Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Cuộc đào thoát bất thành

(Đọc tiểu thuyết Những ghi chép từ tầng thứ 14 của Thận Nhiên)

Ngô Thị Kim Cúc

51408288_2292211207457358_7687685086937874432_n

Đó là một cuộc trở về để tìm sự giải tỏa. Hành trình ấy bắt đầu bằng một câu hỏi và tiếp tục bằng nhiều câu hỏi hơn. Có năm thế hệ trong một gia đình, mỗi người lại có câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện gia đình ấy gộp lại thành tiểu sử gia tộc. Nhiều tiều sử gia tộc làm nên lịch sử làng xóm. Nhiều tiểu sử làng xóm làm nên lịch sử dân tộc.

Những nhân vật trong tiểu thuyết không phải người hạnh phúc. Và người ít hạnh phúc nhứt chính là nhân vật Tôi. Anh ta lớn lên trên đất Mỹ, có những ký ức không vui của người nhập cư. Nhưng chính những gì xảy ra từ đời ông cao, ông cố, ông nội và cha mẹ đã dồn lại thành sức nặng buộc anh ta phải mang vác, từ trong tiềm thức, từ trong hệ di truyền. Anh ta cứ phải nghiền ngẫm cay đắng về những điều kỳ lạ bất toàn của thế hệ trước, so sánh với kinh nghiệm bản thân, và rồi, anh ta dứt khoát phải trở về Việt Nam, đề nghiệm sinh chớ không bằng lòng chỉ chia sẻ gián tiếp và thụ động qua những lời kể.

Ở Việt Nam, anh ta gặp một người đồng cảnh ngộ, cô gái lai có mẹ Việt cha Đức. Cô đã hoàn tất cuộc nghiệm sinh ba năm của chính mình, trao truyền lại cho anh ta ít nhiều kinh nghiệm. Họ hiểu nhau rất nhanh, bởi họ đều là những người-Việt-một-phần, và cái phần-Việt (dù nhỏ bé) ấy đã khiến họ không thể sống yên trên một xứ sở khác nếu không tự mình đi tìm lời giải đáp ở Việt Nam.

Tiểu thuyết như sự lắp ghép những câu chuyện có vẻ rời rạc, nhưng chính thứ tự xuất hiện của mười lăm chương sách đã làm nên cốt truyện chung và diện mạo nhân vật. Những ghi chép từ tầng thứ 14 (cũng chính là tầng thứ 13), thật sự lôi cuốn. Có cảm giác nó là câu chuyện thật, từ vô số chi tiết đời sống, chớ không phải một sản phẩm hư cấu. Nếu không phải người Việt thứ thiệt sẽ không có được những quan sát, lọc lựa, để bắt đúng cái mạch ngầm bản chất trong mỗi cảnh đời khác nhau như vậy. Không phải người Việt thứ thiệt, sẽ chẳng nhìn ra cái không bình thường trong những sự việc tưởng chừng bình thường ấy.

Một số chương là chuyện kể từ người già, số khác là chuyện của thế hệ Tôi. Một số chương là chuyện xảy ra trên đất Mỹ- thời hiện tại, số khác là chuyện xảy ra ở Việt Nam- thời quá khứ. Cái quá khứ ấy, thế hệ Tôi không hề có mặt, không chịu trách nhiệm, nhưng vẫn bị nó chiếm cứ, thúc bách, đày ải. Ai bảo quá khứ là cái đã qua. Quá khứ vẫn có thể dai dẳng ở lì lại ám ảnh hiện tại và dường như, ngay cả tương lai.

Câu chuyện của ông cao, một tri phủ. Ông đã chết một cách bi thảm sau bước ngoặt kinh hoàng của lịch sử, mang theo bí mật về một kho tàng chẳng biết có thật hay không. Câu chuyện của ông cố, ông nội, những người đã tham gia/chứng kiến một quãng ngắn lịch sử, mà ở đó, cái chết vừa mang ý nghĩa anh hùng vừa như sự đay nghiến mỉa mai của số phận dân tộc. Câu chuyện của cha, kẻ di dân bất đắc chí mãi mãi không thể trở thành người Mỹ, với ký ức về lon đồ hộp dành cho chó mà ông đã ăn nhầm. Ông đã rửa sạch, cất kỹ vỏ lon, vì “nó chứa một vết thương. Một vết thương chẳng bao giờ lành, chẳng bao giờ lên da non, chẳng bao giờ thành sẹo… Họ không vượt qua được nổi mặc cảm của một gã nhập cư đến đây từ một nước nhược tiểu”.

Câu chuyện của mẹ, cũng như những người kia, có quá nhiều cái chết, những cái chết tới từ bom đạn cả hai phía trong những cuộc chiến tranh liên tục của Việt Nam. Những cái chết từ những kẻ thù xa lạ và từ những người Việt tự coi mình là kẻ thù của nhau, tự giết nhau. Những cái chết bao vây bà: cái chết của người nhà, của bạn học, của hàng xóm, của những người Việt có tên chung là đồng bào… Cả một đạo quân đầm đìa máu với tiếng kêu than khủng khiếp… Nhưng “Lễ có một khả năng đặc biệt khác thường: bà có thể khóa chặt lại những ngăn ký ức- những điều mà bà không muốn nhớ- cho tới khi tự bà mở ra, để kể câu chuyện đời mình với con trai khi nó muốn biết về quá khứ của mẹ”.

“Cái quá khứ mà Tôi không có mặt” ấy, là món nợ không vay mà vẫn phải trả. Tôi không thể từ chối, không thể chạy trốn. Thế hệ Tôi dù cũng là kẻ di dân nhưng đã khác với thế hệ ông, cha: “Đầu đen, da màu, nhỏ con thì đã sao? Những điều đó chỉ là sự khác biệt chứ không phải sự thua kém”. Rất mạnh mẽ, ngạo nghễ nhưng vẫn không thể tránh khỏi những tổn thương.

Khi cậu bé mười một tuổi và cô bạn nhỏ cùng nhà táy máy tò mò về cơ thể nhau, để rồi kết cuộc là những đối thoại không hề chờ đợi: “Đây không phải đất nước chúng mày… Chúng mày nên về nước của mình mà sống”. “Tao sanh ra ở đây, đây là nước của tao! Mày là đồ kỳ thị chủng tộc!”… “Chink, cút đi!”. Kỷ niệm về buổi đi xem phim người lớn càng không vui. Cái chết vô nghĩa của đứa bạn thân từ một khẩu súng chẳng rõ của ai, và vì cơn cớ gì lại đi bắn người dễ dàng như thế.

Đứng ngay giữa trung tâm của những dằn xé, Tôi đúng là nạn nhân của lịch sử. Ở đâu Tôi cũng là kẻ tạm trú, trong quá khứ của người lớn hay trong cuộc sống hiện tại của chính mình, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam.

Một thành phố Sài Gòn và một đất nước Việt Nam tràn ngập người/ma và tràn ứ thi sĩ. Những chuyện lẽ ra phải gào khóc đau đớn nhưng lại tìm cách cười cợt để có thể dằn lòng bước tiếp. Những đời người không biết rõ quá khứ, cũng không quá quan tâm hôm nay, huống gì chuyện tương lai xa vời. Những cái chết không phải do kẻ khác giết mà là tự giết mình, dần mòn, từng mỗi ngày qua…

Một phụ nữ đã thảy mình xuống dòng sông ngay trước mắt Tôi, buổi tối vắng vẻ trên chiếc cầu sơn màu đỏ…

Có uẩn khúc gì trong việc người ta đối xử với cái chết, đối xử với mạng sống, cuộc sống của mình theo cái cách mà người Việt Nam đang chọn lựa…

Có phải, chính từ câu hỏi không dễ tìm lời giải ấy, Tôi đã bị lôi tuột vào đám đông, tan hòa vào họ, và cuối cùng, cũng trở thành người/ma… Một con ma/người khác biệt với số đông, nhưng vẫn là ma. Bởi lẽ, Tôi vẫn đang ở Việt Nam, bị Việt Nam tóm lấy.

“Tôi nằm đây hai mươi bảy năm rồi chứ không chỉ là ba năm trong thời gian rời Mỹ về sống ở Sài Gòn. Tôi bị trét dính trên mặt đường này bằng thứ bã kẹo cao-su không bao giờ tiêu hủy… Tôi không thể cục cựa vùng vẫy… Thời gian cũng bị dán dính xuống mặt đường, thời gian không còn chuyển động từ lúc ấy. Mãi mãi”.

Và đây, câu cuối trong tiểu thuyết: “Giờ này, địa cầu vắng ngắt. Địa cầu chỉ còn hai sinh vật. Một con dơi bay, và một con người nằm chờ sáng. Tôi biết, nó chính là con dơi từng được tôi phơi trên gờ tường. Và tôi, là một sinh vật nằm chờ sáng trong bộ não bé xíu của nó”.

Dơi là con vật chỉ hoạt động về đêm, chỉ dùng bản năng để làm mọi việc trong bóng tối, suốt cuộc đời.

Tôi không chỉ thành ma/người, Tôi còn thuộc về một con dơi từng chết hụt.

Cuộc đào thoát khỏi quá khứ của Tôi bất thành. Tôi đã bị bắt làm con tin…

Bao giờ mới thoát khỏi kẻ giam cầm này, đó là một bí mật…