Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Mênh mông chật chội… (1)

 Lại Nguyên Ân

Tiểu luận-phê bình

Nhà xuất bản Tri Thức

Hà Nội, 2009

==========================================

Bản in:

MÊNH MÔNG CHẬT CHỘI…

Tiểu luận-phê bình văn học của LẠI NGUYÊN ÂN

NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

53 Nguyễn Du, Hà Nội

Tel: (84-4) 3945 4661 ٠ Fax: (84-4) 3945 4660

Email: lienhe@nxbtrithuc.com.vn

Website: nxbtrithuc.com.vn

Chịu trách nhiệm xuất bản: Chu Hảo

Biên tập: Nghiêm Thị Thanh; Nguyễn Anh Quân

Bìa: Phạm Xuân Thắng

Trình bày: Lều Thu Thủy

In 1.000 bản, khổ 14x20,5 cm tại Xưởng in Tạp chí Tin học và đời sống, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Quyết định xuất bản số: 06 QĐ-NXB TrT của Giám đốc NXB Tri Thức ngày 23/02/2009. In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2009.

===========================================

MỤC LỤC

Lời dẫn

● Thăng Long-Hà Nội, một không gian cho những cấu tứ thơ văn

● Tuỳ bút về không gian Hà Nội

● Tản mạn về cây trong phố

● Mênh mông chật chội, chật chội mênh mông

*

● 45 phút xuất thần của ý thức văn học

● Vẫn trong vũ điệu của cái bô

● Nhìn thẳng vào thực trạng

● Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội

● Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự

● Vẫn ăn bám thì không thể sống khoẻ

*

● Tiểu thuyết và lịch sử (nhân đọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo)

● Nhân đọc Ba người khác của Tô Hoài

● Nhà quê và thơ lục bát (về thơ Đồng Đức Bốn)

*

● Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại

● Dấu hiệu “xung đột trường phái” trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi (Việt Bắc, 1949)

● Nguyễn Bính và tuần báo Trăm hoa

● Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê giai đoạn phát triển thứ hai của phong trào thơ mới

● Lê Thanh, nhà phê bình văn học

● Công việc văn bản đối với văn học quốc ngữ

Đào hoa mộng ký trong quan hệ với Truyện Kiều

*

● Những tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng (lời nói đầu sưu tập Chống nạng lên đường)

● Giới thiệu Vẽ nhọ bôi hề, sưu tập tác phẩm Vũ Trọng Phụng của một nhà Việt học nước ngoài

● Về công tác tư liệu và văn bản trong xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng

● Vài tư liệu về việc Vũ Trọng Phụng bị gọi ra Toà năm 1932

● Chuyện phê bình sách Giông tố, hay là Vũ Trọng Phụng và hai tờ báo ở Sài Gòn năm 1937

*

● Một tờ tuần báo, mấy nhóm thơ văn

● Một cuốn truyện bị lãng quên suốt 70 năm qua

● Đông Hồ bàn về quốc văn

● Một cuộc thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929-1930

*

● Phan Khôi và cuộc tranh luận về sử học trên Đông Pháp thời báo 1928

● Liệu có thể xem Phan Khôi như một tác gia văn học quốc ngữ Nam Bộ?

● Một cách lý giải về sự học và tình thầy trò

● Suy nghĩ từ hành trình khai quật quá khứ

LỜI DẪN

Khi bắt tay tập hợp bài vở cho cuốn sách này, người viết thoáng nhớ lại tình cảnh tương tự của mình cách nay chừng mươi năm: chốc chốc lại phải xem những cái mình đã viết là viết về văn chương hiện tại hay về văn chương quá khứ, để đưa vào tập Sống với văn học cùng thời thay vì đưa vào tập Đọc lại người trước đọc lại người xưa, hoặc ngược lại.

Nhưng lần này tôi không muốn lặp lại cách làm hồi ấy. Tôi sẽ đưa những bài mình viết ra trong khoảng mười năm gần đây, dù về văn chương hiện thời hay trước kia, vào trong cùng một quyển sách. Tôi tin rằng, dấu ấn riêng của tay bút mình, − nếu tay bút mình quả có dấu ấn riêng, − trong cùng một khoảng thời gian, sẽ bộc lộ sự nhất quán của nó, ngay khi mình viết về những thứ khác nhau, của hiện tại hay của xa xưa.

Lấy một nửa tên một bài viết trong sách làm nhan đề chung, cuốn Mênh mông chật chội… này không nhắm tới một tính chặt chẽ hay nhất quán nào trong bố cục; tác giả cũng không gắng tách bạch những “tính” phê bình, “tính” nghiên cứu hay “tính” tiểu luận được thể hiện đậm hay nhạt trên từng bài viết.

Đối với người đọc cuốn sách này, tác giả chỉ lưu ý một điều: chỗ lý thú hay có ích của một bài cụ thể nào đó trong cuốn sách này, là độc lập với bài ở trước nó hoặc sau nó.

Tác giả mong rằng các bài đưa vào tập sách này, nếu không gây được lý thú thì cũng có ích cho bạn đọc.

Hà Nội, tháng Mười Một 2007

LẠI NGUYÊN ÂN

THĂNG LONG-HÀ NỘI, MỘT KHÔNG GIAN CHO NHỮNG CẤU TỨ THƠ VĂN

Tôi thường nghe người chung quanh nói điều này, vừa như khẳng định, vừa như đòi cắt nghĩa: Làm sao mà nhiều bài hát hay về Hà Nội đến thế, hơn hẳn các địa danh khác trong nước?

Làm sao ư? Điều này tưởng dễ cắt nghĩa, vậy mà cũng chẳng dễ chút nào. Từ thời là thành Tống Bình, thành Đại La, rồi trở thành kinh đô Thăng Long của nhà Lý nhà Trần, Đông Đô của nhà Lê, đất Hà Nội đã là trung tâm đời sống chính trị, xã hội và văn hoá của Đại Việt. Ngay khi Hà Nội chỉ còn là cố đô trong suốt triều Nguyễn, tại miền Bắc cũng không có một trung tâm thứ hai nào ngoài Hà Nội. Những ai muốn lập công, lập thân, lập danh, trước sau đều phải lần lượt đến mảnh đất này thử tài, thử chí, thử vận may. Dấu chân các danh tài, danh sĩ, thời này qua thời khác, ngày nọ nối ngày kia, dẫm chồng lên nhau trên đất Thăng Long-Hà Nội. Mọi cảnh quan nơi đây đều được nhìn kỹ, nhìn lâu, nhìn nhiều hơn ở mọi nơi khác. Các địa danh từ chỗ là những ký hiệu địa lý thuần tuý, khi đi vào ký ức, dần dần tích luỹ vào mình những hàm nghĩa tinh thần, trở thành ký hiệu về những không gian huyền thoại truyền kỳ, hoặc chí ít cũng 1à không gian trữ tình, không gian kỷ niệm… Cảnh rừng cây rậm rạp và mặt nước mênh mông vùng Hồ Tây thời Lý-Trần đã khơi nên những huyền thoại về vũng Trâu Vàng, đầm Xác Cáo. Sương mù dày đặc trên hồ trở thành đồng loã với âm mưu thanh trừng Tiến sĩ Lê Văn Thịnh trong truyền thuyết về viên quan hoá hổ dọa vua. Đến thời Lê, sinh hoạt của con người đã tiến sát tới mép hồ ở nhiều phía, khiến Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện nơi đây trong những dáng vẻ đã khá gần với thế gian, như một kỳ nữ cùng ngâm vịnh trên du thuyền với các danh sĩ, như một nữ chủ quán bí ẩn hấp dẫn khách văn chương.

Giao tiếp trong không gian đô thị tạo cơ hội cho những gặp gỡ ít thấy ở không gian thôn xã. Trai thanh gái lịch gặp nhau ngẫu nhiên trên đường phố, trong lễ hội, hai cặp mắt soi vào nhau, hai tấm lòng rung động, rồi hội tan người khuất, chưa kịp biết tên nhau, chưa kịp hỏi nhà nhau, sự thiếu thông tin ngay trong không gian gần gũi dường như tăng nhiệt độ cho những cơn sốt ái tình.

Có ai ngờ cái ngòi nước đen đúa tanh tưởi bên phố Cát Linh bây giờ, vài thế kỷ trước từng mang cái tên đẹp: Con Ngòi Biếc − “Bích Câu”. Có lẽ tại một điểm nào đấy gần đền Bích Câu bây giờ, trong một truyện truyền kỳ, chàng Tú Uyên đã thoáng thấy bóng một mỹ nhân và vội bám gót nàng, nhưng đến Quảng Văn Đình thì người đẹp mất hút. Quảng Văn Đình tức là chỗ chợ Cửa Nam bây giờ, thời ấy chưa thành chợ, chưa có những bát trận đồ của những hàng bún nem bún chả bún ốc bún ngan, những siêu thị với giày dép áo quần mỹ phẩm... làm hút bóng giai nhân trước cặp mắt dõi tìm của các chàng trai. Tiên nữ Giáng Kiều biến mất chỉ để chàng Tú Uyên tương tư mất ăn mất ngủ, phải tìm tới đền Bạch Mã xin thẻ và được một lời hẹn vu vơ tại chợ Cầu Đông, ở đấy có bày bán bức tranh tố nữ với hình dung giống như người đẹp đã gặp. Chàng mua tranh về treo ở thư phòng mình. Tiên nữ, giống như cô Tấm, từ tranh bước ra để kẻ tiên người tục gặp nhau trong một mối tình vừa khác lạ vừa tương tự cuộc sống cõi trần.

Thăng Long từ thời Lê-Trịnh trở về trước là một không gian gồm hai mảng: cuộc sống trong thành và cuộc sống ngoài phố, tuy cách biệt mà vẫn liên hệ chặt chẽ. Sinh hoạt trong thành cần đủ loại dịch vụ từ ngoài phố, là một phần lý do tồn tại của cuộc sống ngoài phố. Nhưng cuộc sống ngoài phố cũng có màu sắc riêng, có sức hấp dẫn riêng.

Đối với những du khách xa xứ đến Thăng Long thời Lê-Trịnh, như trường hợp Alexandre de Rhodes, cái hấp dẫn của vùng ngoại vi là hơn hẳn trong thành nội. Lúc ông mới đến, chúa Trịnh Tráng cho ông ở trong thành, nhưng ông xin được ở ngoài phố. Về sau chúa Trịnh nghe lời dèm, buộc ông rời Thăng Long xuống vùng Ninh Bình, nhưng De Rhodes bí mật trở lại, trú ngụ ở quãng Bạch Mai, Phố Huế ngày nay để truyền đạo. Thông qua một cậu bé 12 tuổi, ông ghi nhận, miêu tả ngữ âm và thu nhặt từ vựng tiếng Việt. Chữ quốc ngữ, như A. de Rhodes mô tả trong cuốn từ điển in năm 1651 ở Roma, đã chủ yếu dựa trên ngữ âm Đàng Ngoài, dựa trên tiếng Việt của người vùng kẻ chợ Bắc Hà.

Bước vào thế kỷ XX, Hà Nội đã thôi là kinh đô quốc gia đến ngót một thế kỷ, cuộc sống phố xá đã thu hút người ta hơn hẳn cuộc sống trong thành. Ít ai được thấy cung điện cũ thời vua Lê: khu ấy đã thành nơi đồn trú của quân Pháp.

Người ta nhắc đến Hà Nội với khu trung tâm mới quanh Hồ Gươm, với nhà hát Tây, nhà giây thép (tức bưu điện), ga xe lửa, vườn bách thú, với phố ta Hàng Ngang, Hàng Đào, Khâm Thiên, Bạch Mai, với các phố tây dài rộng, chạy song song từ phía ga xe lửa đổ ra phía bờ sông Cái… Lớp trai trẻ bước ra đời từ các trường Pháp-Việt sống với một Hà thành như thế. Và “Hà thành hoa lệ”, như câu nói của thanh niên khắp đất Bắc đương thời, đi vào thơ văn với rất nhiều màu sắc, với những biểu tượng mới.

It nơi nào dồn tụ nhiều người làm thơ viết văn như đất Hà thành. Cảnh sống thực của họ và cuộc sống trong thơ văn họ là hai thứ khác nhau.

Người trong giới, lại là “con nhà nòi” như Nguyễn Nhược Pháp, đã hình dung các đám “văn nhân tài tử mươi lăm người” tụ bạ trên những căn gác nhỏ trong ngõ hẻm lầy bùn.

“Sờ bụng không cơm, chìa khuỷu rách

Nhìn trời, họ nhẩm mấy vần thơ

Rồi họ mê đời yêu họ quá

Tri âm là muôn ngàn tim thơ

Rồi mơ đến Bồng Lai cảnh lạ

Song vào Đông Hưng Viên đang chờ!”

Nụ cười của Nguyễn Nhược Pháp là nụ cười thông cảm, thân ái. Đám người của thơ văn ấy còn rất trẻ. Cái khổ cái nghèo, chuyện cơm áo chưa là gì đối với họ. Dẫu từ “chân quê” tới đây hay sinh ra tại đây, họ vẫn bị hớp hồn bởi các thiếu nữ Hà thành, bấy giờ được nhà Cát Tường tô điểm cho một nét lãng mạn mới với kiểu áo dài Le Mure. Những “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” (thơ Huy Cận), những “cô em thơ thẩn đứng bên hồ” trong thơ Thế Lữ, Huy Thông, những “tiên nữ”, “kỳ nữ”, “người gái muôn đời” trong thơ Đinh Hùng, hẳn đều được gợi ý từ bóng dáng xa gần của thiếu nữ Hà Nội đương thời. Gặp lúc thuận lợi, chàng si sấn đến với một câu đố bằng thơ, cốt để làm quen:

“Nhà nàng ở gốc cây mai trắng

Trên xóm mai vàng, dưới đế kinh”

Nghĩa là nhà cô em ở Bạch Mai (mai trắng) phía trên Hoàng Mai (mai vàng), phía dưới phố Huế (“đế kinh”)! Một câu thơ ẩn các địa danh Hà Nội.

Có lần tôi và một ông bạn ngồi suông trong đêm vắng trước cửa bệnh viện Saint Paul chờ tin ca mổ một người bạn khác. Ông bạn trỏ cho tôi ngôi biệt thự cũ chìm trong vòm cây bên kia đường: Thấy không? nơi ấy đấy, ngôi nhà có cái cô, à không, giờ phải gọi là bà, đã từng khiến Vũ Hoàng Chương viết nên khúc ca Mười hai tháng sáu não nuột:

“Là thế! Là thôi! Là thế đó!

Mười năm thôi thế mộng tan tành!”

Tôi chẳng biết có thể tin vào ông bạn vong niên hay không. Và ví thử làm được những “ghi chú xuất xứ” cho những bài thơ “tình mất”, các địa danh Hà Nội sẽ phải được chi tiết hoá đến thế nào: tên phố, số nhà, số tầng...? Nhưng mà các tên riêng, kể cả tên người, đi vào thơ văn, không chắc là tên thật.

Hồi bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn xuất hiện trên mặt báo Hà Nội với tên tác giả ký tắt là T.T.Kh., những người như Thâm Tâm, Nguyễn Bính đã bồi thêm những nét thơ gợi những địa danh, những sự việc dường như có thực, tạo cho công chúng cái ảo giác về một câu chuyện thương tâm, cảm động ẩn sau các bài thơ.

Những là:

Vườn Thanh qua đấy năm xưa,

Trọ nhờ đêm ấy giời mưa tối trời.

Những là:

Chuyện xưa hồ lãng quên rồi

Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh!

Những là:

Đường về Thanh Hoá bao xa …

như là nối liền với địa chỉ của nữ tác giả có cái tên ký tắt kia. Nhưng Thâm Tâm đã bảo Tô Hoài: “Thanh” là Thanh Giám, tức là vùng sau ga Hàng Cỏ, sau phố Khâm Thiên. Trong thơ của nhóm Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, địa danh ấy cũng tựa như “gác Sơn Nam”: nó không ở Phủ Lý hay Nam Định mà ở ngay Hà Nội. Những cái tên quy ước riêng trở nên lấp lửng trước công chúng, kích thích những liên tưởng, những dò đoán, làm hình thành những giai thoại.

Hà thành trong các tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn là Hà thành của những vận động giải phóng cá nhân khỏi đạo lý của đại gia đình gia trưởng. Hà thành trong phóng sự và tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là một xã hội đang phải đối mặt với những hậu quả của đô thị hoá, của sự tha hoá nhân cách. Cảm quan về một cuộc sống đô thị thực dân hoá, hỗn tạp, bát nháo, đầy những đam mê, những bạo lực, thấm nhuần từng trang viết của nhà văn tài nâng và yểu mệnh, đã sinh ra và nằm xuống trên đất Hà Nội.

Ở thời của các nhà văn “tiền chiến” này bước vào đời, Hà Nội đã không còn tháp Báo Thiên. Câu chuyện đài Cửu Trùng thời nhà Lê chưa xây xong đã bị phá, − câu chuyện ấy chỉ còn lại vài chữ trong sử cũ. Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống lại câu chuyện xây đài như làm sống lại một mơ ước, một tiếc nuối. Trên Thăng Long đã không thành tựu một kỳ đài quốc gia, kẻ sĩ chí lớn thì lâm vào một bi kịch khôn giải.

Những năm 1940, Hà thành thực tại, đi vào Mê hồn ca của Đinh Hùng, trở thành một “hiện tại đô thị” đáng bị đập phá, phế bỏ, để gọi về đây một thiên nhiên hoang sơ, man dại, để tìm lại thứ “hương trinh bạch” thuở hồng hoang, hoặc trở về một thời huyền sử với niềm hân hoan kỳ quặc giống như lời lảm nhảm tiên tri:

Thời đại hoàng kim đã phục hồi

Ta mừng bạo chúa sắp lên ngôi.

Tìm thơ vương giả, xuân lưu huyết,

Mê dáng cung phi, nước ngậm cười.

Thế giới đương thời trong đại chiến khét lẹt mùi súng đạn và tử thi đã làm nảy sinh trong óc nhà thơ những ảo cảnh kinh dị.

Những năm 1940, Hà thành trong con mắt Thâm Tâm “Thăng Long đất lớn chí tung hoành” vẫn là chỗ phải ra đi. Lại vẫn bóng dáng một kẻ sĩ lãng mạn in trên sông nước Thăng Long.

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ

Chí lớn chưa về bàn tay không

Những năm 1940, cảm quan về sự thay đổi phát lộ qua lời thơ của những thi sĩ mẫn cảm. Rồi những đổi thay đã tới. Nhưng đất Thăng Long-Hà Nội vẫn còn đó, như một không gian địa lý thực tại và như một không gian tinh thần luôn luôn được bồi thêm các sắc thái ngữ nghĩa, cung cấp chất liệu và dung chứa những kết quả sáng tạo.

٠ Người Hà Nội (nguyệt san, bộ mới)

số 4 (tháng 4/2000)