Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 27)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Trọn lời hẹn 32 năm với đất

Đến năm 1993, cánh đồng Ô Lâm, An Tức, Lương Phi, Ba Chúc, Vĩnh Gia huyện Tri Tôn giáp Kiên Giang vẫn còn bỏ hoang do các tuyến kinh cấp II: Ninh Phước I và KH 7, T3, T4, T5, T6 do Bộ Thủy lợi qui hoạch nhưng không thực hiện được, bởi lý do Bộ đưa ra là: không có kinh phí, Kiên Giang chưa đồng tình vì sợ phèn đổ xuống Kiên Giang và bản thân Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh sợ tụt nước kinh Vĩnh Tế và mặn xâm nhập sâu vào Kiên Giang.

clip_image002

Bảy Nhị ngồi sau Phó Chủ tịch huyện Tri Tôn Dương Văn Thạnh

đi tắt vào kiểm tra kinh Ranh (mới) đào xong. Ảnh chụp ngày 6/4/1993

Nhưng trước mắt, Bộ đồng ý nạo vét kinh Tám Ngàn và Kinh Mới, đào thêm con kinh T6 đúng chuẩn kinh trục (cấp I) nối vào Kinh Mới, thông ra biển Tây. Tỉnh An Giang, tôi chủ trương đào kinh T3 (Giồng Ông Cột) nối từ Vĩnh Gia qua kinh Tám Ngàn đoạn đường Củi Giữa (trên) và đào bằng thủ công kinh Ninh Phước 2, từ đó qua kinh 14 - Cô Tô, hình thành cái ranh mới giữa hai tỉnh.

clip_image004

Các ngành kiểm tra kinh Ranh mới – Ninh Phước II. Ảnh chụp ngày 04/5/1993

Sở dĩ phải làm rõ cái ranh trước để đề phòng có sự tranh chấp giữa hai tỉnh, người dân sẽ gặp khó khăn về thủ tục hành chánh. Và khi tôi khởi động khai thác vùng này, Kiên Giang lập tức lên tiếng với Trung ương. Các đồng chí Kiên Giang căn cứ vào bản đồ BON của Pháp và UTM của Mỹ, ranh mới đào lấn qua đất Kiên Giang một vùng “hình thoi” rộng đến 9.000 ha và đề nghị Chánh phủ cho chia hai như Quyết định 303 của An Giang, nhưng đây là vùng đất do tỉnh An Giang quản lý từ hồi Long Châu Hà (chống Pháp) đến An Giang rồi lại Long Châu Hà (chống Mỹ); các cơ quan của Tỉnh ủy An Giang lập căn cứ ở đây, sau hòa bình tiếp tục đầu tư khai phá, định cư dân kinh tế mới. Hồi Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử, dân ở đây là công dân Kiên Giang nhưng đi bầu cử tại Cầu Cây Me - Tri Tôn cho tiện đường. Sự kiện gần nhất sau này, ngày Bộ Nông nghiệp của ông Nguyễn Công Tạn rút khỏi địa bàn, có giao “đại bản doanh” của ông ở Giồng Cát, ấp Cây Gòn - Lương An Trà lại cho An Giang, chứng tỏ việc An Giang làm chủ vùng này là liên tục và hợp pháp.

clip_image006

Trụ đá bốn mặt – Ranh cũ An Giang - Kiên Giang trên bản đồ BON và UTM.

Ảnh do tác giả chụp ngày 30-12-2016

Thật tình mà nói, đây là vùng đất không chỉ đối với quân và dân An Giang, mà cá nhân và gia đình tôi là nơi có nhiều kỷ niệm rất thiêng liêng, không thể quên được. Do đó, với lợi thế là người phụ trách Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên, tôi đã tập trung mọi nguồn lực, mọi phương tiện để thi công các công trình theo kế hoạch, thậm chí tôi còn chỉ đạo anh Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Tấn Hưng Sở Thủy lợi, đồng chí Trần Thanh Liêm, Dương Văn Thạnh, Ủy ban huyện Tri tôn huy động nhân công đào tay, huyện phải lo hậu cần, nước ngọt, thuốc uống cho dân, kịp hoàn thành cái ranh mới trong tháng 5.1993, trước các chuyến khảo sát thực tế của ông Phan Ngọc Tường, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Tất cả các ông, khi đi thực địa đều nhận thấy, An Giang đã đầu tư đồng bộ, liên hoàn, nếu chia cắt khác hơn là không hợp lý, ảnh hưởng đến dân và khó cho quản lý sản xuất. Và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 669-TTg ngày 12.11.1994 xác định lại ranh hai tỉnh. Nghe đâu, ông cũng phải tranh thủ dữ lắm với Kiên Giang trước khi ký mới được. Sau này, khi không còn làm Thủ tướng, mùa nước nổi năm 2002, nhân chuyến về thăm An Giang, tôi đưa ông đến cái ranh kinh Ninh Phước 2 chỉ cho ông đồng lúa, rẫy khoai mì và nhà máy tinh bột rồi bất ngờ nói như kiến nghị: “Tôi hứa với chú, tôi sẽ khai thác được cánh đồng này, tôi đã hoàn thành. Nay, nếu chú cấp thêm cho An giang 10 ngàn ha nữa, tôi sẽ làm trong 10 năm nữa, cũng xong!”. Ông từ tốn thay cho trả lời: “Mầy biết không, khó khăn lắm. Tao phải viết cái thơ gởi các lão thành Kiên Giang kèm theo cái Quyết định, mới êm. Đây là một trong ba cái ranh tỉnh mà khi làm Thủ tướng tao phải xử”. Thật tình, tôi không có một cục đất nào trong 9.000 ha “giành giật” với Kiên Giang để bị Kiên Giang lên án “lấn ranh”, tôi chỉ giữ đất cho An Giang vậy mà dư luận bên An Giang lại vu cáo cho tôi “bao chiếm 600 ha”, mới ngặt.

clip_image008

Tôi đang đứng trên nền nhà (cũ) - Bờ Bắc Kinh Tám Ngàn - Đường Củi Giữa

và cũng là mảnh đất (2 ha) ba má tôi khai phá, canh tác năm xưa (1948-1965).

Sau giải phóng, những năm 1980 chị Sáu tôi có về ở một thời gian. Hàng tre ranh đất ba trồng

vẫn còn phía sau lưng tôi trong ảnh. Đứng đây nhớ cả một thời Mẹ Cha!- Anh Tư Đào chụp

Nhưng rồi, anh em Kiên Giang thấy Thủ tướng quyết vậy là hợp lý hợp tình nên cũng làm hòa với tôi; các đồng chí còn kêu tôi về nhận đất nhà cũ tôi từng ở gần 20 năm, suốt hai cuộc kháng chiến, tính từ 1948, ở Đường Củi Giửa, nay còn nằm bên kia bờ ranh thuộc Kiên Giang; nơi mà ba má tôi đổ vào đó không biết bao mồ hôi và tình cảm mà trước khi nhắm mắt vẫn còn nhắc không thôi! Mặc dù, đất của mình thì mình nhận lại đúng chánh sách Nhà nước, song tôi không nhận lại. Đó còn là vì Danh dự gia đình tôi. Không vì hai ha đất nhà mà làm méo mó ý nghĩa 9.000 ha tôi khai hoang cho An Giang; giá trị quá chênh lệch, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi chỉ muốn vùng Lò Gạch - Cây Gòn - Giồng Cát - Đường Củi Giữa mãi mãi là của tỉnh An Giang, vì nó có quá nhiều liên hệ thành kỷ niệm - lịch sử đối với An Giang - Long Châu Hà và gia đình tôi! Hôm nhận quyết định của Thủ tướng, tôi chủ trì liên hoan tổ chức ăn mừng tại Văn phòng Ủy ban tỉnh, tôi uống say đến không còn có thể say nổi, vì sự sung sướng, vì công của người An Giang bỏ ra nay người An Giang hưởng! Đồng chí Chủ tịch (anh Ba Đức) bảo tôi: “Mầy làm quá, Kiên Giang chửi cho!”. Tôi cười! Anh em Kiên Giang sau này rất hiểu và mến tôi, tôi xin và anh em còn cho An Giang đảo Kiến Vàng để Công ty Du lịch tỉnh xây dựng khu du lịch An Hải Sơn và mấy héc-ta ở Phú Quốc để làm du lịch sinh thái, nhưng rất tiếc, Công ty không đủ sức thực hiện, đành trả lại hết.

clip_image010

Đi ủy lạo công nhân các đội cơ giới thi công Kinh T5 hôm khởi công 22-4-1997

Kinh T4, T3 tỉnh An Giang mới đào xong ở phía mình, chưa thông qua đất Kiên Giang. Tôi muốn đào kinh T5 to hơn kinh T6 và nối thẳng T6 vào kinh Vĩnh Tế. Nhân mùa nước lớn năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải về, tôi trình bày ý tưởng thoát lũ núi (phèn) từ Campuchia, kết hợp dẫn nước ngọt sông Mekong vào sâu Tứ giác Long Xuyên. Sau đó, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mấy lần về khảo sát, có các chuyên gia trụ cột ngành thủy lợi như Giáo sư Hồ Chín, Giáo sư Nguyễn Sinh Huy, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tiến sĩ Tô Văn Trường - Viện trưởng Viện Qui hoạch Thủy lợi miền Nam và Phái viên Thủ tướng Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng)… cùng đi hoặc đi nghiên cứu thực địa riêng. Có người ở Bộ Thủy lợi (cũ) không đồng tình (vì Bộ Thủy lợi đã nhập qua Bộ Nông nghiệp), nói với tôi: “Ông Sáu như Bao Công, đi đâu cũng có Triển Chiêu, Công Tôn Sách…”, hay “Vật lý đi làm thủy lợi là làm tay trái…”. Tôi cãi lại: “Đây là qui hoạch của Bộ Thủy lợi, nhưng anh Nguyễn Cảnh Dinh (Bộ trưởng đã nghỉ) không đủ uy (quyền) và lực (tiền) và anh còn ngại “tuột nước kinh Vĩnh Tế” nên không làm. Nay có điều kiện, làm để dẫn ngọt, kết hợp mở rộng để thoát lũ và làm cống ven biển ngăn mặn thì tốt quá!”. Riêng Kiên Giang, lúc đầu phản đối mạnh, hôm họp hai tỉnh có Bộ chủ trì lần cuối trước khởi công tại Văn phòng Ủy ban tỉnh An Giang, đồng chí Phó Sở phụ trách Thủy lợi Kiên Giang nói: “Vừa sợ tuột nước kinh Vĩnh Tế, vừa đẩy phèn ra biển, làm ô nhiễm môi trường”. Đồng chí Phó Chủ tịch không phát biểu. Sau họp, các đồng chí lặng lẽ rút lui, nhưng sau này, khi công trình hoàn thành thấy có kết quả, các đồng chí cũng vui. Hôm thông kinh T5 cũng kịp vào mùa nước 1997, anh em chúng tôi xuôi dòng ra tới biển. Theo dòng T5, nước bạc, cá linh ra tới biển Tây. Bà con hai bên bờ cho chúng tôi biết, chưa bao giờ thấy thế này! Riêng tôi là người từ nhỏ lớn lên, kể cả nhiều năm trong kháng chiến, cơ quan tôi di chuyển tới lui quanh vùng này, hiểu ý bà con nói hơn ai hết.

Nhớ hồi còn kháng chiến, ngày 20.10.1964, khi rời Đồng Tràm - Trấp Sẻ về Xóm Thúng - Lương Phi, tôi lẩm nhẩm làm bài thơ “Từ giã đồng tràm”, trong đó hứa hẹn: “Ngày mai đất nước yên hàn/ Ta càng gần gũi với rừng thân yêu/ Đào kinh dẫn nước ngọt vào/ Khai hoang, dâm hạt giống vào nơi đây/ Máy cày hối hả đêm ngày/ Nông trường, nhà máy... ở đây đổi đời/ Người qua kẻ lại hết lời/ Trầm trồ khen ngợi những lời chứa chan”, như “hứa lèo”, vậy mà ba mươi hai năm sau lại hiển hiện: Mùa Xuân năm 1996, sau đợt I khai thác Tứ giác Long Xuyên, cánh đồng tràm xưa bị phá sạch sau Giải phóng, trơ trọi cỏ năng và phèn nặng, nhưng nay đã thành cánh đồng lúa và cây công nghiệp cùng nhà máy tinh bột khoai mì đang xây dựng và làng mới Lương An Trà mọc lên.

clip_image012

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt qua Cầu Hữu Nghị - Tịnh Biên đến xem

vị trí làm Cầu cạn Xuân Tô thoát lũ ra biển Tây cho nhanh hơn.

clip_image014

Tôi nhớ bài thơ xưa, lại hứng khởi làm thơ: “Anh lại trở về nơi mình hẹn ước/ Tìm lại phút giây ngây ngất thuở nào/ Nơi rừng xanh, mật ngọt, chim kêu/ Nơi mặt nước xôn xao con cá quẫy/ Và tìm bóng hình em hồi con gái/ Tuổi dậy thì động đậy một tình yêu/ Để hôm nay ta có thật nhiều...”, “Và đến được nơi mình hẹn ước/ Những dòng kinh và những con đường/ Những cánh đồng lúa mọc thay năng/ Làng xã mới rộn ràng chợ búa/ Trường ngói đỏ, đỏ khăn quàng đỏ/ Nhà cột bạch đàn, mái lợp rạ đưng/ Trạm xá mới xây thiếu thuốc, thiếu giường/ Trụ sở Ủy ban vẫn còn của Ban dự án/ Nước dưới kinh còn khi phèn khi mặn/ Người với người vừa mới biết quen nhau/ Mà đã như thân thiết thuở nào/ Như chúng ta ngày đầu gặp gỡ/ Để sau đó trở thành chồng vợ/ Như mảnh đất nghèo này duyên nợ cùng anh/ Và hôm nay hẹn ước đã toại thành”. Thật mà như giấc chiêm bao! Hơn cả chiêm bao là 9.000 ha được điều chỉnh cho An Giang, cùng công trình thoát lũ ra biển Tây lịch sử mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho An Giang, Kiên Giang, mà mỗi lần nhớ đến là mỗi lần tôi thấy sung sướng, hơn cả phần thưởng là hai tấm Huân chương Lao động (II và I) Nhà nước tặng cho tôi gắn với thành công của “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên”.

Trong Email trả lời TS. Nguyễn Ngọc Kinh, TS. Tô Văn Trường viết:

“Thoát lũ biển Tây:

+ Thực ra, cụm từ thoát lũ biển Tây (do tuyên truyền lũ 2000 hồi đó) là quen dùng thôi, thực chất là do ngăn 7 cầu để ngăn dòng nước phèn đầu mùa từ Campuchia chảy vào An Giang làm dâng nước Campuchia (*). Vì thế, phải tìm cách đưa lượng nước phèn này qua phía Tây bằng cách qua cầu cạn Hữu nghị và các kênh nối từ Vĩnh Tế ra biển Tây mà ngắn nhất là kênh T5 (kênh Võ Văn Kiệt). Thực chất, không phải thoát lũ vì không được bao nhiêu (khoảng 3000-4000 m3/s) nhưng người ta quen gọi vậy.

+ Hiệu quả kinh tế rất to lớn: Vì không có dòng nước phèn qua 7 cầu, nên dòng nước từ sông Hậu với nhiều phù sa đầu mùa chảy sâu vào tứ giác Hà Tiên cải tạo vùng đất phèn này và cấp nước sinh hoạt cho khu vực Kiên Lương.

+ Lũ: Cho đến nay, do phát triển thượng lưu (thủy điện, nông nghiệp và cả về chính trị), do các công trình dọc biên giới Việt Nam-Campuchia (lên đê, nâng cao đường lộ) và do biến đổi khí hậu sẽ khó có lũ lớn như năm 2000 trong vòng 15-20 năm tới. Bây giờ dân Đồng bằng sông Cửu Long mong chờ có lũ (thực chất là mùa nước nổi) để có thủy sản, đẩy mặn, vệ sinh đồng ruộng, v.v.

Thập niên 90, anh Bảy Nhị là Chủ tịch tỉnh An Giang, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, đã đề xuất nhiều ý tưởng như mở rộng kênh Vĩnh Tế, ngăn nước đầu vụ qua 7 cầu, v.v. phù hợp với ý tưởng của quy hoạch, được ông Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo thực hiện nên tứ giác Long Xuyên mới có bộ mặt thay đổi như ngày nay.

“Ông Kiệt không có bằng cấp học hàm, học vị, nhưng thực sự có tâm và có tầm nhìn xa, trông rộng, biết vượt lên chính mình. Ông biết lắng nghe những ý kiến đa chiều, kể cả phê phán mình (tôi thường xuyên thảo luận các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực với ông - không có vùng cấm). Bằng trải nghiệm, lăn lội với thực tế, tự học ở trường đời, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học, ông tự phân tích để rút ra kết luận cho mình. Ông tin và biết sử dụng người. Ngược lại, người Dân cũng kính trọng và giới trí thức hết lòng phò tá vì ông Sáu Dân có TẤM LÒNG đối với đất nước với dân tộc.

Khi nào anh có dịp vào tứ giác Long Xuyên đến đầu kinh Võ Văn Kiệt (trước là kinh Tuần Thống - T5) có tấm bia đá đặt ở đầu kinh với những lời văn hào sảng, chân chất của người dân Nam Bộ tưởng nhớ đến vị Thủ tướng của nhân dân. (Anh Bảy Nhị là người chấp bút thảo văn bia này).

TVT

(*) Tổng lượng nước qua 7 cầu khoảng 2.300 m3/giây lúc cao điểm.

Dân biết người lãnh đạo có tâm, có tầm quyết định các công trình cho vùng đất này, nên thân mật gọi kinh T5 là “Kinh Ông Kiệt” khi đang thi công. Và tỉnh An Giang đã lấy tên ông đặt cho con kinh này. Nghe dân gọi tên con kênh như đã đặt tên, tôi chỉ đạo cho đồng chí Lưu Minh Thạch, Chủ tịch Tri Tôn và Đỗ Đình Khoa, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh mua đất, san lấp mặt bằng tại đầu vàm kinh để chuẩn bị trước. Ông và tôi cùng những người trong Tổ Chuyên gia tư vấn cho ông từng chụp ảnh kỷ niệm tại đây. Nhân đó, tôi giới thiệu với ông và những người cùng đi: “Nơi đây “hội danh” những nhân vật lịch sử qua ba công trình đào kinh: Vĩnh Tế - Thoại Ngọc Hầu, T5 - Võ Văn Kiệt và Kinh Mới - Ngô Đình Diệm!”. Ông ngạc nhiên: “Ủa! Có Ngô Đình Diệm nữa hả?”. Tôi thưa: “Trong bài tham luận tại hội thảo Vĩnh Tế - Thoại Ngọc Hầu... Tôi có nêu lên ý này”. Và tại mặt bằng đã san lấp ở đầu vàm kinh T5, tôi nói: “Nơi đây An Giang sẽ xây tượng đài Thủ tướng. Và nếu xây bằng đá granit thì cũng sẽ nặn tượng các ông (Nguyễn Văn Hiệu, Đặng Văn Thượng, Hồ Chín, Nguyễn Sinh Huy, Tô Văn Trường) đứng phía sau, nhưng không phải bằng chất liệu đồng, đá mà là đất nung như tượng “Chiến binh Tần Thủy Hoàng”. Tất cả đều cười vui vẻ. Vậy mà sau này, khi anh Nguyễn Văn Hiệu đề xuất và khen thưởng các anh Sinh Huy, Hồ Chín hàng trăm triệu đồng và vinh danh “Nhân tài Đất Việt”, cũng lắm lời ra tiếng vào, thậm chí cho rằng “tác dụng của công trình là tuyên truyền” và đã bị “cường điệu”. Anh Tô Văn Trường, Lê Phú Khải có bài phản biện lại, còn tôi buồn cho cái... người Việt mình hay như thế!

clip_image016

Từ trái qua GS Nguyễn Sinh Huy, GS VS Nguyễn Văn Hiệu,

PGS Hồ Chín, TS Tô Văn Trường... bên bờ T5 đang đào.

Theo quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 14, ngày 10.7.2009 về việc đặt tên và xây dựng cụm công trình kỷ niệm người có công, được mời chấp bút, tôi đã mở đầu bài Văn bia khắc dưới chân dung ông tại đây: “Người nhờ đất sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. Nơi đây ngày 25.7.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt...” đã quyết định đào kinh và xây dựng công trình thoát lũ ra biển Tây. Khởi công ngày 22.4 và hoàn thành 24.8.1997. Kinh dài 37.355 mét, đào đắp 6 triệu mét khối đất, kinh phí 97 tỷ đồng. Công trình dẫn ngọt, rửa phèn, tưới tiêu cho 16.000 ha Tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

“Kinh Võ Văn Kiệt tiếp nối Vĩnh Tế, Thoại Hà. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên mảnh đất phương Nam. Các thế hệ Việt Nam sẽ nương dòng chảy ấy, hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”. (Trích văn bia)

clip_image018 Nơi sẽ đặt tượng Ông. Và Ông đang là tượng sống!

“Lồng lộng bóng soi miền sông nước”

“Đời nặng ân tình đất nặng chân”

– Trích thơ “Thủ tướng của nhân dân” – NMN.

Con đường mà tôi đi qua, tính từ khi bước chân lên bờ Bắc Lương An Trà để đi về hướng núi Dài Lớn trong âm vang trống mõ Đồng Khởi 1960 – Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời và rồi từ Đảng “Đổi mới” 1986 với cái mốc làm Giám đốc Sở Nông nghiệp năm 1988, đến khi về hưu, tôi mới tự khẳng định mình. Tôi tự hào là bạn nhà nông, cùng họ làm nên từ một vụ lúa mùa quảng canh đến hai vụ, ba vụ lúa - màu trên 240.000 ha đất nông nghiệp toàn tỉnh; nông dân không còn bốn tháng nông nhàn vào mùa nước nổi; làm tăng năng suất lúa lên 6 tấn/ha/vụ để đạt trên 3 triệu tấn lúa năm – bình quân tăng 100 ngàn tấn/năm; mở mang đất đai lãnh thổ rộng thêm 9.000 ha và thoát được cảnh ngập lụt hàng năm cho xứ mình. An Giang luôn luôn là tỉnh đi đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế nông nghiệp và thương mại dịch vụ cho đến tận cuối Thế kỷ 20 đầu Thế kỷ 21 (1990-2005). Đó là những năm tháng và việc làm mà tôi cảm thấy có ích nhất! Tôi đã đi về đúng nơi hẹn ước với người yêu, với người dân và mảnh đất nghèo mà tôi đã thầm hứa trên đường chiến đấu!

Làm được việc có ích là nhờ có người dẫn đường chỉ lối cho tôi: Ở tầm quốc gia là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ở tầm địa phương là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn vì đã trao cho tôi “cơ chế” vô tiền khoán hậu là: Có toàn quyền mà không đòi có “bảo chứng” để làm cho nông nghiệp phát triển, nông dân giàu có từ những năm “Đổi mới”!

Nợ với cánh đồng và dòng sông

Hồi mới về Sở Nông nghiệp, vào làm việc với Nông trường An Thành ở xã Vĩnh Nhuận, tôi thấy trên đất chuyển vụ, sau khi thu hoạch lúa Hè-Thu sớm, cá rô non bằng ngón tay, cá lóc ròng ròng kẹt lại trong ruộng, bà con bắt đem móc hầu nặn bỏ ruột rồi kho khô sả ớt ngon vô phương. Đó là món ăn khoái khẩu của dân nghèo xưa, ai quen ăn nghe mùi mà không thèm mới lạ.

Dù Tứ giác Long Xuyên đang còn lúa mùa và đất hoang gần như toàn vùng, nhưng tôi là người lãnh lịnh đi khai hoang chuyển vụ để sản xuất lúa Thần Nông hai vụ /năm, tôi nghĩ sẽ không còn môi trường cho các loài cá đồng hay còn gọi là cá đen như lóc, rô, trê, sặc... cư trú, sinh sản và sẽ tuyệt chủng. Từ đó, tôi nghĩ sẽ dành vài ba ha đất nông trường để làm bờ bao lửng, đào ao bỏ đất hoang cho cỏ lác mọc, tạo môi trường cho cá ở suốt mùa khô, sinh sản vào mùa mưa và khi tháng 8 nước nhảy tràn bờ bao thì cá con, cá mẹ sẽ lên đồng kiếm ăn, khi cá lớn bằng cỡ cho phép đánh bắt thì sẽ có việc làm cho dân nghèo nghề câu lưới, thực đơn bữa ăn dân ta sẽ không mất những món ăn dân dã truyền thống đang dần đắt đỏ. Nếu 1.000 ha chiết ra từ 1 đến 3 ha để làm như vậy, toàn tỉnh sẽ có cả hàng trăm ha sẽ cân bằng giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Tôi bàn với anh em nông trường về ý định này, anh em rất hoan nghênh, nhưng nói là không được, vì khi nước cạn, lực lượng “rà điện” bắt cá đông lắm, không tài nào giữ nổi, thậm chí sẽ có đổ máu. Tôi tiếc quá, nói với anh em, khi nào dân ta giác ngộ, mình sẽ làm việc này, vì nó giữ được môi trường, đem lại lợi ích cho đời đời con cháu.

clip_image021

Lúa mùa nổi được phục hồi ở hai xã mới: Lương An Trà và Vĩnh Phước sau 2010.

clip_image023

Chòi quan sát bảo vệ rừng tràm Trà Sư.

Từ đó, khi làm kế hoạch bảo vệ rừng tràm Trà Sư thành rừng sinh thái và tham gia Công ước Ramsa, tôi chủ trương phân lô trong đê bao lớn để luân phiên giữ nước chống cháy, vừa tạo môi trường khô ráo cho tràm phát triển mấy tháng trong năm, đồng thời bảo tồn các giống loài cá đồng quí hiếm như nói. Tuy lúc đầu có xảy ra tranh chấp và có nổ súng chết người, nhưng dần dần rồi cũng đạt yêu cầu bảo vệ rừng như ta thấy. Có lần, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với tôi: “Làm sao kiểm kê xem dưới sông còn bao nhiêu giống loài cá và có cách bảo tồn, nhất là các loại quí hiếm”. Tôi nói: “Việc này thuộc tầm quốc gia. Quốc tế vừa qua có kêu gọi và hỗ trợ ta mà làm còn không đến đâu, tỉnh làm gì được!”.

Thiết nghĩ, vấn đề này ta phải học Campuchia láng giềng, họ có truyền thống bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chim thú rừng bằng luật nhà nước rất nghiêm ngặt, gần như thành truyền thống dân tộc, ngay như người Campuchia ở Việt Nam, là đồng bào thiểu số của mình mà họ cũng không ăn... như “đồng bào đa số” của họ.

Tôi còn nợ dân về một cánh đồng nhiều cá đen và một dòng sông nhiều cá trắng, vì tôi có hơn mười năm lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh mà không làm được.

N.M.N.