Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Vĩnh biệt anh Hoàng Ngọc Biên, nhớ lại vài kỷ niệm

Hoàng Hưng

Nghỉ trưa xong, mở mạng làm việc tiếp, thì giật mình đập ngay vào mắt thông báo từ FB hoạ sĩ Phan Nguyên: Hoạ sĩ-nhà thơ-dịch giả Hoàng Ngọc Biên đã từ trần sáng nay 16/5/2019 tại San Jose! Tự trách mình: chiều qua, tự nhiên nghĩ đến gọi điện thăm anh, rồi chuyện nọ chuyện kia, qua mất!

clip_image002

Anh Biên!

Anh và tôi có cái tình có lẽ khá đặc biệt. Người Sài Gòn thời Cộng hoà, kẻ Hà Nội thời Cộng sản, nhưng hình như ngay từ lúc gặp anh lần đầu ở quán cà phê vỉa hè anh tạm kiếm sống qua ngày vào những ngày tháng 5 năm 1975 trên đường Trương Minh Giảng bên ngoài nhà anh, cho đến lần gặp cuối cùng tháng 9 năm 2017 cũng tại nhà anh ở San Jose, chưa khi nào hai người cảm thấy có sự khác biệt. Một cảm giác mơ hồ về sự đồng cảm nào đó, ít ra là sự an toàn khi sơ giao và sau này, đồng điệu khi kết giao.

Có thể chúng tôi có sẵn sự gần gụi từ một quá khứ trẻ thơ trong môi trường văn hoá Pháp (mà tôi vẫn cố duy trì trong những năm sống ở miền thoái Pháp)?

Tôi đã gần gụi anh nhiều nhất trong mấy năm sau khi tôi đi tù “cải tạo” về. Tôi rủ anh làm báo, nói cho đúng là nhờ anh lo trình bày cho hai tờ tạp chí mà tôi có duyên được giao cho làm sau thời “Đổi mới”. Tờ Sáng tạo của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, rồi tờ Seaprodex của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản. Chính anh và em trai anh, TS Kinh tế Hoàng Ngọc Nguyên, đã dạy tôi nhiều thứ của nghề báo chính hiệu, mà suốt bao nhiêu năm làm “báo tuyên truyền” của nhà nước, tôi mù tịt! Cũng như trước đó ít lâu, hai anh đã thực sự làm ra tờ Thanh Niên cho nhóm N.C.K!

Cũng chính anh đã bỏ công trình bày tập thơ hậu-tù của tôi: tập Ngựa biển năm 1988. Có mấy kỷ niệm không quên với anh về tập này. Thứ nhất, tôi muốn tập thơ “ngoài luồng” đầu tiên này (đầu tiên không chỉ của riêng tôi, mà của cả nước) có một hình thức khác lạ với thói quen in thơ. Tôi trông thấy ở nhà anh những bản nhạc Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn gì đó không nhớ rõ đều in khổ vuông, bèn hỏi anh: “Lấy khổ này in thơ được không?”. Anh OK liền. Vậy là từ đó ra đời cái “mốt” sách thơ hình vuông mà đến nay khá phổ biến? Thứ hai: anh đọc bản thảo, thấy chùm thơ “Vụt hiện” tôi ghi chú là “Thơ thể nghiệm”, anh hỏi: “Ông không tin đó là thơ hay sao?” Tôi “vụt ngộ”, bèn xoá ngay mấy chữ ấy. Nhiều chuyện sau này liên quan đến văn hoá văn nghệ, hầu như tôi và anh chỉ trao đổi qua lại hai câu ngắn ngủi là nhất trí ngay. Đáng nói nhất là chuyện anh vẽ mấy phụ bản và bìa cho tập thơ. Một con ngựa tung bờm vươn trên sóng. Sau này anh bộc lộ: anh đã phác thảo 40 con, rồi mới chọn một con ưng ý nhất làm bìa. Lần duy nhất thăm anh ở San Jose, tháng 9 năm 2017, tôi thấy bức tranh “Ngựa biển” anh đặt trên bàn. Anh nhìn tôi mỉm cười.

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

Anh có nụ cười rất riêng, ít thấy ở ai khác. Cười nhẹ nhàng, mà nhiều ý nghĩa. Vui, hiền, bao dung, ân cần, tuy có lúc không giấu chút hài. Nụ cười “làm sao cũng chẳng làm sao”, như thấy trước mắt sự đời là trọng mà cũng là khinh. Nụ cười ấy đi với cái phong thái thư thả mà không phải không bận rộn, lặng lặng mà không thiếu sôi nổi, hiền hiền mà không hề thiếu kiên quyết, dễ dễ mà không hề tuỳ tiện, nghệ sĩ mà lại chỉnh tề, nghiêm túc mà lại hóm hỉnh, chỉ thấy ở rất ít người có sự giao hoà văn hoá Việt và Pháp tiền chiến, có độ chín, độ sâu về trí tuệ cộng với cuộc đời từng trải.

Nhưng trên tất cả, là tấm lòng. Hình như anh không giận ai. Hình như anh sẵn lòng truyền nghề cho tất cả những người trẻ mà không đòi hỏi gì hết. Hình như ai nhờ cái gì anh cũng không từ chối. Riêng điểm sau cùng này, với tôi là rõ rệt, không phải “hình như”!

Chỉ cần kể những gì tôi “nhờ” mà anh đều làm ngay tức khắc từ sau khi hai chúng tôi nối lại liên lạc qua hai bờ đại dương: Anh ký tên vào bất cứ “Kiến nghị”, “Tuyên bố” nào mà tôi gửi. Anh góp thơ dịch Allen Ginsberg cho tôi in Ebook. Anh gửi truyện, bài dịch cho Văn Việt khi tôi xin. Đầu năm 2014, tôi nhờ anh thiết kế logo cho Diễn đàn Xã hội Dân sự, anh trả lời “Đang tơi tả, nhưng cứ thử xem sao. Chắc phải gặp một ngày rất đẹp trời mới nghĩ ra…” Nhưng mấy ngày sau, anh đã gửi về hai phác thảo.

clip_image012

clip_image014

Hình ảnh cuối cùng của tôi với anh. Khi từ biệt vợ chồng anh, để anh thân chinh đưa tôi ra phi trường, anh nói: Ai đến đây cũng phải có một tấm hình cuối cùng chụp ở garage! Thì ra, đó là “thư viện” của anh. Tôi viết những dòng này thì nhanh, mà mất bao nhiêu thì giờ lục tung mấy cái máy tính, điện thoại, ổ cứng để tìm cho ra tấm hình ấy. Anh đứng đó, nhỏ nhắn, hơi mỉm cười… Tôi cứ tin là anh ra đi với nụ cười ấy trên môi!

Chào anh đi trước nhé, anh Biên!

clip_image016

clip_image018

Plano, 19:PM 16/5/2019

H.H.