Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 6): Trao đổi với tác giả Đào Tiến Thi (*)

Minh Tuấn

1. “Văn mẫu”: hiểu sai hay hiểu lầm?

Tác giả Đào Tiến Thi đã đăng tải bài viết Đang có sự hiểu sai về “văn mẫu” trên VietTimes ngày 30/8/2021, một ngày sau đó ông post lại trên Facebook cá nhân, được Văn Việt đăng lại. Vấn đề “văn mẫu” đúng là đang rất “nóng” và thực sự hệ trọng đối với việc dạy học môn Văn trong nhà trường. Có cơ hội theo đọc bài viết này nhiều lần nên chúng tôi muốn được trao đổi đôi điều về những vấn đề được ông nêu trong đó.

Mở đầu, tác giả viết: “Lẽ ra, thông thường, trước khi đưa ra quan điểm, người nói phải giới thuyết để “khoanh vùng” khái niệm thế nào là “văn mẫu”, “bài mẫu”, thế nào là “học theo văn mẫu, bài mẫu”, thì việc trao đổi, tranh luận dễ dàng hơn, tránh tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” và nhiều ngộ nhận cho vấn đề. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng với lưu ý này của ông khi ông “trách” Bộ trưởng Bộ Giáo dục vì đã không giới thuyết khái niệm “văn mẫu”, và chờ đợi một sự minh định từ tác giả. Tuy nhiên, bài viết của ông lại chưa làm tôi thấy thỏa đáng với cách ông hiểu về vấn đề.

Đầu tiên tác giả phân biệt “mẫu” với “sao chép”, và nhấn mạnh “sao chép” không phải là “mẫu”, rồi ông nói luôn rằng “theo tôi hiểu, câu nói của ông [bộ trưởng]Cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò” không thể dùng theo nghĩa “copy” nói trên mà chắc hẳn phải theo nghĩa đúng, nghĩa chân chính của từ này”. Từ cái sự giải nghĩa này, Đào Tiến Thi đi đến nhận định: “Việc dùng bài văn mẫu để dạy trong phân môn Tập làm văn (Làm văn) là phương pháp có từ xưa đến nay, có thể nói đã trở thành kinh điển”. Nghĩa là theo tác giả, lời kêu gọi chống văn mẫu của Bộ trưởng là “một quan điểm sai và hoàn toàn phi thực tế”.

Nói cho rõ hơn, tác giả Đào Tiền Thi vì hiểu hai chữ “văn mẫu” trong lời kêu gọi chống văn mẫu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục có nghĩa là “mẫu mực” cho nên ông phản đối. Vì (theo ông) không ai lại đi chống cái mẫu mực cả, chống lại nó là sai lầm. Do đó, theo ông, việc Bộ trưởng (và tất cả mọi người nói chung) đang chủ trương “chống văn mẫu” là một hành động “sai và hoàn toàn phi thực tế”.

Đến đây, ta thấy tác giả đã nhầm lẫn hai vấn đề với nhau: chuyện hiểu sai và chuyện làm sai. Trong bài viết ông khẳng định rằng Bộ trưởng “không thể hiểu sai”, mà “chắc hẳn phải theo nghĩa đúng”, vậy hà cớ gì ông lại khẳng định ngay trên tiêu đề bài báo là “đang có sự hiểu sai”? Vì vậy, đúng theo tinh thần bài viết của ông, nếu đặt lại tên cho chính xác hơn thì sẽ là: Đang có sự hiểu đúng về văn mẫu nhưng làm [kêu gọi chống] sai.

Đến đây có thể chốt lại vấn đề: không có ai hiểu sai cả, cả Bộ trưởng lẫn tác giả Đào Tiến Thi và công chúng, mà chỉ có sự hiểu lầm – Đào Tiến Thi hiểu lầm ý Bộ trưởng và mọi người; từ đó mới sinh ra việc “cãi” bằng bài viết đang được chúng tôi nhắc đến ở đây.

2. Tìm cái “mẫu mực” ở đâu?

Không biết ngoài dựa vào việc giải nghĩa hai từ “mẫu” và “sao chép” ra thì tác giả Đào Tiến Thi có dựa trên một cơ sở nào khác nữa không để đi đến kết luận rằng “đang có sự hiểu sai về văn mẫu”, nhưng trên văn bản thì chúng tôi không thấy một lý lẽ nào khác nữa.

Thứ nhất, cái “mẫu” mà tác giả Đào Tiến Thi cho rằng cần phải có ấy thì trên thực tế lại đã hiện diện trong Chương trình 2018, và cụ thể hơn là trong các bộ sách đã và đang được soạn theo chương trình này. Các chương trình trước đó cũng là vẫn giữ và thực hiện những cái “mẫu” như tác giả Đào Tiến Thi yêu cầu, chứ không có ở đâu chủ trương xóa bỏ nó cả; và trên thực tế cũng chưa bao giờ có sự xóa bỏ ấy.

Như vậy, những cái “mẫu” (mẫu mực) một khi đang hiện diện trong chương trình và sách giáo khoa thì rõ ràng, tất cả phải mặc nhiên hiểu rằng lời kêu gọi chống văn mẫu là chống sự “sao chép”, chống cái rập khuôn, cứng nhắc chứ không thể hiểu là chống cái “mẫu mực” được. Và ở đây, chính tác giả Đào Tiến Thi mới là người đang “hiểu lầm” đối tượng cần chống, theo sự hình dung của ông về cách hiểu của mọi người với cái tên mà họ gọi ra là “văn mẫu”, chứ không phải ông Bộ trưởng hay công chúng nói chung.

Đi tìm cái hiểu [về văn mẫu] của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ở đâu? Ở trong chương trình và sách giáo khoa. Tác giả Đào Tiến Thi phải lần về chương trình ấy để xem có hay không có những cái “mẫu” mà ông yêu cầu phải dạy cho học trò, rồi mới có thể đi đến kết luận là ông Bộ trưởng (và giáo giới cùng bạn đọc nói chung) có đang “hiểu sai” hay không, chứ không thể chỉ căn cứ trên việc giải thích hai từ “mẫu” và “sao chép” hoàn toàn tách biệt văn cảnh để khẳng định một cách chắc nịch như ông đã làm.

Một khi những cái mẫu mà tác giả yêu cầu lại đang hiện diện ở đó (trong chương trình và sách giáo khoa) và ông tưởng rằng người khác “hiểu sai” thì kết luận của bài viết là không những thiếu chính xác mà còn là tự đánh vào tay mình. Nói một cách khác, tác giả Đào Tiến Thi đang phê bình một thứ không có, nó là sản phẩm của tưởng tượng.

3. Dạy cái “mẫu mực”, đã đủ chưa?

Một khía cạnh khác trong bài viết, tuy không trọng tâm bằng nội dung trọng tâm phía trên nhưng chúng tôi cũng muốn được trao đổi thêm với tác giả, đó là cái “quy trình” dạy văn - học văn mà ở đó ông nhận định là “việc sử dụng bài văn mẫu là tất yếu, là chuyện phải “có bột mới gột nên hồ.” Không có bài văn mẫu không thể dạy học sinh làm văn được”. Ở một mức độ nhất định thì kết luận này là hợp lý, nhưng nếu tuyệt đối hóa nó thì lại không ổn. Ông nói “Không có bài văn mẫu không thể dạy học sinh làm văn được”. Văn là sản phẩm của tư duy, sản phẩm của trình độ sử dụng ngôn ngữ cho nên bên cạnh những cái “mẫu” như ông nhấn mạnh thì việc “dạy” cho người học biết cách tư duy và tư duy độc lập, đồng thời biết sử dụng tiếng nói một cách chặt chẽ, chính xác, giàu tính biểu cảm phải là một nhiệm vụ thứ hai, đôi khi quan trọng không kém nhiệm vụ thứ nhất (dạy những cái mẫu mực). Nếu chỉ dạy theo một “quy trình” như ông đề xuất thì có thể học sinh vẫn không biết làm văn, nhưng việc dạy thành công phương diện thứ hai, chỉ phương diện thứ hai thôi, thì chúng ta vẫn sẽ có thể có được những bài văn hay, sâu sắc, mới mẻ. Cho nên, một quy trình “cứng” như ông nêu ra cần phải được làm mềm đi, và nhất là cần được bổ sung – không thể không bổ sung!

Nếu chúng ta nhớ lại thì suốt khoảng 30 năm qua môn Văn trong nhà trường đã dạy theo đúng cái cách mà tác giả Đào Tiến Thi đang đề xuất! Và kết quả thế nào thì chúng ta cũng đều đang thấy rồi đó. Vấn đề không phải là cái cách ấy sai, mà là do nó thiếu, chính là thiếu cái phương diện thứ hai mà chúng tôi đã nêu ra ở trên.

Chừng nào chúng ta còn muốn làm thay, còn muốn làm chủ và ban phát những cái “mẫu” cho học trò thì chừng ấy còn phải chờ đợi trong một tâm trạng bất an về sự thành công của đổi mới giáo dục.

Sự cứng nhắc, rập khuôn, thiếu niềm tin vào học trò và thiếu một tinh thần khai phóng sẽ khó mà tạo nên một sự đột phá thật sự trong giáo dục, cũng như trong dạy và học văn.

4. Kết luận

Ở đoạn cuối, tác giả Đào Tiến Thi viết: “Trong môn Ngữ văn, hiện tượng dạy và học theo lối “mì ăn liền” – học thuộc lòng “bài mẫu” hay cóp nhặt những đoạn “mẫu” để ghép thành bài, phục vụ cho kiểm tra, thi cử – là hiện tượng phải chống.” Như thế, tác giả đã thừa nhận có hiện tượng mà hiện nay người ta gọi là “văn mẫu”, còn bản thân ông vì không đồng tình với gọi tên ấy (văn mẫu) nên muốn dùng một tên khác, như là “văn sao chép”/ “văn thuộc lòng” chẳng hạn (?) – tóm lại là, theo ông, không thể gọi bằng cái tên “văn mẫu”!

Bài của tác giả Đào Tiến Thi về thực chất là bàn việc đặt tên cho một hiện tượng tệ hại trong dạy học Văn mà ai cũng thừa nhận, kể cả Đào Tiến Thi, chứ không phải thảo luận chính hiện tượng ấy, càng không phải phản đối quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Như vậy, loay hoay với việc đặt một cái tên cho một hiện tượng đã trở nên phổ biến như “văn mẫu” là vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì bản thân các bài học trong sách nghiễm nhiên là “mẫu”, và không cần phải gọi nó bằng một cái tên có tính trùng ngôn là “văn mẫu” – theo nghĩa “mẫu mực” nữa; và thiếu vì chính thực tế đã bày ra trước mắt chúng ta suốt mấy chục năm qua nhan nhản những bài, những sách, những cách dạy và cách học với cái tên “văn mẫu” mà không hề “mẫu mực” chút nào. Với những gì đã và đang diễn ra, chúng tôi thiết nghĩ, có lẽ khó lòng tìm được một tên gọi nào chính xác, đầy đủ và nhức nhối hơn hai chữ “văn mẫu” đâu.

(*) Bài đã đăng trên VietTimes, tác giả có sửa chữa, bổ sung và gửi cho Văn Việt.