Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Những ghi chép ở tầng thứ 14 (kỳ 7)

Tiểu thuyết Thận Nhiên


*DÉP

Tôi xin được chân dạy Anh văn cho một trung tâm sinh ngữ trong thành phố. Mỗi ngày ba lớp, mỗi lớp hai giờ. Tôi không có nhiều nhu cầu nên chỉ với số tiền lương thì cũng tạm đủ sống mà không tiêu lậm vào số tiền mang theo từ Mỹ về. Ngoài hai lớp ban ngày, còn một lớp phải dạy vào buổi tối từ bảy giờ đến chín giờ. Dạy xong, có khi tôi chạy thẳng về nhà, có khi ghé lại ăn tối hay la cà ở một quán nào đó, thường là ở khu Tây ba-lô, uống chai bia và tán nhảm với bọn khách du lịch bụi đến khuya mới về.

Những đêm mưa, ngà ngà say, dưới vòm cây, cành lá trĩu nước hạ xuống thật thấp, tôi trùm kín áo mưa, người và chiếc xe từ từ lún vào con đường sâu hun hút không đèn. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải lớn chạy sát rạt kề bên vượt qua mặt, nước ngập từ dưới mặt đường bắn xối lên nhòa tròng kính, tôi loạng choạng. Khi đó, thời gian chờ cho chiếc xe tải chạy vượt qua hẳn dài vô tận, như cú rơi dài vô tận trong cơn mơ. Cái chết thật gần và dễ dàng quá, tôi lẩm nhẩm trong đầu bài kinh Lạy Cha.

Một đêm nọ, sau khi dạy xong, ghé lại quán quen ăn tối và uống ly rượu, trên đường về nhà, tôi gặp người phụ nữ ấy.

Cây cầu sơn đỏ, cao và dài, bắc qua con rạch lớn, bên dưới dập dềnh bèo rác, nước đêm cường triều dâng cao.

Tôi thấy cô từ xa dưới ánh đèn đường. Có lẽ là một cô gái trẻ. Khác với những cô gái điếm đứng lấp ló dưới tán cây trong vệ đường vẫy tay mời khách, cô ngồi chênh vênh trên thành cầu, mái tóc thả ngang lưng xoay về hướng lòng đường, mặt quay ra khoảng không tối đen dưới cầu. Giờ này đã khuya, đường vắng ngắt, sao có người còn ngồi đây, tôi ngạc nhiên.

Tôi giảm tay ga, khi còn cách cô chừng năm mươi mét, và cẩn thận chạy xe lấn ra giữa lòng đường. Tôi được dạy rằng vào ban đêm đừng dừng xe lại khi đường vắng dù có thấy điều khác thường, vì có thể trở thành nạn nhân của một màn kịch của bọn cướp. Khi còn cách nhau chừng hai mươi mét, tôi thấy người phụ nữ quay lại nhìn tôi, rồi đột nhiên cô chống tay chồm dậy rồi đứng thẳng người lên thành cầu, hai tay dang ra chệnh choạng trong tư thế lấy thăng bằng. Có vẻ như cô đang nói to một điều gì đó, với tôi, nhưng gió thổi bạt đi. Cô muốn đi nhờ xe chăng? Không phải, người xin đi nhờ xe sẽ không làm như vậy.

Cô muốn tôi chứng kiến điều sắp làm? Đúng vậy, người phụ nữ này đang muốn tôi chứng kiến điều cô sắp làm.

Tôi thắng xe lại. Chỉ còn cách nhau chừng bảy mét. Tôi chưa kịp hiểu ra.

Điều này không có thật, không thể có thật. Người phụ nữ đứng trên thành cầu kia không thể có thật. Tôi đã say rồi. Trước mắt tôi là một ảo ảnh, phi lý và hoang đường, dứt khoát là vậy.

Tôi nhắm mắt lại, định thần. Tin rằng mình nhầm. Tin rằng đây không phải là sự thật. Tin rằng mình chỉ hoa mắt. Tin rằng khi mở mắt ra thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, cơn hoa mắt chấm dứt, ảo ảnh trước mắt sẽ biến mất.

Tôi mở mắt ra thật nhanh.

Biến mất!

Sau thành cầu là một khoảng trống, tối đen, gió lùa hun hút. Không còn ai ở đó, không một bóng dáng con người nào trước mắt tôi.

Không còn gì cả ngoài một đôi dép bị để lại ngay dưới vệ đường.

Tôi rùng mình. Một cơn ớn lạnh làm tôi tê liệt. Không thể quyết định nên làm gì, xuống xe hay chạy luôn. Tôi gạt chân chống. Cả hai đầu cầu vẫn chưa có ai chạy lên. Tôi xuống xe, bước lại, nhìn xuống, ánh sáng quá yếu không đủ soi xuống dòng nước sâu bên dưới. Tối đen, tôi không thể thấy gì cả. Tôi gào lớn, “Cô ơiiiiiiiii…! Cô ơiiiiiii….”. Tôi nghe tiếng gọi của mình chìm mất vô tăm tích.

Người rơi từ đây xuống thì còn sống không? Cô ấy còn sống không?

Tôi không nghĩ rằng cô có thể còn sống. Từ thành cầu xuống đến mặt nước là một khoảng cách lớn. Tôi nhớ bên dưới có những mố cầu bằng bê-tông và khung thép. Tôi không nghe một tiếng động nào của sự sống từ bên dưới vọng lên ngoài tiếng nước chảy róc rách.

Vẫn chưa có ai lên cầu. Vắng ngắt. Chỉ mình tôi đứng đây. Và đôi dép.

Tôi cúi nhìn. Hai chiếc dép nằm song song bên nhau, mũi hướng ra đường. Có lẽ cô gái đã ngồi nhìn vào lòng đường trước khi đổi thế ngồi nhìn ra khoảng tối. Chúng là loại dép nhựa, loại quai kẹp thông thường, màu xanh dương, có in những ô nhỏ bằng những màu vàng sáng, và còn mới. Nếu không có đôi dép thì hẳn là tôi không tin rằng chuyện này có thật.

Một người vừa tự tử ngay trước mắt tôi. Mà có phải cô ấy tự tử hay không? Hay đây là một tai nạn. Hay đây là một tai nạn? Cô chỉ đứng lên thành cầu vì một lý do gì đó và tôi chính là nguyên nhân làm cho cô hoảng sợ mà té ngã.

Mình phải làm gì đây? Dường như có một thứ linh khí kỳ dị, một thứ hơi lạnh, tỏa ra từ hai chiếc dép làm tôi không dám nhìn lâu. Chúng là di vật. Là dấu vết còn lại của một con người. Cái con người mà cách đây dăm phút còn sống, còn thở, còn vui buồn, còn đau khổ, ở ngay tại đây, ngay trước mắt tôi, rồi biến mất.

Tôi mong sao có một ai đó chạy lên cầu. Tôi sẽ chặn họ lại, thông báo mọi chuyện, và xin một lời khuyên tôi phải làm gì. Rồi tôi hiểu ra rằng mình không cần lời khuyên đó. Cái tôi cần là sự chia sẻ, sự làm chứng, cho lương tâm tôi bớt day dứt vì ý nghĩ mình vừa tham gia vào việc kết thúc sinh mệnh của một con người.

Tôi bần thần lúc lâu. Vẫn chưa có ai chạy lên cầu. Sẽ có người chạy lên cầu vào giờ này hay không? Sao lâu vậy? Tôi ngoái nhìn cả hai chiều. Hai bên, dưới dốc cầu, vẫn hun hút sâu, không một ánh đèn xe.
Cô gái có tự tử hay không? Hay là một tai nạn mà tôi là nguyên nhân? Những câu hỏi bật ra trong đầu tôi. Tôi chỉ dừng xe lại thôi mà. Tôi hoàn toàn không có một chủ ý gì cả. Tại sao tôi không vặn tay ga, tăng tốc, chạy thẳng luôn, mặc mọi chuyện? Tại sao cô không “biến mất” trước một người nào khác thay vì trước tôi? Tôi chỉ nhắm mắt rồi mở mắt thôi mà. Tại sao cô không mang luôn đôi dép theo mà để chúng lại dưới thành cầu làm chi? Nếu không có sự hiện hữu của đôi dép thì dễ dàng cho tôi quá, tôi sẽ tin ngay rằng cô chỉ là một ảo ảnh, là tôi bị chứng ảo giác dưới tác động của men rượu, và tôi sẽ quên mọi chuyện ngay. Như quên một con ma. Như mọi sinh linh trên đất nước này. Mọi sinh linh trên đất nước này đều là những vong linh dật dờ chưa siêu thoát.

Cây cầu vẫn vắng ngắt. Tôi phải chờ bao lâu nữa đây? Liệu sẽ có ai lên cầu hay không? Liệu họ có dừng lại nghe tôi nói hay không? Tôi sẽ nói với họ như thế nào? Họ có tin lời tôi không? Nếu họ nghĩ rằng đây là án mạng, cô gái là một cô điếm, tôi là khách tìm hoa, và vì không thỏa mãn với nhau về giá cả hay thỏa thuận gì đó mà tôi ra tay giết cô ấy rồi đặt chuyện thì sao? Liệu sẽ có ai biết được sự hiện diện của tôi, sự chứng kiến của tôi, trước cái chết của cô không?

Và sau cùng, nếu bây giờ tôi giả vờ như không có điều gì xảy ra cả, và chạy về nhà, và quên đi mọi chuyện thì sao?

Tôi có nên làm như vậy hay không?

Bất giác, tôi cúi xuống lần nữa. Tôi nhặt đôi dép lên. Thật ra, tôi nhón hai quai dép lên bằng đầu ngón tay.

Tôi có cảm giác như đang nhặt lên hai sinh vật chứ không chỉ là hai vật thể bằng nhựa. Chúng trơn, nhơn nhớt. Chúng đang phập phồng thở, thở nhè nhẹ. Chúng là hai sinh vật còn sống, và có linh hồn.

Tôi trở lại xe, bỏ đôi dép vào ba-lô, khoác lên vai, nổ máy, phóng xuống dốc cầu. Tôi cố chạy với một tốc độ bình thường. Con đường vẫn vắng ngắt. Cách cầu một cây số là đồn công an xã còn để sáng đèn. Tôi giảm tốc độ lại khi chạy ngang, nhưng không dừng lại. Tôi chạy thẳng về chung cư.

*NHỮNG GHI CHÉP CUỐI

Tôi lang thang vui chơi với Cathy thêm vài ngày nữa rồi cô về Mỹ. Trong thời gian ngắn ngủi, Cathy truyền đạt lại cho tôi những kinh nghiệm và kỹ năng để sống còn ở Sài Gòn. Tôi đưa Cathy ra phi trường, cô cho tôi địa chỉ e-mail, số phôn ở Mỹ để liên lạc, nhưng cả hai đều hiểu rằng có lẽ trong suốt phần đời còn lại chúng tôi sẽ không gặp lại nhau thêm lần nào nữa. Cathy đi, mang theo những câu chuyện về loài komodo và vị cứt khỉ thơm mùi sô-cô-la ở xứ Ấn Độ. Tôi mua lại chiếc xe gắn máy hiệu Wave của cô, chiếc xe cũ nhưng chạy rất tốt. Cô đã đưa tôi ra ngoại ô, huyện Bình Chánh, giúp tôi thuê căn apartment trên tầng 14 của một chúng cư nằm trên con đường xẻ dọc thành phố, con đường mang tên một ông cựu tổng bí thư đảng hay chủ tịch nước gì đó, ông Nguyễn Văn Linh.

Ở tầng thứ 14, tôi cảm thấy mình gần với Thượng đế hơn bảy tỉ người còn lại, nghĩa là luôn ở trong tầm chân của Thượng đế. Tôi tưởng tượng có đêm nào đó, trong cơn bực bội, Thượng đế sẽ co chân tung một đá, tôi bay vèo qua một thiên hà nào khác.

Căn hộ được trang bị khá tốt, hầu như có đủ tiện nghi để ở thoải mái. Có internet, ti-vi cable, microwave, tủ lạnh, máy giặt và, quan trọng nhất, giá thuê khá rẻ, chỉ khoảng 2/3, nếu so với những nơi khác trong trung tâm. Ở tầng trệt có bàn trực của nhân viên bảo vệ. Ngoại trừ cư dân trong chung cư, ai vào cũng phải trình giấy tờ để họ ghi vào sổ lưu trước khi bước vào thang máy.

Đứng trên ban-công nhìn ra có thể thấy khu Chợ Lớn xa xa trong làn khói đục. Không phải là sương khói tự nhiên, mà là khói xe và bụi. Trong những chiều mưa, làn nước mỏng kéo lướt thướt từng đợt qua những cao ốc, qua những mái nhà tôle lúp xúp chen nhau của xóm lao động, qua con kênh cạn, và những đám ruộng xanh.

Tôi sợ chiều cao. Chưa bao giờ tôi dám trèo cây hay leo thang cao quá ba mét. Ở trên cao, nhìn xuống là chân tôi bắt đầu run. Mỗi khi máy bay bắt đầu tăng tốc độ trên đường băng để cất cánh, tôi luôn kinh hãi đến tê liệt đầu óc. Hình ảnh của những vụ tai nạn hiện ra mồn một trong đầu tôi khi máy bay đang lấy thăng bằng trên bầu trời cao. Tôi thấy mình là một trong dãy xác chết cháy đen được sắp thành hàng trên mặt đất. Tôi từng lên những toà nhà cao chọc trời, nhưng đây là lần đầu tiên tôi sống ở nơi cao như vậy.

Tôi là người đầu tiên thuê căn hộ, cũng là người đầu tiên đến ở trên tầng lầu này. Suốt dãy nhà được chia ra thành những căn hộ cửa đóng im lìm như dãy phòng bệnh viện, chưa có căn nào có người ở. Tầng 14 chưa phải là tầng cao nhất, trên nó còn một tầng nữa. Thật ra, đây chỉ là tầng 13, nhưng có lẽ vì tránh con số 13 xui xẻo nên người ta bỏ nó đi, thay vì vậy họ tính từ tầng 12 lên thẳng tầng 14 luôn, biến nó thành tầng 14 trước khi lên tầng 15.

Chúng cư khá mới, chỉ chừng năm năm tuổi. Hệ thống thang máy được cho là rất tốt nhưng tôi vẫn không an tâm. Thang máy có ba ngăn. Một ngăn bên phải khá rộng được dùng để vận chuyển vật nặng, hai ngăn kế bên được dành cho cư dân đi người không. Ngày đầu tiên đến đây, bước vào một trong hai ngăn thang máy, ngăn đầu cùng bên trái, tôi đã nghe những tiếng động khác thường khi nó di chuyển lên cao. Tiếng cạch cạch vang lên mồn một mỗi khi thang lên được một tầng. Tôi sợ điếng người, hình dung ra cảnh ngăn thang máy bị hỏng, rơi tự do xuống đất, vỡ tan tành. Từ đó, tôi tránh bước vào ngăn bên trái đó, tôi chịu khó chờ tới lượt của ngăn còn lại bên phải thì mới bước vào.

Tôi đến siêu thị mua các loại thực phẩm ăn liền, những thứ không cần phải nấu nướng, về chất đầy tủ lạnh; tôi mua thêm một thùng bia lon 33, hai chai Rhum nội địa, một chai Whiskey và một chai Vodka. Tôi chọn siêu thị Giant ở vùng Phú Mỹ Hưng để đi chợ, chỉ vì thấy nó quen thuộc hơn những siêu thị khác. Giant là một công ty Mỹ, mở chi nhánh đầu tiên ở Việt Nam. Mua đồ của nó, tôi cảm thấy mình gần với nước Mỹ hơn một khoảng cách chừng 5 cây số, và đôi khi cũng tạm yên lòng vì đang góp phần đóng khoản thuế hàng hóa tuy nhỏ bé của mình cho sự thịnh vượng của nước Mỹ, như một nghĩa vụ.

Tôi nhẩm tính số tiền hiện có, yên trí rằng có thể sống lè phè trong nửa năm mà không phải lo gì. Mẹ tôi trấn an qua điện thoại rằng bà sẽ gởi tiền cho tôi bất cứ khi nào cần. Lillian luôn chứng tỏ là một bà mẹ tốt những khi cần thiết.

Theo lời Cathy dặn, mỗi tháng tôi ra tòa lãnh sự, chìa passport ra bày cớ để xin vào bên trong đăng ký một thứ gì đó, chủ yếu là chìa mặt mình vào cái camera gắn trên tường cho nó ghi hình lại, để nước Mỹ biết rằng nó có một công dân đang cư trú ở đây, hầu nhỡ có bất trắc gì thì nó can thiệp cho. Bước vào tòa lãnh sự, tôi trở lại kiếp con người, vì nó là lãnh thổ của nước Mỹ.

Ba năm trôi vèo qua, tôi thành một gã người/ma như Cathy từng là. Tôi chỉ về Mỹ một lần trong hai tháng để thăm cha và mẹ, rồi quay trở lại. Đúng như Cathy nói, hễ ra khỏi biên giới Việt Nam thì tôi trở lại thân phận con người, tôi thấy mình hiện ra nguyên vẹn trong gương soi, rồi tôi trở lại người/ma khi đặt chân vào Việt Nam: một lát cắt đôi thân thể, phẳng lì, tôi hiện ra chỉ một nửa, tính từ đỉnh đầu bên phải kéo dài xuống tận ngón út bàn chân bên trái.

Mỗi chu kỳ chín mươi ngày là hết hạn visa, tôi ra văn phòng Xuất Nhập Cảnh ở quận Một xin gia hạn. Gia hạn ba lần thì phải ra khỏi Việt Nam, thường thì tôi đến một nước ở Đông Nam Á cho gần, như Campuchia, Lào, hay Thái Lan, dăm ngày hay một hai tuần, rồi vào Việt Nam lại để có visa mới, rồi lại tiếp tục gia hạn.

Tôi tạm trú dài hạn trên đất nước này; đất nước của ông tôi, của cha tôi, của mẹ tôi, của gia tộc tôi. Và của tôi.

Trong buổi sáng thứ hai sau khi dọn đến, tôi bắt đầu gõ chương đầu cuốn tiểu thuyết, nhưng sau khi viết được vài trang thì tôi không còn thấy nó là một cuốn tiểu thuyết như đã dự định, mà nó là những ghi chép rời rạc bất chợt hiện ra trong đầu. Những dữ kiện có vẻ như vô lý. Và vô ích.

***

Tôi nằm đây hai mươi bảy năm rồi chứ không chỉ là ba năm trong thời gian rời Mỹ về sống ở Sài Gòn. Tôi bị trét dính trên mặt đường này bằng thứ bã kẹo cao-su không bao giờ tiêu hủy. Đúng vậy, tôi bị trét dính. Tôi không thể cục cựa vùng vẫy. Thân thể tôi lún dần xuống và bị bào mòn đến độ bão hòa. Còn thời gian ư? Thời gian cũng bị dán dính xuống mặt đường, thời gian không còn chuyển động từ lúc ấy. Mãi mãi.

Mọi ngày tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng. Tôi thả bộ từ nhà mình đi qua một ngôi chợ nhỏ, qua một ngã tư, qua một cây cầu dài, đến bến xe đò liên tỉnh, rồi quay về nhà. Suốt quãng đường đó mất khoảng bốn mươi phút. Quãng đường đủ làm tôi đổ mồ hôi, lưng ướt đẫm, nhớp nháp chiếc áo thun. 6 giờ tôi về nhà, tắm sảng khoái để bắt đầu một ngày mới.

Tôi chú ý đến bà trong những chuyến đi bộ thể dục như thế. Một thân thể héo úa, gầy gò, chiếc áo thâm, chiếc quần đen cũ phai bạc chẳng thay đổi. Hẳn tuổi bà phải trên tám mươi. Tôi ngửi thấy mùi của sự nghèo khó khi cách khu chợ bà ngồi hàng trăm thước. Bà ngồi bệt dựa vào cây cột điện mới dựng, trước mặt là một hộp bánh bích-quy bằng thiếc đựng những cây kẹo cao-su hiệu DOUBLEMINT màu xanh lá cây, của Mỹ. Tôi nghĩ, với vóc dáng thảm hại và vũng nước bùn bẩn thỉu trước mặt, sẽ không có ai bị hấp dẫn bởi món hàng bà muốn bán. Điều kỳ lạ là bà vẫn ngồi đấy mọi ngày. Ngồi cả vào những ngày mưa và ngày cuối năm. Có lẽ bà sẽ ngồi đó đến ngày cuối của đời mình, vì đời sống của bà có lẽ là một quả lắc chuyển động đều đặn không đổi nhịp.

Tôi đọc báo Tuổi Trẻ có mục Nhịp Đời Qua Ống Kính, nó trình bày những tấm ảnh về đời sống thường ngày. Tôi có ý định chụp ảnh bà để gởi đăng. Buổi sáng cuối cùng ấy, tôi bỏ cái máy digital du lịch vào túi quần soọc trước khi ra khỏi nhà.
Tôi ngồi xuống trước mặt, nhặt lấy hai thanh kẹo, móc túi lấy tờ bạc năm ngàn, đưa bà. Tôi lấy máy ảnh ra, nói, “Bà cho cháu chụp tấm hình nhé?”, rồi chỉnh ống kính, chuẩn bị bấm máy. Tôi nghĩ bà sẽ cười, nụ cười móm mém ngây ngô như trong các tấm ảnh tôi thường thấy ở những triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Ngay lúc đó, bà vùng đứng dậy, một tay ném cả nắm tiền vào mặt tôi, tay còn lại bà che mặt, miệng gào ú ớ dữ tợn.

“AAAAAAAAAAAA! Không! không! Không! Không!!!”.

Bà run rẩy, giãy dụa như sắp ngất. Tôi kinh hoảng nhặt những đồng bạc giấy bay lả tả trên mặt đất. Những người bán hàng rong bu lại, một người đàn bà cố giữ tay bà lại. Tôi ấp úng xin lỗi. Tôi lắp bắp phân trần. Tôi nhét nắm tiền vào hộp kẹo. Tôi buông tay bà ra. Tôi quay đi. Tôi hối hả bước thật nhanh. Tôi bước đi khá xa. Tôi chỉ ngoái lại trong tiếng la hốt hoảng của một người nào đó. Tôi thấy bà vung tay. Tôi thấy những ánh lửa khạc ra từ khẩu K54 trên tay bà. Tôi buông cái máy ảnh. Tôi nghe tiếng tôi thét. Tôi trúng đạn ngay mắt. Tôi ngã xuống. Những vết đạn làm chiếc áo thun tôi bốc khói. Tôi thấy những vết đạn cày sém dính bết trên mặt đường nhựa. Những vết đạn bắn hụt cháy sém dính bết lên mặt tường. Những vết đạn dính bết lên mặt lên ngực lên mắt lên tóc lên chân của tôi. Thứ đạn làm bằng những bả kẹo cao-su DOUBLEMINT chẳng bao giờ tiêu hủy.

Tôi bị trét dính ở trên mặt đường này. Thời gian cũng bị dán trét dính xuống mặt đường, thời gian không còn chuyển động. Vậy mà tôi biết, thoắt cái đã bằng chừng ấy tuổi của tôi, hai mươi bảy năm. Còn bà ấy hả? Vẫn ngồi kia, lưng dựa cột điện với những cây kẹo không bao giờ bán hết.

***

Ở đây, vào mùa nóng, tôi phải tắm năm bảy lần mỗi ngày. Thật ra chỉ đứng dưới vòi sen cho nước rào rào xối xuống, làm dịu đi làn da và những lỗ chân lông. Nóng quá chịu không nổi, tôi quyết định cạo trọc đầu. Trọc láng.

Một hôm, vừa ở ngoài về, tôi rửa mặt rồi lấy nước đá chườm lên đầu. Mát lạnh. Làn da đầu được cái lạnh tê từ khăn toả ra, vuốt ve những sợi thần kinh, sướng khoái vô cùng. Tôi đê mê, chìm luôn vào giấc ngủ.

Tình cờ tôi phát hiện ra một thứ khoái cảm khác thường. Tôi mua một tá khăn lông nhỏ, loại có khổ lớn chừng cuốn sách, nhúng sũng nước từng chiếc, xếp lại làm tư, bỏ vào bao ny-lon rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Mỗi khi đi đâu ngoài nắng nóng về, tôi lấy một chiếc ra phủ lên cái đầu trọc, một chiếc khác úp lên mặt.

Tôi ngủ trễ, thường phải sau 12 giờ khuya, nhưng thức khá sớm, khoảng 5 giờ là đã thức, nhưng không dậy ngay. Tôi nằm trong bóng tối lắng nghe tiếng động chung quanh. Rõ nhất là tiếng phản lực bay ngang để đáp xuống phi trường ở phía bên kia của thành phố. Thú vị là trong những ngày mưa, tôi thích tiếng mưa dội lên mặt cửa kính mờ mờ hơi nước. Từ trên giường nhìn ra, có thể thấy con trăng lơ lửng trên bầu trời, có khi tưởng chừng như nó ngang với tầm cao của căn phòng.

Những con chim không biết từ đâu bay về, chúng đậu lại trên lan-can, gại mỏ vào cửa kính, ngó tôi. Tôi không biết chúng là loại chim gì, chỉ thấy chúng thân thiện và không sợ người.
Chiều nọ, một con dơi nhỏ bay vào phòng, loạng choạng, chấp chới, rồi va vào tường, rơi xuống, nằm im một lúc lâu. Tôi ngồi xuống quan sát, băn khoăn, nó chết rồi hay chỉ bất tỉnh? Tôi bọc nó lại bằng miếng giẻ lau, nhỏ nước lên người nó, nhưng không thấy dấu hiệu của sự sống. Tôi nghĩ đến việc phải bỏ xác nó vào túi rác. Tôi mang con dơi ra ban-công, đặt lên gờ tường.

Đêm đó, tôi đi uống rượu ở trung tâm Sài Gòn. Say và khuya. Ngại đường xa, tôi không về. Tôi ghé lại khách sạn quen thuê phòng. Cởi đồ, mở máy lạnh, không ngủ được. Tôi nằm chờ sáng.

Con dơi hiện ra, bay trong đầu tôi. Tôi nằm ngửa mặt, nhìn. Nó bay thật nhanh dưới ánh đèn trắng, vùn vụt, khi sắp va vào tường thì ngoặc cánh, đổi hướng. Cách nó bay như một cái máy được định vị và thiết lập chương trình, nhanh, tỉ mỉ và chính xác.

***

Dần dà, tôi quen với cái cảm giác sống trên cao, không còn thấy sợ như lúc đầu nữa, nhưng nhiều khi đứng ở ban-công thì tôi lại thấy một lực hút mãnh liệt, kéo tôi lao ra ngoài, thả tôi rơi tự do xuống mặt đất bên dưới. Thứ lực hút như một nỗi cám dỗ mông muội làm tôi nhớ đến những đốm lân tinh trong khu vườn thời thơ ấu của mẹ tôi.

Tôi tập cho mình một thói quen. Sau khi thức giấc, tôi nằm yên chừng mười phút rồi bật dậy làm vệ sinh. Xong, mặc quần soọc, áo thun, xỏ đôi tennis shoes, mở nhạc từ iPhone, nhét tai nghe, rồi xuống đường đi bộ.

Tôi đổi lộ trình, đi dọc theo con đường nằm men theo bờ lạch, thay vì đi về hướng ngôi chợ có bà già ngồi chờ tôi dưới cột điện để bán kẹo cao su. Bông súng tươi hồng trồi lên mặt nước lềnh bềnh bèo rác. Loại hoa này mọc hoang, có những đoạn chúng nở bùng tràn lan. Tôi bỏ túi con dao nhỏ. Khi bắt gặp những đoá súng nằm gần bờ thì chồm ra cắt. Hôm nào cũng mang về được vài bông. Tôi cắm hoa vào chiếc bình sứ Nhật, đặt ở một góc phòng khách. Vài hôm sau hoa tàn, cánh rơi ra khỏi cuống. Tôi lười không buồn quét dọn. Dần dà dưới đất thành một tấm thảm, đầy cánh hoa dày. Có cánh đã khô, có cánh đang héo. Không khí trong nhà quánh lại, luôn có mùi ngòn ngọt. Thứ mùi thơm của sự úng rữa.

Một sáng nọ, trong khi đang lom khom vươn tay với tới một bông súng dưới ao, sát bên hàng rào, tôi nghe tiếng ong bay vù vù bên tai. Chưa kịp tránh, đầu tôi đau nhói lên như điện giật. Tôi bị ba mũi chích của thứ ong to bằng ngón tay, màu vàng. Tôi quơ tay chộp được một con, vò nát. Xác ong tươm ra một thứ chất nhựa dẻo, dinh dính bụi phấn.

Một mũi ong chích ngay giữa đỉnh đầu, một mũi bên màng tang phải, và một mũi sau gáy. Cơn đau nhanh, choáng, như điện giật làm tôi quỵ xuống. Tôi buông tay ôm đầu, con dao rơi tõm xuống ao nước. Tôi cố ngồi yên một lúc, định thần. Chóng mặt quá, mong có ai đi ngang để nhờ giúp nhưng không có ai cả. Tôi gắng gượng đứng dậy, loạng choạng từng bước, lê về nhà. Soi gương, thấy phần đầu bên trái vẫn là một lát cắt phẳng, phần bên phải hiện ra trong gương đang sưng ba mẫn đỏ tấy, tôi lấy khăn lạnh chườm lên rồi uống thuốc giảm đau. Tôi gọi phôn cho anh bạn là bác sĩ. Hắn bảo phải đi bệnh viện ngay, tôi ừ, nhưng lại nằm lỳ vì không thể chạy xe gắn máy mà cũng không muốn gọi taxi, cũng không biết có bệnh viện nào ở gần đây để đi, và nhất là ngại chuyện phải làm thủ tục nhập viện nhiêu khê.

Tôi nằm với cơn sốt hầm hập. Nằm trong phòng ngủ, mở máy lạnh ở độ thấp nhất mà vẫn thấy nóng. Tôi không gọi phôn, không liên lạc với ai, cũng không e-mail cho mẹ. Tôi không muốn ai nhìn thấy mình trong tình huống tệ hại như thế này. Tôi ăn tạm bánh mỳ lát và phô-mai Con bò cười và xì-dầu. Nằm vùi chán, khi hơi tỉnh thì tôi đi loanh quanh trong nhà. Xả nước đầy bồn tắm, tôi leo vào nằm, ngủ lơ mơ chừng dăm phút. Mở ti-vi lên nhưng không xem, chỉ cho có tiếng động. Tôi uống ba liều thuốc giảm đau và một liều thuốc an thần vào buổi tối. Cơn đau từ từ giảm.

Đầu tôi làm việc như một thứ máy được lập trình, chạy không ngừng. Nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, tôi bắt đầu lảm nhảm nói ra bất cứ ý nghĩ nào hiện ra trong đầu.

Buổi sáng ngày thứ tư sau khi ong chích, tôi ra đứng ngoài ban-công. Nắng chập chờn nhảy múa trong cơn hoa mắt, tôi tưởng như đang nhìn vào một ống kính vạn hoa. Bỗng nhiên, tôi nhận ra mình đang làm một điều kỳ dị. Tôi đang gào. Tôi đang chửi rủa, gào thét những điều vô nghĩa. Vào khoảng không. Tôi đang lảm nhảm gì vậy? Tôi khóc tức tưởi.

Tôi trở vào phòng ngủ. Tấm ra trắng một tuần chưa thay, bốc mùi chua, bẩn mắt. Tôi giật mạnh, lôi nó ra khỏi nệm. Cuộn lại. Bước trở ra ban-công. Tôi vung tay, ném.

Tấm ra bung xoè ra thành một vệt trắng. Bay theo gió, sáng lên trong nắng, nổi bật lên nền trời xanh. Bốc lên cao. Lượn lờ. Chao qua, chao lại. Bay xa. Qua con đường đắp dở dang. Qua những chiếc xe xúc, xe cẩu. Qua công trường. Trên rặng cây. Lượn lờ. Qua con lạch. Qua vạt ruộng xăm xắp nước. Hạ thấp dần, thấp dần. Nhỏ lại còn một vệt trắng bé xíu. Rơi xuống. Mất hút.

Ngay lúc đó, một cơn bão dấy lên vần vũ trên bầu trời. Những bông tuyết chấp chới. Tôi thấy mình đang lái chiếc Ford màu trắng sữa cua mẹ tôi, lái bạt mạng trên xa lộ vòng đai từ Virginia về Maryland. Những bảng chỉ đường thoắt hiện ra dưới cầu. Đường trơn. Bánh xe ma-sát mặt đường thật nhẹ. Nhấn còi. Giảm ga. Tăng ga. Lên cầu. Mở quạt nước. Mở máy sưởi. Mở nhạc. Bật đèn hiệu. Rẽ trái. Rẽ phải. Vượt đèn vàng. Thắng...!

Vùn vụt. Loạng choạng. Va đập.

Giờ này, địa cầu vắng ngắt. Địa cầu chỉ còn hai sinh vật. Một con dơi bay, và một con người nằm chờ sáng. Tôi biết, nó chính là con dơi từng được tôi phơi trên gờ tường. Và tôi, là một sinh vật nằm chờ sáng trong bộ não bé xíu của nó.

HẾT