Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Những tên độc tài kỹ thuật số – Công nghệ đã củng cố chế độ chuyên quyền như thế nào

Andrea Kendall-Taylor, Erica Frantz, và Joseph Wright, Foreign Affairs tháng Ba/ tháng Tư, 2020

Hiếu Tân dịch

Ta đang theo dõi ngươi: bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Tân Cương,

China, June 2008 Kadir Van Lohuizen / Noor / Redux

Stasi, Cục An ninh nhà nước Đông Đức, có lẽ là một trong những lực lượng công an mật thâm nhập sâu rộng nhất trong số những cơ quan mật vụ đã từng tồn tại. Nó khét tiếng về khả năng theo dõi các cá nhân và kiểm soát các luồng thông tin. Vào năm 1989, nó có gần 100.000 nhân viên thường trực và, theo một số báo cáo, có từ 500.000 đến hai triệu mật báo viên trong một dân số khoảng 16 triệu người. Nguồn nhân lực và các nguồn lực khác của nó tạo điều kiện cho nó tràn ngập xã hội, và kiểm soát hầu như mọi khía cạnh của đời sống các công dân Đông Đức. Hàng ngàn mật vụ theo dõi điện thoại, thâm nhập vào các phong trào chính trị bí mật, và báo cáo về các mối quan hệ cá nhân và gia đình. Thậm chí các sĩ quan được cài vào các bưu điện để mở thư từ bưu phẩm đến và đi từ các nước không cộng sản. Trong nhiều thập niên, Stasi là kiểu mẫu cho thấy một chế độ độc tài toàn quyền có thể dùng đàn áp để duy trì kiểm soát của nó đối với xã hội như thế nào.

Sau thắng lợi hiển nhiên của nền dân chủ tự do sau Thế Chiến II, các nhà nước cảnh sát dường như không còn sức sống. Các tiêu chuẩn toàn cầu về tính chính đáng của một chế độ đã thay đổi. Tại bước chuyển thiên niên kỉ, những công nghệ mới, trong đó có Internet và điện thoại di động, hứa hẹn mang lại sức mạnh cho các công dân, tạo cho các cá nhân năng lực lớn hơn để truy cập thông tin và khả năng tạo những mối liên kết mới và xây dựng những cộng đồng mới.

Nhưng mơ ước về một tương lai dân chủ hơn ấy đã tỏ ra ngây thơ. Trái lại, những công nghệ mới ngày nay đã cho những kẻ thống trị nắm được những phương pháp tươi mới để giữ chặt quyền lực, mà theo nhiều cách có thể sánh với, nếu không nói là giỏi hơn, những chiến thuật của Stasi. Chẳng hạn việc giám sát được thực hiện bằng Trí thông minh nhân tạo (AI), cho phép bạo quyền tự động hóa việc theo dõi và dò xét giới đối lập bằng những cách ít có tính xâm nhập hơn cách giám sát truyền thống. Những phương tiện kỹ thuật số này không chỉ cho phép các chế độ độc tài tung ra tấm lưới rộng hơn những phương pháp phải dựa vào con người; chúng chỉ cần sử dụng những nguồn lực ít hơn nhiều: không ai phải trả tiền cho một chương trình phần mềm để theo dõi những tin nhắn văn bản của người khác, đọc các post của họ trên mạng xã hội, hoặc lần theo dấu vết các hoạt động của họ. Và một khi các công dân biết rằng tất cả những chuyện ấy đang xảy ra, họ tự động thay đổi hành vi của mình mà chế độ không cần ra tay đàn áp.

Bức tranh cảnh báo này hoàn toàn trái ngược với tinh thần lạc quan mà ban đầu sự mở rộng Internet, mạng xã hội, và những công nghệ mới khác xuất hiện từ năm 2000 mang lại. Hi vọng chứa chan lên đến tột đỉnh vào đầu thập kỉ 2010 khi truyền thông xã hội tạo điều kiện lật đổ bốn tên độc tài cai trị lâu dài nhất thế giới ở Ai Cập, Libya, Tunisia, và Yemen. Trong một thế giới thoải mái truy cập thông tin và các cá nhân được công nghệ trao thêm sức mạnh, người ta dễ nghĩ rằng bọn bạo chúa sẽ không còn có thể duy trì sự tập trung quyền lực làm chỗ dựa cho các chế độ của chúng. Thế nhưng, bây giờ đã rõ ra là công nghệ không nhất thiết ủng hộ cho những ai tìm cách làm cho tiếng nói của họ được nghe, hoặc đứng lên chống các chế độ áp bức. Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nhân dân và nỗi sợ hãi chính nhân dân của chúng, các chế độ chuyên quyền đang tiến tới. Chúng nắm lấy công nghệ để sửa sang bộ mặt độc đoán cho hợp với thời đại mới.

Dẫn đầu bởi China, các chế độ chuyên quyền kỹ thuật số (KTS) hôm nay đang sử dụng công nghệ – Internet, truyền thông xã hội, AI để tăng thêm nhiên liệu cho các chiến thuật sống sót cho chế đô chuyên quyền tồn tại lâu dài. Chúng đang khai thác các kho vũ khí đạn dược của các công cụ kỹ thuật số để kháng cự lại mối đe dọa lớn đối với chế độ chuyên quyền tiêu biểu hôm nay: sức mạnh vật chất của con người trong những cuộc biểu tình lớn chống chính phủ. Kết quả là, các chế độ chuyên quyền KTS đã trở nên bền chắc hơn nhiều so với các tiền thân của chúng trong thời kì tiền công nghệ, và các bạn cùng cảnh ngộ của chúng nhưng kém hiểu biết về công nghệ hơn. Trái với những gì mà những người lạc quan về công nghệ đã hình dung vào buổi rạng đông của thiên niên kỉ, các chế độ chuyên quyền đang được lợi từ Internet và các công nghệ mới khác, chứ không trở thành nạn nhân của chúng.

BÓNG MA PHẢN KHÁNG

Thời đại kỹ thuật số đã làm thay đổi bối cảnh trong đó các chế độ chuyên quyền hoạt động. Những công nghệ mới như Internet và truyền thông xã hội đã hạ thấp rào cản, phối hợp làm cho các công dân bình thường dễ dàng huy động và thách thức các chế độ vô trách nhiệm và đàn áp. Dữ liệu từ Mass Mobilization Project (Dự án Vận động Quần chúng) do các nhà khoa học chính trị David Clark và Patrick Regan soạn, và bộ dữ liệu Autocratic Regimes (Các Chế độ Chuyên quyền) mà hai trong ba chúng tôi (Erica Frantz và Joseph Wright) đã giúp xây dựng bộc lộ cho thấy trong khoảng từ 2000 đến 2017, 60 phần trăm các chế độ độc tài phải đối mặt với ít nhất một cuộc biểu tình chống chính phủ có 50 người tham gia hoặc nhiều hơn. Mặc dù nhiều cuộc biểu tình trong số đó là nhỏ và ít đe dọa đến chế độ, nhưng chúng thật sự luôn nhấn mạnh sự bất an liên tục mà nhiều chính phủ độc tài phải đối mặt.

Nhiều phong trào trong số này đang thành công trong việc mang đến sự suy sụp của các chế độ độc tài. Từ 2000 đến 2017, các cuộc chống đối đã hất khỏi quyền lực mười chế độ chuyên quyền, 23 phần trăm trong số 44 chế độ độc tài đã đổ trong thời gian ấy. 19 chế độ độc tài khác đã mất chính quyền qua bầu cử. Và trong khi số chế độ bị mất quyền bởi các cuộc bầu cử nhiều gấp hai số bị mất bởi biểu tình, nhiều cuộc bầu cứ đã diễn ra sau những chiến dịch phản đối của quần chúng.

Số cuộc biểu tình tăng lên đánh dấu một thay đổi lớn trong các nền chính trị độc tài. Về mặt lịch cử, các cuộc đảo chính của giới chóp bu quân sự và các sĩ quan là mối đe dọa lớn nhất của các chế độ độc tài. Từ 1946 đến 2000, các cuộc đảo chính đã hất cẳng khoảng một phần ba trong số 198 chế độ độc tài sụp đổ trong thời gian này. Trái lại các cuộc biểu tình lật đổ ít hơn nhiều, khoảng 16 phần trăm tổng số đó. Tua nhanh (fast-forward) sang thế kỉ này, một thực tế khác hiện ra: các cuộc đảo chính lật đổ khoảng chín phần trăm các nhà độc tài bị đổ trong khoảng từ 2001 đến 2017, trong khi các phong trào quần chúng dẫn tới số chính phủ bị đổ nhiều gấp hai lần. Ngoài các chính phủ bị đổ trong trong Mùa Xuân A Rập, các cuộc biểu tình phản đối còn lật nhào các nhà độc tài ở Burkina Faso, Georgia, và Kyrgyzstan. Các cuộc biểu tình đã trở thành thách thức lớn mà các chế độ chuyên quyền thế kỉ hai mươi mốt phải đối phó để không ai có thể xây dựng một cơ sở ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình phát triển, các chế độ chuyên quyền đã áp dụng các chiến thuật sống sót của họ, tập trung vào làm giảm nhẹ mối đe dọa từ việc huy động quần chúng. Các dữ liệu được soạn bởi Ngôi nhà Tự Do cho thấy từ năm 2000 số lượng những hạn chế đối với các quyền tự do công dân và chính trị đã tăng lên trên toàn cầu. Một phần lớn của lượng tăng này diễn ra ở các nước độc tài, tại đó các lãnh đạo đã áp đặt những hạn chế lên các quyền tự do công dân và chính trị để làm cho các công dân khó khăn hơn trong việc tổ chức và hành động chống nhà nước.

Ngoài việc thu hẹp không gian của xã hội dân sự, các nước độc tài cũng học được cách sử dụng các công cụ kỹ thuật số để đàn áp bất đồng chính kiến. Mặc dù công nghệ đã giúp nhiều cho những người phản kháng, ngày nay những chế độ chuyên quyền có hiểu biết kỹ thuật số đang sử dụng chính một số phát minh công nghệ mới ấy để đẩy lùi những cuộc vận động quần chúng nguy hiểm cho họ.

CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT

Phân tích của chúng tôi dựa trên những dữ liệu từ bộ dữ liệu Varieties of Democracy (Những Biến thể của nền Dân chủ) (bao gồm 202 nước) và Mass Mobilization Project (Dự án Vận động Quần chúng) cho thấy các chế độ độc tài sử dụng kỹ thuật số ít gặp nguy cơ chống đối hơn các chế độ độc tài không sử dụng những công cụ ấy. Việc đàn áp bằng kỹ thuật số không chỉ làm giảm khả năng xảy ra chống đối mà còn giảm những trường hợp mà một chính phủ phải đối mặt với những cố gắng vận động lớn, kéo dài, như các cuộc biểu tình “sơ mi đó” ở Thái Lan năm 2010 hoặc các cuộc biểu tình chống Mubarak và chống quân phiệt ờ Ai Cập năm 2011. Tấm gương Cambodia minh họa những cuộc bùng nổ ấy có thể diễn ra như thế nào.

Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen, người giữ chức từ năm 1985, đã áp dụng các phương pháp công nghệ kiểm soát để giúp cho việc tiếp tục nắm chặt quyền lực. Dưới sự cai trị của Hun Sen, truyền thông truyền thống hạn chế đưa tin về phe đối lập của Cambodia. Trong cuộc vận động bầu cử năm 2013, điều này đã dẫn đến việc phe đối lập dựa vào các công cụ KTS để vận động những người ủng hộ nó. Cuộc bầu cử bị gian lận, khiến cho hàng nghìn công dân xuống đường đòi một cuộc bỏ phiếu mới. Ngoài việc sử dụng sức mạnh man rợ để trấn áp những người chống đối, chính phủ đưa vào sử dụng biện pháp đàn áp bằng KTS. Chẳng hạn tháng Tư 2013, một nhà cung cấp dịch vụ Internet đã chặn tạm thời Facebook, và tháng Mười Hai 2013, nhà cầm quyền tỉnh Siem Reap đóng của hơn 40 tiệm cà phê Internet. Năm sau, chính phủ tuyên bố lập Cyber War Team (Đội Chiến tranh Ảo) theo dõi Internet để chỉ điểm các hoạt động chống chính phủ trên mạng. Một năm sau, chính phủ thông qua một đạo luật cho nó quyền kiểm soát rộng rãi hơn đối với công nghiệp viễn thông, và lập một cơ quan thi hành luật có quyền đình chỉ dịch vụ của các công ty viễn thông hoặc sa thải đội ngũ nhân viên của chúng. Một phần do những bước này mà phong trào phản kháng xẹp xuống. Theo ‘Dự án Vận động Quần chúng’, trong năm 2017 chỉ có một cuộc biểu tình chống chính phủ, so với 36 cuộc năm 2014, khi phong trào phản kháng lên đến đình cao.

Các chế độ độc tài khai thác công nghệ không chỉ để đàn áp biểu tình mà còn tăng cường các phương pháp kiểm soát cũ hơn. Phân tích của chúng tôi rút ra từ bộ dữ liệu ‘Những Biến thể của nền Dân chủ’ gợi ý rằng các chế độ độc tài đã tăng cường sử dụng đàn áp KTS cũng có xu hướng tăng các hình thức đàn áp bằng bạo lực “trong cuộc sống thực,” đặc biệt là tra tấn và giết hại đối thủ. Điều này chỉ ra rằng các lãnh đạo độc tài không thay thế đàn áp truyền thống bằng đàn áp KTS. Trái lại, bằng việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho chế độ độc tài nhận dạng đối thủ của chúng, đàn áp KTS cho phép chúng quyết định hiệu quả hơn cần đánh gục ai hoặc tống ai vào xà lim. Việc nhắm gần hơn đến các mục tiêu đối thủ này khiến đỡ phải đàn áp bừa bãi, có thể gây nên kích động quần chúng và sự bỏ ngũ của hàng ngũ tinh hoa của chế độ.

MÔ HÌNH CHINA

Việc tiến tới dùng giám sát bằng trí thông minh nhân tạo (AI) là tiến triển có ý nghĩa nhất trong chế độ chuyên quyền KTS. Các máy ảnh có độ phân giải cao, nhận dạng khuôn mặt, phần mềm gián điệp, tự động hoá phân tích văn bản, và xử lý dữ liệu lớn (big-data), đã mở ra một khoảng rộng cho những phương pháp mới để kiểm soát công dân. Những công nghệ này cho phép các chính phủ theo dõi công dân và nhận dạng những người bất đồng chính kiến một cách kịp thời – và đôi khi còn đi trước thời gian.

Không có chế độ nào từng sử dụng tiềm năng đàn áp của AI toàn diện như chế độ ở China. Đảng Cộng sản China thu thập một khối lượng dữ liệu không thể tin nổi về các cá nhân và các ngành kinh doanh: hoàn thuế, các giấy tờ ngân hàng, lịch sử mua hàng, hồ sơ phạm tội và y tế. Sau đó chế độ dùng AI để phân tích những thông tin này và soạn ra “điểm tín nhiệm xã hội,” dùng các thông số về hành vi được chấp nhận và lợi dụng để kiểm soát công dân. Các cá nhân hoặc công ty bị coi là “không đáng tin cậy” có thể bị loại khỏi danh sách trợ cấp của nhà nước, không được hưởng những khoản lợi như thuê nhà không cẩn đặt cọc (deposit-free), hoặc bị cấm đi máy bay hoặc tàu hỏa. Mặc dù Đảng Cộng sản China vẫn đang còn hoàn thiện hệ thống này, những tiến bộ trong phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ ra quyết định sẽ chỉ làm tăng thêm khả năng kiểm soát dự báo của chế độ, điều mà chính phủ gọi là “quản lý xã hội.”

China cho thấy đàn áp ‘KTS’ trợ giúp cho đàn áp thể xác như thế nào

China cũng cho thấy cái cách đàn áp ‘KTS’ trợ giúp cho đàn áp thể xác rất đa dạng – trên quy mô lớn. Ở Tân Cương, chính phủ China đã giam cầm hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại “cải tạo.” Những người không bị giam giữ thì bị kẹt trong các thành phố, tại đó các khu dân cư bị bao vây trong những cánh cổng trang bị những phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Những phần mềm đó quyết định ai được qua, ai không, và ai sẽ bị bắt ngay tại chỗ. China đã thu thập một lượng thông tin khổng lồ về cư dân Duy Ngô Nhĩ của nó, kể cà thông tin điện thoại di động, dữ liệu di truyền, thông tin về tôn giáo mà nó ghép vào một âm mưu để ngăn chặn những hành động mà nó cho là có hại cho trật tự xã hội hay an ninh quốc gia.

Những công nghệ mới cũng cho phép các quan chức China kiểm soát mạnh hơn các thành viên của chính phủ. Các chế độ độc tài luôn dễ bị hại từ những mối đe dọa trong nội bộ, trong đó có những cuộc đảo chính và những cuộc đào ngũ của tầng lớp tinh hoa cao cấp. Với những công cụ ‘KTS’ mới, các lãnh đạo có thể liên tục theo dõi các quan chức chính phủ, đánh giá mức độ họ thúc đẩy các mục tiêu của chế độ, thải loại những quan chức kém, những người này lâu dần sẽ làm hoen ố nhận thức của công chúng về chế độ. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy Bắc Kinh tránh kiểm duyệt những nội dung công dân post (đưa lên mạng) cho chế độ một góc nhìn vào hoạt động của các quan chức địa phương. Chẳng hạn, khi một phong rào phản kháng nóng lên ở Hong Kong vào mùa hè năm ngoái, chế độ China chỉ cần củng cố bức “Tường lửa” lớn của nó, loại bỏ những nội dung lật đổ khỏi Internet ở lục địa hầu như tức thời. Và thậm chí nếu kiểm duyệt thất bại và bất đồng chính kiến tăng mạnh, thì các nhà độc tài cỏ thêm một tuyến phòng thủ khác: họ có thể chặn tất cả (hoặc phần lớn) các công dân truy cập Internet để ngăn ngừa các thành viên phe đối lập truyền tin, tổ chức hoặc quảng bá các thông điệp của họ. Chẳng hạn ở Iran, chính phủ đã thành công trong việc đóng cửa Internet trên cả nước khi các cuộc biểu tình lan rộng vào tháng Mười Một năm ngoái.

Mặc dù China là tay chơi dẫn đầu trong việc đàn áp bằng KTS, các chế độ độc tài đủ kiểu vẫn đang tìm cách theo đuôi nó. Chẳng hạn chính phủ Nga đang tiến hành kiềm chế việc các công dân của nó tương đối tự do lên mạng, bằng cách phối hợp với các yếu tố của Tường lứa Lớn China, cho phép Kremlin cắt đứt Internet của nước này khỏi phần còn lại của thế giới. Tương tự, Ngôi nhà Tự do năm 2018 báo cáo rằng nhiều nước đang noi theo kiểu mẫu China, tham gia vào các khóa huấn luyện “quản lí không gian mạng” tại đó họ học các cách kiểm soát của China.

GĂNG TAY NHUNG

Các công nghệ ngày nay không chỉ làm cho các chính phủ dễ dàng hơn trong việc trấn áp phê phán, mà còn tạo điều kiện dễ dàng cho việc thu phục họ. Sự hợp nhất sức mạnh công nghệ giữa các tập đoàn của chính phủ cho phép chế độ China kiểm soát chính xác hơn việc tiếp cận vào các dịch vụ của chính phủ, nhờ đó nó có thể điều chỉnh – hoặc từ chối – phân phối từ vé xe buyt và hộ chiếu cho đến công ăn việc làm và giáo dục. Hệ thống tin nhiệm xã hội mới sinh ra ở China có tác dụng trừng phạt các cá nhân phê phán chế độ, và tưởng thưởng cho sự trung thành. Các cá nhân có điểm tin nhiệm xã hội cao được hưởng hàng loạt phần thưởng, trong đó có việc thanh toán chi phí cho du lịch nước ngoài, giảm phí tiêu thụ năng lượng, giảm tần suát kiểm tra. Theo cách này, những công nghệ mới giúp các chế độ chuyên quyền tinh chỉnh hệ thống thưởng phạt của chúng, làm mờ đi ranh giới giữa kiểm soát ‘thuận tình’ và kiểm soát cưỡng bức.

Các chế độ chuyên chế còn dùng những công nghệ mới để định hướng nhận thức của công chúng về chế độ và tính chính đáng của nó. Các tài khoản tự động hóa trên truyền thông xã hội có thể khuếch đại các chiến dịch có ảnh hưởng và tạo ra cơn bão các post làm xao lãng và đánh lạc hướng tràn ngập trên mạng nhằm đẩy những thông điệp của các đối thủ ra ngoài. Trong lĩnh vực này Nga đã đóng một vai trò chủ đạo. Kremlin làm ngập lụt Internet bẳng những câu chuyện nịnh chế độ, làm cho những người dùng trên mạng xao lãng khỏi những tin tiêu cực, và tạo ra sự hỗn độn và không chắc chắn thông qua việc lan tràn các câu chuyện thay thế.

Các công nghệ đang hoàn thiện như cái gọi là vi mục tiêu (microtargeting) và giả mạo sâu (deepfake) – những sự giả mạo kỹ thuật số không thể phân biệt với các chương trình đích thực của phát thanh, truyền hình hoặc các hình ảnh – có thể tăng cường quảng cáo rùm beng cho các chế độ chuyên quyền để thao tác nhận thức của các công dân của nó. Vi mục tiêu cuối cùng sẽ cho phép các chế độ chuyên quyền cắt sửa nội dung nhằm đến những cá nhân hoặc những bộ phận xã hội cụ thể, đúng như thế giới thương mại dùng các đặc tính nhân khẩu học và hành vi để đưa quảng cáo đến từng đối tượng cụ thể. Các thuật toán được vận hành bằng AI sẽ cho phép các chế độ chuyên quyền đưa đến các vi mục tiêu là các cá nhân những thông tin nhằm tăng cường sự ủng hộ của họ đối với chế độ, hoặc tìm cách phản tác dụng các nguồn bất mãn. Tương tự, việc sản xuất giả mạo sâu sẽ dễ dàng làm mất uy tín những lãnh đạo đối lập, và sẽ làm cho công chúng thêm khó khăn để biết cái gì là thật, gieo rắc nghi ngờ, hỗn loạn, và thờ ơ vô cảm.

Các công cụ kỹ thuật số thậm chí có thể giúp các chế độ bằng cách tạo cho chúng bộ mặt có vẻ ít đàn áp và dễ có cảm tình trước các công dân của chúng. Trong một số trường hợp, các chế độ chuyên quyền đã sử dụng các công nghệ mới để bắt chước các yếu tố của nền dân chủ như tham dự và tranh luận. Chẳng hạn một số quan chức địa phương của China đang sử dụng Internet và truyền thông xã hội cho phép công dân nói lên những ý kiến của họ trong những cuộc điều tra dư luận trên mạng hoặc thông qua các kênh tham dự dựa trên KTS. Một nghiên cứu năm 2014 của nhà khoa học chính trị Rory Truex gợi ý rằng những sự tham gia trên mạng như thế nâng cao nhận thức của công chúng về Đảng Cộng sản China trong số những công dân ít học. Các website tư vấn, như cổng thông tin “You Propose My Opinion” của chế độ làm cho công dân cảm thấy rằng tiếng nói của họ có giá trị mà không cần chế độ phải tiến hành cải cách thật sự. Bằng cách bắt chước các yếu tố của nền dân chủ, các chế độ chuyên quyền có thể làm tăng sự hấp dẫn đối với các công dân và làm xẹp áp lực từ dưới lên đòi thay đổi.

CÁC CHẾ ĐỘ CHUYÊN QUYỀN BỀN VỮNG

Vì các chế độ chuyên quyền đã học được cách dung nạp các công nghệ mới, nên chúng đã trở thành mối đe dọa ngày càng ghê gớm đối với nền dân chủ. Đặc biệt, các nền độc tài ngày nay đã trở nên sống lâu hơn nhiều. Từ năm 1946 đến năm 2000 – năm các công cụ kỹ thuật số bắt đầu nảy nở – các nền độc tài tiêu biểu cai trị được khoảng mười năm. Từ năm 2000, con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên gần 25 năm.

Dường như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ không chỉ có lợi cho tất cả các nền độc tài, mà các phân tích kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy những chế độ chuyên quyền nào dựa nhiều hơn vào đàn áp KTS thì sống lâu nhất. Từ năm 2000 đến năm 2017, 37 trong 91 nền độc tài đã kéo dài hơn một năm sụp đổ; những chế độ đã tránh được sụp đổ có mức độ đàn áp KTS cao hơn nhiều so với những nước sụp đổ. Lẽ ra phải chịu thua những gì có vẻ như là thách thức sống còn đối với quyền lực của chúng – sự xuất hiện và mở rộng của các công nghệ mới – thì nhiều nền độc tài dùng đòn bẩy của các công cụ này theo cách ủng hộ cho sự thống trị của chúng.

Cảnh sát trên đường ngăn cản các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Phnom

Penh, Cambodia, tháng Chín, 2013. Justin Mott / The New York Times ​/ Redux

Mối đe dọa đang lớn lên từ các cuộc biểu tình đã không mất đi trong các chế độ chuyên quyền ngày nay. Trong quá khứ, khi chúng sợ các cuộc đảo chính, phần lớn những lãnh đạo như thế dựa vào các chiến thuật “phòng ngừa đảo chính” như trá lương thật cao cho lực lượng an ninh để có được lòng trung thành của họ, hoặc luân chuyển giới chóp bu quân đội sang các chức vụ chính quyền

Facial recognition technology in use at a railway station in Wuhan, China, August 2017.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng trong ga xe lửa ở Vũ Hán,

China, Tháng Tám 2017. Xiong Qi / Xinhua / Eyevine / Redu​x.

Hơn nữa, chính phủ China sử dụng công nghệ để hoàn thiện các hệ thống kiểm duyệt của nó. chẳng hạn AI, có thể lọc qua một khối lượng cực lớn các hình ảnh và văn bản, chọn và chặn những nội dung mà chế độ không ưa thích.

Các file lưu trữ của cảnh sát mật Đông Đức, Stasi, ở Berlin, Đức, Tháng Mười

2019. Stefan Boness /Panos Pictures / R​edux

Mặc dù các chế độ chuyên quyền từ lâu đã dựa vào đàn áp ờ các mức độ khác nhau để chống đỡ cho các mục tiêu của chúng, ngày nay việc các chế độ chuyên quyền có thể có được khả năng đàn áp này đánh dấu sự tách rời quan trọng khỏi các nhà nước cảnh sát trong quá khứ. Chẳng hạn, việc xây dựng tính hiệu quả và khả năng xâm nhập khấp nơi của Stasi Đông Đức không phải là việc có thể làm xong trong một đêm. Chế độ đã phài nuôi dưỡng lòng trung thành của hàng ngàn cán bộ, huấn luyện họ và chuẩn bị cho họ dấn thân vào việc theo dõi trên mặt đất. Đa số các chế độ độc tài đơn giản không có khả năng tạo ra một hoạt động rộng lớn đến như thế. Theo một báo cáo, ở Đông Đức cứ 66 công dân thì có một mật vụ. Tỉ lệ trong phần lớn các nước độc tài hiện thời nhỏ hơn nhiều. Đúng là ở Bắc Triều Tiên – có lẽ được coi như nhà nước cảnh sát mạnh nhất nắm quyền hiện nay – tỉ lệ nhân viên an ninh nội bộ và chỉ điểm trên công dân là 1 trên 40 – trong khi ở Iraq thời Saddam Hussein là 1 trên 5090, Chad thời Hissène Habré là 1 trên 10.000. Trong thời đại KTS các nước độc tài không cần tập hợp một nhân lực khổng lồ như thế để theo dõi và giám sát các công dân của chúng.

Trái lại, các nền độc tài khao khát có thể mua được những công nghệ mới, huấn luyện một nhóm nhỏ quan chức về cách sử dụng chúng – thường với sự trợ giúp của các tác nhân bên ngoài, như China – và họ đã sẵn sàng. Chẳng hạn, Huawei, một hãng viễn thông China có sự hậu thuẫn của nhà nước, đã triển khai công nghệ giám sát KTS của nó trên hàng chục nước độc tài. Năm 2019, các báo cáo rộ lên rằng chính phủ Uganda đã sử dụng nó để hack các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và truyền thông điện tử của các đối thủ chính trị của nó. Người bán các công nghệ như thế không phải lúc nào cũng sống trong các nước độc tài. Các hãng Israel và Italy cũng bán các phần mềm giám sát cho chế độ Uganda. Các công ty Israel đã bán các phần mềm gián điệp và thu thập thông tin tình báo cho một số chế độ độc tài trên khắp thế giới, trong đó có Angola, Bahrain, Kazakhstan, Mozambique, và Nicaragua. Và các hãng Mỹ cũng đã bán công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho các chính phủ ở Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

DỐC TRƠN

Vì các nền độc tài sống lâu hơn, số chế độ như thế tồn tại tại bất kì thời điểm nào có thể tăng lên, khi một số nước dân chủ rơi vào suy thoái. Mặc dù số nước độc tài trên toàn cầu không tăng lên trong những năm gần đây, và số người sống trong các nước tổ chức bầu cử tự do và công bằng nhiều hơn bao giờ hết, nhưng chiều hướng đang xoay chuyển. Các số liệu mà Ngôi nhà Tự do thu thập được cho thấy, chẳng hạn, từ 2013 đến 2018, mặc dù có ba nước chuyển từ trạng thái “tự do một phần” sang “tự do” (the Solomon Islands, Timor-Leste, và Tunisia), thì lại có bảy nước ngược lại chuyển từ trạng thái “tự do” sang “tự do một phần” ” (Cộng hòa Dominica, Hungary, Indonesia, Lesotho, Montenegro, Serbia, và Sierra Leone).

Nguy cơ công nghệ sẽ dẫn đến một làn sóng chuyên quyền thật đáng lo ngại bởi vì nghiên cứu kinh nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra rằng, ngoài việc ủng hộ những chế độ chuyên quyền, các công cụ KTS còn liên hệ với nguy cơ đang tăng lên về tình trạng dân chủ suy thoái trong những nền dân chủ mong manh dễ vỡ. Các công nghệ mới đặc biệt nguy hiểm cho các nền dân chủ non yếu, bởi vì nhiều công cụ KTS này có tác dụng hai mặt: công nghệ có thể năng cao hiệu quả của chính phủ và tạo khả năng đối phó với những thách thức như tội phạm và khủng bố, nhưng dù ban đầu các chính phủ có ý định gì với những công nghệ như thế, họ vẫn có thể dùng các công cụ ấy để bịt mồm và hạn chế hoạt động của các đối thủ của họ.

Đẩy lùi sự mở rộng của chế độ chuyên quyền KTS sẽ đòi hỏi xử lí những tác động bất lợi của các công nghệ mới trên sự cai trị của cả các nền độc tài lẫn các nền dân chủ. Như bước đầu tiên, Hoa Kỳ nên hiện đại hóa và mở rộng lập pháp để bảo đảm rằng Hoa Kỳ không cho phép lạm dụng các quyền con người. Một báo cáo tháng Mười Hai năm 2019 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (tại đây một trong ba chúng tôi là nhà nghiên cứu hạng senior) nhấn mạnh nhu cầu Quốc hội hạn chế việc xuất khẩu các phần cứng có gắn các ‘công nghệ nhận dạng sinh trắc học nhờ AI’, như nhận dạng khuôn mặt, giọng nói, dáng đi; áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và các thực thể cung cấp công nghệ giám sảt, huấn luyện hoặc trang bị cho các chế độ chuyên quyền dính líu vào những vụ vi phạm quyền con người; và xem xét ra luật để ngăn ngừa các thực thề Mỹ đầu tư vào các công ty đang chế tạo các công cụ AI phục vụ cho đàn áp, như công ty China AI Sense Time.

Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong lĩnh vực AI theo cách phù hợp với các giá trị dân chủ.

Chính phủ Mỹ cũng sử dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu cho phép Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt các cá nhân ngoại quốc dính líu đến những vụ vi phạm quyền con người, trừng phạt những người ngoại quốc tham gia hoặc tạo điều kiện cho những vụ vi phạm quyền con người có sự trợ giúp của AI. Các quan chức Đảng Cộng sản China chịu trách nhiệm về những hành động hung bạo ở Tân Cương rõ ràng là những ứng viên cho những cuộc trừng phạt như thế.

Các hãng của Mỹ và các nhóm xã hội dân sự nên theo đuổi các hoạt động làm giảm nhẹ những tác động xấu tiềm tàng của việc bùng phát công nghệ giám sát, đặc biệt trong các nền dân chủ non yếu. Những cam kết như thế nên tập trung vào việc củng cố các khung chính trị và pháp lý chi phối cách sử dụng các công nghệ giám sát và xây dựng khả năng của xã hội dân sự và các tổ chức canh giữ để ngăn chặn chính phủ vi phạm.

Điều có lẽ là quan trọng nhất, là chính phủ Mỹ phải bảo đảm chắc chắn dẫn đầu trong lĩnh vực AI và giúp định hướng các tiêu chuẩn toàn cầu trong việc sử dụng nó theo các cách phù hợp với các giá trị dân chủ và tôn trọng các quyền con người. Điều ấy trước hết và trên hết có nghĩa là Mỹ phải có được quyền này trong nước, tạo ra một mô hình mà nhân dân toàn thế giới muốn noi theo. Hoa Kỳ nên hành động liên kết với các nền dân chủ cùng khuynh hướng để phát triến một tiêu chuẩn cho giám sát KTS tạo cân bằng quyền lực giữa an ninh và tôn trọng quyền riêng tư và các quyền con người. Hoa Kỳ cũng sẽ cần phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác cùng khuynh hướng để thiết lập và củng cố các quy tắc, kể cả bằng cách khôi phục lại sự lãnh đạo của Mỹ trong các tổ chức đa phương như Liên Hiệp Quốc.

AI và các sáng kiến công nghệ khác là hứa hẹn to lớn cho sự cải thiện cuộc sống hằng ngày, nhưng nó rõ ràng đã củng cố sự kìm kẹp của các chế độ chuyên quyền. Áp bức bằng KTS đang mạnh lên trong các nước như China đưa ra một cảnh tượng lạnh lẽo về tình trạng không ngừng bành trướng kiểm soát và thu hẹp quyền tự do cá nhân.

Nhưng đó không nhất thiết là cảnh tượng duy nhất. Trong ngắn hạn, thay đổi nhanh chóng của công nghệ dễ tạo ra tương quan mèo-vờn-chuột khi các công dân và chính phủ đua nhau giành thế thượng phong. Nếu lịch sử có sự dẫn hướng nào đó, thì tính sáng tạo và tính trách nhiệm của các xã hội mở trong dài hạn sẽ cho phép các nền dân chủ lèo lái hiệu quả hơn cái thời đại của chuyển hoá công nghệ này. Đúng như các nền độc tài chuyên chế hôm nay đã tiến lên nắm những công cụ mới, các nền dân chủ cũng phải phát triển những ý tưởng mới, những quan điểm mới, và quyền lãnh đạo để bảo đảm rằng hứa hẹn của công nghệ mới trong thế kỉ hai mươi mốt không trở thành một tai họa.