Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Bàn về tôn giáo, khoa học và đạo đức

Phạm Nguyên Trường

Hôm trước thấy một bạn hỏi: Đã có khoa học sao còn cần tôn giáo?

Đây là câu trả lời của mình.

A. Con người cần tôn giáo.

Một người có đức tin tôn giáo phải có 2 trong số 4 đặc điểm sau đây:

1. Luôn luôn trăn trở với câu hỏi: Ta là ai/Ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Đây mới là câu hỏi mà tôn giáo tìm cách trả lời chứ tôn giáo không phải là để giải thích các hiện tượng tự nhiên mà người tiền sử chưa hiểu được. Giải thích hiện tượng tự nhiên là thần thoại, không phải tôn giáo.

2. Người có đức tin tôn giáo luôn luôn coi mình là một phần của vũ trụ bao la, là một cái lá cây trên cái cây gọi là Vũ trụ. Vì vậy, khi ở phần CON, con người phải kiềm sống, phải tìm cách sinh tồn, nhưng phần NGƯỜI, với đức tin tôn giáo, trong họ luôn luôn nhắc nhở rằng họ chỉ là một trong muôn vàn chiếc lá cần vươn ra ánh sang mặt trời, không được cố tình che chắn, không được cố tình cản trở những chiếc lá khác cùng vươn ra trước ánh nắng.

3. Người có đức tin tôn giáo luôn luôn tâm niệm rằng mình có một vị PHẬT hay CHÚA (đây chỉ là tên gọi, bạn có thể gọi Người đó bằng tên khác, ví dụ Con Tạo - Creator) để trở thành hay để một ngày nào đó được về đứng dưới chân của Người.

4. Như vậy, về mặt đạo đức, người có đức tin tôn giáo hành xử khác với người bình thường. Người bình thường cho rằng không vi phạm pháp luật là đạo đức. Người theo phái tự do cho rằng không làm hại người khác là được, là không trái với đạo đức. Nhưng người có đức tin tôn giáo luôn luôn nghĩ rằng trên cao kia có PHẬT, có CHÚA, đang quan sát; hành động của mình có làm PHẬT/CHÚA hài lòng hay không? Đây chính là việc tu tập trường kì và miên viễn của người có đức tin tôn giáo.

Con vật không có tôn giáo vì nó không trăn trở với câu hỏi: Ta là ai/Ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Nhiều người không có đức tin tôn giáo vì họ không có 2 trong bốn đặc điểm nêu trên, nhưng nếu xã hội mà tuyệt đại đa số đều là những người không có đức tin tôn giáo, không hề trăn trở với những vấn đề bên trên thì sẽ phải cần rất nhiều luật lệ và công an.

      B. Con người chỉ là một phần của vũ trụ, vì vậy không thể hiểu được vũ trụ.

Trước câu hỏi: “Ta là ai/Ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu?” các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa nói: “Cho chúng tôi thời gian, 1 triệu năm, 1 tỉ năm, hay hơn nữa, thời gian đủ lâu thì các nguyên tử, phân tử vô tri vô giác kia sẽ tụ tập nhau lại, rồi sẽ có đủ các bộ phận của cơ thể sống và sẽ tiến hóa thành đủ các loài sinh vật như chúng ta thấy hiện nay. Thời gian và thỉnh thoảng lại có một vụ đột biến nữa là được. Không một người nào, dù toàn trí toàn năng tới đâu, có thể thiết kế được những hình thức sống phong phú đến như thế”.

Nghe có lí.

Nhưng, không cần đi sâu vào những chi tiết rắc rối mà chỉ cần liệt kê một số hiện tượng mà ai cũng thấy là đủ để thấy rằng con người chỉ là một phần của vũ trụ bao la, mà một phần thì không thể hiểu được cái toàn thể.

I. Trước hết nói về trái đất.

1. Trục tự quay của Trái Đất nghiêng một góc bằng 23,4° so với trục vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo, tạo ra sự thay đổi mùa trên bề mặt của Trái Đất trong một năm chí tuyến. Nếu trái đất không nghiêng thì sẽ không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.

2. Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, đồng thời cũng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thủy triều đại dương. Ta sẽ không thể tưởng tượng nổi không có thủy triều thì thời tiết trên trái đất sẽ như thế nào.

3. Khác với tất cả các chất khác, nước có trọng lượng riêng lớn nhất ở 4oC. Nếu càng lạnh trọng lượng riêng của nước càng gia tăng thì băng tuyết ở Bắc và Nam cực sẽ chìm xuống, nước ở những khu vực khác sẽ tràn tới, đóng băng tiếp và các loài sinh vật biển ở đó sẽ không thể nào sống được. Thực ra không chỉ sinh vật biển không sống được, mà chúng ta không thể tưởng tượng được là sẽ xảy ra những chuyện gì.

4. Không hiểu người ta có tính đếm tỉ lệ sinh sản đực/cái ở các loài động vật hay không, nhưng ở loài người, nếu không có sự can thiệp nhân tạo thì tỉ lệ bé trai và bé gái khi được sinh ra, thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sống được sau khi mới sinh.

Tại sao lại có 4 hiện tượng như thế? Khoa học không thể trả lời được. Đành phải nói: TRỜI SINH RA THẾ và nếu nói rằng, trái đất này, thậm chí cả Vũ Trụ này được tạo ra vì con người (vị nhân) thì cũng khó mà bác bỏ được.

C. Về thuyết tiến hóa.

Thuyết tiến hóa cho rằng chỉ cần thời gian và thỉnh thoảng lại có một vự đột biến là từ những phân tử, nguyên tử vô tri vô giác kia sẽ biến thành các quý ông quý bà sang trọng và các quý cô nương trâm anh đài các, hoa hậu, chân dài… Đủ hết. Thời gian thì có thể là đã rất, rất dài. Nhưng còn đột biến? Ai/cái gì tạo ra đột biến? Mà không chỉ đột biến ở một vài, thậm chí ở vài trăm cá thể, mà phải đột biến cùng một lúc ở hàng chục ngàn cá thể, nếu không những cá thể này sẽ chết trước khi kịp truyền giống.

Ngay trong cuốn Nguồn gốc các loài, cha đẻ của học thuyết này, Charles Darwin, còn hoài nghi về một luận cứ có thể lật ngược toàn bộ học thuyết của mình: Không có các mắt xích nối kết trung gian. Chính ông viết: “Số lượng các hình thái trung gian, đã phải từng tồn tại trên trái đất, phải là rất lớn. Vậy mà tại sao các nối kết trung gian này lại không thể được tìm thấy trong các lớp địa tầng? Đây có lẽ là sự phản đối rõ ràng và mạnh mẽ nhất có thể được nêu lên để chống lại giả thuyết của tôi.”

Dù có những loài cá biết trèo lên cây, có loài “đi” hàng trăm cây số trên mặt đất nhưng chưa ai thấy con cá nào có cả mang lẫn vây, cũng chưa ai thấy con tinh tinh nào biết nói, dù có những con cực kì tinh khôn. Thuyết Darwin nói rằng sinh vật thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, nhưng chưa có con dê nào có cái cổ cao cả mét, ngay cả khi loài này sống trên những khu vực không có cỏ, phải ngửa cổ lên thì mới kiếm được lá cây.

Thuyết Darwin còn một khiếm khuyết mà tôi gọi là “sáng đúng, chiều đúng, mai vẫn đúng”. Khiếm khuyết như sau: Khi thấy còn lười, một con vật ăn lá cây ở Nam Mỹ, bò rất chập, người ta giải thích rằng vì nó ăn lá cây, ít năng lượng nên bò chậm. Trong khi những con dê, con hươu, con nai.... ăn có chạy nhanh thì người ta lại giải thích rằng loài thú ăn cỏ phải chạy nhanh không thì sẽ bị những loài ăn thịt bắt. Carl Popper (1902-1994), một nhà triết học nổi tiếng người Áo nói rằng lý thuyết mà không thể chứng minh được là sai (Falsifiability) thì không phải là lý thuyết khoa học. Và ông cho rằng thuyết Darwin là một trong những lý thuyết không phải là khoa học.

Hơn nữa, khá nhiều nhà khoa học trong kĩnh vực vật lý lượng tử và vật lý thiên văn cho rằng các công trình nghiên cứu của họ dẫn tới những điều mà Đức Phật đã nói cách đây hơn 2.500 năm. Loài người chỉ là một phần của cái toàn thể vô thủy vô chung, những dụng cụ mà họ chế tạo ra, dù có tinh xảo đến mức nào thì cũng không thể tìm hiểu được bản chất sâu xa của cái toàn thế.

Có lẽ lý thuyết Darwin chỉ áp dụng khi nói về sự tiến hóa của một giống loài để đáp ứng những trước những thay đổi của hoàn cảnh sống, ví dụ, con ngựa ở châu Âu, xứ lạnh thì to, còn ở VN, xứ nóng thì nhỏ, chứ không thể giải thích được nguồn gốc của loài ngựa, cũng chẳng giải thích được nguồn gốc của loài người.

Hơn nữa, nếu tìm hiểu lý thuyết của Gödel thì chúng ta có thể rút ra kết luận: “Đức tin và Lý lẽ không phải là kẻ thù của nhau. Thực ra điều ngược lại mới đúng! Cái này nhất thiết cần cái kia để tồn tại. Mọi lý lẽ rốt cuộc đều quay trở lại niềm tin vào một cái gì đó mà bạn không thể chứng minh”.

                                                                 Con lười

D. Thuyết tiến hóa và con người.

Con người cũng tiến hóa, nhưng không theo cách mà thuyết Darwin mô tả. Sống ở xứ lạnh, con người không mọc thêm lông như cầy cáo, bàn chân người không có lớp mỡ dày để có thể đi trên băng tuyết như loài gấu trắng Bắc cực. Thay vào đó, con người tiến hóa về mặt tâm thức. Con người biết làm ra những công cụ sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn, biết dệt vải và xây nhà…v.v. và biết cách tổ chức sự hợp tác giữa người với người ngày càng hoàn thiện hơn, đấy là chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ tự do.

Trong khi đó, nếu áp dụng thuyết tiến hóa của Darwin vào xã hội loải người thì sẽ dẫn trực tiếp tới chế độ quốc xã. Trong kiệt tác, Nguồn gốc của Chế độ toàn trị (The Origins of Totalitarianism), triết gia Hannah Arendt, một nhà phân tích sâu sắc nhất về chủ nghĩa toàn trị, đã chỉ ra rằng thuyết tiến hóa cùa Darwin đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của các chính phủ toàn trị trong thế kỷ 20. Bà viết: “Ẩn chứa bên dưới niềm tin của Đức Quốc Xã vào quy luật chủng tộc như là biểu hiện của quy luật tự nhiên ở con người, là ý tưởng của Darwin về con người là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên nhưng chưa dừng lại với loài người hiện tại. Điều này giống như niềm tin của người Bolshevik về cuộc đấu tranh giai cấp như sự thể hiện của quy luật lịch sử dựa trên khái niệm xã hội của Marx – là sản phẩm sự vận động xã hội trong lịch sử theo quy luật vận động của chính nó”.

Con người còn khác tất cả các loài vật khác ở chỗ: Rụng trứng ẩn. Tất cả các loài động vật có vú, và có thể không chỉ loài có vú, đều rụng trứng hiện. Đấy là tín hiệu thông báo cho con đực biết thời điểm truyền giống tốt nhất. Nhưng con người lại không thế. Vì sao? Vì đàn ông là kẻ mạnh, kẻ nuôi sống gia đình và có tài sản để lại cho con. Hắn ta sẽ không chịu nuôi hay để lại tài sản cho “con tu hú”, vì thế Con Tạo (Creator) mới lừa hắn.

Như đã nói bên trên, Con Tạo còn giúp loài người cân bằng giới tính bằng cách tạo ra tỉ lệ bé trai và bé gái khi được sinh ra, thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sống được sau khi mới sinh

Thêm nữa, quan hệ tình dục của con người trong nhiều thời điểm không phù hợp cho quá trình thụ thai. Điều đó đồng nghĩa với việc tình dục ở loài người hầu như chỉ là thú vui, không phải chỉ để thụ thai, còn với động vật thì tình dục không phải để tiêu khiển mà thường đi kèm với khả năng thụ thai. Tại sao lại như thế? Có thể là do con người tiến hóa về mặt tâm thức, tức là phải làm việc trí não, cho nên cần phải giải trí và khi còn ăn lông ở lỗ thì đây là cách giải trí duy nhất.

Con Tạo còn ban cho con người một đặc điểm mà không loài nào có: Cảm nhận được vẻ đẹp của người khác giới. Nếu tình dục trong các loài chỉ là để truyền giống thì loài người, ngoài thú vui đã nói bên trên, còn có cảm nhận về vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn của người khác giới. Loài vật, cần “giải quyết” là “giải quyết”, chúng không có cái gọi là “luyến ái”:

Ước ao xum họp một nhà/Ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương.

Con đực không bao giờ biết tới sự thăng hoa mà đôi mắt mà đối tác có thể truyền cho mình:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành (nguyên tác: Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc).

Chỉ có con người mới có những tình cảm như thế. Nếu không có cái đó thì sẽ chẳng bao giờ có nàng Elen và câu chuyện thành Troy. Cũng chẳng có U Vương và Đắc Kỉ. Chẳng có Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị… Và lịch sử thế giới chắc chắn là đã khác.

Tóm lại: Thuyết tiến hóa của Darwin không thể áp dụng cho con người và xã hội loài người.

Thêm nữa, Con Tạo còn ban cho con người một cảm nhận mà không loài vật nào có: Cảm nhận đạo đức.

E. Khoa học và đạo đức.

Khoa học không cung cấp được cho ta tiêu chuẩn đạo đức. Thậm chí xã hội phải quy định đạo đức cho nghiên cứu khoa học. Vậy, xin hỏi, đạo đức từ đâu mà ra? Cái gì dẫn dắt nó?

Lương tâm dẫn dắt nó. Mà lương tâm chính là nhận thức được rằng mỗi người đều chỉ là một phần của vũ trụ bao la, là một cái lá cây trên cái cây gọi là Vũ trụ, mỗi cái lá đều cần vươn ra ánh nắng mặt trời, nhưng không được cố tình che chắn, không được cố tình cản trở những chiếc lá khác cùng vươn ra trước ánh nắng. Và người có nhận thức sâu sắc nhất về vấn đề này, Đức Phật, đã đặt ra “Ngũ giới” tức là năm điều mà một người có “đức” bình thường không được làm với đồng loại: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Tuy có những “giới”, tức là những điều không được làm như thế, nhưng những người có đức tin tôn giáo, đã tự coi nhau là “Phật tử” (cùng là con của Đức Phật”) thì họ tuân thủ một cách rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng. Họ không cần phải tu dưỡng hay phấn đấu gì hết. Cũng có thể nói tương tự như thế về 10 Điều Răn dành cho những người “anh em trong Thiên Chúa” của Kitô giáo.

Trong xã hội với nhiều thành viên có đức tin tôn giáo thì thày nhất định sẽ ra thày, trò nhất định sẽ ra trò, không cần những quy định hay cấm đoán về dạy thêm, học thêm.Cảnh sát giao thong trong xã hội đó sẽ biết mình phải đứng ở đâu để cảnh báo hay giúp ngăn chặn tai nạn giao thông chứ không “núp lùm” như hiện nay. Hiện tượng đút lót sẽ giảm hẳn, vì ngay cả chỉ có hai người với nhau thì họ cũng biết rằng: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết”. Tôn giáo là chất kết dính xã hội rất nhẹ nhàng, tưởng như rất lỏng lẻo nhưng lại vô cùng chắc chắn.

Không có tôn giáo thì sẽ cần rất nhiều luật lệ, rất nhiều quy định, thậm chí cả những quy định nhảm nhí như cấm nịnh hót, cấm quà cáp biếu xén cấp trên...v.v. Xin hỏi, cần bao nhiêu cảnh sát để theo dõi tất cả những thứ vô nghĩa này?

Đến đây có thể kết luận: Chủ nghĩa duy vật là sai và có xu hướng làm tan rã xã hội.

F. Không có tôn giáo, con người chỉ còn là súc vật (lời nhà văn Nguyễn Khải).

Sigmud Freud viết trong tác phẩm Tâm lý đám đông và phân thích cái tôi rằng, các Kitô hữu tin là: “Jesus-Christ yêu thương tất cả mọi người như nhau, ý ấy diễn đạt rõ ràng trong câu sau đây: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những anh em ta, dầu là kẻ nhỏ mọn hơn hết, tức là làm cho chính ta vậy”. Ngài là một người anh nhân từ, người đóng vai trò người cha của mọi tín hữu. Mọi yêu cầu đối với các đạo hữu đều phát sinh nhân danh tình yêu này. Giáo hội khác với các tổ chức khác ở tính dân chủ chính vì trước Jesus-Christ mọi người đều bình đẳng, mọi người đều được Ngài yêu thương như nhau”.

“…Mới đây tôi có được đọc một cuốn tiểu thuyết của Anh về đề tài Công giáo nhan đề Đêm đen (When it was dark) do một giám mục địa hạt London giới thiệu. Theo tôi, cuốn tiểu thuyết mô tả rất hay và rất đúng khả năng và những hậu quả của sự tan rã của đám đông tôn giáo. Tác giả tưởng tượng ra một hành động dường như xảy ra trong thời hiện tại: có một âm mưu chống lại Jesus-Christ và những lời rao giảng của Ngài. Những kẻ âm mưu phao tin chúng đã tìm thấy ở Jesusalem một hầm mộ, trong đó có một tấm bia nói rằng một người tên là Arimathie thú nhận là ông ta, vì lòng kính Chúa, đã bí mật lấy trộm xác Ngài sau khi Ngài chết được ba ngày và đem giấu ở cái hầm ấy. Bằng cách đó, những kẻ âm mưu đã làm sụp đổ niềm tin vào sự tái sinh và nguồn gốc thần thánh của Jesus-Christ. Vụ phát hiện khảo cổ học ấy đã làm rung chuyển cả nền văn hóa Âu Châu và hậu quả là tội ác và bạo hành gia tăng đến mức báo động. Tình trạng gia tăng tội ác chỉ chấm dứt khi người ta khám phá ra âm mưu của những kẻ giả mạo”.

Không còn tôn giáo, không còn coi mình và đồng loại chỉ là những chiếc lá trên cái cây có tên là Vũ Trụ, không còn Đức Phật để mình có thể trở thành, không còn Chúa để một ngày nào đó mình có thể trở về đứng dưới chân Người, không còn tâm niệm “ông biết, tôi biết, trời biết, đất biết”, con người trở thành những con vật chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình, chỉ còn biết tranh giành nhau để phục vụ cho “tứ khoái” hay tháp Maslow của bản thân. Những tài sản khổng lồ, không biết tiêu đến mấy trăm đời của những người cộng sản duy vật ở Trung Quốc và Việt Nam cướp giật từ tay những người nông dân nghèo khó là minh chứng cho điều đó.

Các chế độ toàn trị, một mặt, dùng khủng bố để biến mỗi con người thành một hạt cát, một nguyên tử di động, không còn bất cứ mối liên hệ truyền thống nào, làm tan vỡ của mối quan hệ gia đình, tôn giáo, câu lạc bộ và tổ chức xã hội thông thường, nhưng, mặt khác, lại đưa một lãnh tụ được lòng dân lên địa vị của người lãnh đạo toàn trí, toàn năng và yêu thương tất cả mọi người. Lãnh tụ được lòng dân trong chế độ toàn trị là tác nhân gắn kết rất hiệu quả (không bàn đến mục đích của gắn kết này) mà ai cũng biết. Nhưng cái dở của nó là những người kế tục lãnh tụ phần lớn đều là bọn Lú, Nghẹo, Ngọng… và xã hội sẽ rơi vào chu kì tan rã kéo dài, rất khó khôi phục. Đây là hiện tượng mà ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến.

G. Phá hoại tôn giáo – Tội ác trời không dung đất không tha.

Thời khai sáng, thế kỉ XVIII, những người cầm bút phương Tây đã hết sức xiển dương lí tính và khoa học kĩ thuật. Công lao của họ tất nhiên là rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, chừng một hai thế hệ, đời sống của người phương Tây đã thay đổi một cách triệt để và sau đó thành tựu khoa học kĩ thuật đã lan tràn khắp thế giới. Tất cả mọi người đều được lợi. Đây là hiện tượng mà mọi người đều biết.

Cùng với việc xiển dương lí tính, những người cầm bút phương Tây thời kì đó còn lên án tôn giáo một cách quyết liệt, coi đây là một trong những trở ngại trên con đường đưa con người tiến tới tự do và đòi tách nhà thờ ra khỏi nhà nước. Bây giờ nhìn lại, khi thấy những quá lạm mà tôn giáo, các nhà thờ và các dòng tu đã phạm trong quá khứ, chúng ta có thể thông cảm với họ. Nhưng phủ định sạch trơn thì rõ ràng là không nên.

Hai hiện tượng: Đề cao lí trí, coi lí trí là tất cả, cho rằng con người có thể khám phá được chân lí tối hậu, và phủ định tôn giáo đã đưa đến những hệ lụy mà chúng ta đang thấy hôm nay. Chỉ xin đưa ra vài ví dụ. Người ta đã chế tạo được vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng… có thể tiêu diệt toàn bộ (thậm chí mấy lần) các sinh vật trên trái đất. Người ta đã tàn phá môi trường đến mức nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt, đe dọa chính sự cân bằng của tự nhiên, cũng tức là đe dọa chính sự sống của con người. Những sự kiện này cũng quá nhiều, nói không bao giờ hết.

Nhưng kinh khủng nhất là suy đồi đạo đức. Những người có đức tin tôn giáo biết rằng mình chỉ là một cái lá như nhiều cái lá khác trên cái cây gọi là Vũ trụ, họ tự nhận thức được những quy tắc đạo đức, họ tự biết: “không được làm với người khác điều mà mình không muốn người ta làm với mình”. Còn những người sùng đạo thì tự mình tuân thủ những giới luật, những điều răn của tôn giáo, coi đấy là những điều thiêng liêng không thể nào không tuân thủ. Không còn tôn giáo, con người trở thành mất phương hướng, nhiều người hành động không khác gì thú hoang; họ chỉ còn nghĩ tới quyền lợi của bản thân và có thể làm tất cả những việc dù thất đức đến đâu. Không còn tôn giáo, người ta không còn coi mạng người là thiêng liêng nữa. Chắc chắn là mỗi người trong chúng ta đều đã nghe nói tới những vụ giết người rùng rợn hay những vụ giết người lãng nhách, chẳng vì bất cứ lí do gì. Người ta coi rẻ mạng sống của những người thân yêu nhất của mình, đấy là nạo phá thai và bỏ rơi những đứa trẻ do chính mình vừa sinh ra. Thông tin sau đây hẳn sẽ làm nhiều người sửng sốt và đau lòng: Mỗi năm Việt Nam có chừng 1,52 triệu ca nạo, phá thai, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nga, trong khi dân số Việt Nam đứng thứ 13 thế giới. Người viết cho rằng Việt Nam cũng là nước có ít đức tin tôn giáo nhất thế giới, và có mối liên hệ giữa đức tin tôn giáo và hiện tượng nạo phá thai.

Không có đức tin tôn giáo thì tất cả các quan hệ giữ người với người đều phải được luật hóa và phải có cơ quan chuyên trách theo dõi. Xin hỏi cần bao nhiêu điều luật để điều chỉnh quan hệ thày trò, quan hệ giữa bố mẹ và con cái, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới… và bao nhiêu cảnh sát để theo dõi tất cả những thứ này?

Trong khi đó, như đã nói, các chế độ toàn trị dùng khủng bố để biến mỗi con người thành một hạt cát, một nguyên tử di động và để làm như thế, họ đã làm ngược lại thời kì Khai sáng, ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa tự do. Nếu đòi hỏi của Khai sáng và chủ nghĩa tự do là tách nhà thờ/tôn giáo ra khỏi nhà nước thì nhà nước toàn trị lại quản lí/chỉ đạo luôn nhà thờ/tôn giáo bằng cách biến công an hay cán bộ tuyên giáo thành chức sắc tôn giáo hoặc mua chuộc các chức sắc tôn giáo, nhằm phá hoại tôn giáo/nhố nhăng hóa tôn giáo ngay từ bên trong, làm cho mọi người, nhất là giới trẻ, bị mất phương hướng, tưởng tôn giáo cũng chỉ là mấy bức tượng lòe loạt có thể dán tiền lên để cầu tài, cầu lộc. Những thứ gọi là du lịch tâm linh mà người ta đang làm hiện nay chính là biện pháp nhố nhăng hóa tôn giáo hiệu quả nhất. Chế độ toàn trị, bằng cách bịp bợp như thế, có thể kéo dài được thời gian thống trị và ăn cướp của nó, nhưng về lâu dài, xã hội, nhân dân, đất nước sẽ phải trả giá cực kì đắt và hiện nay đang trả giá rồi. Đây là tội ác trời không dung đất không tha.

Người viết cho rằng trong quá trình chuyển đổi dân chủ, bên cạnh việc xây dựng xã hội dân sự thì việc phục hồi đức tin tôn giáo cũng có vai trò quan trọng không kém và có thể còn khó khăn hơn rất nhiều.

PHỤ LỤC 1: Người đức hạnh và lũ lưu manh

Một trong những đặc tính đáng quý nhất của người đức hạnh là không can thiệp và công việc của người khác khi người ta không yêu cầu.

Đức Phật là một người Đại Đức Hạnh, vì có thể tóm tắt quan điểm của Ngài về Phật pháp mà Ngài truyền dạy như sau: “Tôi phát hiện cho quý vị bốn chân lý tối thượng, nếu làm theo thì các vị sẽ bớt khổ, nhưng nếu vì điều đó mà các vị chửi mắng tôi thì lời chửi rủa là quà các vị tặng cho tôi, tôi không nhận, nó vẫn là của quý vị”. Người nhà Trời mới có thể có tấm lòng từ bi hỉ xả đến như thế.

Chúa Jesus chắc chắn cũng là một người Đại Đức Hạnh, vì Ngài chỉ rao giảng về từ bi và lòng yêu thương, nhưng người ta đã đóng đinh câu rút Ngài. Ngài chẳng những không oán trách mà còn nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm”.

Người Đại Đức Hạnh là như thế, làm việc tốt cho người ta, người ta chẳng những không cám ơn mà còn chửi bới, lăng mạ, thậm chí giết mình mà mình vẫn bình thản, thậm chí còn xin tha thứ cho họ. Người nhà Trời mới được như thế, những kẻ hữu sinh hữu tử như chúng ta chỉ cần giúp đỡ và không “dí mũi” vào công việc của người khác cũng có thể được coi là đạo đức rồi.

Nhưng có bọn người không hành xử như thế.

Tài liệu sưu tầm "Bọn NVGP trước toà án dư luận"

Họ cướp chính quyền để xây dựng xã hội tương lai theo ý mình và muốn xây dựng xã hội tương lai theo ý mình, trước hết, cần có những con người theo khuôn mẫu của họ.

Năm 1945, bố mẹ tôi đều là những người 40, 50 tuổi, nghĩa là đã thuộc loại người “nhân bất hoặc” hay “tri thiên mệnh” rồi. Họ và những người hàng xóm của họ đều là những người nông dân ít chữ, chẳng quan tâm gì tới chính quyền, bọn nào giữ hay cướp thì cũng vậy. Họ là những người có đời sống rất bình thường: Sinh ra, lớn lên, kiếm sống, sinh vài ba hoặc năm sáu đứa con…rồi muốn được chết giữa vòng vây của con cháu. Đơn giản thế thôi. Thế rồi, đột nhiên có bọn chẳng biết từ đâu tới bảo: “Chúng tôi phải giáo dục, cải tạo các vị thành con người…”.

Đấy có phải là bọn lưu manh không?

Lại còn các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Khôi…tuổi đã cao, chữ nghĩa mấy bồ mà bị bọn miệng còn hơi sữa, cao lắm là có bằng tú tài, lên mặt dạy về con người… con khỉ con tười gì… của chúng thì ai mà chịu nổi?

Lại còn những người như Tô Hoài, Hoài Thanh… là những người phải từ bỏ, phủ nhận những đứa con tinh thần của mình. Hai ông này và nhiều ông khác nữa viết sách, người nào muốn xuất bản thì trả tiền nhuận bút cho họ, người nào thích đọc thì mua, mắc mớ gì tới “bố con thằng nào” mà lại cấm đoán, mà phải phải kiểm điểm?

Lại còn những người chỉ vì làm văn, làm thơ không theo định hướng, thậm chí chỉ mang theo mình tập thơ không theo định hướng mà phải đi tù. Và những người, ví dụ, ông Bùi Ngọc Tấn, đi tù chẳng vì lí do gì.

Lưu manh, đúng không?

Người viết cho rằng bác bỏ một giáo lí, một học thuyết từ quan điểm đạo đức là bác bỏ quyết liệt nhất, triệt để nhất, không cần mất thì giờ chứng minh rằng giáo lí ấy hay học thuyết ấy là phi khoa học hay không hiệu quả.

DÙ CÓ KHOA HỌC HAY HIỆU QUẢ TỚI MỨC NÀO, MÀ VÔ ĐẠO ĐỨC THÌ CŨNG VỨT!

Có thể viết thêm: Cứ tuyên truyền, cứ xiển dương giáo lí, học thuyết mà mình yêu thích (bằng tiền túi của mình hay của những đồng đảng, đồng đạo với mình) và để cho dân chúng tự lựa chọn. Đấy là đạo đức, đấy là văn minh.