Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

7

Vũ Duy vào tù sau Tương Giang hai năm. Nếu so với nhóm bạn hắn: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, thì hắn “đi” sau bốn năm.

Nhiều người bảo Vũ Duy tuy là một thủ lĩnh trẻ, có ảnh hưởng lớn trong phong trào dân chủ, đòi tự do, nhân quyền của cộng đồng Thiên chúa giáo, nhưng hắn lại rất tỉnh táo không tham gia bất kỳ tổ chức, phe nhóm nào, rất khôn ngoan trong việc dấu chứng cứ, tung tích, để chính quyền khó có thể bắt hắn theo điều 88, điều 79, hay điều 258 bộ luật Hình sự. Ở một góc độ nào đó, Vũ Duy gần giống luật sư Lê Quốc Quân, cũng nhiệt huyết, trí lự, thông minh và ngoan cường một cách quá khích… lúc nào cũng hừng hực muốn thổi vào lớp trẻ thế hệ mình ngọn lửa công lý, tự do, dân chủ, bác ái. Công ty Tin học ứng dụng Lửa Việt, của anh em Duy rất được các đối tác trong nước và nước ngoài tín nhiệm và hợp tác. Trong ba năm liền doanh thu liên tục tăng gấp bốn lần, lợi nhuận sau thuế mười tám phần trăm.

Có lẽ vì cung cách làm kinh tế quá hiệu quả ấy của Vũ Duy, trong khi không tìm được lý do, chứng cứ chính trị nào, mà cứ để Vũ Duy nhơn nhơn “chửi bới” chế độ, “vạch trần” cái chăn nhà nước quá nhiều rận trên các trang mạng, trong các buổi cầu lễ nhà thờ, các cuộc tụ tập của sinh viên, thanh niên, các cuộc biểu tình, rồi ngang nhiên tự ghi tên mình, vận động cho mình ứng cử đại biểu Quốc hội…, cơ quan an ninh Hà Nội ngứa mắt quá, thấy Duy nguy hiểm quá, liền viện cớ bắt giam hắn với tội danh: Trốn thuế, theo khoản 3 điều 161 Bộ luật Hình sự.

Làm sao cãi lại nổi nhà cầm quyền một khi họ muốn bắt mình? Họ bảo trốn thuế, nhưng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Biết thân phận là một doanh nghiệp tư nhân, tứ bề bị soi chiếu, Duy luôn nhắc anh em trong gia đình và nhân viên phải hoàn tất mọi hồ sơ, chứng từ, sổ sách đầy đủ, hằng tháng nộp thuế đúng thời hạn, cố gắng tham gia mọi hoạt động xã hội, tích cực làm công việc từ thiện… Vậy mà một ngày đẹp trời, công an ập đến văn phòng công ty đọc lệnh khám xét về tội khai man thuế, trốn thuế, rồi áp tải về khám nhà. Ô hô, cháy nhà ra mặt chuột. Đây nhá, không chỉ trốn thuế, mà còn tàng trữ tài liệu sách báo phản động. Đĩa mềm, đĩa cứng, USB, Email, sách báo, tài liệu photo… đủ cả. Tài liệu cấm lưu hành của Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Bùi Tín, Nguyễn Gia Kiểng, Hà Sĩ Phu, Vũ Thư Hiên, Andre Menras Hồ Cương Quyết, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Ba Sàm, Quê Choa, Tô Hải, Phạm Thành, Bùi Minh Quốc… Toàn phản động ngoại hạng. Kia nữa, tài liệu của Đại sứ quán Mỹ; của Tổ chức Nhân quyền quốc tế; của Tổ chức nhà báo không biên giới; thư từ trao đổi với thượng nghị sĩ John Mccain, từng là giặc lái máy bay Mỹ, khách không mời của Hilton Hỏa Lò Hà Nội. Soi vào điều 79, điều 88, trật đằng giời.

Đúng cái lúc Duy bị còng tay giải về nhà để làm thủ tục khám xét, cũng là lúc Quỳnh Thy vừa đón thằng Vũ Lân đi mẫu giáo về. Thằng bé hốt hoảng khóc thét lên, ôm chặt lấy mẹ, đôi mắt mở to kinh hãi. Còn Quỳnh Thy, nàng đứng sững ở cửa. Suốt đời Duy sẽ không quên đôi mắt Quỳnh lúc ấy. Đau đớn, thẫn thờ, bất lực. Đôi mắt như nói: Vì sao ra nỗi này? Anh có điều gì giấu mẹ con em? Rồi nàng gạt tay người công an, ào đến ôm chầm lấy Duy. Không. Các ông không được bắt chồng tôi. Anh ấy không có tội.

Cũng lúc ấy, mắt Duy bỗng tối sầm lại, khi Quỳnh Liên vừa khóc nức nở vừa vung cái ba lô, rẽ mọi người từ sảnh cầu thang chạy đến chỗ Duy. Cô bé như phát điên, tóc xõa, nước mắt giàn giụa, miệng méo xệch: Các ông không được bắt bố tôi. Đừng vu cáo, bịa tội. Bố tôi không bao giờ trốn thuế. Muốn bắt về tội đòi tự do nhân quyền thì cứ bắt, việc gì phải bày đặt, mưu mô thế này… Bị đẩy ra ngoài, Quỳnh Liên liền mở iphone quay liên tục. Tôi sẽ đưa lên mạng để toàn thế giới biết trò vu cáo hèn hạ của các người…Một cuộc rượt bắt để tịch thu điện thoại của Liên, nhưng cô bé lọt giữa đám đông và được ai đó dìu xuống cầu thang.

Chỉ ít phút sau, hình ảnh luật sư Vũ Duy bị bắt, bị vu tội trốn thuế đã lan truyền trên mạng.

Sau này, trong tù, Duy mới biết những việc làm của con gái. Để kêu oan và bảo vệ luật sư Vũ Duy, cô nữ sinh lớp 10 đã gửi clip hình ảnh và tin, bài đến những trang mạng lề trái, các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước. Cô tự viết bằng tiếng Anh gửi đến đại sứ quán các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada... đề nghị can thiệp. Hiệu trưởng và công an khu vực đã gọi Quỳnh Liên đến thẩm vấn, dọa đuổi học. Cô bướng bỉnh trả lời: Em bênh vực bố, có gì sai? Nếu thấy em làm những điều không đúng, cứ việc đuổi học.

Những ngày dằng dặc trong tù, hình ảnh Quỳnh Thy và hai đứa con Quỳnh Liên, Vũ Lân luôn choán hết tâm trí Vũ Duy. Thằng Lân sang năm mới vào lớp một. Nó cách con chị mười tuổi và luôn coi Liên như cô giáo nhỏ của mình. Hai mẹ con cùng chăm sóc và rèn cặp em, thế cũng tạm ổn. Lo nhất là Quỳnh Liên, con bé đang ở tuổi phá cách, rất dễ bị thương tổn, dễ bị tác động bởi môi trường. Càng lớn nó lại càng giống Quỳnh lạ lùng. Cũng gương mặt trái xoan, đôi mắt to đen, sống mũi dọc dừa, vành môi cắn chỉ. Nhiều lúc, Duy cứ thần người nghĩ ngợi để tìm xem có nét nào Liên giống người ấy, mà tuyệt nhiên không tìm ra. Liên là phiên bản đồng dạng tuyệt đối của mẹ.

Ngoài Duy và Quỳnh ra, không ai biết bí mật của Quỳnh Liên.

Đã biết bao lần, đúng hơn là hằng ngày, hằng đêm, mỗi lần cầu nguyện, Vũ Duy đều tạ ơn Đức Chúa cao cả đã cho Duy quá nhiều ơn phước, đã mang đến cho đời Duy hai báu vật tuyệt vời, đó là Quỳnh Thy và Quỳnh Liên.

Sự xuất hiện đột ngột của Quỳnh Thy ở nhà thờ buổi chiều ấy, như sự sắp đặt sẵn của Chúa, sự mặc khải của định mệnh. Mãi sau này, và có thể suốt cuộc đời, Duy sẽ không bao giờ biết Quỳnh đã từ đâu lạc tới nhà thờ? Còn con người phụ tình ấy, sẽ không bao giờ biết, từ nhà nghỉ Bông Trang bên hồ Đại Lải trưa ấy, Quỳnh đã đi đâu?

Chúa đã mang Quỳnh tới cho Duy, qua một người bạn gái trong ca đoàn nhà thờ, trong bộ dạng tiều tụy, chán đời của một con chiên ghẻ thoi thóp. Không, lúc ấy Quỳnh chưa phải là con chiên, Quỳnh vẫn chưa đến với nước Chúa, nàng vẫn chỉ là một chúng sinh ngoại đạo khốn khổ. Chỉ một thoáng nhìn vào đôi mắt hoang hoải gần hết sinh lực và niềm tin, nhưng quả là một đôi mắt qúa đẹp, Duy thất thần và choáng váng, như người đang trên bờ, thấy một người đuối nước chới với, liền không kịp toan tính gì cả, vội nhào xuống.

Duy không chỉ cứu một mình Quỳnh Thy, mà cả một bào thai đang hình thành nữa, đó là bé Quỳnh Liên sau này.

Khi biết mình có thai, Quỳnh Thy hốt hoảng định tìm đến bệnh viện phá bỏ, thì đột ngột Duy đề nghị làm lễ cưới.

-Không… Không được đâu… - Quỳnh chối đây đẩy.

-Sao vậy em? Anh thực sự yêu em mà…

-Nhưng em…Em không thể… Em không muốn lừa dối anh…

-Anh biết… Em ngại mình chưa nhập nước Chúa (theo đạo) phải không? Thì anh sẽ đưa em đến với các Soeur ở trường dòng để thụ giáo (học) về kinh bổn. Anh sẽ xin cầu Đức Cha làm lễ rửa tội và đặt ban tên thánh cho em. Chúng ta sẽ tổ chức lễ cưới tại nhà thờ.

-Không… Nhưng mà em…

Khó khăn lắm, rồi cuối cùng Quỳnh cũng nói với Duy cái điều tưởng không thể nói ra:

-Ban đầu, em định phá bỏ... Nhưng khi đến với Chúa, em lại không thể. Dường như Chúa đã xui em đến gặp anh. Nhưng em không thể lừa dối anh. Em đã xưng tội trước Chúa, thú nhận lỗi lầm của mình. Và nay, nếu anh thật lòng yêu em, em cũng phải thú tội với anh…

- Đừng nói thế. Em không có tội gì cả… Với anh, như Đức Chúa dạy, em là kẻ khác trong ta, em là phần khác của anh, em như đóa sen không vẩn mùi bùn…

Có lẽ cái tên Quỳnh Liên – Sen ngát, khởi đầu từ buổi ấy. Và từ đó Quỳnh trở thành con chiên ngoan đạo của Chúa có tên thánh là Teresa Quỳnh. Nàng và Duy thường đi lễ nhà thờ mỗi chiều chủ nhật.

***

Lệnh bắt Vũ Duy là do an ninh thành phố, mà trực tiếp là PA7 của Hà mắt nai. Một loạt bài về PMU18,Vinashin,Vinalines, rồi trích tác phẩm CON ĐƯỜNG VIỆT NAM của Trần Huỳnh Duy Thức đăng trên facebook cá nhân của Duy như những mũi dao ngoáy vào tim thể chế, làm nhà cầm quyền đau buốt, giờ lại thêm vụ lùm xùm ứng cử đại biểu quốc hội của Duy càng làm cho các cụ trên thượng đỉnh ngứa mắt. Rõ là dân chủ quá trớn. Chủ trương đảng cử dân bầu rõ như ban ngày, suốt từ thời lập nước dân chủ cộng hòa đến giờ vẫn thế, hà cớ gì bọn nhân danh dân chủ, bọn dương cờ tự do kiểu tư bản giãy chết bỗng hoắng lên, ào ạt kéo nhau ghi tên ứng cử tự do. Thế này thì loạn đến nơi. Mất Đảng là mất hết. Chỉ cần hai mươi phần trăm bọn tự diễn biến, thậm chí bọn Việt Tân cài cắm vào quốc hội là Đảng sẽ mất hết quyền lãnh đạo. Nguy hiểm quá. Phải si-top lại ngay. Đó là ý kiến của anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm… Hà Nội và Sài Gòn có tới hai mươi bẩy ứng cử viên đại biểu quốc hội tự do, nguy hiểm quá, phải tìm mọi cách dập dịch.

Trong số mười lăm ứng viên tự do của Hà Nội, ngoài tiến sĩ luật sư Cù Huy Hà Vũ, thì Vũ Duy là ứng viên nguy hiểm không kém.

Luật sư họ Cù quá thông minh, sắc sảo, tu nghiệp ở Mỹ, ở Pháp, luật tây ta làu làu, lại dám cả gan đương đầu với lãnh tụ, dám đâm đơn kiện thủ tướng, anh hùng cái thế sánh ngang với Hector của thành Troy, Kinh Kha của nước Vệ, như giáo sư Ngô Bảo Châu từng đánh giá. Đó là điểm mạnh vượt trội. Nhưng nếu nhìn vào đời tư, vào nhân thân thì họ Cù có vấn đề. Là thái tử đảng, con nhà thơ lớn đại công thần Cù Huy Cận, nhưng hình như quan hệ bố con, anh em trong gia đình chưa thuyết phục. Đưa nhau lên ti vi, báo chí vì mấy mét nhà thì… e không ổn thỏa lắm. Người ta nhìn vào ứng xử bố con để định vị nhân cách. Ngay trong giới trí thức, họ Cù cũng không được tín nhiệm.

Với Vũ Duy thì khác. Xuất thân thôn quê, bình dân như hầu hết thanh niên đại trà, nhưng Duy có ý chí lập thân lập nghiệp, tự vươn lên, là hình ảnh của lớp trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ công giáo, thực sự có khát vọng vì một nền dân chủ, một xã hội dân sự, vì con người, quyền con người.

Thời kỳ tu nghiệp ở đại học Harvard, Duy từng có những buổi thuyết trình về tự do, nhân quyền ở Việt Nam. Rất đông sinh viên các nước và nhiều chính khách Mỹ, tất nhiên nhiều nhân vật số má của chính quyền Sài Gòn cũ, đến dự. Và Duy được nghị sĩ John Mccain coi như một người bạn tâm giao, được giới thiệu với Tổng thống Bill Clinton. Về Việt Nam, Duy tổ chức nhiều buổi diễn thuyết tại nhiều nhà thờ, từ quê Duy, tới các thành phố lớn, về khát vọng tuổi trẻ, về quyền lao động, sáng tạo, về vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng và quản trị đất nước.

Có một seminar do Luật sư Vũ Duy thuyết trình tại giảng đường Đại học Ức Trai, được quay clip và lan truyền trong giới trẻ, khiến các nhà lãnh đạo tuyên giáo và truyền thông như bị một cú đòn trời giáng.

Chuyện rằng, Duy có một người bạn vong niên dạy triết học ở đại học Mỹ thuật Ứng dụng và thỉnh giảng ở nhiều trường đại học khác: Tiến sĩ Lê Kiến Quốc, biệt danh Quốc Bói. Chơi với nhau từ thuở hàn vi, tốt nghiệp đại học triết, đại học luật, ra trường không có nơi dùng, hai anh em phải xoay đủ nghề kiếm sống, từ buôn hàng vặt gửi tàu Bắc Nam, làm nhựa gia công, buôn và nuôi cá hồi, cá tầm từ Cần Thơ ra Hà Nội… Rồi cuối cùng, Chúa cứu rỗi, Duy được học bổng sang Harvard, Lê Kiến Quốc sang Bắc Kinh làm luận án: “Thuật phong thủy của người Trung Quốc cổ đại”. Duy có nhiều lời mời ở lại Mỹ, Quốc có gái Hàng Châu mê, nhưng cả hai đều quyết về quê Việt. Kẻ sĩ mà lưu vong kiếm bơ thừa sữa cặn ở xứ người thì đâu có xứng đáng đứng trong trời đất.

Dạy triết học ở một trường đại học mà chuyên môn là vẽ, nặn, khâu, may, đục, đẽo…, khác nào anh giáo thể dục ở một trường chuyên toán, văn, ngoại ngữ, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Ấy vậy mà giờ triết của tiến sĩ Quốc, học sinh mê như điếu đổ. Bởi ông thông kim bác cổ, đọc sâu, hiểu rộng, đi nhiều, lại có tài hùng biện. Học trò trai lẽo đẽo theo ông như các đồ đệ, học trò gái mê mẩn và tơ tưởng thầy quên cả tìm người yêu. Thú nhất là môn học của thầy, chơi mà học, nhưng cuối năm ai cũng điểm cao ngất ngưởng. Có cậu sinh viên khóa Bồi dưỡng cao cấp, dốt nhất lớp, tên kêu như chuông: Đoàn Lý Tưởng, rất sợ môn triết. Lần ấy, thi oral cuối năm, thầy hỏi: “Em biết gì về duy vật biện chứng?” “Em không biết”. Thầy lại hỏi: “Em biết gì về thuyết thặng dư?” Lại đáp: “ Em không biết”. Thầy: “Thế là tôi biết em rồi. Vậy em muốn mấy điểm? 6 nhé”. Đáp: “ Thưa thầy, cao quá, em không xứng”. “Thầy: “Thế thì 5 nhé, em về chỗ”. Cậu sinh viên ấy, bảy năm sau là ủy viên trung ương, lãnh đạo tỉnh N, khi nào lên Hà Nội cũng ghé thăm thầy, biếu thầy một phong bì dày cộp. “Em không biết mua quà gì, thầy đại xá cho”.

Một ngày kia, bỗng có vị cán bộ văn phòng Nhà nước sang trường đại học tìm tiến sĩ Lê Kiến Quốc. “ Ông làm tôi tìm suốt cả tuần nay. Sang Viện Hàn lâm, rồi lên Bộ Giáo dục chỉ lục tìm xem có giáo sư tiến sĩ nào nghiên cứu về phong thủy. May quá. Có đúng là thầy làm tiến sĩ về “Thuật phong thủy của người Trung Quốc cổ đại không?”. “Đúng rồi. Thì sao” “. Thì mời thầy về ngay Dinh. Anh Hai đang muốn sắp xếp lại hướng ngồi và tiện nghi phòng làm việc. Từ ngày nhậm chức, anh cứ đi tìm thầy phong thủy…” Tiến sĩ Lê Kiến Quốc bắt đầu lên hương từ đấy. Các vị Trung ương, các quan đầu tỉnh, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn…thi nhau mời Quốc đi xem nhà, xem mộ, động thổ khu chế xuất, tân gia căn biệt thự, đặt móng ngôi từ đường…Biệt danh Quốc Bói bắt đầu từ đó.

Thế rồi, cao hứng, tiến sĩ Quốc Bói mời Vũ Duy đăng đàn chuyên đề seminar bàn về Dân chủ. Hội trường chật kín không còn chỗ trống. Nhiều sinh viên các khoa khác, các trường khác biết tin cũng kéo nhau tới. Sinh viên kê ghế ngoài hành lang, ngồi lên cửa sổ. Phải thêm mấy dàn loa kéo từ bục diễn giả ra ngoài sân.

Vũ Duy như nhập đồng. Hắn nói về nội hàm Dân chủ từ thượng cổ tới nay, từ đông sang tây, từ Tư bản giãy chết tới Chủ nghĩa Xã hội… Hắn nói về các hình thái nhà nước, về dân chủ như một công cụ cai trị và vũ khí khai sáng.

- Chúng ta đang sống đây, có phải trong môi trường Dân chủ hay không – Hắn bắt đầu vào chủ đề chính của seminar – Không. Tôi nói với các bạn là không. Chúng ta đang bị lừa bịp, nói nhẹ nhàng hơn là bị ru ngủ. Cả dân tộc này đã bị lừa bịp từ khi mẹ u Cơ sinh ra các thế hệ người Việt. Thời phong kiến, làm gì có dân chủ. Thời thực dân, dân chủ càng xa vời. Từ chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân chủ vẫn là thứ bánh vẽ. Dân chủ nói như Cụ Hồ là phải để cho người dân được mở miệng. Vậy dân Việt Nam đã được mở miệng bao giờ chưa? Các bạn, ai có thể nói cho tôi biết, dân ta đã được mở miệng bao giờ chưa?

Một thanh niên áo xanh dương, vụt đứng lên lên, giọng như hét:

-Nói láo. Chưa bao giờ chúng ta dân chủ như bây giờ. Chúng ta đang sống trong một thời đại vinh quang nhất, thời đại Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Nghĩa là Dân làm chủ…

Lập tức nhao nhao phản đối:

-Chính nó mới nói láo. Đuổi thằng áo xanh ra. Giave đấy.

-Nó chuyên bưng bô để ngoi lên lãnh đạo đoàn. Bọn dân chủ giả hiệu.

-Thôi đi các bố, trật tự nào. Hãy để thầy Duy nói.

Vất vả lắm, buổi Seminar mới được tiếp tục. Vũ Duy nói về CON ĐƯỜNG VIỆT NAM của nhóm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, về dân chủ trong bầu cử. Hắn tuyên bố, để thực hiện những điều Hiến pháp quy định: Mọi công dân đều có quyền tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do ứng cử và bầu cử, sắp tới hắn sẽ ghi tên ứng cử đại biểu Quốc hội. Ngay từ bây giờ hắn đã có hẳn một chương trình hành động. Hắn sẽ xung phong đại diện cho lớp trẻ, mang nhiệt huyết và tri thức của tuổi trẻ phụng sự Tổ quốc…

Đang lúc hắn được cả hội trường đứng lên rầm rầm cổ xúy, được nhiều em xinh đẹp chen nhau lên xin chữ ký, thì an ninh khu vực xuất hiện.

Buổi Seminar bị giải tán.

***

Luật sư Vũ Duy đâu dễ bỏ cuộc. Hắn và mười bốn ứng viên tự do của Hà Nội vẫn kiên quyết thực hiện chương trình hành động của mình.

Chưa bao giờ có một phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội rầm rộ như thế. Luật sư tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ lên hẳn tivi tự quảng bá cho mình. Luật sư Lê Quốc Quân được nhà thờ Thái Hà hiệp thông cầu nguyện cả tuần lễ như một con chiên ngoan được Chúa cử đi làm chức phận thiêng liêng. Nhà văn Phạm Thành, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Hậu Chí Phèo” tình nguyện về quê hương Thanh Hóa ứng cử. Tiến sĩ Nguyễn Quang A tình nguyện không hưởng lương khi trúng cử đại biểu Quốc hội. Ca sĩ Mộng Thu đại diện cho giới văn học nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Thượng Long, cha đẻ bài phú khóc Hà Tây được hàng triệu người thuộc, nguyện sẽ đòi lại Xứ Đoài mây trắng nếu được làm nghị sỹ. Rồi Tiến sĩ vật lý Nguyễn Hanh Thông và Nguyễn Vũ Bình nguyên phóng viên Tạp chí Cộng Sản; Bác sĩ cấp I Phạm Huỳnh và cô giáo kiêm nhà thơ Lan Nhi… Chưa bao giờ có không khí tự do dân chủ đến thế.

Mười lăm công dân ưu tú và đầy nhiệt huyết của Hà Nội, tiến hành mọi thủ tục (đăng ký với cơ quan Mặt trận Tổ quốc từ cấp phường, quận, thành phố; khai lý lịch công dân; hồ sơ sức khỏe; chương trình hành động, vv…) một cách rất nghiêm túc, thậm chí như những nghi lễ thiêng liêng. Tất nhiên, đáp lại một cách có vẻ cũng rất nghiêm túc, các cơ quan truyền thông báo chí, mặt trận cũng đưa danh sách, tiểu sử, lý lịch, chức danh khoa học và cả hình ảnh của 15 vị ứng viên tự đo đại biểu Quốc hội lên báo, đài, tivi, y như mọi ứng viên do đảng cử dân bầu.

Quỳnh Thy nói với chồng: “Anh muốn làm trò hề cho thiên hạ đấy à? Người ta đưa 15 vị vào danh sách, có khác nào đưa 15 tấm bia để mọi người tập bắn”. Con gái Quỳnh Liên bảo: “Con hiểu bố theo một cách khác mẹ ạ. Bố tình nguyện làm tấm bia để tập dượt cho mọi người ý thức lựa chọn khi cầm lá phiếu bầu”. Hắn nháy mắt với con gái: “Con rất hiểu bố. Không thành công thì cũng thành nhân. Lãnh tụ Quốc Dân đảng Nguyễn Thái Học biết chắc sẽ chết nhưng vẫn muốn dâng hiến cho đồng bào mình bài học về tình yêu Tổ quốc”.

Bước sát hạch cuối cùng, trước khi đưa 15 ứng viên vào danh sách chính thức bầu cử, được làm rất bài bản, đúng quy trình. Nhưng cả 15 vị đều ngã ngửa: Phiên họp để lấy ý kiến tổ dân phố không diễn ra ở nơi họ đang sống, sinh hoạt, mà diễn ra ở hội trường của phường, hoặc nhà văn hóa của tổ dân phố khác với những đại biểu lạ hoắc, thậm chí nhiều người từ đâu đến, nhiều diễn viên đóng thế, nhiều dư luận viên 47 đầu gấu cài cắm.

Tại cuộc hiệp thương lấy ý kiến tín nhiệm đối với Vũ Duy, do Mặt trận Tổ quốc Thành phố tiến hành ở hội trường ủy ban phường, cách biệt hẳn nơi Duy ở, cũng có máy quay phim, chụp hình, phóng viên báo đài đủ cả. Không có bà con cô bác thân thuộc mà hàng ngày Duy gặp. Không có cả vợ con, bạn bè Duy. Duy lạc giữa những người xa lạ, như bị ném vào một ốc đảo của hành tinh khác. Và cuộc lấy ý kiến tín nhiệm Vũ Duy trở thành cuộc đấu tố của thời Cải cách Ruộng đất. Hắn vừa đứng lên định trình bày chương trình hành động, thì hàng chục tiếng la ó nổi lên:

-Tên phản động Việt Tân.

- Thằng đội lốt tôn giáo chống phá khối đoàn kết.

- Kẻ gián điệp cho Mỹ.

- Thằng trốn thuế… Sao không bắt nó bỏ tù mà còn nuông chiều cho nó đến đây?

Duy thực sự trở thành một tấm bia cho mọi người nhằm bắn.

Duy muốn bật khóc. Nhưng hắn đã nghĩ đến cái vở tuồng dân chủ này từ trước, nên cố tiến lên bục, nhìn khắp lượt, nặn một nụ cười, rồi dõng dạc:

-Thưa quý vị. Tôi muốn nói đôi lời cảm ơn quý vị đã đến đây hôm nay. Một người ứng cử tự do như tôi, tất nhiên là một trường hợp rất hãn hữu, thậm chí khác thường trong suốt từ khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến nay. Khóa Quốc hội ấy, có 70 đại biểu không do dân bầu, mà được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời bổ sung, như thế mới trọn vẹn một Quốc hội đa thành phần, khác tiếng nói, một Quốc hội có màu sắc dân chủ…

-Xuống ngay – Một người mặt đỏ lẫy lừng huơ tay lên – Thằng này đảng Việt Tân đó.

Lập tức mấy chục người đứng lên, một vài người lên bục kéo Duy xuống. Tiếng la ó, tiếng chửi rủa ầm ĩ như vỡ chợ. Có một vài quả cà chua từ phía cửa sổ bay về phía Duy.

Mấy người bạn đi cùng, thấy nguy hiểm, vội lên dìu Duy khỏi bục hội trường. Một thất bại bẽ bàng.

Nhưng may thay, sự thật nhấn trong nước không chìm. Quỳnh Liên và hai cậu bạn cùng lớp đã bí mật quay clip toàn bộ buổi lấy ý kiến cái gọi là tổ dân phố ấy. Và ngay hôm sau, trên Blog Annamite của Ngô Viễn đã có bài viết kèm theo Youtube: “Một trò chơi Dân chủ mạt hạng với ứng viên đại biểu Quốc hội tự do Vũ Duy”.

Nhanh như điện, các trang mạng lề trái, trong nước và trên thế giới đã tràn ngập hình ảnh và tin luật sư Vũ Duy đã lãnh đủ đòn “dân chủ” của chế độ độc tài cộng sản như thế nào?

Tướng Chín K gầm lên trong máy với lãnh đạo công an Hà Nội:

-Tôi không còn mặt mũi nào gặp Bộ trưởng và anh Ba. Sao các anh lại có thể ấu trĩ trong nghiệp vụ như thế được?

-Báo cáo đồng chí. Chúng tôi sẽ cho bắt ngay Vũ Duy trước ngày bầu cử.

-Không được. Đồng chí không được đổ dầu vào lửa. Như thế có khác nào vạch áo cho người xem lưng. Thế giới sẽ nhìn chúng ta như những kẻ mọi rợ, như một xứ mông muội về dân chủ, nhân quyền.

-Báo cáo đồng chí, chúng tôi sẽ không bắt hắn về tội danh dân chủ hay vấn đề bầu cử. Chúng tôi bắt Vũ Duy về tội trốn thuế.

H.M.T.