Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Phải sống (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN 1 (tiếp theo)

Ông ta sợ tôi, tôi thừa biết. Mỗi lần tôi cưỡi kỹ nữ đi qua cửa hiệu là tay chân ông nhạc tôi bỗng cực kỳ nhanh nhẹn hẳn lên, ông giống con chuột chũi đào đất lủi rất nhanh vậy, thoáng cái đã lẩn vào buồng trong. Ông không dám dàn mặt tôi, nhưng là con rể, đi qua nhà bố vợ, chẳng lẽ không chào lấy một tiếng nhỉ. Tôi bèn ong óng cái họng, chõ vào tận trong buồng, hỏi thăm sức khỏe ông nhạc đang lủi trốn.

Mát mặt nhất là lần nọ, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Quốc dân đảng chuẩn bị vào thành thu hồi đất bị tạm chiếm. Hôm đó vui ghê đi, hai bên đường trong thành phố đứng sẵn bao nhiêu là người, tay đều cầm cờ xanh đỏ tím vàng, các cửa hiệu đều treo cờ Thanh thiên bạch nhật, trước cửa hàng gạo nhà bố vợ tôi còn treo cả một bức ảnh Tưởng Giới Thạch to bằng hai cánh cửa, ba người bán hàng thuê cho cửa hàng đều đứng dưới túi áo bên phải của Tưởng Giới Thạch.

Hôm đó, tôi vừa thua một trận bạc lớn, cả đêm không gỡ được ván nào, đầu óc đang nặng chình chịch như phải đội cả một bao tải gạo, tôi nghĩ có đến nửa tháng mình chưa về nhà rồi, áo quần trên mình đã bốc mùi chua khẳn, tôi bèn lôi xềnh xệch cô ả kỹ nữ từ trên giường xuống, bắt phải cõng mình về nhà, lại gọi một cỗ kiệu đi theo, để sau khi cô ta cõng tôi về tới nhà, thì cho ngồi kiệu trở về lầu xanh.

Cô kỹ nữ lầu bà lầu bầu cõng tôi đi về phía cửa thành nói nào là trời đánh còn tránh giấc ngủ, vừa mới chợp mắt đã bị tôi gọi dậy, bảo tôi bụng dạ đen tối như mực ấy. Tôi lấy một tờ giấy bạc nhét ngay vào ngực cô ta, thế là bịt ngay được miệng cô ta lại. Vào giữa cổng thành thì nhìn thấy bao nhiêu là người đang đứng hai bên, tinh thần tôi bỗng chỗ vui vẻ hẳn lên. Ông nhạc tôi là Hội trưởng Hội buôn bán trong thành, từ rất xa tôi đã thấy ông đứng giữa lòng đường hô hào:

- Tất cả đều đứng cho hẳn hoi, đứng cho đàng hoàng đấy, đợi khi Quốc quân vừa tới là mọi người đều phải vẫy tay, đều phải hoan hô nghe chưa!

Có người nhìn thấy tôi, liền cười nhăn nhở, hò lên:

- Đến rồi, đến rồi.

Ông nhạc tôi lại tưởng Quốc quân đã đến, vội vàng nhảy phắt sang một bên. Tôi thúc hai chân vào hai bên hông kỹ nữ như người thúc ngựa, bảo cô ta:

- Chạy đê, chạy đê.

Trong tiếng cười đùa ầm ỹ của mọi người, kỹ nữ nhón chân xong xóc chạy, miệng mắng tôi:

- Đêm thì đè người ta, ngày thì cưỡi người ta, bụng dạ thật đen như mực, bắt người ta chạy đến chết à.

Tôi nhếch miệng, gật đầu chào lia lịa với đám người đnag cười tếu táo nọ, khi tới gần chỗ ông nhạc, tôi nắm tóc kỹ nữ giật tung lên:

- Đứng lại, đứng lại.

Cô ta ai dà một tiếng, đứng khựng lại, tôi lớn tiếng nói với nhạc phụ:

- Nhạc phụ đại nhân, con rể xin gửi lời thăm nhạc phụ.

Lần đó thì quả thật tôi đã làm cho ông bố vợ không còn một chút mặt mũi nào nữa, ông đứng đực mặt ra ở đó, môi ông rung bần bật, hồi lâu mới nói khan khan:

- Ông cố tổ, ông đi đi cho.

Giọng nói không còn nhận ra được là giọng của chính ông nữa. Đàn bà nhà tôi, Gia Trân, tất nhiên biết rằng tôi đã làm tất cả những trò nhắng nhít trên thành phố. Gia Trân là một người đàn bà tốt, kiếp này tôi lấy được Gia Trân, người vợ hiền thục khôn ngoan thế này là do kiếp trước cả đời đã làm chó má chăm chỉ sủa lắm mới đổi được đấy. Đối với tôi, Gia Trân trước nay đều chỉ một mực chịu đựng, tôi quấy nhiễu gây sự ở bên ngoài thế nào cô ấy đều bấm bụng thở dài, chẳng bao giờ nói gì tôi, y như mẹ tôi.

Tôi ồn ỹ trong thành phố kể cũng hơi quá đáng, trong lòng Gia Trân tất nhiên đã như có mớ bòng bong, sôt ruột không thể yên ổn được. Một hôm tôi từ trong thành đi về nhà, vừa mới ngồi xuống, Gia Trân đã cười tủm tỉm, dọn ra bốn món thức ăn đặt trước mặt tôi, lại rót đầy rượu cho tôi còn mình ngồi xuống bên cạnh để hầu hạ tôi ăn uống. Cái điệu cười tươi rói của cô ấy khiến tôi cảm thấy kỳ quái, không biết cô ấy gặp được việc gì hay, tôi nghĩ tới nghĩ lui mãi vẫn không nghĩ ra hôm nay là ngày gì. Tôi hỏi, cô ấy không nói, cứ cười tươi rói mà nhìn tôi.

Bốn món ăn kia đều là món rau, Gia Trân làm ra bốn kiểu khác nhau, nhưng ăn đến bên dưới thì, vẫn thấy có một miếng thịt lớn to suýt soát bằng nhau, tôi ngớ ra một chút, rồi cười hắc hắc lên. Tôi hiểu ý tứ của Gia Trân, cô ấy dạy khéo tôi đấy: đàn bà nhìn bên ngoài thì chẳng ai giống ai, nhưng rốt cục thì bên dưới cũng giống nhau cả thôi. Tôi nói với Gia Trân:

- Cái lẽ đó tôi cũng biết đấy.

Về lý lẽ thì tôi biết, nhưng nhìn thấy những người đàn bà khác nhau, thì bụng tôi cứ như phải nghĩ khác, không thể nghĩ như nhau được, biết làm thế nào.

Gia Trân là người đàn bà như thế đấy, trong lòng bất mãn với tôi, nhưng ngoài mặt không để cho tôi thấy, làm mấy món thức ăn đó để lòng vòng nhắc nhẹ tôi thôi. Tôi thì cứng mềm gì cũng cứ trơ trơ, giày vải của bố tôi cùng những mấy món rau trên thịt dưới của Gia Trân cũng không buộc được chân tôi, tôi vẫn thích chạy ra thành phố, vẫn thích chui vào nhà chứa. Chỉ mỗi mẹ tôi là biết bụng dạ bọn đàn ông chúng tôi nghĩ gì, bà nói với Gia Trân:

- Đàn ông đều là giống mèo, lúc nào chả thèm mỡ.

Câu nói của mẹ tôi không chỉ để giải thoát cho tôi, mà còn bóc tuột mẽ của cha tôi nữa. Cha tôi ngồi trong ghế bành, nghe câu nói đó, mắt ông liền lim dim vào chỉ còn như sợi chỉ vắt ngang và cười hấc hấc một hồi. Khi còn trẻ cha tôi cũng chẳng phải tay vừa, khi về già không nhấc nổi chân tay nữa, mới bắt đầu đứng đắn lên.

Tôi đánh bạc, cũng đánh ngay trong lầu xanh, tôi thường đánh mạt chược, bài cửu hoặc đổ quân xúc xắc. Tôi hễ đánh là thua, càng thua thì lại càng muốn gỡ cho được hơn trăm mẫu ruộng mà hồi trẻ cha tôi đã đánh mất. Lúc đầu khi thua bạc, tôi móc tiền túi ra trả tại chỗ, hết tiền thì ăn trộm đồ nữ trang của mẹ tôi và Gia Trân, đến cả vòng vàng của con gái Phượng Hà cũng bị thua gán, mất tiêu vào đó luôn. Sau rồi dứt khoát đánh theo cách ghi sổ nợ. Chủ sòng và các con bạc đều biết gia cảnh của tôi, nên đồng ý cho tôi ghi nợ. Từ khi đánh bạc kiều đó, thì tôi không còn biết tôi đã thua mât bao nhiêu, các chủ nợ cũng không nhắc gì tôi, cứ ngày ngày âm thầm tính vào hơn trăm mẫu đất của nhà tôi.

Mãi sau giải phóng, tôi mới biết tất cả những người đánh thắng tôi dều là tay chân của chủ sòng, thảo nào tôi chỉ có thua mà không có thắng. Bọn họ đã đào sẵn một cái hố để cho tôi nhảy vào. Khi đó, trong lầu xanh có một ngài họ Thẩm, tuổi đã gần sáu mươi nhưng mắt còn sắc lẻm như mắt mèo, mình thường mặc áo dài màu lam, lưng còn rất thẳng, khi không lúc nào cũng ngồi trong một góc nhà, mắt nhắm nghiền như đang ngủ gật. Đến khi canh bạc ngày càng lớn, Thấm tiên sinh mới khẽ ho mấy tiếng, chậm rãi bước tới, tìm chỗ đứng xem, xem một lúc thì có người đứng lên nhường chỗ:

- Thẩm tiên sinh, mời ngồi đây.

Thẩm tiên sinh vén vạt áo dài, nói với ba con bạc khác:

- Xin mời.

Mọi người trong lầu xanh này chưa bao giờ thấy Thẩm tiên sinh bị thua. Đôi bàn tay gân xanh của ông ta lúc trang bài, chỉ nghe ào ào như tiếng gió, cỗ bài trong tay ông ta lúc dài lúc ngắn nảy lên sập xuống phần phật khiến tôi cứ hoa cả mắt.

Một lần uống rượu say, Thẩm tiên sinh bảo tôi:

- Đánh bạc là tất cả trông vào đôi con mắt với đôi bàn tay, mắt phải luyện cho sắc như móng vuốt, tay phải luyện cho trơn để luồn được như cá chạch.

Sau khi Nhật Lùn đầu hàng, Long Nhị đã đến, Long Nhị nói giọng nửa Bắc nửa Nam, chỉ nghe tiếng nói, cũng đủ biết con người đó không đơn giản chút nào, đã lặn lội không biết bao nhiêu đường đất, đã gặp đủ mọi loại người. Long Nhị không mặc áo dài, chỉ mặc một bộ đồ lụa trắng cùng đi với ông ta còn có hai người, giúp ông ta khiêng một chiếc rương to đan bằng cành liễu.

Canh bạc giữa Thẩm tiên sinh với Long Nhị quả thật là đặc sắc, phòng đánh bạc trong lầu xanh chen chật những người, Thẩm tiên sinh đánh với cả ba người của bọn Long Nhị. Sau lưng Long Nhị có một người chạy bàn, chuyên đứng để bưng một chồng khăn mặt bông hầu ông ta lau tay. Long Nhị chốc chốc lại lấy một chiếc khăn để lau. Ông ta chỉ lau bằng khăn khô chứ không lau khăn ướt, chúng tôi đều thấy có vẻ lạ lắm. Cái điệu bộ lau tay của ông ta trông cứ như người ta lau tay khi vừa ăn cơm xong vậy. Mới đầu Long Nhị toàn đánh thua, tuy thế trông ông ta vẫn có vẻ như chẳng hề hấn gì, cứ tỉnh rụi, nhưng hai người đi theo ông ta thì lại bực dọc khó chịu lắm, người thì lẩm bẩm chửi thế, kẻ thì thở dài luôn miệng. Thẩm tiên sinh thắng liên tiếp, nhưng trên mặt không hề đắc ý gì cả, ông ta cứ chau mày nhăn mặt như kẻ đang thua nặng. Đầu ông ta cúi xuống, mắt nhìn như đóng đinh vào tay Long Nhị. Thẩm tiên sinh đã cao tuổi, đánh bạc được nửa đêm thì bắt đầu thở dốc, trán vã mồ hôi, ông ta nói:

- Đánh ván này để phân thắng bại nhé.

Long Nhị lấy chiếc khăn tay cuối cùng trên khay, vừa lau tay vừa nói:

- Được thôi.

Họ đặt tất cả tiền lên trên mặt bàn, gần như kín hết cả, chỉ còn thừa một chỗ trống ở giữa bàn. Mỗi người nhận năm cây bài, sau khi lật bốn cây, hai người đi theo Long Nhị liền xịu mặt, đẩy bài ra, nói:

- Hỏng rồi, lại thua nữa.

Long Nhị vội vàng nói:

Chưa thua, các anh được rồi đấy.

Vừa nói, Long Nhị lật nốt cây bài cuối cùng, đó là cây “át pích”, hai người của Long Nhị vừa nhìn thấy liền cười hắc hắc lên ngay. Kỳ thực, cây bài cuối cùng trong tay Thẩm tiên sinh cũng là cây át pích, bài của ông ta là ba át với hai K, bài của bọn Long Nhị là ba Q với hai J. Long Nhị nhanh tay lật ra cây át pích khiến Thẩm tiên sinh sững người hồi lâu, mới thu mớ bài trong tay, nói:

- Tôi thua rồi.

Cây bài át pích trong tay Long Nhị và Thẩm tiên sinh đều tráo từ ống tay áo mà ra, một bộ bài không thể có hai cây át pích, Long Nhị đã tranh lật bài trước, Thẩm tiên sinh hiểu rằng chỉ còn cách nhận thua thôi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi trông thấy Thẩm tiên sinh bị thua, ông lấy tay đẩy bàn, đứng dậy, chắp tay thi lễ với bọn Long Nhị, quay mình đi ra cửa, đến cửa ông ta quay lại mỉm cười nói:

- Tôi già rồi.

Rồi không ai còn thấy Thẩm tiên sinh nữa, nghe nói hôm đó, trời vừa sáng, ông ta đã ngồi kiệu ra đi rồi.

Thẩm tiên sinh vừa đi, thì Long Nhị đã trở thành trùm đánh bạc ở nơi này. Long Nhị khác với Thẩm tiên sinh, Thẩm tiên sinh thì chỉ thắng không thua, Long Nhị thì thường thua những canh bạc nhỏ, những ván bạc lớn không thấy ông ta thua bao giờ. Tôi thường đánh bạc với bọn Long Nhị ở đây, có thua có thắng, vì vậy tôi cảm thấy mình chẳng thua bao nhiêu, kỳ thực những ván thắng của tôi chỉ là tiền nhỏ, còn thua thì là những món lớn. Tôi còn đang bị bưng bít, mơ hồ như ếch ngồi đáy giếng, cứ tưởng ngày một ngày hai là mình đã làm rạng rõ tổ tiên ngay được.

Lần đánh bạc cuối cùng của tôi có Gia Trân đến. Lúc ấy trời đã chạng vạng, sau này vợ tôi nói lại, chứ lúc đầu tôi hoàn toàn không biết trời còn sáng hay sắp tối. Gia Trân vác cái bụng chửa đến tìm, năm ấy con gái Phượng Hà đã lên bốn, con trai Hữu Khánh đang còn trong bụng mẹ mới được hơn sáu tháng. Tìm được tôi, Gia Trân không nói gì, quì ngay xuống trước mặt. Lúc đầu tôi không nhìn thấy vợ. Hôm ấy tôi rất may, mười con xúc xắc ném ra thì có đến tám chín con là số điểm của tôi. Ngồi đối diện tôi là một con bạc có tiếng tăm tên là Long Nhị. Anh ta rất biết chơi ném xúc xắc, người trong cuộc đều gọi anh ta là sư phụ xúc xắc. Song anh ta cũng đã đổ vào tay tôi, mồm anh ta ngậm thuốc lá cuốn, hai mắt lim dim như chẳng xảy ra chuyện gì, hai cánh tay xương xương, khi đẩy tiền ra cứ run bần bật. Tôi nghĩ bụng, Long Nhị ơi, mày cũng phải thua thảm hại một lần chứ. Người ta ai cũng thế, khi thò tay vào túi người khác móc tiền ra thì ai nấy cũng hớn ha hớn hở; đến lượt mình bỏ tiền ra, thì ai ai cũng mếu máo như đưa đám. Tôi đang vui vẻ thì có người kéo áo, cúi xuống nhìn thì ra là vợ mình. Thấy Gia Trân đang quì, tôi liền nổi giận, nghĩ bụng con trai mình chưa chào đời mà đã quì thế này thì không tốt lành lắm. Tôi liền giục Gia Trân:

- Đứng dậy, đứng dậy! Mẹ kiếp, đứng dậy cho ta xem nào!

Gia Trân còn biết nghe lời, đứng dậy ngay. Tôi bảo:

- Đến đây làm gì? Không mau mau xéo về đi.

Nói xong tôi phớt tỉnh cô ấy, nhìn Long Nhị cầm con xúc xắc trên lòng bàn tay lắc lư mấy cái như lạy Phật, vừa hất xuống sắc mặt anh ta đã tái đi. Nhìn thấy mình lại thắng, tôi bảo Long Nhị:

- Long Nhị ơi, cậu rửa tay đi đã.

Long Nhị cười hấc hấc, nói rằng:

- Thiếu gia lau miệng cho sạch rồi hãy nói chuyện.

Gia Trân lại giật giật áo tôi, tôi nhìn ra, cô ấy đã lại quì xuống nữa rồi. Gia Trân cố nói rất nhẹ nhàng:

- Anh về với em đi.

Bảo tôi đi về cới một người đàn bà ư? Gia Trân định bụng bêu xấu tôi chắc? Cơn cáu giận của tôi lại bốc lên, tôi nhìn nhìn bọn Long Nhị, bọn họ đều nhìn tôi mà cười, tôi gầm lên với Gia Trân:

- Cô cút về nhà cho tôi.

Gia Trân vẫn cứ nói:

- Anh về nhà với em.

Tôi đánh cô ấy hai cái bạt tai, đầu Gia Trân đung đưa qua lại như cái trống lắc của trẻ con chơi. Đã ăn bạt tai rồi mà cô ấy vẫn quì tại đó nói:

- Anh không về, thì em không đứng dậy đâu.

Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy đau lòng, khi còn trẻ tôi đúng là một thằng khốn nạn. Một người đàn bà tử tế như vậy mà tôi lại nỡ vừa đánh vừa đá. Tôi đánh dá thế nào, cô ấy cũng vẫn cứ quì như vậy không chịu đứng lên, cho đến lúc chính bản thân tôi cũng chẳng còn có hứng đánh nữa, Gia Trân thì đầu bù tóc rối bù xõa ra che lấp cả mặt, nước mắt ràn rụa. Tôi liền bốc một nắm tiền vừa được bạc, đưa cho hai người đang đứng hai bên để họ lôi Gia Trân đi, tôi nói với họ:

- Lôi đi càng xa càng tốt.

Khi bị kéo đi, hai tay Gia Trân khư khư ôm chặt cái bụng lồi ra, trong đó có con trai của tôi đấy, Gia Trân không kêu không gào một tiếng, bị kéo ra tận đường phố rồi bị vứt ở đó. Gia Trân phải vịn tường mà đứng lên, lúc đó trời đã tối hẳn rồi, một mình cô ấy lần đường về nhà. Sau này tôi hỏi cô ấy, chắc lúc đó cô ấy phải hận tôi đến chết được, cô ấy lặc đầu nói:

- Không đâu

Đàn bà nhà tôi lau nước mắt đi đến cổng cửa hàng gạo của bố cô ấy, đứng đó hồi lâu, nhìn thấy bóng cái đầu của ông bị ngọn đèn dầu hắt bóng lên tường nhà, cô ấy biết bố mình đang tính toán sổ sách. Cô khóc hu hu lên một hồi nữa rồi lẳng lặng rút đi.

Đêm hôm đó Gia Trân đã đi bộ hơn mười dặm đường tối om om để về nhà. Một thân một mình với cái bụng mang Hữu Khánh bảy tháng tuổi, dọc đường bao nhiêu là chó má, lại gặp một trận mưa như trút nước nữa chứ.

Trước đó mấy năm, Gia Trân vẫn còn là một nữ sinh. Khi đó trong thành đã mở lớp học ban đêm, Gia Trân mặc áo dài lụa trắng, xách một ngọn đén dầu nhỏ, đi đến trường cùng mấy người bạn gái. Tôi nhìn thấy cô ấy ở chỗ khúc đường ngoặt, cô uốn éo thân mình mà đi tới, đôi giày cao gót gõ trên con đường lát đá tảng lách tách như trời đang mưa, mắt tôi cứ trố ra để nhìn, Gia Trân lúc đó đẹp thật, mái tóc mượt mà dắt hai bên tai, khi bước đi, tấm áo dài vặn sang bên nọ, vặn sang bên kia, lúc đó tôi bèn nghĩ bụng, phải hỏi cô ấy về làm vợ.

Bọn Gia Trân cười cười nói nói ríu rít lướt qua mặt tôi, sau đó tôi mới hỏi một người thợ chữa giày ngồi ở bên đường:

- Đó là con gái nhà ai vậy?

Thợ giày nói:

- Là thiên kim nhà hàng gạo Trần Kỷ.

Về nhà một cái là tôi nói ngay với mẹ:

- Đi tìm một người làm mối ngay đi, con muốn lấy con gái ông chủ hàng gạo họ Trần.

Hôm đó, sau khi Gia Trân bị lôi đi, tôi bắt đầu xúi quẩy, thua liền mấy ván, đống tiền trước mặt trên bàn chất lên như quả núi con sắp bị hắt tuột đi như nước rửa chân đến nơi rồi. Long Nhị cứ cười hấc hấc mãi không thôi, bộ mặt trông cứ như muốn nứt toác ra. Lần đó tôi đánh mãi đến khi trời sáng, đánh đến nỗi đầu váng mắt hoa, dạ dày ợ lên mùi khó chịu. Ván cuối cùng, tôi đặt cọc một số tiền lớn nhất trong đời, lấy nước bọt rửa tay, nghĩ bụng sự nghiệp thiên thu trông cả vào một lần đổ xúc xắc này đây. Tôi đang định nhặt con xúc xắc lên thì Long Nhị đưa tay ngăn lại:

- Khoan đã.

Long Nhị vẫy một tên hầu bàn, nói:

- Lấy cho thiếu gia nhà họ Từ một chiếc khăn nước ấm.

Lúc đó những người đứng chầu rìa đám bạc đều đã đi ngủ cả, chỉ còn lại mấy người đánh bạc chúng tôi, hai người kia do Long Nhị đưa đến. Sau này tôi mới biết, Long Nhị đã mua chuộc được tên hầu bàn, khi hắn đưa khăn ấm cho tôi và tôi cầm khăn thì Long Nhị đã đổi tráo con xúc xắc để giở trò ăn gian. Tôi không phát giác ra gì hết, lau mặt xong, vứt khăn vào khay, tôi quay lại lấy sức lắc con xúc xắc ba lần rồi đổ ra xem, còn may, điểm số khá lắm.

Đến lượt Long Nhị, Long Nhị đặt mặt có số bảy lên trên, hắn đập mạnh một cái, hét to:

- Bảy điểm.

Con xúc xắc đó ở trong rỗng và được đổ đầy thủy ngân, khi Long Nhị đập mạnh, thủy ngân chìm xuống dưới, nhặt lên mà đổ thì phía dưới nặng, tất xúc xắc vẫn dừng ở mặt số bảy. Tôi đưa mắt nhìn con xúc xắc, quả là bảy điểm, đầu óc tôi ù đi, lần này thì thảm bại rồi. Sau đó lại nghĩ, đằng nào cũng có thể ghi nợ, để đấy sau này thế nào cũng có cơ hội thắng được, thế là lại thấy nhẹ đầu óc đi, tôi đứng dậy nói với Long Nhị:

- Hãy cứ ghi lại đi.

Long Nhị khoát tay bảo tôi ngồi xuống, hắn nói:

- Không thể ghi thêm vào sổ nợ của thiếu gia nữa rồi, thiếu gia đã thua sạch cả hơn trăm mẫu ruộng, nếu ghi nữa, thiếu gia lấy gì mà trả?

Tôi nghe xong, đang ngáp dở, lập tức dừng lại giữa chứng, vội nói:

- Không có lẽ, không có lẽ.

Long Nhị và hai chủ nợ nữa liền đem sổ nợ ra, mồm năm miệng mười tính tính toán toán, Long Nhị vỗ vỗ vào cái đầu tôi đang ngó cuốn sổ, nói với tôi:

- Thiếu gia, nhìn rõ chưa nào? Đây toàn là thiếu gia ký tên điểm chỉ cả đấy.

Tôi mới biết là nửa đầu năm tôi đã nợ họ rồi, nửa cuối năm lại thua sạch cả điền sản của tổ tông rồi. Tính toán khoảng một nửa, tôi nói với Long Nhị:

- Thôi đừng tính nữa.

Tôi nhấc mình đứng lên, rời khỏi Thanh lâu như một con gà rù. Lúc đó trời đã sáng rõ rồi, tôi đứng giữa đường phố, chẳng còn biết mình nên đi đâu nữa. Có một người quen xách chiếc làn đựng đậu phụ, nhìn thấy tôi, cất giọng oang oang gọi:

- Đi đâu sớm thế, thiếu gia nhà họ Từ.

Tiếng gọi làm tôi giật nảy mình, tôi đứng ngây người nhìn người nọ. Anh ta tủm tỉm mà rằng:

- Trông thiếu gia kìa, thành ra “bã thuốc” mất rồi.

Anh ta lại còn tưởng tôi đã bị bọn đàn bà kia nó bòn rút, nó làm cho ra bã đấy, anh ta nào biết tôi đã phá sản rồi, tôi đã nghèo chẳng khác gì một người đi làm mướn hết.