Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Ác Mộng*

T.Vấn

clip_image002[4]

1.

Giáng Sinh 1984, hơn một năm sau khi được thả khỏi nhà tù thế kỷ có tên gọi là Trại Cải Tạo, tôi lại quay trở vào nhà tù một lần nữa. Lần này là một nhà tù đúng như tên gọi, không màu mè “tập trung cải tạo”. Lý do rất đơn giản, tôi và người bạn gái (sau này là mẹ của các con tôi) đang ngồi uống cà phê ở một quán cóc lề đường Tô Hiến Thành (Sài Gòn), thì một nhóm công an sắc phục ập vào xét hỏi giấy tờ của những người ngồi trong quán. Đến lượt tôi, một anh (hình như là trưởng nhóm) cầm tờ giấy ra trại (tức lệnh tha ra khỏi tù) của tôi, nói với vẻ giễu cợt: “Sĩ quan ngụy à? Thế thì lại được nhà nước nuôi thôi!”. Nói xong, anh ta gấp tờ giấy trên tay nhỏ vừa đủ để cho vào trong túi áo của mình. Tôi hiểu ngay mình sẽ lại được sống thực những cơn ác mộng thường gặp trong hơn một năm sau khi ra khỏi trại tù Z30A Xuân Lộc. Đêm hôm đó, khi bước chân vào phòng tạm giam của đồn công an quận 10 (Sài Gòn), cánh cửa sắt nặng nề vừa khép lại sau lưng, tôi giật mình nghe một tiếng quát “Cởi hết quần áo ra!”. Định thần lại, nhìn ra một tay có vẻ đầu gấu ngồi ngay cửa ra vào mặt hằm hằm nhìn tôi. Đã từng có dịp ở chung trại với bọn tù hình sự ngoài Bắc, tôi biết ngay vai vế của vị đầu gấu vừa quát tháo. Và tất nhiên tôi ngoan ngoãn, cởi hết quần áo theo lệnh rồi ngồi xuống đối diện “anh” trưởng phòng, một thằng tù nặng án, cũng là một ông vua đằng sau cánh cửa phòng giam.

Cũng từ đêm hôm đó, nằm thao thức không ngủ bên cạnh tay đại bàng trưởng phòng – một thằng tù mà số năm tù thâm niên thua tôi, nên đã “cho phép đàn anh” được nằm bên cạnh – tôi biết rằng rồi đây những cơn ác mộng nhà tù sẽ không bao giờ buông tha mình cho đến ngày chết. Vì ngay lúc này đây, cơn ác mộng là sự thực, là cái nóng kinh khiếp, là hơi người ngột ngạt, là một tương lai đen ngòm trước mặt, là bằng chứng không thể chối cãi của ác mộng. Đêm đen và con quái vật nhà tù há cái họng đầy máu nuốt chửng lấy tôi.

Thực hay Mộng? Tôi tự bảo mình, có gì khác biệt đâu mà hỏi.


2.

Những ngày cuối năm 2018 tại một miền đất rất xa, xa lắm, với tuổi đời đang ở chặng cuối của “tương lai đen ngòm” ngày xưa, tôi nhớ đến câu chuyện cũ của 34 năm trước và những cơn ác mộng vẫn còn thỉnh thoảng xảy đến, tuy nhịp độ có thưa thớt hơn và mồ hôi toát ít hơn.

Nhưng ác mộng vẫn còn đó. Không thể thoát. Không bao giờ thoát.

Vì thế, cầm tập thơ “Ác Mộng” của nhà thơ Hoàng Hưng trên tay, chưa mở ra đọc, chỉ mới nhìn hình ảnh người ngồi một mình trong bóng đêm đen thẫm trên bìa sách, tôi đã nghĩ ngay đến những cơn ác mộng của chính mình.

Không chỉ ác mộng, mà còn cả chuỗi ngày tù dài dằng dặc hiển hiện. Và hình bóng những bạn tù. Kẻ đã chết. Người còn sống lây lất đâu đó, cũng ngồi một mình trong bóng đêm. Chốn quê nhà. Nơi quê người. Như Hoàng Hưng. Như những kẻ đã từng sống qua những nhà tù cộng sản. Và may mắn sống sót trở về.

Cứ như thế cho đến khi đêm già dần, dãy đèn Giáng Sinh xanh đỏ trước cửa nhà tắt ngấm tự bao giờ và chai rượu vơi quá nửa. Tôi nhủ thầm đêm đã đủ đen, đầu óc đã đủ mụ mẫm, để bắt đầu lần giở những trang sách có cái bìa đen như đêm và hàng chữ trắng chập chờn như bóng ma trơi…

Bước “vào” là những câu thơ tiên tri (từ ngày ấy). Gọn. Sắc.

Chỉ một bước một giây

Bước qua cánh cửa này

Kiếp người đã xa lắc

(Vào – Hoàng Hưng)

Và âm thanh lạnh tanh:

Giật mình nghe tiếng quát

Cởi hết quần áo ra!

(Vào – Hoàng Hưng)

Kế tiếp là việc phải làm, không chỉ một lần, hai lần, mà nhiều lần, nhiều đến độ không thèm nhớ, không thể nhớ, vì giấy thì trắng mênh mông và những con chữ tự khai nặng oằn vai:

Tự khai

Sa mạc giấy

Lạc đà chữ

Chỉ vẩn vơ một bóng dáng vô hình

(Một ngày – Hoàng Hưng)

Cứ thế, hết ngày rồi đêm:

Một vuông tường một thế giới

Một giấc ngủ một đời người

(Chớp mắt – Hoàng Hưng)

Đêm em về trắng toát thời thơ ấu

Đêm mẹ về chẳng nói lại đi

Ở đây gần đất xa trời

Ngủ là sum họp với người cõi âm

Tỉnh ra là chết âm thầm

Xi măng lạnh, mấy chứng nhân thạch thùng

(Gần đất xa trời – Hoàng Hưng)

Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Tháng rồi Năm. Năm rồi hết. Rồi cũng đến ngày:

Người về từ cõi ấy

Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy

Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui

Hai năm còn mộng toát mồ hôi

Ba năm còn nhớ một con thạch thùng

Mười năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối

(Người về - Hoàng Hưng)

Và đây là điều đáng sợ nhất vẫn còn theo với “người về” suốt đời, vì:

Sợ quá những giấc mơ cứ thành sự thật

Đêm không dám ngủ mắt như đèn

(Những ác mộng của em – Hoàng Hưng)

Ác mộng nào cứ thành sự thật?

Ác mộng thấy mình lại quay vào nhà tù mà không biết tại sao.

Ác mộng thấy mình lại đi trên con đường bị vây bủa kín mít bởi chó và công an.

Và những cánh cổng trại giam quen thuộc đến độ tưởng đó là cánh cửa nhà mình (hay nhà mồ?)

Bao giờ ác mộng chỉ là ác mộng

Của anh và của em?

(Những ác mộng của em – Hoàng Hưng)

3.

Tôi đọc “Ác Mộng” của Hoàng Hưng mà cứ tưởng như anh viết hộ những tâm tư của mình, của những người đã từng bước chân vào nhà tù cộng sản, những người tù không án, không tội trạng cụ thể. Những trang thơ Hoàng Hưng gợi lại một quãng đời tù năm xưa tưởng xa lắc xa lơ nhưng không phải vậy. Nó vẫn ở ngay bên cạnh mình, chỉ chờ dịp để ngóc đầu dậy, để biến những giấc mơ đẹp thành cơn ác mộng.

Ngôn ngữ của “Ác Mộng” khô khốc. Lạnh tanh. Không cảm xúc.

Khô khốc. Như tiếng khóa cửa phòng giam mỗi chiều sau giờ điểm danh đếm tù của cai tù trực trại.

Lạnh tanh. Như mặt sàn xi măng với chỉ một tấm vải cũ nát trải trên đó thay cho chiếu.

Không cảm xúc. Như những nỗi tuyệt vọng đến đỉnh điểm thì trơ khấc. Như ngày được gọi tên tha về, có kẻ chỉ thốt lên được hai chữ vừa khô, vừa lạnh: “Về à?”.

Không cảm xúc mà đầy ắp cảm xúc. Thứ cảm xúc khiến phải nuốt ực vào trong lòng. Nếu còn muốn sống sót mà trở về.

Những ai muốn đọc “Ác mộng” để “thưởng thức thơ” theo ý nghĩa thông thường, sẽ thất vọng.

Riêng tôi, đọc “Ác Mộng”, để muốn được bắt chước tác giả tập thơ “tống tiễn chúng [những cơn ác mộng] như tống tiễn các vong hồn, để quên chúng đi mãi mãi, cho chúng đừng đè nặng hai vai mình để tôi được thanh thản bước đi trên con đường hoàng hôn (của đời mình).

Trong tập “Ác Mộng” còn trích đăng những nhận xét về tập thơ của Hoàng Hưng từ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu, chỉ thiếu “[chuyên gia] nhà tù”. Hầu như mọi nhận xét đều chỉ chú trọng đến tính cách “văn học thuần túy”, đến khía cạnh “nhân văn” một kiếp người, tổng thể hóa thành nhiều kiếp người (theo cách những nhà ấy cảm nhận tác phẩm).

Thế nên, tôi thấy mình đồng cảm nhất với nhận xét của nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả Về Kinh Bắc – mà bản thảo viết tay của tập thơ phản động này công an đã khám thấy trong người Hoàng Hưng một buổi chiều tháng 8 năm 1982 là nguyên nhân chính khiến Hoàng Hưng phải vào tù:

Một tập thơ căng mọng sự thật. Mỗi chữ mỗi dòng đều từ sự thật mà ứa ra, bật ra, bung ra. Những con chữ vỡ, nổ.

Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã cho tôi được dịp “đối diện” với những ác mộng của mình. Dù ông và tôi vào tù vì những nguyên nhân khác nhau, với những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, nhưng trong nhà tù cộng sản, thằng tù lương tâm nào cũng giống nhau; ra khỏi nhà tù cộng sản, thằng tù lương tâm nào cũng giống nhau.

T.Vấn

Mùa Giáng Sinh 2018

*Ác Mộng, tập thơ của Hoàng Hưng, Văn Học xuất bản 2018.