Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 83): Phạm Thế Mỹ: Bên Gối Mộng

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2019)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Bên Gối Mộng – Sáng tác: Phạm Thế Mỹ

Trình bày: Hoàng Oanh (Pre 75)

Nghe thêm:

70 Năm Tình Ca (53)- Phạm Thế Mỹ

Đọc thêm:

Phạm Thế Mỹ,

nhạc vẫn ngấm trong lòng quê hương

(Nguồn: Luanhoan.net)

(Trích)

         Có những cuộc chạm mặt bất ngờ, chớp nhoáng rồi chấm dứt, nhưng nhiều năm sau chợt trở nên thân tình khi gặp lại. Tôi đã được một cơ hội như vậy. Khoảng năm 1955, gia đình cha mẹ tôi thuê nhà cư ngụ bên dốc Cầu Vồng Đà Nẵng. Hồi đó tuy đã được 11 tuổi, nhưng tôi vẫn còn là một cậu bé khờ khạo và rất quê mùa. Ngày nào cũng áo cụt tay, quần đùi, đi chân đất. Tóc thuộc loại rễ tre, lại hớt ngắn nên thường dựng đứng lởm chởm như lông nhím. Không tháng nào không giải quyết bớt cái nạn tóc nhiều. Mỗi lần như thế, tôi chỉ được quyền gọi vào sân một ông thợ hớt tóc dạo, vừa đúng lúc đi ngang. Một cái ghế đẩu đặt trong bóng mát nghiêng nghiêng từ mái nhà trải ra. Tôi ngồi thòng chân trên ghế, mặt cúi nhìn tấm vải trắng đã ố vàng hoặc vẩn vơ nhìn những cọng rác vô tư trên nền sân đất. Tiếng tông đơ kêu xành xạch từ ót lên, nhột nhột vòng quanh hai mang tai… Chỉ năm, bảy phút là xong. Chuyện trả tiền, chuyện quét dọn sau đó có má tôi lo. Nhưng có một hôm, ba tôi cho tiền và chỉ cho tôi đến một tiệm hớt tóc gần nhà. Tôi không lạ gì tiệm hớt tóc này, vì đã từng đi ngang, ghé mắt nhiều lần. Tiệm nằm trên đường Khải Định, gần ngã tư Thống Nhất, cũng được kể là một loại ngon lành thời bấy giờ. Được đi hớt tóc tại tiệm còn gì sung sướng hơn. Tôi hí hửng chạy một mạch chừng ba trăm thước thì tới nơi. Chẳng phải do cơ thể hoạt động tích cực vì chạy. Nhưng không hiểu tại sao tôi vô cùng hồi hộp khi dừng chân trước cửa tiệm. Mấy cái ghế nằm vòng quanh, mấy tấm gương soi đồng dạng như có ma lực làm tôi chợt khớp. Phải định thần đến mấy phút, tôi mới rón rén bước vào.

– Hớt tóc hả cậu em?

– Dạ!

– Ngồi đó chờ một chút.

Vừa nói, anh thợ vừa lơi tay đè đầu một ông khách, chỉ cho tôi cái ghế dài kê sát vách. Tôi ngoan ngoãn đến ngồi, mắt không ngừng quan sát. Lúc này tôi mới đếm thầm, quán có năm ghế bành để hành nghề. Những chiếc ghế không mới, hơi thô kệch, nhưng trông chúng thật bề thế, hơn hẳn những cái ghế dựa bằng gỗ ở các mái che hớt tóc bình dân bên lề đường. Trên tường, cạnh năm tấm gương soi đều có treo năm cái chai thủy tinh. Trong mỗi chai là những nhánh cây trường sinh vươn dài mềm mại, xanh tươi như được dán dính vào vách. Cùng với cây lá hồn nhiên còn có những tấm ảnh chân dung thiếu nữ nhiều màu sắc. Ngay chỗ ghế tôi ngồi chờ cũng có một tấm trên vách. Tranh vẽ một cô gái mặc áo bà ba màu tím hoa cà, cầm chiếc nón bài thơ, mắt mơ màng nhìn ra một dòng sông, ẩn hiện xa xa.

Trời đang nghiêng về buổi xế chiều. Ánh nắng hè bên ngoài có phần dịu bớt mùi hăng hắc. Tuy không ngớt quan sát trong quán, ngoài đường, nhưng tôi cũng rình chừng từng người khách sẽ đứng dậy. Trong lúc đang toan tính cái tư thế sắp phải ngồi lên ghế hớt tóc, tôi nghe tiếng xe gắn máy tắt trước cửa tiệm, rồi thấy một người thanh niên ăn vận thật lịch sự.

– Ủa, anh Mỹ, đi Sài Gòn về khi nào? Về chơi rồi vào lại chớ?

Người thanh niên vừa cười vừa bước vào:

– Ừ, sẽ vào lại. Mình đang theo học nhạc trong đó. Trời nóng quá. Đến phiên mình liền được chưa?

– Được chứ anh. Xong ngay đây, anh chờ cho một chút.

Người thanh niên tiến gần về phía tôi. Tự nhiên tôi ngồi nhích về một bên. Nhưng ông ấy không ngồi. Ông cũng không nhìn tôi mà ngắm bức tranh, trầm trồ:

– Tranh Lê Trung mượt thật.

Người khách ngồi gần chỗ tôi chờ đã đứng dậy. Tôi chuẩn bị tinh thần để bước tới. Nghĩ thầm trong đầu, cái ghế hình như hơi thấp, không biết có nhìn rõ mặt mình trong gương? Nhưng người ngồi tiếp trên chiếc ghế vừa trống ấy không phải là tôi mà là người thanh niên mới vào sau. Tôi hơi ngỡ ngàng một chút nhưng đành lặng lẽ nhìn cả thợ lẫn khách đều thản nhiên, quên hẳn tôi cũng là một khách hàng. Tấm vải trắng đã được choàng kín phần trước thân người thanh niên Tôi chợt muốn bỏ về cho bõ ghét. Nhưng không hiểu sao tôi lại ngồi yên, vểnh tai:

– Nghe anh em nói lúc này anh viết nhạc phải không?

– Ờ, học Quốc gia Âm nhạc nên cũng tập viết lai rai.

– Anh có định cho ca sĩ hát hay in ra bán không?

– Chuyện in bán chắc còn lâu. Được ca sĩ chọn hát cũng không phải dễ. Nhưng tương lai chắc sẽ cố gắng.

Lời đối thoại giữa chủ khách còn kéo dài, đại khái đủ cho tôi hiểu lơ mơ ông thanh niên này là người làm ra bài hát. Thời bấy giờ tôi chưa biết dùng hai chữ nhạc sĩ. Bên ngoài hình như gió ngưng thổi. Cái nóng chợt gia tăng đôi phần. Tôi thấy một người đàn bà từ phòng sau đi ra. Bà đến nắm sợi dây thòng từ trần nhà xuống, nhẹ nhàng kéo. Tấm vải treo ngang trên đầu mấy cái ghế ngồi lật qua, lật về. Thì ra đây là một cái quạt trần. Tuy lạ mắt nhưng tôi chỉ nhìn thoáng qua. Tôi vẫn còn đang hậm hực trong bụng.

Một khoảng thời gian sau, không còn nhớ bao lâu, khi đến chơi nhà anh Kiều Kiểm, anh rể tôi, cái radio Phillips như một cái thùng gỗ của anh, cuốn hút tôi bằng tiếng hát tươi vui:

Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên

         hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến

         đôi bướm vàng nhởn nhơ khi quyến luyến và

         cô gái làng ngẩn ngơ một tình duyên

         bên luống cày đời vui đang nở hoa

         ôi ảo mộng đời tươi sao đẹp quá

         chân bước về tìm vui đan mái lá và

         nghe tiếng hò hát đưa duyên mặn mà

         em bé thơ ơi, trên mình trâu nắng em ước mong điều gì

         cô hái dâu ơi, bên dòng sông vắng cô có buồn người đi

         trên đường về quê hương,

         nghe dạt dào tình thương

         cánh chim giang hồ vẫn trôi giữa đời

         bước chân lãng du ơi chỉ mộng thôi

         đây bóng dừa xanh xanh tôi mến thương

         chim trắng về em vui reo ngàn hướng

         kìa cổng làng hàng cau nghiêng nắng xuống

         đàn em bé đùa hát ca quên sầu thương

          no ấm về tình ta thêm thắm tươi

         bông lúa vàng nhờ tay anh cày xới

         đây nắng đẹp miền quê thêm sáng chói

         bừng lên xóm nghèo ấm êm bao cuộc đời

         nắng sớm lên soi tươi sáng chân trời chào niềm vui mới

         xóm nghèo ơi

                           (Nắng Lên Xóm Nghèo, Phạm Thế Mỹ)

Tôi im lặng nghe dòng ca từ nhẹ nhàng, giàu những hình ảnh tràn chảy theo giọng hát nồng nàn, trong veo. Tuy chưa hiểu gì về nghệ thuật, nhưng tôi cũng cảm biết đôi chút nét đẹp của lời ca tiếng nhạc. Âm thanh quả có sức quyến rũ kỳ diệu. Nó chợt trải ra trong lòng tôi những nhớ nhung lạ lùng. “…Đôi bướm vàng nhởn nhơ… hàng cau nghiêng nắng xuống…” sao mà thân quen, tha thiết vô cùng.

Mặc dù đã có ấn tượng tốt về ca khúc Nắng Lên Xóm Nghèo, với tên người sáng tác Phạm Thế Mỹ, nhưng tôi vẫn chưa biết, người dành phần ngồi vào ghế hớt tóc trước mình trước đây, chính là tác giả. Một thời gian sau nữa, lúc được chúng bạn trầm trồ về ông thầy dạy nhạc ở các trường Tây Hồ, Phan Thanh Giản, tôi mới nhớ và nhận ra.

Phạm Thế Mỹ, sinh năm 1930 tại đất Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, lưu lạc theo kháng chiến một thời gian, rồi tấp về Đà Nẵng sinh sống. Tôi khởi sự làm thơ trong im lặng, không mấy tin tài sức của mình. Nhưng cái duyên đến với thi ca mỗi ngày một ngọt ngào, giúp tôi có thêm ít nhiều bè bạn hữu danh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lúc bấy giờ chưa bước vào thế giới bằng hữu của tôi.

Hình như vào năm 1963, có vụ xử bắn một gian thương hay trọng tội gì đó tại sân vận động Chi Lăng, gần nhà tôi. Tò mò, tôi có dừng trước cổng chính dòm vào, rồi bỏ đi trước tiếng súng nổ. Những hình ảnh không mấy rõ ràng đó giúp cho tôi có thêm một bài ngũ ngôn, với ít nhiều tưởng tượng, sau khi đẩy nạn nhân vào tội danh có màu sắc chính trị:

Chắc trời còn xanh lắm /cho tôi quì xuống đây/ tiếng ru nào trót dậy/ chắc buồn mà không hay/ tôi tay đầy vòng buộc/ thân che lòng cát này/ quê hương sầu tôi đấy /mắt nào nhìn lại đây?/ hỡi người anh phía trước/ hỡi người bạn sau lưng/ hỡi từng viên đạn nhỏ/ cho tôi ly rượu mừng/ mùa xuân nào lại tới/ lời ca nào lại bay/ giấc mơ nào của mẹ/ tiếng lệ nào của em/ cho tôi xin mở mắt/ nhìn tay người đang run/ chiến công nào cao lớn/ hơn mạng người đau thương?/ lạy trời tôi đừng biết/ tôi là người như anh/ lạy trời tôi đừng biết/ tôi chết vì tay anh.

(Lời Nguyện Pháp Trường – Lê Hân kẻ nhạc, chép lời, in như một phụ bản trong thi phẩm Chết Trong Lòng Người trang 31, 32. Lối in phụ bản bằng nhạc, có lẽ đây là lần đầu tiên của những sáng tác thơ văn đã in)

Bài thơ được tạp chí Văn Học “đi”. Anh Phạm Thế Mỹ đã đọc được và phổ nhạc. Đây là món quà ngoài mong đợi của tôi, khi được quen biết với anh. Trong khi phổ nhạc, Phạm Thế Mỹ tôn trọng tuyệt đối lời thơ, không thay đổi bất cứ chữ nào, và cũng không bỏ bớt câu nào. Ca khúc này về sau được cô sinh viên Vạn Hạnh, mang tên Đăng Lan phổ biến trong khuôn viên trường Đại học Phật giáo tại Sài Gòn. Phạm Thế Mỹ rất vừa lòng với giọng ca Đăng Lan. Nhưng khi cho thu vào dĩa nhựa và cassette của nhà sản xuất băng nhạc Việt Nam (101 Võ Di Nguy Sài Gòn), anh đã chọn giọng của nam ca sĩ Miên Đức Thắng, có lẽ để cho hoàn toàn thích hợp với nội dung. Miên Đức Thắng cũng là một môn đệ của Mỹ. Thắng về sau cũng có viết nhạc. Tôi gặp Thắng một lần tại Montréal. Anh bạn có giọng hát rất trầm ấm này khá lãng mạn, nếu có thêm chút đào hoa, có lẽ anh đã phải lụy vì tình ở xứ sở mới của tôi. Còn cô Đăng Lan khi rời Đại học, đã trở thành ca sĩ, và hiện nay, hình như định cư tại Úc. Ngày ấy, Phạm Thế Mỹ có mang về Đà Nẵng cho tôi nghe giọng hát Đăng Lan, trong một cuốn băng thu thử và không tiếc ca ngợi, rất tiếc tôi chưa có diễm phúc gặp mặt. Quả đất vẫn tròn, nhưng tuổi đời sắp cạn, có lẽ tôi phải chờ một hóa kiếp bay bướm hơn, mới có cơ hội nhìn được Đăng Lan, để nghe cô ấy hát lại Lời Nguyện Pháp Trường.

Phạm Thế Mỹ, khi tôi quen, sống cùng gia đình trong căn nhà thuê của bà kim hoàn Tâm, thân mẫu của Hoàng Thị Hồng, trên đường Pasteur. Một đôi lần tôi ghé đến chơi, với mục đích nghe anh kể về mấy cô học trò học piano của anh. Với anh, cô nào cũng ngoan, cũng đẹp. Quả đúng vậy, như Minh Xuân đường Độc Lập chẳng hạn. Tuy khen học trò mình đẹp, nhưng Phạm Thế Mỹ là một ông thầy rất mực đứng đắn và yêu nghề. Thành phố Đà Nẵng khá rộng, nhưng thị dân như cùng nằm trong một bàn tay. Tiếng lành tiếng dữ một sớm một chiều, người người đều biết. Mấy ông rao giảng cái nghề dễ tạo cơ hội bướm hoa là âm nhạc như Phạm Thế Mỹ, Hoàng Bích Sơn đều nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của học sinh. Giữ cho lòng được thanh thản và không vơi đi những lãng mạn cần thiết cho việc sáng tác, quả rất bản lãnh. Phạm Thế Mỹ thực hiện được điều này trong suốt thời kỳ anh đứng trên những bực giảng của các trường trung học tại Đà Nẵng.

Vào một buổi sáng năm 1964, tôi cùng Hoàng trọng Bân từ Cổ viện Chàm thả bộ dọc theo bờ sông. Trời đẹp. Nhưng con đường Bạch Đằng chỉ thật sự quyến rũ từ đoạn Ty Bưu điện chạy xuống Trẹm. Khi vừa đến sân quần vợt, chúng tôi gặp đám người biểu tình chống hiến chương Vũng Tàu, từ phía Thanh Bồ kéo về Tòa thị Chính. Lòng đường, vỉa hè, bờ sông, người theo người. Không đông lắm, nhưng tưng bừng, huyên náo. Tôi và Bân rất bất ngờ, nhưng cũng tò mò theo đoàn người đến đứng trước cơ quan hành chánh của thành phố. Tiếng đả đảo mỗi lúc một lớn dần. Có lẽ khiếp sợ những âm thanh, ngôn ngữ này nên Bân nói nhỏ với tôi, anh cần về nhà có công chuyện. Tôi không lạ tính nhát gan của Bân nên lặng lẽ bắt tay anh. Còn lại một mình, tôi lớ ngớ chưa thật sự nhập vào đám đông, nếu không chợt gặp Hà Xuân Kỳ. Kỳ không phải là bạn tôi. Anh là một người hàng xóm thời tôi còn ở khu Thuận Thành. Anh là một học sinh giỏi của trường bán công, học trên tôi nhiều năm, làm thơ rất hay. Thời ở Thuận Thành anh thuê nhà chung với anh Ngọc, không rõ họ gì, người Lăng Cô. Tôi thường qua chơi với cả hai. Dù mỗi lần diện kiến tôi chỉ làm người dựa cột.

Gặp Kỳ. Anh kéo tôi ào vào Tòa Thị chính. Những viên công chức đã tan sở từ bao giờ. Đêm hôm đó, chúng tôi chiếm giữ cơ quan lớn nhất thành phố này bất hợp pháp. Đội ngũ cầm đầu cuộc xuống đường mỗi lúc một đông. Tôi gặp cả anh chàng Trăng Tàn Trên Hè Phố rất năng nổ. Về khuya, mặc cho mấy anh ‘mưu đại sự’ suy suy tính tính với nhau, tôi mò lên tầng cao hơn. Một cái giường rộng lớn tối đa, với ra nệm tươm tất mời gọi tôi. Tôi để nguyên giày, phóng lên nằm. Lim dim đâu được một lát, giật mình sợ mấy anh bên dưới sè sẹ rút lui. Tôi lừ đừ trở xuống. Gió sông Hàn mát rượi. Nếu được ngủ vài đêm thanh thản trong căn nhà này thích biết mấy.

Sáng hôm sau chúng tôi được tiếp chuyện với tướng Tôn Thất Xứng, Tư lệnh Vùng I. Tướng Xứng, người nhỏ con, không có cái oai của một võ quan. Ông lịch sự, nhã nhặn như một ông thầy giáo (hiện nay Tướng Xứng ở Montréal). Mấy đứa chúng tôi đứng sát sau lưng ông, khi ông phát biểu đôi điều trước quần chúng, từ cái lan can của Tòa Thị chính. Chẳng có một thỏa thuận nào, nhưng chúng tôi quyết định rời Tòa Thị chính, chuyển “bản doanh chỉ huy” lên rạp hát Trưng Vương. Tôi là một trong những người đi tiên phong đến địa điểm này. Khi sắp đến nơi, tôi chứng kiến một đám đông vây đánh hội đồng một người nào đó ngay trước cửa hiệu ảnh Lê Hậu. Cuộc xuống đường đã trở thành cuộc bạo động đẫm máu. Tôi lặng lẽ rút lui. Tuy vậy tôi vẫn theo dõi diễn tiến hoạt động của các bạn tôi đang tiếp tục dấn thân vào. Một Hà Nguyên Thạch hừng hực với tờ lá cải Đứng Đầu Gió, một Phạm Thế Mỹ kín đáo nhưng tích cực. Anh cho người đến nhờ tôi đi thuê thợ khắc con dấu cho “ủy ban” tranh đấu. Không thể từ chối, tôi hoàn tất cho anh công việc này. Nhưng khi đến giao, anh chán nản lắc đầu:

– Hoán đem về hủy nó giùm đi. Mình nản quá rồi.

Tôi mang con dấu chưa đóng thử lần nào bỏ xuống máng xối nhà Lý, rồi đạp xe qua nhà Châu Văn Tùng rủ đi uống cà phê, nhẹ nhàng kết thúc một vụ tham gia “tranh đấu tài tử”. Ngày nay nghĩ lại, tôi nghiệm ra, những cuộc xuống đường tại Đà Nẵng thường xảy ra sau Huế và nhiều nơi khác. Nhưng đã có màn tranh đấu là gần như có bạo động, có chảy máu. Và tôi không thiếu thơ thời sự cho những vụ này. Rất may theo năm tháng, những “trời dở mưa dở nắng / thở hơi khói cay và mùi người chết… được tôi hủy bỏ không chọn in.

Năm 1969, tôi thủ diễn xuất sắc vai người thương binh của nhạc sĩ Phạm Duy. Mẹ đã mất, nhà không có ao vườn, nên người cha già của tôi không cần phải lần mò. Ông đứng yên lặng trước ngưỡng cửa, đôi mắt ánh lên những nét cười ngậm ngùi.

– Thôi vậy được rồi, yên tâm rồi…

Câu nói của ba tôi không là thơ. Nhưng đối với tôi là một nguồn thi ca vô giá. Cùng với nguồn thi ca này, tôi còn có những đôi vai, và nhiều bàn tay của bè bạn khắp nơi. Những thăm hỏi, gởi gấm quí giá của các anh Trần Phong Giao, Phan Kim Thịnh, Xuân Hiến… cùng một nén hương đốt lên bởi nhiều người đã đỡ tôi đứng dậy. Trong nén hương này, Phạm Thế Mỹ, người bạn lớn hơn tôi 11 tuổi, thắp những lời chân tình bằng âm nhạc:

Châu ơi / sao mày không chết / sao mày không chết/ mà lại mất một chân / mà lại mất một chân / Châu / tao nghe nói / mày ước mơ / ngày hòa bình / mày chạy bộ từ Nam ra thăm xứ Bắc / theo con đường sắt quê hương / nhưng bây giờ / chân mày đâu / chân mày đâu / hỡi Châu? / ôi tao không ngờ / tao con đủ nước mắt để khóc mày đêm nay…/rồi mai đây / và mai sau / mày sẽ nói gì / với con mày / khi nó hỏi / sao bố đi chân gỗ? / bàn chân bố đâu?/ chẳng lẽ mày im / chẳng lẽ mày nói / Châu Châu ơi / tao xin mày / đừng khóc đừng khóc nghe Châu ! / Châu / ngày hòa bình ngày hòa bình / sắp đến / và đứa con đứa con mày / sắp ra đời…/ nhưng thôi…tao nghĩ…/ mày vẫn còn may / vẫn còn đủ hai tay / vẫn còn cả trái tim / thôi nghe Châu / đêm nay / tao chúc mày / ngủ thật say / ngủ thật say…

(Bàn Chân Nối Liền Nam Bắc nhạc và lời của Phạm Thế Mỹ)

Có lẽ chẳng cần vẽ lại cái giây phút chúng tôi ngồi bên nhau. Mỹ vịn vào tiếng guitar để cất giọng. Nhưng chẳng phải một hai lần anh hát được trọn vẹn sáng tác của anh… Tôi xin bỏ qua. Bỏ qua. Một thời gian ngắn sau, chúng tôi thực hiện đúng tinh thần mấy câu thơ của Lê Vĩnh Thọ:… “mất một chân có phải là điều bi đát / và cuộc đời đã đáng bi quan / gặp nhau vẫn bàn chuyện phải làm / vẫn bàn chuyện phải đến…”. Và chúng tôi mỗi người chú tâm hoàn tất phần việc của mình. Bản thảo Hòa Bình Ơi Hãy Đến đã sẵn sàng trình làng. Phạm Thế Mỹ lúc bấy giờ đã có một số giờ dạy tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Anh chuẩn bị dời cả gia đình vào Sài Gòn để thuận tiện mọi sinh hoạt của anh.

Tập Hòa Bình Ơi Hãy Đến với bìa thật tuyệt hảo của họa sĩ Nghiêu Đề, cùng hai phụ bản độc đáo của Đinh Cường, Nghiêu Đề là một công trình ưng ý của chúng tôi. Tuyển tập được chia làm ba phần: thơ Luân Hoán, nhạc Phạm Thế Mỹ, thơ Lê Vĩnh Thọ. Phần nhạc của Phạm Thế Mỷ gồm các ca khúc: Tiếng Hát Loài Chim Chiến Tranh (tặng Đinh Cường), Lời Nguyện Pháp Trường (thơ Luân Hoán, in lại từ CTLN), Tôi Phải Nói Với Anh Điều Này, Thầy Phù Thủy Giết Người, Nước Sông Nào Chẳng Mát Chẳng Ngon, Hỡi Hồn Mẹ Việt Nam, Rao Bán, Sài Gòn Vui Không Em, Giấc Mơ Của Mẹ (tặng má và anh Phạm Hổ), Cây Súng Ngủ Quên, Sớm Mai Hồng (cho Loan và Huệ), Hát Cho Quê Hương, Người Về Thành Phố, Hòa Bình Ơi Hãy Đến.

Nội dung phần thơ nhạc của ba chúng tôi nặng nề tính cách phản chiến. Viết về Phạm Thế Mỹ, nên tôi xin trích một bài tiêu biểu dòng nhạc này của anh:

Năm chục đồng ai mua tôi bán / năm triệu đồng ai mua tôi bán / năm triệu đồng một triệu thanh niên / năm chục đồng một thằng sinh viên / đôi chân còn lành / đôi tay còn mạnh / ai mua tôi bán ai mua tôi bán / năm triệu đồng một vạn sinh viên / trăm triệu đồng triệu triệu thanh niên / tôi đang cần tiền / tôi đang cần rượu / ai mua tôi bán ai mua tôi bán / bán cả ruộng vườn / bán cả tình thương / bán cả bạn bè / bán cả vợ hiền / thêm một triệu đồng / bán cả luôn tôi / ai mua tôi bán ai mua tôi bán / thêm một triệu đồng bán cả luôn tôi / thêm một triệu đồng bán cả luôn tôi / tôi đang cần con dân yêu nước / ai dư dùng tôi đây mua hết / năm vạn đồng một thằng ma cô / năm triệu đồng một cụ quan to / ăn lương thật nhiều / lên lon đều đều / ai dư xin bán tôi đây mua hết / tôi đang cần nhiều bàn tay hôi / tôi đang cần nhiều thằng ăn chơi / thơm như bọ vườn / lang thang đầy đường / tôi xin mua hết / tôi xin mua hết/ đây một triệu đồng/ mua một thầy tu/ đây một triệu đồng / xây một nhà tù / thêm một triệu đồng / nhớ đừng quên tôi/ ai dư xin bán tôi đây mua hết / ai dư xin bán tôi đây mua hết / thêm một triệu đồng nhớ đừng quên tôi / thêm một triệu đồng nhớ đừng quên tôi” (trở lại đoạn đầu để hết).

Trước khi chống nạng xuống gặp anh Nguyễn Rô, giám đốc Ủy ban Kiểm duyệt Vùng 1 Chiến thuật, tôi đã dự đoán tập thơ có nhiều bài khó qua ải, nên đã có chút đỉnh “ma giáo” để qua mặt anh. Thành thật gởi lời xin lỗi muộn đến nhà thơ Thuận Xuyên (bút hiệu của anh Rô), hiện cư ngụ tại Dallas Hoa kỳ. Sau khi được cấp phép in ngày 22 tháng 4 năm 1969 với số kiểm duyệt 41BUBKDVICT, Phạm Thế Mỹ mang bản thảo vào Sài Gòn và in xong ngày 14 tháng 5 năm 1969.

Công việc in sách thật ra chẳng dễ dàng với ba chúng tôi. Tôi đã nảy ra một sáng kiến, để có tiền in, chúng tôi cho in một số biên lai bán sách. Việc in biên lai giao cho Lê Vĩnh Thọ thực hiện, với phương tiện của tiểu đoàn 10 Chiến tranh Chính trị, hiện Thọ đang có thẩm quyền. Biên lai in xong, Phạm Thế Mỹ mang vào các trường bán trước cho học sinh của anh. Con số các em học sinh có lòng lên đến 600 người, nên chúng tôi cho in đến 600 cuốn trên giấy tốt. Dù sách in đã xong nhưng nhận ra và gởi về Đà Nẵng còn gặp sự trục trặc, Phạm Thế Mỹ phải nhờ đến uy tín của vị Viện trưởng để giải quyết.

Một cuộc chơi khá gian nan đã qua. Với số vốn là những tâm tư chân tình, chúng tôi lời được những nghi kỵ, ngờ vực. Có một số ít người lâu nay, vẫn cho Phạm Thế Mỹ là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Thật ra anh chỉ là một Phật tử, yêu đạo, yêu đời và yêu nước. Nhiệt tình của anh khá mạnh trong những sinh hoạt tập thể đâm gây ra những đố kỵ. Thêm vào đó, một đôi lần trong các cuộc chuyện trò, anh có bày tỏ ít nhiều trọng vọng với miền đất ngàn năm văn vật, mà người anh trai của anh, nhà thơ Phạm Hổ, đang phục vụ, nên dễ gây ngộ nhận. Đừng nói gì Mỹ, thương phế binh chính hiệu như tôi, trong thời đó, cũng bị ông nhà giáo, TDN, tặng cho hai chữ Vi Xi, khi tôi tiếp chuyện nhà thơ Ngô Kha từ Huế vào thăm. Buổi sinh hoạt ra mắt tập Lục Bát Ca của tôi, Lê Vĩnh Thọ và Vĩnh Điện đã tưởng bất thành nếu bạn Tống Nhạn, không đứng ra mượn hộ hội trường trường Phan Châu Trinh, nơi tôi xuất thân. Tống Nhạn là sĩ quan, gốc nhà giáo, con ông Tống Quyền, một viên chức rất có uy tín tại Hội An. Nhạn cùng tôi, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Thiếu Dũng… có mặt trong tạp chí Nhận Thức ở Huế một thời. Chính Nhạn cũng giải độc hai chữ VC hộ tôi bằng cách mời Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Thị trưởng Đà Nẵng, ghé nhà tôi chơi, có xe quân cảnh hộ tống và gác đường đàng hoàng. Tình bè bạn không ăn nhập gì với lý tưởng của bạn bè. Chúng tôi không hại lẫn nhau khi đã là bạn, nhất là bạn sinh hoạt văn học nghệ thuật. Tội nghiệp, sau 1975 Tống Nhạn tinh thần bất ổn và đã qua đời. Dĩ nhiên, Phạm Thế Mỹ cũng có quen biết Nhạn.

……….

Trang điện tử của đài VOVN.com, tại thành phố Houston, Hoa Kỳ, đã đưa tin: nhóm thân hữu và hoc trò cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sẽ tổ chức một buổi nhạc vinh danh ông với chủ đề Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Những Ngày Xưa Thân Ái. Tuy chỉ thực hiện một nguồn tin, nhưng buổi phát thanh ngày 07 tháng 3 năm 2006 vừa qua tại đài VOVN, phải được xem là một sinh hoạt văn học khởi đầu của nhóm tổ chức chương trình vinh danh sắp tới. Có nhạc mở đầu (bằng giọng ca Quang Lê thể hiện Trăng Tàn Trên Hè Phố), có nhạc kết thúc (với Áo Lụa Vàng qua tiếng hát Khánh Ly). Và dưới hình thức một cuộc bàn chuyện với ít nhiều tâm sự, những nhân vật trong ban tổ chức cho thính giả biết một cách tường tận mục đích và ý nghĩa của sinh hoạt.

Chị Phương Hoa, với tư cách người của đài, giàu thông minh, duyên dáng lẫn dí dỏm dẫn cuộc nói chuyện rất vén khéo. Anh Sơn Huy, một học trò cũ, đã từng mục kích thảm cảnh của thầy mình trong những năm gần đây, vắn tắt vài dòng về Phạm Thế Mỹ, trước khi bày tỏ mục đích việc anh chủ xướng thực hiện sinh hoạt. Các anh chị Trần Chí, Đoàn Hữu Đức, Bạch Hạc…cũng nói rõ thêm ý nghĩa của đêm văn hóa nghệ thuật sắp tới, đồng thời thông báo mọi người tham dự sẽ được vào cửa tự do. Có thức ăn nhẹ miễn phí, có quà lưu niệm quí giá, là một CD gồm toàn những ca khúc để đời của Phạm Thế Mỹ, sưu tập từ sản phẩm của những trung tâm phát hành âm nhạc cho phép. Những giọng ca trong đêm sinh hoạt cũng được giới thiệu, gồm Hoàng Tường, Vi Liên, Kim Loan, Bạch Hạc… Những người góp tấm lòng qua các tờ chi phiếu đầu tiên cũng được xướng tên, tạ ơn.

Với chỉ một công việc thông báo đã rất đậm đà chất văn học như vậy, chắc chắn buổi Phạm Thế Mỹ, Những Ngày Xưa Thân Ái tại thành phố Houston sẽ rất thành công. Thành phố xinh xắn này khá đông người Việt, và quan trọng là đồng bào mình ai cũng rất dễ thương, “vui chơi nhưng không quên trách nhiệm theo nhận xét và chữ dùng của chị Phương Hoa. Tôi bùi ngùi vui mừng cho bạn tôi. Một điện thư ngay sau đó cho anh Sơn Huy, không để đóng góp tài chánh, mà để xin một số địện thoại, có lẽ tôi vô duyên, lố bịch quá rồi. Thư không được hồi âm, điều đương nhiên. Xin được xin lỗi và cảm ơn anh Sơn Huy (1) Chắn chắn tôi đã thiếu tế nhị khi thèm nghe một giọng nói, vốn hát rất hay, đang phải chỉnh sửa lại âm giọng, sau một cơn tai biến đường máu.

Trở lại một thời đã qua. Vào ngày 20 tháng 2 năm 1975, hai tháng trước khi Việt Nam Cộng Hòa thân thương của chúng ta tan hàng, tạp chí Phổ Thông, một công trình của cố thi sĩ Nguyễn Vỹ để lại, từ địa chỉ 816 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, đã phát hành 3000 ấn bản Phổ Thông số 30. Trong số này có in bản công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận do tạp chí Phổ Thông thực hiện, nhân kỷ niệm Sinh nhật 20 của Phổ Thông -1955-1975.

Cuộc thăm dò bắt đầu từ năm 1974 qua 51 vị giáo sư, nam nữ công tư, 108 sinh viên của nhiều phân khoa, 20 nông dân,43 công tư chức, 33 ký giả, nghệ sĩ, nhà văn, 54 quân nhân các cấp, 47 thương gia và tiểu thương, 33 bà nội trợ cùng 115 công nhân lao động các giới. Năm trăm lẻ bốn người này ở đều khắp miền nam Việt Nam, đã chọn, tôn vinh 16 nhân vật, gọi là Người của năm 1974”, không phân biệt phe nhóm, ngành hoạt động, gồm có: Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thượng tọa Thích Trí Quang, Linh mục Trần Hữu Thanh, Chính khách Nguyễn Văn Huyền, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Nhà báo Trần Tấn Quốc, Nhà báo Nam Đình, Tiến sĩ Kinh tế Châu Kim Ngân (Tổng trưởng Bộ Tài chánh Việt Nam Cộng Hòa), Tướng Ngô Quang Trưởng, Họa sĩ Nguyễn Hải Chí (Chóe), Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Nhà báo Vương Hữu Bột (cũng là nhà thơ Đỗ Quý Toàn), Giáo sư Lý Chánh Trung, Tiến sĩ Công pháp Nguyễn Huy Hân (Tổng Giám đốc Thuế vụ VNCH), Nhà thơ Luân Hoán, Nhà văn kiêm Luật sư Dương Kiền. Tất cả 16 người trên đều có chân dung in kèm. Trong phần giới thiệu Phạm Thế Mỹ, Phổ Thông viết:

Phạm Thế Mỹ mở rộng thêm đường đi của anh trong năm 1974, bằng Trái Tim Việt Nam, trái tim bốc lửa khát vọng hòa bình. Người và cảnh vật trên đất nước ta chỉ tồn tại được, vươn cao lên, và bao dung mãi nhờ ngọn lửa ấm hòa bình.

         Nhạc Phạm Thế Mỹ phản ảnh tiếng thì thầm, lời kêu gọi chân tình những người Việt hãy tỉnh dậy, sau cơn mê dài chiến tranh – cuộc tang tóc của chúng ta nằm mãi trong toan tính khôn khéo của ngoại bang trục lợi? Riêng Phạm Thế Mỹ, anh trả lời bằng cách cất cao tiếng hát, ca tụng tình người và tình quê hương Việt Nam muôn đời.

         Phạm Thế Mỹ sinh năm 1932 (2) tại Bình Định. Tham gia kháng chiến chống Pháp thời kỳ 1945-1954. Học Quốc gia Âm nhạc Sàigòn: 1954-1959 . Dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bồ Đề, Đà Nẵng từ 1959 – 1970. Giữ chức Trưởng Phòng Văn Mỹ Nghệ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ 1970 – 1975.

Những tác phẩm đã xuất bản:

Nhạc bản rời: Bản đầu tay: Nắng Lên Xóm Nghèo. Bản mới nhất (cuối năm 1974): Nhớ Chứ Em Ơi Tổ Quốc Mình.

Tập Nhạc: Hòa Bình Ơi, Hãy Đến (in chung thơ Lê Vĩnh Thọ, Luân Hoán), Trái Tim Việt Nam (Đối Diện xuất bản), Việt Nam Trong Lòng Thế Giới (thơ Quốc tế bản dịch Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ phổ nhạc)

Trường Ca: Lửa Thiêng 1963, phổ biến hạn chế, Con Đường Trước Mặt (Phật Tử Âu Châu xb 1971), Trang Sử Mới (Sinh Viên Phật Tử Pháp xb), Thêm Một Lần Hoa Nở (Viện ĐH Vạn Hạnh xb), Những Dòng Sông Anh Em (phổ biến hạn chế)

Nhạc Kịch: Sắc Lụa Trữ La, Tiếng Hát Dậy Từ Lòng Đất, Miếu Âm Hồn

(trang 13, Phổ Thông 30)

Có lẽ sẽ hơi dư thừa nếu đưa thêm vài nét nhận định về nhạc Phạm Thế Mỹ qua bất cứ chủ đề nào. Xin hãy đọc một ít ca từ. Tôi tin nguồn âm nhạc sẽ sống lại tức thời trong trí nhớ bạn:

Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai/Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa/ Anh cùng tôi bước nhỏ, áo quần nhăn giấc ngủ/ Đi tìm chim sáo nở, ôi bây giờ anh còn nhớ?

         Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai/ Trăng mùa thu lên cao, khóm dừa xanh lao xao/ Anh cùng tôi trốn ngủ, ra ngồi hiên lá đổ/ Trông bầy chim trắng hiện mơ một nàng tiên dịu hiền

         Đêm đêm nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ,/ anh còn nhắc tên tôi?/ Đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ bên đồi hoa trắng nở, cuộc đời anh có vui?

           Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu/ Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già/ Nghe tin anh gục ngã/ Dừng chân quán năm xưa/ Uống nước dừa hay nước mắt quê hương

         Những đường xưa phố cũ thôi nỡ đành quên sao/ Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh/ Anh giờ yên giấc ngủ tôi nằm nghe súng nổ/ Như lời anh nhắc nhở, ôi căm hờn dâng ngập lối

         Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai/ Anh còn gì cho tôi, tôi còn gì cho em/ Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù/ Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em

(Phạm Thế Mỹ – Những Ngày Xưa Thân Ái)

Trang trọng mời tìm đọc thêm những Bến Duyên Lành, Bên Gối Mộng, Đan Áo Mùa Xuân, Đưa Em Về Quê Hương, Rừng Cây Trút Lá, Tàu Về Quê Ngoại, Thư Về Em Gái Thành Đô, Thương Quá Việt Nam, Thuyền Hoa…để thấy chân tình của một nhạc sĩ đã dành cho quê hương. Có lẽ quá nổi tiếng về nhạc quê hương, về ca khúc thắm thiết tình người như Bóng Mát, Bông Hồng Cài Áo…mà nhiều người không biết tên tác giả những tình khúc nồng nàn như Tóc Mây, Áo Lụa Vàng, tôi không ngại chép lại lời các bài hát ấy như để nhắc nhớ:

Theo gió heo may đến đêm gọi tình/ Một trời áo tím trong mắt trên môi/ Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành/ Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui

         Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình/ Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao/ Như cánh chim đêm bơ vơ một mình/ Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu buồn

         Mùa hè vui đôi chân chấp cánh/ Tóc mây hồng cho mắt long lanh/ Trời mùa đông môi em thắp nắng/ Tóc mây dài, chân vui đường vắng/ Rồi mùa xuân cây thay áo mới/ Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi/ Rồi mùa thu xôn xao lá úa/ Tóc mây buồn phủ kín tim tôi

         Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn/ Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa/ Ôi tóc mây thơm men say lạ thường/ Tình ta xanh lá tóc mây không vàng”.

(Tóc Mây – Phạm Thế Mỹ)

Ngày xưa em đến, em mặc áo lụa vàng/ Em đi trong nắng, chân chim xinh xắn,/ Chưa hề lấm bụi trần, chưa hề vướng cỏ sầu./ Em đi vào mộng mơ.

         Ngày mai em đến, xin mặc áo lụa vàng, nghe em hãy nhớ./ Quê hương anh đó, đang cần đến tình người, đang cần đến nụ cười./ Cho tâm hồn nghỉ ngơi.

         Ôi ! nắng lụa vàng, nắng lụa vàng nắng ướt môi em./Ôi ! nắng lụa vàng, nắng lụa vàng quấn quít chân em./ Trên con đường nầy, ngày xưa, ngày xưa/ Trên con đường nầy, chiều nay, chiều nay

         Chiều nay em đến, vẫn màu áo lụa vàng,/ Như xưa trong trắng, mang theo ánh nắng./ Cho đời bớt lệ sầu, cho lòng bớt hận thù./Anh đi vào tuổi thơ.

         Mùa thu đã đến, trên đường lá rụng vàng./ Anh đi trong nắng, mang theo ánh sáng./ Với màu áo tuyệt vời, với màu nắng rạng ngời,/ Anh đi vào niềm vui.

(Áo Lụa Vàng – Phạm Thế Mỹ)

Phạm Thế Mỹ không chỉ thành danh bởi nhạc bản, trường ca, nhạc cảnh, mà còn rất tài hoa trong việc điều khiển những dàn hợp xướng, kịch đoàn, vũ công. Ra đời trong một gia đình gồm 11 người con. Với vai vế người sau cùng, anh có phần được người mẹ hiền ban thưởng tình thương yêu, sự chiều chuộng nhiều hơn. Tôi rất thường ghé thăm lúc anh cư ngụ trong một con hẻm trên đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Thân mẫu anh có hình dạng nhẹ nhàng hơn bà Năm Sa Đéc, kịch sĩ, một chút. Vui vẻ, thương bạn của con là bản tính hầu hết của những người mẹ Việt Nam chúng ta. Nhành hoa Huệ bên anh thì quá đỗi hiền hòa. Và Điểm, trưởng nữ của Mỹ, có lẽ nhờ ăn ngủ cùng âm thanh nên rất xinh đẹp. (Điểm hiện đang ở California, theo tin của nhạc sĩ Vĩnh Điện).

Có nghe Phạm Thế Mỹ hát mới thấy sự say nhạc của anh. Những hình ảnh đẹp nhất trong khi hát được anh gởi vào nơi bàn tay, chợt mở ra, chợt thu về, như trao gởi như gìn giữ trang trọng

– Sao, sao, Hoán nghe ra sao. Dễ sợ thật…

Câu hỏi thân quen này vẫn còn ấm tai tôi. Nụ cười sung sướng rất trẻ thơ của anh được nở ra mãn nguyện. Là một nhạc sĩ giàu tình cảm nhưng Phạm Thế Mỹ sống khá mực thước. Vì là một ông thầy của những học sinh sẵn sàng yêu, nên anh đứng đắn trong lịch sự. Hơi chải chuốt một tí. Quần áo, đầu tóc bao giờ cũng tươm tất, gọn gàng. Có một điều chắc ít ai biết, Phạm Thế Mỹ không bao giờ ngồi xe thồ, xe ôm. Nếu không có phương tiện cá nhân, bắt buộc phải đi đâu cần thiết, anh đều nhờ vào xích lô. Không hút thuốc, không uống rượu, bia. Không la cà, bát phố. Anh chân tình với bạn bè, nghe lọt tai những góp ý hữu lý. Tôi nhớ một lần, anh viết: Đường Việt Nam thênh thang một lối… Tôi và Lê Vĩnh Thọ đề nghị anh thay từ “một” có vẻ “độc đảng” quá, anh thay ngay bằng từ “ngàn” một cách vui vẻ.

Tôi xem anh như một huynh trưởng. Anh quen gọi nửa sau bút danh của tôi: Hoán và xưng “mình” trong mọi dịp gặp mặt, chuyện trò. Không phách lối, kẻ cả. Anh thường hay xài một vài chữ khá ngộ. Để tán thưởng khen ngợi ai, hay một cái gì, điều gì, anh thường dùng ba chữ “dễ sợ thật”. Ví dụ, sau khi kể thành tích tuyệt vời về những hoạt động của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, anh nối liền vào… “dễ sợ thật !” một cách ngon lành.

Phạm Thế Mỹ rất kính trọng nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng hình như người nhạc sĩ lớn này không thưởng thức tài hoa của đàn em cùng họ Phạm, sinh khác miền đất. Có một lần Phạm Thế Mỹ đưa tôi đến thăm nhà anh Phạm Duy ở Phú Nhuận. Đêm đó là là đầu tiên tôi trình diện tác giả Tình Ca mà tôi hằng ngưỡng mộ.

Nhạc sĩ Phạm Duy không có tuổi già trong âm nhạc, trong văn hóa nghệ thuật, nên tôi xin được gọi là anh. Anh Phạm Duy tiếp chúng tôi trong phòng ngủ nhỏ của riêng anh. Thân tình này chợt giảm đi tình thân, khi anh Duy tự tại, nằm dài trong bộ áo quần bà ba đen một thời của nông dân mình. Anh không thèm nhỏm dậy, cho những người đi sau có cơ hội chạm tay anh để lấy hơi. Với một người vô danh như tôi, điều này không chút mặc cảm tự ti nào. Nhưng với Phạm Thế Mỹ, người đã có dịp được anh truyền đạt ít nhiều tay nghề, khó có thể không buồn. Một chữ đủ làm thầy, nhưng tình thầy trò có bắt buộc hướng thượng một chiều? Tôi nhớ đêm hôm đó anh Phạm Duy nói cả phần của chúng tôi. Nhưng tôi không nghe, không hiểu gì cả. Bộ áo quần bà ba đơn giản dễ thương và chất phác trở thành rất xa, rất lạ dưới mắt tôi. Chẳng phải vì chúng có sứ mệnh “xây dựng nông thôn” mà vì một điểm gì đó, tôi chưa nghĩ ra, không mong nghĩ ra. Tôi là người rất kính trọng tài hoa của anh Phạm Duy. Từng lén nghe nhạc anh để ngậm ngùi rơi nước mắt, đến nỗi làm ra thơ, thời sau 1975. “…Đêm mưa nằm ngủ không đành/ tôi trôi theo giọng Thái Thanh dập dìu / Tôi còn yêu, tôi cứ yêu..nhạc bao la trải bóng kiều liêu trai…. Bây giờ cũng vậy. Một điều nhỏ, thú thật tôi đã tiếc, là anh đã chợt xin làm sống lại những ca khúc lỗi lạc vốn chưa hề chết của anh. Cái tiếc vớ vẩn của tôi hẳn được anh Phạm Duy cho là lãng mạn với ít nhiều ngu muội. Tôi vẫn một lòng kính quí người có “tình hoài hương” tuyệt vời này. Khi nhận điện thư lúc 15:08:22-0800 ngày 23 feb.2006 của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân từ quê nhà tin: “Sáng sớm 23-2-2006 anh Phạm Duy ho ra máu phải vào bệnh viện Việt Pháp cấp cứu. May chưa can chi…” tôi rất buồn, đã nhắn đến anh một lời chúc sức khoẻ chân tình. Còn sức khoẻ Phạm Thế Mỹ, bạn tôi ra sao? Chính anh ấy đã thố lộ:

Tôi vừa trải qua cơn bạo bệnh, bị đứt mạch máu, liệt nửa người, nằm đến 7 tháng, hiện vẫn còn nói ngọng. Tôi vẫn sáng tác, mới nhất là một trường ca dài 30 phút. Hiện ngoài những ca khúc rời, tôi đã viết 6 trường ca và 4 nhạc kịch

(trích lại từ trích dẫn trong bài viết của Bùi Mạnh Hùng).

Dễ sợ thật !

Anh bạn Mỹ của tôi hiện nay là vậy. Trước những bất hạnh của anh mà sao tôi như mỉm cười?

Năm 1984, gặp nhau tại Sài Gòn. Phạm Thế Mỹ nắm tay tôi lôi về nhà đãi ăn và khoe một người đàn bà mới đến định cư trong đời anh. Anh vô cùng hào hứng:

– Hoán biết không? Thật kỳ diệu, bà mới của mình cũng là Trần Thị Lý, giống y chang họ tên vợ của Hoán. Dễ sợ thật !

Thực hư về cái tên tôi không rõ. Tôi có chút vui cũng có chút buồn. Nhiều lần định gọi thăm cháu Điểm, (hẳn đã là một người đàn bà), để thăm hỏi nhiều điều nhưng lại thôi. Trong suốt 21 năm qua, tôi có nhận được mấy dòng thư của Phạm Thế Mỹ vào năm 1989. Anh có vẻ rất buồn. Bút tự cùng vài hình ảnh xưa cũ được bày ra để nhớ lại “những ngày xưa thân ái”