Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Dấu chấm trên giai điệu thơ Việt - Tiệp

Đỗ Quyên

(Lời bạt in trong “Tuyển tập thơ Việt Nam - Tiệp Khắc"

- NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2020 -

Chủ biên: Karel Sýs và Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza)

Đỗ Quyên- Bìa sách Tuyển tập tho Việt - Tiệp

 

*

"Cái gì không thể dịch được, đó là thơ."

Robert Frost (1874 - 1963)

1- Làm bạt cho đời, làm bạt cho thơ

Thêm lần nữa theo bàn tay chỉ đường của Nàng thơ, tôi may mắn được làm bạt cho người đồng nghiệp, người anh em, dịch giả - nhà biên soạn Đỗ Ngọc Việt Dũng (Do.honza).

Với tập 1 là “Tuyển tập thơ Séc và Slovakia” của Đỗ Ngọc Việt Dũng (Do.honza) do NXB Hội Nhà văn phát hành tại Hà Nội năm 2014, lần đầu tiên bạn đọc đại chúng cùng giới văn học chuyên nghiệp Việt Nam có một tuyển dịch song ngữ hệ thống và cụ thể của nền thi ca hiện đại Tiệp Khắc từ cuối thế kỷ 19 đến nay, với khoảng 40 tác giả tiêu biểu qua hơn 150 bài thơ.

Xứng với lời khen ngợi của các bạn thơ và một số người làm văn hóa ở cả hai nước, Đỗ Ngọc Việt Dũng đã nhận được Giải thưởng văn chương năm 2017 của Hội Nhà văn Cộng hòa Séc qua tác phẩm được vinh danh là “Tuyển tập thơ Séc và Slovakia”!

Tới tập 2 là “Tuyển tập thơ Việt Nam - Tiệp Khắc" (dưới đây sẽ viết tắt “Tuyển tập...") mà vị dịch giả "yêu tiếng Séc như tiếng Việt" ấy là đồng chủ biên, nẻo đường khai phá và hanh thông đã không chỉ được phát triển trên nền thơ Séc dịch ra tiếng Việt mà còn mở rộng ra phần dịch Việt - Séc với một nhóm dịch giả, biên tập người Việt cùng người Séc.

Được thực hiện bởi tập thể 10 dịch giả chính cùng một số biên tập viên, tập 2 chia làm 2 phần gần 800 trang, trên dưới 170 bài thơ của 17 tác giả Séc (và một số tác giả lẻ) được dịch ra tiếng Việt và gần 90 bài thơ của 28 tác giả Việt dịch ra Séc; tổng cộng là 45 tác giả thời hiện đại và đương đại Séc - Việt. Một loại sách dịch song ngữ tương tự hiếm thấy nơi văn đàn Việt cũng như Séc?

Bộ tuyển chọn lần này đã kéo dài thật mơ mộng và cụ thể của lần đầu đến chân trời thi ca hai quốc gia, hai dân tộc Việt - Tiệp. Và trên hết là tình yêu thi ca trong sự liên tài mà nhóm làm sách chúng tôi chia nhau hân hưởng.

Tự thấy khó vượt cái "đỉnh" (nếu có thể gọi vậy) và để tránh các "vực" (dễ nhận ra) ở lần bạt trước [*], tôi gắng gỏi, như câu tục ngữ Pháp, "thêm dấu chấm trên chữ i." Tức là trên nền bài bạt của tập 1 sẽ bổ sung và lọc lựa sao cho thăng hoa giai điệu hai nguồn thơ Việt Nam - Tiệp Khắc mà nhóm dịch giả của hai nước với nhị vị chủ biên Karel Sýs và Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza đã làm nên công quả.

Chân thành mà nói, người viết luôn ráng nương theo các quan niệm chuẩn mực rằng, mục đích của lời bạt là làm người đọc hiểu cách thức, thao tác tư duy của người làm sách, việc dẫn nội dung nào đó chỉ cốt làm sáng tỏ điều sách muốn đề cập. Rằng, chớ nên đưa quá nhiều thông tin vào một bài bạt, mà chỉ xoáy tới những chủ định biên soạn, các thành công về dịch thuật, chọn tuyển, và một số hạn chế (ít và kèm lý giải) để hướng vào thẩm mỹ người đọc sao cho có lợi cho quyển sách... Vậy mà, sự kém cỏi khiến chưa thể tới chuẩn đích; đành vin vào lòng mê si thơ và niềm quí mến các văn hữu biên dịch để thanh minh.

Nối tiếp bạt tập trước, bài này tham vọng "ẵm trọn" những liên quan về nhóm tác giả biên dịch, về đặc tính thi ca trong con người ở hai đất nước Việt - Séc. Cùng các quan niệm và thể hiện của nghệ thuật dịch trong những tri thức văn hoá và thi ca qua những tác giả cụ thể, những bài thơ cụ thể...

Cũng là dịp chúng tôi thử tìm tòi một cách công tâm, diễn đạt thẳng thắn đặng biến bài bạt thông thường thành nguồn tư liệu và cảm xúc khi đem đến người đọc các nhận thức kép về thơ ca và con người của hai dân tộc. Mong là bài viết được phổ biến trên báo chí, báo mạng sẽ trở nên hữu ích hơn với những ai không có cuốn sách in trong tay.

2- Nhóm dịch giả Việt - Tiệp đặc biệt

Trong số 9 dịch giả Việt - Tiệp, ngoài "lão tướng" Dương Tất Từ nay không còn nữa và "dũng tướng" Đỗ Ngọc Việt Dũng (Do.honza) mới nổi trong 5 năm qua, những vị còn lại dường như là các tay dịch thơ không chuyên nghiệp nhưng trong lãnh vực của mình đều đóng vai cầu nối ngôn ngữ giữa hai nước. Đó là Phạm Quang Ngọc, Nguyễn Duy Thái, Nguyễn Kim Phụng (Azis Nektar), Nguyễn Thị Còn (Con Con), Đoàn Hoài Trung, Ngô Khánh Vân (Ngo Van), và Vũ Việt Dũng.

Việc tuyển chọn thơ lần hai không theo hệ thống bài bản, song nhất quán với cung cách mới. Phóng khoáng hơn, bình dị hơn, và vẫn mang tinh thần lãng mạn đến ngây ngô mà tư duy rất sâu sắc của dòng thơ Tiệp Khắc vốn là đặc thù trên nền thơ châu Âu. Thơ tiếng Việt đa phần được chọn lựa cũng theo hướng suy tưởng trong tình tứ và cảm xúc qua ý niệm, dù đó không là phong cách thơ Việt truyền thống.

Bởi vậy, lời tựa đã cố dành nhiều lý giải thấu đáo mà bay bổng về quan niệm dịch thơ của tập sách, trên tiêu chí vừa thực dụng vừa nền tảng là Tín - Đạt - Nhã. Nói nôm, di chuyển những đóa hoa ngôn ngữ sao cho giữ Dáng - Sắc - Hương. Về lý thuyết, cũng như với tập 1, ở đây định nghĩa giản dị và bao quát về dịch thuật của M. Fyodorov được thực hành hiệu quả: “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ nguồn sang một ngôn ngữ đích sao cho trung thành trong chừng mực có thể, về nội dung cùng hình thức.”

Thấu hiểu sự khác biệt đến mức đối kháng về hình thức ngữ pháp và ngữ điệu giữa tiếng Séc và tiếng Việt, các dịch giả tuy phá thi điệu thơ Séc song cũng không quá nệ âm vần Việt. Họ tìm ra sự thông đồng giữa hai ngôn ngữ Việt - Séc là nhờ các giao thoa trong hai tình cảm dân tộc. Khác nhau về phong độ thể hiện mà như nhau về thái độ chân tình. Bởi thơ là gì, nếu không là tình-thật?

Với tập 2, cấu trúc chung tập sách song ngữ không thay đổi: hình ảnh tác giả, tiểu sử, sáng tác và bản dịch. Hai đồng chủ biên có bài mở, bài tựa đã nên thơ lại trúng việc. Bài cảm nhận in cuối sách đến từ chuyên gia ngôn ngữ Liên Vrbková gọn ghẽ, chân tình toát ra hồn cốt. Một vấn đề dễ nảy sinh: việc sắp xếp thứ tự tác giả, ở cả hai phần Séc - Việt và Việt - Séc, phải nói là… không giống ai! Nhưng cũng theo logic riêng, bạn đọc sẽ tự khám phá qua lý giải ở lời tựa.

Với nội dung, nội hàm kỳ khu đến vậy (nói thẳng ra là bề bộn), lại tự trình bày, chúng tôi chỉ mong công trình nặng tình trọn nghĩa của mình mang hình thức in ấn “sạch nước cản” khi khi về tay bạn đọc.

3- Một tập thơ tình

Khác tập 1 chọn thơ Séc theo nhiều khuynh hướng nghệ thuật, tập 2 lai láng một phong cách trữ tình - hiện thực. Nó muốn chứng tỏ dòng thơ trữ tình Tiệp Khắc ảnh hưởng từ trào lưu Lãng mạn nguồn gốc vẫn dìu dịu kéo dài cho đến thời Hậu hiện đại hôm nay. Nói gọn, đây là một tuyển thơ tình - tình yêu người với người, và người với thiên nhiên, đất nước.

Đích cao nhất của bộ tuyển chọn là thêm lần nữa vinh danh thơ Séc và kéo theo thơ Việt. Không nhiều đề tài được chọn vào, nhất là ở phần đầu Séc - Việt. Nhóm biên soạn thiên hướng về thi ca tình yêu đậm tính nhân văn, phổ quát và muôn thuở; tức là “kinh điển” về nội dung: tình ái nam nữ, lòng yêu tổ quốc, tình nghĩa gia đình, và sau đó là tình cảm thiên nhiên, quan niệm về sinh tồn và nhân sinh... Một điểm son là tập thơ có nhiều bài của giới thi sĩ Séc viết về Việt Nam.

Là bởi, “thơ không viết ra để các nhà thơ và nhà phê bình văn học tiêu thụ với nhau trong một cái nồi úp kín mà ở đó cái gì đó đang lên men mốc giống như Viện hàn lâm Pháp… Thơ viết ra dành cho bạn đọc”. (Jaroslav Seifert)

4- Hai bản dịch Việt - Tiệp rất hay

Được tái tạo bởi Dương Tất Từ, bài thơ "Thân thể đáng yêu" của Michal Černík là bản dịch có thể nói tuyệt hay. Xin bái vọng vị tiên phong của dịch thuật văn chương Tiệp, của giao hòa văn hóa Việt - Tiệp với toàn bộ bài thơ:

"Đôi bàn tay em?

Tôi đang cầm vuốt ve âu yếm

Còn đôi bàn tay tôi?

Đang mãn nguyện lướt trên tấm thân mềm

Thân thể của em?

Tôi đắm mình định cư trong đó

Còn trên trái đất này

Tôi không thấy nơi nào thú vị được hơn

ngất ngây như thế."

Không cần biết ngôn ngữ gốc cũng khó có thể tìm ra vết gợn nào về ngôn từ, nhịp điệu trong bản dịch. Trung thành thể thơ. Nhưng đọc biết ngay thơ nước ngoài, Tây "chăm phần chăm"! Bởi sự bạo dạn của thể hiện tình ái và tình dục. Bạo mà thanh lịch. Bởi cấu tứ và diễn ngôn thơ. Bởi ý tưởng hiện sinh trong sự mãn nguyện tâm - sinh lý hài hoà và đạt đỉnh. Mô tả cái sự “trong nhau” đến như thế bằng thơ, hỏi được mấy ai? Khổ đầu có thể tư duy Âu và Á chung đụng: đối trọng kiểu Âu, đối xứng kiểu Á. Nhưng khổ sau rõ ràng là tư duy Âu.

Hầu hết các bài thơ do lão thi chuyển dịch đều xuất sắc. Như "Chức năng tuyệt vời" "Hai mặt cảm giác về tuyết" cũng của M. Černík, "U sầu" (Vladimír Křivánek)...

Thơ Dương Tất Từ chọn dịch không quá chan chứa độ lãng mạn Tiệp Khắc. Cảm xúc tương lai mà không quên trực giác hiện tại dựa trên các suy tư nhân sinh. Thể hiện sâu sắc cái bản tính dân Tiệp Khắc an hòa, dễ tính, có phần giản đơn; biết lánh đau thương tìm chốn tồn tại.

*

Bài "Bông hồng xanh" của Květa Chobotová, do Do.honza dịch, lại là một đoản thi ái tình xuất sắc, bất ngờ mà bình thản.

Nguyên bản được viết ở thể thơ tự do, bản dịch lục bát không làm mất chất châu Âu lại được tôn cao trên nền thơ dân tộc Việt. Mười một dòng tiếng Séc vẫn giữ được là 11 dòng tiếng Việt ở một thể thơ khác hẳn cho thấy tài hoa của người dịch.

Câu thứ 9 nguyên bản lặp 3 lần một từ "Něžná, něžná, něžná", nghĩa là "Dịu dàng, dịu dàng, dịu dàng", được hóa thân thành "Dịu dàng, thơm ngát, dịu dàng": đủ "tín" vẫn "đạt", "nhã". Thiển ý, giỏi nhất là 2 câu chót: "vừa thay “người ấy” tặng bông hồng này/ Đứa con trai của chàng đây." Ví đóa hoa tặng người tình nữ từ người tình nam là "đứa con trai" thì rất chi là Tây, và ý tưởng được đột ngột khóa lại bằng câu lục. Cao thủ! Cùng với câu mở đầu "Bông hồng xanh rất uy phong", bài thơ toát vẻ nam tính.

Thi phẩm "Bông hồng xanh" như thể có 2 "tác giả" Chobotová & Do.honza thật xứng đi vào sổ tay của những ai yêu thơ tiếng Việt.

5- Vài tác giả Séc nổi bật

Nổi bật ở đây, họ không chỉ là đại biểu thi ca đất nước Séc, thơ của họ còn có tiếng nói riêng, tiếng nói khác khi gia nhập “Tuyển tập thơ Việt Nam - Tiệp Khắc".

J. Seifert là người Séc đầu tiên và duy nhất (lúc đó là Tiệp Khắc) cho đến nay đoạt Giải thưởng Nobel văn học vào năm 1984. Seifert đã được giới thiệu nhiều trong tập đầu, và đến tập 2 tất nhiên không thể thiếu, với 6 thi phẩm. Ngoài "Bài ca (Bồ câu đưa thư)", tiếc là các bản dịch và có thể cả vì chính các bài thơ của ông được chọn chưa thật xứng tầm vóc.

Cũng không thể thiếu Vítězslav Nezval, nhà tiên phong dòng thơ Tiệp Khắc hiện đại, "người khổng lồ” trong trường phái siêu thực Séc, với 8 bài được giới thiệu.

*

Nét mới mẻ ở tập này là sự có mặt của K. Sýs với số lượng thơ dồi dào và chất lượng nghệ thuật tân kỳ, thời sự. Vị đương kim Chủ tịch Hội nhà văn Séc dự phần trong bộ tuyển chọn không chỉ ở tư cách tác giả, ông chính là một trong hai đồng chủ biên.

Sýs đã dành một chùm thơ 3 bài cho Việt Nam để khai đại tiệc thi ca Việt - Tiệp; rồi tiếp theo 7 bài thơ mà 4 bài cũng liên hệ với Việt Nam được làm từ trước.

Chùm 3 bài như thiên phóng sự trữ tình nhỏ về dung lượng, nặng về nội dung với lời dẫn đi trước lời thơ. "Khi ở Việt Nam vẫn còn chiến tranh, tôi đã viết những bài thơ tựa đề 'Ba bức ảnh từ Việt Nam'. Lấy cảm hứng từ ba trong vô số các bức ảnh của các phóng viên chiến trường. Trên bức ảnh đầu tiên là miền đất Việt Nam bị bom cày nát trông giống như trên mặt trăng."

Cứ thế, bài nào cũng có lời minh họa. Ba bài ở thể tự do, cấu tứ không nhất quán do mang chở nhiều hình ảnh thô mạnh, cơ khí của chiến trận và sự đột ngột trong liên tưởng chính của bài - đó là phản đối chiến tranh. Bản dịch Do.honza đã thành quả, dù về ngôn từ chưa hẳn trôi chảy tự nhiên. Phải đọc vài lần, đọc hết lượt các bài mới nhận ra các gấp khúc hình ảnh đã làm nên thi pháp. Thì Viên Mai, thi nhân Trung Hoa đã bảo rồi: “Thơ quý ở chỗ cong”. Trái tim nơi thơ hiện đại thường đập chậm hơn, nhưng nuôi sống nhân vật lâu không kém. Lưỡi cày chìa vôi được nhìn bởi mắt điện tử phi cơ trên cao; cô gái làng xinh đẹp soi mình trong mảnh gương còn sót giữa căn nhà nhỏ bị bom tàn phá; cậu bé thôn quê trong tang tóc và đói khổ đang sợ hãi trước ống kính của phóng viên là một "ông Tây phe ta"... Các nội dung nhân bản đó được thi vị hóa sau khi đã trở thành đối tượng của nhiếp ảnh và văn xuôi. Như thép tôi qua ba lửa. Những bài thơ còn lại của Sýs thường "cong" kiểu đó. Tính truyện bất ngờ, chi chít tình tiết, hình ảnh lộn xộn, đọc nhanh sẽ thấy khúc mắc; và bài nào cũng nặng tình người.

Phần tiểu sử chân dung cho biết, sinh năm 1946, "Karel Sýs là một trong các nhân vật xuất sắc nhất trong các nhà thơ đã đi vào văn học những năm cuối 60, khẳng định trong thập kỷ tiếp theo và trong những năm 80 là một trong những nhân vật hàng đầu thơ ca chính thống kể cả chính trị, văn hoá". Rõ mặt anh tài!

*

Eva Frantinová là chọn lựa trữ tình khác; đẹp và khó (dịch). Tất nhiên, với một mỹ nhân - nữ sĩ. Theo bản thảo Do.honza gửi đến, các bài như "Ga xe lửa", "Chùm chìa khóa" người viết phải đọc 3-4 phiên bản, khác nhau chỉ ở đôi ba từ.

Và không biết anh đã nâng lên hạ xuống bao lần để tới bản dịch khó có thể hay hơn cho thi phẩm sau đây chỉ gồm 3 dòng kể cả tên bài:

"Bài thơ

Em đã cắt nỗi buồn hôm nay - như cắt đầu bắp cải

Ngày chủ nhật và suốt cả trong tuần"

Hầu hết các bài của Frantinová đều ngắn. Mới lạ trong gần gũi. Nữ tính và dứt khoát. Các bài chỉ có hai câu thơ mang tinh thần mạnh mẽ nhưng tự nhiên và đời thường, không giáo điều như kiểu thơ ngắn hay gặp.

Đây là tác giả của những bài thơ hay và mới. Ở sự giản dị khiến kinh ngạc, đong đưa giữa lạ và quen.

Giữa rừng thơ “kinh điển/ truyền thống” của các tác giả Séc khác, sáng tác từ cặp đôi K. Sýs & E. Frantinová cho thấy sáng rõ đóa hoa lãng mạn được tôn trên vườn hiện đại như đặc thù của thơ Séc. Từ thể loại đến diễn ngôn thơ, từ nội dung đến hình tượng mỹ cảm… Và là một vượt thắng thú vị cho nghệ thuật dịch thơ mà tập tuyển đạt được.

6- Thơ sinh thái?

Cũng có thể xem “Tuyển tập..." như một luồng chảy sang đất Việt của dòng thơ sinh thái từ ngọn nguồn thi ca Séc, với rất nhiều bài mang các biểu tượng của xứ tuyết Trung Âu: thiên nhiên, mùa đông, mùa Giáng sinh... Đúng như quan niệm của giới phê bình văn học sinh thái: Qua những đặc trưng sinh thái trong văn chương, tác phẩm mang ý nghĩa sinh thái không chỉ viết về môi trường, mà rộng hơn là về sự phát triển hài hòa của con người trong sự thương thỏa với tự nhiên, khí hậu, phong cảnh... (Theo Nguyễn Thanh Tâm)

Có lẽ lần đầu tiên bạn đọc Việt Nam được biết một vị chủ nhân của 12 bài thơ về 12 tháng trong năm là Karel Toman. Ông nổi lên như một thi sĩ hòa quyện tình cảm trong thời tiết và thiên nhiên, trong ngôn ngữ và vũ trụ, trong con người và Thiên chúa... Toman đã cùng hàng chục tác giả khác làm nên tính sinh thái đặc trưng của người Séc qua tuyển tập.

Khéo chọn thay cho nhóm dịch giả Việt Nam! Sẽ là bài học giá trị cho các nhà thơ cùng các nhà làm sách Việt, không chỉ ở Việt Nam mà khắp năm châu bốn biển về một đề tài thơ mới mẻ và thiết thực, nhất là trong thời kỳ dịch vi trùng Corona còn đe dọa?

7- Độc đáo nhất là phần thơ Việt - Séc

Phần thơ Việt - Séc được chọn lọc theo 2 tiêu chuẩn: Các tác giả nổi tiếng thường gặp trong những danh sách quan trọng, đại biểu cho tiến trình thơ Việt Nam gần thế kỷ qua, không phân biệt quan niệm chính trị, khuynh hướng sáng tác, phong cách nghệ thuật và xuất xứ nhân thân; Và, các tác giả là những người thực hiện cuốn sách cùng một vài bạn thơ gắn bó với đất nước Tiệp Khắc.

Tất nhiên, bộ sưu tập thơ dịch độc đáo (dường như "có một không hai"?) đến thế sẽ chịu sự bất cập ở tính đồng đều của nghệ thuật thi ca giữa các bài tuyển chọn từ những tác giả danh tiếng đến những tác giả ít tiếng tăm, nghiệp dư... Song, thưởng thức và chiêm nghiệm trong tinh thần "Văn chương của chung mọi người" (Cao Bá Quát) bạn đọc sẽ dễ bề thể tất cho điều trên như một cuộc chơi văn nghệ.

Có mặt nơi đây nhiều tác giả tiêu biểu trên suốt chặng đường thơ Việt hiện đại và đương đại: Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Nguyên Sa, Anh Thơ, Nguyễn Đức Sơn, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Bắc Sơn, Xuân Quỳnh, Trần Mộng Tú, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến...

Là dịch giả chính của bộ sách hai tập, Do.honza cũng chính là người dịch tất cả các tác giả đại biểu kể trên. Các bản dịch ấy, cùng nhiều bản dịch khác, đều được K. Sýs biên tập.

Không ra ngoài khuynh hướng trữ tình, nhất là tình yêu nam nữ, như đã tuyển chọn thơ Séc, nhóm biên soạn hướng đến các khúc tình ca Việt Nam với những thi sĩ mà họ mê thích và... dễ dịch. Trong tư duy hiện đại hóa thơ mà không ra ngoài truyền thống Việt, các thi phẩm tình tứ trong suy tưởng đượm màu nhân sinh, ý thức tồn tại cũng được tìm đến. Và tất nhiên, làm sao có thể thiếu vắng thơ tình chiến tranh và thơ tình yêu Tổ quốc. Bởi vận mệnh Việt Nam là thế!

Và cũng như tiêu chí về thi pháp khi chọn thơ Séc, phần thơ Việt nương theo 3 điểm phổ quát nghệ thuật nhân loại từng được Lý Thương Ẩn, thi sĩ đời Đường Trung Quốc cô đúc: thơ chuộng tính tự nhiên; thơ trọng lối cấu tứ; và thơ đề cao tình cảm. (Theo Văn Đắc)

Đây, những tuyệt phẩm vang danh, nằm lòng, ảnh hưởng nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam từ thời Thơ mới đến nay mà tập sách vừa tuyển dịch: "Nhớ con sông quê hương" (Tế Hanh); "Màu tím hoa sim" (Hữu Loan); "Từ ấy", "Tiếng chổi tre", "Người con gái Việt Nam", "Em ơi… Ba Lan" (Tố Hữu); "Yêu", "Mùa thu tới" (Xuân Diệu); "Áo lụa Hà Đông", "Tháng sáu trời mưa", "Tuổi 13" (Nguyên Sa); "Giây phút chạnh lòng" (Thế Lữ); "Chiều cổ", "Đôi mắt"; "Khi thu rụng lá" (Lưu Trọng Lư); "Những giọt lệ" (Hàn Mặc Tử); "Chiều xuân", "Bến đò ngày xưa" (Anh Thơ); "Lá diêu bông", "Qua vườn ổi" (Hoàng Cầm); "Thoát hình" (Vũ Hoàng Chương); "Tiếng Việt" (Lưu Quang Vũ); "Thuyền và biển", "Sóng", "Tự hát" (Xuân Quỳnh); "Thơ tình tháng Chạp" (Nguyễn Bắc Sơn); "Tổ quốc nhìn từ biển" (Nguyễn Việt Chiến); "Tôi thấy mây rừng", "Bọt nước" (Nguyễn Đức Sơn); "Không đề gửi mùa đông" (Thảo Phương); "Những ngôi sao" (Nguyễn Quang Thiều); "Quà tặng trong chiến tranh" (Trần Mộng Tú)...

Các hợp tuyển thường có những cung cách lựa chọn không theo quy luật chung và tạo nên sự độc đáo không dễ làm quen lần đầu. “Tuyển tập..." của chúng ta cũng vậy, nhất là phần Việt - Tiệp. Chẳng hạn, một dịch giả là thành viên của nhóm biên dịch sẽ có chừng 3 loại bài đóng góp: thơ tiếng Séc của tác giả Séc dịch ra tiếng Việt; thơ của mình dịch ra tiếng Séc (tự dịch hoặc thành viên khác dịch); thơ của tác giả Việt khác dịch ra tiếng Séc... Nối kết ngang dọc chéo xiên vậy, khó để nhất quán các tiêu chuẩn thường gặp ở các hợp tuyển thông thường.

*

Với các sáng tác của chính những người thực hiện bộ sách, người viết muốn được dẫn lại bài thơ ngắn của nữ sĩ - dịch giả Nguyễn Thị Còn (Con Con). Vững tin là "hay dở tùy người đối diện" nhưng ai cũng sẽ liêu xiêu chút lòng. Rất thơ ca (toàn bài). Rất thơ ngây ("Tỉ mỉ, tủn mủn ghép nhằng thành thơ"). Rất Việt Nam (lục bát lụa ơi là lụa). Và rất Tiệp Khắc ("Vltava, Praha") [**].

"Nông nỗi khi rảnh rỗi

Tôi đi nhặt những vô thường

Lượm mảnh tình vỡ bên đường ai quăng

Mang về náu dưới ánh trăng

Tỉ mỉ, tủn mủn ghép nhằng thành thơ

Tung mây theo cánh dật dờ

Khua mạnh theo sóng đến bờ sông xa

Vltava, Praha

Ru em một bản tình ca muôn đời."

Đã được chính "mẹ đẻ" dịch ra tiếng Séc từ tiếng mẹ đẻ, cũng tin rằng "phiên bản thứ hai" của bài thơ sẽ là đứa con lai tươi đẹp nhờ hôn phối giữa ba thứ tình: tình thơ ca, tình luyến ái, tình Việt-Tiệp.

8- "Mỗi dịch giả có vài cái ngu của mình..."

Đặc sắc của "Tuyển tập...": Với không ít bài thơ tiếng Séc có 2-3 thậm chí 5 bản dịch Việt cho một sáng tác. Lựa chọn ấy không dễ thực hiện nếu ê kíp dịch giả thiếu tinh thần đồng đội, nếu chủ biên thiếu tài chọn đồng dịch giả.

Như lời tựa đã giải thích, để độc giả có cách đọc đa chiều, nhìn ra hết vẻ đẹp thi ca, mức độ cảm nhận của từng dịch giả theo tinh thần "trăm hoa đua nở“ đặng bảo tồn trọn vẹn tác phẩm.

Vâng, tất nhiên rồi! Bài thơ bất tử của Vítězslav Nezval mang tên "Sbohem a šáteček" khoảng bốn thập kỷ qua từng hút hồn bạn đọc Việt yêu thơ qua bản dịch lừng danh "Lời từ biệt và chiếc khăn" của Tế Hanh đã được làm một ví dụ tuyệt đẹp cho hình thức dịch tập thể trong "Tuyển tập..." Ở lời bạt cho tập 1, người viết đã có lời bình, ngẫm lại vẫn thấy khá thỏa đáng về 2 bản dịch của Tế Hanh và Do.honza. Nay xin kéo dài hứng khởi, ở đây chúng ta có thêm 2 bản nữa với Phạm Quang Ngọc và Hoàng Mạc (Hoàng Nam Long).

Các bạn biết không, tôi đọc ngót chục lần so đo 4 bản dịch. Kẻ tám lạng người nửa cân, khách quan nói vậy. Trong các sáng tác với nhiều bản dịch của tuyển chọn, "Sbohem a šáteček" có nhiều bản dịch tốt nhất. Hay là ở chỗ bản dịch nào cũng bắt ta đau đớn, cũng làm ta hưởng cái điệu đà từ một tình yêu dang dở và chia lìa. Thú vị là ở chỗ cả 4 bản dịch cùng ở thể thơ vần điệu 8 chữ 4 câu, "tuyệt đối trung thành" về thể vần điệu có số từ ổn định với nguyên tác. Cấu tứ và thi điệu, khí thơ và cú pháp, cách cảm và diễn đạt ở 4 bản dịch đều từa tựa lại không trùng lặp. Thích thật!

Tên bài với Phạm Quang Ngọc là "Vĩnh biệt và chiếc khăn tay"; Còn với Do.honza và Hoàng Mạc (Hoàng Nam Long) cùng là "Vĩnh biệt và khăn tay".

Bản Tế Hanh do thấm đẫm tâm trí rồi, song có lẽ dễ thấy đấy là bản tiếng Việt nhuyễn nhất, hay nhất. Ấy thế bản gây xúc động nhất với tôi là của Phạm Quang Ngọc, tiếc 2 chữ chót "ra tay" nghe thế nào ấy; và bản này như còn bị ám ảnh bởi bản của tiền bối. Hoàng Mạc và Do.honza tỏ ra giọng điệu mới, khác Tế Hanh. Cái bất hạnh dứt khoát hơn, từ tâm trạng của cái Tôi cá thể. À bản Do.honza dính câu này có nhẽ hơi phô: "Nếu gặp nhau ta hãy để nhau yên"? (Bộ tính quất ngựa truy phong sao, ngài dịch giả?)

Ta thử so sánh câu chót của khổ đầu: chàng trai e sợ mình sẽ bị "đá"! Phạm Quang Ngọc: "Biết đâu chừng người khác đến thay ta"; Tế Hanh: "Không phải ta đây trở lại đâu nào"; Do.honza: "Anh không đến có thể người khác đến"; Hoàng Mạc: "Dẫu không tôi cũng là khách khác rồi". Nguyên bản Nezval: "moţná ţe nepřijdem ţe přijde jiný host", cụ Gúc Gồ bảo là "Có lẽ tôi sẽ không đến vì một vị khách khác đến". Khỏi cần đọc các câu khác liên quan đến câu đang ví dụ, bạn thích cách dịch của ai hơn cả ở cái câu xót xa nhất bài thơ bất tử?

Còn với nguyên tác "Kde jsi?" của Petr Cincibuch chúng ta lại có những kịch bản khác cho cuộc chơi. Bản gốc ở thể thơ tự do trong khi 5 bản dịch "Anh ở đâu?" mang các hình thể khác xa nhau. Vũ Việt Dũng ở thể tự do và rút gọn; Phạm Quang Ngọc và Do.honza giữ như bản gốc; Nguyễn Duy Thái chuyển về vần điệu; và cuối cùng Phan Bùi Thọ thì du di đoạn đầu thành thơ văn xuôi. Nói chung cả 5 phiên bản đều tạm ổn.

"Bài ca (Bồ câu đưa thư)" của “ông lớn” J. Seifert cũng là hình mẫu cho cách chơi thơ nhiều bản dịch. Nguyên bản ở thể tự do, các bản dịch ở 4 thể thơ Việt tiêu biểu. Nguyễn Duy Thái “chơi” thể 7 chữ; Do.honza "chơi luôn" cả 7 chữ, 5 chữ và lục bát. Kinh! Tôi thích bản lục bát.

Tới cái thú vị đã giăng trên tên mục! Trong khi biên tập sách tôi ngẫu nhiên tóm được trên mạng xã hội cách phân tích “đã đời” thế này từ Lê Quang, một dịch giả thân thuộc với cộng đồng văn chương Đức - Việt: "Càng nhiều bản dịch càng hay, vì mỗi dịch giả có vài cái ngu của mình. Hy vọng chúng tôi không lặp lại cái ngu của nhau, để độc giả đến gần hơn với tinh thần của nguyên tác."

9- Hạn chế, bất cập, thiếu sót, v.v... và v.v...

Ôm rơm rặm bụng. Ôm ấp, cưu mang, trăn trở... với các thứ loại tuyển dịch, lại là tuyển dịch thơ - đâu chỉ "rặm" mà đủ bề khó chịu, thống khổ... Đâu chỉ "bụng", toàn thân toàn thể. (Lẽ dĩ nhiên, đồng thời thụ hưởng bao nhiêu cái sướng điều thích chỉ những kẻ trong cuộc mới thống khoái!)

Xin cao giọng đôi chút rằng, làm các bộ tuyển chọn dịch thuật như hai tập đây không đeo dính mớ ba mớ bảy những hạn chế, bất cập, thiếu sót... mới là sự lạ. Mang duyên (cũng là nợ!) theo đuổi "phụ việc linh tinh" cho vị chủ biên, người viết khá rành nhiều bất cập sẽ giảm thiểu nếu làm thấu đáo hơn, tham chiếu sâu hơn; nhưng phải thú thật có không ít việc bất khả. Dường như chúng là mặt trái tất yếu của tấm huân chương mang tên Dịch thuật, mà vô khối đấng bậc điêu luyện trong nghề còn phải đối mặt.

So với tập trước, “Chuốt, chuốt nữa, chuốt mãi…” các bản dịch vẫn là phương châm mà nhóm biên soạn chưa làm đến mức cần có. Ở không ít bản dịch hơi thơ chưa thoải mái dù ngọt ngào, nhịp vần còn khập khiễng dẫu thi điệu tạm ổn. Ví dụ, với thơ Václav Aubrecht - một tác giả có lối viết gập ghềnh lại mang chở toàn các ý tưởng to và nặng.

Cũng thế, phần tiểu sử chân dung tác giả bị khô khan, thiếu sắc thái vì nệ vào nguồn; nhiều thông tin có ích với người chưa biết song sẽ đơn điệu và dư thừa giữa số đông...

Chuốt lời, tuy khó nhưng là việc cá nhân ở từng dịch giả và có thể tí tách làm đi làm lại trên một ô đất cây trồng đang lớn. Cái khó hơn của tập thể biên soạn là chuốt bài. Tức là cần tinh tuyển tác phẩm, tác giả hơn nữa mà không phạm "luật chơi" của cả ê kíp. Cày bới thay đổi đất, trồng hoa trái khác trong khi giữ nguyên cảnh quan toàn khuôn viên. Khó và lâu. Không khó, không lâu đã không là Người Làm Vườn. Đã không dịch thơ, đã không tuyển dịch thơ!

10. “Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của thi ca.”

Thế kỷ 21 thực sự là thế kỷ của dịch thuật. Với Việt Nam càng đúng. Bước theo sau tập trước 6 năm, “Tuyển tập thơ Việt Nam - Tiệp Khắc" có quyền được trông vọng là một sự kiện văn chương và xuất bản Việt - Séc trong vài năm tới...

“Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của thi ca.” Thi nhân J. Seifert trong Diễn từ Nobel văn học năm 1984 từng bày tỏ. Qua bộ tuyển chọn thơ vừa góp vào văn đàn Việt Nam, nhóm dịch giả - biên soạn của hai nước với Đỗ Ngọc Việt Dũng (Do.honza) chủ chốt đã dự phần đáng kể khẳng định rằng, quan niệm trên cũng phù hợp với con người Việt.

Các thi sĩ là người định hình ý thức dân tộc của hai nước Cộng hòa Séc và Việt Nam. Không ít địa chỉ khác trên địa cầu cũng vậy, song hai đất trời ấy là hơn đâu hết!

Vancouver - Hè 2020 (28/8)

Đỗ Quyên

------------------

[*] "Những giai điệu thơ Tiệp Khắc - Đọc sách 'Tuyển tập thơ Séc & Slovakia' của Đỗ Ngọc Việt Dũng/ Do.honza"

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhung-giai-dieu-tho-tiep-khac/

[**] Vltava là con sông dài nhất nước Séc, tại đoạn chảy qua thủ đô Praha có 18 cây cầu bắc ngang (với cầu Charles nổi tiếng thế giới với tên Cầu Tình).