Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 91)

Hoàng Hưng

911. Law of effect: Luật hiệu ứng

Nói rộng ra, là nguyên lí nói rằng các hậu quả của hành vi sẽ tác động để cải sửa khả năng xảy ra hành vi ấy trong tương lai. Thoạt tiên được phát biểu bởi Edward L. Thorndike, luật hiệu ứng nói rằng những đáp ứng đưa đến trạng thái thoả mãn sẽ được tăng cường và những đáp ứng đưa đến trạng thái bất mãn sẽ bị suy yếu. Những ý tưởng này đã được diễn đạt thành các ý niệm đương đại về thưởng phạt. Về sau Thorndike xem xét lại luật này để chỉ nói đến hiệu ứng củng cố tăng cường đáp ứng; phiên bản gốc của luật này đã được gọi là strong law of effect (luật hiệu ứng mạnh) và phiên bản sửa đổi được gọi là weak law of effect (luật hiệu ứng yếu).

912. Law of frequency: Luật tần số

Nguyên lí nói rằng sức học gia tăng với số lượng thực hành. Cũng gọi là law of repetition (luật lặp lại); law of use (luật sử dụng).

913. Law of parsimony: Luật tiết kiệm

Nguyên lí cho rằng cách giải thích đơn giản nhất về một sự kiện hay quan sát là cách giải thích được ưa thích. Sự đơn giản được hiểu theo nhiều cách, bao gồm đòi hỏi rằng sự giải thích nên (a) đưa ra số lượng ít nhất những nhận định không có chỗ dựa; (b) tuyên bố sự tồn tại của số lượng thực thể ít nhất; (c) viện dẫn số lượng ít nhất những ý tưởng không quan sát được. Cũng gọi là economy principle; principle of economy (nguyên lí tiết kiệm)

914. Law of participation: Luật tham gia

Nguyên lí được dùng để nêu đặc điểm và giải thích những kiểu tư duy không thuận với nguyên lí mâu thuẫn (contradiction principle) và những luật tư duy khác là cơ sở của logic Tây phương. Kiểu tư duy này không có khó khăn trong việc chấp nhận rằng một điều có thể là một điều gì đó khác không tương thích về mặt logic trong một thời gian khác, địa điểm khác, hay chiều kích khác, và do đó tự thân thích ứng với huyền thuật và óc thần bí. Tư duy như thế mang tính chủ toàn (holistic) hơn là chủ biệt (differenciated) và thường được coi như điển hình của những xã hội “nguyên sơ”. Được triết gia và nhà dân tộc học Pháp Lucien Levy-Bruhl (1857-1939) đưa vào.

915. Law of prior entry: Luật ưu tiên nhập

Nguyên lí nói rằng khi hai kích thích được đưa ra đồng thời, thì kích thích được chú ý sẽ được giác tri (tri giác) như xảy ra trước kích thích không được chú ý.

916. Law of proximity: Luật lân cận

Một nguyên lí của Tâm lý học Gestalt, nói rằng các vật hay các kích thích ở gần nhau, có quan hệ với nhau, sẽ được giác tri (tri giác) như một đơn vị. Chẳng hạn, một loạt nốt nhạc được tri giác như một giai điệu, một loạt dấu chấm không có liên kết với nhau trên một tấm bảng được tri giác như một con số hoặc chữ cái. Cũng gọi là principle of proximity (nguyên lí lân cận).

917. Law of similarity: Luật tương tự

- Một nguyên lí giác tri (tri giác) được nhận diện vào năm 1923 bởi nhà Tâm lý học người Đức Max Wertheimer và liên kết với Tâm lý học Gestalt; nói rằng người tri giác sẽ có xu hướng tổ chức các vật có những tính chất tương tự vào một nhóm tri giác và diễn giải chúng như một tổng thể. Cũng gọi là principle of similarity (nguyên lí tương tự).

- Một nguyên lí nói rằng những thứ giống nhau sinh ra những thứ giống nhau, hay một hậu quả giống như nguyên nhân của nó.

918. Law of sufficent reason: Luật túc lí

Đề xuất của triết gia người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) rằng nếu cái gì đó tồn tại, thì nhất thiết là có đủ lí do cho sự tồn tại của nó. Nguyên lí này hàm nghĩa một cơ sở hợp lí vốn có cho vũ trụ. Nó được bổ túc bằng law of insufficent reason (luật bất túc lí) nói rằng nếu không đủ lí do cho sự tồn tại của cái gì đó, thì nó sẽ không tồn tại.

919. Laws of learning: (các) Luật về sự học

Các nguyên lí nói lên những điều kiện cho sự học xảy ra. Các luật quan trọng nhất là luật Liền kề (law of contiguity), luật hiệu ứng law of effect), luật tần số (law of frequency), luật hiệu ứng đầu tiên (law of primacy effect) và luật hiệu ứng gần đây (law of recency effect). Những nguyên lí và thực hành khác nâng cao hiệu quả học bao gồm giáo dục tăng tiến (progressive education), thực hành phân tán (distributed practice), học có ý nghĩa (meaningful learning), học vẹt (rote learning), học thêm nữa (overlearning), học liên kết (associative learning).

920. Laws of thought: (các) Luật tư duy

Một số nguyên lí logic, như nguyên lí đồng nhất (identity principle)nguyên lí mâu thuẫn (contradiction principle), được coi như thiết yếu đối với tư duy lí tính, xác định chính cái ý tưởng về tư duy logic.