Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

Những khoảng tối có ma (kỳ 5)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Công việc hiệu quả đến nỗi chỉ sau ba tháng, phương pháp dạy học của chị đã được các nơi học tập làm theo.

Những khi rảnh, chị Dậu chăm chỉ đọc các nghị quyết và các tài liệu liên quan do các đồng chí trong chi bộ cho mượn. Đó là ánh sáng, đường đi của đời chị. Chị giao phó đời chị cho Đảng. Chị nhắm mắt khi chạy khỏi nhà Quan cụ, giờ đây chị cũng nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối vào Đảng. Vinh quang của chị là được Đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ.

Thằng Bờm Đỏ không muốn xóa mù chữ, “Đời tao đã có Đảng lo, cần đéo gì nữa”.

Chị Dậu cảm thấy bị xúc phạm khi Thằng Bờm Đỏ coi thường công việc cao quí của chị.

Chị bảo nó, “Em không sợ bọn Phú ông lừa em à?”

Thằng Bờm Đỏ hỏi lại, “Em có gì để nó lừa?”

Chị Dậu nói, “Em không nhớ vụ nó muốn lấy cái quạt mo của em khi xưa?”

Thằng Bờm Đỏ cười, “Dào… Em không lừa chúng nó thì thôi, sao nó lừa được em”.

Chị Dậu bảo, “Em tưởng thế thôi. Bọn chúng quỉ quyệt lắm”.

Thằng Bờm nói, “Mất cái quạt mo này, mình lại làm cái quạt mo khác. Chỉ có bọn thừa tiền mới vớ vẩn sưu tầm với sưu tập những cái vô giá trị như thế thôi”.

Chị Dậu, “Không phải thế. Bọn khốn đó bóc lột trên sự nghèo khó của nhân dân”.

Thằng Bờm Đỏ của nhân dân cười, “Bà chị giờ nói giống cán bộ nhỉ”.

Chị Dậu nghiêm mặt, “Không đùa đâu”.

Thằng Bờm Đỏ vẫn cười, “Chị đáng yêu quá…”

Chị Dậu mắng “Nỡm. Không được nói bậy”.

Thằng Bờm Đỏ cãi “Em đâu nói bậy”.

Nhưng chị Dậu đã bỏ đi. Nó nhìn theo dáng chị. Bâng khuâng.

Bất ngờ, một tối chị Dậu thấy Thằng Bờm Đỏ ngồi trong lớp học của chị.

Chị đến bên nó hỏi “Có bút vở chưa?”

Nó lắc đầu.

Chị bảo, “Cứ ngồi đó nghe cũng được”.

Thật ra, nó nghe thì ít mà nhìn chị thì nhiều.

Hôm sau, chị Dậu mang cho nó một cây bút chì và một cuốn vở. Chị cầm tay Thằng Bờm Đỏ tập cho nó viết. Đấy là những lúc nó thích nhất. Thằng Bờm Đỏ ngửi thấy mùi chị, nồng sữa.

Sau một tháng, Thằng Bờm Đỏ cho cô giáo Dậu xem vở của nó. Nguyên một trang, chị Dậu chỉ thấy có một dòng chữ: “Chị Dậu ơi em yêu chị lắm”. Bên dưới vẽ cái quạt mo.

Chị lập tức xé ngay trang vở ấy bỏ vào túi.

Sau giờ học, chị nói riêng với nó, “Lần sau còn làm thế, chị sẽ mang em ra kiểm điểm đấy”.

Tuy nói thế, nhưng chị Dậu không khỏi hoang mang. Chồng chị, con chị đã thuộc về một thế giới khác, ở bên kia chiến tuyến. Để có thể trở thành một cán bộ nòng cốt của cách mạng, chị khai báo họ đã chết.

TÔI KHÔNG VÀNG, KHÔNG ĐỎ.

Và tôi thấy mình là một thằng Bờm, đứa con hoang của nhân dân, mạnh mẽ và mong manh. Tôi cũng thấy mình là đứa con vô thừa nhận của Phú ông, Quan cụ và chị Dậu. Nạn nhân của quyền lực và nghèo khó.

Trong phòng trưng bày của Lý Hoàng Hoa, có cả hai tranh cổ động tôi minh họa trong câu chuyện trên. Tôi hỏi Hoa, “Em có sưu tập những ký họa thời chiến tranh không?”

Cô nói, “Dạ có ạ”.

Tôi bảo, “Đó là những tư liệu quí. Cũng như tất cả những tranh cổ động tuyên truyền khác, nó đánh dấu một thời kỳ đặc biệt không những của lịch sử đất nước mà còn là lịch sử mỹ thuật, tâm thức cộng đồng cũng như mưu đồ chính trị”.

Cô chỉ cười, “Tiền không đó”.

Quả thế, xương máu con người đến lúc có thể qui ra tiền.

Mr. Thời Vụ cầm ly rượu đến chỗ tôi và Lý Hoàng Hoa, hỏi “Hai người quen nhau trước à?”

Cô nhanh nhảu đáp, “Anh hai của em đó”.

Thời Vụ cụng ly với tôi, giả lả “Càng có lý do để tôi quý ông”.

Hắn quay qua nhìn Lý Hoàng Hoa, cười bằng mắt, nói tiếp với tôi “Sẽ tạ ơn ông bữa khác. Hôm nay là ngày của Lý Hoàng Hoa”.

Tôi biết thêm một điều về Thời Vụ, hắn đỡ đầu cho Lý Hoàng Hoa. Và tôi cũng biết chắc chắn rằng, hắn còn là người đỡ đít cho cô. Tôi ở giữa hai trạng thái, vừa muốn chúc mừng cô, vừa e ngại cho cô. Tôi thật sự không biết thế nào là tốt cho cô.

Ra về, tôi không tránh khỏi hoang mang, buồn buồn. Cô vẫn là kẻ bị thất lạc.

Một buổi sáng, tôi đọc được tin trên tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước, tít nhỏ: “Một phát hiện chấn động của các nhà khảo cổ Việt Nam”, tít lớn: “Đã tìm thấy bia mộ Vua Hùng”, không phải tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, mà trong rừng của vườn quốc gia Xuân Sơn. Theo hướng dẫn của một cụ ông người Mường, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tảng đá có hình chóp, nằm sâu trong hang núi đá vôi, mặt trước khắc chữ “Hùng Vương chi mộ”, mặt sau khắc họa tiết con chim Lạc.

Tôi cười thầm.

Khi gặp Thời Vụ, tôi hỏi “Dự án của ông có được tăng ngân sách không?”

Hắn cười khoái trá. Gật đầu. Tôi không thể biết đó là bao nhiêu tỉ. Nhưng tôi biết hắn đang muốn mua nhà cho Lý Hoàng Hoa khoảng 20 tỉ.

Mr. Thời Vụ nói, theo cách của một cuộc họp báo, “Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy đầy đủ hài cốt của 18 vị Vua Hùng trong thời gian tới”.

Một ủy ban trực thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương được gấp rút thành lập với mục đích xây dựng luận cương về chủng tộc người Việt như một dân tộc bản địa và thuần chủng. Dự kiến công trình biên soạn này có chi phí lớn gấp ba lần ngân sách tìm kiếm hài cốt các Vua Hùng. Đây sẽ là nền tảng cho một ý hệ dân tộc, nhằm thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lê đã không còn phù hợp trong tình hình mới.

Thời Vụ hỏi tôi, “Ông có muốn tham gia một chân không?”

Tôi cười lắc đầu. Tôi không phải là kẻ lừa đảo.

Thời Vụ bảo “Ông không cần phải làm gì. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ ghi tên ông. Và ông sẽ nhận được một số tiền không nhỏ. Bạn bè chỉ có thể giúp nhau thế thôi”.

Tôi gạt đi, “Tôi không thể nhận tiền mà không làm gì”.

Bữa đó, tôi không đi nhậu, chỉ uống cà phê rồi về.

Tôi biết thêm một chút nữa về Mr. Thời Vụ. Với tư cách tổng biên tập một tờ báo, hắn đã rất thành công trong việc làm trung gian kết nối giữa chính quyền với các công ty bất động sản. Những dự án đô thị hóa trên cơ sở đất nông nghiệp đã biến đổi bộ mặt đất nước từng ngày. Hào nhoáng và hỗn loạn. Phía sau sự giàu có bất thường của một số người là một tầng lớp dân oan bị cướp đất, cùng cực bởi sự bất nhân. Và một đất nước bị chiếm đoạt, chia chác.

Cùng với quyền lực trong bóng tối, Mr. Thời Vụ cũng giàu lên ở mức độ khó tưởng tượng đối với một nhà báo của tờ báo phải sống bằng tiền trợ cấp của nhà nước và một nhà văn mà sách chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của các đại gia.

Tôi không còn hứng thú để đi chơi với Thời Vụ nữa, mặc dù hắn vẫn rất tốt với tôi.

Tôi nói với cô, “Anh muốn dành tất cả thời gian có được cho em”.

Tuy nhiên, thời gian của tôi cũng như cô, chỉ có nghĩa là “tranh thủ”. Và không gian của nó chỉ là cái giường. Chúng tôi tận hưởng nhau mỗi khi có thể.

Cô lao vào những dự phóng cho bản thân. Những dự án nghệ thuật có tính đường phố và cộng đồng hơn. Cũng như cuộc sống của cô, nghệ thuật không phải là câu chuyện được kể lại, mà chính là những thực thể, đang là. Vì thế, nó đầy ngẫu hứng cũng như rủi ro. Cô nói, “Em không biết những gì em làm có là một thứ hậu hiện sinh như anh mong muốn không. Nhưng chắc chắn rằng, em muốn lý giải mình như một tình huống dấn thân của khát vọng phiêu lưu đến một thế giới chưa biết. Nó có thể trở nên vớ vẩn hay vô nghĩa, nhưng nó khẳng định một điều, chúng ta có thể làm thay đổi thế giới”.

Đồng ý với cô, tôi không muốn lịch sử của mình được nhào nặn bởi một kẻ khác.

Những ngày đầu tháng 5, trời nắng như thiêu đốt. Cuộc triển lãm của cô diễn ra trong một vuông sân nhỏ phủ đầy cát, một vài cây xương rồng khô được cắm dưới đất. Một cơn khát sa mạc. Những lon bia hết nước lăn lóc. Một vài mặt nạ biến dạng như di chỉ của một nền văn hóa. Giữa âm thanh của gió hú là những tiếng thở dồn dập, ú ớ trong một vụ hiếp dâm. Dưới sức ép 39 độ C của cơn nắng giữa ngọ, khán giả được mời thể nghiệm với đôi chân trần bước qua vuông sân cát nóng. Mỗi người có một cơn khát khác. Những dấu chân đè lên nhau.

Khuôn mặt cô căng thẳng, vật vã. Tiếng rên vừa như sướng khoái vừa như đớn đau. Tôi chợt thấu cảm cái nghịch thường, mâu thuẫn trong chủ đề của cô. Chợt nghi ngờ sự hiểu biết của mình. Lặng lẽ nhìn ngắm cô, tôi cũng chợt nhận ra những dấu chân đang đè lên nhau trong vuông sân cát nóng kia mới chính là trọng tâm biểu đạt của cô, cái đang hình thành. Tôi muốn ôm cô để giữ lại cái khoảnh khắc đang tan biến này. Nhưng liệu tôi có thể giữ lại được gì, thân xác cô, linh hồn cô, cơn khát của cô? Tôi không thể nào không nghĩ đến những khái niệm, rất cũ, về thời tính và hữu thể, như thể tôi chỉ là một người dưng, một kẻ đứng bên lề. Một cảm giác thời tính hóa dẫn đến hư vô trĩu nặng lòng tôi. Và điều cuối cùng tôi có thể làm được là nắm chặt bàn tay cô. Giữa hố thẳm. Như hố thẳm. Một hố thẳm.

Cô ứa nước mắt. Tôi không biết phải làm sao. Bóp chặt bàn tay cô rịn nước, tôi nói “Những dấu chân sẽ mờ dần, anh nghĩ cuộc trưng bày này coi như đã kết thúc ở đây, và có thể em đang có ý tưởng cho một show khác, anh mong rằng không bao giờ chúng ta nguôi niềm hy vọng”.

Cô ngậm ngùi nói, “Vâng, em phải từ bỏ nó để bắt đầu với một cái khác, ngay bây giờ”.

Tôi dẫn cô đi uống rượu. Chỉ để nhìn cô.

Mr. Thời Vụ gọi cho tôi, hỏi “Ông đang ở đâu?”

Tôi nói ở quán rượu. Thời Vụ bảo “Ông cứ ngồi đó chờ nhé, tôi đến ngay”.

Cũng lâu, tôi không gặp Thời Vụ. Sau này, Thời Vụ có một số thay đổi rất đáng ngạc nhiên. Hắn có những bài viết tố cáo tham nhũng với những cứ liệu như của một cơ quan điều tra. Hắn cũng có những bài viết phản biện với một số chính sách của nhà nước, như một kẻ có lương tri.

Hắn chào cô, hỏi “Cô này là thế nào?”

Tôi bảo “Lượm được ngoài đường”.

Cô bật cười thích thú.

Hắn biết là không nên thắc mắc. Khui chai Hibiki 21 năm mang theo, hắn bảo “Để cô thử”.

Cô nói “Đa tạ”.

Thời Vụ hỏi “Chúng ta có thể nói mọi chuyện chứ?”

Tôi bảo “Không có vấn đề gì”.

Thời Vụ hắng giọng một cách khác thường, “Thật ra, cũng chẳng có gì bí mật, chỉ là một số anh em muốn thành lập hội những người sáng tạo tự do, gồm cả nhà báo và các anh em văn nghệ sĩ. Tôi muốn mời ông tham gia”.

Tôi hỏi “Cụ thể là cái gì?”

Thời Vụ giải thích ngắn gọn, “Như ông biết, những người viết ở Việt Nam hoàn toàn thiếu tự do biểu đạt chính kiến cũng như phổ biến tác phẩm. Vì thế, đây sẽ là một tổ chức thuần túy nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho anh em hoạt động một cách tốt nhất”.

Tôi hỏi, “Gió đã đổi chiều à?”

Thời Vụ nói, “Gió chưa đổi chiều, nhưng mình cần làm cho nó đổi chiều”.

Tôi hỏi tiếp, “Ông không sợ tù?”

Thời Vụ cười, “Nếu cứ sợ tù mãi thì chúng ta sẽ không làm được cái gì ra hồn”.

Tôi bảo, “Vậy thì tốt”.

Thời Vụ nói, “Tôi ghi tên ông vào ban vận động thành lập nhé?”

Tôi nhìn thẳng mắt Thời Vụ, lắc đầu. Tôi không tin Thời Vụ đã phản tỉnh. Tôi nói, “Tôi không phải là người của hội hè”.

Thời Vụ cố thuyết phục, “Nền kinh tế của chúng ta đã được xã hội hóa, một số loại hình văn hóa cũng đã được xã hội hóa, giáo dục cũng đã được xã hội hóa và chứng tỏ sự thành công của nó là cần thiết. Vì thế, tôi nghĩ, đến lúc chính trị cũng cần được xã hội hóa”.

Tôi nói, “Không có tôi trong cái chúng ta ở đây”.

Thời Vụ lườm tôi, “Ông cẩn thận đấy”.

Tôi cười. Tôi biết Thời Vụ rất khốn nạn, nhưng với tôi, hắn luôn tỏ ra tử tế. Có thể, tôi là chỗ để hắn cảm thấy mình còn là người. Tôi vừa thương vừa ghét hắn.

Trong suốt buổi gặp mặt, cô không nói tiếng nào, chỉ uống. Cô thích rượu.

Tổ chức xã hội dân sự “Hội Sáng tạo tự do” ra đời. Hắn trở thành nhà đấu tranh dân chủ. Đình đám. Một số người tham gia bị an ninh mời làm việc. Một số người vội vã tuyên bố rút lui. Tuy nhiên, Mr. Thời Vụ vẫn là Phó Chủ tịch Hội thường trực một cách kiên cường.

Dẫu sao, nhìn ở bất cứ góc độ nào, sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự cũng là một tín hiệu đáng khích lệ. Không phải trường hợp “cò mồi” nào cũng xấu. Tôi nói với Thời Vụ, “Chúc mừng ông”.

Hắn bảo, “Chúng ta cần một lộ trình dân chủ lành mạnh”.

Tôi nói, “Nhưng đừng để ai bị tù oan”.

Thời Vụ bảo, “Đôi khi, tù oan cũng là một cần thiết”.

Những án tù dành cho những người đấu tranh dân chủ càng ngày càng nặng. Tôi không hiểu hết những gì Thời Vụ làm, cũng không biết hắn thuộc phe cánh nào. Hắn kết bạn với tất cả mọi đối tượng “phản động”, kể cả những nhân vật chưa có thành tích gì đáng kể, không phân biệt già trẻ. Có thể hiểu đó là cách tập hợp lực lượng của nhà đấu tranh, cũng có thể hiểu đó là cách thu gom của an ninh.

Thời Vụ trở thành người biết tuốt. Đa năng và đa nhiệm.

Tuy không làm gì, nhưng tôi cũng không phải là người thờ ơ với thời cuộc, vì thế tôi vẫn được hắn quan tâm mời nhậu. Và tôi cũng ít khi từ chối, bởi tôi cũng là kẻ tò mò thế sự.

Người biết tuốt Thời Vụ hỏi tôi, “Ông có nghĩ Việt Nam sẽ có thay đổi không? Và thay đổi như thế nào?”

Tôi cười cười, “Việt Nam còn những nhân vật như ông thì sẽ không bao giờ có thay đổi”.

Hắn cũng cười, “Nhưng tôi đang thay đổi đó thôi”.

Tôi nói “Và ông tin chế độ cũng sẽ thay đổi à?”

Hắn khẳng định chắc nịch, “Không còn cách nào khác. Tôi tin là sẽ có một kịch bản hòa bình”.

Tôi nhìn hắn, “Tôi cũng mong được như vậy”.

Tuy nói thế, tôi không tin sẽ có bất cứ một thay đổi nào, ngoại trừ bạo loạn.

Trước khi có thể có bạo loạn xã hội hay chính trị, tình trạng bạo loạn ngôn ngữ đã xảy ra, quy mô và sự tục tĩu có chiều hướng phát triển không giới hạn, trên mọi bàn nhậu và không gian mạng. Văng tục là một thứ văn hóa mới, nó giải phóng mọi ức chế, cần thiết nhưng cũng không phải dễ thực hành, khi cái văn hóa truyền thống đã nghiễm nhiên trở thành một thứ đạo đức giả.

Tôi nói với cô, “Trong trường hợp của anh, văng tục là một cuộc cách mạng bản thân”.

Trên mạng xã hội, văng tục có hai khuynh hướng rõ rệt, một là biểu hiện của sự phản tỉnh và ức chế trước những thối nát, bất công và sai lầm của chế độ. Ở phía bên kia, văng tục là cách bảo vệ chế độ bất chấp đúng sai.

Cô nhìn tôi cười, “Em cũng thích nghe anh văng tục”.

Tôi bảo “Ừ, nó còn sướng hơn cả sự cưỡng hiếp”.

Cô tiếp, “Tuy nhiên, em thích cách anh dâm đãng. Rất thần thánh”.

Mr. Thời Vụ khoe, “Tôi vừa thành lập một nhóm nghiên cứu về lịch sử tranh cổ động tại Việt Nam. À, chắc ông chưa biết bộ sưu tập tranh cổ động triển lãm tại gallery của Lý Hoàng Hoa là của tôi?”

Tôi lắc đầu không biết.

Hắn nói tiếp, “Vụ này trúng lớn ông ạ. Một bảo tàng ở Mỹ muốn mua lại bộ sưu tập đó. Nhưng tôi chưa bán. Tôi muốn có hẳn một công trình nghiên cứu về nó trước khi định giá”.

Tôi cười, “Và ông định sưu tập thêm bao nhiêu cô nữa?”

Hắn cũng cười, “Lòng tham thì vô đáy, nhưng sức người có hạn”. Hắn tiếp, “Nếu ông muốn, tôi tặng ông một chân dài giải trí”.

Tôi bảo, “Kham không nổi”.

Hắn nhẹ nhàng, tỉnh rụi “Mọi chi phí đính kèm tôi lo”.

Tôi bảo “Cám ơn sự hào phóng của đại nhân. Nhưng thôi, mệt”.

Tôi không muốn vất vả hay bận tâm điều gì. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi biết cô đã nhận lời tham gia nhóm nghiên cứu về tranh cổ động của Thời Vụ. Cô nói, “Không kể chuyện công cán rất hậu hĩ, em thích vì đề tài quá hay”.

Tôi cũng phải công nhận Thời Vụ giỏi. Hắn ranh ma đến từng chi tiết.

Cô có nhiều cơ hội đi lại giữa Sài Gòn và Hà Nội hơn. Mặc dù thời gian xa nhau không nhiều, nhưng vắng cô, tôi biết tôi cần cô đến dường nào. Chúng tôi bù đắp cho nhau nhiều hơn những khi gần gũi.

Cô cho tôi xem bức tranh này:

Cô nói, “Đây là một trong những bức tranh em rất thích, nó là một câu chuyện hấp dẫn. Một quá khứ không xa, nhưng rất lạ”.

Tôi cũng muốn nói, nó là sản phẩm tuyên truyền mang bản chất chuyên chế. Nhưng tôi chỉ nói “Với xã hội đương đại, nó cũng không có gì khác. Tuy nó mang một vẻ đẹp cổ điển”.

Cô nói, “Bản chất của tuyên truyền là chuyên chế. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhìn nó như một thứ di sản văn hóa, không chỉ là của một chế độ, mà chính là của xã hội loài người”.

N.V.