Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Chu Văn Sơn “sống thơ”

(Thay Lời vào sách)

Văn Giá

Không có mô tả.

1. Nhà nghiên cứu phê bình (NCPB) văn học Chu Văn Sơn là người nổi tiếng giàu chữ và kỹ chữ. Trong khá nhiều bài viết, nhất là khoảng từ năm 2000 trở đi, ông hay dùng chữ “sống thơ” với hàm nghĩa chỉ người viết nào có một quan niệm sâu sắc về nghề, một mối bận tâm to lớn và thường trực đối với thơ ca, với sự sống, một tầm triết học và mỹ học nhất định thì mới có thể có những tác phẩm đáng kể. Nếu ai đó sống nông, sống ẩu, sống thiếu tử tế với sự sống, với thơ, với văn chương nói chung thì đừng bao giờ hy vọng có những trang viết thành tựu. Từ chỗ “sống thơ” mới có thể làm nên phong cách sáng tạo, tầm vóc tư tưởng của một người cầm bút. Điều tâm đắc này đã được ông thể hiện rõ ràng nhất trong bài viết “Thanh Thảo với trường ca” (2009). Tôi muốn thêm một ý nữa, khi chữ “sống thơ” đặt ngoài ngữ cảnh này, khiến người đọc liên tưởng đến một lối sống đẹp, một nhân cách sống đẹp như thơ. Nếu hiểu theo nghĩa ấy để nói về Chu Văn Sơn cũng không phải là không có lý. Suốt hơn 30 năm dạy học, sống và viết, ông đã có một đời sống đẹp đẽ, thiện lành, cao quý.

Một tinh thần “sống thơ” như thế vừa khẳng định chủ thể của nó cả đời đã sống với/cùng/trong thơ (văn chương) vừa lý giải một điều rằng chỉ “sống thơ” mới có một kết quả NCPB xứng đáng như những gì bạn đọc được thưởng lãm trong tập sách này. Tinh thần “sống thơ” được quán triệt xuyên suốt trong từng trang viết NCPB của họ Chu.

Có thể hình dung hành trình NCPB hơn 30 năm của Chu Văn Sơn được chia làm hai quãng: từ cuối những năm 1980 đến năm 2000; và từ đó cho đến lúc rời cõi thế (2019).

Ở quãng thứ nhất, có thể bắt đầu thực sự được tính đến bằng bài viết gây tiếng vang lúc bấy giờ về thơ Ý Nhi: “Thơ của tâm hồn “xao xác giữa ngày yên”” (1987). Liền sau đấy là một loạt các bài viết về Y Phương, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh, Ngân Giang, Hoài Thanh… Khi đó, người đọc đã nhận ra một cây bút sắc sảo, tinh tế, có cá tính và đầy triển vọng. Lúc này, Chu Văn Sơn vừa mới tốt nghiệp cử nhân văn khoa sư phạm - ĐHSP HN (1983), đi dạy học Quy Nhơn rồi về lại trường cũ học lên Cao học (1987), sau đó ở lại làm cán bộ giảng dạy. Chu Văn Sơn là người được GS. Nguyễn Đăng Mạnh trực tiếp đào tạo từ thời sinh viên, tiếp đó hướng dẫn làm luận văn cao học và luận án tiến sĩ. Như một ảnh hưởng tự nhiên, Chu Văn Sơn, và không chỉ riêng ông đã chịu ảnh hưởng trực tiếp tinh thần nghiên cứu, phê bình của thầy mình với hướng tiếp cận “Nhà văn, tư tưởng và phong cách”. Tôi nghĩ, ngay từ khi mới bước vào nghề viết phê bình, được chịu ảnh hưởng từ một nhà NCPB tầm vóc như Nguyễn Đăng Mạnh thì phải xem đấy là một điều may mắn. Với một hướng tiếp cận như vậy, lại thêm cái goût văn chương tinh tế, với một tâm hồn nhung tuyết thanh tân, các bài viết của Chu Văn Sơn có sức thuyết phục đặc biệt. Giới văn chương lúc đó đã nhận ra một gương mặt NCPB trẻ có phong cách và đầy hứa hẹn.

Theo tôi nghĩ, những gì tạo ảnh hưởng tới một người viết NCPB ở Việt Nam nhìn chung thường là đa nguồn, chứ ít theo một nguồn duy nhất nào (trừ một vài trường hợp được đào tạo ở nước ngoài). Chu Văn Sơn là như vậy. Thế hệ chúng tôi phần lớn là như vậy. Trong khoa Ngữ văn - ĐHSPHN còn có thêm một người có khả năng gây ảnh hưởng khá mạnh tới những người viết trẻ lúc bấy giờ nữa, đó là nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Trần Đình Sử với lý thuyết thi pháp học. Chúng tôi là học trò trực tiếp của ông. Chu Văn Sơn vừa là học trò vừa là đồng nghiệp trẻ của ông. Chúng tôi thấy con đường tiếp cận thi pháp học giúp cho việc khám phá văn chương khiến nó được là văn chương, chứ không bị biến thành cái gì đó phi thẩm mỹ do lối xã hội học dung tục hoặc những thứ tương tự ngoài văn học áp đặt; thêm nữa, phương pháp tiếp cận này thực sự là một khoa học độc lập, có đối tượng, có hệ thống khái niệm, có phương pháp nghiên cứu đặc thù, giúp khám phá tác phẩm, tác giả một cách lý tính, khoa học, tránh cảm tính, bình tán tùy tiện. Nó nghiên cứu phương diện hình thức nghệ thuật mang tính quan niệm gắn liền với thế giới nghệ thuật của nhà văn… Chúng tôi lúc đó có nói chuyện với nhau, con đường đi của GS. Nguyễn Đăng Mạnh mà chúng tôi chịu ảnh hưởng trước đó cũng rất gần với Thi pháp học của GS.Trần Đình Sử. Từ bấy trở đi, Chu Văn Sơn đã lặng lẽ sở đắc những tinh hoa phương pháp của hai ông thầy theo cách của mình. Đến lượt, những sở đắc đó được nhào nặn trong quan niệm văn chương và triết mỹ riêng, để cuối cùng tạo nên một phong cách/lối viết NCPB Chu Văn Sơn độc đáo.

Các bài viết giờ đây vừa thấm đẫm tinh thần “tư tưởng và phong cách” của người thầy thứ nhất và “thi pháp học” của người thầy thứ hai. Dĩ nhiên, các sáng tạo của Chu Văn Sơn không đơn thuần là phép cộng giản đơn của hai hướng tiếp cận này, mà được kết hợp một cách nhu nhuyễn với tất cả thị hiếu, tri thức, kinh nghiệm sống và văn hóa cùng cái tông cái tạng có sẵn ở con người mình. Như đã nói, cây bút NCPB Chu Văn Sơn chịu ảnh hưởng đa nguồn, nhưng trong đó phải kể hai nguồn có tác động mạnh nhất đến con đường sáng tạo của ông là từ hai người thầy với hai hướng tiếp cận kể trên.

2. Đa dạng và nhất quán, ngòi bút NCPB Chu văn Sơn được xác lập bởi một số đặc điểm nhất định. Xin trình bày một cách khái quát mấy điểm dưới đây:

Thứ nhất, Chu Văn Sơn bao giờ cũng cố gắng đọc ra cho được ở mỗi tác giả đâu là mối bận tâm tha thiết nhất, lớn nhất, thường trực nhất về sự sống nói chung. Từ mối bận tâm này, nhà văn mới có băn khoăn về cuộc sống, theo đó mới có những băn khoăn nghệ thuật. Không có được và không theo đuổi tận cùng mối bận tâm này, sẽ dẫn đến một cái nhìn hời hợt về tất cả, và như vậy, không thể hy vọng vào sự sáng tạo của nhà văn. Điều này chính là cái gốc để quy định cách cảm nhận, cắt nghĩa về hiện thực và con người ở mỗi nhà văn theo những cách khác nhau. Cũng từ đây, nhà văn đẻ ra quan niệm của riêng mình về Cái đẹp, chi phối và quy định cách kiến tạo thế giới nghệ thuật riêng. Khi đi vào chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn, Chu Văn Sơn phải gọi ra cho bằng được cái “bản lai diện mục”, cái “tinh tướng” của mỗi nhà văn với một lối định danh ấn tượng, nhiều khi được thể hiện ngay trong nhan đề của bài viết ở nhiều trường hợp: với Ý Nhi là “Thơ của tâm hồn “xao xác giữa ngày yên””, với Xuân Quỳnh là “Cánh chuồn trong giông bão”; với Hoàng Cầm là “Gã phù du Kinh Bắc”, còn với Nguyễn Duy cứ phải là “thi sĩ thảo dân”… Đó là những con triện đóng dấu cho mỗi nhà nghệ sĩ mà ông khám phá. Chu Văn Sơn trung thành với hướng nghiên cứu phê bình khắc dấu này.

Thứ hai, từ đó, khi khám phá thế giới hình tượng riêng khác ở mỗi tác giả, Chu Văn Sơn cho rằng mỗi hình tượng được kiến tạo bởi các cặp đối lập khác nhau, ràng rịt với nhau, trong đó có một cặp làm hạt nhân, trung tâm. Ông quán triệt ngay từ khi thực hành nghiên cứu “Ba đỉnh cao Thơ mới: Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc tử” (2003), và nhất quán đối với các tác giả sau đó. Điều này liên quan đến ý thức về tính hệ thống, và trong một số trường hợp, mang tinh thần của cấu trúc luận. Tuy nhiên, với một tham chiếu coi trọng cái “thần”, cái “khí”, cái “đạm”… của mỹ học phương Đông, ngòi bút họ Chu đã không bó mình vào trong những mô thức định sẵn, mà bao giờ cũng lắng nghe thật kỹ để cảm thấy yên tâm rằng những điều viết ra là “đích đáng” (chữ của nhà NCPB Hoàng Ngọc Hiến). Nhân đây cũng nói thêm, trong hoạt động NCPB của mình, Chu Văn Sơn dành cho tri thức mỹ học phương Đông một vị trí trang trọng nhất định, và trong một số trường hợp ông đã dùng nó kết hợp với luận lý phương Tây để khám phá (Hoàng Cầm, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Duy, Trúc Thông, …) khá nhuần nhuyễn.

Thứ ba, Chu Văn Sơn đặc biệt quan tâm đến giọng của phê bình. Giọng ở đây chính là giọng nói, là cá tính, là “vân chữ” (Lê Đạt) của phê bình. Giọng là chỗ đi đến cuối cùng để xác lập sự tồn tại của gương mặt phê bình trong đời sống văn học. Giọng toát lên từ tất cả các yếu tố của tác phẩm phê bình, tuy nhiên tập trung ở ba yếu tố chính: tư thế phát ngôn, cảm hứng chủ đạo chi phối bài phê bình và hệ lời của bài phê bình. Trước hết, nói tư thế phát ngôn tức là nói tới sự lựa chọn vị trí của người nói nhằm nói với ai hay nói với chính mình, nói theo kiểu tâm tình hay tranh biện, nói theo cách rốt ráo, cạn kiệt hay thích đặt vấn đề và gợi mở… Văn phê bình của họ Chu, ít nhiều đều có những sắc thái đa dạng kể trên, nhưng về cơ bản, có một giọng chủ đạo, quán xuyến, chi phối hết thảy, đó là giọng tự tình, tức là tâm tình, tâm sự, như giãi bày, thổ lộ cùng ai đó, một người đọc ẩn tàng nào đó. Cho nên, ông không ham lập lý, luận giải, trừ những khi cần thiết. Mà nếu phải lập luận, khái quát thì người viết luôn có xu hướng tâm tình hóa chúng, ngả hẳn vào giọng tự tình. Thì ra, rất nhất quán, cả trong sáng tác lẫn phê bình, ông đều “Tự tình cùng Cái đẹp” như tên tập tùy bút đã xuất bản. Ở tùy bút, tự tình cùng Cái đẹp trong đời. Ở NCPB, tự tình cùng Cái đẹp trong văn. Với giọng điệu này, văn phê bình của Chu Văn Sơn nhiều khi rỉ rả, hướng vọng tri âm, mong cầu tri kỷ… Tiếp theo là câu chuyện cảm hứng chủ đạo của bài phê bình. Mỗi bài viết dựa trên một loại cảm hứng chính nào đó. Cây bút họ Chu tập trung hướng vào các giá trị, lên tiếng khẳng định và cổ súy các giá trị. Chỉ có những giá trị văn chương thực sự mới có thể kéo con người này dốc sức vào nghiên cứu, phê bình. Cho nên, cảm hứng bao trùm chi phối các bài viết của họ Chu là tri âm, khẳng định, tôn vinh. Nếu có chỉ ra một vài hạn chế của đối tượng, ông cũng viết với một thái độ nâng niu, khích lệ. Mỗi khi như vậy, dường như có một tiếng nói bên trong thủ thỉ rằng không phải đây không biết nhé, nhưng chỉ những thành tựu, những tinh hoa mà tôi đã xướng tên kia mới đại diện cho gương mặt tác giả mà thôi… Thêm nữa, để xác lập một giọng riêng, không thể không nói đến hệ lời/ngôn ngữ phê bình mà người viết đã dụng công và sáng tạo. Về điểm này, có thể nói Chu Văn Sơn có một nội lực thâm hậu và một biệt tài hiếm thấy. Các chữ của ông gọi đúng ý tưởng muốn nói, đối tượng muốn định danh, cảm xúc muốn biểu thị, nghĩa muốn gợi ra… Mỗi bài viết của Chu Văn Sơn là một cuộc săn đuổi chữ, truy tìm chữ hòng tóm bằng được ý nghĩa và hồn vía của đối tượng. Ở đây, do tính chất bài viết, tôi không thể làm công việc đưa ra các dẫn chứng được. Đọc vào các trang viết của ông, nếu chịu khó làm một thống kê tỉ mỉ sẽ có một bảng từ vựng rất riêng, ấn tượng, thậm chí có những chữ khiến ta kinh ngạc. Chữ đúng, chính xác, không thể thay thế. Chữ cần đặt đúng chỗ, với một trật tự không thể đảo/đổi. Chữ có cái vỏ âm thanh tạo nên tiết tấu của câu, âm nhạc của câu. Chữ gọi nghĩa và gợi nghĩa… Tất cả những điều đó đều tìm thấy trong văn nghiên cứu phê bình của họ Chu. Cùng với cảm hứng, ý tưởng, kết cấu, những liên tưởng, so sánh…, ngôn ngữ phê bình đã tạo nên một giọng phê bình Chu Văn Sơn độc đáo, không lẫn.

Về điểm này, cũng xin thêm một khía cạnh nữa. Đọc vào các tiểu luận, phê bình của họ Chu quãng sau 2000 trở đi, thấy có một bước chuyển nhẹ: ông không còn giữ nguyên cái nhìn nghiêm trang về văn chương nữa mà có pha thêm cái nhìn humour, nghĩa là có khi chêm xen những lối nói, những so sánh, những bông đùa suồng sã, thân mật mang tính khẩu ngữ. Trong những lần trò chuyện riêng với tôi, ông cho rằng NCPB vốn đã mang tính trường quy, hàn lâm, kén người đọc; nếu không tìm cách để đến với bạn đọc thì hiệu quả của NCPB sẽ khó lan tỏa, nhất là trong bối cảnh thông tin 4.0 hiện nay. Vì thế, mặc dù vẫn kiên định xác lập những ý tưởng khoa học, những phân tích và khái quát sắc sảo, cũng nên chú trọng cái hướng giản dị hóa những điều phức tạp, không nhầm lẫn giữa phức tạp với sâu sắc, không đánh đố người đọc, làm sao để người đọc hiểu được và cảm thấy hay, thấy hoạt động NCPB không xa cách với họ. Chu Văn Sơn đã kiên trì theo lối viết này. Vẫn cứ sắc sảo, uyên bác, tinh tế nhưng cũng lắm khi hóm hỉnh, khoái thú.

3. Hoạt động NCPB của một nền văn học là sự chung góp của nhiều người, có khi xuất hiện cùng lúc, có khi như cuộc chạy tiếp sức. Nhưng có điều, cũng cần phải ghi nhận vị trí và công lao của những bài viết được xem như là tiếng nói đầu tiên có uy tín về một trường hợp nào đó. Xét theo nghĩa ấy, Chu Văn Sơn có không ít tiếng nói đầu tiên có chất lượng học thuật (nhấn mạnh -VG) như các bài viết về Ý Nhi, Y Phương, Xuân Quỳnh, Hoàng Cầm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy. Trong thực tiễn NCPB văn học, sau đó không ít bài viết tiếp về các trường hợp này ra đời, có thể tác giả của chúng không công khai, nhưng người đọc vẫn nhận ra đâu đó thấp thoáng những luận điểm hoặc ý tứ mà Chu Văn Sơn đã từng nói về.

Trước khi tập sách này ra đời, xét trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, Chu Văn Sơn mới thực sự có một công trình “Ba đỉnh cao Thơ mới” (2002); còn lại, mấy quyển sách khác như “Tinh hoa Thơ mới, thẩm bình và suy ngẫm” (in chung, 1997) và “Thơ, điệu hồn và cấu trúc” (2007) chủ yếu nghiêng về loại sách bình giảng văn học nằm trong hệ thống văn học nhà trường.

Ông là người có tính cầu toàn. Khi ông còn khỏe, tôi từng giục giã nhiều lần rằng hãy tập hợp các bài đã có để ra tập Tiểu luận, phê bình, chân dung. Một lần, GS.Trần Đình Sử tình cờ gặp tôi cũng nhắn: “Ông bảo Sơn ra tập tiểu luận đi chứ, nhiều bài rất khá. Bảo cậu ấy đừng cầu toàn. Cứ ra, rồi sau này, nếu cần tái bản chọn lại sau. Chứ để lâu, có những cái nó cũng bị lạc hậu đi!”… Đem ý ấy về nói với họ Chu. Nhưng tính họ Chu nhiều khi cũng... lì lắm, chả thấy nhúc nhích gì.

Thế rồi, vào quãng cuối 2018, chắc cảm thấy sức khỏe có vấn đề, một hôm họ Chu mới bảo tôi rằng tập Tùy bút “Tự tình cùng Cái đẹp” đã xong, gửi gắm tôi viết cho cái Lời giới thiệu. Tôi mừng quá, lại hỏi: còn tập tiểu luận, phê bình thì sao? Ông cho biết ngay sau khi xong bản thảo tập Tùy bút thì bắt tay vào san định tập tiểu luận phê bình này. Ông cũng lại bảo tôi viết Lời giới thiệu. Tôi chối đây đẩy, có lẽ để người khác viết, tôi viết tập này thôi, hết chữ rồi; vả lại nên người khác viết cho nó khác đi thì hay hơn. Họ Chu nằng nặc bảo “Chu Sơn tin VG hiểu Chu Sơn nên mới muốn nhờ viết chứ”… Thế rồi, họ Chu đổ bệnh. Lúc đó mới chỉ kịp in xong tập Tùy bút.

Vừa rồi, tôi phụ giúp gia đình san định những di cảo đủ loại mà Chu Văn Sơn để lại, trong đó có tập sách này. Vừa soạn, vừa đọc lại những trang viết của bạn mình, có cái đã in rải rác đây đó, có cái đã đưa lên facebook, có cái vẫn nằm trong máy tính, giờ mới được in ra…, lòng không khỏi ngậm ngùi.

Tuy nhiên, sau khi dựng lên tập sách này, tôi có một cảm giác rất yên tâm. Tôi thấy mình cũng đã được góp phần nho nhỏ thực hiện di nguyện của bạn. Tôi càng yên tâm hơn khi tập Tiểu luận-Phê bình-Chân dung văn học của Chu Văn Sơn vẫn đầy ắp trữ lượng học thuật và sự quyến rũ của nó.

Hà Nội, những ngày giãn cách COVID lần thứ tư, tháng 7/2021

VG