Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Thảo luận: Nhà văn trước sự suy đồi của xã hội (bài 2) – Nhà văn – công dân và trách nhiệm xã hội

Nguyễn Viện

image

1. TẠI SAO TÔI VIẾT?

Trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc trên VOA cho chuyên đề về văn chương Nguyễn Viện do tạp chí Tiền Vệ thực hiện, tôi đã trả lời cho câu hỏi đó đại khái như sau:

“Nếu không viết, chắc tôi sẽ đứt gân máu chết.”

Giờ đây, tôi nói thêm:

“Nếu không viết, tôi sẽ bị nổ tung.”

Xem ra, sau hơn 10 năm, tâm trạng của tôi không hề khác. Cũng có thể nói, kể từ khi cầm bút viết, như một nhà văn tự do, trạng thái cầm bút của tôi không hề thay đổi.

Đây là tâm trạng chung của những người viết văn Việt Nam hiện nay hay chỉ có tôi như thế?

Một điều chắc chắn rằng, tôi không thể trả lời thay cho bất cứ ai, dù là người đồng thời. Mỗi một nhà văn, đứng trước trang viết của mình, hay đối diện với chính mình, cũng chính là cách anh ta đối diện với cuộc sống hiện tại và với lịch sử vừa như một nạn nhân, vừa như kẻ đồng loã. Không thể vì bất cứ lý do gì, anh ta có thể thoái thác chỗ đứng hay hiện hữu của mình. Bởi thế, quan tâm đến chính trị hay tránh né chính trị đều là một thái độ chính trị. Nó định nghĩa tư cách làm người của anh.

Một điều chắc chắn khác, xã hội Việt Nam hiện nay không thể nói khác rằng, nó đang suy đồi, một cách trầm trọng, trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống. Bạn có trách nhiệm với nó không? Hay chỉ có Đảng và nhà nước chịu trách nhiệm?

Phần tôi, có thể nói ngay rằng, với tư cách một nhà văn, tôi có trách nhiệm. Thậm chí, tôi cảm thấy cái trách nhiệm ấy nặng nề hơn. Bởi vì, tôi cũng là một trí thức. Tôi là một nghệ sĩ. Tôi sống không chỉ cuộc sống của cá nhân tôi, mà tôi còn sống với cái vui buồn của con người.

Tôi có gặp khó khăn với chính quyền không?

Tôi không là ngoại lệ.

Tôi đã bị đuổi việc nhiều lần. Cũng như không kể hết những lần phải làm việc với các nhân viên an ninh, từ quán cà phê đến cơ quan an ninh điều tra khét tiếng ở số 4 Phan Đăng Lưu. Có một điều tưởng như tử tế nhưng đầy tính hăm dọa là công an luôn nhắc nhở, đừng làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái.

Tôi phải nói thật, mỗi lần làm việc với an ninh, dù là uống cà phê hay tại trụ sở cơ quan công an, dù là các anh chị an ninh luôn đối xử với tôi một cách đúng mực, lịch sự… tôi vẫn luôn cảm thấy bị tổn thương. Bởi đó là sự xúc phạm đến sự công chính, lẽ phải và lương tâm con người.

Tất nhiên, tôi cũng phải thừa nhận, dân chủ và những tiếng nói phản biện trong xã hội Việt Nam có tiến bộ so với vài chục năm trước đây. Cho dù sắp tới, luật an ninh mạng sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm 2019, sẽ có bắt bớ nhiều hơn, bị kết tội nặng hơn, nhưng tôi tin rằng xu thế dân chủ hóa là một quá trình không thể đảo ngược. Không ai ngăn cản được sự thức tỉnh của nhân dân.

Sự suy đồi trong xã hội như nó đang tồn tại, trước hết nó phô bày cái suy đồi của nhà văn cũng như của những người mang danh trí thức. Tác phẩm, tự thân đã là một tấm gương soi phản ánh thực tại. Thực tại ấy, cho dù là hiện thực hay viễn mơ, nó cũng là căn cước của người sản sinh ra tác phẩm. Với tôi, đây là một bi kịch của những người viết văn Việt Nam vì chính những điều lẽ ra chúng ta không phải bận tâm tới, như tự do hay phẩm giá. Chúng ta phí phạm không ít năng lượng vào những việc phải đối phó với nỗi sợ hãi của mình.

2. TẠI SAO TÔI VIẾT NHƯ THẾ?

Chọn một cách viết, cũng có nghĩa là chọn một thái độ, một tâm thế và một cảm quan văn học. Tuy thế, tôi không bao giờ định trước được cách viết. Tự mỗi tác phẩm hay câu chuyện có nhu cầu hiển lộ theo cách riêng của nó.

Ở Việt Nam hiện nay, văn chương đương đại mang tính phản kháng vẫn thường song hành với một tinh thần cách tân. Nói chung, nó thường được gán cho cái mác “hậu hiện đại”. Tôi không phủ nhận bút pháp hậu hiện đại chưa bao giờ nó lại thích hợp với các trạng thái xã hội cũng như nhu cầu trình bày của nhà văn Việt Nam hiện nay đến thế.

Với riêng tôi, tôi vẫn muốn đi xa hơn cái đã được biết tới. Vì thế, viết với tôi còn là cách định hình một thế giới. Như tôi có thể nghĩ về nó. Viết là một khả thể của sáng tạo. Viết cũng là hủy diệt một hiện hữu.

Tôi gọi văn chương ấy của mình là “hậu hiện sinh” theo cách tôi nhận thức về hiện hữu. Một hiện hữu tồn tại như một quá trình, nó vừa thấm đẫm quá khứ, vừa dự phóng một tương lai. “Hậu hiện sinh” vừa là hiện thể vừa là khả thể. Là trần gian với cả thiên đàng và địa ngục.

Trong ý thức “hậu hiện sinh” như thế, thời gian và không gian trong tác phẩm tôi trở nên bất định. Phi tuyến tính. Phi lịch sử. Viết trở thành một nỗ lực tuyệt vọng trước sự thật. Vì thế, tôi từ chối cách nói giả định, giả thể, ví von hay những bản thế vì cho sự thật. Để gần hơn với sự thật, tôi luôn sử dụng ngôn ngữ một cách trực diện và đời thường dung tục như nó vốn là thế.

Tôi bị coi là người viết trần trụi, tục tĩu và phạm thánh.

Trong bối cảnh của xã hội độc trị, nhìn đâu cũng thấy tường chắn, bạn sẽ phải làm gì? Hoặc bạn phải nhảy qua tường, hoặc đập bỏ nó, nếu bạn muốn sống như một con người tự do. Có thể với tôi, chỗ nào nhảy được thì nhảy, không nhảy được thì đập bỏ. Đấy là cách tân hay cách mạng, từ ngôn từ tới bút pháp và tư tưởng. Cũng với tôi, nội dung quyết định hình thức. Đồng nghĩa với việc tôi từ chối các trào lưu. Tôi tự tạo một không gian riêng, một khí quyển riêng. Trong đó, các nhân vật của tôi thường vô danh một cách phổ quát, như đám đông, như cuộc sống. Người ta không thể tìm thấy những nhân vật kinh điển, mẫu mực của thiện – ác. Cách định hình nhân vật của tôi, do đó giống như một hồ sơ trong một cơ chế mà nhất thiết mọi hành vi của con người đều được qui về những nhóm đối tượng trong hệ thống quản lý. Điều đó có nghĩa là tôi đang mô tả một xã hội thiếu vắng tự do và nhân quyền. Điều đó cũng giải thích tại sao tôi luôn chọn đề tài chính trị và tình dục. Chấp nhận đương đầu với cái “nhạy cảm” hình sự.

Tôi từng bị cơ quan an ninh qui kết vi phạm điều 87 và 88 Bộ luật Hình sự, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và tuyên truyền chống chế độ. Thật ra, trong xã hội này, nếu bạn chỉ nói sự thật thôi, thì bạn chí ít cũng sẽ vi phạm hai điều luật trên, một khi chính quyền muốn kết tội bạn.

Như thế, sự thật không chỉ thách thức nhà văn về khả năng mô tả mà còn thách thức lương tri của một công dân. Nhà văn trở thành một nghề hiểm nghèo mà kiếm cơm thì không dễ, kiếm danh lại càng khó. Điều gì đã khiến họ không buông bút? Có thể có câu trả lời khác “đã mang lấy nghiệp vào thân” như Nguyễn Du?

Nhưng tại sao lại là chính trị và tình dục mà không phải cái gì khác cho nó lành? Trước hết, với tôi đó là hai lãnh vực giàu có bất tận về chất liệu. Đặc biệt như Việt Nam, một quốc gia đang chuyển đổi từ độc tài phong kiến cộng sản sang dân chủ đa nguyên, trong tâm thế bất định của cả chính quyền và nhân dân. Sự khủng hoảng các giá trị diễn biến từ căn gốc văn hóa đến các hình thái sinh hoạt xã hội. Trong đó, chính trị và tình dục cũng biến động, thậm chí có phần khốc liệt hơn, nhiều bi kịch hơn. Và hiển nhiên nó cũng hấp dẫn hơn bất cứ đề tài nào khác. Hơn nữa, đó là sự chọn lựa để tôi bày tỏ thái độ, là cách tôi tấn công vào sự cấm kỵ, phá vỡ các rào cản. Cách tôi tuyên xưng tự do.

Liệu một nhà văn không có tự do suy tưởng và bày tỏ theo chính kiến riêng biệt của mình có còn là một nhà văn?

Tất nhiên, câu trả lời này tùy thuộc vào cách bạn chọn lựa thái độ sống và chuẩn mực làm người của mình. Nhưng dù thế nào, tôi tin rằng chỉ có thể có sáng tạo và phẩm giá khi con người tự do.

10/2018