Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (632): Hoàng Ngọc Biên (kỳ 5)

ĐÊM NGỦ Ở TỈNH

Một đoạn giữa mùa hè

Những đêm trăng sáng như thế, anh đã kể cho em nghe những gì, và những chuyện đó theo thời gian còn ở lại trong em những gì, điều đó làm sao em biết được,

nhưng cứ mỗi lần xa anh, chẳng hạn vào một buổi sáng hồi năm ngoái — một buổi sáng trời nắng cũng như bao nhiêu buổi sáng trời nắng khác của những ngày đầu tháng năm —

khi ở phòng bên cạnh phía trên đầu giường chúng ta, và xa hơn nữa, ở phòng sau, mọi vật đều yên tĩnh: những chiếc giường, những đình màn, những cánh cửa tủ, cánh cửa đi vào phòng tắm (và luôn cả tiếng nước chảy ào ào từ sau cánh cửa đó), những thứ dường như xưa nay vẫn được độc quyền hoạt động một cách rộn ràng ồ ạt vào ban đêm

cùng với ngọn đèn vàng treo lủng lẳng trên trần nhà,

cùng với chiếc máy thâu thanh hiệu PHILCO đặt trên cái tủ nhỏ kê đầu giường ba,

và cùng với những tiếng hò hét đùa nghịch của mấy đứa em nhỏ trong nhà,

những thứ dường như xưa nay vẫn được độc quyền hoạt động một cách rộn ràng ồ ạt vào ban đêm đó giờ đây nằm im lìm bất động, ngoan ngoãn đến nỗi ngồi một mình trong phòng này, em gấp cuốn sách lại, tựa lưng vào thành ghế và nhắm mắt cũng có thể hình dung được dễ dàng cái vẻ thanh bình đến lạnh lùng của nó,

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi từ cửa sổ cửa lớn nhìn ra bãi cỏ trong cư xá ánh nắng dọi xiên vào chiếc bàn mà em đã đặt tên là ABCD đó, rồi đi thẳng vào chiếc tủ kính nhỏ (mà anh đã lấy hết hai ngăn để đựng sách), vào cái giá áo trên đó đang móc la liệt những bộ đồ mà em đã cẩn thận đem ra ủi từ sáng sớm khi đưa anh ra ngõ rồi trở về phòng và không tài nào ngủ lại được, vào chân giường bên trái — phía anh nằm,

khi ánh nắng dọi xiên vào phòng và để lại dưới mỗi chỗ một ít màu vàng nhạt với những đường sọc xám là bóng những song cửa sổ xen với bóng lá cây, khi cũng từ cửa sổ cửa lớn nhìn ra bãi cỏ trong cư xá, theo với một vài ngọn gió mai hiền hoà thỉnh thoảng lùa vào, em nghe lanh lảnh tiếng rao hàng của những chị bán quà sáng, tiếng ồ ồ lơ lớ giọng quảng đông của những chú ba tàu,

khi mà trong nhà mọi vật đều yên tĩnh, trừ tiếng tích tắc rõ ràng, đều đặn của chiếc đồng hồ nhỏ hiệu EUROPA để trong tủ kính sau chiếc ghế kê ở ngay góc A của cái bàn ván ép Thụy sĩ và tiếng nhỏ giọt cũng rõ ràng, cũng đều đặn nhưng hình như chậm hơn của cái vòi nước trong bồn rửa mặt — mà có lẽ ai đã quên không khoá kỹ — tiếng nhỏ giọt đó phát ra từ sau cánh cửa phòng tắm, đi ngang qua những chiếc giường, những tủ áo, những đình màn, qua khỏi cánh cửa phòng chúng ta và đến tận chỗ em đang ngồi đọc —

khi mà em đã mỏi mắt, bỏ cuốn sách xuống bàn, hay có thể là một chiếc áo đan dở, một đồ vải đang may, một chiếc khăn tay đang thêu hay một tờ tạp chí mà anh hay bất cứ ai trong gia đình cũng có thể đoán được là em đang tìm đọc những bài nói về bệnh đau gan,

khi đó những chuyện mà anh thường kể cho em nghe nó bắt đầu sống lại trong em một cách rộn ràng, đầy dẫy, nhiều đến nỗi em không tài nào sắp xếp hay kiểm điểm kịp —

những lần xa anh và những chuyện kia dồn dập trở lại sống trong em, tự nhiên em thấy như có một cái gì nhói lên ở đây, ở chỗ thường ngày anh vẫn nâng niu trìu mến này, và lúc đó anh có biết em sẽ làm gì không?

và riêng cái buổi sáng trời nắng vào một ngày đầu tháng năm hồi năm ngoái đó anh có biết em đã làm gì, đã nghĩ gì không?

lúc đó em chống hai tay lên mặt bàn để đứng dậy, duỗi thẳng hai cánh tay ra vươn vai cho đỡ mỏi, nhưng hình như động tác kia quá nhẹ nhàng, quá mềm dẻo, không đủ sức đẩy ra hết được cái mệt mỏi đang làm tê liệt cả tay chân, em vung mạnh cánh tay phải, rồi cánh tay trái, và hai tiếng kêu cắc cắc ở khớp xương nơi cùi chỏ mặc dù chưa giải hết được cái mệt mỏi đó nhưng cũng đã làm cho em rất bằng lòng,

vì sau đó em chậm rãi đi vào phòng tắm, đưa tay trái khoá kỹ vòi nước ở bồn rửa mặt lại: em vặn cái nút khoá qua tay phải một cách dễ dàng, một vòng, rồi hai vòng, nhưng hễ bỏ tay ra là nó như muốn trở về lại phía trái, trong lúc đó nước trong vòi lại chảy ra nhiều hơn — em không còn nghe tiếng tí tách rõ ràng và đều đặn như ban nãy nữa — tự nhiên em đưa mắt nhìn bóng mình trong tấm kính treo trước bồn rửa mặt, rất mau, rồi em lại tiếp tục: một lần, rồi hai lần, bực mình quá, em đưa cả hai tay đè lên cái nút khoá vặn thật chặt, đồng thời lần lần nhích nó qua phía tay phải, nghĩ rằng nhất định lần này phải thắng nó, nhưng không, em bỏ tay ra là nó vẫn lại nhích qua phía trái một tí, rồi nước vẫn lại chảy ra nhiều hơn, nhiều hơn nữa,

lần này thì em chịu thua nó — và em cũng đã biết nó muốn gì rồi: em bèn đưa tay trái vặn nhẹ, rất nhẹ vào cái nút khoá qua tay phải, một vòng, hai vòng, ba vòng, rồi em thử bỏ tay ra, nước vẫn còn chảy, em phải bắt đầu lại, một vòng, hai vòng, rồi nhiều vòng: lúc bỏ tay ra em thấy từ cái vòi nước bằng đồng mạ kền bóng loáng nhỏ ra từng giọt, từng giọt —

(em mới biết rằng cái nút khoá ở vòi nước từ mấy tuần nay bị mòn ở chỗ trục có răng cưa đã lên một màu xanh rỉ đồng phía trong, đến nay trong nhà vẫn chưa có ai đem thay)

em nghĩ:

ngày mai phải nhớ bảo anh đem thay mới được, và trở về phòng, trước khi đi ra không quên bởi thói quen đưa tay nắm vào đầu sợi dây xích treo lủng lẳng ở góc phòng gần cửa sổ — cánh cửa sổ nhỏ xây thật cao nhìn ra nhà bếp — rồi giật mạnh,

(chỗ tay nắm bằng sành ở đầu dưới sợi dây đã bị bể vì sau những lần giật nước ta thường hay thả cho nó đập vào rồi lại dội ra nhiều lần trên góc tường)

thùng chứa nước được làm bằng gang, nghĩa là bằng một hỗn hợp sắt và carbone mà em còn nhớ trong một bài hoá học người ta cũng gọi là một hợp chất vật lý vì trong đó sắt và carbone chỉ đứng bên nhau, trái với hợp chất hoá học trong đó các nguyên tử (hay phân tử?) dính liền và tác dụng với nhau,

vì nó được làm bằng một hỗn hợp sắt và carbone, và cũng có lẽ vì phân lượng carbone nhiều hơn nên khi em buông tay, tiếng kêu phát ra nghe thật dòn, thật khô khan, cùng với tiếng kêu khô khan đó là tiếng nước dội xuống cầu tiêu máy — ban đầu còn chảy một cách yếu ớt, nhưng liền sau đó nó đổ xuống ào ào, dữ dội, nghe như tiếng nước bắn mạnh vào xe hơi đem rửa ở các trạm xăng trong đô thành,

bấy giờ em mới trở về phòng, trong lúc những chuyện cũ từ đời nào vẫn còn dồn dập rộn ràng trong em và những tiếng nước nhỏ giọt vẫn tí tách đều đặn, rõ ràng, phát ra từ sau cánh cửa phòng tắm —

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi em nghĩ:

có lẽ giờ nầy anh đang ngồi trên xe đò, có lẽ anh đã chọn một chỗ phía trên, gần đầu máy để được đỡ lạnh — và em giật mình: hồi sáng nay em quên nhắc anh đem áo lạnh theo, không biết anh có nhớ đem theo hay không — một chỗ ở ngoài bìa mặt để dễ xuống xe, và cũng rất có thể anh đã chọn một chỗ gồm đủ cả hai yếu tố trên cộng thêm với yếu tố thứ ba: ngồi cạnh một người tương đối sạch sẽ (anh vẫn bảo: ít nhất là về phương diện thể xác), hay nếu có thể tốt hơn, ngồi cạnh một cô gái đẹp — không phải để bắt chuyện mà để có được cái cảm giác sung sướng, vì em nghĩ anh ít khi thích nói chuyện với người lạ trên xe, dù người đó là một cô gái đẹp —

lúc mới bước lên xe, trời hãy còn tối, lúc chân trái anh đã để lên trên bàn đạp ở cửa xe, còn chân phải anh hãy còn hơi nhón gót ở dưới đất để lấy đà bước lên, lúc đó em chắc thế nào anh cũng đưa mắt nhìn một thoáng rất mau vào chỗ ngồi của mình để xem nó có được sạch sẽ hay không, và lúc đã tìm được một sự an toàn tương đối cho chiếc quần màu xám của anh rồi, anh sẽ ngồi xuống, có lẽ anh sẽ để những cuốn sách giáo khoa, những tập bài làm, và cuốn tiểu thuyết đang đọc dở lên đùi, cẩn thận đưa tay kéo cánh cửa xuống để chắn gió, rồi tựa mình vào thành ghế,

anh sẽ thản nhiên tiếp tục giấc ngủ đã bị gián đoạn bởi chiếc đồng hồ báo thức hiệu EUROPA để trên đầu nằm chúng ta, ngay giữa hai cái gối màu hồng nhạt giống nhau — trên mỗi mặt gối đều có thêu bằng chỉ trắng hai chữ đầu HB (hay BH?) và một cánh hoa hồng —

(thường ngày anh rất khó ngủ, nhưng em thấy hễ cứ lên xe vào sáng sớm, lúc trời còn tối mù, thế nào anh cũng ngã người ra phía sau ngủ gà gật ít nhất là 15 hay 20 phút)

bởi chiếc đồng hồ mà tối hôm qua em đã cẩn thận vặn cho kim dùng để báo thức nằm chính giữa số 5 và số 6, để khi thức dậy anh sẽ thấy kim dài kim ngắn chỉ đúng 5 giờ 30 phút (không còn lý do gì để nằm nán lại nữa), bởi chiếc đồng hồ mà có lẽ lúc chuông rung lên anh sẽ nghe trước em, nhưng chắc chắn anh không vội vàng đưa tay trong bóng tối chụp chụp lên phía đầu giường để tìm nó như em — vì trong lúc ngủ có thể chúng ta (anh và em) đã lăn mình qua bên trái, bên phải, một cách không đều đặn, nên đã lạc mất chiều hướng và lạc mất luôn cả vị trí đồng hồ —

bởi chiếc đồng hồ mà khó khăn lắm em mới bấm được cái nút phía sau để làm ngưng tiếng chuông,

bởi chiếc đồng hồ báo thức đó, có lẽ sau những cái dụi mắt, duỗi tay, duỗi chân,

(lúc đó ở hai bên mép, môi anh hạ thấp xuống như muốn cho luôn cả cái miệng làm vài động tác không mục đích để tập dần cho nó quen với những động tác sắp phải làm trong ngày, cũng như việc dụi mắt, duỗi tay, duỗi chân, đều là những động tác bắt đầu có tính cách tập luyện, có mục đích đối với những động tác sắp phải làm trong ngày, nhưng tự nó thì như không có mục đích gì cả)

có lẽ sau khi đã quen với ánh sáng của cây đèn để trên tủ, ở đầu giường mà em đã phải hơi chồm qua người anh để vén màn đưa tay mặt ra bật lên, có lẽ sau những động tác đã được anh làm một cách máy móc và không bao giờ thiếu sót kia, cùng với một cử chỉ âu yếm nào đó cho em,

sau cùng anh sẽ ngồi dậy, vén màn và rất tỉnh táo đặt chân xuống đất cũng như anh đã rất tỉnh táo khi bước chân lên xe,

anh sẽ thản nhiên tiếp tục giấc ngủ đó trong 15 hay 20 phút, như mọi lần, nhưng đến một ngã sáu hay ngã bảy, có thể lúc đó ba hay bốn ống đèn néon màu trắng đục ở một bồn binh tủa ra ba hay bốn phía, có thể hai ngọn đèn pha vàng tươi của chiếc xe vận tải đi ngược chiều choá ngay vào mặt anh, có thể tiếng còi xe mà một ngưởi tài xế nào đó đã vô ý cho kêu lên quá sớm, hay tiếng la hét của người đạp xe ba bánh nóng tính từ trong ngõ tối quẹo ra,

đến một ngã sáu hay ngã bảy nào đó, có thể những thứ đó sẽ vô tình hợp lại để đánh thức anh dậy trong một hay hai phút, đủ thì giờ để liếc một cái thật nhanh qua phía trái, chỗ cô gái ngồi, kiểm điểm lại xem mình có quá vội vàng cẩu thả trong việc lựa chọn chỗ ngồi hay không — và khi anh thấy đó là một cô gái cỡ trung bình hay dưới trung bình, chắc hẳn anh sẽ tự ý hạn chế những cái liếc nhìn thường ngày rất linh hoạt khi ngồi gần một cô gái đẹp,

nhưng dù những ánh đèn có sáng chói, dù tiếng chuông nhà thờ có vội vã, dù tiếng còi xe có hốt hoảng quá sớm, hay tiếng la hét kia có inh ỏi bực tức, và dù cho cô gái ngồi bên trái anh có đẹp đến mấy chăng nữa, anh cũng lại đặt hai tay lên những cuốn sách giáo khoa, những tập bài làm, cuốn tiểu thuyết đọc dở để lại thản nhiên tiếp tục ngủ,

và có lẽ anh sẽ giật mình tỉnh dậy khi người tài xế vội vàng đưa chân phải đạp thắng thật gấp ở chỗ dốc lên cầu, ở một bến xe lúc ghé lại cho hành khách lên xuống, hay ở một ngã ba ngã tư lúc có một em bé cắp sách chạy băng qua đường, hoặc lúc đến một trạm kiểm soát mà (qua khỏi những thùng dầu đầy đất sắp la liệt trên lộ) người tài xế đã định cho xe chạy thẳng luôn nhưng lại phải ngừng lại vì thấy hai tay của người cảnh sát hoạt động — tay trái cầm còi đưa lên miệng, và tay phải hạ thật thấp xuống vẫy vẫy —

chỉ những lúc giật mình như vậy mà do bản năng tự vệ anh thường đưa hai tay chống vào thành ghế phía trước, hoặc vào thành xe trước tấm kính chắn gió mà ở mặt ngoài anh thấy chảy dài về hai bên trái và bên phải — phía anh ngồi — những hạt sương mai còn đọng lại từ đêm qua, và ở mặt trong còn trắng đục một lớp hơi sương, trừ phía bên trái, trước chỗ người tài xế ngồi — mà anh ta đã lấy một miếng dẻ lớn đen những vết dầu nhớt để lau rất kỹ, rồi nhét nó vào tấm sắt che nắng,

chỉ ở những chỗ mà người tài xế phải thắng gấp như vậy anh mới thật sự tỉnh giấc, và chỉ lúc đó anh mới thấy hơi ngượng với mọi người, đặc biệt là với cô gái ngồi phía trái, khi không có em đi cùng, vì em nhớ những lần đi có em, sau giấc ngủ ngắn ngủi đó, khi giật mình tỉnh hẳn, anh nhìn qua phía em, có vẻ ngây thơ, như muốn nói,

anh xin lỗi em

nhưng anh chẳng nói gì cả vì sau đó, sau một phút hơi ngượng ngùng đó, anh bắt đầu lấy cuốn tiểu thuyết lên lật lật, tìm ở chỗ trang mà tối hôm qua anh đã nhớ để một tấm hình nào đó để đánh dấu,

thỉnh thoảng thấy chóng mặt anh sẽ xếp cuốn sách lại và nhìn ra xa một lát rồi lại tiếp tục, hay đôi khi cũng có thể anh ngừng đọc, đưa tay lên dụi mắt — khi đó anh sẽ nghĩ: ngồi phía sau tuy xe hơi dằn một tí nhưng đôi khi cũng còn hơn, ngồi phía trước bao nhiêu bụi từ đàng sau đều cuốn hết đến và hất lên mặt lên áo quần, thật là phiền — và anh sẽ tự an ủi bằng một ý nghĩ triết lý rất rẻ tiền: thật ra ở đời này có gì được hoàn toàn đâu?

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi em nghĩ:

có lẽ lúc xuống xe đi vào trường, anh sẽ đứng nhìn ngay vào mặt người đàn ông lớn tuổi ngồi sau lưng anh một lát, người đàn ông không hiểu vô tình hay cố ý, suốt cả đoạn đường thỉnh thoảng lại cứ để hai đầu ngón tay vừa khô vừa cứng đụng vào cổ anh, anh chỉ nhìn ngay mặt ông ta một lát thôi rồi lại bước đi vì nghĩ rằng bao nhiêu đó cũng đủ để diễn tả cho ông ta hiểu nỗi bực dọc của anh, mà cũng có thể vì biết rằng chiếc xe đò đã bắt đầu chuyển bánh,

anh sẽ dừng lại đưa tay xốc xốc hai ống quần tây lên một tí vì chiếc thắt lưng vào buổi mai hơi rộng, rồi tiếp tục đi, bàn tay phải cầm những tập sách theo kiểu học trò, còn bàn tay trái sau khi xốc hai bên quần lên thì vội đưa bốn ngón nhỏ — ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út — luồn vào tóc vuốt vuốt qua phía mặt,

có lẽ vào phòng giáo sư để đợi giờ lên lớp anh sẽ theo thói quen rót một tách nước trà nóng ra để trên bàn trước chỗ ngồi, thổi phì phà cho mau nguội rồi nhắp nhắp từng ngụm nhỏ, có lẽ ngay lúc đó, anh sẽ sực nhớ buổi sáng ra đi chưa có ăn uống gì, nên anh chỉ nhắp nhắp một hai lần (dường như việc uống nước trà kia chỉ là một thói quen có tính cách bắt buộc và cũng không có mục đích gì) rồi đặt cái tách xuống vì sợ buổi mai bụng đói mà uống nước trà nhiều vào nó sẽ cào ruột — như em vẫn nói: chịu không nổi đâu —

cùng với một vài bạn đồng nghiệp anh sẽ đi lên lớp, qua dãy hành lang dưới nhà, tay phải anh vẫn cầm những tập sách theo kiểu học trò, tay trái anh đưa lên ngang đầu để che nắng, hay làm như để che nắng, vì ở giữa đám đông các học sinh trong trường, nhất là đối với học sinh các lớp anh không dạy, có một tay để không như vậy anh cảm thấy rất ngượng nghịu, rất khó chịu, cũng như các cô nữ sinh đến trường, tay phải cầm cặp da thì tay trái cũng phải làm một việc gì, chẳng hạn đưa lên làm như để giữ cho chiếc nón khỏi bay, hoặc vân vê tà áo phía trước, cũng như các cô ca sĩ ra trình diễn trước đám đông, tay phải thường cầm một chiếc khăn vuông trắng thì tay trái hoặc đưa lên cầm máy vi âm hoặc cũng vân vê tà áo như các cô nữ sinh — họ làm như vậy vừa được đỡ ngượng nghịu lại vừa được có thêm cái vẻ ngây thơ trong trắng nữa —

cùng với một vài bạn đồng nghiệp đó anh sẽ đi lên thang gác, có lẽ anh sẽ đi trước họ vì xưa nay anh vẫn thường hay bước vội vàng bất cứ trong trường hợp nào, anh sẽ ngoái cổ lại nhìn họ đang bước lên phía sau,

qua dãy hành lang dưới nhà, bước lên thang gác, rồi đi dài theo dãy hành lang trên lầu, có lẽ các anh, nhất là anh, sẽ nói chuyện nhiều, sẽ than phiền về tình trạng vô kỷ luật đang rất được thịnh hành trong các trường trung học, đặc biệt là trường các anh, các anh sẽ bàn đến thái độ quá rụt rè và chính sách quá mềm dẻo của ban giám đốc, hay đôi khi các anh cùng cười rộ lên về một câu nói xấc xược nhưng ngộ nghĩnh của một đứa học trò nào đó,

(dĩ nhiên có anh muốn giữ ý với lũ học trò đang đứng nghênh ngang giữa lối đi sẽ chỉ hơi nhếch mép thôi để tỏ ra mình không phải là không thấu hiểu, không hưởng ứng câu chuyện)

nhưng qua dãy hành lang trên lầu, cũng có thể các anh chỉ lầm lì bước đi, vì nghĩ rằng sắp tới lớp của mình, cần giữ một bộ mặt lạnh lùng nghiêm nghị, không nhìn xuống sân dưới để trông thấy ông Tổng Giám Thị đang đứng quan sát tượng trưng các học sinh đi vào lớp một cách rất hỗn độn rất ồn ào,

qua các lớp đang hỗn độn ồn ào đó, qua các lớp học mà lúc nhìn vào anh sẽ thấy trên mặt tường trên bảng đen rải rác những câu những chữ tục tằn, những hình người thô lỗ hoặc những hình vẽ vạn vật địa dư bằng phấn màu của giờ học trước còn để lại, qua các lớp học mà lúc nhìn vào có thể anh sẽ thấy học sinh đang chăm chỉ làm bài, và nhìn lại bảng đen, anh sẽ đọc

Toán học là môn khoa học người

ta không thể biết được mình nói

về cái gì. Anh (hay chị) hãy bình

gi nói trên đây của B. Russell.

(chỗ trống ở trên là những chữ có lẽ vì nằm tuốt trong xa, gần cánh cửa sổ ngay ghế giáo sư ngồi, đang bị nắng chiếu vào nên đứng xiên góc có thể anh sẽ không đọc được — những chữ thiếu sót kia, hay nói cho đúng hơn, những chữ mà anh đã không đọc được kia có thể là bình giảng câu nói hay bình giảng lời nói, cũng có thể là bình giải câu nói hay bình giải lời nói — anh nghĩ như vậy và sẽ ngẩn ngơ một lát trong việc tìm kiếm vô ích đó, nhưng anh vẫn sẽ tiếp tục đi)

qua các lớp học đó anh sẽ đến trước lớp của anh, và ngay cái tích tắc đầu tiên của đồng hồ khi một chân anh đã bước qua khỏi ngưỡng cửa, còn chân kia hãy còn để ngoài lớp, đột nhiên anh sẽ nghe lớp mình im hẳn: các học sinh đều đứng dậy,

không như các giáo sư khác thường nhìn khắp lớp, bên phải, từ bàn trên xuống bàn dưới, rồi bên trái, cũng từ bàn trên xuống bàn dưới (như đang muốn tìm kiếm một cái gì) rồi trịnh trọng đưa tay về phía trước từ từ hạ thấp xuống ra dấu cho phép học sinh ngồi, không như họ, anh sẽ vội vàng đưa tay vẫy một cái thật mau, thật dứt khoát rồi chính anh sẽ ngồi xuống trước tiên,

lúc đó, cũng như mọi lần, thay vì lấy sổ hiện diện để điểm danh, anh chỉ hỏi em trưởng lớp xem có những ai vắng mặt rồi kiểm điểm lại với sĩ số xem có đúng hay không — những khi thấy mệt hay hơi lười, anh lại cho rằng phải tin tưởng ở em trưởng lớp đó và trong trường hợp nầy anh không còn thấy công việc kiểm điểm kia là cần thiết nữa —

anh sẽ lấy cuốn sách giáo khoa bìa xanh để ngay trước chỗ ngồi, lật ra ở một trang nào đó, anh sẽ đọc ngay cái tựa bài và số trang, chẳng hạn

souvenirs d’une étudiante parisienne, page cent vingt-neuf,

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi em nghĩ:

nếu anh đang bị mệt hoặc vì chuyến xe sáng với đoạn đường dài 47 cây số ngàn, hoặc vì đêm hôm qua đi xem chiếu bóng với em về khuya quá, có thể anh sẽ cho học trò chép một bài văn phạm, chẳng hạn về cách dùng các thì và cách trong động từ, cách dùng các đại danh từ sở hữu, trong lúc đó, anh sẽ lấy cuốn tiểu thuyết lên lật lật, tìm ở chỗ trang mà hồi sáng nay lúc ngồi trên xe đò anh đã nhớ để vào một tấm hình nào đó để đánh dấu, thỉnh thoảng anh sẽ liếc nhìn lên bảng đen xem em học trò chép bảng có viết sai chữ nào không, vì vậy lũ học trò ngồi trước mặt anh đang vừa chép bài vừa lơ đãng, nhìn anh đọc tiểu thuyết có thể sẽ giật mình nghe anh nói

engagée có e muet, hay terrassiers có 2 r

(nhưng chắc chắn chúng không thể giật mình hơn khi, giữa giờ học, nghe những tiếng đại bác ở đồn lính bên cạnh bắn ra ngoại thành — chắc là để yểm trợ cho một cuộc hành quân hay cho một đoàn xe nhà binh nào đó)

trong lúc anh đang đọc tiểu thuyết có lẽ ở lớp bên cạnh ngay sau lưng anh, một bạn đồng nghiệp nào đó của anh đang cầm một viên phấn trắng, đang vẽ một vòng tròn tâm O có đường kính AB nằm trong mặt phẳng (P) và một vòng tròn khác có tâm O’ nằm trên vòng tròn O, nói

trên đường OO’ có định chiều từ O đến O’, ta lấy một điểm A với OA = x và nếu lúc đó anh ngừng đọc, đứng dậy đi lui đi tới trong phòng, bàn tay phải cầm cuốn tiểu thuyết mà lúc xô ghế đứng lên để bước xuống bục gỗ anh đã cẩn thận để ngón tay trỏ vào trang sách vừa đọc đến, và bàn tay trái anh cho ra đàng sau nắm cổ tay phải, hai tay chắp sau lưng như vậy anh rảo bước quanh phòng, bên phải, từ bàn trên xuống bàn dưới, rồi bên trái, cũng từ bàn trên xuống bàn dưới (lối đi ở giữa hai dãy ghế học sinh ngồi có lẽ anh sẽ để dành cho lúc giảng bài vì lúc đó anh thường đi lên đi xuống ít nhất là bảy tám bận)

nhưng ở góc dưới phòng phía trái, chỗ có một cành cây vú sữa vắt ngang qua cửa sổ cắt nền trời trắng xanh hiện ra trên khung cửa thành bốn năm sáu phần không đều nhau, có lẽ anh sẽ chợt nghe một tiếng chim hót, anh sẽ hơi giật mình một tí — vì tiếng chim nghe rất gần — rồi thích thú chống hai tay lên thành cửa để nhìn quanh trong lùm cây tìm tòi, và giữa những chiếc lá mà mặt trên trông thật xanh tươi còn mặt dưới thì có một lớp nhung trắng làm bạc màu, giữa những trái vú sữa bóng loáng no tròn treo lủng lẳng khắp các cành cây, đôi mắt anh sẽ đảo qua đảo lại nhiều lần,

giữa những chiếc lá và những trái vú sữa thỉnh thoảng rung rung theo cơn gió nhẹ buổi mai, có lẽ rốt cuộc anh cũng sẽ tìm thấy được chỗ hai con chim sẻ đang đậu, anh sẽ nhìn cái thân hình tròn trĩnh nhỏ bé của chúng, anh sẽ nhìn hai cặp chân như đang cố bấu víu vào một cành nhỏ đâm bổ về phía cửa sổ, nhưng chắc chắn đặc biệt anh sẽ nhìn kỹ hơn hai đôi mắt sáng trong, long lanh như hai hạt ngọc — không, bốn hạt ngọc — được gắn vào hai cái đầu cũng tròn trĩnh cũng bé nhỏ đang nghiêng nghiêng về một phía hình như để nhìn anh, và có lẽ lúc đó anh cũng sẽ nghe từ cửa sổ của lớp học bên kia — phía trước mặt chỗ ngồi của anh, nghĩa là sau lưng học trò — tiếng của một bạn đồng nghiệp khác

sau cuộc binh biến tháng bảy 1885 tại Huế, vua Hàm-Nghi lãnh đạo phong trào chống Pháp, em hãy cho biết phong trào này gọi là gì

nếu lúc đó anh ngừng đọc, đứng dậy đi bách bộ trong phòng, qua hai dãy ghế học sinh đang cố gắng giữ một dáng điệu chăm chỉ trong lúc chép bài, và nếu anh cũng ghé mắt như mọi lần vào những bài chép của chúng, anh sẽ thấy nhan nhản những lỗi chính tả, những lỗi vì vô ý, vì không biết hợp giống đực giống cái số ít số nhiều, đủ loại lỗi, và nếu anh cũng sẽ nói lớn một câu hăm doạ như mọi lần, đưa ra những trừng phạt đích đáng nặng nề sẽ được áp dụng cho những trò nào chép sai, nghĩa là không giống trên bảng đen —

trong lúc anh đang ghé mắt nhìn vào những tập vở của học trò anh, trong lúc có một số trong bọn đã cẩn thận dừng tay viết để bắt đầu dò lại bài xem mình chép có sai hay thiếu sót chỗ nào hay không, trong lúc một số khác vẫn chăm chỉ cúi sát ngực xuống bàn say sưa viết, không còn nghe hay để ý đến tiếng cười nhộn vừa mới bất chợt nổ vang lên từ lớp bên (có lẽ vì một câu nói có tính cách khôi hài của giáo sư, hoặc một câu trả lời ngớ ngẩn của một học sinh không thuộc bài) hay tiếng chim hót líu lo ngoài cửa sổ, hay gần hơn, cần thiết hơn là lời hăm doạ của anh,

trong lúc anh đang tiếp tục ghé mắt nhìn vào những tập vở của học trò anh, các nhân viên trong văn phòng ở tầng dưới ngay lớp anh có lẽ người thì bỏ bút xuống chống hai tay lên bàn, người thì vặn vặn chiếc máy đánh chữ để tháo ra bảng lương tháng năm vừa đánh xong sắp đưa cho giáo sư ký tên, người thì gấp cuốn sổ công văn lại, hay cũng có người lấy một cái kim để ghim những tờ giấy quay ronéo đang để la liệt trên bàn lại, rồi cho hết vào hộc tủ,

trong lúc ở tầng dưới ngay lớp học anh, các nhân viên trong văn phòng có lẽ đang đồng lòng ngừng việc nghỉ xả hơi, cũng như mọi buổi sáng khác, nếu ai ai cũng hiểu rằng nghỉ xả hơi có nghĩa là nói chuyện về người khác,

clip_image002

có thể họ sẽ bàn đến tinh thần công văn này hay nghị định kia, cũng có thể họ bàn đến những việc đã xẩy ra ở đô thành, ở tỉnh nhà, và ngay ở trong trường, kèm theo dự đoán những việc sắp xẩy ra ở những nơi đó, và vì thế cũng rất có thể họ sẽ đi xa hơn, bàn đến đời tư của một vài giáo sư trong đó có anh, giải quyết với nhau những vấn đề riêng tư của người khác không liên quan gì đến họ, chắc chắn họ sẽ nhắc đến những cuộc sát phạt thân mật kín đáo chung quanh một bộ bài tây, những cuộc sát phạt rất thường xuyên rất đều đặn mà chính họ cũng thỉnh thoảng có dự vào, họ sẽ bàn đến tính tình của các anh nhờ những nhận xét đã thu thập được rất dễ dàng trong các cuộc sát phạt kia, họ sẽ khen, họ sẽ chê, và sau một vài phút nghỉ xả hơi như vậy, trừ trường hợp vì quá say sưa có người cứ thao thao bất tuyệt, cứ nói hết câu chuyện nầy đến câu chuyện khác, như không thể nào tạm thời để dành nó cho chuyến nghỉ xả hơi sắp tới,

sau một vài phút nghỉ xả hơi như vậy, họ sẽ lại tiếp tục công việc trong im lặng, họ sẽ đưa tay cầm bút lên, họ sẽ vặn vặn chiếc máy đánh chữ để cho vào xấp giấy trắng có xen kẽ những tờ carbone vào đánh tiếp tờ thứ hai của bảng lương tháng năm, họ sẽ mở cuốn sổ công văn, họ sẽ đưa mắt tìm tìm trong đống hồ sơ một xấp giấy quay ronéo dày cộm và tháo kim ra để sắp xếp, ghi chép, họ sẽ

họ sẽ

trong lúc những nhân viên trong văn phòng đều tiếp tục làm việc trở lại — hay có người quá say sưa đang kéo dài mấy phút nghỉ xả hơi trong lúc những người khác chỉ hơi gật gật cái đầu hoặc chỉ hơi mỉm cười nhưng vẫn ghi vẫn chép vẫn đánh máy — trong lúc những tiếng cười tiếng nói đó cũng đang thưa thớt dần rồi im hẳn trong căn phòng đầy dẫy những tủ những bàn những ghế những máy đánh chữ máy quay ronéo máy cộng,

(và vào cái buổi sáng trời nắng đó, ở trường anh biết đâu mọi việc cũng sẽ xẩy ra như chúng đã từng xảy ra vào một buổi sáng trời nắng khác mà đã có lần anh kể cho em, nghĩa là

trong lúc người ta chỉ còn nghe đều đều tiếng máy chữ ở góc phòng và thỉnh thoảng tiếng vò hay tiếng xé giấy bên bàn ông phát ngân viên, thì sau lưng ông này, ở phòng bên cạnh, có lẽ ông Giám Học cũng vừa bỏ bút xuống đưa lòng bàn tay phải đặt nhẹ lên tim mình nghe ngóng, lúc đó có lẽ ông ta cũng như anh sẽ đưa tay đẩy cái ghế dựa ra đàng sau để đứng dậy, nhưng thay vì đi bách bộ trong phòng không mục đích thì có lẽ ông ta sẽ đến trước cái tủ cao, với tay lấy lọ thuốc khoẻ — một trong những thứ thuốc mà thường người ta vẫn đọc được trên nhãn hiệu những chữ như CARDIO hay CARDINE — ông ta sẽ qua chỗ góc phòng, trước một cái bàn thấp có để hai chai nước lọc và một cái ly con, hơi cúi mình xuống rót một ít nước vào trong ly tráng cho sạch, đổ chỗ nước đó ra một cái chậu nhỏ bằng thiếc để dưới chân bàn, đưa ly lên cao ra chỗ có ánh sáng xem nó đã thật sạch chưa, lại rót vào một ít nước, rồi lại đưa ly lên cao ra chỗ có ánh sáng, lần này để nhìn xem với 20 giọt thuốc nước mà ông ta sắp nhỏ xuống trong ly thì phân lượng nước đó đã thật vừa đúng chưa, rồi sau khi đã rất cẩn thận đổ hết chỗ thuốc nước vào miệng, ông ta lại rót thêm một ít nước vào ly để tráng lại, rồi cũng rất cẩn thận, ông ta uống hết chỗ nước tráng ly đó,

(những động tác trên đã được ông ta làm một cách gọn gàng cẩn thận nhưng rất tự nhiên rất máy móc, cho ta thấy đó là một công việc thường xuyên, đối với ông nó cũng quan trọng cũng cần thiết cho đời sống hàng ngày như ăn uống ngủ bài tiết)

sau khi đã rất cẩn thận uống đến lần thứ hai như vậy, ông ta đem lọ thuốc khoẻ để lại đúng chỗ cũ, ở trên đầu chiếc tủ cao kê ngay sau lưng ông, rồi mới kéo ghế ngồi tiếp tục làm việc —

nhưng mới ngồi vào bàn, có lẽ tin tưởng rằng 20 giọt thuốc khoẻ sẽ làm cho ông ta khoẻ ngay nên ông ta liền cảm thấy cần nghỉ xả hơi theo kiểu những nhân viên trong văn phòng, ông ta bèn xô ghế đứng dậy lần nữa và đi về phía cửa phòng ông Hiệu Trưởng, gõ nhẹ hai tiếng, không ai trả lời, ông ta lại gõ hai tiếng nữa, lần này mạnh hơn, nhưng vẫn không có ai trả lời, ông ta bèn mở hé cửa, ló đầu nhìn vào: phòng ông Hiệu Trưởng vắng ngắt, im lìm — ở đây không có tiếng máy chữ, không có tiếng cười tiếng nói, ở đây chỉ có sự vắng mặt của ông Hiệu Trưởng và cao hơn chỗ ông Hiệu Trưởng ngồi là sự vắng mặt của bức chân dung một vị lãnh tụ trước đây mấy tháng đã bị gỡ xuống, bây giờ chỉ còn lại một cái đinh nằm trơ trẽn giữa một khung vách tường hình chữ nhật trắng bệch — trước cảnh tượng im lìm hiu quạnh đó ông Giám Học có lẽ buồn quá muốn tìm đến với những nhân viên, nhưng lúc nầy chính là lúc họ vừa mới bắt đầu tiếp tục công việc trở lại nên khi đi qua trước mặt họ để về phòng mình, ông ta chỉ tìm thấy những bộ mặt lạnh lùng nhưng có vẻ hăng say trong công việc)

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi em nghĩ:

ở tầng trên có lẽ trong lúc đi lui đi tới trong phòng, anh sẽ vui chân đi ra khỏi lớp học, theo dãy hành lang của lớp anh, để hít vào một ít không khí trong sạch — nghĩa là không có hơi người — vào lúc đó, không nhìn vào lớp mình anh cũng đoán được những gì có thể đang xẩy ra bên trong, như anh thường nói với em: anh biết và hiểu được ý nghĩa từng thái độ từng cử chỉ từng động tác của từng đứa học trò của anh

(do đó em biết được anh ghét nhất thằng học trò ngồi ở cuối góc phải trông bề ngoài thật cao ráo sạch sẽ nhưng dốt đặc và lại hay nhăn mặt nhíu mày trước những câu hỏi của anh, làm như đang bận rộn suy nghĩ lắm về câu hỏi đó, nhưng anh nghĩ rằng kỳ thực có lẽ nó không hiểu anh muốn hỏi gì nữa)

có lẽ lúc vào lớp trở lại, anh sẽ thoáng thấy một trong những đứa học trò nghịch nhất lớp vừa vội vàng thu cánh tay lại từ hàng ghế phía trước, hay một đứa khác đang cúi người thật thấp sau dãy ghế chạy nhanh về chỗ ngồi mình, hay anh cũng có thể nghe được — ngay cái tích tắc đầu tiên của đồng hồ khi một chân anh đã bước qua khỏi ngưỡng cửa, còn chân kia hãy còn để ngoài lớp — anh cũng có thể nghe được tiếng một khúc phấn nhỏ bằng một phần ba ngón tay út rơi đánh bộp vào bảng đen làm giật mình đứa học trò chép bảng (và chính anh đang bước vào cũng đã phải giật nẩy mình đứng lại một giây)

có thể anh sẽ chỉ chứng kiến đoạn cuối của những biến chuyển rối loạn đó một cách lạnh lùng, không ngạc nhiên, không giận dữ, vì nếu anh biết trước được những gì có thể xảy ra trong lớp khi anh đi bách bộ ngoài hành lang thì anh cũng rất có thể biết trước được những gì sẽ xảy ra khi anh trở vào lớp — học trò sẽ lại ngoan ngoãn chép bài, rất chăm chỉ, rất trật tự, rất im lặng,

và anh, anh trở về chỗ cũ, bước lên bục gỗ kéo ghế ngồi rồi thong thả lấy cuốn tiểu thuyết đang cầm bên tay phải lên lật lật tìm ở chỗ trang sách vừa đọc đến — lúc chống tay lên thành cửa sổ để nhìn quanh trong lùm cây anh đã vô tình rút ngón tay trỏ ra khỏi trang được đánh dấu —

vào cái buổi sáng trời nắng đó, cũng như bao nhiêu buổi sáng trời nắng khác của những ngày đầu tháng năm, khi em nghĩ đến anh, đến giấc ngủ say sưa đã bị gián đoạn bởi chiếc đồng hồ báo thức hiệu EUROPA của anh, khi em nghĩ đến chuyến xe sớm đưa anh xuống trường, đến đoạn đường dài 47 cây số ngàn, qua những chiếc cầu nhỏ hẹp xe cộ phải đi một chiều,

(đến người đàn ông lớn tuổi không hiểu vô tình hay cố ý suốt cả đoạn đường thỉnh thoảng lại cứ để hai đầu ngón tay vừa khô vừa cứng đụng vào cổ anh)

khi em nghĩ đến không khí lớp học của anh, và của những người bạn anh, rồi đến chuyến xe trưa mà anh sắp phải chịu đựng, đến cơn nắng cháy da của mùa hè sắp tới,

khi em lo lắng nghĩ đến những điều bất hạnh có thể xảy ra cho anh mà đáng lẽ em không nên nói ra đây, đến những tai nạn xe cộ, những vụ xích mích với mọi người, với bạn bè đồng nghiệp, với học trò của anh — mối lo lắng lớn nhất của em mỗi lần anh bước ra khỏi nhà — đến những vụ trả thù mà có thể anh là nạn nhân, khi em nghĩ đến những việc đáng tiếc có thể xảy ra cho anh chỉ vì lúc đưa anh ra ngõ em đã quên dặn dò như mọi lần

anh ráng đừng gây gổ với ai, đừng nổi nóng với học trò

(vì anh đâu có biết được mỗi lần nghe tiếng taxi đỗ ngoài ngõ, nghe tiếng cửa xe đóng mạnh rồi sau đó là bước chân quen thuộc của anh đi vào sân trước — tiếng chân bước vội vàng, em nghĩ có lẽ anh đang nóng lòng muốn thấy mặt em, cũng như khi đi đâu hơi lâu về một tí em vẫn hay nóng lòng muốn thấy mặt anh — mỗi lần nghe bước chân vội vàng của anh đi vào sân trước, em tự nhủ: thêm một lần nữa anh trở về bình yên, và lo lắng nghĩ ngay đến những chuyến đi sắp tới)

vào cái buổi sáng trời nắng đó, khi em nghĩ đến những chuyện trên đây thì cùng với những chuyện đó, bao nhiêu chuyện khác cũng dồn dập sống trở lại trong em, rộn ràng, đầy dẫy, đến nỗi em không tài nào sắp xếp hay kiểm điểm kịp,

và cũng vào cái buổi sáng trời nắng đó, em nghĩ:

ta sẽ còn kéo dài cuộc sống luôn luôn phải chờ đợi như thế này đến bao giờ nữa,

đến bao giờ thì ta mới có được một mái nhà, và cùng với mái nhà đó, một sự yên tĩnh của tâm hồn?

Cứ mỗi lần xa anh, mỗi lần nghe tiếng chân vội vàng của anh xa dần rồi mất hẳn sau cánh cửa sắt — cánh cửa sắt phía bên trái mà anh vừa mở ra và cũng vừa đóng lại, đẩy mạnh vào cánh kia bất động gây nên một tiếng kêu khô khan — mỗi lần anh ra khỏi nhà một mình, thì cùng với trăm ngàn mối lo âu vẩn vơ về những tai nạn hay những vụ xích mích có thể xảy đến cho anh, cùng với trăm ngàn mối lo âu thường giữ em lại ngồi trên chiếc ghế salon dưới nhà gần hai mươi phút ngẩn ngơ, em vẫn hay nghĩ đến túi tiền của anh,

em tự hỏi không biết anh có nhớ lấy thêm tiền để đề phòng những việc bất trắc có thể xẩy ra phải cần đến nó hay không, em cố nhớ lại xem đêm hôm trước đi ciné về, lúc xuống taxi em hay anh đã cầm tiền lẻ, và tiền đó nếu anh giữ không biết anh có nhớ đem theo hay không (như vậy là em lại thêm một mối lo nữa: nếu anh để tiền đó ở nhà, không biết anh đã để vào đâu, vì cái tính bất cẩn cố hữu của anh thì phải gặp một sự tình cờ hi hữu nhất mới có thể bắt gặp anh chịu khó móc tiền trong túi ra để vào hộc tủ)

rốt cuộc em đứng dậy đi lên lầu, tìm khắp trong các túi áo túi quần của anh, trên chiếc bàn kê ở đầu giường phía bên phải — chỗ anh nằm — lật một cuốn sách, rồi hai cuốn, ba cuốn: em tìm thấy giữa cuốn thứ tư và đống tạp chí được có mấy đồng bạc kẽm, không phải số tiền lẻ hôm trước — em chợt nghĩ đã làm một việc vô ích vì chính sáng nay em đã lấy quần áo đưa cho anh, và đó là bộ áo quần anh đã mặc đi ciné đêm hôm qua,

khi em đã hơi yên tâm, khi em tự bảo không lẽ những chuyện kia, những tai nạn và những vụ xích mích do em tưởng tượng, những chuyện chỉ thoáng qua trong ý nghĩ em rất mau nhưng làm cho em lo lắng khổ sở rất lâu, không lẽ những chuyện đó lại có thể xảy ra đúng vào ngày hôm nay hay sao,

(em tự bảo như vậy và cố tìm lại trong trí nhớ xem từ sáng tới giờ em hay anh đã có nói câu gì hoặc làm điều gì gở hay không: cầm tay nhau quá lâu hay hôn nhau quá dài, dặn dò một câu gì quá cẩn thận hay nhìn nhau quá âu yếm, tất cả đều có thể là một điềm rất xấu đối với em — mỗi lần xa anh)

khi em đã hơi yên tâm vì nghĩ rằng cầm tay nhau quá lâu hay hôn nhau quá dài là việc chúng ta vẫn làm thường xuyên không thể là một điềm gở, dặn dò nhau quá cẩn thận hay nhìn nhau quá âu yếm là việc làm cần thiết cũng thường xuyên vậy càng không thể là một điềm gở — vả lại em nghĩ: cầm tay nhau quá vội vàng hay hôn nhau quá ngắn, dặn dò thật qua loa hay nhìn nhau thật lạnh lùng, tại sao người ta không thể nghĩ đó cũng là một điềm chẳng lành, báo hiệu một sự chia tay, chẳng hạn? vậy thì em phải lo lắng làm gì?

vậy thì em phải lo lắng làm gì?

khi em đã hơi yên tâm nghĩ rằng thời gian sẽ trôi qua một cách lặng lẽ bình thường, mọi việc cũng sẽ xẩy ra một cách thanh bình hiền hoà, nghĩ rằng trưa nay khi em đứng từ trong bếp nghe ở nhà trên tiếng đồng hồ gõ 12 tiếng, em sẽ lại vui vẻ lại hồi hộp chờ đợi tiếng taxi đỗ ngoài ngõ như mọi lần,

khi em đã yên tâm về chuyến đi của anh, với đoạn đường dài 47 cây số ngàn, với sức nóng cháy da của những ngày đầu mùa hè, em bèn sắp xếp lại mấy cuốn sách và chồng tạp chí để trên chiếc bàn kê ở đầu giường, vài bức tranh để la liệt ở góc phòng ngay cạnh tủ sách lớn của anh, đóng thật kỹ hai cánh cửa nhìn ra bãi cỏ trong cư xá lại vì sợ nắng chiếu xiên vào làm hỏng cái tủ kính nhỏ dùng chưng đồ ở phía bên phải dưới chân giường — chỗ anh nằm — rồi xuống nhà bếp xách giỏ ra chợ, trong lúc những mối lo âu vẩn vơ kia đã tan biến dần rồi mất hẳn —

mỗi lần xách giỏ ra chợ vào sáng sớm như thế — khi mà cuộc sống trong mỗi nhà vào một lúc nào đó (lúc chiếc đồng hồ treo tường gõ 6 tiếng chẳng hạn) như bừng trở dậy, khi các ngọn đèn ở nhà bếp, ở buồng tắm và ở phòng cầu tiêu bắt đầu sáng lên, khi từ các mái nhà bếp lân cận khói đã bắt đầu bay lên, tiếng còi xe hơi bắt đầu cho nghe từ đầu phố đến cuối phố,

mỗi lần xách giỏ ra chợ vào sáng sớm như thế, em đã đi ngang những mặt nhà chật hẹp, cửa còn đóng kín với một hai ánh đèn vàng lọt ra ngoài khe hở hay đã mở cửa từ lâu, em đã đi ngang trước những tiệm ăn mở cửa cho khách hàng thật sớm, những tiệm café bình dân với một vài chú ba tàu chạy lui chạy tới kêu gọi nhau ríu rít, trước những cửa hàng tạp hoá chưa dọn ra hết, và những xe nước đá giờ này nằm im như còn tiếp tục giấc ngủ (vì đêm qua đã thức quá khuya với đám đông khán giả ở các rạp hát đổ ra)

em đã đi ngang qua các đường phố đó, các cửa hàng đó, giữa những âm thanh rời rạc, những tiếng động thật rõ ràng, những tiếng còi xe hơi, tiếng lóc cóc của một vài chiếc xe ngựa hiếm hoi, tiếng chân người đi, tiếng rao hàng lanh lảnh, tiếng động cơ quá lớn của những chiếc xích lô máy quá cũ, tiếng một bà mẹ gọi con, tiếng cót két của một cánh cửa gỗ đang mở ra, và trăm ngàn tiếng kêu khác — tiếng hát xa xa phát ra từ một máy thâu thanh, tiếng chuông nhà thờ ngân vang giữa tiếng oa oa của một trẻ em sơ sinh nào đó từ đầu ngõ vọng ra, tiếng những bạn hàng, những cô gái gánh nước sớm đang gọi nhau vang dậy cả khu phố,

em đã đi ngang qua các đường phố đó, các cửa hàng đó, giữa những âm thanh dồn dập đó tự lúc nào, em cũng không biết nữa,

và em đã len lỏi trong đám đông hỗn tạp đó, với đủ mọi hình thể, mọi màu sắc, mọi mùi vị, mọi ngôn ngữ, giữa cảnh chợ mai như thế tự bao giờ, em cũng không biết nữa,

vì ở đây, ở giữa cái thành phố mà sự sinh hoạt ồn ào tiếp diễn một cách vội vàng suốt ngày suốt đêm này, một khi bước chân ra khỏi nhà dù là vào một buổi sáng có vẻ thanh bình nhất như buổi sáng hôm nay, người ta không còn suy nghĩ gì được nữa, người ta không được phép nghĩ đến chuyến xe đò với đoạn đường dài 47 cây số ngàn của chồng, không có đủ thì giờ để nghĩ đến cơn nắng cháy da của những ngày đầu mùa hè,

vì ở đây, khi em bước chân ra khỏi nhà, khi em ngồi trên một chiếc xích lô đạp chạy ngang qua những mặt nhà chật hẹp nằm san sát yên tĩnh, qua những khu phố nhộn nhịp ồn ào, giữa những âm thanh dồn dập và những tia nắng vàng giờ này đã bắt đầu hiện ra qua các cạnh các góc tường, lung linh những hạt bụi,

khi em bắt đầu bước vào sự hỗn tạp của những hình thể, những màu sắc, những âm thanh, những ngôn ngữ, vào cảnh sinh hoạt náo nhiệt toát ra từ mỗi hơi thở, mỗi tiếng la, mỗi giọng cười, mỗi tiếng chào nhau, khi em bắt đầu bước vào sự vội vàng dồn dập của mỗi cử chỉ, mỗi động tác,

em hiểu ngay rằng dù muốn dù không em cũng đã dự vào cái sinh hoạt náo nhiệt đó, và mỗi hơi thở mỗi giọng cười của em cũng phải hoà hợp nhịp nhàng với hơi thở giọng cười của mọi người chung quanh —

cũng như những lần khác, em bắt đầu len lỏi qua các hàng rau cải và các hàng trái cây ngoài trời, thỉnh thoảng dừng lại một vài chỗ, nhìn vào một bó rau, một giỏ cà rốt hay một đống dưa leo bên cạnh các thứ rau thơm rau răm ngò cà ớt giá — có lúc em nghiêng mình bên phải đặt giỏ xuống đất đưa tay mó vào một trái su, lật qua lật lại ngắm nghía rồi bỏ đi (được mấy bước em lại quay trở lại nhưng rồi không biết nghĩ sao em lại bỏ đi) vào sâu về phía bên hông chợ, dừng lại ở một sạp bán chuối, lưỡng lự một lúc giữa nhiều thứ chuối khác nhau, chọn lựa, trả giá rồi mua hai nải — nhưng phải gửi lại vì sợ xách nặng —

(những lần đi chợ không có anh theo xách giỏ, không có anh theo để cùng em len lỏi qua các hàng rau các thớt thịt, không có anh theo để phải chờ phải đợi sự quyết định chậm chạp trong việc chọn lựa của em và (dĩ nhiên) để luôn luôn cố che giấu nỗi bất bình đối với sự chậm chạp đó — nhưng không che giấu nổi — những lần đó em vẫn phải làm công việc này: gửi ở hàng này một ít hàng kia một ít các món đồ mua trong chợ, cho đến lúc nào xong buổi chợ em mới trở lại để đem về)

cũng như những lần khác, khi định đi vào phía trong chợ, em lại đổi ý quay trở ra các gian hàng rau cải, chọn mua một vài thứ rau gia vị, hai cây xà lách và một trái dưa — rất vội vàng dứt khoát vì nghĩ đã đi gần khắp phía ngoài chợ mà vẫn chưa mua được gì — rồi quày quả tiến vào phía trong, đi thẳng đến các thớt thịt và các hàng tôm hàng cá, thỉnh thoảng cũng dừng lại ngắm nhìn, cũng nghiêng mình bên phải đặt giỏ xuống đất đưa tay lật qua lật lại những miếng thịt bắp đùi, thịt nạc lưng, những con cá lóc cá trê còn nhảy, rồi lại bỏ đi, được mấy bước lại quay trở lại nhưng rồi không biết nghĩ sao em cũng lại bỏ đi,

(lúc này mặt trời lên cao hơn, tạt xiên vào bên hông chợ, phía bên phải — chỗ các gian hàng xén — dọi thẳng xuống chỗ những người bán hàng đang khởi sự lấy những tấm vải bố có sọc ngang nhiều màu đem treo lên che nắng)

cũng như những lần khác, em đi từ thớt thịt này qua thớt thịt khác, từ hàng tôm cá này sang hàng tôm cá khác, qua những hàng mắm hàng dưa — qua chỗ mọi hôm người ta vẫn thấy có một người đàn bà trạc ba mươi mấy bốn mươi tuổi son phấn trét lòe loẹt đang ngồi vừa nhai trầu vừa xem bói cho khách hàng, với một số khán giả khá đông vây chung quanh — trong lúc cả chợ người ta mua bán vội vàng, la hét om sòm, người ta tranh nhau từng chỗ đứng từng câu nói,

và đến khi em quyết định mua ở một hàng nào đó — khi em dừng lại và hài lòng tìm thấy được một miếng thịt bò còn tươi đỏ, một miếng thịt heo nhiều nạc hay một con cá lóc no tròn còn nhảy vọt làm bắn nước lên quần lên áo em và những người chung quanh —

đến khi em bắt đầu hỏi mua em mới chợt nhớ ra từ nãy giờ trong lúc em mải lo chọn lựa, lo nhìn ngắm, người ta đã trả giá đã mua đã bán và đã ra về rất nhiều, và những người khác mới đến hay đang đến cũng rất nhiều, em mới chợt nhớ ra người bán hàng không phải chỉ đứng bán cho mỗi mình em, và muốn mua được một con cá lóc hay một miếng thịt bò — chỉ có từng đó thôi — em cần phải tranh giành (như họ) từng chỗ đứng từng câu nói, em phải tạo cho em (cũng như họ đã cố gắng để tạo cho họ) một cái gì làm người bán hàng chú ý tới và bán cho em trước những khách hàng khác, em phải tranh giành vì ở đây sự tranh giành như đã nằm sẵn trong nhịp điệu sinh hoạt của buổi chợ — và nếu em làm khác đi, không theo được họ trong nhịp điệu đó thì người ta sẽ vẫn tiếp tục (như trong một bản hợp ca) và bỏ em lại một mình, em sẽ trở về với một cái giỏ không,

cũng như những lần khác, nói không đủ: em phải la phải hét vào tai họ, đôi khi còn phải tỏ vẻ bất bình tức giận vì bất bình hay tức giận chắc hẳn cũng đã nằm trong cái sinh hoạt nhộn nhịp đó,

và cũng như mọi khách hàng khác đang cùng trong một nhịp sống dậm dật đó, em cũng phải có những cử chỉ những động tác thật nhanh chóng thật khéo léo — thật quen thuộc, vì hình như em đã quen thuộc rồi — những động tác mà trong lúc làm em không hề nghĩ là khác thường là lạ lùng đối với cuộc sống êm đềm (ít ra là ở vẻ bên ngoài) của em trong nhà, những động tác mà sau đó khi đi ra khỏi chợ,

(lại qua các hàng rau cải và các hàng trái cây ngoài trời) khi em đã đi xong buổi chợ nhưng ngang qua các chỗ đó còn liếc nhìn và đôi khi thấy có một hàng rau tốt hơn em lại lấy làm tiếc rẻ vì lúc nãy đã mua quá vội vàng, khi sắp gọi xe về em mới sực nhớ còn để quên hai nải chuối gửi bà bán hàng bên hông chợ và lại phải xách giỏ quay trở lại,

những động tác mà lúc lên xe trở về nhà — thoát khỏi sự chen lấn xô đẩy, thoát khỏi những tiếng gọi chát chúa, những mẩu chuyện bình dân được xen kẽ bởi những câu nói tục tằn những tiếng đệm thô lỗ thoáng nghe trong chợ — em mới nhận thấy được quả thật chúng rất buồn cười đối với bản chất điềm đạm (điềm đạm?) của em —

cũng như những lần khác, em lại trở về trên con đường thường ngày chúng ta vẫn đi, ngang qua những mặt nhà chật hẹp nằm san sát yên tĩnh, qua những khu phố nhộn nhịp ồn ào, giữa những tiếng cười đùa của lũ trẻ con trong các công viên vọng ra, những âm thanh dồn dập đang tăng dần với sức nóng mặt trời — và lát nữa đây sẽ giảm dần với những tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn —

em lại trở về trên con đường thường ngày chúng ta vẫn đi, trong lúc mặt trời tiếp tục lên cao, lên cao, đổ xuống chiếc xích lô đạp em đang ngồi và in lên mặt đường phía bên tay phải của em bóng người đạp xe đội nón lá (với hai chân cử động lên xuống thật đều, thật tròn), bóng cả dàn xe, cả những khung sắt chéo nhau với những góc cạnh rõ rệt,

em lại đi trên con đường về nhà, ngang qua những bến autobus giờ đây đã thấy đông người, qua những cột đèn bằng xi măng mà lúc em ra đi điện vẫn còn sáng, những bức tường loang lở đầy dẫy những thông cáo những nhật lệnh những tuyên ngôn được dán lên từ những tháng xao động trước và bây giờ đã rách nát, những dinh thự đồ sộ đang được kiến thiết hay sửa chữa lại (để được đồ sộ hơn?), qua những hàng cây cao với những bảng hiệu chỉ dẫn cách đi đường, qua một vài khung rào kẽm gai còn sót lại — từ những tháng xao động trước —

(mặt trời trên kia vẫn gay gắt chiếu xuống, vẫn in lên mặt đường bóng người đạp xe đội nón lá, bóng cả dàn xe, cả những khung sắt nằm chéo nhau với những góc cạnh rõ rệt — cái bóng đó vượt qua xe em khi bác xích lô rẽ vào ngõ tay phải, lối đi vào cư xá, rồi nó áp vào xe và đi ngang trước mặt, chỗ em gác hai chân, cùng một nhịp điệu, cùng một tốc độ: khi xe em vấp phải một cục đá hoặc gặp một lỗ hổng sâu, nó cũng lắc lư một lúc, rồi đến chỗ đất bằng phẳng xe em đi êm ái thì nó cũng rất êm ái đi trước mặt, đi đến đâu dường như nó nhuộm xám mặt đất vàng và những viên sỏi trắng đến đấy — qua một chiếc cửa sổ nhỏ hình chữ nhật trên mui xe phía sau lưng em một ít ánh nắng dọi vào làm nóng chiếc cổ áo bằng mica của em, sau bờ tóc rủ dài mà từ mấy tuần trước nghĩ đến cơn nắng cháy da của mùa hè sắp tới em đã định tháng sau sẽ đem cắt cao lên)

em lại đi ngang qua bãi cỏ trong cư xá, qua những mặt nhà nắng sáng với những cây trứng cá những cây chùm ruột vượt lên cao sau dãy hàng rào quét vôi trắng xoá — qua những khe hở của dãy hàng rào đó em vẫn thường đoán biết, vẫn phân biệt hay vẫn ngửi thấy được những cây hoa hồng hoa lan, những cây thược dược, cây bông sứ... và những buổi chiều mát trời cũng qua những khe hở đó thỉnh thoảng em cũng nhác trông thấy bóng những ông cụ già mặc bà ba trắng đang vừa tưới cây vừa lẩm bẩm nói hay hát khẽ một điệu nhạc gì đó thật xưa thật lạ lùng —

em lại đi ngang qua những sân thượng chênh vênh thấp thoáng đây đó bóng vài người đàn bà hay vài cô con gái đang đứng phơi áo quần, họ đứng lên rồi lại cúi xuống, thanh thản nhịp nhàng — hay chính em đã chủ quan cảm thấy động tác đó là thanh thản nhịp nhàng vì ở đây cái nhịp điệu vội vàng của cả thành phố dường như có bị phản bội một phần nào, một phần nào thôi (vì người ta cũng thấy các hàng quà đem đến bán, người ta cũng la hét gọi nhau, nhưng tựu trung những âm thanh đó, những động tác đó đều mang ít nhiều cái vẻ bình thản thụ động ban ngày tuyệt nhiên không thấy được ở những khu phố thương mại)

ngang qua những sinh hoạt nhộn nhịp thường xuyên từ chợ về đến nhà mà em vẫn chỉ nghĩ đến những việc sắp phải làm — những món ăn em sẽ làm cho anh trưa nay —

em sẽ bước vào nhà như mọi lần, thở một cái thật mạnh, thật khoan khoái vì sau một buổi chợ ồn ào nóng nực bây giờ em đã tìm lại được bóng mát và sự yên tĩnh — các em nhỏ đi học chưa về, em sẽ không bị quấy rầy vì các câu chuyện quà bánh này nọ —

em sẽ nhìn chiếc đồng hồ treo tường ở phòng khách khi đi lên lầu vào phòng thay áo và em cũng sẽ liếc nhìn chiếc đồng hồ đó một lần nữa khi đi xuống lầu để yên tâm rằng từ đây cho đến khi anh về em có đủ thì giờ để sửa soạn cho anh một bữa ăn trưa thật xứng đáng — để bù lại cái vất vả khó nhọc anh phải chịu đựng hơn một tiếng đồng hồ ngồi trên xe đò qua những cây số thiêu đốt giữa buổi trưa mùa hè, qua những cây cầu dài đi một chiều mà những thành sắt vắt ngang dọc dù có để lại trên mặt cầu một vài bóng mát yếu ớt thì sức nóng hừng hực từ nó thoát ra cũng không làm cho không khí bớt oi bức được tí nào —

em sẽ làm những món gì cho anh trưa nay?

(trích Viết Giữa Mùa Hè, 1964)

đêm ngủ ở tỉnh (*)

7

buổi sáng

25

một góc phố

41

đêm ngủ ở tỉnh

85

thành phố dốc đồi

117

một đoạn giữa mùa hè

Saigon, 1970

(*) Đây là Mục lục; con số là chỉ trang (Văn Việt).

Phụ lục của Văn Việt: Nhạc Hoàng Ngọc Biên


Nắng Hoàng Hoa (1957, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhạc Hoàng Ngọc Biên), Trọng Bắc hát

Nhớ Cao Nguyên (1956), Hương Giang hát

Hồ Thu (1955), Đồng Thảo hát. (Hồ Thu là ca khúc đầu tay, được Hoàng Ngọc Biên sáng tác lúc 17 tuổi)

Hồ Thu (1955), Ngọc Mai hát