Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) (kỳ 8)

NGUYỄN DUY, NHÀ THƠ DU/RU CA

Thay lời bạt

Đỗ Lai Thúy

Là ta, ta hát những lời của ta

Nguyễn Duy

Cuối những năm 1980, tôi tập viết cho mục “đến với những bài thơ hay” của báo Người Hà Nội Văn Nghệ. Trong số đó, có hai bài tôi ưng nhất là Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan, và đặc biệt là Đò Lèn và sự giải cổ tích hóa trong thơ Nguyễn Duy. Hôm tôi đến Văn Nghệ lấy báo biếu, nhà thơ Trần Ninh Hồ, trưởng ban thơ, bảo: Tôi đã cứu cho ông một bàn thua trông thấy! Nhìn khuôn mặt nghệt của tôi, anh giải thích: đó là tôi đã bỏ đi chữ hóa trong cụm từ cổ tích hóa của ông. Tôi kêu lên, ông Hồ ơi, ông Hồ ơi, ông giết tôi rồi. Các thời đại sau - cổ tích thì không còn cổ tích nữa, chỉ có sự cổ tích hóa mà thôi. Bà ngoại Nguyễn Duy trong bài Đò Lèn, bằng thân phận cực nhọc, bi đát của mình đã giải những cái mà người ta muốn cổ tích hóa, thần thoại hóa nó.

Từ ngày đó, tôi không có duyên gặp Nguyễn Duy và thơ anh nữa. Chỉ gần đây, tôi mới gặp lại thơ Nguyễn Duy, nhưng không phải trực tiếp, mà qua công trình Nguyễn Duy nhà thơ hiện - đại - cổ - điển Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn nghệ văn học) của ông bạn tôi, người cùng một lứa bên trời lận đận, nhà phê bình La Khắc Hòa/Lã Nguyên. Đọc tác phẩm của Hòa, tôi sửng sốt thấy cái trực giác bé mọn của mình ngày xưa, nay đã được anh dùng lý thuyết diễn ngôn triển khai thành một công trình khoa học giàu tính học thuật và hết sức mới mẻ. Nhưng, có lẽ, để cho các đầu óc học đường khỏi bỡ ngỡ, La Khắc Hòa chủ yếu vẫn sử dụng lại bộ công cụ của thi pháp học: như tên các chương đáng lẽ ai nói thì hình tượng tác giả/kiểu nhà thơ/nhân vật trữ tình; nói cái gì thì thể tài và cảm hứng; nói như thế nào thì ngôn ngữ và giọng điệu.

Thao tác đầu tiên, một thao tác của ngữ học cấu trúc, được tác giả sử dụng triệt để ở đây, là lưỡng phân đối tượng nghiên cứu. Đó là sự phân đôi: một đằng là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, thống ngự tuyệt đối ở trung tâm vừa là chuẩn chính thống (ý thức hệ) vừa là chuẩn chính thức (được nhà nước đóng dấu xác nhận) và đằng kia là dòng văn học từ lệch chuẩn đến nghịch chuẩn, những đốm lửa trên cánh đồng cỏ khô. Tiêu biểu cho văn học thứ nhất là Tố Hữu, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, còn cho văn học thứ hai, trong mắt La Khắc Hòa, là Nguyễn Duy. Các lưỡng phân ở cấp độ nhỏ hơn, là những hệ quả, như kiểu nhà thơ thì: 1) thi sĩ – chiến sĩ và 2) thi sĩ của chúng sinh. Hai kiểu nhà thơ này sẽ tạo ra hai thế giới nghệ thuật khác nhau, được biểu trưng bằng hai nhân vật trữ tình.

Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là người chiến sĩ. Đó là con người chức năng, sinh ra để phục vụ những điều lớn lao như Đảng, giai cấp, để “tôn thờ chủ nghĩa.” Anh ta nhận lãnh vai trò cứu thế, đồng thời sáng thế. Còn nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy là người dân, nổi chìm cùng thập loại chúng sinh. Vai trò của nó chỉ là “hạt bụi,” “bụi người” (Bình tâm làm hạt bụi người mà bay), là “hạt cát” (Hạt cát có cái gì bất diệt). Bởi vậy, nó chỉ có một thân phận! Cái thân phận duy nhất của nó là làm dân, thân phận của nhân dân. Từ đó, cảm hứng của hai loại nhân vật trữ tình này cũng đối nghịch nhau. Một đằng là cảm hứng sử thi, xúc động với những điều to lớn, cao vời vợi, đặc biệt với người cha anh minh. Còn đằng kia là cảm hứng đời thường, xúc động với đồng ruộng, cỏ cây, con cò con vạc, ông bà, cha mẹ, vợ con, với những cảnh đời khóc cười lẫn lộn, kết tính ở hình tượng người mẹ, hiền mẫu (Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru).

Bởi thế, người cha là “vui ca” (tin vui, vui lên, vui từ, đời vui, vui ra trận…), người mẹ là “ru buồn.” Hai khẩu khí này, hai diễn ngôn này không thể cứ song sóng đi như mặt đất và bầu trời, mà phải có lúc gặp nhau ở chân trời. Thế là xảy ra đối thoại. Nền văn học chiến tranh giờ đây đã thành chiến tranh văn học. Nhưng đó là khủng hoảng để phát triển. La Khắc Hoa đã phân tích rất sâu sắc và tinh tế về sự chuyển đổi từ ngôn ngữ nhà binh sang ngôn ngữ sinh hoạt, ngôn ngữ làng quê trong thơ Nguyễn Duy.

Như vậy, thực hành phân tích diễn ngôn của La Khắc Hòa đã cấp cho người đọc một cái nhìn tổng thể về thơ Nguyễn Duy. Đọc từng bài thơ, từng tập thơ của Nguyễn Duy một cách độc lập ta đã thấy thơ Duy hay rồi, vì mỗi chúng đều có giá trị tự thân. Nhưng đọc anh trong một cấu trúc tổng thể thì mới thấy bật lên giá trị tư tưởng lớn lao của thơ Duy. Anh là nhà thơ của nhân dân. Anh mang căn cước người dân (Con dấu chìm chạm khắc trong xương). Ở Âu châu thời trung đại và hiện đại, có những thi sĩ – ca sĩ hát rong, mang tiếng nói tự do của mình đến với mọi người, vượt qua những rào cản ngôn ngữ, địa dư và quốc gia. Việt Nam có những người hát xẩm ở các chợ phiên ở làng quê và ở các nhà ga bến tàu nơi thành thị. Thơ Nguyễn Duy là xẩm hiện đại, lời hát xẩm của thời hiện đại. Duy muốn đem thơ mình “hát cho đồng bào tôi nghe,” muốn viết thơ mình lên mẹt, lên lịch cho đồng bào anh đọc. Anh gọi nó một cách hài hước là xẩm ngọng. Trước Duy, nhà thơ Lê Đạt cũng đã tự gọi sáng tác của mình là thơ ngọng nói. Nói ngọng là một lỗi phát âm, lỗi ngôn ngữ, nhưng ngọng nói là cố ý mắc lỗi nhằm phục vụ cho một ý đồ tư tưởng/thẩm mỹ nào đó. Chữ ngọng trong thơ ngọng nói và xẩm ngọng thể hiện sự lệch chuẩn, nghịch chuẩn và phá chuẩn của Lê Đạt và Nguyễn Duy.

Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh chống Pháp, học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ, nên khó tránh khỏi bị điều kiện hóa. Để có thể thoát khỏi sự chương trình hóa này, đòi hỏi phải có một khí chất cá nhân đặc biệt và mạnh mẽ. Ngay Nguyễn Duy ở những tập thơ đầu, nhất là những bài thơ được Giải thưởng báo Văn Nghệ, tuy có những hạt lấp lánh, nhưng chung quy vẫn là thơ đường ray. Chỉ sau này, nhờ có khí chất và trải nghiệm riêng, Nguyễn Duy mới đi được vào hành trình lệch chuẩn, nhất là ở bộ ba thơ Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa… Tổ quốcKim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Lệch chuẩn thứ nhất là xa rời thơ tiền hiện đại, thơ phản ánh hiện thực, để đi vào thơ hiện đại. Lệch chuẩn thứ hai là xa rời thơ hiện đại để trở thành hiện - đại - cổ - điển. Có thể nói, sự ra đời các nhà thơ hiện - đại - cổ - điển như Tô Thùy Yên, Phùng Cung, Nguyễn Duy là một bước rẽ ngang độc đáo của thi pháp thơ Việt Nam. Có thể thơ hiện đại đã đi đến thiên đỉnh, nếu bước nữa sẽ xế sang sườn kia. Có thể ngưỡng thẩm mỹ của người Việt ưa chuộng một vẻ đẹp quen thuộc, dịu nhẹ, như vầng trăng, hơn là vẻ đẹp xa lạ, chói chang như mặt trời.

Trước đây, tôi cứ định vị La Khắc Hòa là một trong không nhiều nhà lý luận, ngôi đầu bảng trong phân vai của Khoa học Văn học, vì anh không chỉ dạy lý luận mà còn dịch và viết nhiều về lý luận. Nhưng sau cuốn Ký hiệu học văn học thì sự đinh ninh của tôi ít nhiều lung lay: liệu La Khắc Hòa có “thoái triển” trở thành nhà phê bình? Tôi còn ngại chưa tiện nói với anh điều thay đổi này. Mới đây thôi, trong câu chuyện với tôi, tự nhiên Hòa nói: đám phê bình già hiện nay còn sót lại chỉ còn có tôi và anh… Thế là La Khắc Hòa, tôi nghĩ, đã tự minh định mình là nhà phê bình. Cùng là nhà phê bình có lý thuyết, nhưng anh là lý thuyết từ trên xuống, còn tôi là lý thuyết từ dưới lơn. Nhà phê bình khác nhà lý luận ở chỗ một người thì nói ra, một người thì nói về. Nói ra thì cần có cá tính và bản lĩnh. La Khắc Hòa ở Nguyễn Duy nhà thơ hiện - đại - cổ - điển Việt Nam này là một nhà phê bình có cá tính và bản lĩnh.

Chùa Thầy, 12 - 2020

Đỗ Lai Thúy