Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (14)

Thụy Khuê

Trại Cẩm Giàng

Phần I

Nói đến cái nôi của Tự Lực văn đoàn là phải kể hai địa điểm: Trại Cẩm Giàng và số 80 Quan Thánh.

Cẩm Giàng là nơi chi nhánh gia đình Nguyễn Tường từ Hội An ra Bắc, định cư và lập nghiệp.

80 Quan Thánh là toà soạn báo Phong Hóa Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay, từ 1934 đến 1946.

Tìm lại Cẩm Giàng cũng là nhận diện công lao của một người phụ nữ phi thường: Bà Nguyễn Tường Nhu nhũ danh Lê Thị Sâm, người mẹ goá trẻ, một mình nuôi bảy con và một mẹ chồng, trong đó có ba người là thành viên xây dựng Tự Lực văn đoàn.

Những tư liệu về Tự Lực văn đoàn và gia đình Nguyễn Tường

Trước khi đi vào phần viết về gia đình Nguyễn Tường, chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả, những tài liệu đúng đắn, có thể dùng được và cả loại tài liệu hư cấu, nhưng đã trá hình như tài liệu thật.

Ở miền Nam, tạp chí Văn làm bốn số đặc biệt về Tự Lực văn đoàn: Văn số 14 (7-7-64) Tưởng niệm Nhất Linh; Văn số 22 (15-11-64) Tưởng niệm Khái Hưng, Văn số 36 (15-6-65) Tưởng niệm Thạch Lam và Văn số 107-108 (15-6-68) Tưởng niệm Hoàng Đạo.

Bốn số báo này có nhiều bài viết giá trị, nghiên cứu, nhận định, hồi ức, của các tác giả, đã từng nghiên cứu hoặc gặp gỡ Tự Lực văn đoàn, như: Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Văn Trung, Thế Uyên, Thư Trung, Trần Khánh Triệu, Hồ Hữu Tường, Dương Nghiễm Mậu, Mai Chi, Nguyễn Thạch Kiên, Đinh Hùng, Đỗ Đức Thu, Huyền Kiêu, Võ Hồng, Mai Thảo. Riêng Nguyễn Văn Xuân có viết trong số Văn Tưởng niệm Hoàng Đạo hai bài cực lực chỉ trích và hạ bệ Hoàng Đạo đồng thời cả Tự Lực văn đoàn, chúng tôi sẽ nói đến sau. Nhìn chung, bốn số báo Văn trên đây, đã có thể làm nền cho việc nghiên cứu Tự Lực văn đoàn.

Ra hải ngoại, gia đình Nguyễn Tường cung cấp thêm nhiều tài liệu giá trị khác. Trước hết về Nhất Linh, có một số bài in trong cuốn Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ (Nxb Thế Kỷ, 2004, Cali) do Phạm Phú Minh biên soạn. Năm 2013, báo Người Việt tổ chức cuộc hội thảo về Tự Lực văn đoàn ở California, trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013, sau đó những bài viết được tập hợp và in trong tập Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực văn đoàn (Nxb Người Việt, 2014) do Phạm Phú Minh biên soạn.

Đáng chú ý hơn cả là những bài của con cháu Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam viết về những người phụ nữ trong gia đình Nguyễn Tường, những người con dâu đã gánh vác gia đình thay chồng vắng mặt vì hoạt động chính trị, hoặc chết yểu như Thạch Lam.

Nhưng tác phẩm giá trị là cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của Nguyễn Thị Thế, đến nay vẫn là tập tài liệu ngắn gọn, đầy đủ nhất về gia đình Nguyễn Tường mà người nghiên cứu không thể bỏ qua.

Nguyễn Thị Thế là người con gái độc nhất của ông bà Nguyễn Tường Nhu, con thứ năm, bà là em Nhất Linh, Hoàng Đạo, chị Thạch Lam và mẹ của hai nhà văn Duy Lam và Thế Uyên. Bà đã viết cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam[1] thuật lại những thăng trầm của gia đình bà trong nửa thế kỷ.

Ngoài ra, còn phải kể đến bộ hồi ký của Nguyễn Tường Bách, người con út: Việt Nam những ngày lịch sử[2] Việt Nam một thế kỷ qua (hai tập)[3] bao quát chuyện gia đình và thế sự.

Và nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út Nhất Linh, tác giả hai cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôi[4]Căn nhà An Đông của mẹ tôi[5], cung cấp những thông tin và kỷ niệm về gia đình ông, sách đã in lại ở trong nước.

Về những bài viết, Thế Uyên có ba bài Người bác (viết về Nhất Linh)[6], Tìm kiếm Thạch Lam[7]; Hoàng Đạo hay sự trở về quê cũĐọc và đặt lại vị trí Hoàng Đạo[8], đều là những bài có giá trị, đã in trên báo Văn nói ở trên.

Trần Khánh Triệu (tức Nguyễn Tường Triệu) con ruột Nhất Linh, con nuôi Khái Hưng, là người cung cấp nhiều thông tin nhất về Khái Hưng, qua hai bài Ba tôi, Papa toàn báo[9].

Nguyễn Tường Nhung[10] (vợ Trung tướng Ngô Quang Trưởng) viết hai bài Mẹ tôi, bà Thạch Lam Nguyễn Tường Lân Bà nội và trại Cẩm Giàng, đều có những chi tiết hiếm quý về mẹ và bà.

Và nhà thơ Nguyễn Tường Giang[11] con út Thạch Lam trong tập Khói hồ bay (thơ, văn) viết ba bài Thạch Lam cha tôi trong trí tưởng, Mộ biaBuổi chiều đi chơi với Thạch Lam, ký ức tâm tưởng sâu sắc về người cha mất mấy ngày sau khi ông chào đời.

Các tác phẩm nói trên, vừa là những sử liệu, vừa là tác phẩm văn chương, chứng tỏ văn tài của gia đình Nguyễn Tường và điểm đáng quý nhất, ngoài giá trị văn chương, là sự thẳng thắn và chân thật của gia đình này, không thể tìm thấy được ở một số bài viết của các nhà văn, nhà thơ "bên ngoài" khi họ viết về Tự Lực văn đoàn, thi sĩ Anh Thơ là một trường hợp.

Trong cuốn Nhất Linh người nghệ sĩ người chiến sĩ do Phạm Phú Minh biên soạn và gia đình Nguyễn Tường giúp sức, do Người Việt xuất bản năm 2004 tại Cali, trong có bài Nữ sĩ Anh Thơ viết về Nhất Linh do nhà văn Phạm Phú Minh trích dẫn từ cuốn hồi ký Từ bến sông Thương của Anh Thơ. Cuốn hồi ký này, tôi đã mua và đọc từ thập niên 90, đến năm 2004, khi sách Nhất Linh người thi sĩ người chiến sĩ ra đời, tôi vẫn ngạc nhiên một cách thích thú vì thấy những trang sách của Anh Thơ được Phạm Phú Minh góp lại thành một bài viết dài như những trang tiểu thuyết về Nhất Linh và gia đình, với những chi tiết lạ, không thấy ở đâu.

Nhưng từ khi tìm hiểu về Tự Lực văn đoàn, tôi mới thấy được những gì ẩn sau sự "thật thà ngây thơ khôn khéo" có thể đánh lừa được tất cả mọi người, kể cả những người trong gia đình Nhất Linh, của loại tư liệu hoàn toàn hư cấu này.

Thi sĩ Anh Thơ (1921-2005) được giải khuyến khích thơ Tự Lực văn đoàn năm 1939. Khi phong trào đổi mới bắt đầu ở Việt Nam, Anh Thơ là một trong những người đầu tiên dành cho Tự Lực văn đoàn nhiều trang hồi ức trong tập Từ bến sông Thương do nxb Văn Học, Hà Nội, in năm 1986, khiến người đọc cảm động, nghĩ rằng Anh Thơ còn nhớ đến người xưa.

Về giải thưởng Tự Lực văn đoàn năm 1939, theo lời Thạch Lam, mặc dù số tiểu thuyết và thơ gửi đến dự thi nhiều hơn hai năm trước (37 và 38), vậy mà chỉ có tiểu thuyết được giải thưởng, đó là hai cuốn: Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và Cái nhà gạch của Kim Hà. Không có giải kịch và thơ. (Năm 1938, không có giải thưởng gì hết, vì không có tác phẩm hay). Hai tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh chỉ được ban giám khảo chú ý, và "muốn khuyến khích phái nữ lưu, ban giám khảo định tặng riêng tác giả tập Bức tranh quê một số tiền là 30 đồng. Còn đối với tập thơ Nghẹn ngào, nếu tác giả bằng lòng, sẽ lựa các bài đăng trên báo Ngày Nay" (theo Ngày Nay số 208, 18-5-40). Tóm lại, vì Anh Thơ là con gái (lại mới 18 tuổi) nên đặc biệt được tặng tiền, còn Tế Hanh chỉ được đăng thơ trên báo Ngày Nay thôi. Xem thế việc được Ngày Nay đăng thơ đã là một thứ "giải thưởng" rồi.

Ngày Nay số 208, tuyên bố kết quả, kèm với bài của Thạch Lam viết về Những tác phẩm dự thí giải thưởng văn chương Tự lực văn đoàn 1939 Tiểu thuyết, kịch và phóng sự. Ngày Nay số 209 (25-5-40), lại có bài Giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn Thi ca của Nhất Linh viết về thơ của Anh Thơ và Tế Hanh; tuy ông có chê nhiều chỗ, nhưng như vậy đã là trân trọng lắm.

Cho nên, tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong hồi ký Từ bến sông Thương, Anh Thơ viết:

"Mặc dầu giải thưởng từ năm1939 nhưng đến tờ báo số 200 ra ngày 25 tháng 5.1941, mới có bài nhận xét của ban giám khảo. Nhất Linh viết: Bức tranh quê của cô Anh Thơ..."

Nghĩa là Anh Thơ trích dẫn đúng bài viết của Nhất Linh mà tại sao lại đổi số báo từ 209 (25-5-40) ra số 200 ra ngày 25 tháng 5.1941, tức là cùng ngày nhưng đúng một năm sau. Còn số báo 200 của Ngày Nay thì đã ra ngày 24-2-1940 kia mà! Tôi cho là cô ghi nhầm ngày.

Nhưng đọc đến trang 106, mới hiểu là cô không nhầm, bởi vì cô chép lại lá thư này:

"Ma-đơ-moa den (Mademoiselle) Anh Thơ,

Thi phẩm "Bức tranh quê " đã in xong ngày 5 Mars 1941. (...) Sáu mươi lăm cuốn sách quý này, cần có chữ ký của tác giả. Chúng tôi trân trọng kính mời cô đến thứ năm này hoặc sớm hơn nữa càng hay, xin mời cô đến chơi tại nhà xuất bản ký vào những cuốn đó để gửi cho những người đã đặt tiền mua trước." (trang 106)

Cô Anh Thơ còn viết tiếp: "Ngày 25 tháng 4 năm 1941" trên chuyến xe lửa tốc hành thứ nhất, từ một tỉnh lỵ bé nhỏ miền trung du, tôi đã đến kinh đô giữa một ngày hè tươi đẹp, để ký vào tác phẩm đầu tiên của mình" (trang 112).

Vậy có lẽ cô đã đổi ngày bài Nhất Linh viết về cô và Tế Hanh in trên Ngày Nay số 209 (25-5-40) thành ngày 25-5-41 để cho phù hợp với chuyện cô được mời lên toà soạn ký sách ngày 25-4-41.

Rồi từ trang 114 đến trang 119, cô kể lại câu chuyện cô tới nhà xuất bản được ông Giám đốc đón ở đầu cầu thang, mời cô uống nước trà và tận tay ông giở từng trang sách cho cô ký. "... thấy tôi vừa ký lại vừa giở sách, ông sốt ruột, đến trước bàn, mở giúp tôi từng tập, vui vẻ nói: "Cô để tôi mở giúp và tập ký nhanh tay cho quen".

Cảnh thật đẹp và thơ mộng, nhưng tiếc thay, cô lại không biết ông Nhất Linh đã trốn sang Tàu từ mùa thu năm 1940.

Cô kể tiếp, vài năm sau, tức là vào khoảng 1942, 43, cô trở thành phóng viên báo Đông Tây, cô đến phỏng vấn bà Nhất Linh. Đoạn này, từ trang 199 đến trang 205, có mấy chỗ rất lý thú, xin trích lại sau đây.

Cô tưởng bà Nhất Linh là gái tân thời như cô Loan trong Đoạn tuyệt, nhưng không ngờ bà lại là "một bà tuổi đã nạ dòng, răng vẩu, mặc quần đen áo đen, dáng tất bật". Bà Nhất Linh nói:

"Xin lỗi cô, tôi phải vừa bán hàng, vừa tiếp khách, vì hôm nay tuy chủ nhật, nhưng nhà tôi và các cháu đều bận đi thăm khu nhà "Ánh Sáng" ở bên Phúc Xá, nên chả có ai trông hàng cô ạ".

Khi viết câu này, cô vẫn không biết năm 1942, 43, ông Nhất Linh đã ở bên Tàu được 2, 3 năm rồi và cô cũng không biết chương trình nhà Ánh Sáng đã bị bỏ từ năm 1939. Cao hứng, cô kể tiếp chuyện cô đang phỏng vấn bà Nhất Linh thì:

"Có tiếng còi ô tô, rồi một chiếc ô tô rất lịch sự chạy đốn đỗ trước cửa hàng. Một bày thiếu nữ, mặc quần áo lơ muya, màu sắc rực rỡ như đàn bướm, phất phới, uà vào cửa hàng, tiếng gọi ríu rít:

- Anh Nhất Linh ơi, đi thôi.

Bà Nhất Linh nhìn họ, một cái nhìn "kẻ cả", miệng vẫn cười:

Anh ấy đi từ sáng sớm rồi. Các cô xuống ngay nhà "Ánh Sáng" thì sẽ gặp.

- Thế ạ! Thôi chúng cháu đi!"

Câu này có ác ý, cô chê bà Nhất Linh già và ông Nhất Linh lăng nhăng, nhưng bậy nhất là câu này:

"Tôi hỏi bà:

- Tôi có nghe ông bà đem cho bạn nuôi một con trai. Vậy bà có vui lòng về việc ấy không?

- Tôi phải chiều theo ý tốt của nhà tôi, vì anh Khái Hưng là bạn thân nhất của nhà tôi, mà lại không có con, trong khi chúng tôi có những bẩy cháu." (trang 202).

Cô lại cũng không biết rằng Nhất Linh cho Khái Hưng người con trai thứ nhì Nguyễn Tường Triệu (sinh 15-11-1932) vào khoảng 1934, 1935. Lúc đó, ông bà Nhất Linh có thể chưa có người con trai thứ ba Nguyễn Tường Thạch (sinh năm 1935) thì làm gì đã có những bẩy cháu!

Cô Anh Thơ đã chuyển một động tác cao quý giữa hai người bạn, thành tầm thường: thừa con cho bớt!

Sau đó cô tiếp tục "phỏng vấn" bà Khái Hưng. Rồi cô kể Thạch Lam không bằng lòng cho cô phỏng vấn vợ. Chắc cô cũng không biết Thạch Lam đã mất (năm 1942). Và cô bảo Hoàng Đạo còn độc thân, cô lại cũng không biết Hoàng Đạo cưới vợ từ năm 1933 và năm 42, 43 đang bị tù ở Vụ Bản.

Cái lối viết "hồi ký" như thế không phải là hiếm, nhưng vì Anh Thơ là nhà thơ "có tên tuổi" và Nhất Linh còn tên tuổi hơn, cho nên cô cứ việc hư cấu, tưởng chuyện qua lâu rồi, không ai biết, bằng chứng là hồi ký của Anh Thơ được "đánh giá cao" được nhiều nơi trích dẫn, đến cả gia đình Nguyễn Tường và Phạm Phú Minh cũng lầm tưởng cô viết thật tình, nên đã cho in lại trong cuốn sách Nhất Linh người chiến sĩ, người nghệ sĩ.

Gia đình Nguyễn Tường từ Hội An ra Bắc

Quan Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, là nhân vật nổi tiếng đầu tiên của dòng họ Nguyễn Tường, có công được ghi vào sử sách[12]

Ông theo vua Gia Long từ buổi đầu[13] lập nhiều công trạng, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Binh, ông mất cùng năm với vua Gia Long (1820).

Nguyễn Tường Vân có hai con trai được ghi tên trong Liệt truyện.

Con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh, đỗ phó bảng năm Minh Mạng thứ 19 (1838), làm quan tới chức Án sát Định Tường, rồi Khánh Hoà, sau thăng Tuần phủ Định Tường, bị ốm chết ở đây.

Con thứ Nguyễn Tường Phổ, đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đậu tiến sĩ khoá Nhâm Dần (1842), làm trong Hàn Lâm viện biên tu (quan viết sử), rồi thăng tri phủ Hoằng An (thuộc tỉnh Vĩnh Long), có tiếng thanh liêm.[14]

Nguyễn Tường Phổ sinh Nguyễn Tường Tiếp (còn có tên là Trấp). Theo Liệt truyện, Tường Tiếp đỗ tú tài, làm đến chức Đồng tri phủ.

Nguyễn Tường Tiếp, là người đầu tiên đã đem gia đình ra Bắc, khi ông nhậm chức Đồng tri phủ huyện Thủy Nguyên[15].

Nguyễn Tường Tiếp là cha Nguyễn Tường Nhu, là ông của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Trong vài trang Hồi ký của Nhất Linh: Đời thi sĩ, ở phần chú thích 1, Nhất Linh có ghi: "Trích ra đây bài thơ thầy tôi làm khi rời huyện Chí Linh"[16].

Như vậy ông Nguyễn Tường Nhu đã từng sống ở Chí Linh.

Một mặt khác, Nguyễn Thị Thế (em Nhất Linh), và Nguyễn Tường Nhung (con gái Thạch Lam), đều ghi ông nội và cụ nội làm tri huyện Cẩm Giàng.

Như vậy, ông Nguyễn Tường Tiếp, ông nội Nhất Linh, đã làm tri huyện ở ba nơi: Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), Chí Linh (Hải Dương) và Cẩm Giàng (Hải Phòng).

Tại Cẩm Giàng, Nguyễn Tường Nhu (còn có tên là Chiếu) (1881-1918) kết duyên cùng cô Lê Thị Sâm, con trưởng Tổng Lãnh Binh Lê Quang Thuật, gốc Huế, ra Bắc đã ba đời.

Cuộc nhân duyên này sinh bảy người con:

Nguyễn Tường Thụy (1903-1974).

Nguyễn Tường Cẩm (1904-1947).

Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) (1906 -1963) sinh tại Cẩm Giàng.

Nguyễn Tường Tư tức Long (Hoàng Đạo) (1907- 1948) sinh tại Cẩm Giàng.

Nguyễn Thị Năm tức Thế (1909-1997) sinh tại Thái Hà Ấp.

Nguyễn Tường Sáu tức Vinh tức Lân (Thạch Lam) (1910- 1942) sinh tại Thái Hà Ấp.

Nguyễn Tường Bẩy tức Bách (1916- 2013) sinh tại Cẩm Giàng.

Ông Nguyễn Tường Nhu làm thông phán (thông ngôn) toà sứ, ông mất năm 1918 ở tuổi 37.

Theo hồi ký Nguyễn Thị Thế[17], đầu thế kỷ XX ông bà Nguyễn Tường Nhu cư ngụ tại Ấp Thái Hà, nơi ông Nhu làm việc.

Xem lại năm và nơi sinh của các con, ta thấy: Nhất Linh, sinh năm 1906 và Hoàng Đạo sinh năm 1907, tại Cẩm Giàng; Nguyễn Thị Thế sinh năm 1909 và Thạch Lam sinh năm 1910 tại Thái Hà Ấp. Nguyễn Tường Bách sinh năm 1916 tại Cẩm Giàng.

Vậy gia đình Nguyễn Tường Nhu lên Hà Nội trễ lắm là năm 1909, cư ngụ tại Thái Hà Ấp nơi ông Nhu làm thông ngôn, có thể trong dinh Hoàng Cao Khải, lúc đó đã về hưu.

Đến năm 1914, dọn về số 10 Hàng Bạc. Bốn người con lớn (Thụy, Cẩm, Tam và Tư tức Long) đều học tư ở trường Mã Mây, gần nhà. Được ít lâu, ông Nhu bị mất việc, ở Hà Nội không nhờ cậy được ai, bà Nhu thu xếp đưa chồng con về nhà mẹ ở Cẩm Giàng để tìm cách buôn bán.

Theo hồi ký Nhất Linh: "Năm mười tuổi [tôi] phải rời bỏ Hà Nội về huyện Cẩm Giàng"[18].

Nhất Linh chắc không dùng tuổi ta, vậy có thể xác nhận đó là năm 1916, gia đình rời Hà Nội về Cẩm Giàng. Tại Cẩm Giàng, bà Nguyễn Tường Nhu sinh thêm người con út, Nguyễn Tường Bách (1916).

Ông Nguyễn Tường Nhu

Nhất Linh là người duy nhất viết về cha, người đã sửa cho ông bài thơ đầu tiên, làm khi phải rời Hà Nội về Cẩm Giàng. Nhớ Hà Nội, cậu bé Nhất Linh 10 tuổi, tả cảnh Hồ Gươm như sau:

"Chung quanh cây cối rườm rà

Giữa hồ có một chùa ta đây này.

Thầy tôi biết ngay là thơ không xuôi nên đổi ra:

Giữa hồ có một chùa là Ngọc Sơn.

Tôi còn bé nhưng cũng biết ngay câu thơ của thầy tôi hay hơn. (...)

Thầy tôi vốn hay làm thơ và thích thơ đúng niêm luật.

(Trích ra đây bài thơ thầy tôi làm khi rời huyện Chí Linh:

Lên ngựa chia tay luống ngại ngùng

Tình xưa bát ngát với non sông

Ai về nhắn nhủ giang sơn ấy

Sự tới nghìn thu vẫn đỉnh chung.)[19]

Thơ của cha Nhất Linh ẩn "chí lớn":

Ai về nhắn nhủ giang sơn ấy,

Sự tới nghìn thu vẫn đỉnh chung.

Và sau này trong truyện Thương chồng, viết năm 1949, tại Hương Cảng, Nhất Linh kể lại đoạn đời cha mẹ mình những ngày còn hàn vi, người cha tên Bích, cũng đã từng lên Yên Thế gặp Đề Thám:

"Sau khi đã lên gặp Đề Thám và biết rõ ràng, chàng chán nản hết cả mọi sự. Gặp anh em đến nhà, chàng cùng anh em chỉ nói những chuyện vẩn vơ hoặc làm thơ làm phú than thân trách phận sinh không gặp thời; vì họ nói chuyện với nhau bao giờ cũng nói thì thầm nên Nhung tưởng chồng vẫn hằng lo những việc "đại sự" mình là đàn bà không được dự bàn vào. Tình thế ấy khiến người vợ kính phục chồng và giúp người chồng có thể điềm nhiên ngồi nhàn nhã ở nhà mà không sợ ngượng với vợ cùng họ hàng nhà vợ."[20]

Thương chồng là truyện duy nhất phản ảnh rất rõ cảnh ngộ gia đình Nhất Linh: ông Nhu thất nghiệp liên miên, bà Nhu phải học cân gạo, với sự phụ giúp của anh người nhà tên Tráng. Trong hồi ký, Nguyễn Thị Thế cũng viết những dòng xúc động về anh Tráng này, là người giúp việc chân thành của bà Nhu, chết yểu.

Việc gặp Đề Thám có lẽ chỉ xảy ra trong "suy tính" của ông Bích, bởi vì Nhất Linh kết luận: "đầu óc chàng lúc đó không để ý đến chuyện gì cả nhưng hai con mắt chàng, có lẽ vì thói quen từ lâu, nên có vẻ như đương trầm ngâm suy tính những việc "đại sự" không bao giờ đến trong đời chàng"[21].

Tóm lại, trong truyện Thương chồng, Nhất Linh đã vẽ chân dung người cha, bất lực với hoàn cảnh, nhàn nhã ở nhà, hoàn toàn để mặc vợ xoay sở, tranh đấu với đời.

Nguyễn Thị Thế không viết gì về cha khi ông còn sống, nhưng bà viết về cái chết của cha:

"Một hôm thầy tôi đi Hà Nội đem tiền học lên cho các anh. Ông gặp ông Công Sứ Hải Trường hồi xưa thầy tôi có làm thông ngôn cho ông ấy một thời gian. Bây giờ ông ta đổi sang tỉnh Sầm Nứa bên Lào, ông hỏi thầy tôi có muốn sang làm không, lương cao và nếu mẹ tôi có muốn sang buôn bán cũng dễ. Thế là thầy tôi nhận lời ngay." (Hồi ký Nguyễn Thị Thế, trang 48).

Ông Nguyễn Tường Nhu sang làm thông ngôn cho ông Công sứ Hải Trường ở Sầm Nứa, được tám tháng, thì bị bệnh, qua đời ngày 23-10 năm Mậu Ngọ (26-11-1918)[22], ở tuổi 37.

clip_image002

Bà Nguyễn Tường Nhu nhũ danh Lê Thị Sâm, ảnh Nguyễn Tường Giang

Bà Nguyễn Tường Nhu lập nghiệp tại Cẩm Giàng

Như trên đã nói, khoảng năm 1916, ông Nhu mất việc ở Hà Nội, gia đình phải dọn về Cẩm Giàng, nhờ vả bên ngoại. Bà Nhu xin được một mảnh đất ở giữa phố huyện Cẩm Giàng, một bên là mấy hiệu khách lớn, sau lưng là đường xe hỏa, bà dựng căn nhà đầu tiên, "một căn nhà tre năm gian, lợp lá gồi, hai gian mở cửa ra phố để bán các thứ lặt vặt và thuốc lào" (Nguyễn Thị Thế, trang 32) rồi đón chồng con ở nhà bà ngoại về.

Bà Nhu trộn thuốc lào rất ngon, nên việc buôn bán khá phát đạt. Cửa hiệu của bà tên là Cẩm Lợi, sau này con dâu bà là Phạm Thị Nguyên, vợ Nguyễn Tường Tam, sẽ lấy lại tên Cẩm Lợi làm tên cửa hiệu bán cau khô.

Bà Phạm Thị Nguyên sẽ trở thành bà Cẩm Lợi trong hai cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôiCăn nhà An Đông của mẹ tôi của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út Nhất Linh.

Đến vụ gặt tháng mười, bà Nhu đi cân gạo bán, đời sống càng thêm sung túc. Từ đây, việc cân gạo, cân thóc để bán lại, sẽ trở thành nghề để nuôi con. Thụy, Cẩm, trọ ở Hà Nội, học trường Bưởi; Tam, Tư, học trường Huyện, rồi xuống Hải Dương trọ học.

Vài năm sau, vì một biến cố[23], bà Nhu đành phải xin mẹ một miếng đất khác để dỡ nhà về đó:

"Nhà mới mẹ tôi làm mặt trước trông ra vườn rau bà ngoại: mặt sau làm thêm một căn nhà ba gian trông ra chợ. Chái nhà làm nơi đun bếp nấu ăn". (Nguyễn Thị Thế, trang 54).

Đó là căn nhà thứ hai. Lần này bà Nhu dựng nhà trong đất của mẹ, phải chung đụng với mấy người em, nên có sự bất hoà. Bà Nhu tiếp tục tần tảo buôn bán nuôi chồng, con. Cuộc sống khó khăn, cửa hàng vắng dần khách, bà để hai chị em Thế và Vinh (Thạch Lam) mới chín, tám tuổi trông hàng, bà cùng anh Tráng (người làm trung thành) đi cân gạo ở các tỉnh, có khi một, vài tháng mới về nhà. (Nguyễn Thị Thế, trang 46).

Những hình ảnh về Cẩm Giàng và hai đứa trẻ trông hàng ban đêm được Thạch Lam viết lại trong truyện ngắn hay nổi tiếng Hai đứa trẻ. Và ở Hương Cảng, sau khi Hoàng Đạo mất, năm 1949, Nhất Linh viết truyện ngắn Thương chồng, với lời đề tặng: "Thân tặng Mẹ, để kỷ niệm những ngày nghèo khó ở Cẩm Giàng, mẹ phải thức khuya dậy sớm đi cân gạo để nuôi chúng con ăn học." N.L.

Nhất Linh mô tả cử chỉ và tâm trạng người mẹ, ngày đầu tiên "thực tập" nghề cân gạo như sau: "Nhung giơ tay xê dịch quả cân: tuy chưa quen nhìn gạo mà biết được đúng số cân nhưng nàng cũng đoán hai bị gạo của bác Đạt độ bốn mươi cân. Nàng xê quả cân đến nấc năm mươi vẫn thấy cân bổng lên; nàng vừa xê quả cân vừa lẩm bẩm:

Bác Đạt còn khoẻ nhỉ gánh nổi hơn năm mươi cân tây gạo" (Thương chồng, trang 11).

Bác Đạt phản đối vì gạo của bác chỉ độ bốn mươi cân thôi! Hoá ra vì bác tựa người vào đòn gánh mà đòn lại chống lên mặt cân, nên gạo của bác mới nặng thế! Và Nhung đã đoán đúng: bốn mươi cân. Sự thông minh của người đàn bà này sẽ là kim chỉ nam dẫn đường cho nàng trong cuộc đời còn lại. Hình ảnh người phụ nữ cân gạo nuôi gia đình, bàng bạc trong tác phẩm của Nhất Linh, ngoài cô Nhung trong Thương chồng, sẽ còn có cô Mùi trong Xóm Cầu Mới.

Goá phụ nuôi con

Năm 1918, Bà Nhu sang Lào chôn cất chồng rồi trở về Cẩm Giàng, lo cho bảy con và một mẹ chồng.

Một năm sau, bà đưa di cốt chồng về chôn tại thôn Trữ La, huyện Cẩm Giàng.

Năm 1919, Nguyễn Thị Thế đang học lớp nhì trường Huyện, mới 10 tuổi phải nghỉ học, giúp bà và mẹ. Những năm sau đó, đầy khó khăn, nợ nần chồng chất, nhưng bà Nhu không bao giờ chùn bước phấn đấu để các con trai được học hành đến nơi đến chốn.

Khi hai người con đầu lòng Thụy và Cẩm, đậu bằng Cao Tiểu[24], làm giáo viên tiểu học, nhà đỡ túng hơn, nhưng bà Nhu vẫn đi cân gạo.

Năm 1923, Thụy, người con cả, lên làm đốc học trường tiểu học Tân Đệ (Thái Bình), bà đưa các con về Tân Đệ ở với Thụy trong một thời gian, nhưng vẫn tiếp tục buôn bán.

Nguyễn Tường Cẩm, người con thứ nhì, thi đỗ vào trường Cao đẳng Canh Nông, học xong ba năm, ra làm Tham tá Canh Nông, thường phải đổi đi nhiều nơi, thỉnh thoảng mới về Hà Nội.

Năm 1923, Nguyễn Tường Tam đậu bằng Cao tiểu, xin được việc làm ở sở Tài Chính[25].

Bà Nhu dọn về Hà Nội. Nguyễn Tường Tam viết Nho phong (1924), in tại Nghiêm Hàm ấn quán, năm 1926. Sau đó viết Người quay tơ (1927).

Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tường Tam đặt lại tên cho các em: Ngày trước người cha đặt tên các con là: Thụy, Cẩm, Tam, Tư, Năm, Sáu, Bẩy. Nguyễn Thị Thế kể lại: "Năm đó, tôi nhớ anh Tam đã viết Nho Phong và tôi khoảng 14, 15 tuổi, bấy giờ anh Tam mới nghĩ tới việc đặt tên anh em chúng tôi theo bộ chữ [Thụy, Cẩm, Tam, Long, Vinh, Bách, Thế (Ba con rồng bằng gấm đẹp muôn đời)]. Tôi là con gái nên lấy chữ cuối" (Nguyễn Thị Thế, trang 39). Sau này Nguyễn Tường Vinh đổi tên một lần nữa, thành Nguyễn Tường Lân (trùng tên với họa sĩ Nguyễn Tường Lân).

Anh em Nguyễn Tường học rất giỏi, thường tự học, nhảy lớp, nên luôn luôn bị thiếu tuổi khi xin nhập học, do đó phải làm giấy khai sinh giả để lên tuổi: Nhất Linh sinh ngày 25-7-1906, nhưng giấy khai sinh ghi ngày 1-2-1905[26].

Bình thường phải học bốn năm trung học, mới đỗ bằng Cao Tiểu, nhưng Thụy, Cẩm, Tam chỉ học ba năm; Long, hai năm và Lân phá kỷ lục, tự học, có một năm[27].

clip_image004

Trại Cẩm Giàng, ảnh Nguyễn Tường Giang

Lập trại Cẩm Giàng

Lập trại Cẩm Giàng là đoạn đường thứ hai của bà Lê Thị Sâm, khi các con đã lần lượt trưởng thành, đi làm, hàng tháng đóng góp tiền giúp mẹ.

Sau khi Nguyễn Tường Tam ở Pháp về, năm 1931, bà dựng trại Cẩm Giàng; định mua đất, thì có người bạn đi buôn trước vay tiền, nay có hai mẫu ruộng muốn gán để trừ nợ. Bà nhận. "Bắt đầu đào ao để lấy đất làm nền nhà. Xung quanh có hàng rào trồng toàn trúc. Nhà làm bằng gỗ lợp rơm, cột vuông, xung quanh nhà bốn mặt đều là hàng hiên rộng. Nhà có ba gian, gian đầu làm phòng khách, ở giữa thờ ông bà, gian trong để ở. Trần nhà lát nứa đập thẳng. Mái lợp rơm rất dầy, tới nửa thước, xén đều rất đẹp. Quanh nhà có lan can gỗ, trông đẹp như nhà Nhật Bản, ai đi qua cũng khen nhà lợp bằng gì mà đẹp thế.

Cây cối rất khó trồng vì đất xấu. Ban đầu mẹ tôi trồng toàn chuối để đất xốp đã. Những đêm có trăng, ánh trăng chiếu xuống vườn sáng như tráng bạc. Cây cối trong vườn lần lần tốt, bờ rào trúc đã gần kín (...) Tôi cũng không ngờ rằng trại Cẩm Giàng sau này sẽ là nơi tụ họp đông đảo của nhóm Tự Lực văn đoàn và thân hữu, nó còn là bối cảnh cho nhiều cuốn tiểu thuyết nổi danh của các nhà văn nổi tiếng bạn bè của anh em tôi" (Nguyễn Thị Thế, trang 108-109).

Trại Cẩm Giàng, như thế, đã được xây dựng từ trước khi có báo Phong Hoá. Sau này sẽ được bà Nhu sửa sang, xây thêm nhà gạch, và sẽ là chỗ hội họp của Tự Lực văn đoàn và các văn hữu. Dường như người mẹ này đã tiên đoán và dự trù tất cả: ở chỗ nào, bà cũng tạo cho các con đầy đủ phương tiện để phát triển đường đi của mình.

Năm 1942, sau khi Thạch Lam mất, bà Nhu đón vợ con Thạch Lam về Cẩm Giàng.

Nhưng cảnh mẹ chồng nàng dâu không dễ sống. Người con dâu đã phải chịu nhiều cay đắng.

Ít lâu sau, bà Nhu quy y, để trại Cẩm Giàng cho Nguyễn Thị Sói, vợ goá Thạch Lam trông nom. Tường Nhung kể: "Phần nhà trên [nhà gạch bà] khoá lại, mấy mẹ con chúng tôi dọn xuống căn nhà Ánh Sáng [nhà tranh]"[28].

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của Nguyễn Thị Thế, nxb Sống in lần đầu (1974), tại Sài Gòn. Văn Hóa Ngày Nay, tái bản lần thứ ba, 1996, tại Hoa Kỳ.

[2] Việt Nam những ngày lịch sử của Nguyễn Tường Bách, Nhóm Nghiên cứu sử địa xuất bản, Montréal, 1981.

[3] Việt Nam một thế kỷ qua I và II, của Nguyễn Tường Bách, Thạch Ngữ, California, 1999 và 2000.

[4] Nhất Linh cha tôi, Văn Mới, California 2006, đã tái bản ở trong nước.

[5] Căn nhà An Đông của mẹ tôi, Văn Mới, California 2012.

[6] In trên báo Văn số 14 (7-7-1964) Tưởng Niệm Nhất Linh, trang 45-72.

[7] In trên Văn số 36 (15-6- 65) Tưởng niệm Thạch Lam.

[8] In trên báo Văn số 107-108 (15-6-68) Tưởng niệm Hoàng Đạo.

[9] In trên báo Văn số 22 (15-11-1964) Tưởng niệm Khái Hưng, trang 17-22. Sau ông viết lại thành bài Papa toà báo, in trên Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, NXB Người Việt, 2014, California, trang 30-33. Hai bài không hoàn toàn giống nhau.

[10] Bài này in trong tập Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, NXB Người Việt, 2014, California, trang 218-229. Sau sửa lại và viết thêm thành Bà Nội và trại Cẩm Giàng, in trên Internet, nhà thơ Nguyễn Tường Giang gửi cho tôi làm tài liệu. Tiếc rằng Nguyễn Tường Nhung trong Mẹ tôi, bà Thạch Lam và Từ Dung trong bài Mẹ tôi, in trong tập Kỷ yếu, đều không ghi tên mẹ. Sự trọng nam khinh nữ vẫn còn dấu vết đến ngày nay chăng?

[11] Khói hồ bay của Nguyễn Tường Giang, nxb Thạch Ngữ, 2012.

[12] Sách Đại Nam Liệt truyện viết về ông như sau: "Người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, trước ngụ ở Gia Định"; lại ghi: "Năm Bính Thìn (1796) [Vân] đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư." Nguyễn Tường Vân thi kỳ tháng 3 năm Bính Thìn (4-5-1796), tức là thi Chính đồ, mà ông lại trúng cách nhị trường, tức là đỗ sinh đồ, tương đương với tú tài được bổ làm lễ sinh ở phủ.

[13] Năm 1796, Gia Long còn là Nguyễn Vương, đang đánh nhau với Trần Quang Diệu ở Quy Nhơn, đến năm 1802 ông chinh phục toàn thể đất nước và lên ngôi vua.

[14] Năm Tự Đức thứ sáu (1852), được bổ Giáo thụ Điện Bàn (Quảng Nam), ít lâu sau làm Quản lý nhà in phủ Học Chính.

[15] Huyện Thủy Nguyên ở gần Hải Phòng, ngày trước thuộc tỉnh Quảng Yên; năm 1950, thuộc tỉnh Kiến An; ngày nay thuộc thành phố Hải Phòng.

[16] Theo mấy trang Hồi ký của Nhất Linh: Đời thi sĩ, in trong Văn học nghệ thuật của Võ Phiến, Bộ Mới, số 3, tháng 7-1985, California, trang 313.

[17] Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam của Nguyễn Thị Thế, nxb Sống in lần đầu (1974), tại Sài Gòn. Văn Hóa Ngày Nay, tái bản lần thứ ba, 1996, tại Hoa Kỳ.

[18] Trích theo mấy trang Hồi ký của Nhất Linh: Đời thi sĩ, in trong tập san Văn học nghệ thuật của Võ Phiến, Bộ Mới, số 3, tháng 7-1985, California, trang 310.

[19] Trích từ mấy trang Hồi ký của Nhất Linh: Đời thi sĩ, in trong Văn học nghệ thuật của Võ Phiến, Bộ Mới, số 3, tháng 7-1985, California, trang 310.

[20] Thương chồng, Đời Nay, in lại ở Mỹ, không đề năm, trang 25.

[21] Thương chồng, Đời Nay, in lại ở Mỹ, không đề năm, trang 30.

[22] Theo ngày giỗ, do Nguyễn Tường Nhung ghi lại, trong bài Bà nội và trại Cẩm Giàng (tài liệu của Nguyễn Tường Giang).

[23] Một chuyền tàu đêm bắn than vào mái tranh làm cháy cả một dãy nhà, chủ nhân đòi bồi thường, nên sở hỏa xa trả đũa, bắt các nhà cạnh đường rầy phải dời xa đường xe lửa 10 thước (Nguyễn Thị Thế, trang 44).

[24] Bằng Cao Tiểu, tức Cao Đẳng Tiểu Học, hay bằng thành chung, tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, thời Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đỗ bằng Cao Tiểu, học sinh có thể học lên đệ nhị cấp, để thi tú tài, hoặc đi làm, hoặc thi vào các trường Cao đẳng như: Y dược (ban y dược Đông dương), Thú y, Sư phạm, Canh nông, Công chánh, Thương mại. (Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954, quyển thượng, tác giả tự xuất bản, Melun, Pháp, 1999, trang 146).

[25] Cùng sở với Tú Mỡ.

[26] Theo tài liệu của Nguyễn Tường Thiết, gửi qua email 15-5-2020.

[27] Theo Tiểu sNhất Linh của Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với... nxb Bách Khoa, Xuân Thu tái bản ỏ Hoa Kỳ, không đề năm, trang 20.

[28] Nguyễn Tường Nhung, Bà nội và trại Cẩm Giàng, tài liệu của Nguyễn Tường Giang.