Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Dặm trường (kỳ 4)

Trần Doãn Nho

CHƯƠNG 9

Trở về lại Sài Gòn, Hạnh cảm thấy lòng mình phơi phới một niềm vui mới mẻ. Ngồi trên xe, người nàng nhẹ tênh mà lòng cũng nhẹ tênh. Chưa bao giờ nàng cảm thấy mình hồn nhiên, tươi trẻ như thế. Không có mang hàng hóa gì, nên nàng chẳng quan tâm gi đến các trạm thuế dọc đường. Không lo lắng, băn khoăn, không nhìn trước nhìn sau, không nhìn qua nhìn lại. Nàng lặng nhìn những cánh đồng xanh tươi thoăn thoắt chạy lùi ở hai bên đường, đầu óc tưởng nghĩ đến những niềm vui nho nhỏ trong những ngày sắp tới. Khác với những lần trước, cứ mỗi lần vào bán hàng ở Sài Gòn, nàng nôn nao muốn về. Ở Sài Gòn, nàng thấy lạc lõng, nhạt nhẽo, thiếu cái ấm cúng, thân tình của Huế. Thiếu đầm ấm, thiếu tình cảm. Nàng nhớ Huế, nhớ chồng, nhớ con, nôn nao muôn về. Nhưng lần này, tự nhiên, nàng cảm thấy Sài Gòn đáng yêu. Sài Gòn tự do, Sài Gòn rộng lượng, hào phóng. Sài Gòn không ai biết ai. Ở Sài Gòn, người ta lẫn lộn với nhau, không ai dòm ngó ai, không ai xoi mói đến đời tư. Nàng bỗng nhiên muốn ở lại Sài Gòn.

Về nhà, nghe có người nhắn nhe muốn xem hàng, nàng không vồn vã lắm vì biết là hàng còn đứng. Hơn nữa, nàng còn muốn về miền Tây. Nàng cảm thấy mình vừa có thêm đường làm ăn, có lối thoát. Chiều hôm đó, có người hẹn xem hàng, nàng từ chối ngay. Thì giờ để dành cho việc khác. Nàng lấy giấy viết thư cho Lục:

“Ngày...

Gửi anh

Không vừa ý, nàng lấy tờ khác viết lại:

“Ngày...

Anh yêu,

Chiều hôm nay, có hai người khách Campuchia tới xem hàng, họ là lái từ bên đó sang. Họ lựa hàng rất kỹ. Hàng đầu thì họ lựa không khác chi em, nhưng hàng đuôi thì họ kén dữ lắm. Rất nhiều miếng hàng loại 3 bị họ cho xuống loại 4, và từ 4 họ cho xuống 5. Em hô bán 3 cây, họ trả tiếng đầu 1 cây, sau họ thêm một chỉ nữa là một cây mốt. Còn thấp quá. Không bán được, nhưng em cũng mừng vì như thế là hàng đang có dấu hiệu ăn trở lại. Nhớ hôm mới đem vào, kêu mua hàng, chẳng ai thèm tới. Em nghe nói thương lái từ Campuchia đang trên đường qua nhiều. Hy vọng rồi sẽ bán được. Em cũng chỉ trông họ trả có lời chút đỉnh là em bán phứt để ra cho rồi. Nhớ anh, nhớ con chịu không nổi. Ðêm nào nằm cũng nằm mơ thấy anh và con.  Nhớ thằng cu Tơ quá trời. Nhưng biết làm sao bây giờ. Ra lỡ hàng ăn thì uổng phí quá. Anh đừng buồn và giận em nghe.  Trong lúc chờ đợi, ngày mai hay ngày mốt, em sẽ về miền Tây một chuyến nữa. Lần này, cùng đi với một người bạn học.  Người bạn này rất rành đường sá ở dưới đó..”.

Hạnh cắn bút, ngập ngừng. Suy nghĩ một lát, nàng viết tiếp:

“...Em định đi buôn chung, nhưng sau nghĩ lại thấy bất tiện, nên em cũng sẽ lại đi một mình. Anh biết không, có những món hàng mình lời không ngờ được. Như vỏ bao thuốc Ðà Lạt chẳng hạn. Ở dưới vùng đó, người ta làm thuốc giả quá trời, nào là Hoa Mai, Ðà Lạt, Sông Cầu và cả thuốc đầu lọc ngoại nữa như Jet chẳng hạn. Nhiều nhất là thuốc Ðà Lạt. Thường thì họ dùng vỏ bao Ðà lạt “rởm”, in ấn lem luốc hoặc vỏ bao cũ, loại bao “rin”dùng rồi, họ mua lại từ những người bán thuốc lẻ. Nhưng dùng loại vỏ này bán không được giá, vì khách  biết ngay là Ðà Lạt giả. Nhờ người bạn chỉ, em mánh mua được vỏ bao “rin” từ trong xưởng in ra. Em lấy có 6 hào, nhưng về bỏ lại cho họ đến 10 hào, lời gần gấp đôi. Lần vừa rồi, đi thuốc lá sợi Lạng Sơn cồng kềnh quá, chỉ có 5 kí mà đựng trong một cái xách to, căng phồng, gây chú ý cho thuế. Cũng may, em lại có quý nhân phù trợ. Tình cờ thôi...người ấy..”.

Lại dừng, rồi tiếp:

“...là bạn học cũ. Lần này, em sẽ không đi thuốc lá sợi nữa, chỉ đi vỏ bao Ðà Lạt thôi. Vừa gọn vừa có lời. Loại bao này, họ trả giá cao là vì khi bán ra thị trường, người ta không phân biệt được thật hay giả. Họ bán ngang giá Ðà Lạt thật. Anh biết họ làm sao không? Họ mua nguyên cây Ðà Lạt thật về, rồi cứ mỗi cây, họ chen vào đó vài gói Ðà Lạt rởm, đóng lại bỏ mối cho con buôn hay bỏ ngay trong cửa hàng nhà nước. Nghe nói, họ làm Ðà Lạt rởm nhưng chất lượng lắm, không thua gì Ðà Lạt thật, chỉ khác nhau một chín một mười.Khách bình thường không ai phân biệt được.

Bận lên, em đi tôm khô. Tôm khô họ cũng bắt dữ lắm vì là hàng xuất khẩu.Em chỉ mua vài kí, mua thêm xách gạo, rồi nhét xuống dưới gạo. Kỳ rồi, em cũng mang lên được 2 ký tôm khô. Ðến bến xe, thuế vụ họ dùng que chọc xuống để tìm, nhưng may họ không phát hiện được. Loại tôm này bán ở Chợ Lớn cũng có lời lắm, cả mấy trăm đồng một kí.

Anh yêu, nói rứa cho anh rõ ngọn ngành. Ðừng có buồn và lo. Nhớ lo cho mấy đứa. Bận ra, em sẽ “đền” cho anh. Hôn anh ngàn cái. Hôn cu Tơ ngàn cái”.

TB. À quên, anh cần tiêu gì cứ mượn tạm đâu đó mà tiêu.  Tiêu thêm một chút cũng được, nhưng đừng hoang phí quá, em không đủ sức trả”.

Viết xong, nàng cảm thấy nhẹ người. Nàng bỏ thư vào phong bì dán lại, nhét vào ví. Biết mình còn ở lại, chắc thằng chả buồn lắm. Nhưng biết làm sao được! Nàng ngồi xuống ghế, hai bàn tay chụm vào nhau đặt giữa hai đầu gối, kẹp lại, ngẫm  nghĩ  bâng quơ. Chợt thấy lòng bâng khuâng khó tả.

*

Hạnh bảo xe xích lô dừng ngay tại góc đường. Trả tiền xong, nàng đi bộ lửng thửng vào đường Bình Thới. Ðoạn đường này vắng vẻ, ít xe cộ, hàng quán. Bên kia đường là mấy căn nhà đang xây. Bên này đường là khu nghĩa trang đang giải tỏa.  Các nấm mộ, cái còn nguyên, cái đã đào xới lên. Gạch đá, bia mộ nằm ngổn ngang. Tới cây vông đồng lớn, nàng dừng lại, nhìn quanh để dò địa chỉ. Có tiếng gọi:

-     Hạnh!

Nàng quay lui. Túy vừa đạp xe tới.

-     Chào thầy. Hạnh  cảm động, nói lí nhí.

-     Chào Hạnh.

Chào xong, cả hai đột nhiên cảm thấy bẽn lẽn, không biết phải làm gì. Mười mấy năm rồi còn gì! Nàng đảo mắt nhìn quanh, bối rối. Túy cũng nhìn quanh. Hai người quay lại, chợt bắt gặp cái nhìn của nhau, cùng quay đi chỗ khác. Tự dưng, ai cũng cảm thấy sợ hãi vu vơ y như đang có một cuộc hẹn hò đầu đời. Đứng tần ngần  khá lâu. Túy làm ra vẻ mạnh dạn:

-     Mình đi. Không lẽ  đứng đây.

-     Chỗ đó có gần đây không thầy?

-     Hơi xa. Hay là...hay là...Hạnh để tôi chở đi?

Hạnh nhìn chiếc xe đạp thô tháp của Túy, ngần ngại. Cuối cùng, Hạnh nói:

-     Cũng được. Thầy chở em đi.

Hạnh mạnh dạn đến sau xe, ngồi ngay lên poóc-ba-ga.  Túy chưa kịp điều chỉnh tay lái nên xe đạp nghiêng qua một bên. Hạnh chới với vịn vào lưng Túy, sợ té xuống đường. Nàng rùng mình, vội buông ra.

-     Hạnh không sao chứ? Túy hốt hoảng hỏi.

-     Dạ, được rồi thầy.

Túy đạp đi. Hạnh bíu một tay vào phía dưới yên xe, hai chân mày mò tìm cách đặt lên chỗ gác chân. Túy đạp vòng vào một con đường đất, trông giống như  đường làng.  Túy giải thích:

-   Nhà sát bên cánh đồng, nên không chỉ cho Hạnh được. Ðịa chỉ không rõ ràng, toàn là “sur” với “sur” không hà. Ðừng phiền nhé.

-     Ðâu có thầy. Ai mà dám phiền thầy.

Túy dừng lại ở một ngôi nhà lợp tôn, sau khi đi qua một lối đi rải đá khá dài. Tiếp hai người là một phụ nữ trung niên.  Thấy Túy, bà ta nói:

-    Ổng đi rồi, chú Túy ạ. Ông có dặn tôi nói lại với chú là số lượng chưa đủ. Ðộ này nhiều mối quá, nhất là từ miền Trung vào nên mấy ổng làm không kịp. Chiều hay mai chú trở lại được không?

-    Chắc có đủ không chị?

-    Thì đàng nào cũng phải có đủ cho chú chứ. Chú lấy thêm cho cô đây nữa phải không?

-     Vâng. Cũng bạn hàng quen. Cô mới đi lần đầu.

Bà chủ nhà nhìn hai người, miệng mấp máy như  muốn hỏi điều gì, nhưng kịp dừng lại. Bà nhìn ra ngoài vườn, mỉm cười vu vơ. Túy nói:

-     Vậy lát chiều em trở lại chị nhé. Chị nhớ nói anh lo giúp em nội hôm nay. Mai phải đi rồi đấy, chị ạ.

Túy dắt xe đạp quành lại.  Hạnh bước theo sau. Bây giờ đi đâu nhỉ? Nàng tự hỏi trong khi Túy đắt xe một mạch thẳng ra ngoài đường, đứng đợi. Cả hai lại bối rối nhìn nhau. 

- Hạnh muốn về chưa? Hay là...

Hạnh dụ dự, đáp lửng lơ:

-    Cũng chẳng biết đi đâu. Thầy quyết định đi.

-    Ðàng nào thì chiều cũng phải trở lại lấy hàng. Hay là mình đi quanh quanh đây chơi một chặp, đợi chiều trở lại.  Ðược không?

Chỉ đợi có thế, Hạnh gật đầu. Bước vào quán cà phê rồi, Hạnh mới nhận ra rằng chuyện làm ăn chỉ là cái cớ. Nàng mong mỏi được gặp ông thầy cũ của mình. Nàng vui mừng vì mình được ở lại Sài Gòn. Nàng vui mừng vì sắp về miền Tây thêm một chuyến nữa. Nàng vui mừng đến chỗ hẹn chiều nay. Nếu nàng bán hàng được, có lời, không hiểu nàng có đủ cam đảm trở về lại Huế hay không?

-    Hạnh này, Túy chậm rãi nói trong khi nhìn thẳng vào mắt cô học trò cũ. Tôi đề nghị Hạnh không nên gọi tôi bằng thầy nữa. Thầy giáo đã tháo giày rồi còn gì nữa đâu. Huống gì tôi mất dạy từ lâu rồi.

Hạnh ném vào Túy một cái nhìn tinh nghịch:

-    Em lại thích gọi bằng thầy hơn. Vì gọi thầy, nó gợi cho em vô số điều...tưởng như  đã chìm vào quên lãng.

-    Nhưng mà lúc này, gọi thầy trông nó lạc điệu quá! Nó làm tôi mất tự nhiên.

-    Em van thầy. Cứ cho em gọi bằng thầy đi. Ngày xưa mỗi lần nhớ đến thầy, viết thư cho thầy, đầu óc em khi nào cũng vang lên hai chữ “thầy Túy”. Ðâu có chữ nào khác đâu.  Không gọi thầy chẳng lẽ gọi...cái gì nhỉ?

Túy dọa:

-    Nếu Hạnh cứ gọi bằng thầy thì...coi chừng thôi...

-    Thầy sẽ bỏ em lại một mình ở đây, phải không? Thôi được. Em sẽ gọi bằng...anh đi, được chưa? Anh...anh...T...ú...y.  Trời, ngượng miệng quá.

-    Gọi đại đi, vài lần sẽ quen à. Như bạn bè thôi. Còn thầy trò đâu nữa.

-    Vậy là thầy… à… anh  không công bằng rồi nhé. Em thì gọi bằng anh mà thầy thì xưng tôi, mô có được.

Túy cười xòa:

-    Thôi anh em vậy nhé.

Tuy đồng ý như thế, nhưng khi gọi, nàng vẫn cảm thấy ngượng miệng, nên nói trổng:

-    Từ ấy đến nay, bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười lăm hay mười sáu?

-    Cũng hơn mười sáu...à để xem, tôi...à anh bị gọi nhập ngũ tháng ba năm sáu chín.

-   Phải rồi, hôm lần cuối gặp thầy, thầy...à anh...Em không gọi anh được đâu. Khó quá. Thấy tiếng thầy nó gần gũi với em hơn. Gọi thầy nó trơn miệng dễ nói. Mà thầy có biết sao không, chỉ có tiếng thầy mới làm em nhớ lại hồi đó, lúc em còn bé, còn ...

-    Bé gì mà bé. Lớp 11, 12 lớn tồng ngồng mà bé gì?

-    Em muốn nói là còn nhỏ, còn ngây thơ, còn ngoan, còn dại...khờ.

-    Ai bảo dại. Mấy cô trêu thầy như quỷ sứ.

-   Không dám đâu! Thầy vào lớp trông như một hung thần. Thầy còn nhớ con nhỏ gì nhỉ, à con nhỏ Loan. Hôm đó, thầy bảo nó đứng dậy trả lời câu hỏi, con nhỏ không đứng dậy. Thầy gọi lần hai, lần ba, con nhỏ vẫn ngồi tại chỗ. Thầy đỏ mặt, cho con nhỏ “không” điểm, rồi mắng mỏ cả lớp một trận về việc “tiên học lễ hậu học văn”. Thầy có nhớ chút nào không. Lúc đó, trông thầy còn ác hơn là một hung thần nữa.  Thầy có biết vì sao con nhỏ không chịu đứng dậy không?

-    Làm sao tôi biết được.

-    Ấy, ấy, thầy quá tệ! Thầy không biết gì hết. Thầy thiếu kinh nghiệm.

-    Gì?

-    Thiếu kinh nghiệm. Hôm đó, nó đang bị...đang có kinh, thầy biết không? Nó ngượng quá trời.

-    Trời, thế mà tôi đâu có hay gì!

-    Con nhỏ về nhà nó khóc, nó oán thầy quá chừng chừng. Em cũng tức thầy, tức ơi là tức. Tức mà không biết làm sao mà nói.

-    Hạnh nghĩ địa vị tôi lúc đó, làm sao tôi ...

-    Ðúng, thầy nói cũng đúng. Sau này lớn rồi, có con có cái, em mới biết làm thầy làm cô không phải dễ. Nhất là mấy lớp lớn. Nhưng hồi đó, tụi em như lên cơn sốt. Em thì vừa sợ thầy, vừa giận thầy, vừa...đủ thứ.

-    Ghét tôi nữa chứ gì?

-   Ðã đành là ghét rồi. Nhưng nếu ghét luôn thì còn dễ.  Ðàng này...khác mới phiền. Thầy còn nhớ con Ngọc, cái con cao nhất lớp, ngồi gần cửa sổ không?

-    Chịu. Giờ gặp thì nhớ, còn không gặp thì mơ mơ màng màng. Học trò đông, làm sao nhớ hết cho được. Mà Ngọc làm sao?

-    Thầy có nhớ có lần thầy vào lớp, thấy một lá thư ai để trên bàn, thầy mang ra đọc cho cả lớp nghe không? Thầy có biết thầy làm như vậy là tàn nhẫn không? Tàn nhẫn hết chỗ nói. Con Ngọc nó viết đấy. Trời, nó nghe thầy đọc mà nó tím mặt tím mày, giận thầy ơi là giận, tưởng trên đời này chỉ có một mình thầy là có thể làm cái việc đó thôi. Nó bảo: thầy tưởng thầy ngon, thầy giỏi, rồi làm bộ làm tịch. Nó thề là nó sẽ trả thù thầy.

-    Rồi cô ấy trả thù ...tôi bằng cách nào?

-   Hồi đó chỉ nghe nó nói thế thì hay thế. Chẳng thấy động tĩnh gì hết, thì thầy đi. Sau này tình cờ gặp lại, em hỏi, mi đã trả thù thầy Túy được chưa, nó nói rồi, em ngạc nhiên hỏi, trả thù thế nào, nó nói là nó trả thù ngay mùa hè năm đó, em hết sức ngạc nhiên hỏi, sao hồi đó tau chẳng nghe chi cả, mà mi trả thù làm sao, hắn trả lời em sao thầy có biết không?

-   Không.

-   Hắn nói tỉnh bơ, tau bỏ học, tau lấy chồng, em hỏi lấy ai, nó nói nó lấy thằng cha hàng xóm, chồng tau bây giờ đó, em lại hỏi, mi ưng anh ta à, nó bào không, em lại hỏi, tại sao mi không ưng mà mi lấy, nó nói nó lấy cho bỏ ghét, em hỏi, rồi sao nữa, nó nói, ờ thì lấy chồng, đẻ con và...thôi, chấm hết. Nó còn nói là em có gặp thầy Túy thì cho nó gửi lời thăm, nói là tau vẫn nhớ thầy, em hỏi rứa mi không còn thù nữa sao, nó buồn buồn trả lời, thù làm gì nữa, đời mình coi như xong rồi, còn gì đâu mà mơ với mộng….

-   Vậy mà tôi có biết gì đâu?

-    Thầy đi rồi, có ai gặp thầy mô mà kể. Mà hồi đó, có gặp cũng không kể. Ai mà vô duyên rứa, phải không?

Túy xoay xoay cốc cà phê vừa uống cạn, nhìn Hạnh:

-   Nãy giờ cô nói một mình, tôi không có được nói chi hết.

-   Thì có ai cấm thầy đâu? Mà lại, thầy có chuyện gì để nói. Chỉ có tụi em là nhiều chuyện thôi.

Túy chuyển câu chuyện:

-   Sao, gia đình Hạnh giờ thế nào? Chồng con ra sao?

-    Thầy ơi, tha cho em đi, “chuyện chồng con khó nói lắm thầy ơi”. Mà hơi sức đâu để ý đến chuyện đó. Gặp thầy đây là em chỉ nhớ đến hồi đó, cái thời đi học ấy. Cuộc sống bon chen quá, có lúc nào thảnh thơi mô, cho nên lúc nào được nói là nói.  Mà thầy nè, thầy khó, thầy ác như vậy, mà nhiều đứa chúng nó lại “mê” thầy.

-   Mê tôi, chuyện cũng lạ. Ai mê?

-   Con Loan này, con Ngọc này, con Hằng này, con Thương này. Ðó là mới chỉ lớp em, còn ở lớp khác nữa.

-   Hạnh khéo bịa. Tôi vừa xấu vừa ác, ai mà thích.

-    Ừ, thì xấu. Xấu mới tức. Phải chi đẹp trai con nhà giàu học giỏi thì còn đỡ tức. Xấu mà có người mê, mới lạ.

-    Còn em?

Hạnh trề môi:

-    Còn khuya, thầy ơi. Em mà mê thầy thì thầy đừng có hòng thoát. 

-    Thì tôi có thoát đâu nào. Bằng cớ là tôi đã bị điên đảo, đảo điên...đến chừ.

-    Ai bị? Thầy hay em?

Hạnh hạ giọng, ngậm ngùi:

-    Ừ, mà sao hồi đó, em đạo đức quá. Nếu không thì...

-    Cái gì mà đạo đức?

-    Em muốn nói, sau lần đó, cái lần hẹn với thầy ấy mà, em chỉ cần báo cho cái cô gì đó vợ chưa cưới của thầy là ...xong ngay.

Túy giật mình:

-    Hạnh định làm như vậy?

-    Dĩ nhiên. Nhưng mà sau đó, em nghĩ lại, để làm gì?  Thà cứ vậy cho nó đẹp, phòng sau này còn gặp lại như...thế này này, phải không thầy?       

CHƯƠNG 10

Hàng chưa có, Hạnh và Túy lại có dịp đi chơi với nhau. Lần này, Túy mượn xe Honda chở Hạnh đến một nơi xa thành phố. Ngồi yên xong, Hạnh chỉ chiếc cầu dài nằm phía xa, có thể nhìn thấy rõ vì tầm nhìn không bị cây cối che khuất:

-    Cầu gì đó vậy thầy?

-    Hạnh đã từng đi qua cầu đó rồi mà quên sao. Cầu Bến Lức.

-    Trời, cầu Bến Lức lận à? Mình đi xa đến thế sao! Sao không đi Ðầm Sen cho gần.

-     Nơi đó rộn ràng lắm. Người tứ xứ không thiếu. Có thể gặp người quen, thêm phiền. 

       Nghe hai chữ người quen, Hạnh hơi e ngại, đưa mắt nhìn quanh. Khách khứa còn lưa thưa có lẽ vì trời  chưa tối. Quán xây giữa một hồ nước, chung quanh đầy những hoa súng, cái nở tòe loe, cái còn búp.

-     Ai có sáng kiến làm cái quán ăn ở đây cũng hay nhỉ.

-     Cán bộ cỡ bự và dân mánh mun vốn thích chỗ kín đáo, xa thành phố.

      Hạnh nhìn người thầy cũ, thầm nghĩ  “thì mình cũng thế!”.  Chợt mỉm cười. Túy hỏi:

-     Sao Hạnh cười?

      Hạnh nói qua một ý khác:

-     Thầy già hơn hồi đó.

-     Chẳng lẽ cứ “trẻ mãi không già”. Bao nhiêu năm nước chảy qua cầu...

-     Hèn gì hôm trên xe, ngồi một bên mà chẳng thể nhận ra.

-    Tôi nào có hơn gì Hạnh đâu. Hạnh lúc đó trông như một bà, bà lớn.

-     Bà lớn? Thời buổi này mà còn bà lớn nào nữa. Bà già thì có.

-     Không già. Nói bà lớn là nói độ này Hạnh có hơi...hơi đẫy người ra. Hồi đó Hạnh nhỏ nhắn như một con...con...gì nào?

-     Con thằn lằn chắc!

-     Không. Con mèo. Gì cũng khác hết, chỉ có cái miệng là không.

-     Sao vậy?

-     Nói tía lia. Hôm trên xe, nếu Hạnh nói nhiều thì tôi đã nhận ra rồi.

-     Sao mà nhận ra được. Em mô có nói giọng Huế. Người ta dặn, đi vào miền Nam mà nói giọng Huế là lộ tẩy con buôn ra ngay. Còn thầy, đố ai mà nhận ra cho được. Ðã mặc đồ bộ đội, lại đội nón suốt ở trên đầu. Còn thêm cái gương mát nữa chớ. Giọng thì giọng Bắc. Hèn gì, cứ mỗi lần hỏi thầy, nghe thầy trả lời giọng Bắc, em đã ngờ ngợ. Thấy bộ đội là em dị ứng rồi.

-     Dị ứng mà sao còn năn nỉ, nhờ vả?

      Hạnh muốn phác vào thầy một cái cho đỡ tức:

-     Thầy làm em muốn nghẹt thở. Hỏi nhờ một tí, cứ ậm à ậm ờ, khiến người ta lên ruột, hồn vía bay tận trên mây.

-    Nếu mà biết là Hạnh thì, nói thật Hạnh lên mây, tôi cũng lên theo. Ðàng này, tôi đi buôn, lại giả bộ đội. Tôi còn lo sốt vó hơn Hạnh nữa thì làm sao mà dám giúp ai cho được.  Bữa đó, nếu tay thuế vụ  mà không làm đứt cái xách của bà đi buôn nọ, thì có phần chắc là tôi lắc đầu, khi hắn hỏi tới cái xách của Hạnh.

-    Vậy thì thầy quá tệ. Quá tệ là quá tệ! Chẳng khác gì hồi đó. Tệ và tàn nhẫn.

       Hạnh xụ mặt, phụng phịu, quay đi chỗ khác. Túy nắm vai Hạnh , kéo lại:

-    Vô lý chưa! Lúc đó, nếu tôi mà biết Hạnh thì Hạnh mới trách chơ. Tôi biết làm sao hơn. Phần tôi đã hai cái xách rồi. Ðó là chưa kể hàng giấu trong  người.

       Hạnh cười:

-     Lại biện bác. Thôi, cho là đúng đi. Ðể em nói cái này cho thầy nghe: giả sử hôm đó, tay thuế không làm rơi cái xách thì thầy sẽ không nhận hàng cho em, đúng không? Nếu không nhận, thì hàng em sẽ bị bắt vào trạm, đúng không? Nếu bị bắt vào trạm thì mãi mãi, thầy không gặp em. Nghĩa là chúng ta không gặp nhau, đúng không?

-     Không hẳn.

-     Hẳn đi chứ!

-     Không hẳn.

-    Này nhé, thầy không nhận thì hàng bị bắt vào trạm.  Em sẽ vào trạm để đóng thuế và năn nỉ ỉ ôi, đúng không? Xe sẽ chạy. Và thầy cũng...chạy luôn. Thế thì làm sao mà gặp nào.

-     Chắc gì xách Hạnh sẽ bị bắt.

-    Bị. Thầy đi buôn thầy biết quá rõ. Trăm phần trăm là bị. Nhưng mà, nếu em không bị bắt thì vấn đề vẫn không có gì khác.

-    Vì sao?

-   Thì em làm sao có thể nói chuyện với một người mà mình nhờ, người ta không giúp, phải không? Ðàng nào, thầy thấy không, quan hệ giữa em và thầy cũng mất. Vả lại, em có thích làm quen với bộ đội làm gì! Trong trường hợp như thế, trong trường hợp như thế thì...thì...buồn nhỉ.

-     Sao mà buồn?

-    Thì sao nữa. Bởi vì...bởi vì...như thế thì thầy và em vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nhau.

-     Thì có sao đâu.

        Hạnh chỉ ngón tay vào mặt Túy:

-     Thấy chưa. Thầy mô có muốn gặp em. Em biết mà!

        Nét mặt nàng chợt trở nên ủ dột. Túy trêu:

-    Thôi, cô học trò ơi. Cô cũng vô tình. Cô chỉ muốn lợi dụng bộ đội thôi, phải không nào? Cũng may mà hôm đó bàn ăn nào cũng đầy người, không thì...

        Hạnh bẽn lẽn, nhớ lại lúc mình cố tình làm lơ anh chàng “bộ đội”, người mà chỉ mới trước đó một thời gian ngắn, đã giúp nàng. Hạnh làm bộ nghiêm mặt:

-     Thôi. Thầy đừng nói nữa.

-     Thôi thì thôi. Nhưng nhớ lần sau, đừng có làm lơ  nữa nghe.

-     Thì em làm lơ với “bộ đội”, chứ có làm lơ với thầy đâu.  Khi nhận ra thầy, em mừng không kịp lớn.

-     Tôi cũng vậy.

-    Không, thầy khác, em biết. Trước sau, thầy vẫn xem em là “cơm nguội” thôi. Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng. Thầy có còn nhớ câu ca dao em chép lại cho thầy trong lá thư hồi đó không?

-     Nhớ. Nhưng tôi mới là cơm nguội.

       Hạnh cười:

-    Không chừng người này là cơm nguội của người kia.  Cơm nguội, khi đói, ăn ngon bằng mười cơm nóng.

       Người phục vụ dọn đồ ăn ra: gà xé phay và cháo. Túy hỏi:

-     Hạnh uống bia được không?

-     Chút chút.

-     Cho một lít bia hơi, hai ly.

       Người phục vụ mang bia ra. Túy rót cho Hạnh rồi cho mình.  Anh nâng ly:

-     Mừng hội ngộ!

       Hạnh hớp thử một hớp, nhăn mặt. Nàng cố nuốt xuống, rồi uống tiếp. Ðột nhiên, nàng bị sặc. May mà nàng kịp quay ra phía ngoài để phun ngụm bia. Nước văng tung tóe qua tận bàn bên cạnh. Túy móc ngay chiếc khăn tay trao cho Hạnh. Hạnh không ngần ngại, dùng khăn chùi quanh miệng. Nàng vò khăn lại, để trên bàn. Mặt nàng ửng đỏ. Túy nói:

-     Hạnh mặt đỏ, trông đẹp ghê!

       Hạnh đẩy ly của mình sang cho Túy:

-     Thôi, em không uống đâu.

-    Tùy. Nhưng thử lại đi. Ðừng hấp tấp, chỉ hớp ngụm nhỏ.

-     Say chết.

       Nói thế, nhưng Hạnh vẫn bưng ly lên. Nàng nhấp một ngụm thật nhỏ. Túy hỏi:

-     Hạnh chưa nói về tình hình gia đình.

-     Ðã nói với thầy hôm qua rồi. Em lấy chồng, có con. 

-     Hạnh phúc?

-    Dĩ nhiên. Cũng như thầy vậy thôi. Có vợ có con. Cô ấy, à chị ấy như thế nào?

-     Không được như Hạnh.

-    Tại sao?

-    Thì trục trặc. Chuyện đời ấy mà. Mà thôi, nói chuyện  khác đi. 

-     Kìa, em đâu có muốn nói chuyện gia đình. Chính thầy hỏi trước mà.

        Túy không nói gì, nhìn trân Hạnh, núc hết ly bia đầy.

Hạnh hỏi:

      -    Thầy có biết hồi đó, tụi em gọi thầy bằng gì không?

-     Không.  Làm sao mà biết được.

-    Không phải một tên đâu. Nhiều tên lắm. Mỗi đứa gọi thầy một cách. Hễ gặp nhau là cãi nhau chí chóe về thầy.

-    Tôi làm gì mà các cô lại cãi nhau?

-    Thầy biết sao không, đứa thì bảo thầy là ái nam ái nữ, đứa thì bảo thầy là lại cái, đứa thì bảo thầy là...lãnh cảm, đứa thì bảo thầy là...

       Hạnh ngừng lại. Túy giục:

-     Là gì nữa?

       Hạnh nhìn xuống, cười khúc khích, tránh cái nhìn của Túy, rồi nói nhanh:

      -   Thầy... bất lực. Con Hồng nó quả quyết thế. Em hỏi sao mầy biết. Hắn đỏ  mặt nói tao biết là tao biết, chứ không ai nói cả. Cái con tức cười chưa. Hồi đó, tụi em đâu có rành gì ba cái chuyện tầm bậy tầm bạ như thế.

-   Không rành mà còn như thế huống chi là rành. Còn Hạnh thì đặt cho tôi tên gì?

-     Em há, em đơn giản chỉ cho là thầy làm bộ. Thế thôi.

-     Sao cô nào cũng nghĩ xấu về tôi thế?

      Hạnh quắc mắt, nhìn Túy:

-     Nghĩ xấu thôi à. Ghét với thù nữa kìa.

-    Cũng lạ nhỉ. Tôi mô có làm chi mấy cô. Tôi lo dạy cho đàng hoàng.

       Hạnh im lặng. Túy lấy tăm xóc một lọn nem đưa cho Hạnh:

-     Ăn đi. Nem Thủ Ðức thứ thiệt. Hạnh có nghe nói nem Thủ Ðức, bưởi Biên Hoà chưa. Tí bia nữa nhé?

-     Thôi, không đâu thầy ơi. Hôm qua, uống có chút chút mà về nhức đầu gần chết. Cả đêm không ngủ được.

-     Thôi uống nước dừa đi.

-     Gì cũng được

-    Ðây là xứ dừa, dừa nước có, dừa khô có. Này, Hạnh xem.

       Hạnh nhìn theo tay chỉ của Túy. Cả một vùng toàn dừa là dừa. Dọc theo con đường lộ cũng như con đường làng đi vào trong sâu, cách hai ba nhà lại có một cái quán. Nào là Vườn Dừa, nào là Hẹn Hò, nào Hương Xưa, nào Hạ Trắng. Tên quán kết bởi những sợi dây dừa sơn màu xanh, đỏ, dựng trên những cái cổng cao giống như cổng chào trong những ngày lễ hội.

       Hớp một ngụm nước dừa xong, Hạnh nói:

-    Tụi nó ghét thầy vậy mà cái ngày thầy vào lớp, thầy có nhớ cái ngày đó không, ngày thầy làm đám hỏi ấy mà. Khi tụi nó thấy thầy mang trên tay chiếc nhẫn, tụi nó buồn khiếp. Hết giờ thầy, cả bọn bỏ lớp ra về luôn.

-     Hạnh cũng vậy?

-     Chứ sao!

-     Và tiếp tục nguyền rủa tôi?

-     Nguyền rủa?  Không đâu thầy ơi. Cả bọn năm, sáu đứa  đạp xe đi lang thang, tuyệt không đứa nào nhắc đến thầy. Ði ăn, đi uống, đi chơi chán chê, đến khi chia tay về nhà, con Loan nó bảo: “Thế là một trang sử đã lật qua”. Rồi thôi. Ngày hôm sau, đứa nào cũng chăm chỉ học. Còn em há, em mô có chịu thua. Ðâu có để trang sử lật qua dễ dàng như vậy! Em cương quyết “phá” thầy. Em nhất định không chịu để cho thầy được bình an sống với mối tình của thầy. À, thầy còn nhớ cuốn sách em gửi thầy hồi đó không?

-    Nhớ chứ! “Lettre d’une Inconnue”. Thư của một người không quen.

-     Ðúng. Tác giả là ai nhỉ? Hình như là cái gì “vai” đó.

-     Stefan Zveig.

-    Ừ, Stefan Zveig. Cái tên này em cứ quên hoài. Em chỉ nhớ tên dịch giả thôi, Duyên Anh.

-     Tầm bậy.

-     À quên, Cung Tiến. Ðúng rồi, Cung Tiến.

-     Lại tầm bậy nữa. Cung Tiến là nhạc sĩ.

-     Vậy thì ai?

-     Võ Phiến.

-    Không phải đâu. Tên Võ Phiến nghe lạ hoắc. Mà thôi, cứ cho là Võ Phiến đi, hay Cung Tiến gì gì cũng được. Thầy thấy cái thư thế nào? Thư mà thực ra như là truyện.

       Túy bâng khuâng:

-    Phải nhận là ông ta viết quá hay. Chuyện thì chắc là láo, nhưng đọc xong rồi, tôi thấy nó có vẻ thật hơn là chuyện thật nữa. Tôi cảm động tưởng như người mình mềm đi. Chưa kể là sau đó, mỗi tuần lại nhận một lá thư. Toàn là “Thư của một người không quen”. Hạnh ác lắm.

-    Ai ác? Nhận sách, đọc thư, nhận hoa hàng tuần, ấy thế mà mỗi lần vào trong lớp, cái mặt thầy vẫn lạnh tanh. Còn lạnh tanh hơn trước nữa. Vẫn quát nạt bọn con gái tụi em. Em  ngán ngẩm đến nỗi ngờ rằng thầy không nhận được thư  em viết. Ðấy, ai ác?

       Túy triết lý:

-    Hạnh không biết rằng nhiều khi cái nghiêm trang, lạnh lùng chỉ là tấm mặt nạ che dấu những yếu đuối, bạc nhược đàng sau.

       Hạnh đột ngột chồm người qua chiếc bàn nhỏ, lên giọng:

-     Có đúng là thầy đã từng như thế?

       Túy gật đầu:

-     Vâng, cô học trò ạ. Giờ còn giấu nhau làm gì.

-     Có thật không thầy?

-     Thật!

       Hạnh nhìn sâu vào mắt Túy, rồi xuống giọng ngậm ngùi:

-     Vậy mà hồi đó, em ...mô có biết.

-   Tôi cũng thế thôi. Nào có biết gì hơn. Hạnh có biết không, kể từ ngày nhận những bức thư nặc danh, người tôi trở nên hoang mang, thất lạc, bất định.

-    Vì sao?

-    Tôi không thể hình dung có một cô học trò có thể quan tâm đến mình như vậy. Tôi đi đâu, người ta cũng biết, cũng gặp. Trong thư, Hạnh kể khi thì gặp tôi sửa xe ở đường Ðinh Bộ Lĩnh, khi thì thấy tôi đi bộ trên cầu Trường Tiền không mặc áo mưa...Thế mà tôi chẳng biết là cô nào. Chẳng lẽ hồi đó, tôi đi đâu Hạnh cũng gặp hết.

       Hạnh cười:

-     Cái này...cái này ...thì đúng là thầy ngây thơ, ngây thơ hung rồi.

-     Tôi ngây thơ?

-     Ừ. Em bịa hết, thầy có biết không. 

-    Bịa thế nào mà tôi đi đâu, làm gì, Hạnh viết trúng phóc.

-    Dễ ợt! Chỉ có vài ba lần em gặp thôi. Còn lại là sao thầy biết không? Học trò thầy đông. Em chỉ cần hỏi dò, hay nghe ngóng đứa này một chi tiết đứa nọ một chi tiết là em biết hôm đó, thầy mặc áo gì, đi mô vân vân. Em chỉ cần nhắc một, hai chỗ cho chính xác là đánh lừa được ông thầy rồi.

       Khuôn mặt Túy chừng như ngớ ra vì tiết lộ này của Hạnh.  Anh gật gù:

-     À, ra thế!

       Hạnh cười, tiếp:

-    Còn chuyện nhớ nhung, yêu ót này nọ, thầy biết không, em cũng bịa luôn.

-     Vậy là cô phỉnh tôi, phải không?

       Hạnh xoay xoay ly bia một chốc, rồi thở dài:

-   Ừ, không sai, em phỉnh thầy. Nhưng nghĩ lại, không phải em phỉnh chỉ một mình thầy, mà còn phỉnh luôn, phỉnh luôn...phỉnh luôn cả em nữa. Em đánh lừa em một thời gian dài mà em không hay. Em tưởng mình đang đùa và thích thú với trò đùa của mình cho đến khi, cho đến khi...

       Khuôn mặt Hạnh chợt đậm xuống, man mác. Nàng nhìn ra xa như để hình dung hết những chuyện của ngày qua. Túy im lặng nhìn cô học trò không chớp. Hạnh chớp chớp mắt nhìn Túy rồi cúi xuống mặt bàn:

-    …Cho đến khi thầy sắp làm đám cưới. Khi đó, em mới biết rằng em đã đùa với tình cảm của mình. Em bị chuyện đùa cợt của mình hành mình. Lúc đầu, em ghét thầy, tức thầy, em muốn phá thầy cho bỏ ghét. Em bịa ra nào là thương nào là nhớ, nào là thế này thế nọ để cho thầy rối loạn, để cho vợ sắp cưới của thầy ghen tuông, nghi ngờ chơi. Nhưng té ra...té ra là em tự dối lòng. Thầy có biết hồi đó, thầy ác lắm không?

-    Thì Hạnh đã kết án tôi ác mấy lần rồi, chưa vừa sao.  Hạnh không thấy rằng Hạnh ác hơn nhiều. Hạnh mới vừa thú nhận đó. Tôi có ác chăng là vì tôi không biết, còn Hạnh ác có chủ tâm. Hạnh muốn phá tôi, phải không? May mà hồi đó, tôi khám phá ra người viết thư quá chậm, chứ nếu không thì...

-     Sao thầy?

       Túy nói lảng:

-   Hạnh có biết không, hàng tuần tôi chờ đợi lá thư để tưởng tượng, để vẽ vời đủ thứ chuyện về một cô học trò. Vào lớp học nào, tôi cũng âm thầm ngắm nghía, tìm hiểu thử xem ai có thể là tác giả các lá thư. Chịu. Không thể nào biết được.  Nhiều lần, Hạnh biết, tôi ra bài làm cho tất cả các lớp ở tất cả các trường tôi dạy, để đêm về, ngồi săm soi từng nét chữ với hy vọng tìm ra nét chữ của người viết thư. Chịu. Em nhờ một người khác viết, phải không?

-    Em viết, từ đầu chí cuối. Em giả nét chữ. Em muốn giấu tất cả mọi người thì làm sao mà nhờ ai viết được.

-    Tôi không tin. Em có thể viết giả một, hai lá chứ không thể viết hàng chục lá được.

       Hạnh nhìn thẳng vào mặt Túy:

-     Thầy vô tình.

-     Không. Tôi chới với.

-    Thầy không để ý, chứ lá thư nào em cũng cố tình viết một hoặc hai câu bằng nét chữ thật của em. Chỉ có vô tình mới không nhận ra.

       Túy đưa hai tay ôm đầu, tưởng tượng lại khung cảnh cũ, nói:

-    Chịu. Tôi chịu. Không thể nào biết được.

       Hạnh trầm ngâm:

-    Mà cũng lạ. Tâm trạng em hồi đó kỳ lắm. Vừa mong thầy nhận biết em, lại vừa mong thầy đừng bao giờ biết. Vì  nếu muốn thầy biết thì dễ ợt, nhưng em cứ ỡm ờ mãi, chẳng hiểu vì sao.

-    Thì sao nữa, trước sau, đây chỉ là một trò đùa.

-    Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng không phải. Em đã hại em, em đã hao hơi tổn sức, em đã, thầy biết không, em đã bỏ lỡ…

       Hạnh nghẹn lời, nước mắt rơm rớm.

CHƯƠNG 11

Cuộc gặp gỡ bất ngờ, đầy lý thú với cô học trò cũ năm nào dường như làm Túy trẻ lại, khiến anh bớt đi những ám ảnh nặng nề về cuộc sống trước mắt. Nó đưa anh trở về một thời hoa niên sôi động mà anh vụng về để trôi qua mất. Hồi đó, anh e dè, sợ hãi, giữ kẽ đến nỗi anh tự biến mình từ chỗ nghiêm túc giả vờ đến nghiêm túc thật. Anh sống một cách khổ sở, chật vật dưới cái mặt nạ do anh tự tạo ra. Anh đi dứng đạo mạo, ăn nói thì lúc nào cũng lựa lời, giữ ý. Vào lớp thì lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm khắc. Ðặc biệt là nghiêm khắc đối với các nữ sinh. Thực tình mà nói, đối với đám nữ sinh, anh luôn luôn có cái ám ảnh vu vơ, nên anh muốn đặt một ranh giới an toàn giữa họ và anh bằng cách lúc nào cũng cư xử với các cô hơi quá một chút, hơi tàn nhẫn một chút. Anh cho như thế là có lợi cho cả hai bên. Mỗi lần say sưa giảng bài, nhìn những khuôn mặt im lặng, mắt nhìn anh với một vẻ ngưỡng mộ thành kính, anh có cảm tưởng tất cả học trò đều muốn hớp hết những lời anh nói. Anh thành khẩn sung sướng với ý nghĩ rằng anh đã mang lại cho họ nhiều điều. Anh xứng đáng được ngưỡng mộ như thế. Bởi thế lúc nào anh cũng  cư xử  với các nữ sinh rất phải phép. Như sẵn sàng cho điểm “không”. Như sẵn sàng la mắng một cách thành thật khi một cô nào đó có lỗi. Ðã có lần, anh mang lá thư tỏ tình của một cô ra đọc cho cả lớp nghe để chứng tỏ mình hoàn toàn đứng đắn trong quan hệ thầy trò.   Anh tự lừa dối mình. Chẳng hạn như đuổi một nữ sinh mặc cái jupe cũn cỡn xuống ngồi bàn cuối lớp, nhưng vẫn lấm lét nhìn cặp đùi khi có dịp. Cho một cô điểm thấp vì không thuộc bài, nhưng đợi dịp bù lại bằng cách cho điểm thật cao trong một bài khác, chỉ vì cô bé có một khuôn mặt rất gợi cảm. Trong lớp, rất nghiêm túc khi giảng bài, nhưng lại say sưa ngắm trộm các cô khi cả lớp đang cắm cúi làm bài thi.

      Nhưng đến khi nhận được cuốn “Thư của một người không quen” của một cô học trò vô danh nào đó gửi tặng, anh hết ảo tưởng về sự nghiêm túc của mình. “Thư của một người không quen” là một truyện vừa. Toàn bộ truyện chỉ là lá thư dài của một người đầy tớ gái gửi cho anh chàng sinh viên  mà cô yêu trộm nhớ thầm. Cô theo dõi người cô yêu từ những bước chân, cái nhìn, những lúc thay áo quần, những lúc đi chơi…Ðó là một mối tình câm, một mối tình tuyệt vọng, nhưng trong một cảm thức dâng hiến toàn diện. Bằng một  lời văn nồng nàn, lôi cuốn, Stefan Zveig đã dẫn anh vào một thế giới tình yêu cực kỳ phong phú, đa dạng và kỳ diệu. Chỉ bằng một cuốn sách đó thôi, cô học trò vô danh đã quật anh ngã. Chưa hết. Cô ta còn gửi cho anh mỗi tuần một lá thư. Ðều đặn như thế. Thư kể chuyện linh tinh, không đâu vào đâu. Lúc đầu, anh cho rằng đó chỉ là trò đùa vô hại của một cô học trò tinh nghịch. Nhưng  chính sự đều đặn của nó khiến cho anh mất ăn mất ngủ. Anh đâm ra mơ màng, nửa tỉnh nửa say. Anh săm soi, rình mò, nhìn trộm các cô học trò để đoán xem ai là “thủ phạm”. Ai là kẻ say mê anh? Ra ngoài đường, đi dạo phố, anh nhìn quanh xem thử có cô học trò nào đó không. Anh cảm thấy kiêu hãnh, nhưng bất an, ray rứt. 

       Một hôm, khi anh đi dạy về, thì gặp một cô học trò đang đợi. Anh rất ngạc nhiên, vì xưa nay hiếm khi học trò đến nhà anh. Anh nghiêm nghị hỏi:

-     Em học trường nào?

-     Dạ, thưa thầy, trường Nguyễn Du ạ.

-     Em tên gì?

-     Hạnh. Ðoàn thị Mỹ Hạnh, lớp 12. Thầy không nhớ em sao?

-    Xin lỗi em, học trò nhiều quá, tôi nhớ mặt mà không nhớ tên. Em đến có việc gì không?

       Cô học trò lúng túng, cúi mặt trả lời:

-     Dạ có.

      Cô học trò ngồi, hai bàn tay đan vào nhau, bàn tay này bóp bàn tay kia bồn chồn. Cô dáng người nhỏ nhắn, không đẹp.  Khuôn mặt không có gì đặc biệt ngoài cái cằm thon nhỏ, trông khá duyên dáng. Tuy thế, đó là một khuôn mặt rất dễ lẫn lộn với nhiều khuôn mặt khác, không gây nên một ấn tượng nào rõ nét. Anh nhìn cô, chờ đợi một sự năn nỉ nào đó về điểm kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt vừa qua. Nhưng đợi mãi, vẫn thấy cô yên lặng. Nghĩ  rằng cô học trò nhút nhát, sợ hãi vì một lý do riêng tư nào đó, anh nhẹ nhàng khuyến khích:

-     Có gì em cứ trình bày. Liệu cái gì giải quyết được, tôi sẽ giúp em.

      Cô ngước nhìn anh, mím môi, thu hết can đảm nói:

-     Em đến báo cho thầy biết, em là người đã đã viết những lá thư hàng tuần cho thầy.

      Nói xong, cô thở hắt ra. Môi cô run run, đôi mắt long lanh nhìn anh, nửa như thách thức, nửa như van vỉ. Thoạt đầu, anh hơi sửng sốt. Anh hoàn toàn không mấy tin lời thú nhận bất ngờ đó. Anh không thể tưởng tượng cái cô học trò có dáng dấp nhỏ nhắn, hiền lành này lại có thể táo bạo viết cho anh hàng chục lá thư như thế. Nhưng khuôn mặt thành khẩn của cô khiến anh biết ngay là cô không nói dối. Anh nhìn sững cô:

-     Em! Chính em viết! Trời!

      Anh cảm thấy vui, vì đã tìm ra được cái điều ám ảnh anh cả năm nay. Nhưng anh thất vọng hoàn toàn. Trong thâm tâm, anh nghĩ  cô học trò viết thư phải khác, nghĩa là phải cao ráo hơn, đẹp hơn, mặt mày phải lãng mạn hơn, đa tình hơn. Những lần vào lớp, khi nhìn quanh các cô để tìm xem cô nào viết, dường như anh chẳng bao giờ để ý những khuôn mặt “bình thường” như Hạnh. Người say mê anh chỉ tầm thường như thế này thôi sao? Thật bỏ công ray rứt, tìm tòi và kiêu hãnh! Anh đang loay hoay tìm cách giấu giếm nỗi thất vọng của mình, thì Hạnh nói liền một mạch, cắt ngang dòng suy nghĩ của anh:

-     Em xin lỗi đã làm thầy bối rối. Nhưng em đã suy nghĩ kỹ và biết mình không thể làm khác hơn. Em chỉ biết một điều rất đơn giản: em yêu thầy. Em yêu và nói em yêu, điều đó có gì tội lỗi không thầy? Em nghĩ là không. Em biết thầy sắp có vợ. Chính vì thế, em cần phải gặp thầy để nói một lần cho hết.  Em hoàn toàn không muốn phá hoại hạnh phúc của thầy.  Thầy yên tâm. Em chỉ xin yêu cầu thầy một điều: đi chơi với em một lần trước khi em vĩnh viễn mất thầy.

       Nói xong, cô học trò nhìn thẳng vào mắt anh, chờ đợi.  Anh lặng người một hồi lâu. Hạnh sốt ruột nhắc:

-     Thế nào, thầy?

       Lần này, chính anh bối rối. Cung cách làm thầy bỗng nhiên biến mất. Anh trở thành một tên học trò nhút nhát đang ngồi trả bài trước một cô giáo nghiêm khắc trong một môn thi vấn đáp gay cấn nào đó. Ðúng hay sai? Có hay không? Cô học trò lặng lẽ đợi, hai tay bây giờ để yên trên mặt bàn, vẻ tràn trề tự chủ. Thấy thầy vẫn ngồi yên, cô lại nhắc, lần này giọng rất dịu dàng:

-     Dạ, thầy…

      Anh trả lời thật nhanh, không kịp suy nghĩ, tưởng như ai đang nói hộ:

-     Vâng, tôi bằng lòng!

       Anh không dám nhìn cô học trò. Còn Hạnh, cô chỉ đợi có thế, chào anh và hấp tấp bước ra cửa, không một lần quay lại.

      Họ đã gặp nhau trong một công viên vắng vẻ lúc chập tối.  Thầy xe Honda. Trò xe đạp. Họ dựng xe sát nhau. Ai cũng định nói thật nhiều điều, nhưng rốt cuộc, ngoài vài ba câu chào hỏi cho có lệ, hai người không nói với nhau một lời nào. Cô học trò cảm thấy những gì cần nói thì cô đã nói hết trong thư. Còn thầy, thầy đâu có gì để nói. Thầy vừa ăn vụng vừa sợ. Thầy ngồi trên yên xe, run rẩy ôm cô học trò cũng run rẩy trong tay, mơ được gặp lại cô ở một nơi khác, và một lần khác. Tất nhiên, một hoàn cảnh khác!

       Ðến lúc về, trước khi đạp xe đi mất, cô cầm chiếc ghi đông xe của thầy, nói nhỏ:

-     Thế mà em cứ tưởng thầy…không phải là đàn ông!

*

       Khi xe xuống dốc cầu Bến Lức, Túy nói:

-     Tôi không ngờ ước mơ đó hôm nay lại thành sự thật.

       Hạnh ngơ ngác:

-     Ước mơ gì vậy thầy?

-     Ấy, lại thầy.

-     Ước mơ gì vậy à…à…vậy anh?

-    Ước mơ được gặp cô…à…gặp em ở một không gian khác, một hoàn cảnh khác.

-     Em chưa hiểu anh nói gì.

-    Anh muốn nói hồi đó, cái đêm đó ấy mà, Hạnh còn nhớ không, đêm mà Hạnh hẹn gặp anh trước cổng trường. Hồi đó, ôm em trong tay, anh nghĩ phải chi anh được gặp em trong một hoàn cảnh khác, một không gian khác.

-    Ðúng là các ông bao giờ cũng tham lam. Vừa muốn vợ, vừa muốn cả người tình, lắm khi người tình một, người tình hai.  Hồi đó, em còn quá ngây thơ.

       Túy cười:

-     Không chừng anh còn ngây thơ hơn em.

       Hạnh ngước mắt nhìn:

-     Ở đó mà ngây thơ!

-   Thì em xem, ai viết thư, ai hẹn hò, ai làm cho đầu óc anh vật vờ rối loạn…

       Hạnh nhéo vai Túy một cái, ghé miệng, nói nhỏ:

-     Nói nhỏ nhỏ một chút, ông thầy. Người ta ngồi chung quanh  vậy mà nói y như chỗ không người. À, mà đến ngã ba Tân Hương hay Trung Lương gì đó chưa?

-     Chưa đâu.

-     Rồi sao?

-     Gì mà rồi sao? Anh nói chưa đến ngã baTân Hương.

       Hạnh lại véo vai ông thầy:

-     Em hỏi anh cái chuyện hồi nãy kìa. Cái chuyện đầu óc anh rối loạn…

-    Ừ, hồi đó, đám cưới rồi mà anh cứ dật dờ. Như trong mộng. Hảo gây gổ với anh hoài vì cái dật dờ đó.

-     Chị ấy ghen?

      -     Lúc đầu thì không. Cô ấy nói anh độ sau này đổi tính, không như hồi mới đám hỏi. Cô ấy bảo anh không biết chiều chuộng vợ, không biết yêu thương vợ, ở với vợ mà như ở với ai. Cho đến khi cô ấy biết chuyện em, cô ấy càng gây gổ tợn.

      Hạnh xoay hẳn người qua phía Túy:

-     Biết chuyện em? Biết cái gì? Làm sao biết?

      Túy thở dài:

-     Cũng vì một lá thư.

-     Anh đưa cho bà ấy đọc?

-     Không. Tình cờ cô ấy tìm thấy trong một cuốn sách.

-     Anh không cất à?

-     Cất chứ. Ai mà biết còn sót một lá.

-     Rồi sao?

-    Sao nữa. Cô ấy đọc, cô ấy dằn vặt anh. Anh càng chối, cô ấy càng lồng lộn lên. Sau, cô ấy tự đi điều tra và biết đôi ba phần sự thật. Mà đối với phụ nữ, dường như đôi ba phần hay tất cả, đều giống nhau.

       Hạnh chép miệng, cố giấu một nỗi sung sướng riêng trong lòng:

-    Thế à? Em đâu có ngờ sự thể ra nông nổi như thế. Em đâu có muốn làm khổ người khác.

-   Mọi chuyện càng tệ hơn về sau này, khi anh…ô kìa đến trạm rồi đấy. Em xem lại hàng hóa trong người.

       Hạnh hốt hoảng, khi thấy xe chạy chậm lại và trạm kiểm soát đã ở ngay bên đường. Nàng nói:

-    Mấy xách hàng, anh gửi tài xế cẩn thận rồi chứ. Liệu có an toàn không?

-    Mình trả tiền để mua đường, lo gì. Em nghe người xưa bảo là đóng tiền mãi lộ không? Mãi lộ là mua đường đó.

       Hạnh chỉnh lại hàng bó trong người. Hai người xuống xe, đi qua trạm an toàn. Lên xe lại, Hạnh nhìn ngắm Túy từ đầu đến chân, hỏi:

-    Chẳng giống gì với ông bộ đội hôm trước. Anh cũng có tài cải trang đấy chứ. Nhưng liệu cứ đi hoài như thế này, tụi nó có nhận ra anh không?

-    Ai mà biết. Ðược ngày nào hay ngày nấy. Hàng ngàn người khách qua lại, tài thánh tụi nó cũng không thể nhớ hết.

       Hạnh cười:

-     Từ ngày đó đến giờ, anh làm bộ đội mấy lần rồi?

-     Hai lần. Làm hoài không hay, vì lỡ họ biết được càng khó. Ðộ này, bộ đội hay cán bộ gì họ cũng soát, vẫn lục hàng.  Ði buôn cũng như đánh bạc, vừa phải biết gian lận vừa phải trông vào may rủi.

       Ðến chỗ ngồi, Túy đợi Hạnh bước vào ghế trong, nhưng nàng đòi ngồi ở ghế ngoài, sát lối đi. Nàng bảo:

-     Ngồi mãi trong đó, tê chân quá!

       Túy bước vào ghế trong, nhường chỗ cho Hạnh. Xe qua khỏi trạm, tăng tốc độ, chạy ào ào qua những cánh đồng lúa mênh mông. Anh để cánh tay thò ra phía ngoài. Gió thổi như roi quất vào da thịt. Anh bảo:

-     Công nhận mấy tay lái xe miền Tây này lái giỏi thiệt.  Chạy như giặc. Có lúc còn đuổi nhau trên đường để giành khách.

       Hạnh đồng ý:

-   Họ cứ chạy, cứ tránh, cứ vượt qua như đường không người. Lần đầu, thấy xe chạy vùn vụt, em ngán quá. Họ không sợ tai nạn hay sao?

-   Tuyến đường này lại rất ít tai nạn xảy ra hơn tuyến đường miền Trung. Họ lái giỏi chứ không phải lái ẩu.

       Hạnh bỉu môi:

-     Giỏi gì. Bị tai nạn thì cũng thành ẩu thôi à.

       Túy đưa tay bịt miệng Hạnh lại:

-     Thôi, đi đường đi sá, đừng nói chuyện gở, không hay.

       Hạnh để yên, dù mùi thuốc lá tỏa lên từ bàn tay khiến nàng hơi khó chịu. Ðợi cho anh cất tay đi,  nàng gợi lại chuyện cũ:

-     Em không ngờ em đã gây phiền nhiễu cho gia đình anh như vậy. Chắc chị ấy nguyền rủa em dữ lắm.

       Túy thở dài:

-     Thì em biết rồi, đàn bà đã không ghen thì thôi, nếu đã ghen thì…

-    Nhưng nghĩ cho cùng, em có làm gì đâu. Mọi chuyện đã chấm dứt từ khi anh lấy vợ. Em nhận biết giới hạn của mình ở đâu. Vả lại, nói cho cùng, tất cả chỉ là một thời sôi nổi học trò thôi. Cũng chỉ là một cuộc chơi.

       Túy mơ màng:

-     Em nói đúng, chỉ là một cuộc chơi. Một cuộc chơi đáng giá!

*

       Túy và Hạnh xuống hàng ở cách tỉnh lỵ Bạc Liêu khá xa.  Ðịa điểm nằm kế bên một cây cầu lát gỗ bắt qua một con lạch chảy ngang đường.

-     Lần trước em giao hàng thế nào?

-     Ở cầu Cái Giầy.

-     Ðây chưa đến cầu Cái Giầy.

       Xuống khỏi dốc cầu song song bên vệ đường, Túy chỉ ngồi nhà nằm thấp thoáng ở sâu trong khu làng:

-     Ðó là nơi mình giao hàng.

       Nhìn thấy cây cầu khỉ dài, chạy vòng vòng qua con lạch lớn, Hạnh le lưỡi:

-     Trời, cầu kỳ thế này làm sao mà đi qua cho được. 

       Túy cười:

-     Vào miền Nam, phải tập đi cầu khỉ.

-     Sao lại gọi là cầu khỉ nhỉ?

-    Anh nghe người ta bảo ngày xưa vùng đất miền Nam này, dưới kênh lạch toàn là cá sấu, nên người ta không thể lội qua được, đành phải trèo lên ngọn cây cặp mé rạch, rồi đu mình chuyền qua bờ bên kia giống như khỉ chuyền mình trên cây. Sau này khi nghĩ ra được cách làm cầu, khỏi chuyền mình trên cây, nên người ta vẫn nhớ chuyện xưa, nên gọi là cầu khỉ.

-     Nghe cũng hay. Nhưng em ngán quá. Em mô có biết bơi. Lỡ rơi tõm xuống nước thì làm sao đây. Nước gì mà tởm.  Có sâu không anh?

-    Không sâu lắm đâu. Nhưng không té đâu. Nếu làm cầu mà để cho người ta té thì ai dám đi. Em cứ vịn vào các thanh ngang cho thật vững là đi được thôi.

       Hạnh dợm chân bước lên, nhưng sợ quá, nàng thụt lùi lại.  Túy bảo:

-    Em cởi dép ra đi.  Dép Lào trơn lắm. Ðưa dép và xách, anh mang cho. Em đi không. Anh đi sát sau lưng. Ðừng sợ.  Một lần sẽ quen thôi.

       Hạnh cởi dép. Nàng đưa cả xách lẫn dép cho Túy, rồi dè dặt đặt chân lên thành gỗ. Sau khi yên chí chân không trợt, nàng vịn tay vào thanh đỡ, bắt đầu bước. Chiếc cầu khỉ rung rung dưới chân khiến nàng run lên, khiếp đảm. Nàng dừng lại, không dám nhìn giòng nước đục ngầu đang chảy bên dưới.

-    Mạnh dạn lên. Trông cầu yếu thế, nhưng không gãy đâu. Có gì anh đỡ.

       Thấy Túy đứng sát sau lưng, nàng yên tâm dò dẫm bước.  Chiếc cầu, nối từng đoạn, đoạn ngắn đoạn dài, như những nhịp cầu vươn ra giữa con lạch, rẽ sang một hướng khác, vòng lại, dẫn đến bờ bên kia. Qua khỏi cầu, Hạnh đứng lại, vịn vào thanh ngang gần đó, ôm lấy ngực, thở dài nhẹ nhõm:

-     Ớn quá.

      Túy cười:

-     Em thấy chưa, cứ đi là đến hà. Thuế vụ em không sợ, mà sợ gì chiếc cầu. Từ ngoài Trung vào tận đây, chẳng lẽ bước lui, phải không?

       Hai người đi theo một con đường nhỏ dẫn sâu vào xóm trong. Hạnh tò mò nhìn. Nhà nào cũng có cầu khỉ, vì kênh lạch nằm ngang nằm dọc lung tung. Những con lạch nhỏ, những hồ nuôi cá tra, những nhà cầu lộ thiên, bụi bờ lau lách, tất cả đều mang dáng vẻ một cái gì hoang dã, tự nhiên. Túy hỏi:

-     Em cảm thấy như thế nào khi vào miền Nam?

-    Lạ. Nói chung, cái gì cũng có vẻ lạ. Cảnh cũng như người.

-     Mỗi lần về lại đây, anh  có cảm giác như  người  mình được làm mới lại.

-     Nữa! Lại triết lý.

       Sau khi leo qua một đoạn cầu khỉ ngắn nữa, hai người rẽ vào một căn nhà lá lớn, nằm giữa khu vườn rộng trông như một ốc đảo. Dừa mọc khắp nơi, từ đầu ngõ vào sân, dọc theo bờ nước quanh vườn. Túy dặn:

-    Vào nhà, em cứ xem như bọn mình là anh em. Người nhà có thích giới thiệu gì thì cứ để họ tự nhiên. Ðừng thắc mắc.

       Chủ nhà là một người đàn ông đứng tuổi, phong cách rất Nam  bộ, ăn mặc xuề xòa, cử chỉ thoải mái. Thấy hai người từ ngoài xa, ông đã đon đả chào:

-     Thầy lại về.  Sao, có khỏe không thầy?

       Hạnh hỏi nhỏ:

-     Anh xưng với họ là thầy hay sao mà họ gọi thầy?

-    Anh không xưng gì hết. Lên xuống bán hàng nhiều lần, ông già hỏi anh trước làm nghề gì, anh nói anh đi dạy học, thế là họ gọi anh bằng thầy. Dân ở đây, họ quý nhà giáo lắm, nhất là nhà giáo trước giải phóng.

       Vào nhà, chào hỏi xong xuôi, Túy hỏi:

-     Tình hình hàng hóa thế nào bác?

-     Có đỡ hơn. Ðợt Ðà Lạt xuất kho vừa rồi, nghe nói phân phối cho các tỉnh miền Bắc, nên trong này hàng khan hiếm.  Một số con buôn buôn ngược từ ngoài Bắc vào, thầy nghe nói không? Giá Ðà Lạt giờ cao lắm ở đây. Thầy xuống đúng lúc đa!

-     Ra thế! Ở Sài Gòn, cháu không để ý vụ này. Lần này, tụi cháu mang bao Ðà Lạt “rin” xuống. Ðộ này cũng khan hàng lắm, phải dặn trước cả tuần mới có.

-     Thầy cô mang về nhiêu?

-     Cháu 3000, cô đây 2000.

-     Tạm được. Giá cả thế nào, thầy?

-     Dạ, lần này thì vẫn 10 hào một bao như cũ. Tuy hàng khan, nhưng vì là mối cũ, nên người ta chưa nâng giá. Cháu không dám hứa cho lần sau. Nhân đây, cháu cũng xin giới thiệu, cô Hạnh, em họ, sẽ thỉnh thoảng về đây bỏ hàng cho bác.

       Chủ nhà nhìn Hạnh:

-     Cô đây cũng người ở ngoải?

-     Dạ. 

       Chủ nhà cười:

-     Tôi khoái tiếng dạ của mấy cô miền ngoải. Miệt trong này cũng có mấy gia đình ngoài ngoải vào cư ngụ mấy năm nay. Dân ngoải chăm làm thật.

       Chủ nhà chỉ về hướng  những lùm cây phía trong xa:

-    Nhà họ ở tận trong đó. Thỉnh thoảng, tôi có gặp họ ngoài chợ.

       Túy mở xách, định lấy hàng ra, thì chủ nhà xua tay:

-    Khoan, để tôi khép cửa lại cái đã. Ðây thì yên, sấp nhỏ chúng nó “lo liệu” cả rồi, nhưng cẩn thận thì vẫn hơn.

       Cửa khép. Hai người lần lượt mở xách, lấy ra từng cọc từng cọc bao Ðà Lạt mới tinh, còn nguyên đường cắt xén từ trong nhà máy và thơm mùi giấy mới. Túy đẩy hết về phía chủ nhà:

-     Xin bác cho người đếm cẩn thận. Tất cả là 5000 bao.

-     Thôi được. Tôi tin thầy cô. Xem như đủ đi. Mấy cháu đếm sau cũng được. Có gì báo lại thầy cô. Tối nay, thầy cô định ngủ đâu?

       Túy đáp:

-     Cho chúng cháu ở lại đây, được không bác. Sáng mai bọn cháu về lại thành phố sớm.

       Chủ nhà quay sang Hạnh:

-     Thầy đây mỗi lần về đều ngủ đây. Ðàn ông thì khỏe.  Phụ nữ thì hơi phiền, vì ở đây, quê mùa, chẳng có phòng riêng cho mấy cô. Nếu cô đây không ngại, có cái giường đàng kia của đứa con gái, cô có thể dùng tạm qua đêm. À, còn việc đăng ký tạm trú…Chà chà, cũng rắc rối, vì thằng con lớn  vừa vắng nhà. Nhưng không sao, không sao. Tôi sẽ nói đứa khác lo.  Cũng xong thôi. Thầy , cô cứ yên lòng ở lại qua đêm.

*

       Cảm giác làm mới lại tràn ngập tâm hồn khi Túy sánh vai với Hạnh trên con lộ ở một nơi gần cuối trời đất nước. Mảnh trăng đầu tháng tươi mới tỏa ánh sáng loang loáng trên những lùm cây, những cánh đồng bát ngát. Không khí khoảng khoát, trong lành. Gió mơn man vuốt ve da thịt anh, thổi mái tóc ngắn gọn của Hạnh bay bay, thỉnh thoảng đập vào má anh. Bóng hai người đổ trên đường lộ, song song. Bỗng dưng, anh cảm thấy tâm hồn lâng lâng sảng khoái. Anh dùng chân đá những viên sỏi nhỏ trên đường đi, hát nhỏ: “Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát, ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát…”

       Hạnh đi sát vào người Túy.  Anh bạo dạn nắm tay cô, lòng hân hoan y như thể những ngày còn thơ trẻ.

-     Anh trông bộ vui quá nhỉ?

-     Lâu lắm rồi, anh mới hưởng được những giây phút như thế này.

-     Lâu lắm rồi! Ðàn ông khi nào cũng xạo. Ði với bà nào, cô nào cũng nói cùng một giọng.

      Túy bóp tay Hạnh:

-     Anh nói thật. Hoàn cảnh anh khác thường.

       Hạnh cười:

-     Cũng được. Cứ xem như là thật đi. Rồi sao?

-     Anh cảm thấy mình trẻ lại như thời nào.

-     Lại xạo. Thời đó, anh như một ông già. Mặt mày khó thương. Anh có khi nào trẻ đâu, phải không nào?

-     Nói rồi. Chỉ là cái mặt nạ thôi.

-    Mình tưởng thế thôi, anh à. Bao nhiêu ràng buộc nó đâu có cho mình sống những gì mình thích đâu. Tất cả chỉ là vọng tưởng vu vơ.

-     Riêng anh, anh tự do.

-     Tự do? Anh tự do?

-     Hoàn toàn tự do.

      Hạnh thở ra:

-     Em khác.

      Anh định hỏi tiếp, nhưng ngưng lại. Hai người đột ngột im lặng. Mỗi người có một lấn cấn riêng, không ai tiện nói cho ai về hoàn cảnh của mình. Thôi thì xem như  không hay không biết. Từ hôm gặp lại nhau đến giờ, cả hai đều cố tránh không hỏi han gì đến chuyện gia đình của nhau. Nhìn thái độ tất bật của Hạnh, những vất vả nàng phải chịu đựng, anh đoán nàng phải gánh vác chuyện gia đình nặng nề. Nàng tần tảo ngược xuôi, vào Nam ra Bắc, không nề hà khổ nhọc. Còn đâu cô học trò lãng mạn một thời, chỉ biết học và trêu chọc!

      Vẫn im lặng. Hai người bước xuống con dốc dẫn đến lối đi vào làng. Những ngôi nhà tranh chìm trong bóng tối của mấy hàng dừa. Chỉ còn nhìn thấy ánh đèn leo lét. Hạnh phá tan sự im lặng:

-     Ðây về Cà Mâu còn bao xa nữa anh hè?

-     Nghe nói cỡ vài chục cây số.

-     Anh về đó bao giờ chưa?

-     Chưa. Có việc gì đâu mà phải về.

-     Vượt biên chẳng hạn. Nghe nói người ta về dưới đó vượt biên, phải không anh?

-     Nghe nói vậy.

-     Anh không có ý định vượt biên sao?

-    Chưa nghĩ  đến. Hay là…hay là anh với em cùng đi nhỉ.  Tiện đây mà tìm đường thì hay biết mấy.

      Hạnh lắc đầu nguầy nguậy:

-     Ðời nào.

      Nói thì nói thế, nhưng gợi ý tình cờ của Túy không hiểu sao bỗng thấm sâu vào lòng Hạnh. Hạnh im lặng, suy nghĩ vẩn vơ một hồi. Vượt biên. Thoát, thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc trên cái xứ sở nhỏ nhoi đau khổ này!  Tại sao lại không nhỉ?

       Hai người trở lại chiếc cầu khỉ. Hạnh níu tay Túy:

-     Anh phải đỡ em. Ban đêm đi kiểu này, ngán quá.

       Túy bồi hồi nắm tay Hạnh, dẫn từng bước qua cầu. Ðến giữa cầu, anh làm bộ nghiêng ngả làm Hạnh hoảng hốt bíu lấy vai anh, thở hổn hển:

-     Anh làm cái gì vậy?

       Túy không nói gì, tiếp tục làm bộ run run. Anh bỗng ao ước nàng trợt chân té xuống nước, để anh được ôm lấy thân hình nàng kéo lên. Dưới ánh trăng, anh cúi xuống sát mặt Hạnh. Anh có cảm tưởng nàng cũng ước ao như anh. Nàng muốn tránh, nhưng sợ ngã, nên đành phải để yên.

-     Ði cho rồi anh. Ðừng giỡn nữa.

      Qua khỏi cầu, Hạnh buông tay ra. Túy làm bạo, kéo tay nàng lại, để bàn tay nàng trong bàn tay anh, bóp chặt. Bàn tay nhỏ nhắn của Hạnh nửa muốn rụt lại, nửa cứ để yên. Nàng nhìn quanh:

-     Anh!

       Tiếng kêu nghe thảng thốt. Anh kéo người nàng sát vào người anh, bước lên đường. Con đường đất đầy bóng dừa.  Xóm làng yên tĩnh. Chỉ nghe tiếng trẻ đùa xa xa đâu ngoài đường lộ. Thỉnh thoảng, nghe những con cá quẫy mạnh hay tiếng con ễnh ương kêu đâu đó dưới con lạch. Anh nói:

-    Anh có cảm tưởng như là buổi hẹn hò đầu tiên trong đời.

       Hạnh tự nhiên đi sát vào anh hơn. Ðến ngã rẽ, thấy có một khoảng tối khuất sau cây dừa, anh nắm tay Hạnh, kéo vào.  Nàng im lặng bước theo. Anh đứng dựa gốc dừa, ôm Hạnh vào người. Hạnh chống cự lấy lệ. Anh hôn lên mái tóc, hai tay ôm xiết lấy lưng nàng. Hạnh run rẩy, nấc nhẹ trên vai anh. Anh lướt nhẹ đôi môi lên mắt. Nước mắt mặn chát. Anh nuốt lấy.  Hai tay anh sờ nắn quanh người Hạnh, háo hức. Chợt Hạnh cầm giữ bàn tay anh ngay chỗ thắt lưng:

-     Anh!

       Nàng đẩy anh, bước tránh ra ngoài:

-     Thôi về anh.

Túy hụt hẫng, hai tay chới với. Nhưng Hạnh đã bước đi.  Anh không nói gì, bàng hoàng bước theo. Anh đi sát vào người Hạnh, nói thầm:

-     Anh xin lỗi, chẳng qua…

       Giọng Hạnh ráo hoảnh:

-     Em hiểu.

Có tiếng động nhẹ bên bờ lạch. Một con gì vừa hốt hoảng nhảy xuống. Túy nhìn thấy một mảng nước từ dưới bắn lên cùng với ánh trăng vỡ toang ra, lạnh lẽo. 

T.D.N.