không thể cứu nổi Hoạch. Vả lại lúc này Đào sắp về hưu, quyền lực đang chuyển về Tập Cận Bình.

Thế là vụ đấu đá giữa Dân và Đào đã giúp Bình hưởng lợi.

Ngày 1.9.2012 Hoạch bị được chuyển sang phụ trách “Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương đảng”, nhường chỗ cho Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) là tay chân của Bình.

Chỉ 6 tuần sau đó thì Bình chính thức trở thành Tổng bí thư.

Ngày 20.7.2015, Hoạch bị khai trừ ra khỏi đảng và từ đây bao nhiêu chuyện xấu bị phanh phui. Hoạch lúc này hiện nguyên hình là “đồng chí đã bị lộ”.

Tuy nhiên trong cuốn sách trên Thẩm Đống cho rằng ông ta hiểu rõ Lệnh Cốc, thừa nhận rằng Cốc không phải là thanh niên mẫu mực nhưng không sa đọa đến độ như thế. Theo Thẩm Đống thì cái chết với hình ảnh sa đọa của Cốc đây có thể là trò dàn kịch của Tập Cận Bình, muốn dùng con để hại cha, loại dư đảng của Đào tại những vị trí trọng yếu.

[4] Có thể tham khảo các thủ đoạn làm giàu của giới tài phiệt Việt Nam qua các tài liệu sau:

http://www.dtinews.vn/en/news/024/49023/oxfam-highlights-vietnam-s-increasing-inequality.html

2468. “Một xã hội bất ổn” qua sự việc VinFast tố cáo khách hàng ra công an (basam.vet)

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nhung-the-luc-ngam-o-viet-nam/

[5] “You can fool all the people some of the time and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.”