Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Joy Harjo được phong danh hiệu Thi khôi Hoa Kỳ

Nhà văn sinh ở bang Oklahoma, thành viên Nhà nước Muscogee Creek[i], là người Mỹ Bản địa đầu tiên được phong danh hiệu này.

Concepcion de Leon, The New York Times 19/6/2019

Hoàng Hưng dịch

“My poems are about confronting the kind of society that would diminish Native people, disappear us from the story of this country,” said Joy Harjo, the new American poet laureate.

Joy Harjo bắt đầu viết khi còn là sinh viên ở bang New Mexico những năm đầu thập kỷ 1970, trong thời gian mà bà mô tả là “thời kỳ bắt đầu một phong trào văn học đa văn hoá”.


Trong những cuộc tụ họp quanh vùng Tây Nam, bà bắt đầu gặp gỡ các nhà thơ, trong đó có những nhà thơ người Mỹ Bản địa. Nghe họ trình diễn, bà nhận ra rằng ai cũng có thể trình diễn, trong đó có mình. “Nó trở thành một cách để đặc biệt nói về các trải nghiệm của người phụ nữ Bản địa trong một thời đại xã hội có sự thay đổi lớn”, bà nói.

Kể từ đó đến nay, 68 tuổi, bà đã viết tám tập thơ, một hồi ức và hai cuốn sách cho giới trẻ. Giờ đây, Thư viện Quốc hội Mỹ đã phong tặng bà danh hiệu Thi khôi Hoa Kỳ mới. Bà sẽ thay thế Tracy K. Smith, người đã giữ danh hiệu này trong hai năm, và gia nhập hàng ngũ các nhà văn nổi tiếng như Rita Dove, Louise Glück, Billy Collins và Juan Felipe Herrera. Harjo, một thành viên của Nhà nước Muscogee Creek, là nhà thơ thứ 23 và nhà thơ đầu tiên người Bản địa được chọn vào vai trò này.

“Tôi vẫn còn hơi sốc”, Harjo nói, hiện bà sống tại bang Oklahoma, nơi bà ra đời. “Loại phần thưởng này vinh danh vị trí của người dân Bản địa ở đất nước này, vị trí của thơ ca của dân Bản địa”.

Rob Casper, người đứng đầu Trung tâm Thơ và Văn học của Thư viện Quốc hội, nơi chịu trách nhiệm phong danh hiệu Thi khôi, ca ngợi “tính nhân bản lớn lao” của thơ Harjo. “Bà có thể có một cái nhìn bao quát rộng lớn và vẫn nói một cách trực tiếp như một con người nói với một con người, theo cái cách mà tôi không thể không cảm thấy mình hoàn toàn bị cảm động và tin tưởng”, ông nói.

Trong một tuyên bố, thư viện trưởng Carla Hayden, nói rằng tác phẩm của Harjo “kết nối chúng ta với đất đai và thế giới tâm linh một cách đầy quyền lực, với tính trữ tình sáng tạo giúp chúng ta hình dung lại mình là ai”.

Harjo lớn lên ở đất của người Bản địa ở Tulsa, bà là người con cả trong bốn chị em. “Tôi được mọi người nói cho biết mình là đứa học trò e thẹn nhất ở trường Thổ dân Da Đỏ, và tôi thích vẽ, vì như thế tôi không cần phải nói”, bà nói. Bà không được nuôi dưỡng bởi nhiều cuốn sách, nhưng nghe nhiều câu chuyện kể, trước nhất là chuyện về tổ tiên, trong đó có những thủ lĩnh bộ lạc giữa những người thuộc họ nội của bà. Bà lớn lên trong sự chiêm ngắm những tác phẩm mỹ nghệ của bà nội trong nhà.

Trong cuốn hồi ức xuất bản năm 2012, tên là “Dũng cảm điên rồ”, Harjo kể lại tuổi thơ khó khăn trong đó có sự lạm dụng ma chất, một người cha dượng lạm dụng và sự thách thức phải trở thành người mẹ non trẻ, nhưng khi được hỏi giờ đây bà nghĩ sao về những chuyện ấy, bà chỉ nói: “Chúng ta là những con người khiếm khuyết, song chúng ta có tình yêu. Tôi đã vượt qua tất cả. Tất cả chúng ta đều vượt được”.

Bà theo học một trường trung học chuyên về nghệ thuật trình diễn, rồi học hội hoạ ở Đại học New Mexico. Sau đó bà tham dự Trại Viết văn Iowa và từ lúc đó đã xuất bản nhiều tập thơ, khai thác đề tài kết nối giữa tâm linh, tự nhiên và tình cảnh người nữ, tập chú vào lịch sử và trải nghiệm của người Mỹ Bản địa.

“Thơ của tôi nói về sự đối đầu với loại xã hội muốn giảm thiểu dân Bản địa, làm chúng tôi biến mất khỏi lịch sử đất nước này”, bà nói.

Bà đã từng nhận Giải Thơ Ruth Lilly Poetry, và tập thơ mới nhất của bà “Một bình minh Mỹ” sẽ được W.W. Norton xuất bản vào tháng 8 tới.

Harjo chưa quyết định chính xác mình sẽ làm gì trong thời gian giữ danh hiệu Thi khôi – những người mang danh hiệu này thường chọn một tiêu điểm hay dự án để thực hiện trong thời gian ấy – nhưng bà nói rằng mình hy vọng “nhắc mọi người nhớ rằng thơ thuộc về mọi người” và nó có thể được rút ra từ một dải rộng những trải nghiệm nhân sinh và tự nhiên, “mặt trời mọc, mặt trời lặn, ăn uống, vui hưởng sự quần tụ, sự sinh nở, cái chết, tất cả mọi thứ”.

Bà cũng là một người chơi nhạc, đã cho ra bốn tập nhạc và bà nói muốn làm nổi bật bản chất liên ngành của thơ với nhạc và múa, cũng như lên tiếng với sự chia rẽ về xã hội chính trị hiện nay.

“Ngay khi tôi bắt đầu viết thơ, chúng ta đã ở trong một thời đại rất quyết định trong lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử hành tinh”, Harjo nói. “Thơ là một cách bắc cầu, những cây cầu nối nước này với nước khác, người này với người khác, thời đại này với thời đại khác”.


[i] Muscogee (Creek) Nation là một bộ lạc tự trị của người dân Mỹ Bản địa ở bang Oklahoma. MCN là có số dân là 86.100 người (HH).