Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Thơ chữ Hán Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên trong mảng thơ đi sứ vùng Hồ Nam (Trung Quốc)

(Góp kỷ niệm 70 năm thành lập Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (tháng 10/ 1951 - tháng 10/ 2021).

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

IMG_20211019_104402[3]

Tóm tắt: Bài viết khảo sát 8 bài thơ của Nguyễn Du nói về/ có liên quan tới Khuất Nguyên trên sóng nước vùng “Tiêu Tương bát cảnh”; nhưng thiên nhiên tuyệt mỹ chỉ giúp ông thấm thía hơn cái bi kịch đau buồn của Khuất Nguyên suốt hai ngàn năm qua. Bằng sự hiểu biết sâu sắc cộng với mối thiện cảm của một “đồng tâm nhân”, Nguyễn Du đã có những đánh giá chân xác về tác phẩm của Khuất Nguyên cũng như vị trí của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Trong mảng thơ này có thể khai thác nhiều về nghệ thuật sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ, nghệ thuật Đường thi của Nguyễn Du trong việc giảng dạy.

Bài viết gợi ý cần đi sâu vào tập Bắc hành tạp lục dưới khía cạnh tìm hiểu tư tưởng “giải ảo, giải thiêng” Trung Hoa cũng như chế độ phong kiến mạt kỳ, điều này giúp chúng ta giải mã được rất nhiều giá trị còn ẩn sâu trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nói chung, bài Phản chiêu hồn nói riêng nằm trong chương trình Phổ thông Trung học.

Từ khóa: Nguyễn Du, Khuất Nguyên, Tương giang, Ly tao, oan hồn.

***

I. Trong kho tàng thơ chữ Hán Nguyễn Du, có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Hơn hai trăm năm trước, trong một (hoặc hai) cuộc “Bắc hành”, Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Tám bài thơ này có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy trái tim lớn của Đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ - nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn - nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.

II. Tám bài thơ này đều được Nguyễn Du viết khi chu du trên sóng nước Tiêu Tương, vùng Hồ Nam – nơi nổi tiếng với “Tiêu Tương bát cảnh” từng thu hút cảm hứng vô hạn của bao thế hệ văn nhân, nghệ sĩ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Đặc biệt là thơ đi sứ của Việt Nam, theo thống kê của một nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong toàn bộ tác phẩm của 53 sứ giả Việt Nam từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, thơ có nội dung viết về Hồ Nam, Tiêu Tương có tới hơn 700 bài! [14, tr.133]. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác sau khi thống kê sáng tác của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục (có 132 bài, từ bài số 24 Thương Ngô tức sự đến bài số 64 Nhạc Dương lâu, hơn 40 bài thơ này đều viết ở đoạn hành trình Hồ Nam - Tiêu Tương, tỷ lệ chiếm một phần tư cả tập), đã so sánh với mảng thơ cảm hoài của các sứ thần Việt Nam, rồi đi tới nhận định: “Thông qua những bài thơ này, chúng ta không chỉ thấy sự am hiểu của sứ thần Việt Nam đối với kinh điển, điển cố Trung Quốc, đó còn là sự kết hợp tuyệt vời giữa tài học và tình cảm cao thượng được tu dưỡng trong bản thân các sứ thần Việt Nam. Nói về thơ vịnh danh nhân, không thể không kể tới những bài thơ viết theo thể thất luật của Nguyễn Du, như Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, Trường Sa giả Thái phó, Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch, những bài thơ này thảy đều viết hết sức cảm động” [14, tr.134].

Trước khi Nguyễn Du tới các địa danh nước Sở gắn với một con người mà nhà tư tưởng lớn Dương Hùng thời tiền Hán từng ca ngợi: “Ông quả là viên hồng ngọc, là tấm pha lê” [5, tr.317], qua sách vở không lúc nào rời xa, Đại thi hào chắc hẳn đã nhiều lần rung động, đồng cảm, đồng điệu sâu sắc với một bậc quân tử kì tài ôm nỗi thống khổ tới cực độ cào xé tâm can, thành nỗi hận ngàn thu gửi gắm trong thơ ca. Thời tuổi trẻ, trong một đêm dài lạnh Không ngủ (Bất mị), Nguyễn Du đã Ngầm đọc bài Hỏi trời (Ám tụng Vấn thiên chương) - tức tác phẩm Thiên vấn trong bộ Sở từ của Đại thi hào Khuất Nguyên, mong tìm được lời giải đáp cho những trăn trở cùng nỗi buồn trĩu nặng của ông về cái cuộc đời nhiều cạm bẫy đối với người lương thiện, mà ông gọi là Vô cùng kim cổ thương tâm xứ - Đó là chỗ đau lòng vô hạn xưa nay. Thời đại Khuất Nguyên sống là giai đoạn lịch sử mà Trang Tử nhận định: “Ngày nay kẻ sĩ ở vào cái thời hôn quân loạn thần thì làm sao mà khỏi khốn khổ cho được. Chứng cớ là Tỷ Can bị moi tim đấy” [13, tr.20]. Sau này, khi tới trước mộ Tỷ Can, Nguyễn Du đã bùi ngùi trước số phận của người đã dũng cảm can gián vua Trụ, nên đã bị ông vua tàn bạo mổ bụng để xem tim, trong khi các vị quân tử khác đều trốn tránh hay giả điên đều giữ được tính mệnh (Tỷ Can mộ). Lòng trung nghĩa, khí phách can trường cùng số phận bi đát của các bậc nghĩa liệt, như Tỷ Can, Dự Nhượng, Liêm Pha, Hàn Tín, Văn Thiên Tường, Nhạc Phi, Âu Dương, Bùi Độ, Cù Thức Trĩ, v.v. đã tạo nguồn cảm hứng sâu sắc cho Nguyễn Du trên vạn dặm Trung Hoa.

Nhưng, trước và trong khi “Bắc hành”, là người ôm mộng văn chương xuất thân hàng ngũ quý tộc, với vốn Nho học dầy dặn được đào tạo bài bản qua “cửa Khổng sân Trình”, Nguyễn Du đã từng trăn trở đi tìm thêm cái nguyên do, cái cội nguồn của sự sáng tạo văn học, thông qua những bậc thầy văn chương nước bạn như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, v.v., cùng những tư tưởng văn học từ thời cổ đại Trung Quốc, mà đặc biệt là cái tư tưởng “xem văn học như một sự tự biểu hiện của những chiều sâu bí ẩn của tồn tại. Với tư cách đó người ta sử dụng văn học vào việc sáng tạo cuộc sống và bản thân con người như là nơi chứa đựng của khí, một thực thể cực kỳ tinh vi của thế giới, như là điểm quy tụ của tinh thần thế giới có khả năng nhận được hồi âm từ mọi phía của vũ trụ […] là một sự đột phá trong khoảnh khắc vào bản chất, là sự bừng sáng thi vị, một trong những phương thức nhận thức siêu cảm tính” [5, tr.328].

Như vậy, Nguyễn Du quan tâm sâu sắc tới số phận của Khuất Nguyên không chỉ bởi đó là một nhân cách sáng chói về đạo làm người trong thời đại loạn ly, tàn bạo, mà còn bởi đấy là một nghệ sĩ ngôn từ, được đời sau đánh giá: “Bắt đầu từ Khuất Nguyên tác giả cá nhân trong thơ đã trở thành chuẩn mực” [5, tr.231]; Nguyễn Du không chỉ coi “ngôn từ chỉ là môi giới của cái vĩ đại” [5, tr.231], mà ông đã coi bản thân ngôn từ nghệ thuật cũng là một hiện hữu vĩ đại không kém. Chắc chắn Nguyễn Du đã biết tới Khuất Nguyên qua Sử ký của Tư Mã Thiên, mà điều ông tâm đắc nhất trong đó là sự kết hợp giữa cái khí chất con người Khuất Nguyên với văn chất của Khuất Nguyên như hai mặt của một tờ giấy mà sử gia vĩ đại đã phát hiện thần tình: “Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với Mặt Trăng, Mặt Trời vậy!” [12, tr.85]. Sau Tư Mã Thiên trên hai ngàn năm, nhà Đông Phương học người Nga Alecxâyep cũng nhấn mạnh tới vẻ đẹp của văn chương Khuất Nguyên hòa hợp kỳ diệu với chiều sâu tâm hồn ông: “Tất cả những gì ông nói bằng thơ hình thức thì không lớn, nhưng về nội dung thì rất to tát, vượt ra ngoài mọi thước đo. Những cái ông đưa vào hình ảnh thì gần gũi, nhưng ý tứ thì sâu xa…” [5, tr.235]. Rõ ràng là bắt đầu từ Khuất Nguyên, văn chương đã có một mẫu hình tác giả và thoát thai ra khỏi cáí phương thức thể hiện của triết học - đạo đức - chính trị còn ám ảnh suốt nhiều thế kỷ sau đó ở các nước Á Đông.

Nguyễn Du với tư cách là một nhà văn - nghệ sĩ đã gửi gắm suy nghĩ cảm xúc của mình về một tác giả vĩ đại của Sở từ, qua các bài trong Bắc hành tạp lục: 1, 2. Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu; 3. Tương Âm dạ; 4. Phản Chiêu Hồn; 5. Biện Giả Nghị; 6. Trường Sa Giả Thái phó; 7. Ngũ nguyệt quan cạnh độ; 8. Thương Ngô trúc chi ca kỳ 11 [2].

Khuất Nguyên vì tài năng, trung nghĩa, yêu nước nên bị ghen ghét, vùi dập, xua đuổi; và khi bất lực tuyệt vọng trước vua u mê, trước những kẻ tiểu nhân xâu xé hoành hành tổ quốc mình, ông đã phải đau đớn tự trầm mình xuống sông. Ông trở thành một oan hồn nước Sở làm xúc động biết bao thế hệ người Trung Quốc và thế giới suốt hơn hai ngàn năm qua.

Sách Thủy kinh chú sớ viết: “Trường Sa có sông Mịch La là sông mà Khuất Nguyên trầm mình ở đấy… Khuất Nguyên đến bờ sông, làm bài Hoài sa phú rồi ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Cho nên đầm sâu lấy tên là Khuất. Ngày xưa Giả Nghị, Sử Thiên đều từng đi qua chỗ này, dừng mái chèo, thả bài điếu Khuất Nguyên xuống vực” [8, tr.563]. Tới Tương Đàm, bên dòng Mịch La, Nguyễn Du đã giống như nhiều văn nhân, chính khách là làm thơ tưởng nhớ Khuất Nguyên; và ông có ném bài thơ xuống dòng sông điếu Khuất Nguyên giống như Giả Nghị hay không, chẳng ai biết được, nhưng có điều chắc chắn ông đã làm thơ về Khuất Nguyên nhiều hơn tất cả mọi người - và chắc chắn hơn nữa là độ sâu sắc, mức rung cảm cùng sự thấu hiểu nỗi niềm thăm thẳm của Khuất Nguyên thì không tác giả nào khóc/ điếu Khuất Nguyên có thể so sánh nổi!

Ở hai bài: Tương Đàm điếu Tam Lư Đại Phu 1 & 2, ta cảm nhận rõ là Nguyễn Du đã viết trong một cảm xúc nghẹn ngào vì thương cảm và kính phục. Tâm tưởng ông như chợt hiện về mồn một hình bóng con người kỳ vĩ song gần gũi vô hạn với mình, và như muốn lấy cả cái khoảng cách thời gian và không gian mịt mù dằng dặc suốt hơn hai thiên niên kỷ nhằm dựng nên một tấm bia hùng vĩ để khắc vào đó công đức sáng chói của bậc hiền lương - “hiếu tu nhân” (chữ trong Sở từ), tức là người sửa sang các đức tính tốt cho đời: Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải, Thử địa do văn lan chỉ hương (Người ham muốn tu dưỡng đức tốt cho đời ra đi đã hai nghìn năm. Đất này còn thoang thoảng mùi hương của hoa lan, cỏ chỉ). Và dường như “tấm bia” đặc biệt này lại càng có khả năng làm nổi bật hơn cái mỏng manh cao khiết và hiếm hoi của hương thơm hoa lan, cỏ chỉ (Khuất Nguyên có câu thơ: Bờ sông Nguyên có cỏ chỉ, bờ sông Lễ có hoa lan), mùi hương thanh khiết ấy toát ra từ thân thể tới tâm hồn Khuất Nguyên giữa một không gian cao vời tràn ngập ánh sáng vùng Thiên thai, khi Khuất Nguyên căm ghét khinh bỉ cái cuộc đời ngột ngạt nhơ bẩn, muốn cưỡi mây đạp gió tới các phương trời và các vùng cổ tích để lánh xa chúng, như Ly tao đã kể [7]. Tại khung cảnh này, có “tấm bia công trạng” được dựng bởi từ ngữ như đang lưu giữ vết tích hiển nhiên của một Con người:

Ngư long giang thượng vô tàn cốt

Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương

(Trên sông đầy cá, rồng, vì vậy nắm xương tàn không còn nữa. Nhưng bên bãi sông đầy hoa đỗ nhược có thêm những giống cỏ thơm).

Nguyễn Du đã nói về hoa lan, cỏ chỉ, giờ lại nói thêm tới hoa đỗ nhược - cũng là một giống hoa cỏ thơm mà Khuất Nguyên hay nhắc đến trong Sở từ – tác phẩm vạn cổ thiện văn chương. Hình ảnh về những loài hoa cỏ thơm có thật này gợi cảm xúc và trí tưởng tượng rất mạnh, và mặc nhiên tượng trưng thuyết phục nhất cho tâm hồn cao khiết của Khuất Nguyên, đối lập một cách tuyệt đối với cái xã hội “ăn thịt người” đã vùi dập đày ải một con người đầy tài năng giàu lòng yêu nước, mà khi ông chết đi, chúng vẫn hiển hiện là loài cá, rồng độc ác hủy hoại nắm xương tàn của ông dưới đáy sông, chẳng để anh linh ông được yên lành! Những cặp tiểu đối theo cách công đối: ngư long/ đỗ nhược + vô tàn cốt/ hữu chúng phương đã góp phần cực tả cái sự thật về cuộc đời đau thương bi phẫn của thi hào Khuất Nguyên và đồng thời gửi gắm được một cách thấm thía nỗi lòng thương cảm, xót xa của thi hào Nguyễn Du! Và ông đứng trước dòng sông như một nấm mồ lớn mùa thu, nhớ lại những vần thơ nồng ấm và xót đau của Khuất Nguyên, ngắm nhìn cảnh vật lạnh lẽo tiêu tao và cố tìm lại dấu tích xưa gắn với người ôm đá nhảy xuống sông tự trầm mình:

Cực mục thương tâm hà xứ thị,

Thu phong lạc diệp quá Nguyên Tương.

(Nhìn hết tầm mắt, đau lòng vì chẳng biết dấu tích cũ ở nơi nào, Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương).

Bằng câu: Oan hồn của nước Sở chôn vùi tại chốn này đây (Sở quốc oan hồn táng thử trung) trong bài viếng 2, Nguyễn Du đã khẳng định/ vẽ lên ngay tức thì một sự thực lịch sử bi thảm vào bậc nhất của lịch sử Trung Quốc. Yên ba nhất vọng diểu hà cùng - Vời trông khói sóng mênh mông chẳng biết đến đâu là tận cùng, như trực cảm và sự hình dung rõ rệt của Nguyễn: khói sóng vật vờ mênh mông đó chính là oan hồn Khất Nguyên vẫn chưa tan, và giúp người đọc trực tiếp liên tưởng ngay tới nỗi niềm oan khuất vô bờ bến mà Khuất Nguyên ôm suốt hơn hai thiên niên kỷ dưới đáy sông! Đây là cách thức “tá khách hình chủ” quen thuộc của thơ ca phương Đông, có điều, qua tâm hồn và ngòi bút Nguyễn Du, chúng dường có thêm sức mạnh phi thường nêu bật tình cảm, thái độ của tác giả với đối tượng viếng/ điếu và in hằn trong tâm trí người đọc. Nếu thao tác chồng văn bản hai câu này với hai câu đề của bài viếng 1, sẽ thấy sự tương đồng & bổ trợ về nội dung: vùng khói sóng mênh mang chứa oan hồn vĩ đại nước Sở ấy cũng thoang thoảng mùi hoa lan, cỏ chỉ, hoa đỗ nhược gợi nhớ một tâm hồn cao khiết, và oan hồn đó càng trải qua thời gian lại càng khắc sâu vào tâm trí mọi người: đó là oan hồn của một người hiền lương hiếm có trên đời… Trong bài Sơ thu cảm hứng 1, Nguyễn cũng nhắc đến nỗi đau lòng này: Sông Sở (sông Tương) hoang vắng lá cây rụng bời bời, Trong một đêm xiết bao đau lòng (Tiêu tiêu mộc lạc Sở giang không, Vô hạn thương tâm nhất dạ trung).

Có gì hao hao với Đỗ Phủ trong một mùa thu “cố viên tâm”: Nhớ cố đô, bạc đầu, thơ nát ruột (Thu hứng 8 - Phan Ngọc dịch). Những câu thơ trên mở ra mấy bình diện để có thể thâu tóm toàn bộ thần khí của cả hai bài viếng: bên ngoài là cảnh vật, bên trong là nội tâm nhà thơ, trong hai bình diện ấy lại có cả quá khứ và hiện tại, cả mộng ảo và thực, và tất cả các bình diện này lại hòa lẫn nhau trong một cái khí của văn chương mà “theo cái nhìn của Lưu Hiệp thì đó là hình tượng một sinh thể có xương có thịt, nhưng xuyên qua mọi ví von văn học, vẫn là một cái gì sống động, thậm chí còn sống động hơn bất cứ thứ cỏ cây cầm thú nào trên quả đất, bởi nó mang đầy khí, một thứ khí tinh vi, trong sạch chỉ có ở các nấc thang thẳng tiến cao nhất của tinh thần” [5, tr.231]. Cảnh vật mùa thu với làn gió lạnh (thu phong, phong hàn) từng xao động, vận hành trong cảm hứng thơ ca phương Đông nhiều thế kỷ, ở đây, lúc này hơn bao giờ hết đã rung động mạnh mẽ tâm hồn Nguyễn Du, chuyển hóa hầu như toàn bộ cái khí của thiên nhiên thành sức mạnh tinh thần khi tìm kiếm, tưởng nhớ Khuất Nguyên, lắng nghe trong những tiếng lá rụng bay qua sông như tiếng sắt ấy “một thứ khí tinh vi, trong sạch” mang nỗi buồn ai oán của Khuất Nguyên; bởi theo Trang Tử, “Khúc ca của con người là phong của người đó, có điều đó là thứ phong có thể nghe thấy được” [5, tr.136]. Thế là, trước cảnh vật thê lương não nề, khi Nguyễn “nhìn hết tầm mắt” cũng là đồng thời nghe thấy những gì cần nghe bằng mọi cung bậc suy tư cảm xúc; ông đau lòng khôn xiết khi không tìm thấy dấu tích cũ, song bởi vậy lại có khả năng cảm nhận hết nỗi niềm của người xưa… Đó cũng là cách “ý đáo nhi bút bất đáo” (ý đến mà bút không đến) đặc sắc của nghệ thuật Đường thi.

Hai bài thơ viếng Khuất Nguyên này cũng có chung một nguồn cảm hứng với hai bài viếng Đỗ Phủ (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ - nhị thủ). Cũng ở một bến sông thu đầy rẫy cá, rồng, từ mộ Đỗ Phủ, lúc thi tứ dào dạt, Nguyễn Du thả chiếc thuyền trên sông (Thiên chu giang thượng đa thu tứ) để khóc thương cho người đất Đỗ Lăng sống ngàn năm trước, buồn thương cho người văn chương đáng bậc thầy muôn thở mà phải gửi nấm mồ gió cô đơn nơi đất khách (Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân. Cộng tiễn thi danh sư bách thế, Độc bi dị vực ký cô phần).

Nhưng điều có ý nghĩa nhất là, tại đây, bằng sự hiểu biết sâu sắc cộng với mối thiện cảm tuyệt đối của mình, Nguyễn Du đã có một đánh giá chân xác về tác phẩm của Khuất Nguyên cũng như vị trí của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc qua hàng ngàn năm:

Tông quốc tam niên bi phóng trục,

Sở từ vạn cổ thiện văn chương.

(Ba năm bị đày xa tổ quốc, khôn xiết đau buồn. Nhưng muôn đời Sở Từ của ông vẫn là áng văn chương tuyệt tác).

Có điều, sự đánh giá ở đây là thông qua cảm xúc về thân phận bi tráng một Con người - Tác giả mang nỗi đau buồn tha hương bị đuổi khỏi tổ quốc ba năm ròng bởi chính tình yêu tổ quốc của mình! Sự đánh giá bằng xúc cảm thơ ở mức độ cao nhất của lý trí và tình cảm, cũng là cơ sở gốc quan trọng để Nguyễn Du tiếp tục phát biểu cảm nghĩ của mình về một tác giả mà ông vô cùng yêu quý, kính trọng, với một nỗi “liên tài liên tình” (thương tài thương tình) cao độ. Các nhà lý luận văn học Trung Quốc các thời đại và các nhà Đông phương học, Trung Quốc học phương Tây hiện đại cũng đều nhất trí khẳng định: “Khuất Nguyên - nhà thơ vĩ đại đầu tiên của Trung Quốc, trường ca và ca khúc của ông đánh dấu sự ra đời của một loại văn học mới”. Ông vĩ đại “ở chỗ cá tính của người sáng tác, tính khác thường và tính sinh động thực tại trong số phận của nhân vật trữ tình chưa từng có trong văn học, ở sức mạnh và sự hùng vĩ của bản thân nhân cách nhà thơ […] Văn học cổ đại Trung Quốc cũng không truyền lại cho ta một tác phẩm nào khác giống như Ly tao với một tâm hồn cởi mở và sự bay bổng mãnh liệt của trí tưởng tượng” [5, tr.235].

Và cũng trong nỗi đau lòng, thương cảm mênh mông ấy, Nguyễn Du lại có thêm một đánh giá chính xác nữa về sự nghiệp văn chương của Khuất Nguyên mà cho tới lúc đó, chưa một nhà văn Việt Nam nào làm được:

Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ

Hà hữu Ly tao kế Quốc phong?

(Ví như hiến lệnh đó được ban hành trong thiên hạ, Thì làm gì có được Ly tao nối tiếp Quốc phong?)

Hiến lệnh, tức là pháp lệnh mà Khuất Nguyên làm giúp Sở Hoài vương, nhưng không được chấp thuận. Hai câu thơ này đưa ra một giả thiết lịch sử não lòng mà nó đã không hề xảy ra: nếu Khuất Nguyên được thiên tử nước Sở trọng dụng và những tư tưởng trị quốc bình thiên hạ của ông được Sở Hoài vương ủng hộ, được thực hiện tốt đẹp, thì sẽ không có một kiệt tác của Sở từ xuất hiện! Trước hết, Nguyễn Du đã cảm nhận khá sâu sắc một trong những bi kịch của lịch sử mà bản thân ông cùng gia tộc từng nếm trải, đó là “trạng thái không an toàn của cuộc đời, sự không ổn định trong số phận của những phần tử của nó xét với tư cách cá nhân” mà trong đó, “chịu chi phối của chính quyền độc tài tuyệt đối và chuyên chế, những quan chức cao cấp nhất cũng có thể biến mất đi từng ngày một, ngày hôm nay còn là thượng thư, nhưng ngày mai đã chết trong xó ngục…” (Êchiên Balat) [9, tr.450]. Đó cũng chính là cảnh ngộ của bậc hiền nhân quân tử, bậc “hiếu tu” số một của quốc gia như Khuất Nguyên mà Tư Mã Thiên đã vạch ra: “Vua không sáng thì thực là vô phúc vậy!” [12, tr.87].

Trong cái phản đề mang tính giả thiết đầy cay đắng này, ta thấy thái độ phê phán ngầm song cũng khá gay gắt của Nguyễn Du đối với triều đình nước Sở. Nhưng lịch sử diễn ra không có chữ “giá như”, không thể làm lại được. Tuy thế, Nguyễn Du vẫn mượn cái tình thế giả định bất đắc dĩ này để tôn vinh giá trị cuộc đời Khuất Nguyên qua sáng tạo thơ ca - bằng sự phủ định cái quy luật đối kháng thê thảm giữa chính trị và văn chương, giữa sự sủng ái hoặc thù địch của nhà cầm quyền với sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Cái “phản đề” oái oăm đầy nghịch lý này không chỉ xảy ra một lần trong đời sống nghệ thuật thế giới Cổ - Kim. Như một viên quan triều đình khi nhìn văn hào Tây Ban Nha M. Cervantes phải làm người thu thuế vất vả, đã phán: cần phải để ông ta khốn khổ hơn nữa thì mới có thể tiếp tục viết được truyện hay cho đời! Như nhà thơ Âu Dương Tu đời Tống từng chua chát thốt lên: Không phải thơ làm cho người ta cùng khổ mà có cùng khổ đã, thơ mới hay! [11, tr.94]. Chính Nguyễn Du cũng ngậm ngùi nói tới nghịch lý này khi viết về Đỗ Phủ - người “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư”: Thơ hay đến độ kinh động lòng người lẫn quỷ thần phải chăng chính vì xuất phát từ cảnh cùng khốn của nhà thơ? (Nhất cùng chí thử khởi công thi - Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ 1).

Qủa thực là, nếu Khuất Nguyên không bị biếm trích, bị đi đày thì ông sẽ không viết Ly tao, tác phẩm mà Nguyễn trân trọng nhắc đến, chính là tiếng khóc đớn đau đến xé lòng Trông về nước Sở gạt hàng lệ rơi của Khuất Nguyên Kiệt tác Ly tao đã miêu tả một cách sâu sắc, khúc chiết toàn bộ tư tưởng và hành động trong hơn nửa đời người của Khuất Nguyên, hơn thế, đã lột tả một cách sáng rõ và cảm động tấm lòng yêu nước thương dân, lòng căm ghét những gì xấu xa bỉ ổi đang thống trị thế gian và cản trở ông thực hiện lý tưởng giúp dân cứu nước; và tất cả được thể hiện bằng một nghệ thuật ngôn từ trác tuyệt, một trí tưởng tượng bay bổng, một kết cấu hoàn mỹ, một bút pháp tráng lệ, huyền ảo, nhiều màu sắc làm say lòng người… Và Nguyễn Du khẳng định: tác phẩm Ly tao nối theo Quốc phong (tức là Kinh Thi –đúng hơn là phần quan trọng nhất của Kinh Thi – tổng tập thi ca đầu tiên của Trung Quốc, một di sản văn hóa vô giá của nhân dân Trung Hoa và của nhân loại). Sau ngọn núi thi ca hùng vĩ Kinh Thi khuyết danh, qua mấy trăm năm nữa, qua hết các thời kỳ tản văn lịch sử, tản văn triết học chư tử, mới có đỉnh cao sáng tác văn chương của Khuất Nguyên - nổi bật nhất là Ly tao; đó là sự thật khách quan mà khoa lịch sử văn học tại chính quốc từ thời đó và các nước Âu - Mỹ sau này đã chỉ ra (Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp của ta đã nhầm lẫn tai hại khi viết: “Bởi nếu như kế trị quốc của Khuất Nguyên được vua Sở chấp thuận, hiến lệnh được ban hành thì không chắc hai kiệt tác Ly taoQuốc phong sẽ ra đời” [6, tr.45]).

Từ đó, Nguyễn Du đã lý giải và khái quát lên một cách sinh động toàn bộ thực chất tấn bi kịch của nhà nho - người cầm bút vĩ đại thời Chiến quốc gây nên bởi tập đoàn thống trị hủ bại bằng hai câu thơ kinh điển có thể nói là hay nhất trong toàn bộ trước tác thơ chữ Hán của mình: Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh, Tứ phương hà xứ thác cô trung? Nghìn xưa, có ai thương người một mình tỉnh táo, Bốn phương có chốn nào gửi được tấm lòng cô trung? Cặp từ thuỳ nhân/ hà xứ có như hai câu hỏi đầy khắc khoải viết lên bầu trời thu vần vụ u ám treo suốt hơn ngàn năm về hồn oan nước Sở, cho thấy trái tim Nguyễn Du rung động và đồng cảm với Khuất Nguyên sâu sắc, mênh mông đến dường nào!

Bài Biện Giả Nghị mở đầu bằng những lời thơ ngắn gọn mà trang trọng như nỗi niềm thổn thức của Nguyễn Du trước dòng sông Tương trong suốt tưởng nhớ Khuất Nguyên. Nguyễn Du viết: Không đi qua Hồ Nam, Sao biết sông Tương sâu? Không đọc phú Hoài sa, Sao hiểu lòng Khuất Nguyên? Trong Hoài Sa phú (tên một thiên trong Cửu Chương - Ly tao), Khuất Nguyên nói lên nỗi lòng bi phẫn của mình sinh không gặp thời, ví mình như ngọc tốt mà không có kẻ dùng, chỉ cái chết mới có thể kết thúc được nỗi đau vô hạn. Nguyễn Du cho rằng không ai hiểu Khuất Nguyên bằng mình, kể cả Giả Nghị, và cần đọc Hoài Sa phú để có thể cảm nhận được tấm lòng Khuất Nguyên như một bạn đồng tâm hiếm có xưa nay, như ông: Khuất Nguyên tâm, Tương giang thuỷ, Thiên thu vạn thu thanh kiến để, Cổ kim an đắc đồng tâm nhân (Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương, Nghìn thu vạn thu vẫn trong suốt thấy đáy, Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm).

Sau khi nói về cái lẽ đời chẳng mấy ai có được bạn “đồng tâm tương khí”, Nguyễn Du bắt đầu nói về bài phú của người dù yêu quý trân trọng Khuất Nguyên, song đã không hiểu thấu tấc lòng của Khuất Nguyên khi viếng: Trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy mà nhớ mong, có hàm ý chê Khuất Nguyên ngu trung, cổ hủ. Nguyễn Du đã bác lại luận điểm của người thư sinh họ Giả: Liệt nữ tòng lai bất nhị phu, Hà đắc thê thê “tướng cửu châu” (Liệt nữ xưa nay không lấy hai chồng. Cần gì phải tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác). Và ở bài Trường Sa Giả thái phó, ông lại có thái độ khác hẳn đối với người được chép chung một thiên với Khuất Nguyên trong Sử ký. Giả Nghị với Khuất Nguyên: hai người ở cách nhau ngàn năm, nhưng Tương Đàm và Trường Sa cách nhau không xa. Hai người cùng gặp gỡ nhau chỗ này, người thì ôm đá trẫm mình, người thì làm thơ viếng thả xuống sông, phải có mối đồng cảm ở mức độ sâu xa. Nguyễn Du luận bàn về cách hành xử của Giả Nghị, có ý tiếc cho người tài năng, tâm huyết mà không thức thời, thiếu tỉnh táo. Nhưng sau khi có hàm ý trách nhẹ, Nguyễn Du liền bày tỏ mối đồng cảm sâu sắc với người Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ. Bởi chính ông trong nhiều năm ròng cũng là người ôm nỗi niềm tương tự: Trời ban cho tài lạ mà không có chỗ dùng, Đeo đẳng thông minh để thiệt đời (Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân - Tự thán 2). Giữa cảnh hoàng hôn cô quạnh trên sông Tương, Nguyễn Du tưởng tượng ra cảnh một con chim lạ đến đậu bên chỗ Giả Nghị ngồi khiến ông rất lo lắng, cho là điềm gở: Trong bóng chiều tà có lúc chim lạ đến. Và chi tiết này tựa một ký ức lóe sáng giúp Nguyễn Du chợt nhận thấy oan hồn Khuất Nguyên quanh quất đâu đây, giữa mối “liên tài liên tình” giữa những con người xa cách trong thời gian song lại xiết bao gần gũi trong không gian: Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc, (Sống cách nhau) nghìn năm, gặp nhau, hai bên không có gì trái ngược nhau, chung một nỗi chua cay! Viết về Giả Nghị cũng là thêm một cơ hội để Nguyễn Du tưởng nhớ tới con người mà ông xót thương và ngưỡng mộ vô hạn.

Còn trước cảnh đua thuyền trong ngày 5 - 5, ở bài Ca điệu Trúc Chi thứ 11, Nguyễn Du đã không có cái cảm giác u uất nặng nề như bài Tháng năm xem đua thuyền - dù trong bài có nhắc tới Khuất Nguyên. Nguyễn Du đã miêu tả chân thực, như một ký sự về cuộc đua thuyền rất tinh tế và như giấu nụ cười hóm hỉnh khi tả: Cô gái cài hoa cúc mải xem cuộc vui. Nhảy ra đầu thuyền không tránh người lên xuống… Nguyễn Du như hòa cả tâm hồn mình vào sự náo nhiệt tưng bừng của cuộc đua thuyền truyền thống tưởng nhớ Khuất Nguyên, và để bằng cách đó thêm một lần nữa đến với “người đồng tâm” vĩ đại của mình…

Một lần khác, tới Tương giang, Nguyễn Du lại tiếp tục say mê trò chuyện, luận bàn, thậm chí tranh cãi với Hồn oan nước Sở từ hơn hai ngàn năm, như hồn đang hiển hiện quanh quất bên mình, trên dòng sông lịch sử tựa một nấm mồ lớn đang vùi lấp thân xác của một con người tri âm tri kỷ đặc biệt đối với ông, qua bài Tương Âm dạ (Đêm ở Tương Âm). Thoạt tiên, ta tưởng đâu tác giả đắm chìm trong cảm hứng về thiên nhiên tuyệt đẹp, khi cặp mắt ông tràn đầy sắc thu (mãn mục giai thu sắc), và cũng qua cặp mắt ấy, dòng sông thì tràn đầy ánh trăng thu được phản chiếu từ bầu trời đầy sắc thu: Mãn mục giai thu sắc, Mãn giang giai nguyệt minh (Khắp chốn toàn là sắc thu. Khắp sông nơi nào cũng sáng trăng). Nhưng, thực ra, cảnh vật đó càng khiến ông chợt lặng cả người, tê tái đến nôn nao tưởng nhớ đến số phận trớ trêu buồn thảm của Khuất Nguyên: Tịch liêu kim dạ vọng, Thiên trích cổ nhân tình (Đêm nay vời trông khung cảnh hiu quạnh, Chạnh nhớ người xưa bị giáng chức đi đày). Có cảm tưởng, khung cảnh thu càng trong, càng đẹp, hình bóng người xưa càng hiện về rõ nét, và Nguyễn Du càng cảm thấy cô độc khi in hằn tâm tưởng mình giữa không gian tràn trề trăng thu sáng ngời ngời, chúng chợt trở nên hiu quạnh (tịch liêu); cặp mắt ông đẫm lệ bởi “mãn trăng” và đồng thời có cảm giác thiếu vắng, trơ trọi đến vô cùng. Trong Ly tao, Khuất Nguyên thường hay nhắc đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Văn Vương như những hình mẫu của người đứng đầu nhà nước mà ông mong vua Sở noi theo để hành đạo: Theo đạo chính nhằm đường ngay thẳng, Nghiêu Thuấn xưa thiệt đấng minh quân (Ly tao). Trong khi u uất không than thở được với ai, ông đã mơ ước lên trời xuống biển để tìm được người hiểu mình. Ông từng trò chuyện trong tưởng tượng với vua Trùng Hoa (vua Thuấn), bày tỏ lý tưởng chính trị của mình; và điều đó phải chăng chỉ có thể diễn ra ở vùng hồ Động Đình mang nhiều linh khí sông núi và truyền thuyết cổ xưa chứa đựng hoài bão cao cả của Khuất Nguyên?

Tới đây, Nguyễn Du như nghe thấy lời thơ tuyệt mệnh của Khuất Nguyên: Mênh mông Nguyên Tương, Cuồn cuộn chừ sóng dồi, Đường xa man mác, Ngất tạnh chừ mù khơi (Hoài sa phú), và ông bất giác thốt lên: Tĩnh dạ tức ngâm khiếu, Vô sử giao long kinh (Đêm yên tĩnh thôi đừng ngâm nga nữa, Chớ làm cho loài giao long kinh động!). Ông muốn nhắn ai đó và với chính mình: trong khung cảnh tĩnh mịch bao phủ bởi linh khí đất trời và sự ngưỡng vọng Khuất Nguyên, đừng làm cho cá, rồng sợ hãi nhốn nháo, khiến oan hồn nước Sở nằm dưới đó không yên! Phải chăng, đó cũng là một lời an ủi đầy ý nghĩa đối với vong hồn đang vất vưởng, xót đau suốt bao thế kỷ, và đối với cả chính tác giả đương ngậm ngùi xót thương cho Khuất Nguyên? Toàn bài thơ là phương thức thi ca quen thuộc của văn chương phương Đông: “Dĩ vạn vật vi ngã” (lấy mọi vật để làm rõ mình) mà ở đây Nguyễn Du đã vận dụng nhuần nhị thông qua suy tưởng trĩu nặng của mình: ánh trăng thu, dòng sông thu êm ả, nước thu cuồn cuộn đổ về, hồ Động Đình, đêm tĩnh mịch, giao long, và cái bóng của Nguyễn Du in trên dòng sông trăng thu đang vời nhìn về phía xa mù mịt…

Rất có thể, chính trong cái tâm thế cảm xúc và suy tưởng đó mà Nguyễn Du viết Phản chiêu hồn. Tống Ngọc đã lập đàn giải oan cho Khuất Nguyên, đọc bài Chiêu hồn cầu cho hồn được siêu thoát. Nhưng Chiêu hồn đã nói những gì để Nguyễn Du phản bác lại quyết liệt đến thế, để rồi ông khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về? Theo chúng tôi, điều khiến Nguyễn Du phản bác không phải là cái nội dung trong bài từ của Tống Ngọc, mà là bản thân việc gọi hồn về trong bối cảnh nước Sở bại vong, sau khi những hiền tài trung lương bị đày đọa, hãm hại… Nhà thơ nói với hồn về một thế giới đau thương: Nhân dân lầm than, cái ác ngự trị, cùng những nguyên cớ gây ra nỗi bi thảm đang diễn ra trên nước Sở thời ấy. Thành quách do thị, nhân dân phi, thành quách vẫn còn đấy, nhưng nhân dân đã khác, người không phải như xưa nữa đâu! Như xưa, tức cái thời Khuất Nguyên sống, thời: Trần ai cổn cổn ô nhân y (Bụi bặm cuồn cuộn mù bay làm dơ bẩn quần áo). Trần ai (bụi) - hình ảnh tượng trưng cho một thời loạn lạc, nhân dân lầm than, đau khổ, mà bụi bặm đó chính là cái không gian ngầu đục, nhơ bẩn do lũ người “căn tính sói” đã tạo ra. Nguyễn Du đã vạch trần bản chất tàn ác, tham lam nhưng đạo đức giả của bọn quan lại, quý tộc nước Sở khi đó đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhân dân. (Chúng ta liên tưởng tới văn hào Lỗ Tấn thời hiện đại trong Nhật ký người điên: “Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay!” [10, tr.31]). Rồi Nguyễn Du đã không kìm được sự phẫn nộ nữa, ông cất lời lên án nghiêm khắc như của một quan tòa, vạch ra bản chất lang sói của bọn cầm quyền sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt dân lành, hèn hạ luồn cúi giặc để cầu vinh, chúng đẩy cả một đất nước vào thảm cảnh điêu linh, nhân dân bị áp bức, bị bóc lột tận xương tuỷ. Nguyễn Du đã vẽ lên sống động một loại người - thú có “vuốt nanh, sừng và nọc độc” nhưng lại gian ngoan xảo quyệt, không để lộ thủ đoạn và hành động man rợ: Bất lộ trảo nha dữ giác độc, Giảo tước nhân nhục cam như di! Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu, Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì (Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường. Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt!). Tám câu cuối khuyên hồn phải sớm liệu về trời, nếu trở về nước Sở lần nữa vẫn không thoát khỏi cái chết thảm khốc. Ngư long - cá, rồng, sài hổ - hùm, sói, những hình ảnh tượng trưng cho cái ác, cho mọi thế lực thù địch với lòng nhân hậu, sự tử tế.

Nhưng bảo Hồn đừng về đây nữa, để người ta khỏi mai mỉa chỉ là một cách nói giảm khinh, bởi điều đáng sợ nhất đối với Hồn chính là sự thật này: Ðời sau đều là Thượng Quan, Khắp mặt đất đều là sông Mịch La, Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt. Quan địa phu nước Sở đã dâng đất cho Tần, xúi vua xa lánh ruồng rẫy Khuất nguyên, rồi cùng đồng bọn thao túng vua Sở làm khổ dân. Nguyễn Du muốn nói với Hồn: người đời nay và hậu thế trên đất Sở đều cùng một duộc với bọn Thượng Quan Ngân Thượng đó! Mịch La là nơi hợp lưu của hai sông là Mịch và La, nơi Khuất nguyên trầm mình, trong lời gọi Hồn, lại trở thành một địa danh khủng khiếp tượng trưng cho chốn địa ngục của những người trung nghĩa, mà thế gian này khi còn loại người như Thượng Quan thì mọi nơi chốn đều trở thành Mịch La! Đâu chỉ có bọn nịnh thần Thượng Quan thời ấy, mà khắp mọi nơi trên thế gian này đã/ đang đầy rẫy cái ác và cạm bẫy giết người. Trong bài Tháng năm xem đua thuyền, Nguyễn Du cũng nói với Hồn Khuất Nguyên: Trong khói sóng mênh mông, lòng ta luống những đau thương và oán giận. Hàng năm chiêng trống chỉ để vui chơi, nô đùa. Hồn có về thì cũng không có nơi chốn để nương tựa. Rắn rồng quỉ quái ở khắp nhân gian. Trong sự phẫn uất tột độ, Nguyễn Du vẫn đủ sự tỉnh táo để khái quát về nhân tình thế thái - không chỉ về nước Sở thời Chiến quốc mà về cả xã hội đương thời, ở nước ông và đất nước Trung Hoa ông đang trải nghiệm bằng vốn văn hóa lịch sử và bằng thực tế “sở kiến”, những điều trông thấy mà đau đớn lòng! Bọn vua chúa suy đồi cùng bọn gian thần và nhân dân nước Sở được Nguyễn Du đặt trong thế đối lập tương phản gay gắt, để nói lớn với Hồn như một tiếng thét đau đớn: Hồn ơi, hồn không còn chỗ nương tựa nào nữa đâu! Hồn vốn thanh cao, trong sạch, làm sao có thể về nước Sở để sống cùng bọn ác thú ấy được! Đó chính là nguyên cớ thực sự và sâu xa chống lại việc chiêu hồn, chống lại bài Chiêu hồn.

Trước khi Nguyễn Du “Bắc hành”, có nhiều bài thơ, câu thơ trong Thanh hiên thi tậpNam trung tạp ngâm cũng mang không khí bi thương và tâm trạng phẫn uất không kém Phản chiêu hồn, như Bát muộn (Xua nỗi buồn): Sau các cuộc huyết chiến, cõi càn khôn trở nên nhơ nhớp. Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều.… Nhà nghiên cứu Trương Chính băn khoăn: “Hoài cổ, vịnh sử thì điềm tĩnh hơn, buồn man mác hơn, chứ đâu có cái ảo não thắt ruột thắt gan như thế” [1, tr.37]. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì có cảm xúc đặc biệt: “Nguyễn Du là một tâm hồn nghệ sĩ lớn, nên có những cái vượt bậc đột ngột; có những cái lượng biến thành chất kỳ diệu… Cái buổi chiều thu tê tái trong Thơ chữ Hán đây, bỗng nhiên có sấm chớp mưa gió bão bùng, có bài Phản Chiêu hồn, căm giận trên đầu tóc dựng!” [3, tr.152-153].

Nhiều bài viết đã nêu ra: giá trị tố cáo hiện thực gắn liền với tinh thần nhân đạo bao la là cốt cách, là vẻ đẹp của bài thơ Phản chiêu hồn. Điều đó là chính xác, song chưa đủ. Chúng tôi nghĩ, gần đây, có một số nhà nghiên cứu đã đi sâu vào tập Bắc hành tạp lục dưới khía cạnh tìm hiểu tư tưởng “giải ảo, giải thiêng” Trung Hoa cũng như chế độ phong kiến mạt kỳ, con đường này có thể giúp chúng ta giải mã được rất nhiều giá trị còn ẩn sâu trong thơ chữ Hán Nguyễn Du nói chung, bài Phản chiêu hồn nói riêng. Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng là khá tiêu biểu, có đoạn: “Dường như, bằng nghệ thuật, Nguyễn Du muốn nói rằng, Trung Hoa không phải là mảnh đất “thiên đường” như nhiều người ảo tưởng, mà chỉ là một “mảnh đất lắm người nhiều ma”, cũng đầy đau khổ và bất trắc” [4, tr.276]. Trong Phản chiêu hồn, chúng ta nhận ra: Nguyễn Du như mang trong lòng nỗi “ly ưu”, uất hận nóng bỏng của chính Khuất Nguyên, với tư cách là một “đồng tâm nhân”, ông thay mặt Khuất Nguyên ném ra lời lên án, phán xét hùng hồn, nghiêm khắc của một sử gia, và với sức mạnh của sự “phân tích tâm lý tàn nhẫn” (Phan Ngọc) của một nhà văn lớn.

Trong khi trải nghiệm trên sóng nước của vùng “Tiêu Tương bát cảnh”, Đại thi hào của chúng ta đã viết hơn chục bài thơ nhưng hầu như không có một dòng thơ nào ngâm vịnh những cảnh đẹp nổi tiếng của chúng; thiên nhiên tuyệt mỹ như chỉ càng giúp ông thấm thía hơn cái bi kịch đau buồn của Khuất Nguyên dường còn ẩn hiện giữa khói sóng từ suốt hai ngàn năm qua. Và viết về vùng Hồ Nam, ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm hồn Nguyễn Du chỉ là cảnh tang thương khốn khổ của người dân lành gây ra bởi biết bao kẻ Không để lộ nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường, khiến ông phải thốt lên tiếng than: Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt! Phản chiêu hồn), và ông đã không chỉ một lần chảy máu mắt trước cảnh dân lành trong nước cũng như ở nước bạn chết lăn nơi ngòi rãnh, máu thịt nuôi béo lũ sói lang (Nhãn hạ ủy câu hác, Huyết nhục tự sài lang. Sở kiến hành).

III. Viết về Khuất Nguyên với tất cả sự đồng cảm sâu sắc của một “đồng tâm nhân” cùng sự đánh giá xác đáng của một người cầm bút “quán thông kim cổ”, Nguyễn Du đã vô tình bộc lộ bản lĩnh tâm hồn lẫn bản lĩnh văn chương có thể sánh ngang với văn hào Trung Hoa cổ đại. Tám bài thơ trên quả là đã mang những phẩm chất cao quý để văn chương Nguyễn Du đạt tới độ “Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương” (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương. Âu Dương Văn Trung Công mộ).

_______________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Du (2012), Thơ chữ Hán Nguyễn Du – in lại theo bản 1965 (Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch) Nxb Văn học, Hà Nội.

[2] Nguyễn Du (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập II (Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích), Nxb Văn học, Hà Nội. (Những trích dẫn thơ chữ Hán chủ yếu lấy từ sách này).

[3] Xuân Diệu (2009), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

[4] Nguyễn Phạm Hùng (2015), “Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến”. Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại (Viện hàn lâm KHXHVN & Viện văn học). Nxb KHXH, Hà Nội (Xin tham khảo thêm bài: “Bắc hành tạp lục – sự thức ngộ của Nguyễn Du về Trung Hoa” của Trần Thị Băng Thanh, cũng trong sách này).

[5] I. X. Lixêvich (2000), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc (Trần Đình Sử dịch). Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[6] Nguyễn Phong Nam (2015), “Giải mã tâm trạng “cô lữ” trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”. Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Nxb ĐHQG, TP. Hồ Chí Minh.

[7] Khuất Nguyên (1974), Sở Từ (Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch và chú thích). Nxb Văn Học, Hà Nội.

[8] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ (2005), Thủy kinh chú sớ (Nguyễn Bá Mão dịch), Nxb Thuận Hóa & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

[9] Nguyễn Khắc Phi (1999), Thơ văn cổ Trung Hoa - mảnh đất quen mà lạ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[10] Lỗ Tấn (2004), Tuyển tập truyện ngắn (Trương Chính dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.

[11] Khâu Chấn Thanh (2001), Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc (Mai Xuân Hải dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.

[12] Tư Mã Thiên (1999), Sử ký (Phan Ngọc dịch), Nxb Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

[13] Trang Tử (1994), Trang Tử và Nam Hoa kinh (Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

[14] Zhan Zhihe (2015), “Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Hồ Nam” (Nguyễn Đình Phức dịch), Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Nxb ĐHQG, TP. Hồ Chí Minh.

(Tham luận Hội thảo khoa học Quốc gia: Những tiếp cận mới trong nghiên cứu-giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, sách: “Kỷ yếu HTKHQG”, NXB ĐHQG HN, 2021).