Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 267): Bể dâu – Nam Dao (4)

MÙA RỪNG ĐỘNG (4)

‘‘Ngày ...tháng...1971.

Dứt tiếng máy bay, bầu trời lại vút cao, gió lồng lộng và những hàng dương cháy như đuốc đốt. Bây giờ, thời gian đo bằng khoảng cách giữa những trận B52, những trận pháo kích. Tôi ra bờ thổ, thở không khí vào đầy buồng phổi, ngắm những vòm khoai lá chợt xanh hơn, tươi hơn. Có tiếng cười khúc khích. Eng bộ đội ơi! Hầm mấy eng an toàn hỉ? Nhìn lại, thì ra là Giang, cán bộ trợ y trạm phẫu thuật. Nàng đưa tay vén đám lá xanh bạc một loài cây mọc trên cát. Ô kìa, không phải là Giang nữa. Phép lạ nào đã khiến nàng thành một nàng công chúa nước Chiêm, áo chẽn, quần ống phùng, trang phục xanh tuyền ngọc thạch. Nàng nói, tôi chẳng hiểu gì, nhưng tôi cúi đầu, hai gối nhũn ra, quì xuống. Gió mơn man, thổi bay đi chiếc khăn nàng quàng đầu. Tôi cúi xuống nhặt, và nàng, nàng cũng cúi xuống, tóc vương vào mặt tôi, mắt vương vào mắt tôi, và tay nàng nằm trong tay tôi. Một điệu nhạc cổ vang lên, tiếng hát vẳng lại nghe đâu như tiếng hát quan họ, nhừa nhựa, lê thê. Nàng lại nói, và tôi, tôi là anh lính trẻ đi từ xứ Nghệ theo Chúa Sãi, tôi hiểu tôi đã từng gặp nàng từ ba thế kỷ trước. Tôi chớp mắt. Trước mặt lại là Giang. Nàng bảo mai nàng sẽ đi mua thuốc trong vùng địch. Không hiểu sao, bụng tôi thóp lại. Tôi sợ, sợ rất vô cớ. Nàng cười, sợ răng mà sợ chi eng, em đi ra đi vô quen đường rồi. Mai, tay nàng chỉ, em đi về ngả Xuyên Tân. Đi lúc mặt trời lên, không để vết chân trên sương. Rồi nàng rút tay ra.

Suốt ngày hôm đó, tôi nghĩ đến những vết chân trên sương và lúc mặt trời lên. Phải chăng nàng hẹn tôi. Tôi không biết! Nhưng có một động lực nào đó khiến tôi cả đêm thao thức. Cứ chợp mắt, tôi lại thấy cô công chúa nước Chiêm ngồi bên, tay đưa ra luồn vào ngực, hỏi trái tim anh đâu. Ai cũng cần một trái tim. Kể cả lúc để chết! Nghe nàng nói, tôi vùng dậy, đáp, không thế được. Cần trái tim chẳng phải để chết mà là để sống. Nhất là thời gian để sống chỉ còn nhỏ giọt giữa bom đạn.

Sáng hôm sau, tôi ra đợi. Nằm úp mặt vào cát trắng mịn màng, tôi biết, đúng tôi là kẻ theo chúa Sãi vào Đồ Bàn. Có tiếng ngựa hí. Tôi ngước lên, nhướng mắt nhìn về phía thôn khi mặt trời ló khỏi những tàn lá dừa mọc ven biển. Và tôi mê đi cho đến khi nàng hiện ra, nàng công chúa của tôi. Tôi chính là tên lính xâm lược kiếp nào xa xưa đã bỏ Chúa Sãi cứu lấy nàng. Và xin nàng làm vợ. Tôi chồm dậy, miệng thì thào, nàng đây rồi, nàng là ân oán truyền đời, nỗi đau và đồng thời là hạnh phúc của tôi. Không còn thời gian. Không có trận chiến nào nữa. Chỉ còn một sợi dây định mệnh khiến chúng tôi lẫn vào nhau tựa những hạt cát sinh thành từ sự độ lượng giao hòa của đất với trời. Của âm với dương.

Vâng, tôi cần một trái tim. Để sống!’’.

Nhét cuốn nhật ký của Sơn vào ba-lô, Dân bần thần tự hỏi, mình có là tên lính xâm lược ngày nay đang theo một chúa Sãi hiện đại nào đó không? Không. Vì bom thả từ B-52 là bom Mỹ. Lính truy kích có Đại Hàn. Nhưng còn đám Biệt Động Quân, cũng dòng giống người Việt, có phải họ thật là tay sai ngoại bang, là ‘‘Ngụy’’? Nếu thế thật, thì tại sao họ nhắm mắt cho dân chạy về An Tráng? Những dòng chữ trong cuốn nhật ký chập chờn vây bủa Dân, với những câu hỏi không giải đáp. Và nhất là một nỗi xao xuyến đang thành hình. Nhìn xuống vết thương ở chân nay đã lên da non, Dân nhớ chính Sơn đã rắc thuốc súng rồi đốt tẩy trùng. Chàng bỗng ngậm ngùi. Sau khi chứng kiến tận mắt cái chết của Giang và Sơn, Dân tự hỏi, liệu cái ý đồ đầu hàng của chàng mới cách đây chưa đầy một tháng có hay không có nghĩa? Đúng là làm hàng binh thì sống, có cơ gặp mẹ, nhưng sống như thế có đáng để sống hay không trước những cái chết của đồng đội như Sơn? Dân ôm đầu, chợt thấy mình hóa ra một con kiến nhỏ nhoi quờ quạng trong một cơn hồng thủy không cưu mang cả thể xác lẫn linh hồn.

*

Về đơn vị một thời gian, Dân và một số lớn đồng đội được lệnh vòng sang Lào rồi ngược về Vĩnh Mốc, căn cứ địa làm chỗ dưỡng quân gần cửa Việt. Lính đùa bảo đấy là chỗ vỗ cho béo trước khi bị làm thịt. Ban chỉ huy tiểu đoàn hiện có Cự, phó bí thư chi bộ, xưa là bạn học với Dân. Tình hình chiến sự sắp đến thời cơ quyết định nên có nhu cầu bổ xung chẳng những lính mà còn cả những cán bộ chỉ huy cũng bị tổn thất rất nặng trong mùa mưa vừa qua. Cự xem hồ sơ của Dân, gặp và đề nghị giới thiệu Dân vào Đảng. Ban đầu, Dân nghi ngờ, chỉ ậm ừ. Cho đến khi chính Chính Ủy đại đội tận tay trao cho Dân một bản Điều Lệ Đảng, Dân mới thật sự tin và chờ ngày làm lễ kết nạp.

Đại đội trưởng kêu tên:

- Phan Thượng Dân!

Dân bước lên ba bước, nhập bọn với đám lố nhố năm sáu người, đứng như phỗng. Máu dồn lên mặt, Dân đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng vào cờ đỏ sao vàng, đọc đơn xin kết nạp Đảng, câu cú đã chuẩn hóa, nghe máy móc vô hồn. Đến lượt bí thư chi bộ đại đội. Giọng đều đặn, anh ta đọc bản lý lịch, nhận xét, rồi quay sang hỏi ý kiến ‘‘quần chúng’’. Dĩ nhiên, quần chúng có ba anh lính tiểu đội của Dân. Một người kể, đồng chí Dân không ngại hy sinh, tự mình cản hậu, một mình chiến đấu chặn địch để bảo đảm an toàn cho đồng đội. Một người khác tiếp, bị thương, đồng chí Dân tiếp tục nhả đạn vào địch, hạ được sáu thằng. Người cuối cùng thuật lại cuộc tản dân từ Bàu Bính lên An Tráng, và dẫu vết thương chưa hẳn lành, đồng chí Dân vẫn góp sức bảo vệ an ninh, phá rẫy giúp đồng bào trồng trọt canh tác lập ra xã Bình Tân. Dân nghe câu được câu không, nghĩ đến những giấc mơ mình nói với bà khi tình nguyện xin nhập ngũ. Bà ơi, chỉ năm mười phút nữa cháu bà sẽ là đảng viên. Từ nay con đường tiến thân đã mở, cháu sẽ không mãi còn là cái thằng Dân vật vờ như xưa để cho người ta khinh rẻ trong làng. Ứa nước mắt, Dân cố kìm tiếng nấc trong họng, bụng căm căm một nỗi ai oán xưa nay chôn chặt trong lòng.

Bí thư chi bộ ê a đọc, mãn hạn ba năm nghĩa vụ, đồng chí Phan Thượng Dân đề đạt ý nguyện được tiếp tục phục vụ cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta anh hùng. Đồng chí thông suốt đường lối của Đảng, học tập xuất sắc, nêu gương đạo đức và phẩm chất người lính của quân đội nhân dân, xứng đáng trở thành Dảng viên. Và Dân thề:.. thề bảo vệ danh dự uy tín của Đảng như bảo vệ con ngươi mắt mình!

Thế là Phan Thượng Dân được kết nạp, trở thành Đảng viên Cộng Sản ngày 19 tháng 8 năm 1971.

Sau lễ kết nạp ít lâu, Dân được phong làm Trung đội trưởng, qua mặt Trung đội phó Tạ, lính lâu năm hơn nhưng kém văn hóa, ăn nói lung tung, phát biểu khá tùy tiện. Bàn giao Trung đội cho Dân, có Tạ và Cự. Cự thuộc thành phần cơ bản, học lớp tám đã là đoàn viên. Sau lớp mười, Cự lên Hà Nội học tổng hợp Văn được ít lâu thì tình nguyện nhập ngũ, năm sau được kết nạp vào Đảng. Là người làng bên, Cự và Dân học chung trường cấp 3 ở Tiên Lãng, có quen nhưng không thân. Để chiêu đãi Dân, Cự mở một gói thuốc Tam Đảo và pha trà Thái Nguyên:

- Trung đội này chiến lắm, đánh đấm ở Khe Sanh được biểu dương thành tích nhé! Tiểu đoàn chúng mình đúng là ‘‘đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần đánh Mỹ còn cao hơn đèo!’’.

Tạ xen vào, cười hềnh hệch:

- Đúng thế thật, nhưng ở Khe Sanh phăng teo cha nó một nửa!

Cự ngắt, giọng không bằng lòng:

- Đánh nhau thì tránh thế nào được? Mình chết, nó cũng chết chứ!

Tạ lại hồn nhiên:

- Ờ, thủ trưởng đúng. Thằng nào chết nhiều, thằng ấy thắng! Mở tay áo, Tạ khoe một vết sẹo chạy từ bả vai xuống khuỷu tay, tiếp - Đồng chí Dân xem, tí nữa thì mất mẹ nó cái tay, may mà mảnh đạn nó chệch đi... Thế cũng ba tháng nằm viện bên Hạ Lào, nhưng được địa phương thưởng một ký đường. Bu nó đến trụ sở xã lĩnh, hân hoan viết thư, nhà nó ơi, tết năm nay làm bánh trôi bánh chay, cả nhà mừng lắm. A, cái con chết tiệt - Tạ lại cười - nó có biết đâu thằng này suýt cống hiến cái tay cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đổi lại là một ký đường! Hà, hà...

Thấy Cự nhăn mặt, Dân phà khói thuốc, cố nín cười, nghiêm giọng:

- Đồng chí Tạ, bao giờ đồng chí cho tôi biết chi tiết về từng đội viên? Thành phần, trình độ và phẩm chất và tinh thần tác chiến...

Tạ vẫn hềnh hệch:

- Đồng chí Trung đội trưởng này có vẻ còn nghiêm túc hơn đồng chí Trung đội trưởng trước đấy! Các đồng chí ơi, ngày rộng tháng dài, chưa cấy mà gặt ngay thế nào được, cứ từ từ rồi sẽ có bá cáo ngay ấy mà!

Cự đứng dậy. Vừa bước vừa ôm vai Dân, Cự nói nhỏ:

- Mỗi lần họp đại đội, cậu để tay này làm nhiệm vụ khác, không thì cứ phát biểu lăng nhăng, rách việc!

*

Thắm là đội viên cấp dưỡng trong ban tiếp vận cho Tiểu đoàn của Dân đóng ở Vĩnh Mốc. Nàng đến với Dân như một cơn cuồng phong. Ngay từ phút ban đầu, lòng Dân nổi giông bão. Gió lên, có lẽ là bởi khi nàng đến thì cơn bão cuối mùa cũng áp tới. Dân ra đón ở lối vào địa đạo. Biển cuối tầm mắt kéo từng đợt sóng trắng xóa giăng ngang chân trời đục xám sương mưa. ‘‘Chào đồng chí, chúng em muộn, đường vào đây cây cối đổ ngả đổ nghiêng. Bão năm nay to thật!’’. Thắm tươi cười, tay đưa vạt áo lên mặt chùi nước mưa. Dân sững sờ khi nàng bỏ tay xuống, miệng thốt ‘‘...Ơ kìa, chị Nết đâu? Tôi cứ tưởng...’’. Thắm vui vẻ ‘‘Chị ấy bệnh, sốt rét cấp tính. Em là Thắm, em tạm thay chị Nết’’. Thắm tinh quái tiếp ‘‘Chị Nết của anh kỳ tiếp lương sau sẽ lên!’’ rồi khúc khích cười. ‘‘Không không! Chị Nết nào phải của tôi đâu...’’, Dân vội vã thanh minh. Thắm nguýt dài, vẫy tay gọi đoàn thồ lương vào, miệng trề ra nghịch ngợm ‘‘Thì của tất cả các anh vậy’’.

Bão mỗi lúc một lớn. Tối hôm đó, toán cấp dưỡng trú lại địa đạo. Anh nuôi trung đội chiêu đãi khách phương xa một nồi cháo măng nấu với tắc kè, chiến lợi phẩm thu từ những lần tuần canh cánh rừng phía nam. Khách làm văn nghệ đột xuất phục vụ bộ đội. Dưới ánh lửa chập chờn của hai ngọn đèn dầu soi căn hầm chỉ mươi thước vuông, lính chen vai thích cánh. Đến lượt Thắm, cả toán cấp dưỡng nhao nhao, chị Thắm ơi, cho nghe quan họ đi nào. Người ơi người ở đừng về nhé. Không, cấm. Chiến sĩ nghe nhụt lòng. Chị Thắm chọn đi! Nàng chớp mắt, hắng giọng, em hát phục vụ các anh bộ đội nhé. Nàng nhịp khẽ tay vào nhau, cất tiếng:

Anh cứ bảo, rằng em không thương

Em đo lường thì rất cặn kẽ

Bởi thương anh nên em bàn với mẹ

Lo cho anh, không để lạc đường ...

Giận thì giận...Thương thì thương...

Giận thì giận...Thương càng thương...

Điệp khúc thấm vào trong Dân, lắng xuống, đọng lại những hạt sương mong manh trên đầu cánh lá chớm lạnh lúc đêm về. Tạ đứng lên, ồm ồm hoan hô, vỗ tay bôm bốp. Nó kéo Thắm, ẩy về phía chỗ Dân ngồi, kêu ‘‘Cô Thắm. Đến lượt cô mời thủ trưởng bọn tôi!’’. Nàng nhìn vào mắt Dân, nhỏ nhẻ ‘‘Mời thủ trưởng. Chiều em nào!’’. Dân lúng túng lắc đầu. Ôi, chiều em nào, nghe ngọt ngào như cục đường phèn tan dần trong miệng. Cả Trung đội ồn lên, Thủ Trưởng ngâm lại cái bài Quê Hương đi. Dân bảo, quên sạch rồi. Thắm bảo, em nhắc. Và khi Dân ngâm đến câu ‘‘ Nay yêu quê hương vì trong từng nấm đất, có một phần xương thịt của em tôi’’, mắt Thắm long lanh ngấn nước.

Trời trở cơn. Mưa sa gió táp liền ba ngày ba đêm. Đồng đội than nhưng Dân hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc ngấm ngầm âm ỉ. Dân lân la hỏi, biết Thắm quê ở Ý Yên, gia nhập thanh niên xung phong cùng thời Dân xin vào bộ đội. Mẹ nàng góa bụa, nay sống với gia đình người cô. Thắm ngậm ngùi, hết hạn, em xin về lo cho mẹ. Còn anh? Dân đáp, tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ còn bà ngoại. Bà một mình, nhưng có mấy người họ hàng ở gần, lúc hoạn nạn cũng không đến nỗi tứ cố vô thân. Thắm xoay chuyện, giọng nghịch ngợm, hỏi anh mơ ước gì sau này? Dân lắc đầu. Trả lời làm sao đây? Quả thật Dân chưa biết mơ ước. Có gì đáng để ước mơ bây giờ? Dân nói với nàng, cho Dân khất, để còn nghĩ đã. Không hiểu sao Dân mím môi quả quyết với nàng rằng mình vẫn còn khả năng mơ ước.

Mưa ngớt dần. Trận bão còn để rớt lại dăm ba cơn giông. Trận bão cho Dân ba ngày gần Thắm, ba ngày đoán bước Thắm đi, nghe tiếng Thắm thì thào, có dịp ngồi bên Thắm để kín đáo hít hương da thịt nồng nàn bốc lên trong những căn hầm ẩm thấp. Ba ngày ngắn ngủi. Thắm chưa đi, sao Dân đã nhớ. Đến phiên gác, Dân dật dờ ôm súng. Ngồi dưới lều ngụy trang cạnh nóc hầm, Dân thẫn thờ nhìn về cuối chân trời, nơi loáng thoáng dăm cánh buồm nâu căng trên những chiếc thuyền chài ra biển. Dân vẫn nợ Thắm câu trả lời đã khất. Mơ ước? Mơ ước gì? Còn Thắm, về phụng dưỡng mẹ liệu có phải là một mơ ước cho Thắm?

Tiếng chân đâu đây như tiếng chân nai. Rồi tiếng áo mưa làm bằng nhựa thô loạt xoạt. Thắm hiện ra. Đến chỗ Dân đang bó gối, Thắm chìa cho Dân một củ khoai nướng. Ngồi xuống cạnh Dân, Thắm mỉm cười, nhìn bâng quơ ra biển. Dân lặng im, giữ cho thật thanh tịnh phút giây thần tiên một buổi sáng trinh nguyên vắng lặng. Tiếng sóng dập dềnh xa vắng lẫn vào tiếng chim ban mai. Thế gian lắng vào một cõi thực hư lẫn lộn. Thình lình Dân hỏi, Thắm mơ ước gì? Thắm cười, nói khẽ, em mơ thành bướm. Anh đã thấy những cánh bướm trên Trường Sơn chưa. Có con cánh to bằng bàn tay, đủ màu đủ sắc. Những cánh bướm trong bóng đêm sáng lên sắc lân tinh, xanh có, đỏ có, cam có. Đẹp, kỳ diệu. Thời gian trên rừng, em không bắt bướm. Em tìm những xác bướm chết, mang ép. Bộ sưu tập em thu nhặt được đến trên hai mươi loại. Người ta bảo có loại bướm trên mỗi cánh nhung tuyền là một nửa trái tim đỏ tựa màu đỏ hoa gạo. Em tìm, nhưng vẫn chưa thấy. Khi thấy, em chắc sẽ có được một trái tim nguyên vẹn. Và biết đâu đó lại chẳng phải là tình yêu tròn đầy. Dân buột mồm, tôi sẽ tìm cho em! Thắm cười. Bất chợt, nàng hỏi ‘‘Còn anh?’’. Dân vội vã, lời bật ra như tên bay, ‘‘Mơ ước của anh là ...sau này gặp lại em!’’. Hình như Dân chỉ ý thức được một phần ý nghĩa câu nói. Dân không đủ thời gian. Vì Thắm nức lên. Thắm ơi, đừng khóc. Dân ngần ngại đặt tay trên vai Thắm. Nàng ngật người ngả xuống lòng Dân như cánh bướm chao nghiêng. Dân ôm Thắm xiết lấy, sợ nàng biến đi vì cái phất tay ác độc của mụ phù thủy trong chuyện cổ tích. Thắm ghì lấy Dân. Rúc đầu vào mái tóc nàng nay xổ tung ra thành suối mát đầu nguồn, Dân thả cho bản năng giống đực dẫn dắt. Dân vục đầu vào ngực Thắm, hệt một đứa trẻ tìm căn nguyên sinh thành ra mình. Quăng khẩu súng vào bụi, hai tay Dân khoanh tròn quanh Thắm, vồ vào, vuốt ve. Đến cái lúc ấy, Thắm nắm hông Dân, đẩy ngược lại, miệng run rẩy, ‘‘Không ...không được!’’. Thắm dằn ngửa Dân xuống đất, cúi đầu, mặt áp xuống. Dân thấy giải tóc Thắm chập chờn, lên xuống, dập dềnh, chao lượn. Cứ thế, Dân tuột vào một niềm hoan lạc như chưa từng. Dân mặc cho mình hững hụt, không trọng lượng, rơi vào một nơi vô thủy vô chung. Chao ơi, Dân hực lên, tai văng vẳng âm điệu những bài thánh ca âm vọng ngàn trùng.

Khi Dân mở mắt, Thắm ngồi nhìn Dân, ánh mắt hiền dịu. Nàng bậm môi, nói một mạch ‘‘Em chẳng tiếc gì anh. Em nói thật, em đã... một lần, và người đó chỉ mấy ngày sau là chết trận. Còn anh, em không muốn mất anh!’’. Nói đến đấy, nàng bật khóc ấm ức, rồi thình lình vỡ oà bật thành tiếng nửa như đau thương, nửa hạnh phúc.