Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Gặp nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Vũ Thành Sơn

Tôi gặp nhà văn Thụy Vũ lần đầu tại nhà riêng của nhà thơ Ý Nhi nhân một dịp bà ghé qua Sài Gòn. Cuộc gặp mặt có nhiều người tham dự, có đồng nghiệp và có cả người là học trò của bà trước kia.

Hôm ấy, khoảng tháng 9 năm 2017, bà nói nhiều chuyện, từ chuyện viết lách cho đến những giai thoại trong giới văn chương trước 1975 rồi dẫn đến cả những kỷ niệm đời sống riêng tư. Bà nói chuyện vui vẻ, hóm hỉnh cho dù trong tất cả những điều bà kể đều có bóng dáng những nỗi thất vọng, buồn bã, bất lực mà người nghe không khỏi cảm thấy ái ngại. Nghe bà kể bằng một giọng diễu cợt về những nỗi đau và số phận hẩm hiu của chính bà cứ như đang nghe bà nói về nỗi đau và số phận của một ai khác. Tôi nghĩ không dễ gì có thể tự trào được như vậy nếu bà không có một nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh và vượt qua cả chính mình.


Sau cuộc gặp gỡ lần đó, bà phát hiện mình ung thư, bị cắt 2/3 dạ dày.

Tôi vẫn thường tự hỏi cái gì làm cho một người thấy mình có nhu cầu phải cầm bút. Trả lời câu hỏi này cũng đồng thời trả lời cho câu hỏi kế tiếp vì sao mà nhà văn từ bỏ sáng tác. Trong trường hợp của Thụy Vũ, số phận hình như không định đoạt bà trở thành một nhà văn, mà là một cô giáo. Bà có viết lách nhưng là viết cho riêng bà. Người em trai của bà, Hồ Trường An, khuyến khích bà gửi đăng báo. Và bà đã xé từ trong cuốn sổ một truyện để gửi cho tờ Bách Khoa chỉ với mục đích là để kiếm thêm thu nhập cho đồng lương khiêm tốn của nghề giáo mà thôi. Nhưng (số phận nào cũng bắt đầu từ cái phản đề này), cái truyện đó đã lọt vào mắt xanh của nhà văn Võ Phiến.

Nhà văn Thụy Vũ đã bắt đầu một cách ngẫu nhiên như thế. Bà trở thành một trong những nhà văn viết feuilleton ăn khách nhất miền Nam trước 1975; có lúc, theo lời bà kể, bà phải ngồi viết ngay trong tòa soạn, có người chầu chực bên cạnh chờ bà viết được hai, ba dòng là lập tức cắt ngay mang ra chỗ sắp chữ in, bận rộn thậm chí cho đến trước lúc bà lâm bồn. Rồi bà xuất bản và đoạt giải thưởng văn học 1970. Viết lách bỗng chốc trở thành một guồng máy, Deus ex machina.

Nếu không có sự gợi ý của người em trai, nếu không có con mắt xanh của Võ Phiến, chúng ta sẽ không có một nhà văn Thụy Vũ. Điều đó cũng đã xảy ra với hơn một người. Với Dương Nghiễm Mậu, chẳng hạn. Nếu không có một Mai Thảo tình cờ moi trong đống bản thảo đã vứt vào sọt rác thì người ta có thể sẽ không có cơ hội để đọc những Ngày Đốn Cây Vú Sữa hay Gia Tài Người Mẹ sau này.

Sự ngẫu nhiên đã làm nên một nhà văn nhưng sự ngẫu nhiên cũng có thể giết chết một nhà văn.

Thật vậy, không ít người quan tâm đến sinh hoạt văn học Việt Nam không khỏi thắc mắc tại sao sau biến cố lịch sử 1975, hầu hết những nhà văn miền Nam đang trong thời kỳ sáng tác mạnh mẽ, sung sức nhất đều đồng loạt từ giã văn chương. Như những con cá bị ném ra khỏi cái ao làng quen thuộc vào một đại dương mênh mông sóng dữ, họ chưa qua khỏi cơn choáng váng? Không có ánh sáng nào mà không đến từ ngọn lửa, văn chương hay nghệ thuật nói chung, cũng đều như vậy. Có phải đó là tình trạng chung của các nhà văn sống dưới chế độ toàn trị hay Việt Nam là một trường hợp cá biệt?

Nhưng tại sao cũng ở trong cùng một hoàn cảnh mà Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky, Milan Kundera, Cao Hành Kiện vẫn có thể tiếp tục sáng tác trong điều kiện lưu vong, hay một Herta Müller không thể bị bóp nghẹt tiếng nói ngay dưới ách cai trị của Nicolae Ceaușescu?

Lần thứ hai tôi đến thăm nhà văn Thụy Vũ để tìm câu trả lời cho những ý nghĩ đó.

Từ vài hôm trước Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thông báo cơn bão số chín Usagi sẽ đổ bộ thẳng vào Sài Gòn và các tỉnh miền Tây; sức gió vùng gần tâm bão dự kiến sẽ từ 75km lên đến 100km/giờ, mưa rất to và có cả lốc xoáy. Chưa khi nào Sài Gòn biết đến một cơn bão dữ như thế. Mưa đã rơi từ đêm trước và tiếp tục rơi vào sáng sớm hôm sau. Nhưng khi xe lăn bánh ra khỏi thành phố và càng đi xa về hướng miền Đông, trời càng sáng đẹp. Chúng tôi đã bỏ lại cơn bão sau lưng mình.

Sau những lạc đường, dò dẫm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà. Một cửa hàng ở mặt tiền đường bán đồ sành sứ, hoa lan, nằm trên một cái dốc nhộn nhịp xe khách liên tỉnh qua lại, nhìn sang một cơ quan kiểm lâm. Cửa hàng là của các con bà, còn thế giới của bà ở phía sau, tận trong cùng. Trời đẹp và Usagi vẫn còn rất xa.

Nhà văn Thụy Vũ tiếp chúng tôi trong phòng khách; giữa những đồ trần thiết bằng gỗ mun khảm xà cừ lấp lánh từ một thời quá vãng nào đó, hoành phi, câu đối, tủ thờ và dưới bóng những bức ảnh Phật từ bi. Ngồi ở đây, trong vùng tranh tối tranh sáng, chúng tôi không nghe thấy một tiếng động nào từ bên ngoài vọng vào. Cuộc đời trần trụi, khốc liệt thuộc về ngoài kia; ở đây là hồi ức, bóng tối và cầu nguyện.

Sau cơn bạo bệnh, nhà văn Thụy Vũ so với lần đầu tôi gặp đã gầy đi rất nhiều. Nhưng ánh mắt bà vẫn còn tinh anh lắm, giọng nói bà vẫn khoẻ khoắn và sự hài hước dường như không hề mất đi trong nụ cười của bà. Bà tiếp tục kể cho chúng tôi nghe những giông tố một thời của đời bà cũng vẫn với một thứ tự trào duyên dáng, từ chuyện dạy tiếng Anh cho những cô gái điếm để kiếm thêm tiền và để có tư liệu cho công việc sáng tác của một nhà văn đến chuyện bà chứng kiến tận mắt cảnh phá thai của họ, hay chuyện bà phải hành nghề bói toán, bán bánh cuốn, soát vé xe độ nhật…Đó cũng chính là thế giới nhân vật trong những tiểu thuyết của bà, những nhân vật của một thời tao loạn, phân ly, chưa sống trọn cuộc đời bi kịch của mình nhưng đã buộc phải kết thúc trên những giá sách phủ đầy bụi bặm lãng quên của lịch sử. Tôi đọc Khung Rêu, chợt nghĩ bên cạnh những nhà văn của mọi thời, còn có những nhà văn của chỉ một thời; họ như ngọn lửa cần được khai quật và thắp sáng lại.

Thụy Vũ nói bây giờ mỗi ngày bà ngồi dưới những bức ảnh Phật tụng niệm; cái chết đối với bà không có gì đáng sợ mà thật tự nhiên và gần gũi. Bà chỉ nghe những âm thanh của cuộc đời ngoài kia bằng một lỗ tai.

Chúng tôi chia tay Thụy Vũ. Bà chống gậy ba chân, tiễn ra tận cổng. Mưa bắt đầu đổ. Bóng bà mờ nhòe qua cửa kính xe. Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh người đàn bà già nua bệnh tật của Albert Camus ngồi một mình sau cánh cửa sổ trong căn phòng tối thui lắng nghe tiếng chân những người khách vừa đến thăm bước đi xa dần trên đường phố nhộn nhịp sáng đèn và tự trả lời cho câu hỏi một nhà văn đã chết như thế nào của chính mình.

Càng tiến về thành phố mưa càng dữ dội. Nước mênh mông trắng xóa. Chúng tôi đang đi vào trung tâm bão.

Nhưng ngày mai bão sẽ hết, mặt trời sẽ trở lại soi sáng. Mặt trời sẽ sưởi ấm cho tất cả chúng ta, kể cả những bộ xương khô (Albert Camus).