Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

“Chính trị sinh nhật” và những bản thế vì

Nguyễn Hoàng Văn

Tôi không chào đời vào ngày đầu năm nhưng, trên mạng xã hội, đến Tết Dương Lịch lại nhận những lời mừng sinh nhật mà nguyên do đầu tiên, như đã nêu rõ trong “bản thế vì giấy khai sinh”, lại là… biến cố Mậu Thân.

Khói lửa “tiến công và nổi dậy” ngày ấy trùm phủ cả nhà cửa thường dân lẫn trụ sở công quyền khiến không chỉ rất nhiều giấy tờ cá nhân mà cả sổ bộ hộ tịch chính quyền hóa thành tro bụi, đành phải làm lại từ đầu và, với giấy khai sinh, lại là hình thức “thế vì”. Thời chiến, có bậc cha mẹ nào mà không chạnh lòng trước hình ảnh những chiếc GMC đều đặn đưa xác người từ chiến trận trở về nên, cách này hay cách khác, con cái mình né tránh cảnh bom đạn được một ngày là mừng được một ngày. Nhưng con cái cũng cần phải lập thân nên không thể trễ nải việc học hành và, do đó, ngày đầu tiên của năm sau lại trở thành ngày sinh nhật tối ưu: sinh chậm chỉ một ngày thôi nhưng lại trẻ thêm nguyên một năm tuổi, trễ thêm một năm lính trong khi vẫn được hưởng biệt lệ “miễn tuổi” với thủ tục học đường.

Cái ngày sinh với hai cách ứng xử khác nhau giữa trại lính và nhà trường đã gắn chặt vào “bản thế vì” cho tấm chứng chỉ vào đời của rất nhiều đứa trẻ chào đời trong thời chiến như tôi. Ra đến nước ngoài, “bản thế vì” ấy của tôi đã, một cách hợp thức, trở thành một Affidavit in lieu of birth cirtificate, một bản khai hữu thệ trước pháp luật mà, để có được, phải cam kết chỉ nói lên sự thật: chỉ có sự thật và sự thật, không có gì khác hơn ngoài sự thật.

Vậy thì, phải chăng, cái trò giẫm lên sự thật để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu hóa gánh nặng trách nhiệm này là một hành vi chính trị? Kết luận vậy thì e là hơi quá bởi đó, xét cho cùng, cũng chỉ là phản ứng của bản năng sinh tồn trong những thời khắc hoảng loạn nhất của chiến cuộc mà, xem ra, cũng chẳng để lại một hệ quả lớn lao nào khác ngoài chính ngày… sinh nhật của người trong cuộc. Muốn nói đến đến việc “giẫm” lên sự thật về ngày chào đời của mình như một chiến thuật chính trị thì, có lẽ, phải nói đến ngày 19/5/1890, cái ngày mà, hơn nửa thế kỷ qua, đã là ngày lễ chính thức của chế độ.

Đó là “ngày sinh” của người khai sinh ra chế độ. Nhưng nó lại khác với những ngày mà nhà khai sinh này đã nêu ra trước đó và, nếu trùng hợp, nó chỉ trùng hợp với một diễn biến chính trị nhạy cảm, khá là éo le. Nó khác với năm sinh 1892 trong đơn xin nhập học tại Trường thuộc địa Pháp. Nó khác với ngày sinh 15/1/1894 trong hồ sơ ở Sở Cảnh sát Paris. Nó khác với ngày sinh 15/2/1895 trong hồ sơ tại Tòa Đại sứ Liên Xô ở Berlin. Nhưng nó lại trùng với ngày Georges Thierry d'Argenlieu, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, đến Hà Nội mà, trong thế hạ phong, chính phủ của ông phải trọng thể tiếp đón với cổng chào kết hoa, với cờ xí rộn ràng phường phố, với người người rước đón. Tên thực dân thì đẹp lòng mà quần chúng cách mạng thì không hề bất mãn và đây, rất có thể, chính là lý do khiến ngày hội kiến với tên xâm lược nghiễm nhiên trở thành ngày sinh của “cha già dân tộc” [1].

Nhưng xem ra thì cái thông tin lặt vặt về ngày sinh này cũng chẳng nghiêm trọng gì bởi, là lãnh tụ, nếu không lễ vào ngày này thì cũng lễ vào ngày kia. Vấn đề là những “mảng”, những “vỉa” thông tin bị chà đạp trong hình thức “thế vì” để làm lệch lạc nhận thức của công chúng.

Đầu tiên, có thể nhắc lại, là cái “bản thế vì” mà Linh mục Trương Bá Cần, người có bằng tiến sĩ sử học tại Pháp, đã nêu ra về “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”, đăng tải đến ba kỳ trên tạp chí Đối Diện tại Sài Gòn vào năm 1971. Ngày nay, với những bằng chứng hậu nghiệm, chúng ta thừa hiểu cái mô hình kinh tế Stalinist ấy như thế nào rồi nhưng, với những thông tin mập mờ từ xa, chỉ trên giấy tờ, lại chắp cánh với lý tưởng công bằng xã hội của một người thiên tả, cộng thêm thành kiến với chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà ông ta đang sống, Linh mục Cần đã đưa ra một “bản thế vì” đầy màu hồng [2]. Mà không chỉ là người ngoài, chỉ đứng hóng hớt từ xa như ông linh mục thiên tả. Cả một công thần xuất thân từ miền Bắc, tướng Trần Độ, cũng từng lạc quan hão huyền với “bản thế vì” đầy màu hồng từ truyền thông chính thức về hậu phương miền Bắc trong suốt 10 năm chiến đấu ở miền Nam, chỉ bẽ bàng nhận ra sự thật khi quay trở về đó vào năm 1974, sau hiệp định Paris [3].

Nhưng những “bản thế vì” của sự thật không chỉ có mục đích tô hồng cho sự thật. Đặc điểm chung của các chế độ toàn trị hay độc tài là sự mập mờ, không rõ ràng và, với những “bản thế vì” tung ra, nó còn hướng đến mục tiêu làm nhiễu loạn sự thật. Từ cái đại cuộc đến cái tiểu tiết, chúng ta đều đối diện với những tình trạng không rõ ràng, những lịch sử không rõ ràng và những tiểu sử không rõ ràng. Những lãnh tụ với tiểu sử mập mờ [4]. Những chương đoạn hay trang sử mập mờ; từ chương sử về cuộc chiến lớn gần nhất, cuộc chiến năm 1979, và trang sử về cái ngày đảo đá Gạc Ma bị rứt ra khỏi da thịt của tổ quốc, cực kỳ đau đớn [5]. Mà, thậm chí, những công dân thật thà của nước CHXHCN Việt Nam cũng hoàn toàn rối trí trước sự không rõ ràng giữa bạn và thù, không biết “đế quốc Mỹ” là bạn hay thù; cũng không biết “bành trướng bá quyền Bắc Kinh” là thù hay là bạn, cho dù cái lý thuyết cách mạng mà nhà nước đó hô hào thì rất rạch ròi giữa bạn và thù? [6]

Và bây giờ, mới nhất, tuổi đời hai năm, là cái “bản thế vì” về sự kiện đau lòng ở Đồng Tâm, trong đó cái trật tự thiện-ác-tà – như một của cuốn phim lấy bối cảnh miền viễn Tây Hoa kỳ, The good, the bad, the ugly – bị đảo lộn với nạn nhân trở thành tội đồ, thủ phạm và đồng phạm thì biến thành nạn nhân. Nhưng đó là một bản thế vì cực kỳ tồi tệ, không chỉ đáng điểm thấp dưới xa mức trung bình mà còn là điểm âm vì bất nhất, đầy mâu thuẫn, đầy những kiến giải ngớ ngẩn, cực kỳ phản logic [7].

Gần hơn nữa, là bản thế vì về “tội phạm” của Phạm Đoan Trang, là một cô gái, chỉ bằng ngòi bút của mình, đấu tranh để đòi quyền làm dân của mình, và của đồng bào của mình.

Người Việt Nam, xem ra, cũng mập mờ, cũng không rõ ràng là những “công dân” của một quốc gia, mà là những “bản thế vì” nhiễu loạn của khái niệm công dân…

[1] Tư liệu: Ngày sinh Hồ Chí Minh? (bactuthuc.blogspot.com)

[2] Sau đó LM Cần bị đưa ra tòa, bị phạt 9 tháng tù.

[3] Hồi ký Trần Độ | Văn Việt (vanviet.info)

“Và tôi đã nhận ra ngay một điều là tình hình miền Bắc qua đài qua các nghị quyết được phổ biến, ít giống như những điều tôi vừa mất thấy, tai nghe, có điều còn khác rất xa. Và tôi đã sớm đi đến kết luận: ở miền Bắc đang có nhiều hiện tượng tiêu cực, không những trong xã hội, mà cả trong một số các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền.”

[4] Thí dụ lịch sử “không rõ ràng” về việc tham gia của Tôn Đức Thắng trong vụ binh biến Hắc Hải 1919. Tiểu sử cho biết ông Tôn Đức Thắng cắm cờ trên một trong những con tàu của Hải quân Pháp ở Hắc Hải khi liên quân các nước Âu chân tấn công Nga vào năm 1919. Tuy nhiên nhà sử học Giebel khẳng định rằng Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất kì con tàu nào của Pháp liên quan vụ binh biến ở Hắc Hải. Mặt khác việc Tôn Đức Thắng bị bỏ tù tại Côn Đảo năm là một vụ hình sự, vụ đánh ghen giữa những thành viên chi bộ Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Xem Christoph Giebel, “Telling Life: An Approach to the Official Biography of Tôn ÐỨc Thaắng”, trong Taylor, K. W & Whitmore, John K., biên tập, (1995), Essays into Vietnamese Pasts (pp. 246-271). Cornell University Press,

Tiểu luận trên sau được khai triển thành cuốn sách mang tên Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory, University of Washington Press, 2004. Tác giả hiện là giáo sư sử học tại University of Washington.

[5] https://www.voatiengviet.com/a/gac-ma-vong-tron-bat-tu-chien-tranh-bi%c3%aan-gioi/4489498.html

[6] Thủ tướng: Ưu tiên hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

Và:

Biên giới Việt-Trung: Hết chặn cửa khẩu đến ‘ném đá’, Trung Quốc đang làm gì với Việt Nam? (voatiengviet.com)

[7] Hoang Xuan Phu's Home Page (uni-heidelberg.de)