Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Truyện ngắn George Orwell

Phạm Văn dịch và giới thiệu

Image result for George OrwellGeorge Orwell (1903-1950), tên thật là Eric Arthur Blair, sinh tại Bengal, Ấn Độ. Cha ông là làm việc tại Sở Nha phiến của chính quyền Anh tại Ấn Độ; mẹ ông gốc Pháp trưởng thành ở Moulmein, Miến Điện. Gia đình ông thuộc tầng lớp quý tộc đại điền chủ và tư bản, nhưng đã sa sút. Khi Eric được một tuổi, mẹ ông đưa các con về sống ở Anh để được hưởng nền giáo dục của “mẫu quốc” như nhiều gia đình viên chức ở thuộc địa Anh thời đó. Năm 1917, ông được học bổng của Eton College, một trường tư danh giá cho nam sinh nội trú từ 13 đến 18 tuổi, do Vua Henry VI sáng lập, nhưng năm 1921 ông bỏ ngang.

Năm 1922, ông gia nhập ngành cảnh sát và chọn nhiệm sở ở Miến Điện, nơi bà ngoại ông đang sống ở Moulmein, và là một xứ thuộc địa do Phó vương Anh ở Ấn cai trị. Ông được bổ nhiệm ở Mandalay và dần dần quan tâm đến sinh hoạt và văn hoá của dân bản xứ. Năm 1927, chống lại chính sách của Đế quốc Anh, ông từ bỏ những ưu đãi đối với tầng lớp trung lưu của mình, ra khỏi ngành cảnh sát và quyết định sống bằng nghề văn. Ông về London làm thợ, và sống lang thang ở nông thôn cùng những người vô gia cư.

George Orwell trong trường huấn luyện cảnh sát ở Miến Điện, 1922

Năm 1928, ông sang Paris tiếp tục sống nghèo khổ, viết báo về tầng lớp cùng khốn, nạn thất nghiệp và bất công xã hội. Từ những kinh nghiệm này, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, Down and Out in Paris and London, năm 1933.

Năm 1936, ông rời London để gia nhập lực lượng chống Phát xít Tây Ban Nha, và trở thành người nhiệt thành theo chủ nghĩa xã hội, nhưng ông bác bỏ chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô.

Trong thế chiến thứ hai, ông chỉ trích chính sách tuyên truyền che giấu sự thật của cả hai phe Đồng Minh và Phát xít. Cuối thế chiến 2, ông xuất bản cuốn Animal Farm (1945) và nổi tiếng trong giới văn chương. Năm 1949, ông viết xong cuốn 1984 trong khi bị bệnh lao. Một năm sau ông mất ở London.

Sau khi ông mất, ảnh hưởng của ông về mặt chính trị, xã hội, văn học tiếp tục gia tăng, và nhiều từ ngữ mới xuất hiện trong tiếng Anh liên quan đến ông hoặc phát xuất từ các tác phẩm của ông. Thí dụ, chữ Orwellian (tính từ mô tả ý niệm hay chế độ độc tài ngăn cản phúc lợi của con người), Big Brother (người kiểm soát mọi sinh hoạt của kẻ khác), Thought Police (cảnh sát có nhiệm vụ ngăn chặn mọi ý nghĩ bị coi là lệch lạc), thoughtcrime (tội có suy nghĩ không đúng với đường lối của chế độ), Room 101 (phòng tra tấn dưới hầm Bộ Tình Yêu, nơi Đảng bẻ gãy ý chí của kẻ chống đối), memory hole (phương pháp thay đổi hay xoá bỏ những gì bất lợi cho chế độ), unperson (người đã bị xử tử hay bị xoá tên trong lịch sử), doublethink (nghĩ nước đôi, chấp nhận cả hai niềm tin hay sự thật trái ngược nhau), newspeak (thứ ngôn ngữ bị kiểm soát về từ vựng và văn phạm để giới hạn tự do tư tưởng, thí dụ chữ “nước lạ” trên báo chí ở Việt Nam hiện nay là một thứ ngôn ngữ mới).

12/2018.


Một vụ treo cổ

Chuyện xảy ra ở Miến Điện, buổi sáng đẫm nước mưa. Ánh mặt trời yếu ớt như mảnh thiếc vàng vọt chiếu nghiêng trên bức tường cao xuống sân nhà tù. Chúng tôi đợi bên ngoài các xà lim phạm nhân, đó là dãy lán có hai hàng song sắt phía trước, như cái cũi nhốt thú nhỏ. Mỗi cạnh xà lim khoảng ba mét, bên trong khá trơ trụi, chỉ có tấm ván giường và chậu nước uống. Trong một số xà lim, bọn người da nâu lặng lẽ ngồi xổm ở chấn song bên trong, chăn quấn quanh thân mình. Họ là bọn tử tù sắp bị treo cổ trong một hay hai tuần nữa.

Một tù nhân được đưa ra khỏi xà lim. Anh ta theo Ấn giáo, một kẻ bé xíu, đầu cạo trọc, mắt ướt đục. Râu mép anh rậm lởm chởm, quá rậm tới mức lố bịch so với thân thể anh, tựa như bộ râu mép của một gã hề trên màn ảnh. Sáu ông cai tù cao lớn người Ấn canh gác anh và sửa soạn để đưa anh lên giá treo cổ. Hai ông cai cầm súng trường gắn lưỡi lê đứng bên cạnh, trong khi các ông kia còng tay anh, luồn dây xích qua chiếc còng và gắn vào thắt lưng của họ, rồi trói chặt cánh tay anh hai bên sườn. Họ vây kín xung quanh anh, tay họ luôn luôn cẩn thận và nhẹ nhàng giữ cứng anh, như thể cứ phải sờ thấy anh để chắc rằng anh đang ở đó. Tựa như người ta cầm con cá còn sống có thể nhảy xuống nước trở lại. Nhưng anh đứng không kháng cự, thõng cánh tay cho sợi dây trói, như thể anh không hiểu điều gì đang xảy ra.

Đồng hồ điểm tám giờ, tiếng kèn nhạt nhoà một cách tiêu điều từ doanh trại xa xa trôi lại trong bầu không khí ẩm ướt. Ông giám đốc nhà tù đứng tách rời chúng tôi, đăm chiêu chọc cây gậy của ông xuống sỏi, ngửng đầu lên khi nghe tiếng kèn. Ông là bác sĩ quân y, ria mép như cái bàn chải răng bạc xám, giọng khàn đặc. Ông cáu kỉnh nói: “Chúa ơi, nhanh lên, Francis. Lẽ ra lúc này nó đã chết rồi. Anh sửa soạn chưa xong à?”.

Trưởng cai ngục Francis mập mạp, gốc Dravidian, mặc lễ phục trắng, đeo kính gọng vàng, vẫy bàn tay đen đúa. Anh ta quýnh lên: “Vâng thưa ông, vâng thưa ông. Mọi thứ xẵng xàng gồi. Đứa phụ trách treo cổ đang chờ. Mình tiếng hành liềng”.

“Ôi dào, vậy thì đi nhanh lên. Việc này chưa xong thì bọn tù chưa được ăn sáng đâu”.

Chúng tôi tiến đến giá treo cổ. Hai ông cai đi hai bên tù nhân, súng vác vai; hai ông cai khác đi sát bên cạnh, nắm chặt cánh tay và vai anh ta, như vừa đẩy vừa dìu đi. Những người còn lại, đám quan toà và viên chức, theo sau. Khi chúng tôi đi được mười thước thì đoàn người chợt dừng lại mà không có lệnh hay lời báo trước. Một điều gở đã xảy ra – một con chó có trời biết ở đâu ra, xuất hiện trong sân. Nó vừa nhào vào giữa chúng tôi vừa sủa một tràng ầm ĩ, rồi nhảy cỡn lên quanh chúng tôi, vui mừng cuồng loạn vì thấy nhiều người cùng một lúc. Con chó nòi Airedale lai tạp, lông xù to lớn. Nó sấn sổ bên chúng tôi một hồi, rồi nhào tới người tù trước khi có người kịp ngăn nó lại, nó chồm lên cố liếm mặt anh ta. Mọi người đứng sững sờ, kinh ngạc đến nỗi không ai bắt lấy con chó.

Ông giám đốc tức giận: “Đứa nào để con chó khốn khiếp đó vào đây? Bắt lấy nó!”.

Một ông cai tù tách khỏi nhóm hộ tống, vụng về đuổi theo con chó, nhưng nó nhảy nhót ngúng nguẩy ngoài tầm với của ông ta như đang chơi đùa. Một anh cai tù lai Á Âu còn trẻ bốc một nắm sỏi ném đuổi nó đi, nhưng nó né tránh và lại chạy đến chúng tôi. Tiếng ăng ẳng của nó vang dội vách nhà tù. Bị hai ông cai tù nắm chặt, người tù hờ hững nhìn theo, như thể đây cũng là một thủ tục của vụ treo cổ. Mấy phút sau họ mới bắt được con chó. Khi ấy chúng tôi luồn chiếc khăn tay của tôi qua cái vòng cổ con chó và lại đi tiếp, trong khi nó vừa kéo ghì vừa rên rỉ.

Lúc đó cách giá treo cổ khoảng bốn mươi mét. Tôi nhìn cái lưng nâu trần của tù nhân đang đi phía trước mình. Anh đi lóng ngóng vì hai cánh tay bị trói, nhưng khá đều bước, dáng điệu nhún nhảy của người Ấn không bao giờ duỗi thẳng đầu gối. Cùng với mỗi bước chân, bắp thịt anh đặt gọn gàng vào chỗ, lọn tóc trên sọ ngoe nguẩy, bàn chân anh in trên sỏi ướt. Một lần, dù bị hai người nắm chặt hai bên vai, anh bước lách qua một bên để tránh vũng nước trên lối đi.

Thật lạ, cho đến lúc ấy tôi vẫn không hề hiểu thế nào là giết một người còn khoẻ và tỉnh táo. Khi tôi thấy người tù bước tránh vũng nước, tôi chợt thấy sự huyền bí, sự sai lầm không thể nói, của việc cắt ngắn một mạng sống khi nó đang sung mãn. Người đàn ông này không hấp hối, anh sinh động như chúng tôi. Mọi bộ phận trong cơ thể anh đang hoạt động – ruột tiêu hoá thực phẩm, da đang thay, móng đang dài thêm, tế bào đang thành hình – tất cả nỗ lực ấy trở thành cực kỳ vô nghĩa. Móng tay móng chân anh vẫn dài thêm lúc anh đứng trên giá treo cổ, lúc anh đang rơi giữa không trung trong một phần mười giây cuối đời. Mắt anh thấy viên sỏi màu vàng và bức tường xám, óc anh vẫn nhớ, vẫn suy đoán, vẫn nghĩ ngợi – nghĩ ngợi cả về các vũng nước. Anh và chúng tôi là nhóm người đang cùng nhau đi, thấy, nghe, cảm xúc, hiểu cùng một thế giới. Và trong hai phút nữa, với một cái giật đột ngột, một người trong số chúng tôi sẽ mất – mất đi một tâm hồn, mất đi một thế giới.

Giá treo cổ dựng trong một sân nhỏ mọc đầy cỏ gai cao, nằm tách khỏi sân chính của nhà tù. Nó là ba mặt tường gạch như ba mặt của cái lán, bên trên lót ván, trên nữa là hai cây cọc và cái thanh ngang treo lủng lẳng sợi dây thừng. Gã phụ trách treo cổ là một phạm nhân tóc bạc mặc đồng phục trắng của nhà tù, hắn đang đợi bên cạnh dụng cụ của hắn. Hắn khúm núm cúi chào lúc chúng tôi vào. Theo lệnh của Francis, hai cai tù nắm chặt tù nhân hơn, nửa dắt nửa đẩy anh ta tới giá treo cổ và giúp anh ta lóng ngóng lên thang. Khi ấy gã phụ trách treo cổ leo lên quàng sợi dây thừng quanh cổ tù nhân.

Chúng tôi đứng đợi cách đó năm mét. Đám cai tù đã đứng thành vòng tròn quanh giá treo cổ. Khi dây thòng lọng đã tròng qua cổ, người tù bắt đầu kêu xin thần thánh của anh. Tiếng kêu cao vút, lặp đi lặp lại: “Ram! Ram! Ram! Ram!” không vội vàng sợ hãi như lời cầu nguyện hay kêu cứu, nhưng đều đều, nhịp nhàng, gần như tiếng chuông. Con chó nghe thấy bèn ư ử đáp lại. Gã phụ trách treo cổ vẫn đứng trên giá treo cổ, lấy ra cái túi nhỏ bằng vải như túi bột và trùm qua mặt tù nhân. Nhưng dù bị miếng vải che, tiếng kêu vẫn lặp đi lặp lại: “Ram! Ram! Ram! Ram!”.

Gã phụ trách treo cổ leo xuống rồi đứng chờ, tay cầm cần gạt. Dường như nhiều phút đã trôi qua. Tiếng kêu bằn bặt của người tù vẫn đều đều: “Ram! Ram! Ram!” không hề vấp váp một tích tắc. Ông giám đốc cúi gằm xuống ngực, chầm chậm thọc cây gậy lên mặt đất. Có lẽ ông đang đếm tiếng kêu, cho phép người tù kêu đến bao nhiêu tiếng – có lẽ năm mươi, hay một trăm. Mọi người đều biến sắc. Bọn người Ấn tái đi như cà phê loãng, một vài lưỡi lê run rẩy. Chúng tôi nhìn người bị trói, đầu bị trùm kín, và nghe tiếng kêu của anh ta – mỗi tiếng kêu là một tích tắc của cuộc sống. Tất cả chúng tôi đều nghĩ: Ồ, giết hắn nhanh lên, làm cho xong đi, dứt cái tiếng dễ sợ đó đi!

Bất chợt ông giám đốc quyết định. Ông ngửng đầu lên, cây gậy của ông vung ra, ông gọi to gần như hung tợn: “Chalo!”.

Có tiếng loảng xoảng, rồi im lặng đáng sợ. Tù nhân đã biến mất, chỉ thấy sợi dây thừng vặn vẹo. Tôi buông con chó, nó phóng ngay tới phía sau giá treo cổ. Nhưng khi tới nơi nó đứng sững lại, sủa, rồi lùi về góc sân đứng giữa đám cỏ dại, sợ hãi nhìn chúng tôi. Chúng tôi đi vòng ra sau giá treo cổ để kiểm tra cơ thể người tù. Anh ta lủng lẳng, ngón chân chỉ thẳng xuống đất, chầm chậm xoay tròn, cứng đơ như hòn đá.

Ông giám đốc đưa cây gậy chọc vào cái xác trần trụi, nó khẽ dao động. Ông giám đốc nói: “ được rồi”. Ông lùi ra khỏi phía dưới giá treo cổ, thở hắt một tiếng. Vẻ cáu kỉnh biến mất tức khắc trên khuôn mặt ông. Ông liếc đồng hồ đeo tay: “Tám giờ tám phút. Ôi dào, chúa ơi, sáng nay thế là xong”.

Đám cai tù tháo lưỡi lê và giải tán. Con chó tỉnh lại và biết nó đã làm bậy, lấm lét theo sau họ. Chúng tôi ra khỏi sân dựng giá treo cổ, đi ngang các xà lim có tù nhân đang đợi, vào cái sân lớn ở giữa nhà tù. Phạm nhân đang nhận phần ăn sáng theo lệnh của các cai tù cầm gậy bịt sắt. Họ ngồi xổm thành hàng dài, mỗi người cầm cái bát bằng thiếc, trong khi hai cai tù khiêng thùng vừa đi vừa múc cơm ra bát. Quang cảnh dường như khá thân mật, vui vẻ, sau vụ treo cổ. Bây giờ chúng tôi cảm thấy hết sức nhẹ nhõm vì đã xong việc. Một cảm giác thôi thúc muốn hát, muốn vùng lên chạy, muốn cười đùa. Mọi người tranh nhau nói huyên thuyên vui vẻ.

Gã lai Á Âu bước bên cạnh tôi, hất hàm tới chỗ chúng tôi vừa ra khỏi, mỉm cười ra vẻ biết chuyện: “Ông có biết là anh bạn của mình (gã ám chỉ người chết) lúc nghe đơn kháng cáo bị bác, hắn đái ra sàn xà lim. Vì sợ… Mời ông hút điếu thuốc. Ông không thấy cái hộp bạc mới tinh của tôi đẹp quá xá chừng a? Mua của thằng bán rong mất hai rúp tám xu đấy. Kiểu Âu châu sang trọng”.

Vài người cười – hình như chẳng ai biết họ cười cái gì.

Francis vừa đi bên cạnh ông giám đốc, vừa nói liến thoắng: “Ồ, thưa ông, mọi chiệng xong xui cực kỳ đúng cách cả. Xong xui hết trọi – tách cái là xong! Hổng phải lầng nào cũng dzậy đâu – ồ, không đâu! Tui biếc nhiều ca ông bác sĩ phải chui xuống dưới giá treo cổ gồi kéo cẳng thằng tù để chắc là nó chết. Khó chịu dễ xợ!”.

Ông giám đốc nói: “Ngọ nguậy hả? Thế thì tệ”.

“Ối, thưa ông, níu tụi nó bướng thììì còn tệ hơn! Tui nhớ một đứa bám chặt cái chấn song xà lim của nó lúc tụi tui tới đem nó ra. Ông khó mà tin phải mất sáu đứa cai tù mới gỡ được nó, mỗi cẳng ba đứa kéo. Tụi tui nói phải trái với nó là “Anh bạn ơi, nghĩ coi anh làm tụi tui khổ sở phiền toái quá chừng à!”. Nhưng nó cứ hổng chịu nghe! Ối dào, nó thiệt làà phiền toái!”.

Tôi thấy mình đang cười rất to. Mọi người đều cười. Thậm chí ông giám đốc cũng khoan hồng nhe răng cười. Ông nói khá vui vẻ: “Các anh ra hết ngoài kia làm một ngụm. Trong xe tôi có chai rượu mạnh. Mình làm nó đi”.

Chúng tôi đi qua cái cổng đôi to lớn của nhà tù, ra đường. Ông quan toà người Miến Điện bỗng thốt lên: “Kéo cẳng nó!” rồi bật cười khúc khích. Chúng tôi lại cười.

Lúc ấy câu chuyện của Francis hình như nực cười một cách phi thường. Chúng tôi, dân bản xứ cũng như người Âu, cùng nhau uống một cách rất thân tình. Người chết cách đó một trăm mét.

--------------

Dịch theo bản tiếng Anh “A Hanging”, in lần đầu tiên trên tạp chí The Adelphi, London, tháng 8/1931.

Bắn voi

Ở Moulmein, phía nam Miến Điện, tôi bị rất nhiều người ghét – đó là lần duy nhất trong đời mà tôi đủ quan trọng để bị ghét. Tôi là sĩ quan cảnh sát của một tiểu khu trong thị trấn, và cảm giác chống người Âu ở đó rất cay đắng một cách mơ hồ và bâng quơ. Không ai có gan đứng lên nổi loạn, nhưng nếu một phụ nữ Âu châu một mình vào chợ thì có thể sẽ có kẻ nhổ nước bã trầu lên váy bà ta. Là sĩ quan cảnh sát, tôi hẳn nhiên là mục tiêu bị họ quấy nhiễu mỗi khi họ thấy chọc phá mà có vẻ vẫn an toàn. Khi một gã người Miến láu cá ngáng cho tôi ngã trên sân bóng đá và trọng tài (một anh Miến khác) ngó qua hướng khác thì đám đông sẽ rú lên cười rất khó chịu. Điều này xảy ra nhiều lần. Rốt cuộc tôi gặp khắp nơi các khuôn mặt da vàng châm chọc của bọn thanh niên, lời chửi bới hét sau lưng khi tôi đã cách xa một quãng an toàn, làm tôi rất bực mình. Bọn chú tiểu là tệ nhất. Trong thị trấn có mấy ngàn đứa, và hình như chẳng đứa nào có việc gì làm ngoài chuyện đứng ở góc đường để chế giễu người Âu.

Tất cả những điều này thật rắc rối và bực mình. Vì lúc ấy tôi đã khẳng định rằng chủ nghĩa đế quốc là tồi tệ, và tôi nên bỏ việc và cuốn gói càng sớm càng tốt. Về mặt lý thuyết – tất nhiên là thầm kín – tôi hoàn toàn ủng hộ người Miến và hoàn toàn chống lại kẻ áp bức họ là người Anh. Tôi ghét cay ghét đắng không thể kể xiết công việc mình đang làm. Việc của tôi cho tôi thấy thật gần điều đê tiện của đế quốc. Bọn tù khốn khổ chen chúc trong các xà lim hôi hám của trại giam, khuôn mặt tái xám sợ hãi của những kẻ bị án tù lâu, những cái mông đầy vết sẹo bị quất bằng thanh tre – tất cả tạo nên một cảm giác tội lỗi đè nặng lên tôi không thể chịu nỗi. Nhưng tôi chẳng làm gì được trong hoàn cảnh này. Tôi còn trẻ, ít học, và tôi phải suy nghĩ giải quyết vấn đề của mình trong im lặng hoàn toàn như mọi người Anh sống ở phương Đông phải chịu. Thậm chí tôi không biết là Đế quốc Anh đang hấp hối, tôi lại càng không biết rằng nó còn khá hơn nhiều so với các đế quốc trẻ hơn đang định chiếm chỗ nó. Tôi chỉ biết mình bị kẹt giữa lòng căm ghét của tôi đối với cái đế quốc tôi phục vụ và sự bực tức của tôi đối với bọn oắt con xấu tính đang định làm cho tôi không thể chu toàn công việc của mình. Trong đầu tôi, một mặt tôi nghĩ chính quyền Anh ở Ấn như một chế độ bạo ngược không thể đánh đổ, như một thứ kìm kẹp, in saecula saeculorum, lên ý chí của bọn thần dân quy phục. Mặt khác tôi nghĩ rằng niềm vui lớn nhất trên thế giới là đâm lưỡi lê vào bụng một ông sư. Những cảm nghĩ ấy là phó phẩm tất nhiên của chủ nghĩa đế quốc; nếu không tin bạn cứ hỏi bất cứ viên chức Anh-Ấn nào ngoài giờ làm việc.

Một hôm, xảy ra một sự kiện làm tôi thoát khỏi u mê bằng con đường vòng vèo. Bản thân nó chỉ là một biến cố nhỏ, nhưng nó cho tôi thoáng thấy rõ hơn bản chất thật sự của chủ nghĩa đế quốc – động cơ thật sự của nhà nước chuyên chế.

Một hôm, sáng sớm ông phó thanh tra đồn cảnh sát ở bên kia thị trấn gọi điện thoại cho tôi, nói rằng một con voi đang phá chợ. Ông nhờ tôi đến giải quyết. Tôi không biết mình có thể làm gì, nhưng tôi muốn xem chuyện gì xảy ra vì thế tôi cưỡi ngựa đi. Tôi mang theo khẩu súng trường Winchester 10,8 ly, cũ và quá nhỏ để giết voi, nhưng tôi nghĩ tiếng súng có thể làm nó sợ. Trên đường đi nhiều người Miến chặn tôi lại và kể những điều con voi đã làm. Rõ ràng đó không phải là voi hoang, mà là con voi đực đã thuần “lên cơn dữ”. Nó bị xích như phải xích mọi con voi đã thuần lúc “lên cơn”, nhưng tối hôm trước nó bứt xích thoát ra. Anh quản tượng là người duy nhất có thể đối phó với nó trong tình trạng đó, anh đuổi theo nhưng đi sai hướng và bây giờ đã hơn mười hai tiếng. Sáng nay con voi bỗng lại xuất hiện trong thị trấn. Dân Miến không có vũ khí và hoàn toàn bất lực. Voi đã phá cái chòi tre của người ta, giết một con bò, tấn công sạp trái cây và ăn ngấu nghiến rau trái. Nó cũng gặp chiếc xe rác thành phố, và khi anh lái xe nhảy ra bỏ chạy, nó lật ngược chiếc xe rồi đập phá dữ tợn.

Ông phó thanh tra gốc Miến và một số cảnh sát Ấn đang đợi tôi ở khu phố gặp con voi. Khu đó rất nghèo, chòi tre bẩn thỉu chằng chéo, mái lợp lá dừa, quanh co lên triền đồi dốc. Tôi nhớ sáng hôm ấy nhiều mây, ngột ngạt lúc bắt đầu mưa. Chúng tôi khởi sự hỏi dân con voi đã đi qua chỗ nào, và như thông lệ chẳng có được thông tin gì chắc chắn. Ở phương Đông cứ như thế; chuyện nghe từ xa luôn luôn có vẻ rõ ràng, nhưng càng tới gần nơi xảy ra sự việc thì càng trở nên mơ hồ. Một số người nói con voi đi hướng này, kẻ khác nói nó đi hướng kia, một số còn cam đoan là thậm chí chẳng nghe voi viếc gì. Lúc tôi sắp cho rằng toàn bộ sự việc là nói phét thì chúng tôi nghe tiếng la hét cách đó không xa. Tiếng hét lớn, chướng tai: “Xéo đi, đồ ranh con! Xéo đi lập tức!”, rồi một bà cụ cầm roi xuất hiện ở góc một căn chòi, dữ tợn xua đuổi đám trẻ con trần truồng. Phía sau có mấy bà khác, tặc lưỡi và la hét. Hẳn nhiên có điều gì bọn trẻ không nên xem.

Tôi đi vòng qua căn chòi, thấy xác một ông nằm sóng soài trong bùn. Ông ta người Ấn, một anh cu li gốc Dravidian, hầu như trần truồng, có thể mới chết không lâu. Người ta nói con voi bất chợt vòng qua góc chòi rồi tấn công ông, dùng vòi đánh ông, lấy chân dẫm lên lưng ông và dí ông xuống đất. Bây giờ đang mùa mưa, đất mềm, mặt ông vạch một rãnh sâu ba tấc, dài hai mét. Ông nằm sấp, hai cánh tay dang ra, đầu vẹo ngược qua một bên. Mặt ông lấm bùn, hai mắt mở to, hàm răng nhe ra nhăn nhở với vẻ đau đớn khôn xiết. (Nhân đây, đừng bao giờ bảo với tôi rằng người chết có vẻ an lành. Hầu hết các xác chết mà tôi đã gặp đều có vẻ độc ác). Bàn chân con thú khổng lồ đã cọ xát và lột da lưng ông gọn gàng như người ta lột da thỏ.

Ngay khi thấy xác chết, tôi lập tức bảo một anh lính tới nhà người bạn gần đó để mượn khẩu súng bắn voi. Tôi đã cho con ngựa quay về, không muốn nó điên dại vì sợ rồi hất tôi ngã khi nó ngửi thấy mùi voi.

Vài phút sau anh lính trở lại với khẩu súng trường và năm viên đạn, trong khi đó một số người Miến đến báo với chúng tôi rằng con voi đang ở ruộng lúa bên dưới, chỉ cách vài trăm mét. Khi tôi tiến tới, gần như toàn thể dân khu vực lũ lượt ra khỏi nhà và đi theo tôi. Họ đã thấy khẩu súng, và mọi người hào hứng reo lên rằng tôi sắp bắn con voi. Khi voi phá nhà của họ thì họ chẳng buồn để ý, nhưng bây giờ thì khác, nó sắp bị bắn. Bắn voi là chuyện vui đối với họ, cũng như đối với đám dân Anh. Ngoài ra, họ muốn lấy thịt. Điều này khiến tôi cảm thấy bứt rứt một cách mơ hồ. Tôi không có ý định bắn con voi – tôi chỉ nhắn đi lấy khẩu súng để tự vệ nếu cần – và khi có đám đông đi theo thì ta luôn có cảm giác bồn chồn. Tôi đi xuống đồi, cảm thấy dáng vẻ như thằng hề, súng vác vai, và đoàn quân chen lấn theo sát gót càng lúc càng đông. Tới chân đồi, xa khỏi các căn chòi, nơi ấy có con đường lót vỉ sắt, bên kia đường là hàng ngàn mét ruộng lúa lầy lội bỏ hoang, chưa cày nhưng sũng nước của trận mưa đầu mùa và lốm đốm cỏ thô. Con voi đứng cách đường tám chục mét, sườn bên trái của nó đưa về phía chúng tôi. Nó hoàn toàn không để ý tới đám đông đang tới gần. Nó đang nhổ các bụi cỏ, đập vào đầu gối cho sạch rồi nhét vào miệng.

Tôi dừng lại trên đường. Khi thấy con voi, tôi biết chắc rằng mình không nên bắn nó. Bắn một con voi đã thuần để làm việc là một điều nghiêm trọng – tương tự như phá hủy một bộ máy khổng lồ đắt giá – và dĩ nhiên không nên bắn nếu có thể tránh được. Và ở quãng cách đó, con voi đang ăn một cách an bình có vẻ hiền lành như con bò. Khi ấy tôi nghĩ và bây giờ tôi cũng nghĩ rằng nó đã qua “cơn dữ”, vì thế nó chỉ lang thang vô hại cho đến khi anh quản tượng trở về bắt nó. Hơn nữa, tôi chẳng muốn bắn nó chút nào. Tôi quyết định sẽ quan sát nó một lát để chắc rằng nó không hung dữ trở lại, rồi tôi về.

Nhưng khi ấy tôi liếc quanh đám đông đi theo mình. Một đám rất đông, ít nhất là hai ngàn người và mỗi lúc mỗi nhiều thêm. Họ chắn cả hai đầu đường một quãng rất dài. Tôi nhìn cái đám mặt da vàng nhô trên áo quần sặc sỡ – mọi khuôn mặt đều vui mừng và hào hứng vì trò vui này, tất cả chắc chắn con voi sẽ bị bắn. Họ nhìn tôi như nhìn một gã phù thủy sắp biểu diễn xảo thuật. Họ chẳng ưa tôi, nhưng với khẩu súng thần kỳ trong tay thì tôi cũng đáng để coi trong chốc lát. Và tôi chợt nhận ra rằng rốt cuộc tôi sẽ phải bắn con voi. Người ta trông đợi tôi bắn và tôi phải bắn. Tôi có thể cảm thấy hai ngàn ước muốn của họ ép tôi tiến tới, khôn cưỡng. Và trong khoảnh khắc này, lúc tôi đứng đó với khẩu súng trong tay, lần đầu tiên tôi hiểu sự rỗng tuếch, sự phù du của thế lực da trắng cai trị phương Đông. Tôi, một gã da trắng cầm súng, đứng trước đám dân bản xứ không vũ khí – dường như tôi là vai chính của vở tuồng; nhưng trên thực tế tôi chỉ là con rối nực cười bị ý muốn của các khuôn mặt da vàng phía sau xô đẩy lôi kéo. Trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu rằng khi gã da trắng trở nên bạo ngược thì hắn sẽ hủy hoại tự do của chính hắn. Hắn trở nên một thứ hình nộm rỗng tuếch, điệu bộ, một hình ảnh sahib quen thuộc. Vì là kẻ cai trị nên cả đời hắn phải cố gắng gây ấn tượng với “dân bản xứ”, vì thế ở mỗi biến cố căng thẳng hắn phải làm những gì “dân bản xứ” trông đợi ở hắn. Hắn đeo mặt nạ, và mặt hắn phải phồng ra để vừa vặn với nó. Tôi phải bắn con voi. Tôi đã cam kết sẽ bắn khi sai lính đi lấy khẩu súng. Một sahib phải cư xử như một sahib; hắn phải ra vẻ cương quyết, phải biết hắn nghĩ gì và phải làm những việc nhất định. Đi hết đoạn đường này, với khẩu súng trong tay, với hai ngàn người bám sát gót, rồi nhu nhược rút lui, không làm gì – không, không thể như thế. Đám đông sẽ cười tôi. Và cả đời tôi, đời của mỗi gã da trắng ở phương Đông, là một cuộc đấu tranh dai dẳng để không bị chê cười.

Nhưng tôi không muốn bắn con voi. Tôi nhìn nó đập bụi cỏ lên đầu gối với vẻ chăm chú như bà ngoại mà loài voi thường có. Bắn nó đối với tôi dường như là sát nhân. Ở tuổi đó tôi không câu nệ việc giết thú vật, nhưng tôi chưa bao giờ bắn một con voi và chưa bao giờ muốn. (Không hiểu sao hình như giết một con thú lớn luôn luôn trầm trọng hơn). Vả lại, con thú này còn có chủ nó. Con voi sống đáng giá ít nhất một trăm bảng Anh; nếu chết, giá trị nó chỉ là bộ ngà, có thể năm chục bảng. Nhưng tôi phải hành động nhanh. Tôi quay sang mấy ông người Miến có vẻ từng trải đã có mặt ở đó khi chúng tôi tới, và hỏi họ về thái độ của con voi ra sao. Họ đều nói giống nhau: Nó chẳng chú ý tới ai nếu để nó yên, nhưng nó có thể tấn công nếu anh đến quá gần nó.

Đối với tôi đã hoàn toàn rõ là tôi phải làm gì. Tôi nên tiến tới cách nó độ hai lăm mét để thử phản ứng của nó. Nếu nó tấn công thì tôi bắn. Nếu nó không chú ý tới tôi, thì cứ an tâm để yên nó cho đến khi anh quản tượng về. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi sẽ không làm như thế. Tôi bắn súng trường không giỏi, và đất bùn nhão làm lún mỗi bước chân. Nếu con voi tấn công và tôi bắn hụt, thì rất có khả năng tôi sẽ chẳng khác gì con ếch dưới bánh xe lăn đường. Nhưng lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì đến mạng mình, mà chỉ nghĩ tới những bộ mặt da vàng chăm chú phía sau. Vì lúc ấy đám đông đang nhìn tôi, nên tôi không có cảm giác sợ bình thường, như lẽ ra tôi sẽ phải sợ nếu tôi chỉ có một mình. Một gã da trắng không được sợ hãi trước mặt “dân bản xứ”, vì thế nói chung hắn không sợ. Ý nghĩ duy nhất trong đầu tôi là nếu sự việc trở nên tồi tệ thì hai ngàn dân Miến này sẽ thấy tôi bị đuổi theo, bị bắt kịp, bị dẫm lên dẹp lép thành cái xác nhăn nhở như ông Ấn Độ trên đồi. Và nếu điều ấy xảy ra thì rất có thể một số kẻ trong bọn họ sẽ cười. Như thế không được.

Chỉ còn một cách duy nhất. Tôi nhét đạn vào băng đạn và nằm xuống đường để nhắm bắn tốt hơn. Đám đông trở nên rất im lặng, và một tiếng thở sâu, nhẹ, vui mừng thoát ra khỏi vô số cuống họng, như thể khán giả rốt cuộc thấy màn sân khấu kéo lên. Rốt cuộc họ sẽ được xem trò vui. Khẩu súng Đức xinh đẹp có ô nhắm chữ thập. Khi ấy tôi không biết khi bắn voi thì nên bắn từ lỗ tai này qua lỗ tai kia. Con voi đang đưa ngang sườn về phía tôi, vì thế tôi nên nhắm thẳng vào lỗ tai nó, nhưng tôi đã nhắm nhích ra phía trước vài phân, nghĩ rằng bộ óc nằm quá ra đằng trước.

Khi tôi bóp cò, tôi không nghe tiếng nổ và không cảm thấy súng giật – ta không bao giờ cảm thấy khi đạn trúng đích – nhưng tôi nghe tiếng hò reo vui mừng độc ác từ đám đông vang lên. Trong khoảnh khắc ấy, trong tích tắc ngắn ngủi ấy, chỉ đủ để viên đạn bay tới đích, ta có thể nghĩ rằng con voi đã trải qua một biến đổi bí ẩn và khủng khiếp. Nó không cựa quậy, không ngã xuống, nhưng mọi đường nét trên cơ thể nó đã biến đổi. Nó bỗng có vẻ bị đánh mạnh, bị teo lại, già đi vô cùng, như thể sức va chạm kinh khủng của viên đạn đã làm nó tê liệt mà không quật ngã nó. Cuối cùng, dường như rất lâu sau – tôi dám nói có thể là năm giây sau – đầu gối nó bủn rủn khuỵu xuống. Miệng nó nhỏ nước. Dường như nó già đi vô chừng. Ta có thể tưởng nó hàng ngàn tuổi. Tôi lại bắn đúng chỗ cũ. Trúng phát đạn thứ hai nó không ngã xuống, mà lại chầm chậm tuyệt vọng gượng dậy, run rẩy đứng thẳng lên, bốn chân bủn rủn và cái đầu cúi gục. Tôi bắn lần thứ ba. Viên đạn ấy dứt điểm. Ta có thể thấy đau đớn làm cả thân mình nó giật lên, đánh gục sức lực còn lại trên bốn chân nó. Nhưng khi ngã xuống nó có vẻ gượng lại trong tích tắc, vì khi hai chân sau khuỵu xuống thì hình như nó lại sừng sững vươn lên như tảng đá khổng lồ đang lật nhào, vòi nó giơ lên trời như thân cây. Nó rống lên, lần đầu tiên và là lần duy nhất. Rồi nó ngã xuống, bụng nó đưa về phía tôi, một tiếng sầm như rung chuyển mặt đất tới tận chỗ tôi đang nằm.

Tôi đứng lên. Đám dân Miến đã chạy băng qua bùn, vượt qua tôi. Rõ ràng con voi sẽ không bao giờ đứng lên được nữa, nhưng nó chưa chết. Nó thở rất nhịp nhàng từng tiếng hổn hển dài hừng hực, sườn to ụ của nó phập phồng đau đớn. Miệng nó mở to – tôi có thể thấy sâu trong cổ họng màu hồng nhạt. Tôi chờ một hồi lâu cho nó chết, nhưng hơi thở của nó không yếu đi. Cuối cùng tôi bắn hai phát đạn còn lại vào chỗ tôi nghĩ phải là tim của nó. Máu đặc sệt trong thân nó tuôn ra như tấm vải nhung đỏ, nhưng nó vẫn không chết. Cơ thể nó thậm chí không giật khi bị đạn bắn, hơi thở đau đớn tiếp tục không ngừng. Nó hấp hối, rất chậm và đau đớn cùng cực, nhưng nó đang ở trong một cõi nào đó cách xa tôi, nơi thậm chí không một viên đạn nào có thể làm hại nó thêm nữa. Tôi cảm thấy mình phải chấm dứt tiếng động khủng khiếp này. Dường như thật khủng khiếp khi thấy con thú khổng lồ nằm đó, không còn sức để cử động nhưng cũng không còn sức để chết, và thậm chí không thể kết thúc nó. Tôi cho người về lấy khẩu súng trường nhỏ của tôi, rồi bắn đạn hết viên này tới viên khác vào tim và cuống họng nó. Dường như đạn không tác dụng. Tiếng hổn hển đau đớn tiếp tục đều đều như tiếng tích tắc đồng hồ.

Cuối cùng, không chịu được lâu hơn nữa tôi bèn bỏ đi. Về sau tôi nghe nói phải nửa giờ sau nó mới chết. Đám người Miến mang dao phay và rổ rá tới thậm chí trước khi tôi bỏ đi, và người ta bảo tôi rằng chiều hôm ấy họ đã lóc thịt nó đến tận xương.

Tất nhiên sau đó có những cuộc tranh cãi vô tận về việc bắn con voi. Người chủ voi tức giận, nhưng ông ta chỉ là người Ấn và chẳng làm gì được. Vả lại, về mặt pháp lý tôi đã làm đúng, vì phải giết một con voi điên, như giết con chó điên, nếu chủ nó không kiểm soát được nó. Đám người Âu có nhiều ý đối nghịch. Cánh già nói tôi đúng, cánh trẻ nói bắn con voi chỉ vì nó giết một đứa cu li là điều hết sức xấu hổ, vì con voi đáng giá hơn bất cứ thằng khốn cu li gốc Coringhee chết tiệt nào. Và về sau tôi rất mừng là đứa cu li đã bị voi giết, vì như thế tôi đúng về mặt pháp lý và nó cho tôi đủ lý do để bắn con voi.

Tôi thường tự hỏi, liệu có ai nhận ra được rằng tôi đã bắn con voi chỉ để khỏi bị coi là thằng ngốc.

----------------------------

Dịch theo bản tiếng Anh “Shooting An Elephant”, in lần đầu tiên trên tạp chí văn học New Writing cuối năm 1936.