Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Tiến thoái lưỡng nan – điệp khúc hai tuần

Tô Văn Trường

“Tiến thoái lưỡng nan

đi về lận đận

Tình đôi ngập ngừng

tiến thoái lưỡng nan”

(Trịnh Công Sơn)

Người bạn đồng tâm gửi cho tôi ít dòng tâm sự rất đáng suy ngẫm. Phải trong cuộc mới thấm những cái vất vả, cực nhọc. Phải là người có trách nhiệm, quyền lực mới thấy cái khó khi phát ngôn, phải quyết định những việc ảnh hưởng đến sinh mạng của con người. Trong hoạn nạn, khủng hoảng, mới bốc lộ bản chất, tính cách, tài năng và bản lĩnh của con người. Nhưng hoạn nạn, khủng hoảng, nhiều khi là cơ hội cho những kẻ làm ăn, chụp giật. Sự lương thiện cũng tuyệt vời và sự thất nhân tâm cũng tột đỉnh.

Dịch COVID diễn ra gần hai năm nay, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về mọi mặt cho con người, là mối lo lắng thường trực trong tâm khảm của tất cả những người có lương tri trên thế giới.

Những tháng qua, dịch tấn công dữ dội vào Việt Nam, đến nay đối phó vẫn chưa thành công, có nhiều nguyên nhân trước đây và hiện nay. Nhưng lúc này chưa phải là lúc ngồi trách cứ nhau, mà phải chung sức chống dịch.

Đây cũng là thời điểm nhạy cảm, có rất nhiều cách tác động tiêu cực đến tinh cảm của quần chúng. Thủ đoạn sắp xếp các sự kiện bỏ qua thứ tự thời gian và hoàn cảnh là rất quen thuộc và được nhiều kẻ không có thiện chí sử dụng khá thành thạo để kích động.

Phải chăng nên đồng tình với nhau về một số điểm sau đây:

Chống COVID là việc khó, chưa ai dám nói chắc là đã thành công, kể cả ở những nước giàu có, phát triển hạng nhất trên thế giới. Các quan điểm đã được đưa ra và thực hiện đều có “cái mất, cái được”, nhiều khi mất rất lớn về sinh mạng con người. Các khó khăn và những sai lầm là có thật, gây xúc động lương tri (ví dụ như sự quá tải về các nhà thiêu, ở Mỹ cũng như ở Ấn Độ, Indonesia và các nơi). Những sai sót/ khuyết điểm của chính quyền và người dân... là điều dường như không nước nào tránh khỏi.

Ở Việt Nam vấn đề covid lại không chỉ là chuyện đại dịch mà gắn liền với chính trị (thể chế Đảng lãnh đạo, quan hệ với Trung Quốc).

Trong tình huống đó, sự lúng túng của cán bộ lãnh đạo càng bộc lộ rõ rệt. Khác với thời gian trước đây, họ đã bỏ thói huênh hoang, tự đắc, hướng mọi cố gắng vào việc chống dịch, nhất là “chạy vaccine”. Đó là chuyển biến cơ bản cần được ủng hộ bằng mọi cách. Trên cơ sở đó, có thể góp ý kiến từ thực tế, để họ suy ngẫm, hoàn thiện, sửa đổi, cho tốt hơn. Không nên chì chiết, khích bác, thái độ “chọc gậy xuống nước”...

Vấn đề đưa người về quê là việc nên làm, các tỉnh phải tiếp nhận, tổ chức đưa đón, cách ly bà con tỉnh mình (như kinh nghiệm Bắc Giang, Bắc Ninh). Các mạnh thường quân và tổ chức từ thiện nên được khuyến khích tích cực làm việc này. Chính quyền cần từ bỏ thói quan liêu, tiểu tâm, như cách Hà Tĩnh từ chối ai đó tài trợ chuyến máy bay đưa người về quê.

Có tấm lòng hỗ trợ chống dịch là việc cần hoan nghênh. Việc nhận là của chính quyền và người dân. “Cách cho, của cho, mục đích cho” là những vấn đề mà bất cứ ai thuộc bên nhận đều phải cân nhắc trước khi quyết định nhận hay không. Đã tiếp nhận 5 triệu liều Sinopharm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rồi thì chỉ nên cảm ơn, giới thiệu, nhưng không ép dân phải tiêm, đồng thời phải chạy những vaccine khác, để giữ lời hứa tiêm vaccine cho TP. HCM với tốc độ nhanh nhất.

Phải thay đổi nhận thức về cách “tuyên truyền”, thực sự dựa vào dân để chống dịch. Virus không sợ cường quyền, không biết nói dối. Nó bộc lộ ngay sự thật chỉ trong một thời gian ngắn. Hơn lúc nào hết, cần nói đúng sự thật, những khó khăn, những vấn đề… để dân hiểu và chung sức chống “thù trong, giặc ngoài”. Chấm dứt cách “làm tư tưởng” bằng cách bưng bít, che giấu sự thật, chỉ nói cái tích cực. Gần đây đã thấy có những chuyển biến trên lĩnh vực này, nhưng chưa đủ.

Khái niệm F0, F1, F2,… vốn dành cho lĩnh vực nghiên cứu về di truyền học, không biết được ai “vận dụng sáng tạo” vào đại dịch COVID? Bên Nhật, bên Mỹ họ không dùng khái niệm này, chỉ có nhiễm, chưa nhiễm, không nhiễm. Cách thức đó cũng đã làm cho xã hội đỡ căng thẳng hơn, đỡ tốn kém hơn.

Khi có quan điểm cho F0 không có triệu chứng cách ly tại nhà, có nhiều ý kiến phản bác khá căng. Ai cũng có lý của mình. Chỉ có thực tiễn là thắng. Vài ngàn F0, cách ly OK. Vài chục ngàn F0, cách ly cũng OK. Nhưng vài trăm ngàn F0, không ở nhà thì đi đâu?

Cứ nghĩ Hà Nội gần phương Bắc, Quảng Ninh quý khách Tàu, Đà Nẵng thành phố được nhiều người thích sống, bãi biển Nha Trang nghe tiếng Tàu nhiều hơn tiếng Việt, sẽ là nơi nguy cơ phát tán dịch cao nhất nhưng rồi chính Sài Gòn lại là nơi bị điểm huyệt. Dù cả Sài Gòn cùng Chính phủ gồng mình, quyết tâm, quyết liệt, nhưng rồi vẫn lâm trận nặng nề. Khổ nhất dân thập phương ở trọ, ăn trọ và làm trọ ở Sài Gòn. Cùng đường, họ phải tìm đường về quê, dù là phải đi bộ, đi xe đạp, dù mới sinh con, …

Sài Gòn cho xe cảnh sát dẫn đường cả những đoàn người như diễu hành. Khổ sở, nhếch nhác. Các tỉnh có nơi tổ chức đưa đón rồi lại thôi, có nơi từ chối không nhận rồi lại thôi. Dân cũng “tiến thoái lưỡng nan”. Chính quyền cũng “tiến thoái lưỡng nan”! Người đi hay kẻ ở vẫn đòi hỏi phải sống nên không bao giờ được ngăn cách nguồn tiếp tế lương thực và thực phẩm cho dân chúng, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, trợ cấp nhanh chóng đến tận tay những người cần được thụ hưởng. Đừng để người dân bí bách vượt quá ngưỡng chịu đựng!

Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại lời của Nguyễn Trãi khi ngổi thuyền suôi về Chí Linh tìm chốn điền viên, lánh việc đời: “KHI đắm thuyền, MỚI biết dân là nước!” – phải chăng là lời than hơn là lời răn, nhắc nhở về sự GIÁC NGỘ muộn mằn; bởi chỉ KHI tức là GIÁC được thì MỚI (!) NGỘ được; còn lúc chưa tới cái KHI đó thì vẫn chưa NGỘ, thường vẫn dương tự đắc; thậm chí là ngạo nghễ, ngạo mạn! Thâm thúy thay cái từ NGỘ trong triết lý Phật giáo – ngộ được, hiểu được cả những điều chưa GIÁC được!

Nóng nhất hiện nay là chuyện vaccine. Nhà nhà bàn chuyện vaccine, người người bàn chuyện vaccine. Tâm lý ưa vaccine tư bản thì bên Mỹ, bên Israel người ta thấy chỉ có hiệu quả phòng bệnh khoảng hơn một nửa, phải tiêm lần 3 mà vẫn chưa chắc ăn. Nghe đến vaccine Tàu là dân sợ. Tại sao lại sợ khi Tàu đã tiêm cho hơn cả một tỷ dân? Hay là vì cái hình lưỡi bò, cái cầu cạn đường sắt Hà Đông - Cát Linh làm cho uy tín vaccine Tàu tệ hại đến thế? Không dùng vaccine Tàu thì 5 triệu liều của Vạn Thịnh Phát chẳng mấy bữa sẽ bất hoạt? Rồi vaccine Việt, “nam dược trị nam nhân” vẫn còn trên con đường gian nan.

Vaccine ngừa COVID-19 có nhiều loại, mỗi loại lại có nhiều nhà sản xuất; vì tính khẩn cấp của vấn đề và yếu tố thời gian, nên tính an toàn và hiệu quả của mỗi loại còn là một câu hỏi lớn!

Chúng ta đã có chút ít thời gian ở đợt chống dịch ban đầu 1, 2, 3; đáng lẽ, lợi dụng điều đó ta phải triển khai tiêm chủng sớm thì lại bỏ mất cơ hội vàng đó. Đối với loại vaccine “bất hoạt” (SenaVac) tuy cổ điển, nhưng là loại đa dòng, có khả năng tạo nhiều loại kháng thể, có thể phòng ngừa (về nguyên tắc) với nhiều loại biến thể của covid- 19. Đối với loại vaccine “protein tái tổ hợp” như công nghề mRNA, công nghệ “vecto”, đây là loại công nghệ hiện đại, … là loại tạo kháng thể đơn dòng đây chính là điểm hạn chế của loại này đối với các biến thể covid-19 mới lạ.

Hiện nay, số bệnh nhân COVID ở ta khá lớn, hơn 80% trong số đó lại không có triệu chứng, hoặc triệu chứng phơi nhiễm nhẹ? Vì sao và do đâu? Để làm rõ vấn đề này, ta cần có số liệu lâm sàng về kháng thể tự nhiên trong cộng đồng? Ở Ấn Độ là >67%, trong đó 62% chưa bị nhiễm và chưa tiêm vaccine. Có thể ở ta, con số này còn cao hơn nhiều.

Cứ giãn cách 2 tuần rồi lại 2 tuần mà không chắc sau mấy lần 2 tuần mới hết giãn cách? Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng ngày đêm vật lộn trên tuyến đầu chống dịch thấy xót xa, rất đáng trân trọng. Ngay cả các chú, các cháu công an, dân phòng đứng ở các chốt cũng rất vất vả. Cứ xem, họ căn vặn, tranh cãi cho đi hay không suốt ngày như thế thì luôn là cơ hội tốt cho con Delta nhảy múa và họ thành người có nguy cơ nhiễm Covi và rồi chính họ là nguồn lây lan Covi khi họ thuộc nhóm 80% không có triệu chứng. Thật luẩn quẩn!

Nhưng rồi, chẳng riêng gì nước ta, nước nào cũng vậy, tụt xuống đáy thì rồi lại phải bò lên. Không bò lên thì chết. Bản năng sinh tồn bắt người ta phải như thế. Khác nhau chỉ là bò lên nhanh hay chậm và khi bò lên có bị ai kéo chân không!!!

Đừng hy vọng phải bít đường đi của Covi, diệt bằng hết Covi, tách bằng hết F0 ra khỏi cộng đồng. Giỏi như Mỹ như Nhật mà còn không có những câu khẩu hiệu kiểu ấy!

Công thức của lối ra không có gì xa lạ cả vì thế giới đã làm và đang làm là: 5K + Vaccine + tự biết và giúp nhau điều trị thể nhẹ + bệnh viện tập trung điều trị cho thể nặng và sống chung với nó.

Hy vọng sẽ sớm có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc bán đặc hiệu để thoát được cảnh tiến thoái lưỡng nan như vừa qua.

Không chỉ ở Tây với ở Tàu

Ở ta cũng vậy, khác được đâu?

Biết lấy thời cơ làm bàn đạp

Biết đổi thay mình mới bền lâu.

Cô-vít đến bao giờ mới hết?

Quốc kế dân sinh - chuyện dài lâu

Cân đối chống, xây sao cho khéo

Muốn yên, dân phải lấy làm đầu!