Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 201): Mùa biển động (4)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 1

Chương 1 – Chương 13

NHỮNG ĐỢT SÓNG NGẦM

Chương 7

Ông Thanh Tuyến hấp tấp xuống cầu thang ra ga-ra lấy xe thì bà vợ ngồi ngoài cửa hiệu gọi:

– Mình đi đâu đấy?

Ông phải dừng lại, hơi bực dọc. Nhưng chợt nhớ đến niềm ham hở thúc giục ông ra đi, ông

Thanh Tuyến tươi cười bảo vợ:

– Tôi lại đằng này có chuyện cần lắm!

Bà Thanh Tuyến đổi giọng cáu kinh:

– Cần với chả cần! Hôm nay ông đem xe lên trường Đồng khánh chở cái ampli và mấy cái loa về ngay đây cho tôi.

Ông Thanh Tuyến chỉ ngạc nhiên có một thoáng. Sau đó, ông lấy vẻ kẻ cả nghiêm trang bảo bà:

– Mình chừng này tuổi đầu mà còn như con nít. Chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà thôi.

– Nhỏ à? Cái ampli không thôi đáng giá cả lượng vàng, chưa kể bốn cái loa Nhật loại lớn.

– Thì cứ cho là hai hoặc ba lượng đi. Mình thử đánh giá gia sản của mình gồm nhà cửa, xe cộ, máy móc, tiền bạc và tư trang của mình, lên được bao nhiêu?

– Chuyện đó ăn nhập gì đến mấy cái loa?

– Sao lại không? Mình đọc mấy số báo Lập Trường của con chưa?

– Cái kính của tôi lại đâu mất, tìm không ra!

– Ấy, vì chưa đọc nên mình chưa thấy cái tai họa tầy đình có thể đang rình rập đâu đó quanh nhà mình.

Bà Thanh Tuyến mất kiên nhẫn gắt:

– Ông đừng hòng dọa được tôi. Có mê mạt chược thì đi đi!

– Không phải chuyện trẻ con đâu. Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh cơ mà! Này, hiện giờ Mặt trận Cứu quốc và tờ Lập Trường đang phát động phong trào truy lùng bọn “Cần lao Nhân vị”. Ai là Cần lao tay chân Nhu Diệm Cẩn đây?

– Thì lên Ty Cảnh sát mà hỏi!

Đúng là lời đàn bà! Việc gì họ phải cần đến mấy ông cảnh sát, họ chỉ cần lập luận đơn giản: Tay chân ông Cẩn tất nhiên phải giàu. Ở Huế ai là kẻ giàu đáng nên ngờ hè? Chỉ cần tìm ra những ai có máu mặt đi xe hơi…

Ông Thanh Tuyến chưa cần nói hết, bà vợ đã xanh xám mặt mày. Ông nói đúng quá. Gia đình bà đang ngồi trên lửa mà bà cứ bình chân như vại không hay biết gì. Nhưng bà chợt nhớ đến đứa con trai từng làm khổ bà mấy năm nay. Bà vội nói:

– Nhưng thằng Tường làm lớn với người ta chẳng lẽ…

Ông Thanh Tuyên cướp lời vợ:

– Mình không nhớ những lần nó nói về cái xe hơi Toyota hay sao. Nó đã dám gọi tôi là “thằng nhà giàu bần tiện chạy xe bằng mồ hôi và máu của dân lao động”.

Bà Thanh Tuyến chới với, giọng nói run rẩy như sắp khóc:

– Ghê quá, bây giờ làm sao hở mình?

Ông Thanh Tuyến cười tự đắc, ưỡn ngực làm oai với vợ, rồi nói:

– Tôi đã có cách. Thánh nhân xưa đã dạy cái gì cũng phải “tiên hạ thủ vi cường”. Chết, suýt nữa tôi quên. Mình có thấy tôi để tờ Lập Trường ở đâu không?

Bà vợ ngoan ngoãn dịu dàng hỏi:

– Tôi không thấy, có việc gì đó mình?

– Chắc ở trên lầu. Nhưng không cần, tôi sẽ ghé phố mua tờ khác. Mua vài tờ để biếu bạn bè làm ăn. Lúc nẫy tôi định lấy xe lại đằng anh Toàn đấy.

Bà Thanh Tuyến lọ lắng hỏi:

– Toàn nào? ông làm ở Ty Cảnh sát à?

Ông Thanh Tuyến cười ồ, vỗ vai vợ:

– Không, anh Tôn Thất Toàn thầu khoán ấy mà. Hôm sinh nhật con Như, anh ấy có đến một chút rồi đi, mình không nhớ sao?

– Có phải cái ông thầu khoán từng bị ông Cẩn đem bỏ tù mấy tháng vì cạnh tranh gì đó không?

– Phải, phải. Hắn có trung tướng Đính thì mình có kém thế đâu. Nhiều khi vua xa không bằng quan gần. Hùn hạp làm ăn với hắn được đấy.

Bà vợ chưa hiểu gì nhiều, nhưng đã bắt đầu tin ở tầm nhìn xa của chồng. Tuy vậy khi ông Thanh Tuyến rút chùm chìa khóa ra khỏi túi quần dợm bước về phía ga-ra, bà vẫn gắng dặn:

– Tuy vậy vòng về mình cứ thử ghé lại trường Ðồng khánh. Biết đâu họ đã tìm được bộ ampli khác tốt hơn. Bộ của mình mảnh khảnh chỉ dùng trong nhà. Ông gắng nhá!

Ông Thanh Tuyến mỉm cười, lắc đầu chầm chậm tỏ vẻ thưong hại bao dung cho vợ. Bà Thanh Tuyến thấy chồng không giận, năn nỉ:

– Mình nhớ nhá, mình nhá!

Suốt thời gian rộn rã sôi động đó, cửa hiệu Thanh Tuyến chỉ có một mình bà chủ trông nhà. Chị Gái lo đi chợ nấu ăn, thằng Bá giúp việc lặt vặt cũng ở nhà đấy, nhưng chị Gái ra chợ Đông ba mải nghe các chị tiểu thương bàn về hiện tình đất nước nên “thao thức bồi hồi” mãi không về sớm được. Thằng Bá thì cứ chờ bà chủ quay đi là ra đứng ngoài hè phố lóng ngóng xem có đám biểu dương lực lượng nào không?

Cảnh nhà hoàn toàn bị xáo trộn. Quỳnh Trang đã vào Sài gòn học lại, Tường ít khi về nhà trừ trường hợp phải chở bằng Vespa về đống quần áo dơ bẩn cho thằng Bá giặt, và mang đi hàng ký đường, cà phê, hàng tút nguyên thuốc lá Capstan, Craven A của ông Thanh Tuyến. Quỳnh Như cũng “bận công vụ”. Chức phó tổng thư ký đặc trách ngoại vụ đòi hỏi nàng chạy cả ngày ngoài đường, ở đâu cũng nghe tiếng Solex nổ lẹt đẹt của Quỳnh Nhu: tòa báo Lập Trường, Viện Đại học, trụ sở tạm thời của Mặt trận Nhân dân Cứu quốc đặt ở Đại học Y khoa, đài truyền thanh “Tiếng nói của những người thao thức trước hiện tình đất nước” đặt trên lầu khách sạn Morin cũ, văn phòng tổng giám thị nơi Quỳnh Như thường xuyên lên can thiệp với nhà trường để các “chị Mặt trận” được nghỉ học lo việc chung mà khỏi phải bị hạch hỏi giấy phép, và dĩ nhiên cửa hiệu radio Thanh Tuyến nơi cung cấp tiền mua xăng, tiền ăn bún bò, tiền ô mai và tiền mua kẹo Nougat, tiền cà phê đủ bao cho tất cả những cô cậu công tác chung với “chị phó tổng thư ký đặc trách ngoại vụ”. Phải, bây giờ người ta không gọi Quỳnh Như là “con bé lắm mồm lắm miệng”, là “Quỳnh Như radio bốn băng”, là “Như lanh chanh” nữa. Như đã khoái chí và quen tai với cách gọi “chị phó tổng thu ký ngoại vụ”, gọi gọn hơn thì “chị ngoại vụ”.

– Chị ngoại vụ ơi! có điện thoại của Y khoa. Hình như Bác sĩ Chủ tịch muốn gặp chị đấy!

– Chị ngoại vụ ơi! Tòa báo cần gặp chị!

– Chị ngoại vụ ơi! Ðài vừa gọi chị gửi gấp bài để kịp thu băng tối nay!

– Chị ngoại vụ ơi! Còn kẹo Nougat không?

– Chị ngoại vụ ơi! Lâu quá tụi mình chưa đi thăm mụ Rớt.

***

Quỳnh Như đen ra, nhưng chưa bao giờ được sống những ngày náo nức như vậy. Lần đầu tiên trong đời được hưởng vị say sưa của “thao thức”, vị ngọt của “hy sinh”, vị nồng nàn của “cứu quốc”, cô bé như người đi trong mơ. Tội nghiệp chị Quỳnh Trang! Nếu chị ấy học trễ lại một năm , có phải hai chị em được chở nhau trên Solex để hy sinh cứu quốc hay không! Sao chị ấy cứ đòi vào Sài gòn. Sợ bỏ mất chương trình sau này theo không kịp! Hiện tình đất nước thế này, bọn Cần lao còn mai phục giấu mặt chờ cơ hội phục thù thế này, nhân dân vùng lên đòi quyền dân chủ thế này, mà còn ngồi mò mẫm tẩn mẩn ba cái rễ cây, ba cái công thức hóa học. Tội nghiệp chị quá! Giá có chị Trang ở đây nhỉ!

Mấy lần Tường đi Vespa vào Ðà nẵng lo chuyện phát hành báo Lập Trường và chuẩn bị thành lập Mặt trận tại thành phố cảng quan trọng  bậc nhì toàn quốc này. Mỗi lần như vậy Quỳnh Như ham vui đòi đi theo anh. Tường nhất định từ chối. Tường còn phải đèo “anh em” ở yên sau để vào trong đó chung lo công việc cho chóng còn về Huế. Dù Tường không phải đèo ai, thầy me Quỳnh Như cũng không cho phép con gái mạo hiểm như vậy. Lên đèo xuống đèo Hải vân vào mùa đường trơn trượt, lại hay gặp các đoàn công-voa đổ quân tăng viện cho mặt trận phía Bắc vùng I chiến thuật, bà Thanh Tuyến chỉ nghĩ tới đã rùng mình rồi!

Nhưng đến khi Ông Thanh Tuyến cùng với “bác Toàn” (ít lâu nay ông vẫn gọi người bạn mới một cách thân ái như vậy) đi Toyota vào Đà nẵng quan sát các công trường xây cất còn bỏ dở để đấu thầu (theo kế hoạch làm ăn của ông Toàn), Quỳnh Như nằng nặc đòi đi cho được.Ông Thanh Tuyến ngạc nhiên hỏi:

– Con không lo học thi à? Cuối năm thi bán phần rồi, sao cứ xách Solex chạy tà tà hoài vậy?

Quỳnh Như cười đáp:

– Con có học các cô cũng không dạy được. Trường như cái chợ tấp nập kẻ ra vô, dạy sao nổi.
Mà các cô có dạy học trò cũng không học nổi.

– Vắng không xin phép mà được à?

Quỳnh Như hãnh diện nói:

– Các cô Đồng khánh nể con lắm. Chị Phó Ngoại vụ mà thầy!

Tường biết ý định của em gái, chẳng những không chau mày như thường lệ (Tường ghét các trò chơi lăng nhăng của bọn con gái nhà giàu) mà còn vui mừng khuyến khích:

– Phải đấy, luôn tiện cho anh gửi lá thư cho anh em trong đó.

Rồi mắt Tường sáng hẳn lên khi e dè hỏi em:

– Quỳnh Như này?

– Dạ?

– Em có đủ bạo dạn để nói trước đám đông không?

Quỳnh Như hơi chùn bước, nhưng cứ hỏi tiếp:

– Nói với những ai thế anh? Nữ sinh hay các chị tiểu thương?

– Không, nói với bọn con trai kia. Anh hay vài anh em nào đó đến các trường con trai vận động thì quá thường rồi. Nữ sinh Đông khánh mà vận động nam sinh Phan Chu Trinh, em cứ tưởng tượng xem. Hào hứng biết mấy!

Quỳnh Như le lưỡi chùn vai nói:

– Thôi thôi! Em chịu thua!

-“Chị Ngoại vụ” của Đồng khánh mà yếu thế à?

Quỳnh Như ngửng phắt lên, chau mày nhìn anh.

– Anh khinh tụi em, vừa vừa thôi chứ!

– Quỳnh Như vừa nói “chịu thua” đấy kìa!

Cô em cãi chầy cãi cối:

– Em bảo “chịu thua” là không thể nào nói cho hào hùng, cho trầm bổng như các anh bên đài truyền thanh. Tụi em kiến thức ít, riêng Quỳnh Như anh biết rồi, nghĩ đâu nói đó sợ không có mạch lạc trước sau. Nhưng chỉ cần hô hào cho người ta tham gia, như mấy lần em hô hào trên micro nhà trường để họ mua thêm báo, thì dễ ợt.

– Vậy đồng ý đi nhé! Có chắc không, để anh còn lo đi hỏi ý kiến Bác sĩ Chủ tịch.

Nghe nói đến Bác sĩ Chủ tịch, Quỳnh Như hãnh diện, nhưng cũng hơi lo ra. Biết có làm được việc không? Ban đầu chỉ muốn quá giang xe thầy  đi chơi một chuyến Ðà nẵng, ai ngờ anh Tường lại quàng thêm cho trách nhiệm lịch sử trọng đại quá.

Tường thấy em gái do dự, chán nản nói:

– Thôi! Mày đem áo tắm vào đó để tắm biển rồi dạo phố, rồi đi ăn hiệu Thời Đại với thầy, rồi đi mua nem ga về cho me, rồi về trường mặc sức nói dóc với tụi bạn bè.

Quả nhiên Quỳnh Như bị mắc bẫy. Nàng tức giận chìa tay ra nói:

– Thư giới thiệu đâu, đưa em ngay.

Tường cười:

– Đâu mà sẵn vậy. Chiều nay có ngay. Mai thầy đi sớm phải không?

– Em nghe nói vậy. A anh Tường này!

Tường thấy em gái cười bẽn lẽn tưởng Quỳnh Như thối lui. Anh hỏi:

– Cái gì nữa?

– Em rủ con Diễm “Nội vụ” của em cùng đi được không?

– Run hả?

– Không phải. Nhưng có hai đứa, có hai đứa vẫn đỡ… run hơn.

Cuối cùng Quỳnh Như đành thú thật vậy. Hai anh em đều cười.

***

Tường cho hai cô gái địa chỉ một bạn giáo sư Sử địa trường Phan Chu Trinh, và đưa cho Quỳnh Như lá thư dày cộm ngoài bì thư có in hàng chữ đậm mầu đỏ: Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Thành phố Huế. Văn thư số 05/KC. Tường dặn dò:

– Em vào tới Ðà nẵng xin thầy cho xuống xe ở đưòng Phan Thanh Giản, rồi hỏi đường tới trường Bồ đề. Phải, anh không lầm đâu, anh Lâm vừa dạy Phan Chu Trinh vừa dạy Bồ đề, em đến buổi chiều nên tới địa chỉ nhà không gặp anh ấy đâu. Em vào trường xin gặp cho được anh Lâm. Nhớ hỏi cho kỹ Lâm Sử địa kẻo lầm với Lân dạy Anh văn. Một bên Lâm với chữ M, và một bên Lân với chữ N. Nếu anh ấy nói giọng Quảng trị thì đúng. Mời anh ấy ra ngoài phòng giáo sư chứ đừng đưa cái bì thư này cho nhiều người thấy. Chờ anh Lâm đọc xong, rồi hỏi xem kế hoạch ngoài này đề nghị có gặp trở ngại gì không. Có thể anh ấy nhìn em, không tin em làm nổi việc lớn. Em cứ xưng là em gái của anh, còn Diễm thì cứ xưng là em gái Ngô, vì Lâm biết Ngô. Chương trình làm việc đều tùy thuộc sắp đặt của anh Lâm. Còn hỏi gì thêm không?

Diễm rụt rè hỏi:

– Tối đó tụi em ngủ ở đâu?

Tường chưa hiểu, hỏi lại:

– Ngủ ở đâu à?

Diễm đỏ mặt giải thích:

– Vì tụi em đã xuống khỏi xe của bác ở trường Bồ đề. Chắc chắn bác và ông Toàn chạy đi lo việc riêng. Hai đứa em đâu có chỗ nào nữa để qua bữa tối.

Tường chợt nhớ ra một điểm quan trọng. Chàng vẫn quen suy nghĩ đơn giản theo lối con trai độc thân: miễn có ít tiền, còn ăn đâu ngủ đâu mà chẳng được. Gần một tháng nay, có bao giờ chàng thắc mắc tự hỏi bữa cơm sắp tới chàng sẽ ăn gì, đêm nay chàng ngủ ở đâu! Nhưng đối với “nữ cán bộ” đi công tác xa phải khác chứ! Chàng vỗ trán phân bua:

– Ờ nhỉ, anh quên mất! Ngủ khách sạn thì không tiện. Ði kè kè theo hai nhà thầu, nghĩa là dùng xe Toyota đi vận động cách mạng thì có khác nào làm trò hề! Thôi, để anh viết vài chữ thêm cho Lâm để hắn lo.

Quỳnh Như lo lắng hỏi:

– Còn nếu như không gặp anh Lâm?

Tường gắt;

– Sao lại không gặp. Không gặp thì còn chuyện gì đâu để làm, vì có gặp Lâm trong đó mới tổ chức buổi nói chuyện được.

Hai cô gái không dám hỏi nữa, tuy vẫn còn lo.

Theo đúng lời Tường dặn, họ xin dừng lại ở đường Phan Thanh Giản để hoặc đi bộ, hoặc đi xe cyclo đến Bồ đề (Tường không muốn chiếc Toyota dừng lại trước cổng trường để hai cô học sinh Ðồng khánh bước xuống trước cái nhìn tò mò của dân Ðà nẵng). Ông Thanh Tuyến có thắc mắc về công tác của hai cô gái, nhưng từ lâu nay, Tường đã trở thành niềm hãnh diện ông khoe khoang khắp nơi, nên công tác của Tường giao cho hai cô cũng được ông kính nể. Hai nhà thầu hỏi hai cô bé cần gì thêm không, ngày mai hẹn gặp lại ở đâu để về Huế.

Quỳnh Như kiêu hãnh nói với cha:

– Anh Tường đã lo liệu đủ mọi thứ cho con. Thầy đừng lo. Công việc xong, anh em trong này sẽ lo cho tụi con về.

Ông Thanh Tuyến liếc nhìn ông Toàn, cười rồi nói:

– Thầy biết thế nhưng cứ hỏi cho chắc. Hai con làm việc thành công nhé.

– Vâng ạ!

– Chào hai bác ạ.

Xe sắp sửa chạy thì Quỳnh Như hốt hoảng gọi:

– Thầy ơi!

Ông Thanh Tuyến thắng xe lại hỏi:

– Cái gì thế?

Quỳnh Như đỏ mặt nói nhỏ:

– Thầy cho con vài nghìn bạc.

Ông Thanh Tuyến kinh ngạc hỏi:

– Tường nó không đưa cho con à?

– Anh ấy cũng hết cả tiền, bảo con xin me. Con sợ không dám.

Hai ông bạn già cười xòa. Ông Toàn mau mắn rút bóp hỏi:

– Cháu cần bao nhiêu? Năm nghìn nhé?

Ông Thanh Tuyến nhất định từ chối hộ con:

– Không. Đây là phần gia đình tôi phải đóng góp cho việc chung. Bác không giành được.
Con cầm lấy. Thầy đưa bảy nghìn, đề phòng có trường hợp bất ngờ.

Chiếc Toyota chạy rồi, hai cô gái mới thấy mình bơ vơ giữa phố xá Đà nẵng. Họ hối hận đã nhận lời Tường, hối hận đã để cho chiếc Toyota chạy đi xa. Quỳnh Như đột nhiên thấy khát.

Nàng đề nghị với Diễm:

– Chưa tới một giờ chiều. Mình tới sớm trường chưa mở cửa. Tìm cái gì uống đi. Mày có đói không?

– Không. Chỉ khát thôi.

Họ dẫn nhau vào một cái quán giải khát bên trạm canh của cảnh sát, gọi hai chai Coca ướp lạnh. Vì đi vội quá không cô nào mang theo quần áo để thay đổi, nên dù mồ hôi đẫm ướt lưng áo, họ đành ngồi chịu trận, lâu lâu lấy bì thư phe phẩy cho mát rồi cười thẹn với nhau. Chú bồi bàn không hiểu hai cô khách thuộc loại nào, gái đàng hoàng hay gái quê lên tỉnh tìm chỗ bán bar, nên cứ liếc chừng theo dõi họ. Lúc tính tiền, chú liếc lên cái phong bì in chữ đỏ, giá vờ ho, rồi liếc nhìn lần nữa.

Quỳnh Như và Diễm không thuê xe cyclo, chỉ đi bộ đến trường Bồ đề để chờ đúng giờ học sinh đã vào học. Không biết đường nên họ đi quanh khá xa, và họ đến trường Bồ đề lúc kẻng đánh báo hiệu hết giờ học thứ nhất. Quỳnh Như bị bạn đẩy vào văn phòng để hỏi thăm Lâm. Nhà sư trẻ giữ chức giám thị dò lên cái thời khóa biểu chi chít bảng xanh bảng đỏ một hồi mới biết đúng là Lâm có giờ chiều nay ở lớp Tam B2. Nhà sư nhờ một em học sinh lên lớp Tam B2 mời giáo sư Lâm xuống. Lại chờ một hồi nữa để được biết, thầy Lâm bận việc nhà đã xin phép nghỉ từ sáng hôm qua.

Hai cô mếu máo ngay giữa văn phòng, làm cho nhà sư hốt hoảng hỏi:

– Có việc gì cần lắm hả? Nhà có đám tang hay tin buồn?

Quỳnh Như cười gượng đáp:

– Dạ không.

Nhà sư chưa hết ái ngại, hỏi thêm:

– Tôi tìm địa chỉ thầy Lâm cho hai cô nhé!

Diễm vui mừng nói:

– Dạ, cảm ơn thầy.

Nhà ông Lâm ở tận trong hẻm, số nhà chồng chất hai ba lớp, hơn nữa, nhiều nhà mới xây tự đánh số lấy nên tìm mãi hai cô vẫn không thấy số 120/12/3bis. Mồ hôi đổ ra như tắm, lại thêm bụi đường, nên quần áo họ nhem nhuốc.

Họ đang lớ ngớ tìm số nhà Lâm thì có hai thanh niên đèo Goebel dừng trước mặt họ. Một người hỏi:

– Cô tìm nhà ai thế?

Quỳnh Như vui mừng đáp:

– Anh có biết nhà thầy Lâm ở số 120/12/3bis, chỉ tụi em giùm!

Hai thanh niên liếc nhìn nhau. Người lái xe nói:

–  Chỗ có bóng cây kia, cô ạ. Hai cô theo tôi.

Cả hai mừng quá đi theo hai cậu thanh niên. Đến chỗ gốc cây, cậu dắt xe dừng lại, còn người ngồi sau chỉ vào đầu hẻm:

– Hai cô đến chỗ kia, sẽ thấy số nhà l20… Thôi, tôi dẫn luôn cho tiện.

Quỳnh Như và Diễm vừa bước vào hẻm rợp hóng cây thì cậu dẫn đưòng rút con dao sáng lòe giơ lên dí vào tầm ngực hai người, rít giọng đe dọa:

– Tụi mày là đàn em thằng Tường cử vào đây xách động hả? Cứu quốc cái con khỉ! Khôn hồn hãy đưa lá thư đây, rồi chuồn về Huế ngay. Ði!
Họ sợ quá mặt không còn chút máu. Họ líu ríu đưa lá thư, líu ríu trở ra đường lộ, líu ríu kêu cyclo lên bến xe. Ngồi trên chiếc Traction chạy khỏi Đà nẵng rồi, cả hai mới bật khóc vì mừng.

________________________________________

Chương 8

Vì hạt nhân của Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Huế là giáo sư các trường đại học và trung học theo đạo Phật, cho nên khi mở rộng phong trào về các tỉnh lân cận như Quảng trị, Đà nẵng, Quảng ngãi, Bình định v.v… thành phần nòng cốt ở đó vẫn là các giáo sư trung học tỉnh lỵ và tư thục Bồ đề. Nếu chi phối được ban đại diện học sinh công lập lớn nhất tỉnh, thì phong trào phát khởi ở trường nam trung học tỉnh lỵ. Còn nếu không, các cuộc biểu dương lực lưọng xuất phát từ trường Bồ đề. Dù sao, vận động được học sinh công lập vẫn có lợi hơn. Trường tư thục Bồ đề thời đó phần nhiều chưa phát triển lớn, học sinh nhỏ và nghèo không đủ thế giá “lãnh đạo” đối với học sinh các trường khác như Nữ Trung học, Bán công hoặc Nghĩa thục.

Trường La San dĩ nhiên luôn luôn đứng ngoài, tuyệt đối không tỏ thái độ bênh hay chống. Các cha giám đốc trường La San và các thầy chưa kịp hoàn hồn sau cuộc đảo chánh 1-1 1-1963 , nên khéo léo chọn thái độ chờ xem.

Cái gốc Huế của phong trào cũng có nhiều thuận lợi đối với công chức các ngành. Hầu hết công chức cấp trung ở tòa hành chánh, ở các ty sở, ở các trường học đều là dân Huế, hoặc dân Quảng nhưng học ở Huế thành ra trở thành dâu rể của đất thần kinh. Chỉ cần nói lên một cái tên như Bác sĩ Chủ tịch, hoặc giáo sư phụ trách ngoại vụ, là các cụ già nói giọng trọ trẹ ở tòa hành chánh có thể kể vanh vách người đó con cái nhà ai, lúc nhỏ học hành xuất sắc thế nào, ra đời sống liêm chính và chuẩn bị xuất hiện cứu đời theo kiểu gì… Gần như giới công chức, giáo chức các tỉnh miền Trung từ Quảng trị vào Nha trang đều họ hàng nội ngoại với Huế. Các “anh chị em” do Bác sĩ Chủ tịch và Tường cứ đi khắp nơi gặp được sự đón tiếp nồng hậu, sự giúp đỡ tuy dè dặt nhưng chân thành. Chuyện nước thật đấy nhưng khi “thao thức” bên tách trà đậm xét lại tình hình trong nước và thế giới, dự phóng một tương lai, phác họa một niềm hy vọng rạng rỡ, họ thủ thỉ với nhau như chuyện trong nhà.

Tài liệu học tập chính thức của Mặt trận là các số báo Lập Trường. Cố vấn tối cao của “anh chị em” khi họ đến địa phương là các thầy ở chùa Tỉnh hội. Ðối tượng Vận động để tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng tương tự như cuộc biểu dương tại Huế, rồi nhân đó cho ra mắt ban lãnh đạo Mặt trận Nhân dân Cứu quốc ở tỉnh, là học sinh trung học. Những người được gọi là thầy một cách “kính nhi viễn chi” (như thầy giáo, thầy thuốc, thầy chùa) bây giờ xắn tay áo lên vận động chính trị. Cho nên ban đầu các hoạt động ở tỉnh mang rất nhiều sắc thái lãng mạn: giáo sư văn chương được nhờ thảo tuyên ngôn tuyên cáo nên nhiều nơi loa truyền thanh loan đi các bài hịch na ná như “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hoặc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Giáo sư thể dục thể thao được phân giữ trật tự các cuộc biểu tình nên nhiều võ sinh nhu đạo mang áo bố đeo đai đi khệnh khạng hai bên những nữ sinh áo trắng cầm biểu ngữ. Thơ Nhất Hạnh, văn Võ Đình Cường du dưong êm ái với đầy đủ hoa bướm tuyên đọc oang oang ở cửa thiền.

Có thể vì vậy mà quí phu nhân mộ Phật của các tướng tá giữ chức vụ quan trọng ở các tỉnh đều thành tâm hưởng ứng phong trào. Các ông thì án binh bất động, dè dặt và kiên nhẫn chờ xem. Lại thêm một cớ cho người nhát gan trở nên mạnh bạo xin gia nhập Mật trận Cứu quốc “cho vui”!

Tuy nhiên, quanh cái nhân trí thức lãng mạn hoặc ngu ngơ đó, dần dần qui tụ một số người không lãng mạn ngây thơ chút nào: những nhà kinh doanh sạt nghiệp vì tay chân kinh tài của Ngô Đình Cẩn, những nạn nhân của chế độ Ngô Ðình Diệm, những nhân sĩ địa phương nhạy cảm với cơ hội, những nhà tu có lòng tham sân si bị đánh thức và bọn du thủ du thực ưa náo nhiệt. Thời đại mới mau chóng lập ra luật chơi riêng. Tuổi tác, học thức, khả năng nghề nghiệp, kể cả những điều trừu tượng như nhân cách, như khát vọng lý tưởng hoặc ước mơ chân lý, đều không phải là thước đo của uy tín và giá trị. Luật chơi qui định kẻ lôi kéo được đám đông thì nắm mọi quyền năng, và nơi trắc nghiệm giá trị là các cuộc xuống đường, biểu tình hỗn loạn ồn ào. Một cậu học sinh mười bốn, mười lăm tuổi có thể ra lệnh đóng cửa một trường lớn, hoặc một bác sĩ trưởng ty phải ngoan ngoãn lái xe đến trình diện với ban lãnh đạo tạm thời gồm ba bốn cậu trai chưa qua cái tuổi trưởng thành.

Trường hợp các “anh chị em” đặc phái bị đe dọa, bị hành hung như Diễm, Quỳnh Như không phải hiếm. Huế đã quen với những mái âm dương rêu phong và dòng sông trầm lặng, đã quen với những cơn mưa dai dẳng chì chiết, nến khó tưởng tượng được các trái chứng lửa bỏng ở những nơi như Ðà nẵng, Qui nhơn. Huế tưởng khắp nơi sẽ bắt chước Huế mà làm, biểu dương lực lượng một cách vui vẻ như cuộc đi dạo đầu xuân. Huế đã lầm!

***

Ở Qui nhơn, việc đánh thức cái tỉnh lỵ nằm im lìm nghe một bên là sóng biển rì rầm một bên là gió đồng thổi qua nhũng dãy núi trọc, tỉnh lỵ vừa hồi sinh sau cuộc chiến tranh tiêu thổ thời chống Pháp nên lo lắng cơm áo lấn át các thắc mắc siêu hình, nơi tính chất bản năng khơi dậy qua cuộc vật lộn để sinh tồn chưa được thuần hóa bằng đời sống tâm linh phức tạp và thiếu hẳn tính thuần nhất lãng mạn của Huế, việc đánh thức không dễ dàng chút nào. Số “anh em” vào Qui nhơn thấy ngay điều đó lúc vừa bước xuống bến xe đò. Hình như ở đây mọi người đi đứng, ăn nói, vui hay buồn, chán nản hay hy vọng đều vồ vập hơn, hối hả hơn.

Người nào lo phần người nấy, nhà bên cạnh nổi lên tiếng khóc bên này mới biết cô gái hàng xóm vừa thất tình tự vận đêm trước.   Huế đâu có như vậy? Cô ấy vừa trăn trở nhớ thương vu vơ có một đêm, tiếng nan giưòng rên rỉ đã dội khắp các khu lân cận rồi. Cho nên các điều dặn dò của Mặt trận rút kinh nghiệm từ vụ Diễm, Quỳnh Như ở Ðà nẵng đều trở thành thừa.

Từ bến xe về chùa không ai thèm theo dõi. Từ chùa tỏa ra các trường học cũng vậy. Người ta tiếp nhận “sứ điệp” như nghe một gợi ý làm ăn. Mà đã là chuyện làm ăn, thì phải so đo hơn thiệt, lời lỗ. Rắc rối khó khăn bắt đầu từ đó. Cái giọng hùng hồn từng làm nao nao bao nhiêu sinh viên, học sinh Huế trong các trang báo Lập Trường, ở Qui nhơn, người ta nghe quen thuộc quá. So với thời kháng chiến chống Pháp, các tỉnh như Bình định, Quảng ngãi, Phú yên thuộc Liên khu Năm đã từng nghe nhiều bài đanh thép hơn, hùng hồn hơn, khích động mạnh mẽ hơn. Chẳng những đã nghe, họ còn học thuộc lòng ở trường phổ thông, trong các buổi học tập chính trị, trong các cuộc chỉnh huấn, trong các đêm tự phê cải tạo tư tưởng. Những bài văn chính luận trước đây còn in đậm trong tâm trí họ, đến nỗi mỗi lần nhớ lại, họ vừa thầm kiêu hãnh vữa hãi hùng.

Anh em từ Huế vào được các chú các bác công chức gốc Huế chia sẻ nỗi thao thức, nhưng đối với người địa phương, anh em ngỡ ngàng không hiểu gì cả. Tại sao họ lạnh nhạt vậy? Họ có trái tim biết “thao thức trước hiện tình đất nước” hay không? Kẻ nghĩ vội liền tìm giải thích ở lòng tự cao tự đại, xem Qui nhơn như một tỉnh lỵ chưa phát triển cao về văn hóa và chính trị. Người hiểu biết hơn tìm gặp trong vẻ mặt dường như thờ ơ của dân địa phương những lo âu cụ thể và cấp bách hơn: những người nhảy núi từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng luật số 10/59 lần lượt trở về; chức sắc ở thôn xã đêm đêm phải vác chiếu lên ngủ nhờ ở quận lỵ; đường quốc lộ bị đào phá hoặc đắp mô; cầu xe lửa bị giật sập, bệnh viện tỉnh đầy dẫy những bệnh nhân cấp cứu với chân tay, thân thể bầy nhầy bê bết máu, mảnh lựu đạn và mìn bẫy tìm mằn mãi chưa hết; những vụ thanh toán đẫm máu ngay trong từng gia đình; những mảnh khăn tang quấn lệch trên mái tóc khét nắng của trẻ thơ; những khuôn mặt đen đúa ốm o chỉ còn đôi mắt rực lửa hận thù; những xác chết sình chương phơi đến thối ở công viên. Tình hình an ninh xấu đến nỗi chỉ còn cái lõm Qui nhơn, khu vực dây thép gai bao quanh quận lỵ và vài khu vực nằm dọc theo quốc lộ là còn tương đối an ninh vào ban ngày. Giọng văn hịch của tờ Lập Trường làm sao đủ mạnh để làm thức dậy những gương mặt chai đá ấy?

Đến lúc phát động phong trào ở các trường trung học, “anh em” lại gặp các phức tạp khó khăn khác. Ở Huế, Tường chỉ cần dẫn vài ba nam sinh Quốc học với tấm biểu ngữ viết sẵn qua Đồng khánh là đủ phương dựng phân hội Mặt trận tại ngôi trường nữ công lập nổi tiếng này. Sinh viên Y khoa của Bác sĩ Chủ tịch dễ dàng thuyết phục được các cô gái đang học trường Nữ hộ sinh. Đại học Sư phạm bắt tay được dễ dàng với Văn khoa. Luật kề vai sát cánh với Khoa học, dưới tấm áo nâu của nhà chùa. Nhưng ở Qui nhơn không thế! Theo tập chỉ nam soạn vội sơ kết kinh nghiệm ở một vài nơi, “anh em” thu thập tình hình ở chùa Tỉnh hội rồi nhờ một giáo sư huynh trưởng Phật tử đèo xe gắn máy đến gặp các giáo sư Huế ở trường Cường để. Giáo sư gốc Huế cho gọi gấp Ban Chấp hành học sinh ra quán cà phê trước trường. Chỉ cần nửa giờ đồng hồ, mọi chuẩn bị coi như xong xuôi: ai sẽ đánh hồi kẻng báo hiệu giờ hành động đã đến, ai lên phòng giám học mở máy phóng thanh, ai ra câu lạc bộ học sinh để vác biểu ngữ chạy quanh sân trường, ai thuyết phục hiệu trưởng để ông ấy yên tâm không sợ bị liên lụy nguy hiểm, ai được phân đi các lớp để hô hào bãi khóa xuống đường. Nghiêm lệnh là tuyệt đối bất bạo động, nhưng ban đại diện lo xa, phân cả người chuẩn bị đá và gậy, cũng như mua một ít bao ni lông và chanh để chống hơi cay. Tâm lý tuổi trẻ không thích cuộc phiêu lưu an toàn êm ả. Phải có hơi lựu đạn cay và dùi cui mới vui. Họ không chủ động trong việc sử dụng bạo lực đàn áp, thì tìm hướng trong việc chuẩn bị chống đỡ sự đàn áp. Chủ động hay thụ động, cả hai bên đều say sưa hấp dẫn như nhau!

Sáng hôm đó, mọi sự diễn ra ở trường trung học tỉnh lỵ Cường để đúng y như kế hoạch. Học sinh lũ lượt bỏ lớp kéo cả ra sân trường, rồi theo sau mấy tấm biểu ngữ do các chị đệ nhất cầm đi hàng đầu, các cậu đổ ra đường. Đám biểu tình đòi tiêu diệt Cần lao và thực hiện dân chủ đứng im trước cửa trường Cường để khá lâu vì chưa biết theo ngả nào. Ngả tiến ra biển chỉ cách năm mươi thước là đến Tòa Hành chánh và Tiểu khu đã bị dây thép gai chận lại. Giữa đường, trên tấm bảng gỗ treo lủng lẳng trên dây thép gai có viết hàng chữ phấn: MỨC CUỐI CÙNG, NỔ SÚNG. Năm chữ đó tạo phản ứng đam mê ngây say còn hơn cả thuốc phiện đối với dân xì ke. Đám trẻ hiếu động dồn cả về phía Tòa tỉnh. Cảnh sát dã chiến chuẩn bị khiên mây và đeo mặt nạ chống hơi độc. Gạch, đá, gậy gộc được thu thập thêm. Nhưng ban tổ chức kịp thời thuyết phục đoàn biểu tình nên xoay qua ngả phía tay trái. Họ có lý, vì chuyện đại sự cần bình tĩnh và dài lâu. Mới đi được vài chục bước đã khiêu khích cảnh sát để rồi chắc chắn rã ngũ, thì làm sao cả tỉnh đều biết có cuộc biểu dương lớn và làm sao tụ họp được tại sân vận động để ra mắt ban điều hành Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Bình định-Qui nhơn? Sau vài mươi phút do dự, đoàn biểu tình quay lui rồi chia làm ba nhóm: một nhóm theo đường Tăng Bạt Hổ xuống Bồ đề, Nữ trung học, Tân bình, một nhóm ra diễu phố chính Gia long để lập oai với nhân dân, rồi theo đường Phan Bội Châu cũng là phố lớn để trở về lại sân vận động theo đường Võ Tánh. Nhóm cuối cùng này quá lèo tèo vì các cậu học trò mới lớn ở Cường để thích được làm người hùng trước mặt các nữ sinh Nữ trung học, Sư phạm hơn là dẫn một bọn con nít đi dạo phố.

Nhưng cả hai nhóm được ưu tiên cũng không làm tròn nhiệm vụ. Không phải tại họ bất lực. Lý do hoàn toàn khách quan.

Nhóm thứ nhất đi rã cả chân, hò hét rát cả cổ họng mới lên tới trước cổng trường Sư phạm. Nhưng các giáo sinh Sư phạm nhất định không cho họ vào. Các anh các chị học ở đây đều là cậu tú cô tú, lẽ nào chịu để cho bọn nhóc đàn em Cường để giành cờ tiên phong. Phía sân trong khuôn viên rộng rãi có trồng đủ thứ hoa của trường Sư phạm, đã có treo nhiều biểu ngữ viết đẹp hơn cả biểu ngữ Cường để, hàng ngũ chỉnh tề hơn, giọng Huế truyền trên micro được khuếch âm rộng rãi khắp các đồi cát chung quanh “thao thức” hơn, “truyền cảm” hơn, “hùng hồn” hơn. Chán nản la ó một hồi không được gì, họ kéo qua trường Kỹ thuật. Đến nửa đường, họ gặp học sinh Kỹ thuật, gióng trống giương cờ rầm rộ định qua lãnh đạo Cường để!

Nhóm thứ hai cũng không may mắn hơn. Vừa xuống đến trường Bồ đề, họ đã được các thầy áo nâu sồng đón tiếp, hỏi học sinh trường nào để còn xếp chỗ trong buổi biểu dương do thanh niên Phật tử Bồ đề đứng ra tổ chức. Anh em ở Mặt trận Huế vừa xuống xe đò đã đến đây “thỉnh ý” các thầy rồi mới qua Cường để, lẽ nào học sinh Bồ đề chịu lép vế trước trường trung học công lập tỉnh lỵ? Định kéo xuống Nữ Trung học, họ đã gặp các “em gái kết nghĩa” kéo ngược lên định rủ các anh. Trường nào cũng muốn nắm ngọn cờ đầu dù giáo sư hướng dẫn phong trào ở các trường đều là người Huế. Cuộc biểu dương lực lượng ở sân vận động vì thế thật lộn xộn, rời rã… Những bài diễn văn soạn sẵn quá văn hoa và quá dài, nên đọc chưa được một phần tư đã bị tiếng la ó, cười cợt, chòng ghẹo nhau của đám học trò mất trật tự lấp mất. Giọng Huế vốn đã nặng, lên micro rồi bị cái ampli cũ và cái loa bể làm biến giọng đi, lại càng khó nghe. Diễn giả vừa lau mồ hôi vừa rán hét thật lớn. Thính giá cũng lau mồ hôi và nói chuyện riêng. Những tiếng “thao thức”, “dân tộc”, “bất khuất”, “tiên phong” bị gió thổi bạt về hướng ngọn núi trọc, lâu lâu hiện ra rồi lại biến mất. Chỉ có một diễn giả học sinh Kỹ thuật nói cuối cùng được hoan nghênh nhiệt liệt. Không phải vì anh nói hay. Chỉ vì anh nói gọn, vừa nói vừa biết chêm vào những chữ tếu thời thượng như “ác ôn một cây xanh dờn”, “tàn nhẫn vô nhân đạo”, “tinh thần bất khuất đếch sợ ai”, “hãnh diện là dân Giao chỉ..

Cuộc biểu dương rã dần như một hơi khói dưới bầu trời đổ lửa, trong sân vận động bụi bay mù mịt. Ban điều hành lâm thời của Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Bình định Qui nhơn ra mắt trước một đám trẻ con quần áo nhem nhuốc mũi dãi thò lò, và lũ biểu ngữ bị gió cuốn làm quăn lại thành những sợi dây vải nửa trắng nửa đỏ.

Liên tiếp mấy hôm sau có nhiều cuộc biểu dương khác không do Mặt trận đứng ra tổ chức, tuy các câu khẩu hiệu, biểu ngữ, bích chương vẫn có nội dung tương tự. Rất nhiều người lạ mặt mà căn cứ vào quần áo, màu da, giọng nói, cách đi chân đất, có thể đoán họ từ các xã chài lưới mất an ninh bên kia đầm Thị nại chèo ghe qua. Rất nhiều gậy gộc, gạch đá, bọn lưu manh quen hôi của khi có loạn lạc, và bọn trẻ hiếu kỳ. Nhiều cửa hiệu bị cướp, bị đốt phá, vì một người nào đó trong đám biểu tình đột ngột la lớn: “Nhà này là Cần lao. Đốt mẹ nó đi, anh em” Dĩ nhiên hai tiếng “anh em” ở đây không nhằm kêu gọi số “anh em” được Huế gửi vào thành lập Mặt trận Nhân dân Cứu quốc địa phương. Họ thất vọng não nề, và đã vội vã lên bến xe về Huế từ nhiều hôm trước, để lại tiếng oan cho nhà chùa. Nhưng bù lại, nhà chùa lại được xem là đầu não của một thế lực quần chúng mới nổi.

***

Ðà nẵng đón tiếp anh em đồng chí của Tường cũng tương tự như Qui nhơn, nhưng theo một dạng thức khác!

Thành phố cảng lớn bậc nhì ấy có lịch sử khác. Suốt thời kỳ kháng chiến thứ nhất, Ðà nẵng nằm dưới quyền kiểm soát liên tục của Pháp. Liên khu Năm chỉ nới rộng vòng đai đến khoảng Mộ đức, tiếp theo là một vùng xôi đậu vườn không nhà trống là đất mầu mỡ của dân buôn lậu. Lâu lâu cũng có du kích hoặc bộ đội địa phương về hoạt động ở vùng Duy xuyên Hội An, nhưng lọt được vào Đà nẵng là chuyện khó. Lực lượng quân sự Pháp thấy rõ hơn ai hết tầm quan trọng chiến lược của Ðà nẵng, nên dồn mọi nỗ lực bảo vệ an ninh thành phố này.

Từ 1945 đến 1954, vai trò chính trị của Huế đã sút giảm, nhưng dư âm thời hoàng triều vẫn còn kéo dài. Con cái các thế gia, đại tộc, dòng dõi vua chúa hưởng được thế lực cũ nên tỏa ra khắp các nơi nắm các vai trò trọng yếu về kinh tế, chính trị, văn hóa. Đà nẵng Quảng nam đông dân, đất đai phì nhiêu nên dĩ nhiên thu hút mạnh hơn mặt bắc như Quảng trị, Quảng bình. Các hiệu buôn lớn, rạp chiếu bóng, các công sở lớn nhỏ, cả đến các khu biệt thự dành cho giới thượng lưu gần bờ sông Hàn đều của người Huế. Thị dân Đà nẵng, có thể nói không quá đáng, đều là cháu nội hoặc cháu ngoại của cố đô. Do đó hễ Huế gọi là Đà nẵng đáp. Huế thức dậy, Ðà nẵng liền cựa mình vươn vai. Mật trận Nhân dân Cứu quốc Huế thành hình chưa được một tuần, ở Ðà nẵng, đã có cơ sở của một tổ chức tương tự. Ban chủ biên tờ Lập Trường, Giáo hội Phật giáo Thống nhất miền Trung, cử cán bộ đi vào đi ra đèo Hải vân như thoi dệt cửi.

Trong các địa phương Mặt trận hy vọng tổ chức được các chi nhánh hùng hậu, Đà Nẵng là chỗ có nhiều hy vọng nhất. Quảng nam, Quảng ngãi ư? Thế lực Quốc dân đảng cực đoan mạnh quá trong khi Phật tử lại yếu kém và rời rã! Qui nhơn ư? Lòng người trải qua chín năm sống dưới chế độ cộng sản lạ lùng bất trắc quá! Tuy hòa, Nha trang? Xa quá, nhạt quá, gần như không mang cá tính đặc biệt nào! Tường đích thân vào Đà nẵng lo phát động phong trào là do vậy! Chàng không bao giờ xem thường thế lực Công giáo ở đây. Các khu giáo dân di cư bao quanh thành phố như tình trạng tương tư tại Sài gòn lâu nay hưởng nhiều ưu đãi của chế độ Ngô Đình Diệm, hiện đang thấp thỏm lo âu và chú ý theo dõi vận động mới của tờ Lập Trường. Các cha xứ và tòa giám mục lâu nay trực tiếp khai thác một số cơ sở kinh doanh cũng đang theo sát biến chuyển của tình thế. Tổ chức của họ thuần nhất, hữu hiệu, kết hợp được quyền lợi kinh tế và đức tin nhiệt thành. Đà nẵng không phải là chỗ dễ! Bác sĩ Chủ tịch đã vỗ vai cẩn thận dặn dò Tường!

Chàng tránh đi xe đò, chỉ dùng chiếc Vespa Ý của mình. Cũng tránh khởi hành buổi sáng. Cẩn thận, chàng không tỏ cho ai biết mình sắp đi Đà nẵng, dù là Quỳnh Như hoặc thầy mẹ. Đến Tỉnh hội Phật giáo lúc chạng vạng tối, chàng cùng với một anh huynh trưởng Phật tử đến nhà Lâm. Họ dành cả buổi tối hôm ấy và ngày hôm sau để bàn thảo tỉ mỉ kế hoạch hành động. Ngày thứ ba dành cho cuộc họp sơ bộ của ban vận động. Tối hôm thứ ba thêm cuộc họp mở rộng khác với đại diện giáo chức và học sinh các trường. Tường nhường ghế chủ tọa cuộc họp cho thượng tọa trụ trì chùa Tỉnh hội, nhưng từ đầu đến cuối, chỉ có chàng thực sự điều khiển cuộc họp. Vị thượng tọa cao niên ban đầu còn ngồi thẳng người, chắp tay trên bàn mỉm cười bao dung nhìn mọi người như hạ cố lắng nghe chuyện trầm luân của thế sự. Nhưng về sau mệt quá, thượng tọa lim dim ngủ. Lâu lâu, Tường quay về phía vị chủ tọa đáng kính lễ phép thưa:

– Chúng con xin thỉnh ý Thượng tọa về vấn đề giờ giấc…

– Chúng con biết trước thế nào Thượng tọa cũng nghĩ rằng…

Vì vị thượng tọa cao niên chưa bao giờ nói trái ý Tường nên cuối cuộc họp, chàng thay mặt luôn thượng tọa để chỉ huy:

– Thượng tọa và tôi đã nhất trí rằng…

– Thượng tọa và tôi xin lưu ý anh em…

– Thượng tọa có hỏi ý kiến tôi, và chúng tôi đều thấy cần phải…

Việc chuẩn bị chu đáo từng chi tiết, như qui định rõ nhân viên an ninh trật tự của cuộc biểu dưong gắn cái nơ mầu gì, mỗi cánh nơ dài bao nhiêu phân, đọan chót cắt hình chữ V xéo như thế nào. Nhân viên chìm phòng ngừa kẻ gian trà trộn phá hoại được ngụy trang kín đáo hơn nữa, cách nhận diện thế nào thì Tường không phổ biến ra hội nghị mở rộng. Sau cuộc họp, các đại diện trường, đoàn thể sẽ nhận một bì thư dán kín, có niêm và đóng dấu mật (trong đó ghi rõ nhân viên trật tự chìm cài cái kim găm loại nào ở đâu, đầu đội mũ lọai gì, mầu gì v.v… ).

Mọi người ra về với lòng tin tưởng. Sáng ngày phát động cuộc biểu dương, không có “nạn cờ lau” như Qui nhơn. Trường Bồ đề phối hợp chặt chẽ với Phan Chu Trinh, Tỉnh hội liên kết mật thiết và tương kính với đại diện Mặt trận Huế. Nhưng phản ứng của quần chúng khác hẳn.

Dường như trong huyết quản mỗi người dân gốc Quảng đều có chất lửa quá khích. Học sinh các trường không thể chấp nhận được rằng: trong lúc mình thao thức với hiện tình đất nước, lại có những người dân Ðà nẵng thản nhiên đi ăn phở, thản nhiên ngồi quán chờ từng giọt cà phê đen rỏ xuống cái ly sữa, thảnh thơi đi chợ, thảnh thơi dạo mát, thảnh thơi đi bát phố. Họ không chấp nhận cả những kẻ bỏ Đà nẵng tất bật rối rít lên sân ga, bến xe, bến phà để đi làm ăn nơi khác. Cho nên trước khi cuộc biểu dương thành hình, nhiều toán học sinh lực lưỡng cầm gậy đến các chợ buộc bạn hàng bãi thị, lên bến xe buộc tài xế lơ xe nghỉ việc.

Giới chợ búa đâu có chịu nhượng bộ dễ dàng cho mấy cậu nhóc con làm càng, nhất là khi họ chưa có may mắn đọc tờ Lập Trường. Nếu Tường không dùng xe nhà chùa lên bến xe Ðà nẵng-Huế can thiệp kịp thời, có thể đã có máu học sinh Bồ đề phun ở bến xe đò.

***

Cuộc biểu dương lực lượng được đông đảo, rầm rộ, trật tự, trang trọng đúng y như mơ ước của bản kế hoạch chi tiết. Ban chấp hành lâm thời Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Quảng nam Ðà nẵng ra mặt giữa tiếng hoan hô tở mở của mấy vạn người xếp theo hàng ngũ ngay ngắn trên sân vận động. Tường thở phào nhẹ nhõm, liếc nhìn vị thượng tọa Tỉnh hội Phật giáo. Hai người mỉm cười gật đầu thầm khâm phục nhau, trong đó phần thầm khâm phục mình có cao hơn tí xíu. Vị thượng tọa thêm vững tin ở đạo hạnh, Tường thì tự tin đã nắm được chìa khóa của vận động chính trị. Trong lúc đó, các cậu học sinh thanh niên Phật tử đang ngơ ngẩn tiếc rẻ!

Chỉ có bấy nhiêu thôi sao! Công phu chuẩn bị chờ đợi cả tuần, để xếp hàng ngay ngắn, đi quanh vài con đường phố kín cửa, dừng lại chỉnh đốn hàng ngũ, nghiêm chỉnh lắng nghe mấy bài hiệu triệu tuyên ngôn đã biết trước, rồi về! Chẳng có chút gì hùng dũng mạo hiểm hết! Về bây giờ, tiếc quá!

Thế rồi họ tụm năm tụm ba xì xào bàn tán. Cờ, biểu ngữ đòi độc lập dân chủ thực sự, đòi ngoại bang tôn trọng chủ quyền dân tộc, nhất là đòi tiêu diệt tận gốc bọn Cần lao vẫn còn đó. Công lao nắn nót cả đêm! Thức khuya dậy sớm bao lần, hồi hộp lo sợ cảnh sát bao lần mới tạo ra được chúng mày! Bây giờ vất đi sao?

Thế rồi không hiểu từ đâu có tiếng hô hào đi truy lùng Cần lao ẩn núp ở Ðà nẵng. Ban đầu còn dè dặt, sau đó hào khí bốc lên ngùn ngụt. Đi thì đi, sợ đếch gì! Cần lao, chúng mày nấp đâu? Đoàn biểu tình ào ào kéo ra khỏi sân vận động trước những cặp mắt ngơ ngác của ban tổ chức. Tường nới lỏng cà-vạt, tháo kính ra lau, đôi mắt lờ đờ nhìn xuống đám đông giữa đám bụi mù không hiểu gì cả. Chàng hỏi vị đại đức huynh trưởng Phật tử:

– Họ đi đâu thế?

Nhà sư trẻ kia cũng hỏi lại:

– Anh có ra lệnh gì thêm không?

– Không. Xong phần ra mắt là hết chương trình.

– Có lẽ họ ra về.

– Nhưng tại sao họ giăng biểu ngữ và vác loa đi theo.

Ban Chấp hành lâm thời, anh em đại biểu Mật trận Huế, Ban cố vấn hớt hải bỏ khán đài chạy xuống sân vận động. Họ không kiểm soát được đám đông nữa. Ngay trong đám đông, dưới ánh nắng thiêu đốt và giữa đám bụi bặm mù trời, từng người cũng không kiểm soát được chính mình. Họ hò hét, vung gậy, dày xéo lên nhau, chửi rủa nhau theo một bản năng dữ dội và huyền bí xa lạ nào đó. Họ không hiểu mình định đi đâu, phải làm gì. Cứ đi, và hò hét, và giơ nắm đấm lên trời cho hả tức. Tức chuyện gì? Các cậu trẻ do dự, rồi chợt nhớ đến biết bao sự đáng tức trên đời: không được hút thuốc lá, không được quên thẻ kiểm tra, không được đi xe đạp hàng đôi, không được đi bộ sang lề phía trái, không được đi ngược ở khoảng đường một chiều, không được làm gì tùy thích, và mới đây thôi, các người lớn cứ răn đe dặn dò không được bạo động. Ở đâu cũng gặp toàn bảng cấm. Đáng ghét thay, bọn người lớn!

Không được đập phá bạo động ư? Thì cứ đập phá vung lên xem, chúng nó làm được gì. Họ kéo đi tìm Cần lao thì đã việc gì đến ai? Cần lao, chúng mày núp ở đâu? Thì chắc chắn chúng không dám núp ở chùa, vì chúng mình vừa từ chùa kéo đến sân vận động xong! Chút xíu liên tưởng của người học trò ngu nhất cũng đủ đẩy bọn họ tìm đến các nhà thờ. Ai đó hét lớn:

– Xuống khu Thanh bồ Đức lợi đi. Tuần trước tụi tao đi qua đường Đống đa bị chúng quăng đá suýt lỗ đầu!

Thế là đám đông ùn ùn kéo về vùng bãi Thanh bình. Khu đồng bào Công giáo lâu nay được bố phòng tự vệ chặt chẽ, tất nhiên đã chuẩn bị chờ đón tình thế xấu nhất có thể xảy đến. Cho nên khi có người chạy Goebel về báo trước đoàn thanh niên Phật tử đang tay gậy tay đá ùn ùn kéo về đây, khu Thanh bồ mau chóng trở thành một pháo đài kiên cố. Cổng chính trổ ra đường Đống đa được đóng lại. Thanh niên cầm sẵn Garant vẫn được phát cho nhân dân tự vệ khu từ trước. Phụ nữ chuẩn bị đồ chữa cháy và cứu thương. Phụ lão cầu Chúa che chở. Toán thanh niên ô hợp cầm biểu ngữ truy lùng Cần lao vừa hiện ra thì tất cả các chuông nhà thờ đều rung lên liên hồi. Cuộc thánh chiến bắt đầu!

***

Tường đến đường Đống đa khi gạch đá bay qua bay lại hai bên con đường ấy chẳng khác nào mưa rào. Bên này đường là tiếng hò hét, chửi bới. Bên kia đường là tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi được loa phóng thanh dội ra xa. Tiếng cầu kinh rì rầm sau những căn nhà dãy mái tôn càng khiến cho không khí giống với thời bách hại trong kinh Tân ước. Lâu lâu, đã có những phát súng bắn chỉ thiên trong khu đồng bào Công giáo. Vài thanh niên Phật tử nhát gan vội nấp sau bức tường gần nhất, chờ một lúc có lẽ tự nhận thấy sợ hãi như vậy là không anh hùng, đứng bật dậy chõ mồm qua bên kia đường chửi thề tục tĩu.

Một vài người la lớn:

– Coi chừng tụi nó bắn. Về chùa tìm mượn súng đem lại đây.

Ai đó hỏi lại:

– Làm gì có súng ở chùa?

– Thì đi mượn bên Tuyên úy Phật giáo tiểu khu.

Không biết đã có bao nhiêu người chạy đi tìm súng, chỉ nửa giờ sau, bên này đường cũng có những phát súng chỉ thiên đáp lại. Có thể họ khỏi cần chạy đi đâu xa. Súng Garant M-1 của nhân dân tự vệ, thì phường ấp nào không có!

Tường giật cái micro pin từ trên tay một Phật tử, cố hét thật lớn:

– Không được bắn. Anh em Phật tử hãy bình tĩnh. Ðây là tiếng nói của Mặt trận Nhân dân Cứu quốc. Tôi ra lệnh: Không ai được dùng súng.

Bên kia đường, một phát súng chỉ thiên đáp ngay lời Tường, đồng thời có nhiều tiếng hỏi:

– ĐM thằng nào léo nhéo đó?

– Có phải thằng mang cà-vạt cầm đầu không?

– Cho nó một viên đi!

Tường bắt đầu thấy sợ. Mọi sự nguy hiểm hơn chàng tưởng. Chàng vội mở cà-vạt cho vào túi quần, ngồi xuống men theo vách tường ngôi nhà xây một tầng để lách qua chỗ khác. Khi đã tìm được chỗ núp an toàn, chàng bắt đầu dùng loa nói tiếp:

– Anh em Phật tử nghe đây. Đây là nghiêm lệnh của Thượng tọa Tỉnh hội và Ban Chấp hành Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Quảng nam Đà nẵng: Không ai được dùng vũ khí. Không ai được bắn. Tất cả Phật tử hãy bình tĩnh trở về chùa.

Bên kia đường, lại có nhiều tiếng nói qua loa phóng thanh:

– Nó lẩn sang phía này.

– Phía nào?

– Phía sau cái nhà lầu.

– Đúng thằng cầm đầu không?

– Chính nó. Bắn bể óc nó đi!

Tiếp theo là một phát đạn, lần này không bắn chỉ thiên mà bắn chéo lên nóc ngôi nhà Tường đang núp. Từ lúc đó, họng súng hai bên hạ xuống. Nhà cửa hai bên đường vội khép cửa. Trẻ con la khóc. Mẹ ơi ới gọi con, tiếng la thét tiếng chửi thề vỡ òa gần lấp cả tiếng chuông nhà thờ. Rồi đột nhiên, có tiếng kêu cứu bên kia đường:

– Cháy cháy! Chúa ơi! Chúng nó đốt nhà! Cứu tôi với!

Khói ngùn ngụt bốc lên, cùng với tiếng gỗ và tre nổ lốp bốp. Lợi dụng lớp khói mù, đám thanh niên hăng máu cả hai bên ùa ra đâm chém, đánh vật, quyết giết lẫn nhau.

Tường vừa vất cái micro pin định đổi chỗ núp thì hai ba người từ đám khói mù khét lẹt chạy đến ôm chàng vật xuống. Chàng bị đòn hội chợ, trước mắt chỉ thấy khói lửa quay cuồng. Ban đầu chàng còn thấy đau tức đến nghẹt thở khi bị một cái thúc trời giáng vào bụng dưới. Rồi hai ba cú đá ở lưng. Một nhát gậy ở đầu. Chàng đưa tay ôm lấy trán, cảm thấy hai tay ươn ướt. Một cú đấm nữa sau ót làm cho chàng gục hẳn, không biết gì nữa. Nếu không có bốn Phật tử kịp thời đến cứu, có lẽ vài phút sau, Tường đã trở thành một đống thịt bầy nhầy trên khoảng cát đen.

Nguồn: https://nhungdotsongngam.wordpress.com