Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Mênh mông chật chội… (10)

Lại Nguyên Ân

VẪN ĂN BÁM

THÌ KHÔNG THỂ SỐNG KHOẺ

Từ 01/7/2005, luật xuất bản (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực. Liệu luật mới sửa đổi sẽ đem lại những thay đổi ra sao trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành sách, và nói chung, trong thị trường sách ở Việt Nam? Dưới đây là ý kiến phân tích của một người trong nghề.

Theo những người thông thạo tình hình thì điểm khác biệt rõ nhất, đáng kể nhất ở luật xuất bản mới sửa đổi là chính thức cho phép các đối tác liên kết được tham gia các hoạt động tổ chức sản xuất, in và phát hành các xuất bản phẩm.

Hoạt động liên kết của các đối tác (mà thường vẫn bị gọi là “đầu nậu”) trong một số khâu của xuất bản như tổ chức in ấn, phát hành sách và các loại xuất bản phẩm, − thật ra đã xuất hiện từ giữa những năm 1990, khi ngành xuất bản có một vài dấu hiệu chuyển hướng theo kinh tế thị trường, và vẫn tồn tại suốt thời gian chưa được luật mới (sửa đổi) thừa nhận. Về mặt này, luật mới sửa chỉ có ý nghĩa thừa nhận thực tế đã hình thành ít lâu nay chứ không có ý nghĩa “mở hướng” nào cả.

Tất nhiên, với quy định trong luật mới thì cơ quan chuyên trách của nhà nước đã có thêm cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các đối tác tham gia liên kết xuất bản: giám sát họ trong trách nhiệm đóng thuế, buộc họ phải cùng chịu trách nhiệm (với nhà xuất bản mà họ liên kết) về các hậu quả phát sinh do hoạt động xuất bản, v.v.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn liên quan đến chất lượng của hoạt động xuất bản từ nay về sau, đó là năng lực làm việc: năng lực làm việc của các nhà xuất bản, năng lực làm việc của các đối tác tham gia liên kết; − năng lực ấy có thể tiến triển ra sao, với điều mới sửa đổi trên đây trong luật xuất bản?

Rất có thể, đối với không ít người, ý niệm “năng lực làm việc” còn là khá trừu tượng. Xin cụ thể hoá bằng cách dừng lại ở phương diện tạm gọi là văn hoá trí tuệ của xuất bản phẩm: nội hàm tri thức của sách (xuất bản phẩm) phần lớn tuỳ thuộc khả năng sáng tạo của tác giả cuốn sách; nhưng cùng một văn bản (bản thảo) của tác giả, khâu biên tập xuất bản có thể làm gia tăng (hoặc ngược lại, làm giảm thiểu) một phần giá trị vốn có của tác phẩm ấy. Xin lưu ý đến phần trí tuệ mà khâu biên tập làm tăng thêm chất lượng cho cuốn sách. Ở mức thấp là chất lượng biên tập và sửa in về mặt ngôn ngữ: không để văn bản của tác phẩm in ra bị các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, giữ được sự nhất quán về cách viết tên riêng, in và trình bày sáng rõ, sạch sẽ, v.v. Ở mức cao hơn là những phần mà biên tập của nhà xuất bản đem lại sự thuận tiện hơn cho người dùng sách, giúp họ tiếp cận nhanh chóng các dữ kiện thông tin tri thức chứa trong chính cuốn sách đó, ví dụ, đó là những bảng kê chỉ dẫn tên riêng, những bản mục lục tra cứu theo chủ đề, v.v. Những phần này không chiếm nhiều trang nhưng chúng làm tăng đáng kể tầm vóc những cuốn sách vốn có tầm vóc. Và phương diện “văn hoá trí tuệ” này của xuất bản phẩm sẽ cho thấy năng lực trí tuệ thật sự của người làm xuất bản.

Trở lại thực trạng của nền xuất bản “có sự tham gia của đối tác liên kết” như đã hình thành trên thực tế từ giữa những năm 1990 đến nay, dù đã được thừa nhận ở luật mới sửa, hoạt động của đối tác liên kết chung quy vẫn chỉ là hoạt động phối thuộc chứ không phải hoạt động độc lập. Dù bao hàm nhiều khâu phức tạp hơn hẳn, hoạt động của liên kết xuất bản vẫn chẳng khác bao lăm so với hoạt động của những cửa hàng chụp photocopy, cửa hàng đánh máy vi tính đặt gần những cơ quan nhà nước thường xuyên tiếp dân, hoặc hoạt động của các bãi trông giữ xe đạp xe máy ở gần các cửa hàng, các siêu thị, vì chúng chỉ làm dịch vụ từng phần việc chứ không phải toàn bộ công việc.

Trong toàn bộ dây chuyền các khâu của xuất bản sách, phía liên kết chắc chắn đảm nhiệm việc tổ chức in ấn và phát hành; phía nhà xuất bản chắc chắn đảm nhiệm việc biên tập, đọc duyệt, quyết định dạng thức cuối cùng của nội dung cuốn sách sẽ in ra, đứng tên làm thủ tục xuất bản. Những phần việc mà cả hai phía đều có thể làm ở mức khác nhau là: 1/ giao dịch với tác giả (tác giả, soạn giả, dịch giả…) để họ đồng ý trao quyền công bố (xuất bản) tác phẩm; làm việc với tác giả để tác giả tiến hành sửa hoặc cho phép sửa chữa, bổ sung, hiệu chỉnh văn bản trước khi công bố dưới hình thức in hàng loạt; biên tập ngôn ngữ trên bản thảo… 2/ làm chế bản (với các khâu sắp chữ, tức là đánh máy vi tính, sửa in một vài lần cho đến khi có thể tin chắc là đã có bản sắp chữ đúng thì chuyển thành chế bản, tức là bản in trên phim hoặc giấy can, soát lại chế bản trước khi đưa đến nhà in); tóm lại đây là những việc làm trước biên tập, biên tập và sau biên tập.

Nói thật gọn, trong liên kết xuất bản, phía các nhà xuất bản chỉ dùng quyền (độc quyền công bố xuất bản phẩm do nhà nước trao cho) và một ít năng lực, phía liên kết phải bỏ tiền vốn ra kinh doanh (sản xuất ra sản phẩm và tổ chức tiêu thụ). Nếu không buộc phải đưa bản thảo tác phẩm cho nhà xuất bản tiến hành biên tập, sửa chữa, cắt gọt, đọc duyệt rồi mới quyết định đồng ý đứng tên cho tác phẩm được xuất bản (mà người ta nói gọn là phía nhà xuất bản bán giấy phép) thì phía liên kết đã chẳng cần gì đến nhà xuất bản. Còn các nhà xuất bản, trong tình thế từ những năm 1990 đến nay, ngoài một vài nguồn vốn eo hẹp (do lãi kinh doanh từ các năm trước hoặc do được ngân sách tài trợ để in những ấn phẩm đặt hàng đã được duyệt từ trước), “nguồn sống” từ lâu đã trông chờ khá chủ yếu từ phía các đối tác liên kết. Sự thực rất rõ ràng: với mỗi tên sách xuất bản, phía liên kết phải trả cho nhà xuất bản khoản tiền gọi là quản lý phí tính bằng từ 5% đến 7% giá bán lẻ nhân với số lượng in (ví dụ cuốn sách giá bán lẻ là 50. 000 VND in 1000 bản sẽ phải nộp cho nhà xuất bản từ 2 500 000 VND nếu quản lý phí ở mức 5%, đến 3 500 000 VND nếu quản lý phí ở mức 7%); đó là chưa kể các khoản trong phong bì cho vài ba vị chánh phó giám đốc nhà xuất bản, “vì còn phải làm ăn với nhau lâu dài”!

Một thực tế đã hình thành trong “làng” xuất bản Việt Nam từ cuối những năm 1990 là: các đối tác liên kết ngày càng “làm giúp” nhiều khâu công tác cho các nhà xuất bản chính ngạch, tuy chưa thể thoát khỏi chức năng phối thuộc, dịch vụ. Trong khi đó, nhà xuất bản chính ngạch càng ngày càng ăn bám vào các đối tác liên kết. Vốn chưa bước chân hẳn ra khỏi khuôn khổ bao cấp, lại ít tiền vốn, không dám mạo hiểm tham gia thị trường sách thường dễ lỗ hơn là lãi, hầu hết các nhà xuất bản tự co mình lại, chỉ sẵn sàng huy động các biên tập viên làm việc hết công suất để bán giấy phép cho các đối tác liên kết, trong khi giảm đến mức tối đa số cán bộ nhân viên lo phát hành sách ra thị trường.

Không khó để có thể dự đoán tình trạng “ăn bám” vào đối tác liên kết sẽ vẫn được tiếp tục sau ngày 01/7/2005, khi luật xuất bản (mới sửa) có hiệu lực. Bởi vì với luật mới này, các đối tác in và phát hành sách vẫn chưa có quyền độc lập làm sách, vẫn phải tiến tục “mua giấy phép” như trước. Nhà xuất bản nào có nhãn hiệu tương đối nổi trội sẽ vẫn hấp dẫn khách hàng, tức các đối tác liên kết, nhiều hơn. Tình trạng “ăn bám” kéo theo những biến dạng ngày càng rõ trong mỗi nhà xuất bản: số nhân viên lo in ấn và phát hành giảm hẳn, vì các khâu này bây giờ do các đối tác lo lấy là chính; số biên tập viên vẫn ít ỏi như trước nhưng lượng sách ra hằng năm của mỗi nhà xuất bản thì không ngừng tăng lên. Có những biên tập viên làm được tới 7 – 8 ngàn trang sách trong một năm. Số lượng trang sách phải đọc quá lớn như vậy, tât nhiên không thể đọc kỹ sửa kỹ. Nhiều biên tập viên mới vào nghề đã nhanh chóng nhận thấy cái nghề ngồi đọc và sửa trên bản thảo là khó nhọc, tẻ nhạt và dễ bị ăn chặn bị cướp công nên họ đã “tự luyện” mình thành người “hai mang”: vừa là người trong nhà xuất bản vừa là người ngoài nhà xuất bản, vừa giữ chân ở ghế biên tập viên vừa làm đầu nậu, lo chạy giấy phép, lo môi giới, thương thảo số lượng in… và ăn hoa hồng. Ít ai lo nâng cao trình độ tay nghề biên tập. Qua đám đàn anh đàn chị trong nghề, họ biết rõ rằng: ngay những người chủ trò ở cục xuất bản, hội xuất bản vị tất đã thạo nghề biên tập sách, bởi rất ít người trong số họ trưởng thành từ chân biên tập sách!

Chất lượng ấn phẩm ít được quan tâm tới, một phần khác còn do chỗ, cả hai phía, nhà xuất bản và các đối tác, đều có thể thực hiện các khâu biên tập và sửa in. Các đối tác tư nhân thường tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm: tự họ đi giao thiệp với các tác giả để lo cho có bản thảo, việc biên tập thì họ phó thác cho nhà xuất bản, việc chế bản thì họ ra đặt các hàng vi tính ngoài phố, sửa in thì đại khái qua loa, thuê học sinh sinh viên sửa sơ một lần với giá rẻ cốt đỡ tốn đồng nào hay đồng nấy. Kiểu đối tác ưa tiết kiệm ấy là nguyên nhân một phần của tình trạng sách ra vẫn còn quá nhiều lỗi in sai mà bạn đọc vẫn thường kêu ca. Ngay những đối tác được tiếng là quan tâm chất lượng làm sách in (như Trung tâm Đông Tây ở Hà Nội, công ty Phương Nam ở Sài Gòn…) thì cũng chỉ mới làm khá tốt công việc sửa in chứ chưa tỏ ra có khả năng xử lý các công việc thuộc nghề biên tập. Còn phía các nhà xuất bản thì, như đã nói, chỉ có biên tập viên và người đọc duyệt là có can dự vào sách liên kết; phần sắp chữ và chế bản đều phó thác cho phía đối tác. Ngay những bộ sách làm bằng tiền ngân sách nhà nước, ví dụ các bộ tổng tập, cũng thấy nhiều lỗi in đến mức ít người nghiên cứu nào dám mạo hiểm dùng các sách ấy để trích dẫn, cho nên thật viển vông nếu ta dám yêu cầu các sách đó phải có những mục lục chỉ dẫn tên riêng, mục lục tra cứu theo chủ đề nội dung sách!

Không phải là trong sách tiếng Việt in ở Việt Nam hiện nay thảng hoặc không có các phần thuộc thuần tuý nghề sách như thế, nhất là khi, ở một vài cuốn nào đó, ta may mắn bắt gặp một vài dịch giả hoặc soạn giả rất cẩn thận với cuốn sách mình làm, rất có trách nhiệm trước bạn đọc, tin rằng dù sao cũng sẽ có người muốn dùng cuốn sách mình làm. Nhưng đó chỉ là trường hợp lẻ tẻ. Nhìn chung lại thì chưa ai có thể nói rằng các nhà xuất bản ở Việt Nam hiện nay đã đủ người có trình độ để thực hiện những phần việc vừa kể trên của nghề làm sách.

Chuyện nêu trên chỉ là một trong những chỗ yếu căn bản của giới làm sách ở Việt Nam hiện nay. Liệu cái yếu này có liên can gì với tình trạng dính nhau giữa nhà xuất bản với đối tác liên kết? Thiết nghĩ là có. Tình trạng dính nhau, sống nhờ lẫn nhau không tạo ra cạnh tranh thật sự, ngược lại, chỉ tạo ra tâm lý dựa dẫm và thói đổ thừa lẫn nhau.

Vẫn ăn bám thì không thể sống khoẻ, các nhà xuất bản trong nước hiện nay vẫn quá thiếu năng lực làm sách, và sự thể càng đáng ngại hơn nếu đem so với các chuẩn về sách của các nước tiên tiến.

Tình hình hẳn sẽ dần dần đổi khác nếu các đối tác giành được quyền làm sách độc lập, tức là quyền trở thành nhà xuất bản. Khi đó sẽ có sự cạnh tranh bình thường và mọi chủ thể trong nghề sẽ phải lo nâng cao tay nghề. Nhưng… đó sẽ là một mặt bằng khác.

30/6/2005

٠Đã đăng “Người đại biểu nhân dân”, 04/07/2005