Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (29)

TẠI SAO LÀ MEDROL

MÀ KHÔNG PHẢI LÀ DEXAMETHASONE?

FB Canh TranThanh

Bây giờ y học đã kết luận, bệnh nhân covid chết chủ yếu do "cơn bão cytokine" xuất hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm bởi virus, vi khuẩn. Vậy làm thế nào để chặn đứng cơn bão chết chóc này? Sau những mầy mò thử nghiệm, các thầy thuốc trên thế giới đã tìm ra cách: dùng thuốc kháng viêm nhóm steroid như: dexamethasone, methylprednisoline, prednisolone... để chặn đứng cơn bão này, cứu sống bệnh nhân. Rất nhiều tạp chí y khoa trên thế giới đã đăng tải về các kết quả dùng dexamethasone điều trị cho bệnh nhân covid. Kết quả phải nói là thần kỳ, bởi tác dụng kháng viêm của dexamethasone nói riêng và của các thuốc kháng viêm steroid nói chung là cực mạnh và đặc hiệu.

Thế nhưng tại sao trong công văn hướng dẫn của Sở Y tế tp. Hồ Chí Minh (đã bị thu hồi) họ lại không nêu tên dexamethasone mà lại nêu tên biệt dược medrol (dược chất là methylprednisolone) như là thuốc đặc hiệu trị covid?

Trong khi dexamethasone cực kỳ dễ kiếm, cả dạng tiêm và dạng uống.

Với tư cách là dược sỹ, có nhiều năm kinh doanh thuốc và trực tiếp tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, tôi dám khẳng định ở đây là vấn đề giá cả!

Tại sao vậy?

Dexamethasone viên, hàm lượng 0,5mg đóng vỉ 30 viên, có giá bán dao động từ 2000vnđ đến 4000vnđ một vỉ. Nghĩa là chỉ khoảng 100vnđ một viên!

Medrol hàm lượng 16mg có giá bán dao động từ 4000vnđ đến 6000vnđ một viên.

Chênh lệch tuyệt đối là 60 lần!

Mà các công ty dược luôn trả hoa hồng phần trăm cho bác sĩ kê đơn, người ký duyệt mua, dựa trên tổng doanh số (tổng số tiền). Vậy nếu mua dexamethasone về điều trị cho bệnh nhân thì tốn rất ít tiền, điều này có lợi cho bệnh nhân nhưng người ký mua không bõ dính mép!

Vậy nên thay vì mua dexamethasone, ta phải ký mua medrol của ngoại càng cao giá càng tốt, phần trăm càng nhiều. Bao nhiêu tiền bệnh nhân chịu, ngân sách nhà nước chịu, sao phải lo về tiền...

Còn có người bao biện rằng, mua biệt dược của các hãng nổi tiếng tác dụng điều trị tốt hơn của các hãng vô danh nhiều, có lợi cho bệnh nhân...

Ngụy biện!

Chỉ trừ các biệt dược mới ra, đang độc quyền kiểu như vaccine chống covid dòng mRNA chẳng hạn, chứ còn các thuốc đã hết thời hạn bản quyền như các thuốc kháng viêm dòng steroid: dexamethasone, methylprednisolone, medrol, hydrocotisone... do hàng ngàn công ty dược trên thế giới này sản xuất ra, về cơ bản đều tác dụng như nhau hết.

Nên một lần nữa, tôi dám lấy tư cách dược sỹ của mình nói rằng: trong điều trị covid, tác dụng của dexamethasone và medrol là như nhau. Còn quyết định dùng cái gì là do lương tâm người bác sĩ và, do túi tiền của bệnh nhân.

Nhân đây nói thêm với các thầy thuốc tuyến cơ sở đang trực tiếp tư vấn điều trị cho bệnh nhân f0 có triệu chứng nhẹ tại nhà: nếu họ có các triệu chứng viêm đầu tiên như ho, sốt, khó thở... cùng với các thuốc khác, tại sao các bạn không dùng dexamethasone, một loại thuốc kháng viêm đặc hiệu, rẻ tiền, dễ kiếm để chặn đứng ngay cơn bão cytokine từ khi nó mới manh nha bắt đầu nhỉ? Mà dexamethasone không những dạng viên nén, mà dạng ống tiêm 2ml cũng rất nhiều và dễ kiếm đó.

Ps: câu chuyện về dexamethasone hay medrol nó khá tiêu biểu cho chuyện của dược sỹ và bác sĩ. Môi răng thân thiết lắm. Ngay như mình, ông bạn thân nhất cũng là bác sĩ Nguyễn Chí Chương kia! Nên muốn viết cuốn sách về ngành y mà day dứt kinh khủng. Như phải lóc thịt ra vậy! Nhưng chắc rồi cũng vẫn phải viết ra thôi...

clip_image002

clip_image004

TẠI SAO VACCINE TÀU CÓ HIỆU QUẢ THẤP?

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Những nước sử dụng vaccine Tàu đang trải qua một đợt dịch mới [1], và nhiều chuyên gia nghi rằng vaccine Tàu kém hiệu quả. Hoá ra, sự nghi ngờ này phù hợp với chứng cớ khoa học: lượng kháng thể và thời gian tồn tại của kháng thể với vaccine Sinopharm hay Sinovac đều thấp hơn so với vaccine Tây.

1. Hệ miễn dịch và kháng thể

Để hiểu chứng cớ khoa học, xin cho phép tôi giải thích ngắn gọn về cơ chế của hệ miễn dịch trong chúng ta. Ai cũng biết hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại các mầm mống gây bệnh (như virus, bacteria). Cách hệ thống này bảo vệ là sản sinh ra một đội quân kháng thể, và kháng thể có nhiệm vụ tiêu diệt virus. Nói đơn giản vậy cho dễ hiểu, nhưng nếu muốn tìm hiểu thêm thì có thể đọc bài rất dễ hiểu này [2].

Có hai cách hệ miễn dịch sản sinh kháng thể: bị nhiễm virus và tiêm vaccine. Khi một người bị nhiễm nCov thì hệ miễn dịch người đó sẽ sản sinh ra kháng thể để chống trả lại virus trong tương lai. (Đó chính là lí do mà ông Thượng nghị sĩ Rand Paul nói rằng ông không tiêm vaccine vì đã bị nhiễm rồi). Do đó, vaccine chỉ là một cách để tạo ra kháng thể mà thôi. Và, lượng kháng thể trong cơ thể chúng ta là một 'đội quân' quan trọng chống nCov.

Cách thứ hai là tiêm vaccine. Nói ví von, vaccine có chức năng huấn luyện hệ miễn dịch chúng ta nhận ra 'kẻ thù' (virus, bacteria). Mỗi vaccine có một con virus đã bị làm suy yếu hay đã bị giết chết, hoặc một protein, hoặc một mảng RNA. Khi cơ thể chúng ta tiếp nhận vaccine, hệ thống miễn dịch nhận ra đây là những 'kẻ ngoại lai'. Hệ miễn dịch phản ứng bằng cách sản sinh ra những tế bào kí ức và kháng thể nhằm bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trong tương lai. Nguyên lí của vaccine đơn giản như thế.

2. Hai yếu tố liên quan đến kháng thể

Do đó, hiệu quả của vaccine có thể đánh giá qua 2 khía cạnh: (a) lượng kháng thể trong cơ thể; và (b) thời gian mà lượng kháng thể đó tồn tại. Lượng kháng thể càng nhiều thì vaccine có hiệu quả càng tốt -- đó là theo lí thuyết.

Nhưng nhiều cũng chưa đủ, mà lượng kháng thể phải tồn tại bao lâu để bảo vệ chúng ta. Nói cách khác, 'kí ức' của đội quân kháng thể này tồn tại bao lâu để còn nhận ra 'kẻ thù'. Lượng kháng thể và thời gian là 2 yếu tố quan trọng.

Theo vài nghiên cứu mới công bố gần đây thì cả 2 khía cạnh này, vaccine của Tàu đều kém hơn vaccine phương Tây.

3. Lượng kháng thể: vaccine Tàu và vaccine Tây

Theo một nghiên cứu từ Hồng Kông (Lancet Microbe 15/7/2021) thì ở những người được tiêm 2 liều vaccine Pfizer, lượng kháng thể trong người cao gấp 10 lần so với 2 liều Sinovac [3].

Ngay cả một liều vaccine Pfizer lượng kháng thể cũng tương đường với 2 liều Sinovac (xem Biểu đồ 1). Xin nói thêm rằng những người tình nguyện này là nhân viên y tế.

Còn vaccine Sinopharm thì sao? Một nghiên cứu trên hơn 13,000 người tuổi 60+ ở Hungary; trong số này hơn 50% dùng vaccine Sinopharm. Họ dùng ngưỡng kháng thể tối thiểu 50 AU/ml để xem như là có 'hiệu quả' [4].

Kết quả như sau: gần 26% những người được tiêm vaccine Sinopharm không đạt ngưỡng đó, trong khi đó chỉ có 1.1 - 1.6% ở người được tiêm vaccine Pfizer và Moderna. Vaccine của Nga cũng khá, với tỉ lệ là 3.2%.

Kết quả phân tích [4] còn cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine Sinopharm tương đối thấp ở người cao tuổi. Có đến gần 35% người trên 80 tuổi không có đủ lượng kháng thể chống lại virus. (Và, điều này rất nhứt quán với kết quả thử nghiệm lâm sàng mà tôi đã điểm qua trước đây, và tôi cũng nói không nên tiêm vaccine Sinopharm cho người cao tuổi).

4. Thời gian: vaccine Tàu và vaccine Tây

Đó là lượng, còn thời gian tồn tại của kháng thể thì sao? Một nghiên cứu khác (từ Tàu) chưa qua bình duyệt những đã công bố trên một trạm medRxiv [5], thì lượng kháng thể của vaccine Sinovac suy giảm xuống ngưỡng vô hiệu quả sau 6 tháng tiêm chủng. Ở những người được tiêm 2 liều Sinovac cách nhau 2 tuần, chỉ có 17% có lượng kháng thể trên ngưỡng có thể phát hiện sau 6 tháng. Nếu cách nhau 4 tuần thì tỉ lệ khá hơn: 35% sau 6 tháng (xem Biểu đồ 2).

Nói cách khác, sau 6 tháng thì chừng 65% đến 83% người được tiêm vaccine Sinovac không còn được bảo vệ. Hiện nay, chưa có dữ liệu này cho vaccine Sinopharm.

Còn vaccine phương Tây? Theo như một nghiên cứu (mới công bố dưới dạng preprint), hiệu quả của vaccine Pfizer [6] đạt đỉnh (96%) sau 2 tháng tiêm chủng, 84% sau 4 tháng, và giảm dần chừng 6% mỗi tháng. Nhưng chú ý nghiên cứu này chỉ theo dõi tình nguyện viên trong 6 tháng mà thôi.

Còn theo một nghiên cứu khác thì tác giả ước tính rằng vaccine Pfizer và Moderna có thể sản sinh đủ lượng kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại virus nhiều năm [7]. Xin nói thêm là nghiên cứu này được công bố trên Nature, đủ nói lên tầm quan trọng của phát hiện này ra sao.

***

Tóm lại, cả hai vaccine Tàu (Sinopharm và Sinovac) có lượng kháng thể thấp hơn (có thể thấp đến 1/10) so với vaccine mRNA như Pfizer. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của vaccine Tàu (Sinovac) có vẻ ngắn hơn so với vaccine của Pfizer. Hai yếu tố này có thể là giải thích tại sao hiệu quả cộng đồng (effectiveness) của vaccine Sinovac và Sinopharm thấp, và giải thích một phần sự bộc phát dịch ở những nước dùng vaccine Tàu trong thời gian qua.

Bản dễ đọc hơn ở đây: https://nguyenvantuan.info/.../tai-sao-vaccine-tau-co...

PS: Có bạn cho rằng tôi chỉ trích dẫn dữ liệu 'xấu' về vaccine Tàu để nói lên thiên kiến của mình. Tôi nghĩ nhận xét như vậy là thiếu trách nhiệm. Tôi trích dẫn các nghiên cứu nghiêm chỉnh (và có tiêu chuẩn hẳn hoi), và tôi cũng chẳng có thiên kiến gì với mấy dữ liệu đó. Thật ra, chẳng có dữ liệu nào xấu hay tốt cả; dữ liệu từ nghiên cứu là thế, vấn đề là mình hiểu nó như thế nào, và để hiểu nó thì phải có một chút kiến thức về RCT và dịch tễ học. Nếu các bạn biết được nguồn dữ liệu nào tốt hơn thì hãy chia sẻ và diễn giải cho bà con biết, chớ nói 'khơi khơi' vậy thì rất ư là unprofessional.

Qua câu chuyện chung quanh vaccine Tàu, tôi thấy hình như có nhiều người ở Việt Nam (toàn giới có học khá) bảo vệ vaccine Tàu hơn cả giới khoa học Tàu! Trớ trêu. Giới khoa học Tàu công bố dữ liệu (theo tôi) là khá nghiêm chỉnh (ví dụ như 2 bài này [3, 5]), và họ đâu có hung hãn bảo vệ vaccine của họ là tốt như vài người Việt đâu. Ngay cả Giám đốc CDC của Tàu cũng nói vaccine của họ không có hiệu quả cao mà. Có lẽ điều này phản ảnh một phần sự khác biệt về văn hoá khoa học giữa Việt Nam và Tàu?

_______

[1] https://www.nytimes.com/.../china-vaccines-covid-outbreak...

[2] https://www.sciencedirect.com/.../pii/S1876034120305670

[3] So sánh lượng kháng thể giữa Sinovac và Pfizer: https://www.thelancet.com/.../PIIS2666-5247.../fulltext...

[4] So sánh lượng kháng thể giữa Sinopharm và Pfizer: https://budapest.hu/.../a-fovarosi-onkormanyzat-altal...

[5] Hồ sơ kháng thể của vaccine Sinovac: https://www.medrxiv.org/con.../10.1101/2021.07.23.21261026v1

[6] Hồ sơ kháng thể của vaccine Pfizer: https://www.medrxiv.org/.../2021.07.28.21261159v1.full.pdf

[7] https://www.nature.com/articles/s41586-021-03738-2

clip_image006

Biểu đồ 1: So sánh lượng kháng thể giữa 2 vaccine Pfizer (màu xanh) và Sinovac (màu đỏ). Các bạn chỉ cần chú ý đến 2 biểu đồ phần trên, và thấy rõ vaccine Pfizer cho ra kháng thể nhiều hơn hẳn vaccine Sinovac. Một liều Sinovac có vẻ chẳng sản sinh bao nhiêu kháng thể, nhưng 2 liều thì cũng chỉ bằng 1 liều của Pfizer.
Nguồn: https://www.thelancet.com/.../PIIS2666-5247.../fulltext...

clip_image008

Biểu đồ 2: Đây là kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp bên Tàu về lượng kháng thể của vaccine Sinovac suy giảm xuống ngưỡng vô hiệu quả sau 6 tháng tiêm chủng. Ở những người được tiêm 2 liều Sinovac cách nhau 2 tuần, chỉ có 17% có lượng kháng thể trên ngưỡng có thể phát hiện sau 6 tháng. Nếu cách nhau 4 tuần thì tỉ lệ khá hơn: 35% sau 6 tháng.
Nguồn: https://www.medrxiv.org/con.../10.1101/2021.07.23.21261026v1

ẢNH TIÊM PFIZER-BIONTECH BỊ HÔ BIẾN THÀNH ẢNH TIÊM SINOPHARM! (*)

FB Manh Kim

Lâu lắm rồi tôi không đọc VNExpress. Sự tham lam quá độ của họ trong việc đẩy quảng cáo tràn ngập khiến rối mắt và che cả nội dung là cách mà VNExpress “đuổi” độc giả nhanh nhất. VNExpress, hơn nữa, cũng chỉ là một trang tin hơn là một trang báo. Thời mà báo chí gồng mình chạy đua tốc độ xem ai đưa tin nhanh nhất đã qua rồi. Những trùm tin tức toàn cầu như Reuters hoặc AP đều luôn không thiếu những bài độc quyền hoặc phóng sự điều tra riêng. Nói cách khác, điều giúp tăng yếu tố cạnh tranh là ai có nhiều bài đáng đọc hơn chứ không phải tờ nào có nhiều tin hơn và đăng tin nhanh hơn.

VNExpress còn là một trang không đáng tin cậy. Dịch ẩu là điều xảy ra thường xuyên với VNExpress. Mới đây, trong bài “UAE tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em” (đăng ngày 3-8-2021), VNExpress đã dùng một ảnh với chú thích: “Một em nhỏ tại UEA được tiêm vaccine Covid-19 của Sinopharm, tháng 5/2021. Ảnh: AP”.

Thật ra ảnh này là từ bài “At the F.D.A.’s urging, Pfizer-BioNTech and Moderna are expanding their trials for children 5 to 11” của New York Times ngày 26-7-2021, với chú thích: “Marisol Gerardo, 9, received a second dose of the Pfizer-BioNTech Covid-19 vaccine during a clinical trial for children at Duke Health in Durham, N.C., in April.Credit...Shawn Rocco/Duke Health, via Reuters).

Từ một tấm ảnh ngày 26-7 bị “đổi ngày” thành ngày 3-8; từ một cô bé có tên tuổi (Marisol Gerardo, 9 tuổi) thành “một em nhỏ”; từ Durham, North Carolina chuyển thành “UEA”; từ ảnh Reuters biến thành “ảnh AP” thì có thể nói đây không phải là sai sót hoặc “tai nạn nghề nghiệp”. Mở ngoặc thêm rằng, tại sao báo chí Việt Nam mấy ngày qua, trực tiếp hoặc gián tiếp, cổ xúy cho vaccine Trung Quốc? Không lẽ những tờ báo này bị Sinopharm “mua” để quảng cáo cho họ? Hay vì lý do nào khác?

Trở lại với VNExpress, sau khi bị một vài đồng nghiệp lật tẩy, họ đã đổi ảnh của bài nói trên. Điều mà VNExpress đáng lý cần làm là đính chính chứ không phải lặng lẽ thay ảnh.

Cập nhật: Sau khi gặp sự phản ứng của dư luận, VNExpress đã đính chính. Đây là nguyên văn:

Cáo lỗi: Chiều 3/8, VnExpress xuất bản tin "UAE tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em". Biên tập viên do sơ suất đã sử dụng và chú thích nhầm bức ảnh tiêm vaccine Pfizer/BioNTech tại Mỹ thành tiêm vaccine Sinopharm tại UAE. Sau khi phát hiện sự nhầm lẫn, Ban biên tập đã thay ảnh như trong tin hiện nay. VnExpress chân thành cáo lỗi với độc giả.

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và văn bản

Có thể là hình ảnh về ‎2 người và ‎văn bản cho biết '‎۔ Outbreak LIVE ovid-19 Updates CoronavirusMa Map Cases Delta farian Map .So Pandemic Relief Programs E Marisol Gerardo, received second dose the Pfizer BioNTech Covid-19 vaccine during clinical Shawn Health, Reuters childrenat Duke Health By Sheryl Gay Stolberg, Sharon aFraniere and Noah Weiland‎'‎‎

Không có mô tả ảnh.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

 

 

TẠI SAO VNEXPRESS LẠI LẠI THAY ÁO CHO BỨC ẢNH NÀY, MÀ ĐÁNG CHÚ Ý NHẤT LÀ ĐỔI TỪ PFIZER SANG SINOPHARM?

FB Thái Hạo

Nếu lấy (ảnh) đại đâu đó thì là do ẩu

Nếu là dịch sai thì là do dốt (đặc cán mai)

Nếu là làm theo chỉ đạo thì do hèn

Nếu tự làm thì là vừa hèn vừa gian vừa ác.

Tùy từng "vụ", nhưng ở đây tôi chỉ ước nó thuộc vào 2 trường hợp đầu. Còn như vụ phun khử khuẩn thì tôi lại ước những người thi hành sẽ gian tham hết mức, vì như thế họ có thể sẽ phun cái gì đó như nước lã hay sữa chẳng hạn - dù tiền thuế dân có thể bị ăn cắp nhưng ít ra cũng không hủy hoại môi trường và sức khỏe nhân dân.

Bi kịch, vì ước mơ nào trong những hoàn cảnh này cũng thật quái dị, khi người ta không thể mơ đến điều gì tốt đẹp hơn nữa.

Thái Hạo

ĐƯỜNG ĐI CỦA VACCINE TRUNG QUỐC TỚI SÀI GÒN VÀ NHỮNG CÂU HỎI

FB Lưu Trọng Văn

Bộ Y tế chiều 31.7 cho biết TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm.

Đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên của TP.HCM do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND thành phố.

Vậy Sapharco là công ty nào mà lại được UBND TP.HCM uỷ quyền nhập vaccine?

Theo các thông tin công khai, chính thống:

"Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.".

Vậy là đã rõ, đây là công ty riêng của UBND TPHCM.

Điều lạ, lĩnh vực kinh doanh thuốc chữa bệnh là lĩnh vực đặc thù tại sao UBND TP.HCM lại trực tiếp quản lý?

Điều này không khác nếu công ty Dược phẩm trung ương lại do Chính phủ quản lý trực tiếp vậy.

Theo quảng bá công khai của Sapharco thì:

"Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, nguyên liệu sản xuất thuốc; dịch vụ bảo quản và kiểm nghiệm thuốc; dịch vụ khai thuế hải quan.

Ngành nghề kinh doanh phụ trợ: sản xuất, kinh doanh kính mắt và dụng cụ quang học về mắt; kinh doanh máy móc, thiết bị, vật tư ngành y tế, vaccine, sản phẩm sinh học, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân; dịch vụ giao nhận, vận chuyển, đóng gói bao bì;…".

Theo lãnh đạo Sapharco vào ngày 6.7, UBND TPHCM giao Sapharco thực hiện tìm hiểu và đàm phán, thương thảo với các đơn vị để mua vắc xin phòng COVID-19 cho thành phố. Sau đó, Sapharco đã có công văn gửi Cục Quản lý Dược về việc nhập khẩu vaccine chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam kèm đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK. Đến ngày 8.7, Bộ Y tế đồng ý cho Sapharco nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Sinopharm để tiêm cho người dân TPHCM. 5 triệu liều vắc xin của nhà sản xuất Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc, thuộc đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1.7.2021.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định phê duyệt cho phép Sapharco nhập khẩu lô vắc xin Sinopharm của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Như vậy 5 triệu liều vaccine Sinopharm mà dư luận phản ứng vì không thuyết phục được độ tin cậy, do bà Trương Mỹ Lan chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát bỏ tiền mua rất đúng quy trình.

Câu hỏi không chỉ dành cho bà Lan một người có mối quan hệ với các doanh nhân Trung Quốc, vì sao biết chất lượng vaccine Trung Quốc dễ gây bất đồng trong Dân Sài Gòn của mình lại bỏ 45 triệu đô la để mua tặng Dân Sài Gòn? Là nhà kinh doanh nổi tiếng khôn ngoan và kinh nghiệm vì sao bà Lan lại hớ hênh đến vậy?

Phải chăng còn điều gì khuất tất ở đây?

Và câu hỏi đặt ra nữa là, tại sao lãnh đạo TP.HCM với kinh nghiệm chính trị và hiểu dân SG lại sốt sắng chấp thuận cho công ty của mình đứng ra nhập khẩu lô vaccine mà biết chắc gây phản ứng của Dân SG về sự nhậy cảm chính trị và độ tin cậy?

Thêm câu hỏi nữa, vì sao Cục Quản lý Dược và lãnh đạo Bộ Y tế lại không tư vấn cho TPHCM về việc cân nhắc nhập loại vaccine tai tiếng ở nhiều nước về chất lượng, cũng như cảnh báo cho TPHCM biết rằng bài học 500.000 liều vaccine TQ viện trợ cho VN đã bị Dân VN phản ứng ra sao?

 

DÂN KHÔNG BIẾT VÌ BỘ Y TẾ KHÔNG NÓI

FB Nguyễn Đức Hiển

Với diễn tiến khốc liệt của dịch bệnh hiện nay, người dân đã chuyển trạng thái tâm lý từ chỗ hoảng hốt sang chiến đấu. Từ chỗ hoang mang và hoảng hốt vì TP có ca nhiễm, quận mình phường mình có ca nhiễm, giờ đã và buộc phải làm quen với việc nhà mình có thể bị phong toả do ngay bên cạnh, thậm chí chính gia đình hay bản thân mình có thể nhiễm COVID-19.

Nhìn rõ mặt đối thủ và đánh nhau với nó. Nâng cao khả năng tự vệ bằng sự chủ động.

Bạn tôi, hai tháng trước đã sắp sẵn một valise với đầy đủ đồ dùng cho 21 ngày để bất kỳ khi nào thành F1 là lên đường cách ly. Bây giờ bạn "chuyển trạng thái" biến mình thành một CPU với cẩm nang được lập trình sẵn từ việc tự chăm sóc bản thân và gia đình nếu chẳng may thành F0 và các số liên lạc của từng đơn vị y tế, phương án di chuyển, cấp cứu nếu trở nặng.

Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc "đếm ca nhiễm" ở TP giờ không còn quan trọng nữa. Tôi nghĩ cũng như mỗi người dân, thành phố cũng đã chuyển trạng thái tâm lý khi dịch bùng khắp nơi các địa phương xung quanh. Việc cả nước dồn sức trợ giúp thời gian tới cho TP, dù có muốn cũng khó có thể dồn tổng lực như vừa qua. TP cũng "tăng sức đề kháng" phù hợp với kịch bản mới. 24 đoàn công tác hôm qua đã đi xuống từng địa bàn, sẽ bám chặt việc chăm sóc người dân, kiểm tra trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt chăm sóc lao động nhập cư để họ không bị thiếu đói khi thất nghiệp, giãn cách, "ai ở đâu ở yên đấy".

Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP xác định mũi nhọn hiện nay là nâng cao chất lượng điều trị, là thiết lập phương án, mô hình và truyền thông đến từng người dân để họ có thể biết mình đang ở vị trí nào trong tháp điều trị và liên hệ đâu để có thể được điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Mục tiêu lớn nhất là hạn chế tối đa ca tử vong. Và quyết tâm lẫn mệnh lệnh là không có người dân nào tử vong tại nhà. Tức là, tình trạng quá tải cấp cứu phải được cải thiện triệt để.

Khi chúng ta đã chuyển từ việc "đếm ca nhiễm" sang hạn chế tử vong, thì cách thông tin về số ca tử vong của TP mà Bộ Y tế công bố hoàn toàn không phù hợp và gây khó hiểu cho bất kỳ ai quan tâm. Những ngày qua khi số ca tử vong của TP tăng đều 107-174-170... và nay tổng ca tử vong đã gần 1700 riêng tại Sài Gòn, thì hôm kia báo chí đăng tin trong 18 ngày từ 17-7 đến 2/8 các tỉnh phía Nam bổ sung thêm... 389 ca tử vong ngoài các ca công bố.

Nó chỉ bằng số người chết do COVID riêng tại TP.HCM trong hơn hai ngày.

Ngay từ một tháng trước, báo chí đã chất vấn vì sao có con số khác xa nhau giữa con số thực và số công bố của Bộ Y tế. Một ngày sau đó, Bộ giải thích (trên Vnexpress) là do địa phương (tức do TP.HCM?) cập nhật chậm, khi con số ấy chưa lên hệ thống thì Bộ không thể công bố.

Tôi không biết có gì khó khăn trong câu chuyện này. Nhưng nếu con số tử vong được công bố chậm đến mức lạc hậu như thế, đến mức thông tin không phản ảnh được bản chất cuộc chiến chống dịch như thế, đến mức không ai hiểu nổi như thế thì công tác truyền thông có còn được ngành Y coi là một phần của cuộc chiến chống dịch không? Và sự bất cập này tồn tại suốt bao lâu không lẽ không có ai ở Bộ Y tế thấy?

Cứ cho là tập trung dập dịch quan trọng hơn, nhưng tổn thất luôn là một phần của cuộc chiến, việc hoạch định chiến dịch hay chiến thuật đều cần phải có nó làm dữ liệu. Nếu nói người dân không cần biết, thì làm sao mỗi người dân có thể tự mình trở thành một người lính, một người đồng hành chung tay cùng chính phủ chống dịch.

TP.HCM đã cố gắng cung cấp thông tin cho báo chí mỗi ngày, đặc biệt tiến độ tiêm vaccine và ca tử vong, nhưng không có số luỹ kế. Còn thông tin từ Bộ Y tế chả thấy đâu.

Tôi đã có nhiều người bạn mất người thân do COVID, nhưng tôi chịu không biết bao nhiêu người nữa cùng cảnh ngộ với bạn tôi, vì Bộ Y tế không nói!

---

Ảnh:

BẢN ĐỒ COVID-19 TP HCM.

Các điểm màu vàng là các ca dương tính.

Có 2 khu vực trong nội đô không có ca covid là nơi không có dân cư: bán đảo Thủ Thiêm và sân bay Tân Sơn Nhất.

Các vùng ít ca là các vùng đang phát triển đô thị: đa số vẫn còn đang là đồng trống.

clip_image012

 

AI LÀM "NGƯỜI CHIẾN THẮNG”

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Chỉ trong ngày 2/8, TP HCM có thêm 170 ca tử vong vì COVID-19, trong tổng số 1.400 ca tử vong được công bố đến sáng 3/8.

Thật sự, tôi câm lặng trước những con số tang thương, khốc liệt. Một Sài Gòn giăng kín, rào chắn bấy lâu, tôi vẫn nghĩ thôi thì phong thành đành phải vậy. Nhưng khi từng mạng người bắt đầu gục xuống, mất mát hiện lên trên từng con số tử thì một Sài Gòn đã thật sự tang thương.

Rồi chiều tối nay, Trâm chuyển cho tôi hình ảnh của một shipper đang giao hũ cốt của một người chị Trâm quen. Điểm nhận ngay trước cổng chùa. Còn 3 hộp được tiếp tục giao.

Tôi chết lặng trước hình ảnh “giao dịch” tang tóc, khủng khiếp.

Trong mỗi chiếc hộp giấy carton kia là một hũ cốt, lưu cữu một cuộc đời, một con người với bao danh phận làm con, làm vợ, làm mẹ, làm chị, làm bạn bè, thân hữu. Vậy mà, trong phút chốc, tan tác. Ra đi không một lời thưa gửi, giã từ. Biến mất không một ký thác, di nguyện. Người ở lại còn không biết đang cầm cự nổi hay không, có qua cơn sống sót…

Cậu shipper kia trong cuộc mưu sinh, hẳn cũng không mường tượng một ngày lại chở cả cuộc đời còn lại cho người. Người giao kẻ nhận cứ lầm lũi trong đau đớn. Bởi chỉ cần ngoảnh lại, cúi xuống, là ai đang “vùi thân tro bụi” ấy cũng cần ít nhất một lần gọi tên, đưa tiễn.

25 năm sống và làm việc tại đất này, mỗi ngày qua và những ngày này, tôi lại nghiến ngấu đọc lại về nó. Chưa từng một trang sách, dù là giả tưởng, có thể có một hình dung khốc liệt, tang tóc như thế này với Sài Gòn.

Nhìn những dòng người hồi hương, họ rời Sài Gòn để đi tìm nơi trú ẩn an toàn. Như họ đã từng tìm đến, tìm một nơi mưu sinh lành lặn, an hòa. Họ về lại quê, rồi mai này bình yên, họ trở vô, gầy dựng lại, gom góp lại. Sài Gòn vẫn nguyên vẹn đó.

Nhưng có những người, ít nhất trong 1.400 con người xấu số kia, Sài Gòn đã mất họ. Ai kịp để tang cho Sài Gòn khi một phần hồn của nó, là những con người đã ra đi trong tai ương dịch bệnh. Mọi nỗ lực cứu chữa bất thành. Một hệ quả khắc nghiệt, khốc liệt của bất kỳ cơn đại dịch nào càn quét qua, chỉ là con người có dự báo trước mà trú tránh, mà bớt đi những trả giá sinh tử hay không mà thôi.

Bỗng dưng, giữa chấp chóa, xác xơ ấy, tôi bắt gặp cái bản tin “Sở VH-TT TPHCM khởi động Cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng”. Ban tổ chức đặc biệt kêu gọi các thí sinh gửi những tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác tôn vinh sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, nêu bật sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng chống Covid-19.

Không có chiến thắng nào trong một cơn đại dịch cả, nó là cuộc chiến để cầm cự, để sinh tồn, để còn được sống. Thất bại là chết, là đối diện thảm họa diệt vong. Nhưng còn sống không có nghĩa là vinh quang.

Trong cuộc chiến ấy, con người với thiên chức, với ý chí sinh tồn, với trách nhiệm cộng đồng, họ là minh chứng cho phần đẹp đẽ nhất trong phần còn lại đầy ngạo nghễ có phần ngạo mạn và yếu ớt, thậm chí ngu dốt của con người. Mãi mãi, chúng ta không thể, không có bất cứ một chiến thắng nào trước vi sinh vật, trước nguồn sinh sản và biến hóa khủng khiếp của virus, nhất là virus cúm. Chẳng qua, chúng ta rượt đuổi theo nó mà sống sót, mà khỏe mạnh, mà tìm thấy sự an toàn.

Mọi sự nỗ lực, gắng sức, hy sinh của những người áo trắng, áo xanh và bao con người thầm lặng khác, ở mọi tuyến phòng chống dịch đều cần được ghi nhớ, ghi ơn. Nó chính là minh chứng cho niềm tin vào sự tốt đẹp của con người. Và hẳn nhiên, khi càng có nhiều sự tốt đẹp ấy, xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn lên. Thành quả của một thể chế sẽ được ghi lại một cách công bằng, khách quan.

Nhưng, đặt nó trong mọi góc cạnh đã, đang và còn sẽ diễn ra một cách khốc liệt và ám ảnh nhất trong những ngày tới nữa, thì liệu một cuộc thi thố ngợi ca chiến thắng, kèm theo giải thưởng có là một hành động “tôn vinh” người này và ít nhiều gợi lại những mất mát, đau thương ở những người kia.

Hoặc vẫn là chính những người dân - như nhân chứng sống - ghi lại câu chuyện của năm 2020-2021 này, với tất cả những gì họ đã trải qua, không chỉ “niềm tin chiến thắng”, mà cả mất mát, tang thương; trong tang thương, mất mát họ vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp, cả những trả giá của chính con người.

Đó là tiếng nói để gửi vào cho mai sau, về một Sài Gòn của những ngày dịch bệnh, có mất mát, có hy sinh, có tận hiến. Như hôm nay, chúng ta vẫn lật từng trang sách cũ. Một thời cũng chìm trong thương hải tang điền nhưng là bao thời đi qua để có được một Sài Gòn của hôm nay…

Đừng cổ vũ thi thố sau những tang thương.

Nỗi mình buồn hiu hắt. Nỗi dịch buồn hắt hiu.

NHỮNG NGÀY TRONG CƠN BÃO DỊCH (NTLT)

FB Nguyên Tâm, Group Nhà Văn

Chín ngày tuổi

Em như con mèo ướt

Vượt dặm dài, cùng bố mẹ chạy về quê

Con đường di cư sao bỗng quá nặng nề

Mùi chết chóc, mùi đói nghèo đè lên những phận người trùm khẩu trang kín mít

Chín ngày tuổi.

Mẹ banh da xẻ thịt

Sinh em ra trong cơn đại dịch kinh hoàng

Trong nhịp đời cả thế giới hoang mang

Ngàn cây số, từ Sài Gòn xác xơ,

tháo chạy về quê, trên chiếc xe cà tàng cũ kỹ

Hình ảnh em sẽ khắc ghi thành nỗi đau thế kỉ

Cùng những lê dân thất thểu gánh gồng

Vượt dốc đèo, dọc theo dãy Trường Sơn

Không bom đạn, mà sao hằn những đớn đau chia cắt

Chín ngày tuổi

Em chưa tròn ánh mắt

Chưa nhìn được cuộc đời đang xám nỗi bất an

Chưa hiểu nỗi cha mẹ em đang rách nát cơ hàn

Quê hương em đang căng mình chống dịch

Lặn lội đường về, dặm dài xa tít

Nắng chiếu gắt đầu non, mưa quất ngọn cuối bìa rừng

Ôm con trong lòng mà nước mắt rưng rưng

Mẹ đau đớn khi vết mỗ vẫn chưa liền sẹo

Ba lo lắng với trái tim khô héo

Biết làm sao khi xe tụột bánh rồi

Covid gây nên bao thảm cảnh! Than ôi!

May vẫn có những vòng tay nhân ái

Đã về tới quê nhà, qua vạn lần khổ ải

Mảnh đất quê huơng xin ôm ấp nguời về

Dẫu ngoài kia dịch giã lắm nhiêu khê

Vùi gối mẹ, nghe bốn bề hơi ấm!

(0h 2/8/2021 PT thực hiện CT 16)

 

"TẠ ƠN NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU"

Jos. Lương Tùng, CSsR.

"Tạ ơn nghĩa nặng tình sâu"

TGPSG-- Mỗi khi chiều về, anh em tu sĩ thiện nguyện không được “ngồi hát bên dòng sông”, mặc dù bệnh viện dã chiến nơi chúng tôi phục vụ rất gần sông Sài Gòn thơ mộng. Tuy nhiên, chúng tôi lại được nhìn thấy, được chứng kiến và được chia sẻ niềm vui sướng, hạnh phúc với những anh chị em được xuất viện sau quá trình điều trị Covid.

Có những tu sĩ trong khâu tiếp nhận đã từng phải chứng kiến những giọt nước mắt buồn phiền, lo lắng xen lẫn hoang mang của các chị em bệnh nhân mới nhập viện. Họ sợ vì không biết mình sẽ như thế nào khi chiến đấu với con virus này và họ lo vì không biết những người thân ở nhà ra sao…Nhưng rồi, mấy hôm nay chúng tôi lại được chứng kiến những nụ cười và ánh mắt bình an rạng ngời của các anh chị em đã bình phục và được xuất viện. Các tu sĩ chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho họ và cho cả các bệnh nhân còn đang điều trị. Theo số thống kê của bệnh viện, trong 5 ngày gần đây đã có hơn 600 bệnh nhân được xuất viện.

Trong lúc quan sát các anh chị em xuất viện ra về đang đứng đón xe, tôi thấy một chiếc xe 50 chỗ lao đến giữa mấy chiếc taxi. Bác tài trong bộ quần áo bảo hộ đã đến gần từng nhóm người và nói to: “Lên xe về nè, hổng lấy tiền đâu!”. Và mọi người leo lên xe để được đưa về miễn phí. Với tôi, có lẽ đó là câu nói hay nhất và “đốn tim” nhất trong ngày. Tự nhiên, tôi thấy yêu cuộc sống này, vì đây đó trong cơn kinh hoàng của đại dịch vẫn còn rất nhiều "tấm lòng vàng", làm ánh lên màu hy vọng và mến thương cho đời.

Với lòng Tin, tôi đã nhìn lên Chúa Giêsu để tạ ơn. Bởi vì, đang khi trần gian chìm trong bóng đêm của tội lỗi và sự chết, con người dường như ngụp lặn trong đau khổ và tuyệt vọng thì Chúa Giêsu đã đến, đã ôm lấy tất cả và đưa lên chuyến xe nghĩa tình là thập giá và đem tất cả về đoàn tụ trong gia đình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Tình yêu, là Hy vọng và là Vị Lương Y chữa lành mọi bệnh tật linh hồn và thể xác. Tôi xin mượn lời hát của Lm Vũ Khởi Phụng để hát lên lời tạ ơn Chúa:

“Tạ ơn nghĩa nặng tình sâu,
Muôn phương Lời nối nhịp cầu tin vui.
Tháng năm xuôi ngược dòng đời
Có Trời có đất, có người có ta.”

(Lm. Vũ Khởi Phụng)

Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 4 tháng 8 năm 2021

 

BÁC SỸ, ĐIỀU DƯỠNG GÂY XÚC ĐỘNG MẠNH KHI HÁT CÙNG NGHỆ SỸ VIỆT TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

T Production

Hành trình tiếp sức, trao quà và cắt tóc cho các Y bác sĩ của nhóm tình nguyện viên Nghệ sỹ tiếp tục có mặt tại bệnh viện dã chiến Thủ Đức.

Là một trong những ekip đồng hành, T Production ghi lại hình ảnh và những khoảnh khắc gây xúc động mạnh của các Bác sỹ, điều dưỡng cùng các nghệ sỹ hát cổ vũ tinh thần chống dịch. Họ cũng đã có những phút trải lòng đầy xót xa trước áp lực khó khăn và nỗi nhớ nhà trong những ngày chống dịch.

 

THÀNH PHỐ GÌ KỲ!

TG9X Thái Dương

THÀNH PHỐ GÌ KỲ

Nhạc, lời, thể hiện: Thầy Giáo 9x Thái Dương

Thành phố gì kỳ

Quán cơm hay quán mì

Mình kêu thêm dĩa rau sao không tính tiền thêm phí

Thành phố gì kỳ

Trà đá cho free

Giữa trời chang chang cho ai kia đi ngang vơi đi lo toan

Thành phố gì kỳ

Có xe ôm quảng đại

Dù không đi cuốc nào ai hỏi đường ông đều hăng hái

Vào những vụ mùa

Này chuối kia dưa

Khoai tồn kho thôi mang lên đây ngay đi dân tôi thay nhau đi mua

Ngày tôi xa nơi đây thấy trong tim cồn cào

Nhớ hơi quê, tiếng xe ồn ào

Ngày tôi xa nơi đây đi tìm những khát khao

Vẫn trong tôi nhớ buồn xiết bao

Thành phố gì kỳ

Có anh kia chẳng giàu

Mà sao đang khó khăn vẫn bẻ đôi bánh mì manh áo

Thành phố diệu kỳ

Chỉ một lần ghé nơi đây

Thôi mà vương vương ôi bao nhiêu thương thương khi ai chia tay

Ngày tôi xa nơi đây thấy trong tim nghẹn ngào

Nhớ nắng trưa, nhớ mưa ào ào

Ngày tôi xa nơi đây đi tìm những khát khao

Vẫn trong tôi nhớ buồn biết bao

Thành phố gì kỳ

Hễ ai thiếu gì

Thì Hộp cơm, hay bó rau, ai ai sẻ chia đâu cần suy nghĩ

Thành phố gì kỳ

Một lần ghé nơi đây

Thôi mà vương vương ôi bao nhiêu thương thương khi ai chia tay

Thành phố gì kỳ

Quán cơm hay quán mì

Mình kêu thêm dĩa rau sao không tính tiền thêm phí

Thành phố diệu kỳ

Where my heart be

I can tell for sure no matter what I could never leave

 

CUNG CẤP 1 TRIỆU QUẢ TRỨNG MỖI NGÀY, BÀ BA HUÂN TỪ CHỐI NÂNG GIÁ: DÂN NGHÈO MỚI XÀI NHIỀU TRỨNG NÊN TÔI ĐỂ GIÁ BÌNH ỔN

Cafebiz, 04/08/2021

Dù Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường, nhưng bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá.

clip_image013

Làn sóng Covid lần thứ 4 bùng nổ đã buộc Hà Nội, Tp.HCM cùng nhiều tỉnh thành tại phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm gia tăng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chỉ thị đã và đang còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá và khiến giá tăng.

Đơn cử, giữa tháng 7, nhận thấy giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ, Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân – bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá. Theo bà Ba Huân, các doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao.

Theo Dân trí, tại buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực với UBND Tp.HCM, nữ doanh nhân khẳng định: "Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng".

clip_image015

Được biết, Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu trứng mỗi ngày. Dù có tình trạng thiếu trứng cục bộ trong những ngày đầu giãn cách, hiện các hệ thống phân phối đã đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít trường hợp các xe chở trứng, thịt bị chặn khi lưu thông sau 18h tại Tp.HCM. Cũng tại buổi họp, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết thực tế vẫn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ và đòi hỏi nhiều thủ tục khiến doanh nghiệp chở hàng thiết yếu bức xúc.

Cụ thể, TP.HCM đang thực hiện hạn chế người dân ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, trong khoảng thời gian này, các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Nhưng các doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt, trứng... cho biết thực tế lại xảy ra các tình huống như: Chốt kiểm dịch đường M1 từ KCN Tân Bình ra quốc lộ xe không qua được mặc dù xe đã được cấp mã QR và báo với chốt là xe chở hàng thiết yếu. Hay một số chốt khác ở các cửa ngõ của TP, xe về sau 18h không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng mặc dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe.

Còn ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết trong quá trình vận chuyển, xe tải có nhận diện của Vissan thì di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại không. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng có nơi cho qua, nơi lại không.

Trước đó, Công ty Diana Unicharm cũng lúng túng, lo lắng vì các xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn tại các chốt vì "không phải hàng thiết yếu".

clip_image017

Trong khi đó, Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng đề xuất thành phố kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện "Y tế tại chỗ" như tự xét nghiệm cho người lao động. Về vấn đề này, đại diện UBND Tp.HCM cho hay đã thống nhất tập huấn cho các doanh nghiệp. Đơn vị muốn mua mẫu test ở đâu thì mua (miễn sao nằm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành), chỉ khi nào xuất hiện F0 mới cần liên hệ ngay cơ quan y tế.

Ngọc Diệp

BẾP TU SĨ ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO

Sr. Tuyết Mai, Rndm – TGP Sài Gòn,  04/08/2021

clip_image019

TGPSG -- Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ...

Mấy hôm nay cả cộng đoàn đang bừng lên bầu khí “vội vã lên đường như Đức Maria”. Các chị em đăng ký vào nhóm thiện nguyện đợt II đã sẵn sàng, chỉ chờ thông báo của văn phòng Tu sĩ là đeo balô lên vai và lên đường. Chị em đùa vui với nhau: “Chúng ta đang sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B”.

Ngẫu nhiên chị em trong cộng đoàn được phân ra hai nhóm, nhóm chị em dưới 50 tuổi và nhóm chị em “cao niên và hơi cao niên”, nghĩa là những chị U60, U70, U80… không được tuyển chọn ra tuyến đầu. Cộng đoàn có hơn một nửa là U50 đã đăng ký lên đường, sứ mạng rõ ràng nên tinh thần phấn chấn và hăng hái. Các chị cao niên còn lại tự nhận mình là “hậu phương”, sẽ chu toàn sứ mạng cầu nguyện cách đặc biệt cho các em thiện nguyện ở tuyến đầu là các bệnh viện điều trị và bệnh viện dã chiến.

Chợt tin khẩn cấp đến, chị Giám tỉnh thông báo: Cha Đào Nguyên Vũ - Thư ký Uỷ ban Mục vụ Di dân của Hội đồng Giám Mục - có trao đổi thông tin về những khó khăn và nhu cầu của người Sài Gòn trong thời gian đối diện với dịch bệnh, và mời gọi các Hội Dòng cộng tác. Ngài nói: “Từ đầu mùa dịch năm ngoái và trong đợt dịch này, cũng như mọi khi, nhiều cộng đoàn đã chủ động nhiều cách thế chia sẻ với bà con lao động, thất nghiệp, cách ly, phong toả. Nhưng nhu cầu ngày càng nhiều và càng rộng. Kể cả các y bác sĩ đang phục vụ tuyến đầu hoặc ở lại tuyến cuối (các bệnh viện điều trị) cũng nhiều ngày nhọc mệt, đói lả… Chúng ta có thể thiết lập một lực lượng ứng cứu để đáp ứng nhu cầu bữa ăn của bất kỳ hoàn cảnh nào đang cần… Vì vậy, chúng ta kết nối với nhau và đáp lại tiếng gọi của Chúa mà Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đang trăn trở: Anh (chị) em hãy cho họ ăn.”

Vậy là cụm từ “bếp tu sĩ” được nhanh chóng truyền đi. Các chị U60, U70, U80 đã bắt đầu cảm thấy phấn khởi vì mỗi ngày sẽ giúp làm bếp để cho “ra lò 300 phần ăn”. Chị phụ trách cộng đoàn đã nhanh nhẹn phân chia danh sách: Nhận thực phẩm tươi sống, nhặt rau, nấu cơm, nấu canh, làm thức ăn mặn, đóng hộp, dọn dẹp… Sứ mạng đã rõ ràng, và nhóm các chị này không phải “sống mùa Vọng giữa mùa Thường niên năm B” như các chị U50 nữa. Công việc bắt đầu từ 6g30 sáng đến 10 giờ là giao cơm cho xe đến lấy, sau đó nghỉ một tí lo việc thiêng liêng và cá nhân xong, đến 3 giờ chiều xuống bếp lại để chuẩn bị vật liệu cho ngày mai.

Thực đơn hôm nay gồm có: Canh cà chua trứng, bắp cải - cà rốt xào, cá kho tiêu… “Tưởng dễ mà không dễ tí nào!”, mồ hôi nhễ nhại, đôi tay thoăn thoắt, miệng không được nói (không được nói chuyện, chỉ nói điều cần thôi), đúng giờ, đúng hẹn, giữ đúng 5­K, sạch sẽ trong ngoài… Các chị cao niên bắt đầu “cầu viện” và lệnh “tổng động viên” được ban hành, vậy là “Bếp Tu sĩ” nhà ta có thêm một số em Đệ tử và Tập sinh giúp sức.

Niềm vui của phục vụ, hạnh phúc của sẻ chia, hy vọng của phục hồi, sự sống của anh em, bình an của Sài Gòn… đã là động lực cho chị em Đức Bà Truyền Giáo và các tu sĩ các Hội dòng dấn thân không mệt mỏi, dù ở tuyến đầu hay hậu phương.

Tạ ơn Thiên Chúa đã gợi lên những sáng kiến tuyệt vời cho các nhà lãnh đạo ở mọi lãnh vực và mọi cấp độ để chăm sóc anh chị em của mình. Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse và quý cha đã luôn đồng hành, hướng dẫn và chăm lo cho đoàn dân Chúa vượt qua đại dịch.

Sr. Tuyết Mai- Rndm

Một số hình ảnh từ “Bếp Tu sĩ Đức Bà Truyền Giáo”

Nhóm sơ chế thức ăn và chuẩn bị đũa, khăn ăn:

clip_image021

clip_image023

Nhóm nấu thực phẩm trong bếp:

clip_image025

clip_image027

Nhóm đặt thức ăn vào hộp:

clip_image029

Nhóm đưa thành phẩm lên xe:

clip_image031

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Cách giúp đồ điện gia dụng bớt đuối sức

clip_image033