Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 14)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Tình đồng chí – Tình bạn – Tình yêu

Tháng 5.1973, tại Sơn-khơ-mau, tôi được Tỉnh ủy cử đi học lớp sơ cấp Đảng trường Trần Phú Khu 8. Trước khi đi tôi tranh thủ về thăm ba má vừa được anh Tư Đào đem về Long Sang, vùng giải phóng tỉnh Kandal – Campuchia, chỗ chòm tre gần cơ quan Tỉnh đội cất nhà (trại) tính ở lâu dài. Má làm bánh lọt bán theo xóm, ba đan giỏ, rổ, rá... bán. Thấy tạm ổn cũng mừng.

 

clip_image002

Ba, anh Tư Đào, cháu Minh Hiền và Má trước khi tôi đi học trường Trần Phú  Khu 8 - năm 1973 (ảnh Bảy Nhị chụp)

Trường Trần Phú nằm sâu trên đất Campuchia, hình như là tỉnh Prey Veng. Tôi học khóa 44. Học có nhiều cái mới lạ, nhất là về triết học. Do để phân biệt mâu thuẫn địch-ta mà xảy ra “mâu thuẫn” trong đoàn học viên An Giang, khi đánh giá mâu thuẫn “Phòng vệ dân sự” với ta là “Mâu thuẫn nội bộ nhân dân” hay “Mâu thuẫn địch ta” mà cô Sáu không muốn nhìn mặt tôi, vì sau khi nghe ông giáo vụ trả lời thì biết bà sai. Đặc biệt, bài học “Bạo lực Cách mạng” do Tư lịnh Quân khu 8 Dương Cử Tẩm giảng vừa học qua một tuần thì xảy ra đảo chánh ở Chi Lê, lật đổ chánh phủ A-giăng-đê cánh tả dân cử, tôi xúc cảm đến làm thơ và càng củng cố thêm “Học thuyết chánh quyền trên đầu súng” mà chúng tôi luôn “quán triệt”.

Gần cuối khóa, tháng 10.1973, tôi nhận được thơ một đồng chí ở nhà gởi báo tin: “Ở nhà đang có âm mưu lật đổ”, nhân tôi vắng cơ quan. Tôi thư trả lời: “Tôi còn sống để về và sẽ rõ”. Linh tính báo rằng, người báo tin cũng là người vu cáo tôi. Khi về, đúng như vậy. Sau này, nói đúng hơn 40 năm sau đọc nhật ký của Minh 10/8/1973 mới thấy đúng như tôi nhận định.

clip_image004

Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết tình đồng chí nhiều khi chỉ là mỹ từ vô nghĩa. Hèn nào anh Ba Thạo hay hát Quốc ca Liên Xô theo kiểu đâm hơi: “Gọi đồng chí chúng ta thấy ‘găng’ nhau hơn…”.

Trong lần đi học này, tôi quen và thân với chú Bảy Tỉnh, cũng như trước đó quen thân với chú Mười Tôn, sau này là Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo Trung ương – nói theo nhà văn Nguyên Hùng gọi nhóm ông Mười Trí, Bảy Viễn là “Người Bình Xuyên”, thì hai ông này là “Người Hòa Hảo” xuất sắc! Tôi quen, thân rồi mới nghe chú tâm sự: “Tôi đâu có làm Đại đội Hòa Hảo hồi nào đâu. Số là sau Hiệp định Genevơ 1954, năm đó nước giựt trễ, mà cái đáy cá chận ngang Kinh xáng Vịnh Tre làm nước trên đồng xuống chậm mà lúa chín rục không cắt được. Dân kêu nài không đến đâu, tôi hô hào rồi dẫn đầu cùng dân cuốn lưới đáy, phá cản nước. Dân hò reo, tôn tôi lên “Đại đội Tỉnh”. Đi đâu, kể cả Mặt trận Giải phóng lắm lúc cũng kêu tôi như vậy. Vinh quang chưa thấy thì Đức Ông Huỳnh Công Bộ, thân phụ Đức Thầy, kêu tôi về Tổ Đình. Ông cầm roi da bò ra tay đánh tôi. Vừa đánh ông vừa “hài tội”, nói tôi ‘ngon’ dám cả gan chống lại ông, vì tôi biết ông “thu thuế” từ các cơ sở giang - thủy - lợi như vậy hàng năm. Trong khi đánh tôi, ông mệt mồ hôi ra ướt áo mà tôi đứng như trời trồng cho ông ra roi, vì có bốn tên cầm bốn cây Colt-12 chĩa nòng vào tôi. Đau quá, tôi la: “Đức Thầy ơi, về đây coi họ đánh tôi nè!”. Rồi ông ngừng tay, cho giam tôi lại. Từ đó tôi mang danh “Đại đội Tỉnh” và rồi tôi tìm đến với Cách mạng luôn”. Ngày ấy, chức “Đại đội Hòa Hảo” oai thật đấy. Qua thân tình, tôi dò la thái độ mới thấy chú Bảy cũng như những tín đồ tâm đạo Phật giáo Hòa Hảo khác mà tôi biết và quí mến, đều có lòng sùng đạo bất chấp hoàn cảnh, nói như bác Chủ Cự bạn thân của ba tôi: “Nhân hư đạo bất hư”. Niềm tin thật mãnh liệt! Tôi và chú cùng anh Năm Tiến cán bộ An ninh tỉnh thân nhau từ lần đi học đó. Đau buồn là trong khi chuẩn bị chia tỉnh lần hai, 1974, chú đau nặng (xơ gan) rồi qua đời tại chòm cây Mì Vè bên bờ rạch Mương Vú - Căn cứ B1, nơi mà sau lần đi học về, tôi thường ra đây chăm sóc cơ sở tự túc cơ quan, thường ngủ đêm với chú tại đây tâm sự việc đời, nhất là việc “chống tiêu cực nội bộ”... thành kỷ niệm.

Mùa khô năm 1974, sau khi sắp xếp gọn nhẹ các cơ quan trực thuộc, Ban Tuyên huấn lại dời về căn cứ B1. Tại đây, hai cháu Bân, Khoe được các chú chọn đưa đi học văn hóa ở miền Bắc, thầy Chiến là Việt kiều Campuchia, cán bộ của Giáo dục dịp này cũng được cử đi học sư phạm trên R. Tôi và Minh bàn nhau thống nhất đưa vấn đề của chúng tôi ra trước gia đình, xin ý kiến cơ quan để đi đến hôn nhân. Tôi gặp riêng anh tôi, Tư Đào, được anh đồng tình và cậu Bảy tôi cũng đồng ý. Tôi gặp chú Hai Thanh Niên báo cáo cho Ban và Đảng ủy. Cậu Bảy và anh tôi cũng đến gặp chú Hai và má của Minh. Được mọi người tán đồng, tôi rất mừng.

clip_image006

Ảnh Tư Đào: Từ phải qua: Minh, Chị Tư Đào và Phượng. Tại B1 tháng 8/74.

Cô Hai còn gởi thư cho Minh nói rằng, bà có cảm nhận mối quan hệ giữa hai chúng tôi qua những lần bà đến cơ quan, nên xem như không bất ngờ mà còn rất ủnghộ.

clip_image008

Vạt Lài 10/1969. Và tại Sơn-Khơ-Mau tháng 5/1973 - Từ phải: Minh, Má và em Ngoan tại Phân xã An Giang.

Nhưng đùng một cái, ba của Minh gởi thư phản đối. Lý do có lẽ là hồi tháng 11/1971, Minh được chọn chuẩn bị đi học ở miền Bắc nhưng rồi lại đình vì là Đảng viên, chưa có yêu cầu đào tạo văn hóa, phải ở lại công tác (?) nên gia đình Minh từ chối lời tôi để Minh được thoải mái tiếp tục lo việc học hành. Chuyện chúng tôi đặt vấn đề với tổ chức không có dư luận nào trái chiều, bởi vì lúc này số nam nữ trong Ban đều có vợ chồng hết rồi. Chúng tôi như thế là còn trễ!

Tình yêu của chúng tôi “nảy mầm” từ những tháng năm thăm dò, bày tỏ đáng nhớ: 9/1969 - 5/1970 - 7/1970, qua các mốc thời gian thử thách, hẹn hò đợi chờ vì chuẩn bị đi học Miền Bắc: 1971, 1973... và cuối cùng toại nguyện trong niềm vui Thống Nhất nước nhà. Có lần gặp nhau ở nhà tôi, nhắc lại chuyện cũ, tôi nói vui với mấy “cô gái” năm xưa nay đã là bà ngoại, “Tôi chờ các em có chồng hết, tôi mới có vợ phải không?” các bạn đều nói “Đúng vậy”. Rồi tôi ứng khẩu đọc mấy câu thơ con cóc theo “hơi thơ” của T.T.Kh. cho vui: “Giải phóng rồi hết đợi hết mong/ Những người yêu tôi đã có chồng/ Duy nhất còn người tôi yêu nhất/ Thì tôi cưới vợ, thế là xong!”. Tôi còn nhấn nhá lại câu “những người yêu tôi” và “người tôi yêu nhất”, như tự đề cao mối tình của chúng tôi, cho vui vậy.

clip_image010

Minh ghi Nhật ký ngày 6/3/1973: Chỉ vì quá thương nhau mà chúng ta phải hy sinh. Sự trong sạch của hai đứa giữ được đến ngày nay cũng là sự yêu thương, quí mến nhau. Năm năm + 5 năm nữa = 10 năm. Một mối tình kéo dài 10 năm hy sinh để làm gì?...

Sau “Đổi mới”, anh em dân Tuyên huấn chúng tôi khi xưa thường họp mặt với nhau nhiều lần, đó là điều chúng tôi thấy rất ấm cúng. Đặc biệt, làm theo lời chú Hai - Võ Bá Trạc căn dặn: “Sau này có điều kiện chọn ngày nào đó làm giỗ hội cho anh  em Ban Tuyên huấn và Sở Văn hóa – Thông tin đã hy sinh hoặc từ trần, để chúng ta tưởng nhớ về nhau một thời và mãi mãi”,   hàng năm chúng tôi đều có làm “giỗ hội” cho những cán bộ, nhân viên từng ở Ban Tuyên huấn trước đây và Ty Văn hóa - Thông tin sau này... đã hy sinh hoặc từ trần. Lễ tổ chức tại nhà Chú, do con trai là Võ Văn Sết thừa kế; vừa tưởng nhớ người xưa từng cùng nhau một thời, vừa thăm hỏi người nay đang  sống mòn cùng dĩ vãng! Đó là ngày 28 tháng 8 năm 2005, nhằm ngày 24 tháng 7 năm Ất Dậu. Tôi hân hạnh được anh em cử viết Lời điếu và cắm nén nhang đầu tiên trong Lễ đầu tiên.

clip_image012-

Danh sách hơn 100 cán bộ Ban Tuyên huấn và ngành Văn hóa - Thông tin hy sinh, từ trần nối dài... hơi nhanh trên “Bảng Phong Thần”.

Khi những trang Hồi ký này được chỉnh sửa lần cuối để “in nháp” lần thứ ba, tôi ngộ ra rằng: Tình đồng chí, tình bạn, tình yêu của tôi đã qua đều trong hai Đại lượng: Tổ quốcGia đình. Ngoài tình yêu trong hai đại lượng ấy ra, không còn có tình yêu nào cao hơn. Vì Gia đình là hạt nhân của tình yêu, tế bào của xã hội; Tổ quốc là “dung môi” tạo ra sự gắn kết bền vững nhất cho cộng đồng các dân tộc trong một Quốc gia. Khi ta đặt đúng vị trí của Tổ quốc và Gia đình, mọi mối quan hệ quanh nó mới có lực hấp dẫn được gọi là Tình yêu. Tôi tuy không lai láng tình yêu, nhưng tình đồng chí - đồng đội, tình bạn, tình yêu đôi lứa của tôi có được đều chân thành và chung thủy trong hai đại lượng ấy!

Long Châu Tiền

Cuối tháng 4.1974, Trung ương cục lại quyết định giải thể tỉnh Kiến Phong và An Giang để lập tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc. Phần An Giang nhập qua có các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân cùng các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự của Kiến Phong thành tỉnh mới Long Châu Tiền. Thị trấn Tân Châu trở thành Thị xã tỉnh lỵ Long Châu Tiền. Anh Mười Minh, Trợ lý huấn học của Ban được phân về Long Châu Hà.

clip_image014

Minh (bìa trái), Bảy Nhị, Tư Đào tại B1 trước khi anh Mười chia tay về Long Châu Hà. Ảnh Phương Ngoan.

Lần chia tỉnh thứ hai, yêu cầu chỉ là phá thế cô lập về địa chánh trị mà lần chia thứ nhất làm cho Tỉnh ủy An Giang bị “treo lơ lửng” trên đầu nguồn hai huyện Tân Châu, An Phú với “cái đuôi Sao chổi” là Phú Tân, Long Xuyên không có địa bàn đứng chân. Để khắc phục, lần này tách nhập là để khắc phục cái thế cheo leo ấy: Tỉnh Long Châu Tiền, dựa lưng vào căn cứ Đồng Tháp Mười ở phía Đông; Long Châu Hà dựa lưng vào Bảy Núi và liền với rừng tràm U Minh Thượng ở phía Tây. Phiên hiệu An Giang không còn! Thế mới biết tỉnh An Giang có một lịch sử gian truân, một phần là do địa hình hai con sông lớn: Sông Tiền và Sông Hậu chia cắt, nhưng cái khó hơn là vấn đề chánh trị - dân tộc - tôn giáo rất phức tạp. Trung ương cục qua hai lần kháng chiền đều rất sáng suốt trong việc tạo thế chiến lược cho chiến trường đồng bằng đông dân và trù phú, đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho chiến tranh của chế độ Sài Gòn mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đã một lần chia tách và cũng với tên gọi hai tỉnh như lần này: Long Châu Hà thuộc Khu 9 – Tây Nam Bộ, Long Châu Tiền thuộc Khu 8 – Trung Nam Bộ.

Bắt đầu mùa mưa, một bộ phận lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Kiến Phong lần lượt nhập qua, về căn cứ B1 làm việc với tư cách tỉnh mới. Trong số này, có ông Mười Nhẹ (Nguyễn Xuân Trường) Bí thư Tỉnh ủy, ông Đoàn Văn Thượng (Sáu Thượng) Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh và một số cán bộ chủ chốt ở các ban ngành khác nơi có, nơi không, vì cái chính là bộ máy của An Giang căn bản giữ nguyên cho tỉnh mới. Nghe chú Tám Hoa nói lại, và qua thơ của ba Minh, ông Mười là chỗ thân tình của gia đình Minh: Chú Tám có đem chuyện tôi và Minh báo lại với ông, hình như ông cũng đồng tình, nhưng than phiền là ba Minh khó quá, chờ tranh thủ.

Mùa nước năm 1974, Tỉnh ủy quyết định dời căn cứ về Hồng Ngự - Sông Bé (sông Sở Thượng). Từ chòm vừng B1 - xã Phú Hữu, chúng tôi xuất phát lúc trời hửng sáng, di chuyển bằng ghe máy. Lúc vượt sông Tiền, phải nổ hai máy cho nhanh vì sợ tàu địch và trực thăng xuất hiện bất tử. Đây là lần thứ ba tôi vượt sông Tiền, nhưng có khí thế hơn hai lần trước phải âm thầm trong đêm. Trên ghe cũng chỉ có vài khẩu AK và Carbine. Lần này tôi là người có trách nhiệm cao nhất trên chiếc ghe nhỏ sang sông nên cũng rất lo lắng, mặc dù ghe trang bị hai máy: Kohler 10 và BS9, nhưng con sông rộng hơn 500 mét, lo gặp tàu thì ít vì nó chậm, ta dễ phát hiện từ xa, ngại nhất là trực thăng. Nhưng tâm trạng tôi không căng thẳng bằng khi qua kinh Vĩnh Tế chỉ rộng vài ba chục mét hồi tháng 10 năm 1969. Tôi cứ đăm đăm nhìn về hướng Tân Châu, xem có xuất hiện “con ruồi” nào không. Mãi đến khi ghe cặp mé vườn của dân Campuchia bỏ hoang, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

clip_image016

Ảnh Hồng Sến: Sau hậu bờ Đông sông Sở Thượng.

Tại sông Sở Thượng, lúc đầu, chúng tôi tá túc trong nhà dân gần “Chợ Cứt bò”, rồi dời qua ở tạm trên gò phía Đông, phát đất làm rẫy, sau Tết Ất Mão, 1975, đến khi thu hoạch bầu bí rồi mới đi xây dựng lán trại tại chòm vừng phía trong mương Hai Nguyên, trên đường ranh biên giới hai nước. Ở đây còn có bộ phận nhà in Trần Phú của Khu 8 do anh Tư Tới lãnh đạo. Vừa ổn định chỗ ở, nhân dịp ba má tôi vào dự đám cưới em Phượng và Chiến, tôi báo lại việc tôi đề nghị anh Tư, cậu Bảy hỏi cưới Minh cho tôi. Ba má tôi gặp lại Minh trong tâm thế đó, khác hơn lần trước khi tôi mới ra tù có Minh cùng đi với tôi và em Phượng đến nhà. Ba má tôi đều đồng ý. Đồng ý cả việc tôi chuẩn bị đi học Miền Bắc mà vẫn hẹn chờ đợi nhau.

Ở đây chưa lâu thì lại xảy ra vụ Minh bị lấy mất tiền quỹ của Ban Tuyên huấn khá lớn, tôi phải dùng “khổ nhục kế” với một cậu em nhỏ mới vào cơ quan, làm động lòng người lấy, họ mới bí mật đem trả trước trời sáng tại bếp nấu ăn mà mỗi sáng Minh là người đầu tiên có mặt để làm bếp. Tôi được Ban và Tỉnh ủy phân công xuống các xã vùng giải phóng Hồng Ngự xây dựng lực lượng, trong khi việc tôi đi học Miền Bắc vẫn cứ “hâm nóng” hoài.

clip_image018

Ảnh Tư Đào: Tại Mương Hai Nguyên – Sông Sở Thượng - Minh và cháu Minh Hiền (theo nội vào đám cưới cô Út).

Đầu năm 1975 có vẻ chắc chắn được đi, vì lời thẩm lý lịch của tôi lần trước tại B1 do Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang, lần này là do Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Tiền ký. Minh đã cắt gởi cho tôi mang theo lọn tóc thề và tôi trao lại cho Minh bài thơ “Lời hẹn” đã gởi cho Minh trước đó, nhưng có sửa hai câu cuối “Cầm tay nhau phút lên đường/ Hôn nhau tạm biệt yêu thương trọn đời như Minh đã ghi vào Nhật ký tháng 4/74 (ở B1) thành  hai câu cuối như dưới đây cho phù hợp với lọn tóc mây “Xiết tay tạm biệt lên đường/ Tóc mây một lọn yêu thương trọn đời!”.

Nhạn về đất Bắc nhạn ơi!

Bao thuở nhạn hồi kẻo én đợi trông

“Ngày mai thống nhất non sông

“Chúng mình sum họp thỏa lòng ước ao

“Từ đây như những độ nào

“Bóng hình em vẫn dạt dào tim anh

“Thời gian chứng một mối tình

“Lòng ta son sắt đinh ninh lời nguyền

Xiết tay tạm biệt lên đường

Tóc mây một lọn yêu thương trọn đời!

Nhưng rồi lại không đi học mà đi giải phóng toàn Miền Nam!

clip_image020

Đầu tháng 4.1975, tỉnh mở chiến dịch mùa khô, lấy Thanh Bình - Tam Nông làm trọng điểm I, để giải phóng phần đất thuộc Đồng Tháp Mười nối liền với Tứ Thường, tạo áp lực trực tiếp đến chi khu Tân Châu. Anh Chín Lĩnh và đồng chí Chín Hưng được phân công mang đài GFB2 đi mặt trận này làm công tác thông tấn và kết hợp vận động quần chúng. Tôi được phân công đi trọng điểm II là Hồng Ngự, xuống hai xã Thường Phước và Thường Thới Tiền đối diện thị trấn Tân Châu để vận động tòng quân, học tập cho cơ sở từ trong thị trấn đưa ra; kết hợp công tác võ trang, binh vận của địa phương vây lấn đồn Cây Dừa (Thường Phước) còn nằm cheo leo bên bờ Đông sông Tiền đối diện, án ngữ cho chi khu Tân Châu. Anh Ba Nhu ở nhà thay tôi lãnh đạo cơ quan và làm nhiệm vụ đưa tin tức của tỉnh về trên. Lúc này, ta chiến thắng như chẻ tre. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kêu tôi lên dặn: “Đồng chí gởi báo cáo về cho Ban, đồng thời gởi cho tôi một bản”. Tôi càng phấn khởi vì được khích lệ. Tôi về cơ quan, nhờ đồng chí Nguyễn Thành Long (sau này là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin), can vẽ cho tôi bản đồ nước Việt Nam, phần từ Vĩ tuyến 17 trở vào chỉ đề tên tỉnh, còn lại chừa trắng. Nghe Đài phát thanh Giải phóng tuyên bố tỉnh nào giải phóng hoàn toàn, tôi ghi ngày giải phóng và sơn lên màu đỏ. Cái màu đỏ ấy cứ lan dần, lan nhanh hơn giấy thấm mực học trò.

clip_image022

Nhật ký Minh ghi: Cũng chiều nay hay tin anh đình việc đi học... Ban TH Tiễn bác Hai Thanh Niên đi công tác khácTức về làm Bí Thư Đảng ủy Lâm thời Tân Châu. Trong lúc tôi đang ở Thường Thới Tiền vận động tân binh... Hai việc có liên quan nhau đến một ngày 30 tháng Tư lịch sử.

Tình hình tuy phấn khởi vậy, nhưng công tác vận động tòng quân không phải dễ dàng. Tôi bị các bà mẹ, bà vợ, bà chị chất vấn vặn vẹo không vừa, thậm chí có người rủa lén sau lưng tôi. Từ đó liên hệ, tôi thấy thương và trân trọng dân mình ở những vùng truyền thống yêu nước trong những năm 1960 đã âm thầm tiễn chồng, đưa con lên đường xây dựng lực lượng võ trang nên mới có ngày hôm nay, để tôi đứng cách dinh quận không hơn một cây số đường chim bay, nói “tình hình ta đang thắng, địch đang thua” để vận động người dân tiếp tục hy sinh cho toàn thắng. Rồi phòng tuyến Xuân Lộc bị ta phá vỡ, lúc này tôi không còn thời gian để tô màu thắng lợi và trong các cuộc tiếp xúc với dân cũng không cần có bản đồ để chỉ vùng Giải phóng mới mở ra. Ai ai cũng biết, vùng Giải phóng là từ Quảng Trị đến áp sát Sài Gòn rồi. Chiều 30 tháng Tư, sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố “Bàn giao chánh quyền”, tôi bị vây trong vòng người đăng ký tòng quân. Súng không có đủ để phát cho họ. Những người hôm qua, 29/4, tình nguyện ký tên nhập ngũ, hôm nay tự nhiên khác xa người mới đăng ký. Ngủ một đêm, sáng ngày, thành người kháng chiến, mà họ xứng đáng được hưởng danh phận ấy.

N.M.N.