Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Hành trình cuối đông (kỳ 1)

Tiêu Dao Bảo Cự

(Tái bản trong Tủ sách talawas 2007)

Mục lục

  • Hai mươi năm sau một chuyến “Hành trình cuối đông” xuyên Việt (Thay lời tựa cho lần tái bản trong Tủ sách talawas)
  • Lời nhà xuất bản
  • Phần I: Bút ký Hành trình cuối đông
  • Phụ lục A: Thơ Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Tấn, Tiêu Dao Bảo Cự
  • Phần II: “Vụ án Langbian”
  • Phụ lục B: Một số tư liệu liên quan đến “Vụ án Langbian”
  • Về Bùi Minh Quốc
  • Về Tiêu Dao Bảo Cự
  • Phụ lục C: Một số tác phẩm trích từ 3 số tạp chí Langbian
  • Phụ lục D: Một số hình ảnh.

Hai mươi năm sau một chuyến “Hành trình cuối đông” xuyên Việt

(Thay lời tựa cho lần tái bản trong Tủ sách talawas)

Thế mà đã hai mươi năm kể từ ngày ấy. Thời gian đối với con người rất dài mà cũng nhanh như một chớp mắt. Nhân dịp Tủ sách talawas có nhã ý muốn tái bản trên mạng cuốn bút ký Hành trình cuối đông của tôi (nhà xuất bản Văn nghệ, Hoa Kỳ, 1997), tôi muốn nhìn nhận lại đôi điều về chặng đường đã qua. (Cuốn sách này đã được một số trang web đưa lên mạng nhưng không đầy đủ, chỉ có phần bút ký chính và phụ lục thơ, thiếu hẳn hơn 200 trang tư liệu mà qua đó người đọc có thể hiểu rõ hơn về chuyến đi này và vấn đề được gọi là “Vụ án Langbian”. Ngoài ra lần tái bản này còn được bổ sung một số hình ảnh và tư liệu khác). Nhân đây, trước hết, tôi xin được ngỏ lời cám ơn talawas đã làm một việc rất có ý nghĩa và hữu ích, không phải chỉ cho riêng tôi mà còn cho nhiều người khi nhìn lại một sự kiện có thể ít nhiều có tính chất lịch sử.

Đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng Bùi Minh Quốc và tôi, hai nhân vật chính trong cuộc hành trình, mà còn liên quan đến rất nhiều người và tổ chức, đặc biệt là các hội văn nghệ và trí thức, văn nghệ sĩ 7 tỉnh miền Trung, phản ánh một thời kỳ khá đặc biệt, trong đó người trí thức, văn nghệ sĩ đã dám nói lên tiếng nói phản kháng của mình.

Năm 1987, Hội Văn nghệ Lâm Đồng được thành lập và xuất bản tạp chí Langbian, cơ quan ngôn luận của Hội do anh Bùi Minh Quốc làm tổng biên tập và tôi là phó tổng biên tập. Chỉ sau 3 số, Langbian bị rút giấy phép vì tính chất cấp tiến của nó. Theo đề xuất của chúng tôi, ban chấp hành Hội và ban biên tập tạp chí đã nhất trí thành lập một đoàn do anh Bùi Minh Quốc và tôi đại diện đi vận động và đấu tranh để đòi quyền tiếp tục xuất bản tạp chí. Chuyến đi có khách là nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Chuyến đi này xuất phát từ Đà Lạt, xuống Sài Gòn, qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ra Hà Nội kéo dài trong một tháng 14 ngày (từ 4-11-1988 đến 17-12-1988), đã trở thành một chuyến đi đòi tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản, mở rộng ra đòi đổi mới và dân chủ thực sự. Chuyến đi gây nên nhiều sóng gió và hệ luỵ, ngay sau đó đã bị Trần Trọng Tân, lúc đó là trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương quy kết trên báo Nhân dân ngày 25-12-1988 là “nhóm người trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng lợi dụng công khai, dân chủ và hoạt động bè phái”.

Bối cảnh lớn trong thời điểm này là Liên Xô đang tiến hành “glasnost và perestroika”, Việt Nam vừa có Đại hội VI của Đảng Cộng sản mở đầu thời kỳ đổi mới. Trong nước, vài sự kiện quan trọng từ trước chưa từng có diễn ra như nông dân 6 tỉnh Nam bộ biểu tình đòi ruộng đất, Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ ở Sài Gòn được thành lập, trong hoạt động công khai phê phán sự lãnh đạo của Đảng và đòi kiểm điểm cả Bộ Chính trị về việc thực hiện đường lối và sách lược. Trên lãnh vực văn nghệ và báo chí có nhiều khởi sắc sau khi được tuyên bố “cởi trói”, thể hiện rõ nhất là tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Sông Hương của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, kể cả báo Sài Gòn Giải phóng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như một số báo, tạp chí, bao gồm cả báo Đảng, của các địa phương khác như Nha Trang, Cửu Long, Lâm Đồng… Trên lãnh vực tư tưởng, ngoài sự đấu tranh chung trong nội bộ Đảng về đường lối đổi mới, đặc biệt có sự phổ biến không chính thức một số luận điểm theo chiều hướng cải tổ của Liên Xô của Trần Xuân Bách, uỷ viên Bộ Chính trị và sự ra đời của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ, một nghị quyết hay nhất và cấp tiến nhất của Đảng Cộng sản từ trước đến nay trên lãnh vực này mà người đứng đằng sau là Trần Độ, trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương và các cộng sự của ông.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã chính thức nói đến sự “động dao chủ nghĩa xã hội” và xu hướng bảo thủ trong Đảng đã thắng thế khi cánh cửa đổi mới vừa hé ra đã khép lại, sợ “gió độc” tràn vào. Văn nghệ sĩ mới được cởi trói chưa được bao lâu, có người còn lóng ngóng như “gà công nghiệp vừa ra khỏi chuồng” chưa biết làm gì, đã bị trói lại. Tuy thế, với thời gian ngắn ngủi đó, trong văn học cũng đã xuất hiện một số tác giả vừa có tài năng vừa có tư tưởng cấp tiến như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Phùng Gia Lộc, Huỳnh Hữu Các… mà tác phẩm của họ đã gây tiếng vang lớn trong công chúng.

Đảng khẳng định đổi mới kinh tế chứ không đổi mới chính trị, “đổi mới chứ không đổi màu”. Đặc biệt trên lãnh vực tư tưởng, thể hiện trong hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật, cảm thấy sự nguy hiểm có thể diễn ra rất nghiêm trọng, Đảng đã mạnh tay siết lại sự kiểm soát của mình. Hàng loạt tổng biên tập báo bị cách chức hay thay thế và vụ gây tiếng vang lớn nhất trong công luận là vụ “cách chức trá hình” nhà văn Nguyên Ngọc, tổng biên tập tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước tình hình đó, thay vì chùn bước, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình. Hình thức cuộc đấu tranh là sử dụng báo chí và trực tiếp vận động thông qua những kiến nghị, tuyên bố mang tính cá nhân, tập thể hay tổ chức khi đi qua nhiều địa phương để đòi những quyền thiết yếu cho văn nghệ sĩ và mở rộng ra là đòi đổi mới và dân chủ thực sự, riêng trong chuyến đi nói trên, được coi là một “cuộc biểu tình chạy” từ Nam ra Bắc, một sự kiện chưa từng có trước đây.

Phương pháp chúng tôi sử dụng là phương pháp công khai vì chúng tôi cho rằng công khai là thế mạnh của mình trong khi đó lại là “chỗ yếu chí tử” của các thế lực bảo thủ. Mọi văn bản và hoạt động chúng tôi đều thông báo rộng rãi đến nhiều đối tượng, nhiều cơ quan của Đảng và nhà nước, không phải chỉ của Trung ương mà còn khắp cả các địa phương trong cả nước. Khi không còn tờ báo trong tay và không cậy đăng được ở các báo khác, chúng tôi cho đánh máy stencil và quay ronéo hoặc photocopy nhiều trăm bản để gởi đi. Một số bạn bè gọi đùa chúng tôi thuộc “trường phái ronéo”. (Lúc đó chưa có máy vi tính và Internet như sau này).

Trong thời gian đó, thẳng thắn mà nói, chúng tôi đấu tranh với tư cách là đảng viên cộng sản, để thực hiện nghị quyết mà chúng tôi cho là đúng đắn của Đảng vì lúc đó nghị quyết đúng nhưng người ta không thực hiện hoặc nói một đằng làm một nẻo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ghi: “Đảng lãnh đạo và tôn trọng tính độc lập về tổ chức của các đoàn thể”. Trong công tác vận động quần chúng, ông Lê Quang Đạo phát biểu: “Khi Đảng nắm chính quyền thì Đảng có hai nguy cơ lớn là đường lối sai và bệnh quan liêu, xa rời quần chúng… Sau khi có chính quyền, dẫu đường lối có sai nhưng vẫn có khả năng bắt dân phải nghe, Đảng bị quan liêu hoá nhưng vẫn bắt dân tuân theo mình, vì trong tay có quyền lực.” (Phát biểu tại cuộc họp của báo Đại Đoàn kết ngày 8-12-1989 để góp ý về công tác dân vận của Đảng).

Ấy thế nhưng Đảng vẫn thực hiện phương châm lãnh đạo “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” bằng cách thò tay cụ thể vào tất cả mọi nơi để nắm tất cả, kiểm soát tất cả. Ngay trong việc thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng, trước yêu cầu bức thiết của văn nghệ sĩ địa phương sau 12 năm kể từ ngày thống nhất, đầu tiên là phải hình thành một chi bộ để lãnh đạo trước khi cho nó ra đời. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sau khi thăm dò đã cho người đi trao đổi và mời Bùi Minh Quốc từ Đà Nẵng vào, điều động tôi từ Bảo Lộc lên và cử một phó Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ qua, có đủ 3 người để thành lập chi bộ, chỉ định ông phó ban này làm bí thư chi bộ và sau đó cơ cấu vào phó chủ tịch Hội Văn nghệ. Chặt chẽ như thế nhưng tiếc thay, sau này có đến 2/3 đảng viên “vi phạm kỷ luật Đảng”, chi bộ không thể khai trừ được mà phải đưa lên Đảng bộ cấp trên thực hiện. Muốn thế Đảng phải ra một chỉ thị mới về việc này vì trước đây không có tiền lệ và quy định như thế. Bùi Minh Quốc vẫn hay nói vui là chúng tôi tự hào vì đã giúp Đảng sáng tạo ra những chỉ thị nghị quyết mới. (Cũng như sau này Nghị định 31/CP về quản chế hành chính “tù tại gia” ra đời là cũng để đối phó với những trường hợp như chúng tôi vì hai chúng tôi là hai đối tượng đầu tiên được áp dụng nghị định này).

Sau vụ Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ bị dẹp tan, những người chủ chốt như Nguyễn Hộ, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu… bị tù và quản chế, Đảng chỉ đạo thành lập Hội Cựu Chiến binh vì đây là một lực lượng đông đảo và có thành tích trong quá khứ, không tổ chức và lãnh đạo sẽ rất nguy hiểm nếu họ trở nên bất mãn. Thế là Hội Cựu Chiến binh được hình thành, có cơ cấu tổ chức, trụ sở, kinh phí, biên chế từ trung ương đến địa phương, tương tự như các đoàn thể công nông thanh phụ. Trong sự phát triển mới, nhiều tổ chức khác cần ra đời để đáp ứng yêu cầu của xã hội như hội đồng hương, hội ái hữu các trường học, hội võ thuật, hội chim cây cá cảnh cho đến câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ doanh nghiệp… Những tổ chức của xã hội dân sự này đáng lẽ để tự hình thành và vận hành, Đảng cũng thò tay vào kiểm soát tất cả. Bất cứ hội đoàn, câu lạc bộ nào, người chủ chốt hay cố vấn cũng phải là người tin cậy của Đảng, một ông sĩ quan, cán bộ về hưu hay một người có dây mơ rễ má nào đó với Đảng. Nghĩa là Đảng không tin nhân dân, sợ rằng nhân dân sẽ phản mình. Đảng đã nắm quân đội, công an, nhà nước, quốc hội, các đoàn thể lực lượng chủ chốt của “cách mạng” nhưng Đảng vẫn chưa yên tâm. Đảng đã không tin dân thì dân làm thế nào tin Đảng?

Thời điểm này, chúng tôi tự cho mình là những người cộng sản chân chính và Đảng Cộng sản mà chúng tôi tham gia là một đảng đã không tiếc máu xương, chịu đựng bao tra tấn, tù đày để đấu tranh cho độc lập dân tộc và công bằng xã hội. Sự suy thoái của Đảng, trong Đảng là do những kẻ xấu xa, cơ hội đang khuynh loát Đảng trong giai đoạn Đảng cầm quyền. Vì thế vào thời điểm này, Bùi Minh Quốc viết:

Con xin nói

với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản

Mẹ chẳng phải đảng viên

Nhưng mẹ có tấm-thẻ-đỏ-trái-tim ròng ròng máu ứa

Chính mẹ chứ không ai – mẹ phải nắm quyền

Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen.

(“Những ngày thường đã cháy lên”, 1988)

Tuy nhiên, sự cách biệt giữa nghị quyết và thực tế, giữa nói và làm, cách xử lý đối với những hành động của chúng tôi đã đẩy chúng tôi xa Đảng, dần dần đi vào thế đối lập với Đảng. Một cách nhìn nhận khác là chúng tôi thấy Đảng Cộng sản này không còn là “đảng của mình” nữa khi nó đi ngược lại những lý tưởng mình đã chọn khi vào Đảng. Trước đây Đảng hay dùng cách nói “Đảng ta”, làm cho nó phổ biến trong toàn xã hội, để khắc sâu thành ý thức rằng đảng này chính là đảng của toàn dân tộc. Dù không phải là đảng viên, hầu như mọi người đều nói “Đảng ta” khi nhắc đến Đảng. (Đây là nói về tình hình miền Bắc trước đây. Tương tự như cách nói “Nhờ ơn Đảng, ơn chính phủ”, “Nhờ ơn Bác và Đảng”). Sự nhồi sọ tinh vi này đến bây giờ không còn hiệu lực nữa. Đã đến lúc người ta nhận ra rằng quyền lực không nên thuộc về Đảng nữa mà quyền lực phải thuộc về nhân dân vì trong Đảng có quá nhiều kẻ xấu xa đang chà đạp lên nhân dân. Bùi Minh Quốc nói “Mẹ phải nắm quyền”, chính là đòi hỏi nhân dân phải giành lấy quyền làm chủ để “hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen”. Sự đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng.

Công bằng mà nói, trong thời gian có “động dao chủ nghĩa xã hội” này, Đảng đã đối xử với chúng tôi không tệ lắm so với sau này. Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng với Tỉnh uỷ Lâm Đồng kéo dài nửa năm, hết sức gay gắt dù đây là một cuộc đấu hoàn toàn không cân sức. Trong những cuộc thảo luận hay kiểm điểm ở Hội Văn nghệ, ở Ban Kiểm tra Đảng hay với Thường trực Tỉnh uỷ, chúng tôi tranh luận không khoan nhượng. Trong một cuộc họp ở Hội, khi phó bí thư Tỉnh uỷ đến phát biểu chỉ đạo xong rồi ra về, không ở lại nghe anh em nói, một hội viên đã đứng lên chặn ngang đường không cho ông ta về và ông đành phải ngồi lại.

Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Chính trị đã có chỉ thị mật gởi tất cả các tỉnh, thành uỷ; các ban tuyên huấn, ban tổ chức, ban kiểm tra Đảng, Bộ Văn hoá Thông tin đều cử người về Lâm Đồng và một số tỉnh để điều tra nhưng công an chỉ làm việc một cách âm thầm, không lộ diện và trực tiếp đối phó như sau này. Việc trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương quy chụp chúng tôi trên báo Nhân dân là một hình thức rất nặng nề vào lúc đó nhưng chẳng thấm gì so với những cái gọi là bài báo “vạch rõ bộ mặt thật” của chính chúng tôi và những người bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ khác trên báo Nhân dân và nhất là trên các báo công an sau này.

Điều đáng trân trọng là thái độ ủng hộ chúng tôi của một số anh em trí thức, văn nghệ sĩ. Họ ủng hộ nghĩa là họ tán thành quan điểm như chúng tôi đề xuất và đã không ngại nói lên tiếng nói của mình. Đó là những tiếng nói đầy hào khí. Đà Lạt có Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hữu Cầu, Đặng Việt Nga, Nguyễn Diệp, Nguyễn Đức Thạc, Nguyễn Quang Nhàn, Nguyễn Hồng Giáp, Phan Hồng Phương…, Nha Trang có Thế Vũ, Cao Duy Thảo, Đào Xuân Quý, Lê Ký Thương, Trần Chấn Uy, Giang Nam…, Đắc Lắc có Văn Thanh, Nguyễn Mạnh Tấn…, Gia Lai-Kontum có Nguyễn Đỗ…, Nghĩa Bình có Thanh Thảo, Trần Hinh, Nguyễn San, Nguyễn Trung Hiếu…, Đà Nẵng có Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Hoàng Thanh, Phạm Hồng, Hoàng Sơn…, Thừa Thiên-Huế có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Thức, Hoàng Dũng, Ngô Minh, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Vũ Thuật, Võ Quê, Hồng Nhu…, Nam bộ có Nguyễn Bá, Hà Văn Thuỳ…, Hà Nội có Nguyễn Thuỵ Kha… Sau khi chúng tôi bị đàn áp, Bùi Minh Quốc và tôi bị cách chức, khai trừ Đảng, chỉ một hai trường hợp hãn hữu, có người quay lại tố cáo chúng tôi, một vài người xoay chiều hay đổi hướng hoặc không còn tiếp tục cuộc đấu tranh nhưng phần lớn đều bày tỏ cảm tình và giữ mối quan hệ tốt với chúng tôi, không có hiện tượng tố giác, chỉ điểm, đánh hôi, đánh tập thể như thời Nhân văn-Giai phẩm. Đây quả là một hiện tượng đáng mừng.

Hai mươi năm qua từ sau vụ Langbian, tình hình đã diễn ra như thế nào trên lãnh vực tư tưởng và báo chí, văn học nghệ thuật?

Qua 4 kỳ đại hội kể từ đại hội VI, các nghị quyết của Đảng hình như vẫn là “bổn cũ soạn lại”, vẫn là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ chí Minh, ổn định chính trị và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận dân chủ đa nguyên, kiên quyết chống các tư tưởng thù địch và diễn biến hoà bình, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động báo chí, văn hoá văn nghệ…

Đảng không thay đổi nhưng người dân đã thay đổi. Sự độc quyền lãnh đạo và ổn định chính trị theo kiểu buộc phục tùng bằng răn đe và bạo lực, tạo ra nỗi sợ thường trực trên toàn xã hội không còn hiệu lực như xưa nữa. Nông dân Thái Bình, ngoại thành Hà Nội và nhiều nơi đã nổi dậy chống lại số cán bộ Đảng đã trở thành cường hào mới bóc lột, đè đầu cỡi cổ nhân dân. Các “dân oan” khắp mọi nơi biểu tình khiếu kiện chống cướp nhà cướp đất và tập trung về Hà Nội ăn ngủ vạ vật ở công viên trường kỳ đòi công lý….

Cùng với một số ít người đã công khai bộc lộ chính kiến trước đây, những đảng viên cao cấp, trí thức, văn nghệ sĩ phê phán đảng xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng gay gắt. Ở Sài Gòn có Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, nhóm Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến Cũ, Nguyễn Văn Trấn, Lữ Phương, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Ở Hà Nội có Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phan Dình Diệu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Vũ Cao Quận, Lê Đăng Doanh… rồi những người trẻ hơn như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang…, Ở Đà Lạt có Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh…

Từ chỗ bất đồng chính kiến, đối lập, về sau này nhiều người đã trở thành đối kháng, không những chỉ đòi giải thể Đảng Cộng sản mà còn thành lập các tổ chức chính trị để đấu tranh đòi dân chủ, đặc biệt rộ lên từ năm 2006 như Khối 8406, Đảng Dân chủ XXI, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Thăng tiến, Liên minh Dân chủ Nhân quyền Việt Nam, Hiệp Hội Đoàn kết Công Nông… Những tổ chức này tuy quy mô nhỏ nhưng hoạt động của họ gây tiếng vang rất lớn nhờ sự tiếp sức của phương tiện Internet và sự hỗ trợ của các lực lượng người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh những người lớn tuổi như Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Văn Lý, Trần Anh Kim…, xuất hiện một lớp người trẻ hơn như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân…

Nhà nước đã đối phó với họ bằng luật hình sự với những bản án tù từ 1-2 năm đến 10-15 năm và biện pháp quản chế hành chính với Nghị định 31/CP, tạo ra một hình ảnh công an trị không còn chút gì dân chủ. Mới đây nhất, trong tháng 5-2007, một loạt các phiên toà “công khai và bịt miệng” kết án những người đấu tranh cho dân chủ đã làm dấy lên một làn sóng phản đối không những ở trong nước, của Việt kiều ở hải ngoại mà còn của nhiều quốc gia, tổ chức nhân quyền trên thế giới. Như thế rõ ràng sự ổn định chính trị mà Đảng Cộng sản muốn có chỉ là một bề mặt tạm thời với nhiều đợt sóng ngầm nguy hiểm ở bên dưới.

Tình hình báo chí trong nước quả thật có nhiều khởi sắc và phong phú. Các báo, tạp chí xuất hiện vô số, với kỹ thuật hiện đại không thua gì các nước tiên tiến, về đủ mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá văn nghệ cho đến gia đình, nấu ăn, nhà đẹp, ô tô, mỹ phẩm, nuôi chó… không thiếu một thứ gì. Tiền quảng cáo trên một số tờ báo lớn đã giúp những cơ quan chủ quản các tờ báo này này giàu lên nhanh chóng, có thể xây dựng trụ sở hiện đại và thành lập những công ty, tập đoàn kinh doanh như các nước phương Tây. Các báo điện tử cũng bắt đầu xuất hiện và tức khắc hoà vào Internet toả ra khắp thế giới.

Nội dung báo chí mới là điều quan trọng. Năm 1988, lần đầu tiên các trí thức, văn nghệ sĩ miền Trung yêu cầu cách chức một số quan chức cấp bộ và uỷ viên trung ương Đảng. Sau đó báo chí công khai mới nói đến chuyện yêu cầu cách chức một số quan chức trong Liên đoàn Bóng đá. Gần đây, sau một số vụ tham nhũng nổi cộm báo chí mới đề cập đến chuyện cách chức một số bộ trưởng. Báo chí cũng đã phanh phui nhiều vụ tham nhũng và tiêu cực lớn, nhất là trong vấn đề nhà đất, của quan chức ở mọi địa phương, mọi cấp. Các bài phóng sự điều tra đã mô tả được nỗi khổ của nông dân bị áp bức, của những tầng lớp khốn cùng sống bên lề xã hội. Một số bài chính luận và nhất là ý kiến của bạn đọc trên các báo đã có mức độ phê phán gay gắt đối với một số chủ trương, chính sách và hành vi sai trái của các quan chức có quyền thế. Tuy nhiên tất cả đều dừng lại đối với vấn đề lãnh đạo của Đảng, trước cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Rõ ràng, báo chí không dám, không được phép nói hết. Vì làm sao với bao nhiêu sai lầm khuyết điểm to lớn như vậy mà lại không có phần trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất.

Báo chí chính thức chịu một sự kiểm soát gay gắt và chặt chẽ thông qua Ban Tư tưởng Văn hoá và các tổng biên tập, ban biên tập. Sự lựa chọn đội ngũ lãnh đạo báo chí vô cùng chặt chẽ, tất cả đều là đảng viên đáng tin cậy và khi báo có sai lầm, việc xử lý người lãnh đạo báo là phương thức hữu hiệu nhất đưa tờ báo vào khuôn phép.

Một trong những đặc điểm lạ lùng nhất mà có lẽ không nước nào có là Việt Nam luôn luôn tuyên bố có đầy đủ tự do báo chí nhưng lại không cho phép báo chí tư nhân. Mặt khác, các báo chính thống của nhà nước, nhất là báo của ngành công an, có thể tự do vạch mặt, xúc phạm, bôi nhọ, lên án, kết tội những người mà họ cho là “phản động, nguy hại cho an ninh quốc gia” trước khi những người này được đưa ra toà xét xử.

Tuy nhiên gần đây những người hoạt động đấu tranh dân chủ đã bất chấp sự cấm đoán. Họ ra một số báo như Tự do ngôn luận, Tự do dân chủ, Tin nhà, Tổ quốc… dù bị đàn áp đối với báo in nhưng báo điện tử trên mạng vẫn tiếp tục tồn tại. Cùng với vô số trang web trên Internet mà thông tin cập nhật từng giờ, rõ ràng nhà nước không thể bưng bít được thông tin như trước đây. Tuy thế việc truy cập vào các trang web bị cấm vẫn còn nhiều khó khăn do bức tường lửa của nhà nước cản trở và việc xử lý của công an đối với những đối tượng mà họ cho là nguy hiểm khi truy cập vào những trang web này.

Về văn học kể từ đợt khởi sắc ngắn sau khi được “cởi trói” năm 1986, văn học Việt Nam hầu như chững lại. Tuy cũng có một vài tác phẩm thực sự có giá trị nhưng các nhà phê bình và độc giả đều than thở Việt Nam không có tác phẩm lớn. Người ta ngạc nhiên không hiểu sao một đất nước trải qua một thời kỳ lịch sử bi tráng với bao nhiêu biến cố long trời lở đất, hiện thực ngồn ngộn dữ liệu cho tác phẩm, nhà văn cũng không thiếu tài năng nhưng tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện. Đây là một câu hỏi làm nhức nhối những người cầm bút.

Một điều cần nói thêm là hoạt động của các hội văn học nghệ thuật. Qua thông tin trên báo chí, phần lớn các tổ chức hội đều có chuyện gọi là “đấu đá nội bộ” để tranh giành quyền lực, nhất là qua các kỳ đại hội, một việc không liên quan gì đến sáng tạo văn học nghệ thuật nhưng đã chiếm rất nhiều công sức và tâm huyết của không ít văn nghệ sĩ. Do đó một số người đã tuyên bố ra khỏi hội hoặc không quan tâm gì đến hoạt động của hội nữa. Riêng Hội Văn nghệ Lâm Đồng, từ khi tiếp tục hoạt động lại, chuyện đấu đá này cũng xảy ra triền miên. Mấy năm trước đây, một uỷ viên ban chấp hành hội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trước khi đi dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, đã bị hội địa phương khai trừ ra khỏi hội vì tham ô. Mới tháng trước, báo đăng tin chủ tịch hội cũng đã bị khai trừ ra khỏi hội vì lý do tương tự dù kinh phí của hội mỗi năm chỉ có vài trăm triệu đồng. Than ôi!

Không phải tất cả nhưng nhiều văn nghệ sĩ cũng cần hội, nhóm để chia sẻ, động viên, hỗ trợ nhau trong sáng tác nhưng đây phải là sự gặp gỡ, tập họp theo kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” và hoạt động hoàn toàn tự do chứ không phải, không thể là một cơ quan nhà nước hay đoàn thể chịu sự chi phối của đảng và nhà nước. Ở Việt Nam, thời tiền chiến, nhóm Tự lực văn đoàn là một thí dụ rõ ràng về điều này và họ đã để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học. Hiến pháp Việt Nam hiện nay có ghi rõ quyền tự do lập hội nhưng chưa thấy hội văn học nghệ thuật nào được tự do thành lập hay văn nghệ sĩ nào đấu tranh để thực hiện quyền lập hội chính đáng của mình. Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên và cũng là một câu hỏi lớn, một vấn nạn cho những người hoạt động văn học nghệ thuật. Tại sao lại cứ phải chui vào một rọ để rồi cấu xé lẫn nhau?

Đoạn kết của bút ký Hành trình cuối đông, tôi viết: “Tình cờ chăng khi chuyến đi là một hành trình cuối đông? Mùa đông đã qua. Mùa xuân đang qua. Tất cả chỉ là ý nghĩa tượng trưng thôi để nói lên một niềm hi vọng. Hành trình vẫn còn tiếp diễn, nhiều mùa đông và nhiều mùa xuân nữa, trên dặm dài lịch sử. Sẽ có lúc chúng tôi gối mỏi, chân chồn. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không dừng lại khi mình còn đủ sức đi thêm một bước nữa. Chắc chắn chúng tôi còn vô số bạn đồng hành, bạn chiến đấu. Và chúng ta đã đi, khắc đến.”

Thế mà đã hai mươi năm qua, mái đầu của chúng tôi có người đã điểm bạc, có người đã bạc trắng. May mắn thay chúng tôi vẫn đã tiếp bước như lời ước hẹn ngày ấy dù đã có lúc gối mỏi chân chồn, và chúng tôi cũng đã có rất nhiều bạn đồng hành, bạn chiến đấu. Cuộc đấu tranh cho quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản của trí thức, văn nghệ sĩ, rộng hơn là quyền công dân và quyền làm người, cho khát vọng dân chủ và hoà bình của toàn dân tộc là một cuộc đấu tranh lâu dài mà mỗi một người phải đóng góp phần mình. Thành quả đến sớm hay muộn tuỳ thuộc vào nhận thức và sự tham dự của toàn dân tộc. Nhưng điều chắc chắn là “chúng ta đã đi, khắc đến”.

Đà Lạt, tháng 6-2007

Tiêu Dao Bảo Cự

*

Hình bìa Hành trình cuối đông, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1998

Lời nhà xuất bản

Tiêu Dao Bảo Cự đã được biết đến tại hải ngoại qua tác phẩm Nửa đời nhìn lại do nhà Thế Kỷ, California, xuất bản năm 1994. Cuốn truyện này đã gây được tiếng vang lớn trong giới cầm bút và những người quan tâm đến tình hình đất nước. Đó là một bi kịch nội tâm, là sự phản tỉnh của một đảng viên cộng sản. Đó cũng là một mảng của cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và đổi mới thực sự. Theo lời tác giả, đây là một “tác phẩm xuất phát từ cuộc đời, chính là cuộc đời, hoà quyện hiện thực, ước mơ và khát vọng”.

Nhưng “hoà quyện hiện thực, ước mơ và khát vọng” cũng có mặt trái của nó. Một số bài phê bình đã trách tác giả pha trộn hư cấu và đời thực, làm mất đi gía trị chứng từ của tác phẩm. Tác gỉa không đồng tình với ý kiến trên và đã trả lời trong một cuộc trao đổi lý thú giữa trong và ngoài nước.

Khi tái bản cuốn Nửa đời nhìn lại năm 1997, chúng tôi có đăng phần phụ lục gồm các bài phê bình nói trên, cũng như những bài trao đổi giữa tác giả và các bạn văn. Nhân dịp đó, chúng tôi đã khám phá ra sự hiện hữu của một bút ký với người thật, việc thật, tựa là Hành trình cuối đông, ghi lại một cách trung thực tất cả những diễn tiến trong chuyến đi một tháng mười bốn ngày dọc đường đất nước từ Đà Lạt qua các tỉnh miền Trung ra Hà Nội, để đòi quyền tự do báo chí và tự do xuất bản. Cuộc hành trình “biểu tình chạy” này được thực hiện vào mùa đông 1988, và Tiêu Dao Bảo Cự viết phần bút ký cùng một lúc với Nửa đời nhìn lại, nhưng chưa hề được xuất bản. Chúng tôi cho Hành trình cuối đông ra mắt độc giả để bù lại thiếu sót đó.

Trong khi tìm hiểu về Hành trình cuối đông, chúng tôi lại có may mắn sưu tầm được một số tài liệu quan trọng chung quanh “Vụ án Langbian” mà nạn nhân là Hội Văn nghệ Lâm Đồng của thành phố Đà Lạt. Số tài liệu này gồm các kiến nghị, tuyên bố, thư từ, quyết định, v.v. liên quan đến một sự kiện đã làm rúng động các cơ quan lãnh đạo tư tưởng của đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ “cởi trói” văn nghệ sĩ năm 1988. Đó là sự kiện các hội văn nghệ miền Trung cũng như những cá nhân đã ký chung kiến nghị và tuyên bố đòi quyền tự do báo chí và tự do xuất bản, và đòi cách chức một số “quan văn hoá” trong Ban Tuyên huấn Trung ương đảng cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, những người đã chà đạp lên các quyền tự do ngôn luận và tư tưởng. Những chữ ký này đã được thu thập qua chuyến Hành trình cuối đông của đoàn văn nghệ lâm Đồng do Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự thực hiện. Cùng đi với đoàn còn có nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, một nạn nhân của vụ án Nhân văn-Giai phẩm trong thập niên 50.

Cũng như Nhân văn -Giai phẩm 30 năm về trước, tạp chí Langbian của Hội Văn nghệ Lâm Đồng ở Đà Lạt đã bị đình bản sau khi ra được ba số, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, tổng biên tập và phó tổng biên tập bị kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng cộng sản, bị cách chức trong hội Văn nghệ và bị bao vây kinh tế. Nhưng sau vụ này, hai anh vẫn kiên cường đấu tranh cho tự do báo chí và tự do xuất bản. Không còn diễn đàn để phát biểu trong nước, hai người đã viết những bài tham khảo và trả lời phỏng vấn chung quanh đề tài dân chủ hoá thực sự đất nước, được báo chí và đài phát thanh hải ngoại đăng tải và loan truyền rộng rãi. Nhà cầm quyền đã tìm mọi cách để không cho họ nói, hai người đã bị công an gọi lên thẩm vấn ngày này qua ngày nọ, bị tạm giữ, bị cắt điện thoại, nhưng vẫn không cấm cản được những người muốn nói lên tiếng nói của lương tri.

Cuối cùng, vào tháng 4-1997, nghị định 31/CP được thủ tướng ban hành, cho phép chính quyền địa phương quản chế hành chánh không cần xét xử những người có “hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Và những nạn nhân đầu tiên của nghị định này chính là Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự. Hai anh bị quản chế hai năm, công an gác trước cửa nhà, điện thoại bị cắt, hoàn toàn không được tiếp xúc với ai. Cùng chung số phận với họ là Hà Sĩ Phu, cũng ở Đà Lạt, một bạn đồng hành của Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự, từng được hải ngoại biết đến qua các bài nghiên cứu sâu sắc về tình hình đất nước. Nói theo lời nhà văn Hoàng Tiến ở Hà Nội: “Như thế thí có khác gì đi ở tù, loại tù cơm nhà, tù không có ăn, không có xét xử. Tôi cực lực phản đối lối hành hạ con người, xúc phạm phẩm giá con người như vậy” (trích thư Hoàng Tiến viết ngày mồng 5 tết Mậu Dần 1998, nhân dịp các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phan Đình Diệu, Hoàng Hữu Nhân phát biểu đòi dân chủ hoá đất nước).

Khi cuốn sách này lên khuôn, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc và Hà Sĩ Phu vẫn còn bị quản chế.

Xuất bản bút ký Hành trình cuối đông, chúng tôi muốn phá tan sự bưng bít của chính quyền hiện nay để đưa ra ánh sáng một cuộc đấu tranh cho tự do báo chí và tự do xuất bản xảy ra ngay trong lòng chế độ cách đấy 10 năm, và tới giờ này hai người khởi xướng là Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự vẫn còn bị guồng máy chuyên chính tìm đủ mọi cách để nghiền nát. Sự ra đời của cuốn sách này sẽ là món quà tặng hết sức khiêm nhường gửi đến những chiến sĩ đang dũng cảm đấu tranh cho dân chủ và cũng đang là nạn nhân của một guồng máy bạo lực phi nhân.

Nhà xuất bản Văn nghệ

Mùa Xuân 1998