Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Lê Thị Mận

Truyện Lê Thị Thấm Vân

18301900_10207082111849789_5076751154937989096_n - Copy - Copy

Lê Thị Mận, đó có thể là tên của hàng vạn cô gái Việt nếu không sinh ra ở vùng nông thôn nghèo ắt cũng thuộc tầng lớp bình dân thành thị. Và với cái tiểu sử cộng tính cách ấy, cuộc đời sẽ mở ra rất nhiều nghịch cảnh đón chờ cô. Vượt biên thành công để nhập vào xã hội Mỹ nhưng cô vẫn phải trả giá cho những gì đã lặm sâu vào đầu từ khi còn sống trên đất Việt. Những truân chuyên của cô không phải do tài hoa nên bạc mệnh, không phải vì nhan sắc mà sa cơ. Không đẹp, không tài sản, kém cả trí thông minh…, họ sẽ là “món hàng” mà bất cứ kẻ cơ hội nào cũng muốn sở hữu, buôn bán…

Đọc để thấm thía cho một phận người. Có đi đâu cũng vẫn phải hứng chịu điều bất hạnh. Bởi vì đã là đàn bà, lại còn sinh ra trên xứ sở như Việt Nam…

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn truyện ngắn này của Lê Thị Thấm Vân, một mảnh ghép cho ngày 30 tháng Tư…

VĂN VIỆT

image

(Tác giả thời học trung học)

Lê Thị Mận, cái tên nồng mùi cây trái, đầy nữ tính và rất Việt Nam, nhưng qua xứ Mỹ này thì hoàn toàn trái ngược. Mận biến thành Man - gã đàn ông. Gặp nhau, tử tế thì chào: “Hi, Man!” kèm với nụ cười cởi mở. Còn không, sẽ là: “Come on, Man!”. Nếu giọng kéo dài, người nghe thoáng chút dịu dàng, chở che. Còn nếu nói nhanh, người nghe nghĩ ngay đến hình ảnh hai đứa Mỹ con đang hùng dũng xăng tay áo lâm vào cuộc chiến.

Lê Thị Mận, tên con bạn tôi quen từ năm cuối trung học. Những lần gặp tôi, tình cờ hay cố ý, thì y như rằng, đời nàng đang vào ngõ bí, và tôi là bờ đê được nàng dựng lên để ngăn dòng thác ào ào tuôn chảy. Bờ đê nhìn từ xa thì rất ư kiên cố, như thành trì chống cộng, nhưng lại gần sờ mó, thì nó chỉ là bờ tường được đắp bằng tảng đất sét.

Mận, hai vai ngang và mỏng đi với cái cổ đầy xương. Nhiều lần nhìn Mận rung vai ngồi khóc, tôi không thể không đếm tới đếm lui. Trên khuôn mặt Mận, từ nước da đến mắt mũi miệng, ba điểm chính đều phẳng lì không để lại dấu ấn cho người đối diện. Ngoại trừ cặp lông mày rất đặc biệt, rậm rạp và đen thui, giao nhau ở giữa bằng một vòng xoáy quăn tít, càng về phía thái dương càng có khuynh hướng đi lên. Nhìn như hai thanh kiếm đẹp nằm gát ngang.

Lần đầu gặp Mận là buổi trưa. Tôi vừa xong giờ toán, còn Mận trong thư viện bước ra. Mận đi trước tôi vài bước, dáng đi nửa lúc thúc nửa lủi thủi, vai đeo cái túi chứa rất nhiều sách. Cái jacket màu đỏ đậm phủ trọn người. Mận bước một bước tôi bước một bước. Mận bước hai bước tôi bước hai bước. Gió cuối đông thổi những sợi tóc đen của nàng bay bay. Nhìn Mận từ phía sau, bỗng dưng không hiểu sao tôi nghĩ cô này là đồng hương. Nghĩ thế, tôi cố vội bước nhanh. Khi qua được mặt nàng, tôi quay phắt nhìn thẳng vào mặt Mận, cái nhìn vừa thỏa tính tò mò lại vừa sỗ sàng vô lý. Mận cũng thoáng nhìn lại tôi, nhưng liền né tránh, có gì ái ngại lơ ngơ trong đôi mắt đó? Tôi bước nhanh qua mặt Mận, còn cố ngoái cổ nhìn lui, bụng nghĩ thầm, “Việt Nam da vàng mũi tẹt chính cống, không chạy đâu được!”.

***
Khoảng vài tuần sau ngày “coi” cho được mặt Mận, một buổi chiều, sau giờ tan học, hai đứa ngồi trên băng ghế trước cổng trường, Mận kể tôi nghe lý do nàng đi Mỹ. Trước khi kể Mận khóc rất lâu và cứ ấp úng không biết bắt đầu “vào đề” như thế nào, mặc dầu Mận tự ý muốn giải bày tâm sự. Bao Kleenex sử dụng thấm nước mắt của Mận gần hết, vậy mà Mận vẫn cứ loay hoay ngồi khóc. Tôi bực mình, hết cả kiên nhẫn, lòng thương xót lúc đầu tan biến. Tôi hỏi một câu rất lạnh:
“Vượt biên, bị rape hả?”.
Thay vì ngưng ngang tiếng khóc, tay phải chùi nước mắt, tay trái chùi nước mũi, đứng bật dậy như lò xo, chửi thẳng vào mặt tôi là thứ ăn nói hồ đồ. Trái lại, Mận nói nhỏ, rất nhỏ:
“Không , không phải như thế Ellen ạ”.
“Thế thì sao?”.

Giọng tôi hơi bực. Tối hôm trước, tôi xem một phóng sự về những người đàn bà, con gái Việt Nam bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp trên đường vượt biên giờ vẫn còn bị ám ảnh. Hai chân tôi khoanh tròn trên ghế, tay bứt cọng cỏ khô vò nát. Tôi không nhìn Mận:
“Thôi, không nói thì thôi, việc gì phải khóc”.
Tiếng khóc Mận dịu dần rồi im hẳn. Hai tay nàng nửa vân vê nửa chà xát cái túi đựng sách màu đen kê trên đùi.
“Ellen, để mình nói…”.
Và nàng bắt đầu nói.
“Ellen có thấy anh chàng mỗi chiều tan trường đến đón mình không?”.

“Ừ, có thấy. Phải anh chàng gầy nhom hay đội mũ ngược không?”.

“Ừ, ừ anh Tánh đó, ảnh hơn mình năm tuổi. Ảnh đã đưa mình sang đây, bị ảnh là tài công nên chủ ghe cho được bốn chỗ, ba má ảnh hai chỗ, hai chỗ còn lại là của ảnh và mình. Suốt mấy ngày lênh đênh trên biển mình cứ loay hoay làm sao duỗi thẳng được hai cái chân…
Ở Việt Nam nhà mình nghèo lắm, nghèo đến độ không thể nghèo hơn được nữa. Học xong lớp ba mình phải ở nhà phụ má coi em. Trên mình có một ông anh, dưới mình có bốn đứa em. Ba mình bị liệt, má mình bán rau ngoài chợ. Cả nhà ăn bữa đói bữa no. Một hôm đi ngang nhà bà hàng xóm, thấy người lớn con nít bu quanh, mình tò mò vô coi. Ôi! Thùng quà từ Mỹ gửi về. Những bịch bánh kẹo xanh xanh đỏ đỏ nằm lẫn giữa đống vải vóc, thuốc lá… Mình đứng trố mắt, tưởng đang nằm mơ.
Thùng quà của bà hàng xóm nhận được từ đứa con gái lớn ở Mỹ đã làm mình thắc mắc nơi được gọi là nước Mỹ. Mình nghĩ nếu đi được qua bên đó, mình cũng sẽ gửi về cho cả nhà những thùng quà còn to hơn vậy nữa, dù mình không biết nước Mỹ nằm ở đâu. Mười lăm tuổi, mình chưa hề bước chân ra khỏi cái xóm chài nghèo nàn đó.
Anh Tánh xuất hiện như vị cứu tinh.
Tánh xấu trai, mình biết chứ, nhưng ảnh được cái khôn lanh, má mình nói vậy. Ảnh lanh hơn mấy tay công an trong xóm, qua mặt tụi nó vù vù. Gặp má mình lần đầu, ảnh xưng má má con con ngọt xớt. Mà lần nào ảnh đến nhà mình, tay ảnh cũng xách cái bịch hay bưng cái rỗ đựng đầy cá tươi.
Đêm đầu tiên đến được đất Thái, sau khi “đè” mình xong, ảnh nói: “Lần đầu gặp em, anh nghĩ em phải là vợ anh. Nếu đi Mỹ, bằng mọi cách anh phải đưa em theo”. Rồi anh tiếp, giọng nghiêm nghị: “Chỗ ngổi của em trị giá hai cây. Má thằng Lân cạnh nhà sẵn sàng trả nếu anh không đưa em đi”. Mình đi Mỹ là vậy, chỉ vì thùng quà của bà hàng xóm”.
“Thế có thương anh Tánh không?”. Tôi nhanh nhảu.
“Sợ chứ không thương”.
“Sao lại sợ?”. Tôi tò mò.
“Ừ, sợ lắm! sợ lắm!”. Tôi thấy chữ sợ hiện rất to, rõ trong mắt Mận. “Sợ mỗi đêm, người anh đổ ập lên người mình, rồi bàn tay, ngón chân anh… Trời, đau đớn lắm. Ellen không biết chứ… Giống như ai lấy con dao cùn vừa cứa vừa đâm vô thịt”.
Kinh nghiệm về đàn ông con trai tôi hoàn toàn mù tịt. Mận là đứa đầu tiên “dạy” tôi bài học kinh nghiệm sinh lý không chuẩn bị trước. Tôi nghe, thắc mắc lẫn tò mò, nhưng lại ra giọng người lớn:
“Đau thì đừng cho lại gần. Mình không muốn thì không ai làm gì được mình”.
Rồi tôi tiếp, nhỏ giọng, như nói với mình.
“Mà sao lại đau đớn đến thế nhỉ?”.
Tôi đề nghị với Mận là nên báo cảnh sát. Mận giật nảy người hoảng hốt: “Không, không được. Ảnh dọa nếu kêu cảnh sát, ảnh sẽ giết”. Mận nói lúc hắn “dọa”, mắt hắn lăm lăm nhìn về phía con dao to bản dùng để chặt thịt gà.
Trời, chỉ hai cây vàng, cái giá Mận phải trả. Tôi nghe không thể chấp nhận được. Hai cây vàng, to hay nhỏ, trị giá bao nhiêu, tôi không cần biết. Nhưng đánh đổi hai cây vàng để phải ở bên cạnh người mình khiếp sợ như ác qủy suốt đời. Ác qủy hành hạ mình mỗi đêm để đạt cơn thống khoái. Tôi nghĩ đến sự tàn ác và bất công. Tôi phải tìm cách giúp Mận thoát khỏi cảnh hãi hùng.

Tôi nhanh nhảu kể hết cho bà Betty làm counselor trong trường. Qua ngày hôm sau, bà gọi tôi và Mận vào phòng. Lúc tôi ngồi giữa bà Betty và Mận, đóng vai thông dịch viên, tôi bỗng nghĩ IQ của Mận chắc có vấn đề. Tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tiếng nào cũng ấp úng. Mận qua Mỹ ở tuổi mười bảy, tuổi vị thành niên, nghĩa là phải ngồi ghế trung học một năm. Tôi nghĩ, phải chi nàng đến Mỹ chậm đi một năm, biết đâu lại đỡ hơn. Đỡ phải thấy cái dáng đi nửa lúc thúc nửa lủi thủi trong sân trường với đôi mắt thất thần như kẻ đi lạc, cùng với cái túi chứa sách trĩu nặng trên vai. Mỗi lần trông thấy, tôi cứ thắc mắc biết chủ nó có học được chữ nào không? Sao phải tự hành hạ vác trên người đống sách như thế. Lại phải đi giáp vòng sáu lớp học mỗi ngày, kể cả giờ PE. Giờ mà Mận than khổ sở nhất, vì phải thay áo quần trước hàng chục con mắt tụi Mỹ chung quanh. Tôi nói với Mận rằng tụi con gái Mỹ chẳng đứa nào hơi sức đâu nhìn. Mận nói: “Có chứ, tụi nó nhìn kỹ lắm”. Sau này, có dịp bơi chung, lúc Mận thay áo tắm, tôi cũng phải thắc mắc sao nàng nhỏ con, chân tay lỏng khỏng, cổ toàn xương, tóc thưa mỏng nhưng sao vú nàng vĩ đại thế. Hai đầu vú đỏ hồng, bầu vú căng tròn trắng mịn, vài sợi gân xanh li ti. Nhìn, tôi thầm nghĩ chắc ông trời gắn lộn.

Một tuần sau ngày gặp bà Betty, Mận về ở với ba má nuôi người Việt gốc Chợ Lớn, có mấy đời buôn bán nồi niêu soong chảo. Tiền bạc tính kỹ từng xu. Ông bà có bốn người con, tuổi từ tám đến mười tám. Nhà có bốn phòng ngủ, Mận chia chung phòng với đứa con gái thua nàng một tuổi. Hai cây vàng như thế đã trả xong nợ. Giờ đây thùng quà gửi về cho má và mấy đứa em đang ở Việt Nam đành coi như… gửi gió cho mây ngàn bay.

***
Tôi không gặp lại Mận đúng hai năm sau. Bởi xong trung học, tôi lên thẳng đại học ở thành phố khác. Mùa hè tôi về thăm nhà. Một buổi chiều thứ bảy tôi đi biển về, thấy Mận ngồi sẵn ở phòng khách đợi tôi. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, còn Mận, nàng mừng rỡ khi gặp lại tôi.
“Mình ngồi đợi Ellen từ chặp trưa đến giờ. Má Ellen nói Ellen… sắp về, mình cứ ngồi đợi…”.
Lâu rồi nay mới nghe lại giọng nói nửa vời của Mận, tôi thấy thoáng vui trong lòng. Bóp bóp vai Mận, tôi hỏi:
“Chà, coi bộ mập ra”.
Mận bỗng sầm ngay nét mặt. Nét mặt trước đó một phút tôi nhìn có chút nắng trong. Khuôn mặt ủ ê, nhợt nhạt đi kèm với giọng nói ấp úng cố hữu của hai năm trước ngồi ở băng ghế trước cổng trường bỗng hiện nguyên hình.
“Chuyện gì nữa đây?”. Tôi hỏi.
“Ờ, ờ thì…”.
“Thì sao?”. Cái tánh nóng nảy, thiếu kiên nhẫn trong tôi mỗi khi gặp Mận lại chợt ào đến.
“… Thì… mình đang có bầu”.
“Cái gì? Có bầu hả? Mà lấy ai vậy?”. Miệng tôi hỏi nhưng mắt lăm lăm ngó xuống cái bụng của Mận. “Bộ về ở lại với thằng cha Tánh rồi hả?”. Tôi hỏi hồ đồ.
“Không, không phải anh Tánh, mà là… A Khuèn”.
“A Khuèn là ai?”.
“Ảnh là con trai lớn của ba má nuôi… mà hồi trước Ellen chở mình tới đó, nhớ không?”.
“Oh! Your foster parent”. Tôi chợt nhớ ra khuôn mặt ông bà Tàu lai keo kiệt mà Mận thường kể tôi nghe ngày trước.
“Đã biết con trai hay con gái chưa?”. Vừa hỏi tay tôi vừa nắn nắn bụng Mận, tìm kiếm đứa bé.
Mận lắc đầu.
Tôi nhìn đồng hổ trên tường. Năm giờ kém năm. Bỗng Mận níu lấy áo tôi.
“Mình đến định hỏi Ellen cái này”.
Tôi nhìn thẳng, sâu vào mắt Mận. Linh cảm có chuyện không lành gì nữa đây.
Mận đợi tôi tắm xong. Hai đứa đi bộ ra quán ăn Mễ Tây Cơ đầu đường. Lúc ngồi đối diện tôi, tay phải Mận chống cằm, tay trái gõ lóc cóc trên mặt bàn formica màu xanh lá đậm. Những ngón tay với móng cắt cụt gây tiếng động đục, rời rạc. Âm thanh gõ nhịp khác hẳn những điều tôi đang nghĩ trong đầu về Mận. Nàng như đám rơm khô sắp bị gió thổi ngọn lửa táp vào. Và tôi, kẻ có bổn phận phải tạt thùng nước vào đám rơm khô ấy.
“Tìm tui có chuyện gì vậy?”. Tôi hỏi thẳng vô đề.
Mận đưa mắt nhìn tôi rồi nhìn sang chỗ khác. Khuôn mặt Mận đầy đặn hơn khi đang mang thai.
“Mình có cái này hỏi Ellen, tại không biết hỏi ai. Tuần rồi bác sĩ gọi mình đến phòng mạch, nói cái gì gì đó mình nghe không hết. Mình định nhờ Ellen đưa mình đến gặp bác sĩ, hỏi rõ…”.
Thái độ ngập ngừng, giọng nói nhỏ pha chút hụt hơi.
“Ổng nói cái gì có còn nhớ không?”. Tôi hỏi.
“Ổng nói cái gì mà down syndrome, rồi giữ đứa bé hay không là tùy mình và anh A Khuèn”.
Tôi nghe giật nảy người.
“Thế Mận và ông xã đã bàn gì với nhau chưa?”.
Vừa nhắc đến hai chữ “ông xã” là Mận bật khóc. Tôi chỉ biết ngồi lặng thinh. Những cái xương ở cổ càng hằn rõ mỗi khi nàng nấc. Đợi tiếng khóc nguôi ngoai, tôi hỏi nhỏ:
“Bộ ổng có bồ hả?”.
Mận gật đầu.
Tôi nhìn cặp lông mày trên khuôn mặt Mận, thầm nghĩ, hai thanh kiếm nằm gát ngang thế kia thì đúng ra phải có số trị… đàn ông, chứ sao con nhỏ này lại ngố thế không biết.
Qua ngày hôm sau tôi chở Mận đến gặp bác sĩ. Sau khi trình bày rất kỹ về bệnh tình đứa bé, thường không phải làm test ở tuổi Mận, phải trên ba lăm, nhưng vì A Khuèn có người em sanh đôi bị down syndrome. Trên đường về, Mận ngồi yên lặng. Gần tới nhà, còn khoảng một block, bỗng dưng Mận hỏi:
“Nếu là Ellen, Ellen giữ hay phá?”.
“Phá”. Tôi nói nhanh. “Đẻ ra, khổ Mận và tội nó cả đời”.
Mấy ngày sau, Mận đi trục đứa bé ra khỏi người nàng.
Lần gặp đó, tôi quên hỏi Mận là đã gửi được thùng quà nào về cho má và mấy đứa em ở Việt Nam chưa.

***
Một tối chủ nhật, sau khi ngồi ngốn mấy chục trang cho môn thi vật lý ngày mai, lưng và hai con mắt mỏi nhừ, đang sửa soạn đi ngủ thì tôi nhận được cú phone từ Mận. Lần này, nàng vô thẳng đề tài:
“A Khuèn đuổi mình ra khỏi nhà, mình chẳng biết đi đâu, Ellen cho mình đến ở tạm được không?”.
Biết trả lời sao, khi câu hỏi đã trình bày rõ ràng như thế.
“Ừ, được. Nhưng không biết Mận đến bằng gì. Sáng mai tui có midterm”.
“Mận đi Greyhound được, Ellen đừng lo, cho mình xin cái địa chỉ”.
Sau khi cúp điện thoại, tôi nghĩ, xứ Mỹ đã thay đổi được Mận. Nàng lanh hẳn ra. Tự kiếm được số phone của tôi, biết mình muốn gì, dám lấy greyhound một mình xuyên qua mấy thành phố để đến gặp tôi.

Gặp lại Mận lần này, nàng gầy hẳn đi. Tóc đã thưa giờ thưa hơn. Trên khuôn mặt, vẻ mỏi mệt hiện rõ nhất. Mận kể tôi nghe chuyện nàng bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Vừa nghe tôi vừa thắc mắc, tại sao đời con nhỏ này có lắm chuyện buồn thế!
Mận kể người đàn ông thứ nhì đến trong cuộc đời nàng thô lỗ, tục tằn với nàng biết bao. Một buổi chiều đang ngồi vừa lặt rau cạnh góc bếp vừa coi ké phim bộ với đứa em chồng, A Khuèn đánh bạc về, bị thua, đi ngang chỗ nàng ngồi, khi không đá bay cái rỗ rau, rồi túm cổ áo Mận, nói: “Cái mặt hãm tài. Mặt mày giống con khỉ đột trong sở thú. Cút khỏi mắt tao ngay!”.

Vì câu nói này, tôi lại phải nhảy vào vòng chiến cuộc đời Mận. Nhưng khác với mấy lần trước, đưa nàng đi bác sĩ hay counselor. Lần này, tôi bảo nàng cứ ở tạm với tôi rồi từ từ kiếm việc gì làm, mặc dầu trong thời gian đó tôi là sinh viên nghèo.
Ra đi lần này, hai chân Mận vững vàng thêm được một chút. Trường đời dành cho Mận nhiều bài học hơn trường ốc. Tối hôm đó, lúc Mận đứng thay áo ngủ, tôi nhìn thoáng, hai bầu vú nàng vẫn còn tròn trĩnh, bắt mắt như ngày nào.
Hai tuần sau, Mận có việc làm mới, phụ lặt vặt trong nhà hàng Tàu. Làm hơn một tháng, Mận kiếm được chỗ ở gần nhà hàng hơn. Như thế tạm yên ổn.
Vài tháng sau, tình cờ gặp Mận trong chợ Lucky. Đi cạnh Mận là người đàn ông trên dưới ba mươi. Mận giới thiệu anh tên Sáng, rồi cười cười khoe: “Ảnh là bếp chính, còn mình sắp được làm bếp phụ”. Tôi ngớ ngẩn hỏi: “Được làm bếp phụ thì sao?”. “Thì được tăng lương và…”… Nàng bỏ lửng câu nói. Tôi bỗng hiểu ngay. “Được ở cạnh chàng cả ngày phải không?”. Hai má nàng ửng hồng như hai quả mận khi nghe tôi nói đúng tim đen.

***
Ngày tôi ra trường cũng là ngày tôi nhận được thiệp cưới của Mận cùng anh chàng đồng nghiệp. Lúc cầm trên tay tấm thiệp, họ và tên cô dâu chú rể in chồng chéo lên nhau, tôi nghĩ, lần này có cưới hỏi, có lựa chọn, Mận sẽ không có lý do gì tìm gặp tôi nữa. Đêm hôm đó, nằm cuộn mình trong chăn ấm tẩm hơi hướm thân thuộc của mình, tôi bâng khuâng nghĩ, Mận và tôi cùng tuổi, sao nàng đã nếm đủ tình trường. Còn tôi, loay hoay đời mình thế nào mà giờ đây vẫn còn trinh!

***
Bẵng đi nhiều năm, tôi không gặp lại Mận và cũng chẳng nghe tin tức gì. Phần tôi, sau khi ra trường, kiếm được việc làm ở nhà lọc nước của thành phố. Cuối tuần, cùng vài người bạn tình nguyện làm chương trình Việt ngữ trên đài truyền hình.

Một buổi sáng thứ bảy, Mận đến tìm tôi. Tay nàng dắt đứa bé gái độ hơn ba tuổi. Mận nói tình cờ xem tivi thấy tôi nên ghé lại thăm. Mận bây giờ trông khác hẳn, so với lần cuối tôi gặp. Tóc nàng uốn cao, bận cái váy ngắn bó sát thân hình đẫy đà của người đàn bà xuân thì, mất hẳn dáng dấp thời con gái. Đôi lông mày rậm rạp như hai thanh kiếm đẹp nằm gát ngang, giờ đã thay đôi lông mày xăm màu hạt dẻ hình bán nguyệt. Tôi ngồi xuống, ôm sát con bé vào lòng mình, hỏi nhỏ:
“Cháu tên gì?”.
“Ellen”.
“Ellen”. Tôi lặp lại, thoáng xúc động.
“Tên Mỹ mình chọn tên bồ đặt cho nó, tại thấy bồ học giỏi”. Mận nói. “Còn tên Việt mình đặt là Thanh Nhàn, tại mong lớn lên, đời nó không vất vả như má nó”. Lúc nói, khuôn mặt Mận điềm tĩnh, giọng cũng không còn ấp úng như xưa.
Tôi định nói tên tôi giờ đã đổi lại Ái Lan, tên ghi trong giấy khai sinh. Tên Ellen trả lại cho Mỹ quốc rồi. Nhưng thôi.
“Mận vẫn còn ở với chồng, phải không?”. Tôi hỏi.
“Không, hai đứa đã ly dị hơn một năm. Tại anh ấy về Việt Nam miết, rồi có con bồ nhí bên đó. Làm bao nhiêu tiền cũng đổ vào những chuyến đi đi về về Việt Nam. Mình cản anh hoài, nhưng anh không nghe. Cuối cùng chịu hết nỗi, mình ra tòa làm đơn ly dị”.
“Thế Mận đã về lại Việt Nam lần nào chưa?”.
“Ba lần rồi. Mỗi lần về mình chỉ muốn ở luôn bên đó với bà già nhưng không biết làm nghề gì để sống. Còn phải nuôi con nhỏ này nữa”. Vừa nói Mận vừa xoa đầu con bé.
“Thế Mận đang làm nghề gì?”.
Im lặng vài giây, Mận nói nhỏ: “Mình đang làm cho một quán bia ôm”.

(Hình ảnh những nấm mộ nằm thật đều tôi nhớ ngày còn bé mỗi lần theo mẹ vào nghĩa trang thăm mộ bố. Và rồi, mường tượng đến những quán bia ôm được dựng vội sau gần hai mươi năm kết thúc cuộc chiến).

Người ta thường nói, có khổ rồi mới biết sướng, và hạnh phúc hay khổ đau ai cũng đều/được trải qua. Tôi ngờ lắm, bởi đem điều này áp dụng lên con bạn tôi quen từ thời trung học, chỉ thấy nó nếm toàn mùi vị khổ đau. Ngần ấy năm, gặp lại Mận, vẫn như cánh bèo, biết dạt về nơi đâu?

Khi đứng nhìn hai mẹ con Mận đi ra bãi đậu xe, tôi mím chặt môi, hai tay xoa mớ tóc, mắt ngước nhìn bầu trời xanh cao, cố nhìn thật xa, lòng ước mong không phải nghĩ ngợi gì.