Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Xây dựng hạ tầng tư duy mới – Vấn đề cơ bản và cấp thiết

Mạc Văn Trang

Hôm qua lướt mạng, bắt gặp bài viết của TS Trần Đăng Trung, giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội kêu gọi thành lập “Mặt trận liên hiệp chống phản động trên lĩnh vực học thuật", tôi thấy kinh sợ! Bài viết đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và gây dư luận xôn xao...

Vị TS này viết: “Như viết rất rõ ở các tút trước, tôi nghi ngờ và gần như chắc chắn đến 95% rằng mình đã phát hiện ra một “ổ phản động” tình báo, gián điệp xuyên quốc gia đội lốt “học thuật” đang ngày đêm chống phá các cơ sở học thuật, giáo dục chính thống của nước ta”...

”Bất kể chúng là ai, dù đang giữ trọng trách như hiệu trưởng, hiệu phó, viện trưởng, viện phó, tổng biên tập, chủ tịch hội… dù có học vị cao như giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ lớn… chúng ta cũng đều phải quán triệt tinh thần thẳng tay tận diệt, phải trừ tiệt cái “nọc độc” phản động chữ nghĩa trên toàn bộ lãnh thổ đất nước này từ Bắc chí Nam. “...

“Phương châm của chúng tôi là: thà diệt thừa còn hơn bỏ sót”!

“Chúng ta có thể sẽ phải đuổi việc một nửa Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thậm chí tuyệt diệt nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu khác; nhưng cái giá đó còn vẫn là quá rẻ so với việc mất chế độ được dựng lên bởi máu xương của hàng triệu triệu người con đất Việt.”...(https://www.facebook.com/7052.../posts/10158030220126302/…)

Nếu là một DLV như anh “Quang lùn" thì không chấp làm gì, nhưng đây là một Tiến sĩ của một trường ĐH hàng đầu của đất nước, hàng ngày ông TS này vẫn lên bục giảng dạy cho sinh viên, thì kinh hãi quá. Theo lối tư duy này thì sắp có những vụ “Nhân văn Giai phẩm" mới; sắp có vụ nhóm “Xét lại, chống Đảng"... Có phải đây là mẫu người “Vừa Hồng vừa Chuyên" của trường ĐH XHCN Việt Nam?

Suy nghĩ một chút thì thấy, thực ra đây chỉ là trường hợp biểu hiện cực đoan, thái quá, chứ về bản chất nó phù hợp với dòng tư duy chủ lưu của chế độ. Thì hàng ngày ta đều thấy đài, báo của nhà nước không lúc nào ngớt lên án “các thế lực thù địch, bọn phản động, bọn cơ hội chính trị đang ra sức chống phá Đảng và Nhà nước"... Các nhà lãnh đạo không ngừng chỉ thị phải chống “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", “chống các thế lực thù địch âm mưu phá hoại"...

Sống trong môi trường xã hội luôn luôn có “mâu thuẫn Địch - Ta", luôn luôn phải lên án và tiêu diệt “các thế lực thù địch" thì hình thành nên thái độ và tư duy như TS Trung cũng như của hàng triệu DLV cũng không có gì lạ. Đó là thứ tư duy:

- Chỉ có một hệ tư tưởng, một học thuyết- Chủ nghĩa Marx- Lenin là thống soái, quan niệm khác đi là “suy thoái"; phê phán chủ nghĩa Marx- Lenin là “phản động";

- Chỉ có một Đảng CSVN toàn trị, đòi Tam quyền phân lập, Xã hội dân sự là “bất hảo"...;

- Chỉ có những phát ngôn chính thống của Đảng và Nhà nước là chân lý, nói khác đi là “xuyên tạc, bịa đặt"...;

- Chỉ có Đúng và Sai, Tốt và Xấu, Ta và Địch… dứt khoát theo định hướng của Đảng, chứ không được nghi ngờ, “dao động";...

- Khoa học, Văn học, Nghệ thuật phản ánh hiện thực sai với định hướng của Đảng là thiếu “tính Đảng", là “nhạy cảm", “lệch lạc", cần xem xét xử lý…

- Học sinh, sinh viên, giảng viên các trường từ phổ thông đến đại học, sau đại học đều phải tuân theo những nguyên tắc nêu trên; nói khác, làm khác đi là “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", “suy thoái", phải “kiểm điểm, xử lý"...

Cái kiểu tư duy “không chấp nhận sự khác biệt", quan điểm khác với ta là phải tẩy chay quy kết, dán nhãn, thoá mạ đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Qua sự kiện bầu cử Mỹ năm 2020 càng bộc lộ rõ “thảm trạng tư duy” của người Việt.

Có một bạn hỏi tôi: “Tôi không hiểu, tại sao anh lại ủng hộ Trump”? Tôi trả lời: “Tôi cũng không hiểu tại sao anh lại ủng hộ Biden? Thế là bình đẳng, là hòa nhé”. Tôi chọn lựa vậy và tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người, không phê phán ai cả. Nhưng ông bạn vẫn không buông tha, phải quy kết tôi thuộc loại “Trumpist": u mê, ngu muội, bầy đàn…

Khi tôi viết: “Công nhận mình dốt, chưa hiểu được Trump và những bí ẩn của bầu cử Mỹ 2020. Theo thời gian, những bí mật được hé lộ dần, may ra mới hiểu rõ mọi điều”. Thế là cũng bị “chửi": “Đã biết sám hối, quay đầu là bờ, nhưng vẫn chưa thực tâm"; “Vẫn ẩm ờ, tin vào Fake news nên mới nghi ngờ", “Nói “những bí ẩn của bầu cử” tức là tin vào thuyết âm mưu"... Còn nhiều lời mỉa mai “đấu tố" kinh lắm.

Ngược lại những người "cuồng Trump" cũng tấn công những người "cuồng chống Trump" bằng những lời lẽ khủng khiếp... Tự nhiên việc ủng hộ Trump hay Biden ở bên Mỹ mà người Việt thành hai trận tuyến cứ như "diệt nhau một mất một còn"!

Với tâm thế như vậy, với những kiểu tư duy như thế sẽ không bao giờ có thể hoà hợp, đoàn kết dân tộc được, trái lại cứ khoét sâu hận thù, chia rẽ xã hội mãi; với trạng thái tinh thần như vậy sẽ không thể nào xây dựng được một HẠ TẦNG TƯ DUY LÀNH MẠNH, TIẾN BỘ. Một đất nước muốn tránh tụt hậu, phát triển bền vững, văn minh thì phải tập trung xây dựng được một hạ tầng tư duy tiến bộ.

Đại hội VI (1986) Đảng CSVN đã có đột phá “Đổi mới tư duy", dám “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", chỉ rõ nguyên nhân và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm trước đó, nên đã đổi mới TƯ DUY KINH TẾ, cứu cả dân tộc thoát khỏi đói, rách. Nhưng rất tiếc, tư duy kinh tế cũng thay đổi khó khăn, chậm chạp, nhất là ruộng đất vẫn thuộc “sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý", nên dẫn đến bao nhiêu hệ luỵ; rồi “Kinh tế nhà nước là chủ đạo", nên tập trung bao nhiêu nguồn lực cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi thua lỗ, phá sản … Dù sao tư duy kinh tế cũng từng bước được đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn. Còn TƯ DUY VỀ XÃ HỘI, từ 1986 đến nay, có lúc mở, lúc thắt, nhưng nói chung chưa có đổi mới gì đáng kể.

Vấn đề đặt ra cấp thiết là phải tiếp tục đổi mới Tư duy kinh tế và nhất là đổi mới tư duy xã hội, hay cụ thể hơn, là Tư duy quản lý xã hội thì mới tạo ra sự phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững. Đổi mới tư duy, mới dần hình thành nên được HẠ TẦNG TƯ DUY MỚI.

Tôi nhớ, vào 2015 đã đọc được bài “Xây dựng hạ tầng tư duy" của TS Giáp Văn Dương, ông nhấn mạnh:

“Khác với đầu tư cho hạ tầng kinh tế thường tốn kém đắt đỏ, đầu tư xây dựng hạ tầng tư duy rẻ hơn rất nhiều. Điều cần thiết đầu tiên để hình thành hạ tầng tư duy chỉ là một môi trường tự do học thuật, tư tưởng và trao đổi đúng nghĩa”.

“Khi tư tưởng của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức được giải phóng và tự do lưu thông, trao đổi thì hạ tầng tư duy sẽ từng bước hình thành. Mà điều này, đôi khi chỉ xuất phát từ một vài văn bản của Nhà nước”.

“Chiến tranh, thiên tai có thể tàn phá cơ sở sản xuất, nhà xưởng, đường xá chứ không thể tàn phá hạ tầng tư duy của đất nước. Điều đó giải thích vì sao những nước thua trận trong thế chiến thứ II như Đức, Nhật vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ từ đống tro tàn”...

Để xây dựng được Hạ tầng tư duy mới cần phải đổi mới căn bản và toàn diện quan niệm và phương thức quản lý xã hội; phải tạo ra môi trường tự do tư tưởng, tự do học thuật, tự do sáng tạo, tự do biểu đạt… Nếu như cá nhân hay tổ chức nào thực hiện các quyền tự do đó mà vi phạm đến lợi ích của cá nhân hay tổ chức khác thì phải kiện ra Tòa để xử lý theo pháp luật, chứ không thể dùng các biện pháp bắt bớ, quy kết tuỳ tiện như hiện nay.

Đổi mới tư duy để xây dựng hạ tầng tư duy mới là một quá trình khó khăn, phức tạp, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo; phải rèn luyện kỹ năng và thói quen tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt và tôn trọng sự khác biệt ngay từ nhà trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, đại học. Đặc biệt là phải tôn trọng tự do học thuật, tự do sáng tạo, tư duy phê phán … trong các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu.

Chính trị rất quan trọng, cần thiết, quý giá, nhưng đảng chính trị nào cũng dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí cả mưu hèn, kế bẩn; chính trị gia nào cũng biết lươn lẹo, dối trá khi cần, nhưng không thể đem thứ thủ thuật chính trị đó vào trong tư duy học thuật, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục. Không thể xây dựng hạ tầng tư duy mới bằng cách chính trị hoá cả giáo dục, khoa học, nghệ thuật.

Khi có một hạ tầng tư duy lành mạnh, tiến bộ làm nền tảng tư tưởng, văn hoá, xã hội thì các đảng chính trị, các chính khách sẽ buộc phải lựa theo trào lưu tiến bộ để tồn tại và đóng góp vào tiến bộ xã hội.

Tóm lại, thái độ và tư duy của TS Trần Quang Trung chỉ là trường hợp phản ánh cực đoan thứ thái độ và tư duy của dòng chính trong xã hội ta hiện nay. Muốn thay đổi nó thì phải loại bỏ thứ tư duy lỗi thời, xây dựng hạ tầng tư duy mới lành mạnh, tiến bộ. Chỉ có trên nền tảng của tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, tự do phản biện, với thái độ tôn trọng sự thật, tôn trọng sự khác biệt, trong môi trường tự do giao lưu, chia sẻ các ý tưởng, các sản phẩm tư duy thì mới xây dựng được hạ tầng tư duy mới. Hạ tầng tư duy mới tiến bộ sẽ là cơ sở cho phát triển một xã hội văn minh, bền vững.

18/1/2021

MVT

Tham khảo:

1. TS Giáp Văn Dương: Xây dựng hạ tầng tư duy, Tuần Việt Nam, 2015

2. https://luatminhkhue.vn/ha-tang-tu-duy.aspx

Nguồn: FB Mạc Văn Trang